Cách đây mấy hôm, một bà bạn của tôi, một người rất yêu sách hay, sách đứng đắn, và vì rỗi rãi, bà thường xuyên theo dõi các sách mới ra đời ở các nhà sách lớn, để thấy có gì hay thì lập tức thông báo cho bạn bè, nhất là cho tôi, người mà bà đánh giá là yêu sách không kém gì bà. Bà đã gọi điện thoại cho tôi và bảo tôi: “Anh sang ngay nhà sách ở ngay cạnh nhà anh mà mua một cuốn sách nói về báo chí vì tôi tin rằng anh sẽ thích lắm. Sách này nằm trong bộ sách gọi là 100 câu hỏi đáp về Gia định - Saigon - TP Hồ Chí Minh, loại “nhà báo tốc hành” như anh mà được cuốn này thì chẳng khác gì được vàng!” Bà gọi đùa tôi là nhà báo tốc hành vì biết cứ mỗi tháng tôi lại phải lo cho ra mắt một bản tin của CLB Sách Xưa và Nay mà tôi làm Chủ nhiệm.
Bỏ máy điện thoại xuống, tôi liền hộc tốc sang nhà sách Hà Nội ở ngay cạnh nhà tôi và tìm thấy cuốn sách một cách dễ dàng và mua nó ngay, không một giây do dự.
Cầm cuốn sách trên tay, trong lòng tôi rất vui vì sách trình bày khá đẹp, gọn, với một bìa cứng rất dễ thương, và chỉ cần nhìn thấy hình ba phụ nữ trong một trang bìa của Phụ Nữ Tần Văn và hình của một số báo Nam Kỳ Tuần Báo trên bìa cuốn sách tôi cũng đã thấy thích quá.
Tôi có thói quen là mỗi khi gặp một cuốn sách mà mình thích, TÔI LIỀN NGƯNG NGAY TỨC KHẮC TẤT CẢ MỌI CÔNG VIỆC ĐANG LÀM ĐỂ ĐẾN VỚI CUỐN SÁCH. Sở dĩ tôi có thể làm như vậy, vì tôi may mắn là NGƯỜI ĐƯỢC TỰ DO KHÔNG LÀM VỚI AI KHÔNG BỊ MỘT RÀNG BUỘC CƯƠNG TOẢ NÀO, LÚC NÀO THÍCH LÀM THÌ LÀM, LÚC NÀO THÍCH CHƠI THÌ CHƠI, mà chơi của tôi tức là đọc sách.
Lòng tràn ngập niềm vui, tôi bắt đầu lần giở các trang sách…
Nhưng than ôi, vừa lật tới trang 12 của cuốn sách 370 trang, niềm vui của tôi bỗng tắt ngấm mất 1/3 khi thấy trên có một trang sách (trang 12) mà các tác giả và người biên tập đã để lại tới 6 lỗi mà tôi xin lượt đưa ra dưới đây:
1/ Dòng 6 từ trên xuống:
Bulletin Officicel l’Expedition de la Cochinchine
Đúng ra phải là
Bulletin Officiel de l’Expédition de la Cochinchine (Chữ “Officiel” bị đánh thành “Officicel”, chữ “de” bị bỏ quên, và chữ “e” trong từ “Expédition” không có dấu sắc).
2/ Dòng 9 từ trên xuống:
Năm 1864 phát hành tờ Courierde
Đúng ra phải là
Năm 1864 phát hành tờ Courrier de
Chữ Courrier bị tịch thu mất một chữ “r” và được viết dính liền với chữ “de”)
3/ Dòng 11 từ dưới lên:
Chambre de Saigon và ở dòng trên chữ Bulletin de la
Nếu tôi nhớ không lầm thì phải là
Bulletin de la Chambre de Commerce de Saigon (1) chứ nếu chỉ là Bulletin de la Chambre de Saigon, thì không phải là Phòng Thương Mại Sài Gòn mà là Phòng Nhà Săm Sài Gòn thì hơi ướt át đấy.
4/ Dòng 11 và 10 từ dưới lên:
Bulletin de la Direction de la l’Intériteur
Đúng ra phải là
Bulletin de la Direction de l’Intérieur
(Chữ l’Intérieur đã được viết thành l’Intériteur và thừa chữ “la”)
(1) Hoặc là Phòng Canh Nông (hay là Nông Nghiệp như tiếng gọi bây giờ và Kỹ Nghệ (Chambre d’Agriculture et d’industrie)
5/ Dòng 9 từ dưới lên:
Journal Officil de l’Indochine
Đúng ra phải là
Journal Officiel de l’Indochine (chữ “e” trong chữ Officiel bị tịch thu)
6/ Dòng 8 từ dưới lên:
Bulletin de la Societé des Études Indochinoise
Đúng ra phải là
Bulletin de la Société des Études Indochinoises (Trong chữ Société chữ “e” ở trên không có dấu sắc và chữ Indochinoise không có “s”, xin xem trang minh hoạ số 5)
Ngay lúc này những người viết sách của ta thường coi những lỗi để lại trên sách là “chuyện nhỏ”, và như vậy là sách lãnh đủ và sách, nếu có hồn, tất sẽ rất buồn và những người yêu sách như tôi cũng phải buồn lây. Thực ra trong những sách vở đứng đắn, số lỗi càng ít bao nhiêu thì càng quý bấy nhiêu, và càng tỏ ra trân trọng người đọc bấy nhiêu. Các người viết cần phải xem đi xem lại bản thảo, còn về phía người biên tập và sửa bản in thì cần phải có một trình độ ngoại ngữ kha khá để có thể tìm ra những hạt sạn to đùng như vậy.
Tuy bị mất 1/3 sự hào hứng, tôi vẫn kiên nhẫn đọc tiếp phần nói về báo Bách Khoa ở Sài Gòn cũ nơi các trang 240 tới 243. Sở dĩ tôi đọc kỹ vì tôi là một trong những người trước và sau Giải Phóng vẫn thường có mặt ở toà soạn tờ báo này ở số 160 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu). Vào trước ngày Giải Phóng, địa chỉ này là một dạng khách thính của Sài Gòn cũ mỗi ngày vẫn quy tụ nhiều nhà văn, nhà báo, nhà thơ như các ông: Khai Trí (Nguyễn Hùng Trương), Vương Hồng Sển, Nguyễn Minh Hoàng, Như Phong, Lê Thanh Thái, Nguyễn Quốc Thắng và bà Minh Quân, v.v. và tôi. Chủ nhân là ông Lê Ngộ Châu, và ông Châu này mới THỰC SỰ LÀ NGƯỜI ĐIỀU HÀNH VÀ LÀM TỜ BÁCH KHOA TỪ ĐẦU CHO TỚI SỐ CUỐI LÀ SỐ 426. Ông Châu được coi như một ông Lưu Bị trong làng báo Sài Gòn cũ và là người quy tụ được rất nhiều cây viết cho tờ báo mà ông phụ trách. Ô. Huỳnh Văn Lang chỉ là người mua lại giấy phép và đã giao cho ông Lê Ngộ Châu điều hành và vừa làm chủ nhiệm kiêm chủ bút luôn. Ông Hoàng Minh Tuynh chỉ cộng tác viết bài vào lúc đầu mà thôi. Tuy nhiên tôi KHÔNG HIỂU SAO TRONG TOÀN BÀI VIẾT VỀ BÁO BÁCH KHOA ÔNG LÊ NGỘ CHÂU KHÔNG HỀ ĐƯỢC NHẮC TỚI, như vậy có công bằng không?
Đọc xong bài về báo Bách Khoa, sự hứng thú của tôi chỉ còn lại 1/3, và tôi đã viết bài này để mong các người viết, khi nào tái bản thì điều chỉnh lại mấy vấn đề trên cho đúng với văn phạm, đúng với sự thật. Mong lắm thay.