JOSHUA S. GOLDSTEIN, Foreignpolicy, bài cho số tháng 9 và 10/ 2011
http://www.foreignpolicy.com/articles/2011/08/15/think_again_war
Joshua S. Goldstein là giáo sư danh dự về quan hệ quốc tế tại Đại học Tổng hợp Hoa Kỳ và là tác giả của Thắng cuộc chiến tranh về chiến tranh: Sự giảm xung đột vũ trang trên toàn thế giới
1
"Thế giới ngày nay là nơi nhiều bạo lực hơn trước?"
Không hề. Đầu thế kỷ 21 dường như ngập trong những cuộc chiến tranh: Những cuộc xung đột ở Afghanistan và Iraq, những trận đánh trên đường phố ở Somalia, người Islamist nổi dậy ở Pakistan, những vụ tàn sát ở Congo, những chiến dịch diệt chủng ở Sudan. Nhìn chung, ngày nay đánh nhau diễn ra liên miên trong 18 cuộc chiến tranh trên khắp toàn cầu. Công luận nghĩ về chiều hướng này như một thế giới nguy hiểm hơn bao giờ hết: trong cuộc điều tra ý kiến cách đây mấy năm, 60 phần trăm người Mỹ coi chiến tranh thế giới thứ ba là có thể xảy ra. Những hy vọng cho một thế kỷ mới là ảm đạm thậm chí trước cả những cuộc tấn công ngày 11 tháng Chín 2001 và hậu quả đẫm máu của nó: nhà khoa học chính trị James G. Blight và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara hồi đầu năm ấy cho rằng chúng ta có thể đợi thấy trên toàn thế giới trung bình mỗi năm 3 triệu người chết vì chiến tranh trong thế kỷ 21.
Cho đến nay chúng vẫn chưa kết thúc. Thật ra thập kỷ vừa qua đã thấy số người chết vì chiến tranh ít hơn bất kỳ thập kỷ nào khác trong vòng 100 năm qua, dựa trên những số liệu do các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, Bethany Lacina và Nils Petter Gleditsch, biên soạn. Trên toàn thế giới những cái chết gây ra bởi bạo lực trực tiếp liên quan đến chiến tranh trong thế kỷ mới trung bình là 55.000 người một năm, chỉ bằng nửa con số những năm 1990 (100.000 người mỗi năm) một phần ba con số của chiến tranh lạnh (180.000 mỗi năm từ 1950 đến 1989) và một phần trăm trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Nếu bạn tính đến sự tăng dân số toàn cầu, trong thế kỷ qua tăng gần gấp bốn lần, thì sự giảm tỉ lệ còn mạnh hơn nữa. Khác xa với một thời đại chém giết vô chính phủ, hai mươi năm sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt đã là một thời đại tiến bộ nhanh chóng đạt tới hòa bình.
Xung đột vũ trang đã giảm phần lớn bởi vì xung đột vũ trang đã thay đổi về cơ bản. Những cuộc chiến tranh giữa các nước thù địch lớn gần như đã biến mất cùng với Chiến tranh Lạnh, mang đi theo chúng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khủng khiếp. Ngày nay những cuộc chiến tranh du kích không cân sức có thể là khó trị và hiểm ác, nhưng chúng sẽ không bao giờ còn tạo ra những gì giống như cuộc bao vây Leningrad. Cuộc xung đột cuối cùng giữa hai cường quốc lớn, Chiến tranh Triều Tiên, thật sự đã kết thúc cách nay gần 60 năm. Cuộc chiến tranh khủng bố kéo dài liên tục giữa hai kẻ thù truyền kiếp, Ethiopia và Eritrea, đã kết thúc cách nay một thập kỷ. Ngay cả các cuộc nội chiến, mặc dầu là tai họa dai dẳng, cũng ít thường xuyên hơn so với trong quá khứ; năm 2007 ít hơn một phần tư so với năm 1990.
Nếu thế giới cho ta cảm giác có nhiều bạo lực hơn thực tế, vì rằng chính nó có nhiều thông tin hơn về chiến tranh – chứ không phải có nhiều cuộc chiến tranh hơn. Những cuộc chiến và những tội ác chiến tranh xưa kia ở những nơi xa xôi thì nay thường xuyên xuất hiện trên TV và trên màn hình máy tính của chúng ta, và ít nhiều gần với thời gian chúng xảy ra trong thực tế. Máy ảnh trên điện thoại di động đã biến các công dân thành những phóng viên trong nhiều vùng chiến sự. Những qui phạm xã hội về việc tạo ra cái gì từ những thông tin ấy cũng đã thay đổi. Như nhà tâm lý học Steven Pinker đã nhận xét, "Việc giảm hành vi bạo lực diễn ra song song với sự suy giảm trong thái độ dung túng hoặc tôn vinh bạo lực," do đó chúng ta thấy tính hung bạo ngày nay – dù đã mềm đi bởi những tiêu chuẩn lịch sử - như những dấu hiệu về cách hành xử của chúng ta đã tụt xuống thấp đến thế nào, không phải những tiêu chuẩn của chúng ta đã được nâng lên đến mức nào."
2
"Nước Mỹ đang đánh nhiều cuộc chiến tranh hơn bao giờ hết"
Đúng và không. Rõ ràng là Hoa Kỳ đã bước vào một tình trạng chiến tranh kể từ sự kiện11/9, với một cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn ở Afghanistan đã vượt qua Chiến tranh Việt Nam như cuộc xung đột dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, và cuộc chiến tranh chặn trước ở Iraq tỏ ra còn kéo dài hơn, đẫm máu hơn và tốn kém hơn chờ đợi của bất cứ ai. Cộng thêm sự can thiệp hiện tại của NATO vào Libya và những cuộc xâm phạm của máy bay không người lái vào Pakistan, Somalia, và Yemen, và không có gì đáng ngạc nhiên rằng chi phí quân sự của Mỹ đã tăng lên hơn 80% theo giá thực trong thập kỷ qua. Với 675 tỉ $ năm nay, nó đã cao hơn 30% so với cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Nhưng mặc dầu những cuộc xung đột của thời kỳ sau ngày 11/9 có thể dài hơn những cuộc xung đột của các thế hệ trước, chúng cũng nhỏ hơn nhiều và làm chết ít người hơn. Một thập kỷ chiến tranh của Mỹ kể từ 2001 đã giết chết khoảng 6.000 người so với 58.000 ở Việt Nam và 300.000 trong Thế Chiến II. Mỗi cuộc đời mất đi vì chiến tranh là tổn thất quá lớn, nhưng những cái chết ấy phải được nhìn trong bối cảnh: Năm ngoái số người Mỹ chết do ngã từ trên giường xuống nhiều hơn trong tất cả các cuộc chiến tranh của Mỹ cộng lại.|1|
Và cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan đã diễn ra trong bối cảnh đóng cửa các căn cứ và rút bớt nhân viên ở các nơi khác trên thế giới. Việc tăng tạm thời quân số Hoa Kỳ ở Nam Á và Trung Đông, từ 18.000 lên 212.000 từ năm 2000 đi ngược với việc rút vĩnh viễn gần 40.000 quân khỏi châu Âu, 34.000 khỏi Nhật Bản và Nam Triều Tiên, và 10.000 khỏi châu Mỹ Latin trong thời kỳ này. Khi các lực lượng Mỹ về nhà từ những cuộc chiến tranh hiện tại – và một số lớn họ sẽ về trong tương lai gần, bắt đầu từ 40.000 lính từ Iraq và 33.000 từ Afghanistan vào năm 2012 – số lính Mỹ được triển khai trên toàn thế giới sẽ ít hơn bất kỳ thời gian nào kể từ những năm 1930. Tháng Sáu Tổng thống Barack Obama đã đúng khi ông nói "Cơn thủy triều chiến tranh đang rút xuống."
3
"Chiến tranh đã man rợ hơn đối với dân thường?"
Khắc nghiệt hơn. Tháng Hai 2010, một máy bay không kích của NATO bắn trúng một ngôi nhà ở quận Marja của Afghanistan, giết ít nhất chín thường dân trong ngôi nhà đó. Tấn thảm kịch đó đã kéo theo lời buộc tội và tạo nên tin tức, dẫn đến chỉ huy tối cao của NATO trong nước này phải xin lỗi Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai. Phản ứng này cho thấy rõ chiến tranh đã thay đổi như thế nào. Trong Thế Chiến II, quân đồng minh ném bom giết hàng trăm nghìn dân thường ở Dresden và Tokyo không phải do tình cờ, mà là một vấn đề chiến thuật; Đức, tất nhiên, giết hàng triệu dân thường. Và ngày nay khi dân thường gặp nguy hiểm, thì có nhiều người lo lắng cho họ hơn. Số tiền nhân đạo chi cho việc sơ tán tính theo đầu người đã lên theo giá thực từ 150 $ vào đầu những năm 1990 đến 300$ vào năm 2006. Tổng số viện trợ nhân đạo quốc tế đã tăng từ 2 tỉ $ năm 1990 lên 6 tỉ $ năm 2000 (theo tuyên bố của các nước viện trợ) và 18 tỉ $ năm 2008. Đối với những người bị kẹt trong cảnh giao tranh, chiến tranh ngày nay đã nhân đạo hơn trước.
Tuy nhiên nhiều người vẫn khăng khăng cho rằng tình hình là ngược lại. Chẳng hạn, các công trình có căn cứ vững chắc về gìn giữ hòa bình trong các cuộc nội chiến (công trình được giải thưởng của Roland Paris Vào lúc kết thúc chiến tranh và Chiến tranh và Xây dựng Hòa bình của Michael Doyle và Nicholas Sambanis) cũng như những báo cáo tiêu-chuẩn-vàng về xung đột từ Ngân hàng Thế giới và Ủy ban Carnegie về Phòng ngừa Xung đột Chết người, cho chúng ta biết 90 phần trăm những người chết trong các cuộc chiến tranh ngày nay là thường dân trong khi mười phần trăm là quân đội – nghịch đảo với cách đây một thế kỷ và "một dấu chỉ độc ác về sự biến dạng của xung đột vũ trang" cuối thế kỷ 20, như nhà khoa học chính trị Kalevi Holsti diễn tả.
Tất nhiên là độc ác – nhưng may mắn là nó không đúng. Huyền thoại này xuất phát từ Báo cáo Phát triển con người của LHQ năm 1994, nó đã hiểu sai công trình mà nhà nghiên cứu Thụy điển Christer Ahlström đã làm năm 1991 và ảnh hưởng nguy hại của chiến tranh vào đầu thế kỷ 20 được cô đúc lại một cách ngẫu nhiên với số người chết, bị thương và phải tản cư nhiều hơn nhiều ở cuối thế kỷ 20. Một phân tích thận trọng hơn năm 1999 của nhà nghiên cứu William Eckhardt cho thấy tỉ lệ quân đội chết so với dân thường là 50-50, như trong nhiều thế kỷ (mặc dầu có sự khác nhau giữa các cuộc chiến tranh). Nếu bạn không may là một dân thường trong một vùng chiến sự thì tất nhiên những thống kê này không dễ chịu cho lắm. Nhưng trên quy mô toàn thế giới, chúng ta đang có tiến bộ trong việc giúp cho những người dân thường bị hại vì chiến tranh.