Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.210
123.152.034
 
Những đóa mẫu đơn
Đặng Phú Phong

Nắng xế mùa thu khiến bóng của hàng dâm bụt cao qúa đầu người làm tối đi gương mặt nhăn nheo của ông Nghè Trì đang rảo bước vào cổng. Ông xô nhẹ cánh cửa cũ kĩ, xiêu vẹo đóng không kín nhà ngõ. Tiếng kêu của cánh cửa làm con Mực đang thiêm thiếp ở hàng ba, vụt dậy, phóng chạy ra, cất tiếng sủa nhưng nhận ra người quen, nó gừ gừ mấy tiếng rồi quẫy đuôi dẫn khách vào nhà. Bà Huân cũng vừa gánh đôi thúng gạo bước ra khỏi cửa dưới, vội vã để gánh xuống vái trả cái vái chào của ông Nghè, nói:

– Chào chú Nghè, ông nhà đang đợi chú, mời chú vào. Tôi phải đi giao gạo cho họ bây giờ kẻo không kịp về tối chú ạ.

– Dạ, em xin phép chị.

 

Nghè Trì bước qua hàng ba, chợt dừng lại để lắng nghe tiếng ngâm thơ cũa ông Huân đang khe khẽ vang lên:

 

Đội gạo những buồn cơn nắng xế

Mài gươm thêm thẹn bóng trăng tà.

 

Chờ cho giọng buồn buồn ấy rơi hút vào cái tĩnh mịch của căn nhà lá mái đã mục nát, Nghè Trì mới xô nhẹ cửa bước vào. Ông Huân đang ngồi xếp gối, rung đùi nhènhẹ trên bộ ván gõ đen láng bóng. Trước mặt ông Ià chìếc khay trà. Ông ngửa chén, vừa rót trà vừa bảo:

 

 - Chú ngồi xuống uống trà. Bà ấy bán buôn khổ cực cũng không nuôi nổi nhà. Anh em mình đem thân phò nước cũng chẳng ra làm sao cả. Thẹn qúa đi chú!

 

Ông Nghè tháo đôi giày hạ, ngồi đối diện anh, im lặng nâng chung trà thấm giọng. Ông nhìn kỹ ông anh mình. Chỉ lớn hơn ông một tuổi và với tướng mạo khôi ngô, trán cao miệng rộng, nên từ nhỏ đển lớn, ngay trong thời gian tám chín năm trốn tránh trong rừng sau khi khởi nghĩa thất bại, ông Huân lúc nào cũng trông trẻ hơn ông. Nhưng từ hồi chú em Nguyễn Thúc Mân mất rồi kế đến thân phụ của hai ông qua đời, ông Huân bỗng già mau lên một cách dễ sợ.

 

Cụ Tú Nguyễn Khuê có bốn người con theo thứ tự là Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Thúc Mân và Nguyễn Quý Luân. Cả năm cha con đều tài cao học rộng, giới sĩ phu hâm mộ thường sánh họ với họ Tô thời Tống. Nghè Trì rất kính phục ông anh, cả thơ văn lẫn cách sống. Năm mười lăm tuổi Bá Huân làu thông Ngũ Kinh Tứ Truyện, thành thạo các thể thơ, phú, văn sách,  kính nghĩa... Vốn không màng danh lợi, nhưng vì nể gia đình, ông đã vác lều chỏng đi thi ba lần và đều hỏng cả ba khoa, chán, định bỏ hẳn. Mọi người cố ép, ông phải đi thì lần nữa. Nhưng lần nầy ông không  mang lều chiếu, chỉ xách theo một bầu rượu, đi thẳng vào Thập đạo, lãnh giấy bút, làm bài một hơi thì xong, rồi rót rượu, vừa uống vừa đọc lại. Càng đọc càng cao hứng, vỗ đùi đôm đốp, bảo rằng "Văn hay như thế này mà để quan trường khuyên thì uổng qúa." Nói xong liền hạ bút khuyên. Đọc một câu, thưởng một chén, khuyên một khuyên. Quyển bị khuyên đẩy thì người cũng say mèm và... hỏng thi.

 

Nghè Trì thường bảo với mọi người "Cái cuồng ngông của anh ta không dễ ai có thể cuồng được. Cái cuồng ấy sánh với Sở cuồng Tiếp Dư." Tự thấy cách sống của mình thua hẳn Bá Huân về sự thẳng thắn, khẳng khái nên Trọng Trì  luôn luôn kính cẩn trước lời anh "Không nói thì thôi, đã nói thì nói cho có biển có nguồn". Vợ Trọng Trì không có con, gia đình khuyến dụ cưới vợ bé cho ông. Bà không chịu, Trì nghe theo, gia đình cố ép, bà mới đứng ra cưới cho ông một người con gái xinh đẹp và có học. Thế là Trọng Trì đâm ra mê mệt với bà hai. Bà cả nổi ghen bắt phải bỏ, Trọng Trì bấm bụng nghe theo. Việc này làm Nghè Trì xấu hổ với Bá Huân lắm. Nhưng  việc khiến Nghè Trì xấu hổ nhất đối với ông anh là việc ông lặng thinh trước cái chết của Quản trấn Trần Tân.

 

Năm Ât Dậu, quân Pháp chiếm kinh thành Huế, vua Hàm Nghi bỏ chạy ra Quảng Trị, xuống hịch Cần Vương. Hường Lô Đào Doãn Địch phụng chiếu về Bình Định khởi nghĩa. Bá Huân, Trọng Trì và Quý Luân tham gia ngay. Chỉ ít lâu Sau Đào Doãn Địch bị bệnh nặng, giao binh quyền lại cho Mai Xuân Thưởng rồi mất. Mai Xuân Thưởng cử Nguyễn Trọng Trì chức Hiệp Trấn cùng trấn thủ thứ Hương Sơn với hai người là Tham Trấn Vũ Phong Mậu và Quản Trấn Trần Tân. Thứ Hương Sơn là một nút chặn đường tiến quân của Pháp ở hướng Bắc của căn cứ, tương đổi yên ổn hơn mặt Nam. Việc canh phòng lại thuộc phần Quản Trấn Trần Tân, nên Trọng Trì và Phong Mậu rảnh rỗi nhiều, cứ rủ nhau uống rượu đánh cờ. Năm Bính Tuất quân Pháp kéo đến tấn công căn cứ theo mạn Nam, giết chết tướng phòng thủ nơi đó. Quản Trấn Tân đang đi tuần hay tin vội vã về dinh. Đến nơi thẩy Trọng Trì và Phong Mậu đang uống rượu đánh cờ. Giận qúa ông lớn tiếng xách cờ, rượu của hai ông ném quách. Tham Mậu hô quân vây bắt, Quản Tân đánh với bọn lính nhưng đông quá nên không chống lại, bị bắt.

 

Tham trấn Mậu buộc tội Quản trấn Tân là phản loạn truyền đem chôn sống. Hiệp trấn Nguyễn Trọng Trì im lặng để cho Tham Mậu tùy ý hành động không nói một lời. Đến khi Mai Xuân Thưởng hay tin, cho người phi ngựa tới đào lên, Quản trấn Tân đã ra người thiên cổ. Khi Bá Huân biết chuyện nầy giận lắm không thèm nhìn mặt Trọng Trì liền mấy tháng.

 

*

Hai anh em bước ra khỏi cổng với y phục tuy đã sờn cũ nhưng thật chỉnh tề. Người nào cũng giày hạ, quần trắng, áo the đen, đội khăn xếp, vác dù và quấn quanh cổ chiếc khăn lông dài. Bá Huân nhìn mặt trời rồi nói:

– Trời hôm nay tốt qúa, ta cứ thong dong vẫn đến kịp giờ hẹn với Đào công chú ạ.

– Anh ạ, cho đến giờ phút nầy em vẫn còn hồ nghi trong dạ. Liệu Đào công có thực bụng hoan hỉ mà viết thiếp mời anh em mình đến xem hoa mẫu đơn nở hay là...

 

Đào Công muốn chơi khăm một vố gì đây để trả thù những lời mắng của em lúc hay tin ông ta từ chối tham gia vào phong trào Văn Thân. Nếu không thì giữa anh em mình và ông ta chưa một lần gặp gỡ sao lại mời mọc như bậc thượng khách trong khi từ vai vế đến tuổi tác anh em mình chỉ là kẻ nhỏ mọn, hậu sanh?

– Chú nghĩ vậy coi bộ không đúng. Ta với chú đã từng bình những bài thơ của Mai Tăng và vô cùng khâm phục tài hoa của ông phổ lên từng câu từng chữ. Bài thơ nào cũng toát lên cái đẹp của một đóa hoa thanh khiết, cái dũng của một đấng anh hùng. Một người đã làm cặp đối như thế nầy thì không thể có cái tiểu tâm được. Ông Huân dừng chân, quay người nhìn Nghè Trì rồi cất giọng ngâm nga:

 

Tùy xứ khôi hài, Mạ Thiên Tiên bản sắc

Phùng trường tác hý, Hoan Hỷ Phật tiền thân.

 

Ngâm xong ông tiếp tục bước, hắng giọng rồi nói tiếp: 

- Hơn nữa, cái tuồng Hộ Sanh Đàn đã làm ta và chú khóc, cười, ái, nộ theo từng hồi. Nó là một bổn tuồng kiệt tác từ văn chương đến tư tưởng.

 

Nghè Trì sửa cái khăn lông cho khỏi chật cổ rổi tiếp lời:

 - Anh nhắc đến Hộ Sanh Đàn làm em nhớ hôm nọ em giảng giải với mấy đứa học trò, em xin thuật lại cho anh nghe. “Hộ Sanh Đàn không phải  là "đàn đỡ đẻ". Chính là cái đàn vô hình mà Hộ Sanh Sứ Giả bước lên để nhận  lệnh đi giúp đỡ Lan Anh đang chuyển bụng. Vì sao phải nhọc sức thần linh như vậy? Chính vì đứa bé trong bụng kia là quí tử do cha trung dũng, mẹ tiết nghĩa tạo ra.

 

Đào công xây dựng nhân vật Tiết Cương và Lan Anh có đủ đức trung nghĩa tiết dũng để gián tiếp bảo rằng: "Đứa bé sanh ra sẽ là một anh tài của đất nước, một hy vọng của tương lai". Dụng ý của Đào công rất sâu: Không phải Tiết Cương cứu nguy được nhà Đường, mà chính làTiết Quì. Đời cha mẹ gieo nhân, đời con hái quả. Ông muổn nói với chúng ta: "Thế hệ này chưa lấy lại được nước non Hồng Lạc, xin hy vọng ở đám hậu sinh”. Do vậy Đào công nhấn mạnh ở việc sanh đẻ và lấy ba chữ Hộ Sanh Đàn đặt tên cho tuồng. Tuồng này nếu hát ở vùng Nghệ thì Tiết Nghĩa là hình ảnh của Cao Ngọc Lễ, tên phản sư phản quổc. Nếu đem hát ở vùng Quảng Nam, Bình Định thì Tiểt Nghĩa sẽ là hiện thân của tên Nguyễn Thân khốn kiếp.”

 

 

Nghè Trì bật cười khi chợt nhớ hôm đi coi tuồng Hộ Sanh Đàn, ông đã đánh cái trống chầu suýt bể  và cười ha hă khi nghe câu hát:

 

"Bảo cho, nễ khả, thằng thân hạ mã, thúc thủ lai hàng”.

và:

"Như ngươi chừ: Hết cậy thế xông đồ phá trận. Biểu cho:  Phải cam lòng hạ mã thằng thân cho rồi ".

 

Ông lẩm bẩm:

"Hay qúa, đã quá.Thằng thân hạ mã, chữ nho là trói mình xuổng ngựa còn nói nôm là thằng Thân hãy xuống ngựa đầu hàng đi".

 

Bá Huân không hiểu cái cười của em nên đưa mắt hỏi. Nghè Trì chợt thẩy mình còn vẻ trẻ con trước mặt anh nên vội nín cưỡi và nói khác đi:

 - Mình rảo bước một chút đi anh kẻo trễ.

 

Đến Hương Thảo Thất trời đã chạng vạng tối, hai anh em sửa soạn y phục cho tề chỉnh rồi mới gọi cổng. Cửa nhà ngõ xịch mở, người nô bộc khom mình bái chào.

 

Chưa kịp đáp lễ, hai anh em đã thoáng thấy Đào Tấn xuất hiện. Dáng khoan thai, chững chạc, vừa vuốt chòm râu trắng xóa vừa cười khà khà nói:

 - Nhị vị huynh đệ thật đúng hẹn, xin rước nhị vị vào tệ thất. Đào Tấn lách người một bên, đưa tay ra dấu mời.

 - Ấy chết, Đào công xin đừng làm thể, huynh đệ chúng tôi chỉ xin được nối gót ngài.

 

Bá Huân vội vã lên tiếng rồi bước ra phía sau Đào công đứng chờ. Ông không ngờ đích thân Đào công ra tận cổng đón hai anh em ông. Dù đã về hưu nhưng Đào Tấn đã là quan Thượng Thư và hai anh em ông, dưới mắt triểu đình chỉ là những kẻ phản loạn.

 - Cùng là kẻ sĩ với nhau chấp gì chút lễ nghi chật chội. Xin mời huynh đệ đánh một vòng nhìn nước ao sen mùa thu, xem mẩy gốc mai cằn, rồi ta sẽ vào nhà hàn huyên cho phỉ tình mong đợi.

 

Nói xong Đào Tấn ung dung từng bước hướng dẫn anh em họ Nguyễn. Hai bên tả hữu của cổng chính đều là ao sen. Tuy đã vào thu nhưng hoa sen vẫn chưa tàn hết, thấp thóang trong đám lá sen già những bông sen vụt cao lên, trắng xóa trong cái tối nhờ nhờ, để sáng ngày mai khai hoa nở nhụy. Mùi hương sen thật nhẹ, thật thoang thoảng, nhưng mọi người đều ngửi được, nên lồng ngực cứ muốn căng ra hít cái mùi hương huyền dịu quý giá ấy. Trong ao, người nô bộc đang nhẹ nhàng, cẩn trọng vạch từng lá sen để chèo một chiếc thúng, chốc chốc lại dừng bên những búp sen vừa chớm hé. Ông ta dùng một ngón tay khe khẽ thò vào chỗ hé của búp Sen từ từ xoay vòng tròn để miệng sen há to đủ cho ông bỏ nhúm trà mộc vào rồi cũng thật khẽ khàng lấy sợi dây bằng bẹ chuối khô thắt gút lại. Tinh mơ sáng hôm sau ông ta lại cũng thật nhẹ nhàng, cẩn trọng chèo thúng đến từng cái hoa, cũng rẩt khẽ khàng mở dây buộc, 1ấy từng nhúm trà ẩy ra, cho Đào công pha với nước sương đọng trên lá sen, tinh hoa của trời đất đêm qua. Tất cả việc buổi tối bỏ trà, buổi sáng lấy trà trong hoa sen, ông đều làm hết sức cẩn thận vì Đào công luôn luôn nhắc nhở: “Hưởng được hương vị hoa sen là hưởng được ân sủng của trời đất, làm hư cái sự nở của hoa là làm hư sự thăng hoa của tạo hóa. Ông phải luôn luôn dè chừng không làm hư thứ tự sắp xếp của cánh hoa, để ngày mai hoa sẽ còn góp mặt với đời.” .

 

Đào Tấn nhìn Nghè Trì, giọng vui vui:

– Tiếc là trời hôm nay thiếu gió, nếu không mình sẽ cùng thấy mặt Nhan Uyên.

 

Trong lòng Nghè Trì nhoi lên một niềm vui rộn ràng pha chút hảnh diện. Thì ra Đào công đã chú ý tìm hiểu về ông khá nhiều. Lúc ra Huế chờ nhận chức, ông có dịp quen với Tôn Thẩt Đạm và Tôn Thất Thiệp. Một hôm Đạm đọc cho ông nghe vế xuất của vua Tự Đức mà quần thần chưa ai đối được:

 

"Thủy trích bích tường sanh Khổng Tử.

 

(Nước nhỏ xuống chân tường sinh ra những giọt nước cử động. Khổng Tử  là tên Đức Khổng Tử vừa có nghĩa là giọt nước không đứng yên một chỗ).

 

Đang tìm câu đối, bỗng nhìn thấy gió thổi lá sen, để lộ mặt hồ nước trước nhà trọ, chữ nghĩa vụt như trước mặt, ông liền đối ngay:

 

“Phong xuy hà diệp kiến Nhan Uyên "

(Gió thổi lá sen nhìn thấy mặt hổ. Nhan Uyên vừa là tên ông Nhan Uyên, học trò của Khổng Tử vừa có nghĩa là mặt hồ.)

 

Cả ba bắt đầu dạo quanh vườn mai. Mai trồng thành từng ô vuông, khắng khít với nhau bằng những cành khẳng khiu như củi mục nhưng tiềm chứa sức mạnh chống chọi với thời gian bằng vô số chiếc lá xanh lục khiến anh em họ Nguyễn như lạc vào chốn rêu xanh cổ tích. Chợt Trọng Trì kêu lên, giọng sôi nổi:

 - Anh ạ, cái cành kia đẹp quá, cái thế của nó tựa như một con rồng đang vùng vẫy, em nghĩ khi xuân về, những bông hoa mai nở viền quanh sẽ điểm cho nó cái thần khí để bay vút lên mây.

 - Ông Nghè giàu tưởng tượng hỉ ! Thôi đã tối trời, chúng ta vào nhà dùng chén rượu tẩy trẩn.

 

Cửa chính mở rộng, chiếc đèn tạ đăng tỏa sáng khắp nhà, Soi rõ bức hoành  phi treo trên gian giữa ba chữ Hương Thảo Thất bay lượn nhẹ nhàng như hương thơm của cỏ lững lờ giữa không gian. Bên trái của bức hoành là hàng chữ đứng: Thành Thái Ât Vị Xuân, góc mặt là hai chữ Mai Tăng nhỏ bé, khiêm nhường.

 

Chủ khách vừa ngồi xuổng ghế, lập tức người nô bộc bưng khay rượu ra, trên 1à một bình Mai Quể Lộ. Tự tay Đăo Tấn rót rượu ra chén ân cẩn mời khách:

- Vân Sơn nổi tiếng một nhà năm người tài hoa sánh với gia đình họ Tô thời Tống. Hôm nay được gặp gỡ hàn huyên cùng nhị huynh đệ lão rất vui mừng. Chúng ta cạn vài chung rượu rồi xin dùng cơm đạm bạc, sau đó sẽ đến tiết mục chính của bữa tao ngộ hôm nay.

 

Bá Huân một tay nâng chén rượu, tay kia vin tay áo the đen, tỏ vẻ cung kính nói:

 - Dạ, Đào công qúa khen chứ bốn anh em chúng tôi: Mắt không nhìn tới nổi ngọn Linh Phong, tài chưa bén cổng làng Vinh Thạnh. Vừa mới mãn tang gia phụ năm ngoái, mà lòng vẫn không hết thẹn với cha già là chưa làm tròn những điều gia huấn. Còn nỗi niểm đẩt nước cứ canh cánh bên lòng khiến huynh đệ chúng tôi sống như ở trên dầu sôi lửa bỏng. Riêng Huân này, sở học ít oi, thô thiển nên không tiếc việc hỏng thi. Lòng chỉ muốn hòa nhập vào mây trời lãng đãng mà nhàn du với cỏ nội hạc ngàn. Tiếc thay nước nhà gặp cơn bỉ, đành đem thân mà trải, những mong trả được lộc trời, nhưng rồi chẳng cưỡng nổi mệnh thiên, nên vô cùng tâm đắc với hai câu Nam ở cuối tuồng Diễn Võ Đình qua nhân vật Triệu Khánh Sanh mà Đào công đã phóng bút:

 

Tấm thân liều gửi cung dâu

Đố con tuấn mã biết đâu là nhà.

 

Huân này mạo muội nghĩ rằng Đào công cũng đã từng trở trăn, thống thiết như Huân vậy. Bao lâu nay đã nghe nức tiếng Tiểu Linh Phong Mai Tăng, cũng như thưởng thức hàng hàng cẩm tú của Mộng Mai Tiên Sinh, hôm nay lại được đối ẩm với ngài quả là muôn vàn hân hạnh.

 

Nghè Trì cũng đứng dậy nghiêng mình thi lễ tiếp lời anh:

 - Thưa Đào công, tiểu đệ từ ngày bỏ được rừng xanh, về nhà có thì giờ, sính đọc những áng văn chương trác tuyệt của ngài, nhất là hôm đi coi tuồng Hộ Sanh Đàn. Văn chương cũng như bố cục đều thật là cao sâu, từng câu từng chữ của vở tuồng thấm tận đáy lòng của tiểu sinh. Khiến lòng này không khỏi thẹn khi nhớ lại chuyện ngày xưa vì qúa nông nổi, chưa biết phân chia hư thực. Lòng dặn lòng có dịp thì xin được tạ tội thất lễ với Đào công. Sau lần đọc xoug bổn tuồug Thái Thạch Cơ, tiểu sinh vô cùng xúc động nên có làm hai bài tứ tuyệt, tiện đây xin dâng tặng Đào công nhàn lãm:

 

Quốc loạn anh hùng bất tác thi

Tùng quân ngự địch lập công thì

Thiên an khởi thị thư sinh nguyện

Hoàn ngã hà sơn khả định kỳ.

 

Thái Thạch Cơ biên nô lãng hào

Thôn Ngưu hùng khí vạn tầng cao

Viên môn dạ lập quan Kim trận

Vũ tuyết phân phân mã chiến  bào.

 

Đào Tấn nghe hai bài tứ tuyệt xong, tấm tắc khen:

- Văn quả là người.Tài hoa, khí tiết, có cả uất khí xông tận trời cao. Trả lại núi sông cho ta có thể hẹn kỳ là trung nghĩa. Và, đêm đứng nhìn trận giặc Kim, tuyết rơi bời bời trên áo giáp, thực quả là thanh lệ vô cùng. Chao ôi, thơ của ông Nghè thực là Thổn tâm thiên cổ.

 

Đến giờ thưởng hoa, chiếc bàn ăn được dọn đi, thế vào là một cái đôn thấp bằng sứ Bát Tràng và cái án thư để bày bộ trà. Hai người tráng đinh khiêng một chậu hoa to nặng nề, đặt trên cái cáng đan bằng tre, khệ nệ bước qua hè nhà rộng, rồi rất cẩn thận đặt lên chiếc đôn bóng láng.

 

Chiếc chậu sứ da rạn chạy chữ trìện quanh miệng trông rất mỹ thuật. Cây Mẫu Đơn khá lâu năm, cao gần thước tây, cành lá sum suê. Điều làm anh em họ Nguyễn vô cùng thích thú là hoa. Hoa thật nhiều, thật tràn trề, trên cùng khắp các nhánh. Đa số đều nở. Màu trắng thật tinh khiết, thật đôn hậu. Những cánh hoa dày, chắc chắn, giống như những cánh Trà Mi, xếp tròn thành nhiều tầng chung quanh chùm nhụy vàng phơn phớt sang cả. Mùi thơm của hoa Mẫu Đơn thật nhẹ nhàng quyến rũ, thoang thoảng  của mùi hoa lài lẫn chút đậm đà của nàng hoa bưởi. Không gian im hơi, cả ba thinh lặng, tất cả như bị đắm chìm trong cái không khi nửa huyển hoặc nửa thăng

hoa toát ra từ cây Mẫu Đơn tuyệt mỹ. Cả Bá Huân và Trọng Trì đồng thanh bụột miệng “Vương giả chi hoa" rổi sau một thoáng  nhìn nhau, cả hai lại cùng rơi vào im lặng. Hương đã gây mùi nhớ, trà giục khan giọng tình. Giọng Bá Huân trầm trầm cất lên như vang từ chốn mê cung xa vắng:

- Nhớ xưa nàng Dương Quí Phi là một trong Tứ Đại Giai Nhân của Trung Hoa được Đường Minh Hoàng vô cùng yêu quý, tận tay háì một đóa hoa Mẫu Đơn cài vào tóc nàng. Người đương thời cho rằng hoa Mẫu Đơn xứng đáng được kể cận với Quí Phi. Giờ tận mặt thấy hoa bèn trộm nghĩ rằng, nên nói ngược lại là Dương Quí Phi xứng đáng được mang hoa Mẫu Đơn trên tóc. Để tạ

lòng Đào công đã đoái tưởng, Huân nầy xin được múa rìu trước cửa Lỗ Ban. Xin cho một mảnh hoa tiên để được trổ chút tài hèn mọn.

 

Bá Huân tiếp giấy bút từ người nô bộc, cúi gập người xuổng án thư, lấy ngọn bút lông chấm xuống nghiên mực do người lão bộc vừa mài. Tay ông thoăn thoắt, đá, phảy, đưa lên, ngoặc xuổng, trong thoáng chốc đã xong một bài tứ tuyệt:

 

Hý khúc ngô châu trứ giả đa

Tranh hồng đấu tử tổng nhàn hoa

Mẫu đơn nhất  đóa quần phương chủ

Khả tỷ Đào công đại bái gia.

 

Đào Tấn kê mảnh hoa tiên sát bên ánh tạ đăng, nheo mắt đọc. Vừa xong, ông vuốt râu, thảng thốt kêu mấy lượt "Hay a, Hay a". Ông lấy giấy ra phóng bút họa ngay một bài:

 

Văn tinh tụ chiếu ngã châu đa

Từ uyển hân chiêm mỹ lệ hoa

Hồng hạnh bích đào giai tuyệtsắc

Quần phương các hữu tại chư gia.

 

Viết xong ông đưa cho Bá Huân và nói:

 - Xin đa tạ nhã ý của ông, văn hay chữ tốt, nhưng lão thật tình không dám được ví như hoa Mẫu Đơn là chúa các loài hoa. Chỉ thiết nghĩ rằng hoa hạnh, hoa đào cũng là tuyệt diệu và  đều có trong mỗi nhà. Hơn nữa, cái tiết tháo của Mẫu Đơn đã bao trùm thiên hạ, dám quay lưng ngoảnh mặt trước lời phán bảo của Võ Tắc Thiên. Đìều đó lão luôn để trên đầu, sánh lão với hoa Mẫu Đơn chỉ làm lão muôn phần hổ thẹn thôi ông Huân ạ!

 

Đã gần đến nửa khuya, anh em họ Nguyễn đứng dậy xin kiểu từ. Đào Tấn hết sức cầm ngủ lại, hai ông càng hết sức chối từ. Nguyễn huynh đệ dắt nhau  ra về dưới sương khuya. Ra khỏi khu vườn thuộc Hương Thảo Thất, Bá Huân  dừng lại bảo với em:

– Chú Trì ạ, tôi rất đồng ý với chú hồi chiều, khi chú nói cái dụng ý sâu xa của Đào công qua bổn tuồng Hộ Sanh Đàn. Thế hệ mình chưa thể lấy lại non nước, chỉ hy vọng vào đám hậu sinh thôi, chú ạ!./.

Đặng Phú Phong
Số lần đọc: 2064
Ngày đăng: 26.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Châu long - Trần Yên Hòa
Hồi chuông tắt lửa - Thế Nguyên
Đi với những thứ li ti - Vũ Lập Nhật
Cát Trắng Bạc Đầu - Trần Quang Phong
Tiệm thịt con vẹt - Nguyễn Quốc Vương
Một Lần Li Hôn - Trần Minh Nguyệt
Một Thuở Tạo Sơn - Quý Thể
Đổ Giàn - Đặng Phú Phong
Xác ướp - Nguyễn Quốc Vương
Dỗi - Huỳnh Văn Úc