Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.115
123.144.836
 
Cỏ Hát Tìm Nhau
Vương Hà

Vu vơ cỏ. Vu vơ nắng. Nhờ có cỏ xanh mà nhìn nắng mềm hơn. Nhưng Miền thậm tệ ghét cỏ. Bởi, túp nhà nhỏ của hai mẹ con Miền dựng nép ở cuối làng, luôn bị chìm lấp trong rất nhiều cỏ mọc. Cỏ càng mọc um xùm tốt tươi thì túp nhà nhỏ của mẹ con Miền nhìn càng thêm mong quạnh, buồn hiu. Thấy con gái ghét cỏ, mẹ già thở dài bảo Miền: "Phận mẹ con mình cũng có khác gì những cỏ cây ngoài kia đâu".

 

Mẹ Miền đàn bà goá làm thuê mò cua bắt ốc nuôi con. Miền xấu gái, da ngăm đen, mình lép xẹp, lại thất học không biết chữ nên đã qua cái tuổi 30 mà vẫn ở vậy. Gái quê độ tuổi này chưa lấy được chồng sẽ bị coi là ế già, "hâm". Thế nên, như bao cô gái nhỡ thì khác, Miền được gọi gán thêm chữ "hâm". Miền "hâm".

 

Ở làng trên thì có Lẫm điên. Từ khi được sinh ra Lẫm cũng lớn lên phổng phao, trai tráng khoẻ mạnh bình thường. Nhưng rồi số trời đày đọa, tai hoạ bỗng dưng ập đến. Buổi hôm đó, Lẫm đang đi khơi dẫn nước vào ruộng thì bắt gặp con trâu điên đang đuổi húc một đứa trẻ. Không quản nguy hiểm, Lẫm lao ra chặn trâu điên cứu người. Con trâu đang cơn say máu, mắt đỏ ngầu màu tiết. Sức người làm sao đọ được sức trâu điên. Nó lao ào thẳng tới, húc hất bổng Lẫm bay lên cao, rơi văng mạnh cắm đầu xuống đất. Lẫm bị chấn thương nặng, phải đưa đi viện cấp cứu. Mạng người giữ lại được, nhưng ảnh hưởng của chấn thương thì không tránh khỏi, bắt đầu từ đấy Lẫm bị điên ngẩn ngẩn ngơ ngơ, chỉ còn như một thứ cỏ cây biết di động. Cha Lẫm vì thương con, đâm ra phiền lòng ốm nặng rồi mất. Còn mẹ Lẫm, từ ngày con điên, chồng mất, nom già thêm đi hàng chục tuổi.

 

Lẫm điên nhưng tính tình lành lắm, ai hỏi bắt chuyện thì chỉ có cười tủm tỉm. Cả làng đều thương, từ trẻ đến già, không bao giờ có ai nỡ trêu chọc Lẫm.

 

Mùa lúa chín. Miền lên làng Lẫm làm thuê gặt lúa. Gặt giữa nắng chiếu chang chang, áo thấm sẫm mồ hôi ướt mướt. Giữa khoảng thời gian nghỉ của cánh thợ gặt, Miền thường chuyện trò cùng với chị dâu của Lẫm. Biết hoàn cảnh của Miền, lại nghĩ thương em chồng điên dại nhưng hiền lành như cục đất, nên trong đầu chị dâu Lẫm bất ngờ nảy bật ý định: Hay là hỏi cô Miền về làm vợ cho chú Lẫm.

 

Chị dâu Lẫm kể cho Miền nghe chuyện trong nhà, rồi nửa bông đùa nửa thật hỏi Miền có sẵn lòng làm chị em dâu với mình không? Chị hỏi, nhưng không dám hy vọng nhiều, và nghĩ, chắc Miễn sẽ từ chối làm vợ người điên. Nào ngờ, Miền cúi mặt, vừa đưa tay phủi bùn bám chân, vừa trả lời:

- Chị để em về hỏi ý mẹ em đã!

 

Thấy Miền nói vậy, chị dâu Lẫm khấp khởi mừng thầm. Tan buổi việc đồng, về tới nhà là chị kể ngay cho mẹ chồng hay. Ngồi quanh mâm cơm tối hôm đó, mọi người trong gia đình ai cũng râm ran bàn đến chuyện lấy vợ cho Lẫm.

 

Miền về nhà hỏi ý của mẹ thật. Mẹ Miền ban đầu định cản con gái, đời thưở ai lại đi chấp nhận lấy chồng điên. Nhưng rồi bà đắn đo nghĩ lại, cảnh nhà nghèo hèn chẳng bằng ai, nên thôi không cản.

 

Mẹ Miền than thầm: Thôi cũng đành! Nhà mình phận đũa mốc, phận ăn mày, sao dám đòi chòi những chỗ mâm son để gắp xôi gấc, con ơi! Vả lại, bà nghĩ tiếp, thằng Lẫm bị điên nguyên do cũng là bởi xả thân cứu người, không phải điên di truyền, nên mình mà ngăn cản thì cũng thật tội nghiệp cho nó, tội nghiệp cho cả con gái mình mất đi cơ hội có được tấm chồng để đỡ mang tiếng.

 

Vậy là mẹ bảo Miền:

- Tuỳ con quyết định thôi, lấy chồng điên có khổ chắc cũng không thể khổ hơn cảnh mẹ con ta bây giờ!

 

Được Miền đồng ý, mẹ Miền không phản đối, gia đình Lẫm theo lệ làng làm đủ thủ tục, soạn hai lần lễ trầu cau, chè thuốc đem sang nhà Miền dạm ngõ và ăn hỏi. Lúc đem lễ sang nhà Miền, còn có cả một tá trẻ con họ hàng nhà Lẫm đi theo. Đứa chạy lon ton phía trước. Đứa dắt tay Lẫm. Đứa vừa nhảy chân sáo vừa reo, làm rộn cả quãng đường đi từ làng trên xuống làng dưới.

 

Sau lễ ăn hỏi đúng một tuần, đám cưới được diễn ra, cả làng trên làng dưới đến dự đông ồn ào, mọi người đều rất vui, nói cười rôm rả. Riêng mẹ Miền thì âm thầm ngồi thu lu ở một góc, tâm trạng xúc động vui buồn lẫn lộn. Điều này cũng rất dễ hiểu. Bà vui vì con gái từ nay danh nghĩa đã có tấm chồng, lại được nương dựa vào một gia đình mà bà biết họ là người tốt. Còn bà buồn vì rồi đây sẽ phải thui thủi một mình trong túp nhà nhỏ, mỗi lần nhìn ra ngoài chỉ thấy cỏ dại vây bốn xung quanh. Nhưng rồi chắc bà sẽ quen dần cảnh thui thủi một mình thôi, con gái nhà ai mà chẳng đến lúc phải lấy chồng, dọn đến ở nhà chồng làm bổn phận dâu con. Làm sao bà có thể giữ con gái lại ở bên mình cả đời. Thế nên, bà chỉ mong sao, sau khi lấy chồng rồi, thỉnh thoảng vào những lúc nhãng rỗi công việc, thì con gái không quên tranh thủ rẽ ù về thăm, luyên thuyên cùng vài câu để cho bà đỡ nhớ.

 

Nhà cưới thêm con dâu, Mẹ Lẫm bảo phải dành căn buồng rộng nhất cho đôi vợ chồng mới. Bà rất mong sớm có cháu nội để bế bồng. Thế nhưng, Miền làm vợ mà không có đêm hạnh phúc động phòng. Đêm đầu tiên nằm xuống cạnh Miền là Lẫm ngủ ngay như đứa trẻ ngoan. Còn đối với Miền, giấc ngủ cứ cố tình lảng xa không tìm đến, giả vờ ngủ cũng không xong, càng nằm càng thấy bải hoải mỏi mệt. Mặc để Lẫm ngủ, Miền vục dậy khỏi giường, rón rén đi ra ngoài, không dám cử động mạnh, sợ làm phiền người nhà thức giấc. Ra đến bên ngoài, Miền lẳng lặng ngồi bệt xuống thềm hiên, hứng làn gió đêm cho đỡ cảm giác mệt mỏi. Từ phía cánh đồng đang thì lúa non thổi tạt tới những làn gió cái, mát đến rợn người, vậy mà Miền vẫn thấy bức nóng hầm hập.

 

Việc Miền thức không ngủ được, Mẹ Lẫm biết hết. Người già bao giờ cũng thính ngủ. Bà ngần ngừ định dậy ra ngoài hiên ngồi với con dâu, song rồi lại thôi. Bà ngại, khi ra ngồi đấy, không biết nói gì, lại chỉ toàn nói những điều linh tinh vớ vẩn không nên nói. Như vậy, khác gì đổ thêm dầu vào để chữa lửa. Bất giác, bà đưa tay lên rụi mắt, ứa gan ruột thương con dâu số khổ. Bà xót xa đoán: Chắc nó đang ngồi ngoài đó gục đầu ôm mặt khóc thầm?

 

Người già vốn thường hay nghĩ ngợi, đêm thiêm thiếp trôi qua, mẹ Lẫm thao thức mất ngủ cùng con dâu tội nghiệp.

 

Rồi đêm thứ ba, thứ tư và những đêm tiếp theo nữa vẫn vậy, nằm xuống cạnh Miền là Lẫm ngủ ngay. Miền hụt hẫng chán nản, tuy nhiên lòng vẫn cháy nỗi khát khao mong có đứa con. Có con, cho dù phải vất vả cực nhọc đến mấy, Miền cũng sẽ cố gắng nuôi con học hành tử tế, không để con phải chịu cảnh thất học mù chữ như mẹ nó.

 

Lại tiếp đêm trằn trọc. Miền dùng tay thử lay, nhưng Lẫm vẫn nằm im không cựa quậy. Miền rịn mồ hôi căng thẳng, toàn thân ngột ngạt nóng bừng tựa như bốc hoả. Lẫm đã thế thì Miền phải chủ động, vượt qua nỗi e dè ngượng ngập vốn có của người con gái. Miền hồi hộp thở, luồn tay ôm từ phía sau lưng, lập cập đưa tay sờ tìm gốc rễ đàn ông trên người Lẫm. Miền run rẩy khi sờ chạm phải gốc rễ đàn ông trên thân thể người chồng điên, nó cũng nguyên vẹn hình thù như của bao người đàn ông khác. Lẫm đang nằm nghiêng, Miền kéo lật xoay ra nằm ngửa. Lẫm vẫn mê miết trong cơn ngủ, chỉ khẽ cựa người, miệng buột thốt vài âm thanh u ơ như đang nói mơ. Bản năng xui bảo, Miền nắn, Miền vuốt, Miền xoa, Miền mơn, mọi động tác của Miền vụng về nhưng thật nhẹ nhàng. Gốc rễ đàn ông của Lẫm từ từ cương lên cứng ngắc. Miền lặng lẽ rơi nước mắt, rồi ngồi hẳn lên phía trên mình Lẫm, người Miền nhẹ bâng, dập duyềnh làm con sóng nhỏ, hoà nhập phần mềm dưới cơ thể mình vào Lẫm. Dòng sông đêm như thể dừng lại ngưng trôi. Từ giây phút này, Miền thực sự chính thức làm đàn bà, làm vợ.

 

Sau những đêm vợ chồng, hạt mầm sống đã được gieo vào đất ủ. Miền bắt đầu nghe ngóng, chờ đợi sự đổi thay trong cơ thể. Thế rồi điều diệu kỳ như mong đợi xuất hiện, Miền đậu thai, ngôi thai trong dạ dần to khiến bụng Miền lùm lùm chật căng sau áo. Mẹ chồng của Miền hạnh phúc, đi đâu cũng khoe, đôi mắt già đục mờ của bà một phần sáng long lanh trở lại. Chị dâu thì bắt Miền chỉ được quanh quẩn ở nhà làm giúp những công việc nhẹ, việc nặng đồng áng chị nhất định không cho Miền động tay vào. Quác quác, mấy mái gà đẻ của nhà Lẫm thay nhau mỏi miệng kêu mất trứng. Những quả trứng của chúng đều đã được đem dùng để tẩm bổ thêm sức cho Miền. Mẹ Lẫm còn bắt xe lên tận thị xã để cắt thuốc nam dưỡng thai cho con dâu. Người ta bảo, "gái một con nom mòn con mắt", Miền mới chỉ sắp là gái một con thôi mà da dẻ đã hồng hào nhuận sắc, nom mỡ màng như hạt thóc mẩy.

 

Đủ tháng đủ ngày, Miền sinh con gái. Oe, oe! Bé há miệng khóc vang nhà, mắt nhắm tịt chưa thèm nhìn xung quanh. Quấn che tã lót xong, bé được giao đưa cho bà nội ẵm. Bà nội ẵm bồng cháu đỏ trên tay, miệng sung sướng xuýt xoa nựng, nặng, nặng lắm. Chỉ vài ngàn gờ ram thôi mà nặng ư? Ừ, phúc may mắn cả đời dồn hết vào cháu tôi xin thử hỏi làm sao không nặng?

 

Nghe tin Miền sinh con, người cả hai làng tới thăm đông. Quà đem biếu có rất nhiều thứ quả vườn nhà trồng được, chuối, na, cam, xoài, hồng,… Lẫm hết đi ra lại đi vào, cứ thế ngẩn ngơ nhìn mọi người rồi tủm tỉm miệng cười. Mọi người mỉm cười đáp lại. Họ mừng cho Lẫm.

 

Mẹ Miền cũng vội tất tả xách giỏ đựng trứng gà sang thăm cháu ngoại. Bà đi tắt theo lối nhỏ mọc bời bời cỏ dại để tới làng trên, chân bà bước thoăn thoắt giữa những mơn man cỏ đùa, ngờm ngợp nắng chiếu. Bà không hề cảm thấy mệt vì nắng. Đúng là nhờ có cỏ xanh mà nắng mềm hơn./.

Vương Hà
Số lần đọc: 1532
Ngày đăng: 26.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Châu long - Trần Yên Hòa
Hồi chuông tắt lửa - Thế Nguyên
Đi với những thứ li ti - Vũ Lập Nhật
Cát Trắng Bạc Đầu - Trần Quang Phong
Tiệm thịt con vẹt - Nguyễn Quốc Vương
Một Lần Li Hôn - Trần Minh Nguyệt
Một Thuở Tạo Sơn - Quý Thể
Đổ Giàn - Đặng Phú Phong
Xác ướp - Nguyễn Quốc Vương
Dỗi - Huỳnh Văn Úc
Cùng một tác giả
Kẻ Cầu Mưa (truyện ngắn)
Ám Ảnh Đất (truyện ngắn)
Cỏ Hát Tìm Nhau (truyện ngắn)
Đêm Sương Trôi Rơi (truyện ngắn)
Hoa Núi Biên Thùy (truyện ngắn)