Dù không phải quê nội tổ, ngoại tổ nhưng do việc phát hành báo từ hơn ba năm qua và gần đây lại thêm việc khai thác bảo hiểm nên mỗi tháng một đến hai lần tôi lại có dịp đến Ba Tri. Đi lại nhiều lần nên tôi có lắm cơ hội quen người quen cảnh ở đây. Phàm ở đời cái gì trở nên quen thuộc gần gũi dễ gây cho người ta sự nhàm chán, xem thường. Nhưng với cảnh nhà ở Ba Tri với cây rơm, chuồng bò phần nhiều được dựng ngay ở phía trước sân đã đọng lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Đưa thắc mắc này ra, tôi nhận được nhiều câu trả lời khá lý thú. Người thì bảo rằng như vậy bò sẽ khó bị trộm hơn. Có người lại bảo do rơm đâu thì bò đó cho tiện... Chuyện rơm lửa xưa nay ai cũng đã biết rồi. Dẫu sao để "phòng chống cháy nổ" (cả nghĩa đen nghĩa bóng và hữu ích từ trong nhà cho đến cả xóm làng) thì xem ra cây rơm được chất phía trước nhà người ta vẫn an tâm hơn. Có lý!
Nhưng có lẽ để luận một cách dân tộc và truyền thống hơn ta nên trở lại với quan niệm xa xưa của người Việt mình: Dĩ nông vi bản.
Từ căn bản nghề nông vốn thật thà chất phác ấy nên nông dân mình xử lý tình huống hết sức thiết thực trong phong cách sống và làm việc. Họ chẳng hề bận tâm đến việc chiếm đoạt mặt tiền. Sân mình mình dùng: dùng làm bãi cho trâu bò cộ lúa về, để đạp lúa, phơi lúa, chất rơm... Vì họ sợ chiếm của mình riết rồi quen tay, đây rồi không khéo lai chiếm luôn cả công lộ. Nhà mình mình ở, vừa thoáng mát với không gian rộng rãi nên thơ phía trước vừa dễ dàng mãn mục với thành quả chính đáng do công sức lao động mình đã bỏ ra rồi trầm ngâm ngẫm ngợi về những dự tính tốt đẹp cho tương lai... Ờ, con Hai con Ba ở nhà cũng đã đến tuổi cài trâm rồi...
Thì thôi, rơm chất ở đâu thì bò ra ở đó cho tiện. Cứ thế mà đưa bò ra sân. Có ít đưa ít, có nhiều đưa nhiều, có bao nhiêu đem ra trình làng hết bấy nhiêu. Sống lâu, sống thật mà nên giàu chớ có phải của phi nghĩa đâu mà sợ. Chẳng việc gì phải sợ, chẳng việc gì phải giả đò đi chiếc phượng hoàng nam cà tàng trong khi người ta có hàng triệu triệu đô-la!
Tiền hiền nào khai cơ, hậu hiền nào khai nghiệp? Nên cơ nên nghiệp này ai lại chẳng mừng. Vì đâu? Chẳng phải vì "con trâu là đầu cơ nghiệp" đấy ư? Cơ nghiệp ai lớn, ai nhỏ nhìn vào biết ngay, không cần phải đợi đến đổ bể ra rồi điều tra xét hỏi gì cả. Rất mừng, rất vui khi hình ảnh này hiện tồn ở Ba Tri không phải là ít.
Bò! Bất kỳ từ ngã nào đến Ba Tri người hình ảnh người ta dễ bắt gặp nhất sau con người chính là con bò. Từ huyện Thạnh Phú đi đường thủy sang An Hiệp vốn là xã nghèo giáp biển của Ba Tri hay từ Bình Đại vượt sóng biển đến An Thủy (Tiệm Tôm) người ta vẫn cứ bắt gặp con bò. Dẫu không phải là những xã mạnh về chăn nuôi nhưng An Hiệp vẫn có đàn bò 530 con, An Thủy 562 con. Đó là chuyện nhỏ. Những xã nuôi bò nhiều như Phú Lễ, Tân Xuân, An Hòa Tây, An Bình Tây, Mỹ Chánh... lên đến ba, bốn ngàn con. Đến như xã mới thành lập như Tân Mỹ cũng có được 1.000 con bò. Những hộ nuôi từ năm, mười con ở đây không phải là ít, như anh Đoàn Văn Dùng, Hà Văn Tuấn, Nguyễn Văn Việt, Lê Văn Thường... Cá biệt như anh Nguyễn Văn Hồng đã lập ra một trang trại hẳn hoi với 0,6 ha đất trồng cỏ nuôi đàn bò 18 con.
Để dễ hình dung đàn bò Ba Tri ta thử so sánh: là một huyện trên bảy đơn vị trong toàn tỉnh mà đàn bò Ba Tri đã chiếm 38.000 con trên tổng số 70.000 con thì đủ biết người Ba Tri mặn mòi và thủy chung với con bò tới cỡ nào. Hay nói cách khác thì hiện nay ở Ba Tri cứ khoảng 5,2 người dân tương ứng với một con bò.
Là con vật lành tính dễ nuôi, lợi nhuận cao và nhất là có khả năng tích lũy được vốn lớn để bước đầu khởi nghiệp nên truyền thống nuôi bò đã hình thành ở Ba Tri từ rất lâu và đều khắp. Kinh nghiệm nuôi bò của nông dân Ba Tri vì vậy rất phong phú. Chính các vị phụ trách ở Sở Nông nghiệp, Trung tâm giống gia súc gia cầm và Trung tâm khuyến nông tỉnh cũng phải thốt lên nhìn nhận điều đó.
Chính nhu cầu về sức kéo phục vụ cho nông nghiệp vốn có từ xa xưa đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy đàn bò Ba Tri sớm được lai tạo. Từ con bò sẻ nhỏ con truyền thống qua nhiều thế hệ chúng đã được chuyển hóa dần thành con bô lai do được phối với con bô hay còn gọi là con u. Giống bò cỏ hiện nay hầu như không còn. Con bô to lớn thường được dùng để kéo xe chở hai, ba tấn hàng nhưng người Ba Tri vẫn chưa bằng lòng. Khuynh hướng hiện nay là người ta tiếp tục lai tạo để cho ra giống bò lai sin, bò sin Zébu để lấy thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Có lẽ không nơi nào ở Bến Tre kể cả hai huyện duyên hải có điều kiện địa lý tương tự Ba Tri như Bình Đại, Thạnh Phú lại có nhiều con giồng rộng và cao ráo nằm xen đều giữa những cánh đồng lúa khiến cho sản xuất nông nghiệp ở đây hết sức cân đối. Giữa lúa và màu, giữa trồng trọt và chăn nuôi - Trong đó con bò chiếm tỉ trọng lớn. Và trong điều kiện đó dịch vụ vận tải do con bò đảm trách cũng phát triển phục vụ nhu cầu tái sản xuất mở rộng. Dù không còn nhiều như năm, mười năm trước nhưng xe bò Ba Tri cũng còn khoảng 120 chiếc.
Rõ ràng do truyền thống chăn nuôi bò đã khiến người Ba Tri tỏ ra rất điệu nghệ trong việc chọn giống. Theo nông dân Ba Tri bò tốt phải là con bò dài đòn cao lớn, sẫm màu không đốm, yếm cổ (hay còn gọi là lá phướng) dài thòng sâu, đuôi càng dài càng tốt. Chưa thôi! Bò tốt là con bò có lưỡi đen, khóe miệng sâu, xoáy trán xoáy lưng phải đúng... "số sườn số máy', bò đóng xoáy quét tức sụt về phía sau xem như mất năm ba trăm ngàn như chơi. Và bò tốt phải là con bò ăn tạp. Thật vậy, có những con bò còn ăn được cả cỏ nước mặn.
Theo nhiều nông dân Ba Tri các tiêu chuẩn để chọn bò như xưa đến nay xem như đã lỗi thời vì nhu cầu về bò xe không còn nhiều, chủ yếu chỉ là nuôi bò để khai thác thịt. Tuy nhiên kinh nghiệm chọn bò cái với xương chậu phải rộng, 4 vú phải đều, dài vẫn còn nguyên giá trị khi người dân Ba Tri đã hình thành ý tưởng khá độc đáo là sẽ cung cấp con giống cho các tỉnh thành bạn có nhu cầu nuôi bò sữa.
Trước thế mạnh vốn có của con bò ở Ba Tri nên chính quyền, các ban ngành và đoàn thể của tỉnh, huyện đã lập nhiều dự án, đề án để hỗ trợ bà con phát triển đàn bò trong toàn huyện một cách đồng đều bền vững. Sở Nông nghiệp đã triển khai dự án nâng chất lượng đàn bò thịt với 68 con, nhằm mục tiêu đưa tỉ lệ thịt lên 55 - 60% so với 40 - 50% như hiện nay. Trung tâm giống gia súc gia cầm tỉnh với dự án gieo tinh nhân tạo cho bò, heo cũng đã mở lớp huấn luyện chuyên viên thú y tại chỗ từ tháng 6/2003 cho 26 người. Đến nay đã gieo được 537 liều tinh, đã cho ra đời 36 bò con, số còn lại bò mẹ đang mang, đạt tỉ lệ 50%. Khác với heo, thời gian để bò thụ trứng từ lúc lên giống chỉ kéo dài vài giờ đồng hồ. Thế nên bước đầu đạt tỉ lệ 50% như trên là rất đáng khích lệ. Hy vọng dự án này sẽ giúp nông dân Ba Tri thỏa mãn với ý tưởng cung cấp bò sữa cho các nơi khác.
Một dự án nữa với hơn 600 triệu đồng của phòng kinh tế huyện cũng đang được triển khai thực hiện ở xã An Hiệp cùng hai đề án khác đang được hoàn thành. Phòng kinh tế huyện sẽ hỗ trợ xây dựng đề án, sơ kết tổng kết, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Với đề án một ở An Đức bằng nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách. Và đề án Hai với hai mươi triệu kinh phí cho công tác gieo sinh nhân tạo cho tất cả các hộ dân nuôi bò trong toàn vùng dự án.
Dự án tiếp nối dự án. Dù qui mô chưa lớn lắm nhưng rõ ràng đây là những dấu hiệu đáng mừng cho nông dân Ba Tri: Dự án Highfer với 30 bò lai sin, rồi dự án của Hội Phụ nữ tỉnh, của đoàn thanh niên, hỗ trợ từ 8 - 15 triệu/con giống, cộng thêm hai trăm ngàn xây dựng chuồng, cả hạt giống đủ cho diện tích 300m2 đất, thuốc thú ý, gieo tinh nhân tạo... Và nghe đâu hội cựu chiến binh huyện cũng đang rục rịch vào cuộc.
Phong trào chăng? - Ờ thì phong trào. Người mình vốn nhạy cảm với phong trào và lao đao lận đận bao phen cũng vì phong trào. Đến như "trào tôm" hiện nay "có cơ quan còn dám thuê cả ruộng muối của dân - vốn là đất trước đó luôn được xử lý bằng thuốc độc để khử mấy con tèng heng thường tạo ra những hang hốc trên nền ruộng - để nuôi tôm. Chết chắc! Lỗ bạc tỉ đó anh à". - Anh Nguyễn Văn Lượng, một doanh nhân ở Ba Tri thốt lên như vậy.
Không ngờ do tình cờ người viết được tiếp chuyện với anh và bắt gặp ở đây sự đồng cảm:
- Anh nói sao chớ con tôm không phải là chuyện thời sự đang "Phi Lạc náo Hoa Kỳ" đó chăng?
Anh cười khà khà trả lời:
- Hỏng rồi! "Mười thằng đi học chín thằng... hư". Tôi xin lỗi Tú Xương và xin lỗi cả những người nuôi tôm. Anh không tin hả? Thì cứ kiểm tra lại mà xem. Mười người nuôi tôm được mấy người thắng. Người người nuôi tôm, hộ dân nuôi tôm rồi đến cả các cơ quan Nhà nước cũng nuôi tôm.
Nhà doanh nghiệp có vẻ hơi quá đáng và hơi cáu trước thế mạnh kinh tế của Ba Tri nhưng hình như anh có lý khi tiếp tục dẫn giải:
Tôi không hề có ý ruồng rẫy nghề nuôi tôm, lại càng không dám phủ nhận giá trị kinh tế do con tôm mang lại nhưng tôi không khoái với kiểu đầu tư mù quáng đến "tàn hại cả... môi trường cây cỏ" như hiện nay. Chỉ có trời mới biết con tôm sẽ được bắt lên ở vuông nào và được bao nhêu, chớ với tôi con vật căn cơ và đáng đầu tư nhất chính là con bò.
Ý tưởng sẽ thành lập một trang trại 5 ha đất để nuôi chừng 300 con bò đã lóe lên trong anh đã mấy năm nay khi khách hàng đến mua xe, mua máy nổ của anh đa số là nông dân nuôi bò. Lỡ họ có thiếu chút ít tiền anh cũng an tâm, không cần phải ghi nợ của họ vào danh mục "nợ khó đòi".
Anh cụ thể hơn:
- Nhiều người mấy năm trước cha mẹ cho một con bò, cần cù làm ăn nuôi nấng ít năm sau bán bò sắm xe. Giờ có xe cỡi, vò vẫn còn bò! Buôn bán anh thấy vầy chớ cạnh tranh ghê lắm. Tôi thấy rồi, nuôi con tôm lo đủ điều nào đóng cống, xả nước, canh nước xử lý thuốc, thấp tha thấp thỏm trông chừng con tôm hàng giờ... Nó mà hơi đỏ đầu thì mình cũng bạc tóc. Bò mạnh như... trâu! Chỉ có rủi lắm ăn nhằm con nhện hùm mới chết. Lỡ có chết phá xác ra cũng chẳng thua thiệt gì bao nhiêu.
Tôi tin anh Lượng thật lòng và quyết đeo đuổi ý tưởng của mình khi anh đã rảo vô tận Mỹ Hòa, Tân Xuân tìm mua đất nhưng chưa thỏa thuận được giá cả. "Tôi sẽ thuê mười công nhân. Phân bò dư sức trả lương cho họ... Mỗi năm kiếm tỉ bạc nhẹ nhàng không phải lo cạnh tranh với ai". Anh trầm ngâm phác thảo tương lai.
Thương lái trong tỉnh, ngoài tỉnh như Long An, Tiền Giang, Cần Thơ (kể cả nông trường sông Hậu) đều đã đến Ba Tri để tìm mua bò nái, bò thịt và cả bò con về nuôi. Như năm 2003 vừa rồi, thông qua Hội nông dân tỉnh, nông dân huyện Ba Tri đã bán được cùng lúc 500 con nghé.
Cả phân bò ở ba Tri cũng tha hồ lên rừng xuống biển với giá khoảng 200.000 - 250.000 đồng/tấn. Thương lái ở Tây Ninh, Lộc Ninh đều không xa lạ với các tên tuổi vựa phân bò của ông Mười Chót ở Bảo Thuận, bà hai Bìm ở Tiệm Tôm... Cứ đều đặn trên dưới nửa tháng họ lại đánh xe tải về Ba Tri mua phân bò. Hôm tôi về, ngay tại bến tàu chợ Ba Tri con tàu Phước Thành 3 chừng 20 tấn cũng đang nằm lim dim chờ "ăn hàng" vượt biển ra Phú Quốc "lo" cho cây tiêu.
Với giá trị kinh tế hàng năm ước khoảng vài trăm tỉ do con bò mang lại, phong trào nuôi bò ở Ba Tri hiện nay quả đã thực sự hấp dẫn người dân. Nông dân Ba Tri đã phải trồng cỏ từ 4 - 5 năm nay để giải quyết cái ăn cho chúng. Nhiều giống cỏ mới như cỏ sả, cỏ sữa, cỏ Úc, cỏ Pas đã được người ta tìm mua mang về trồng cùng với việc khôi phục giống cỏ Tây lông vốn đã có ở đây từ lâu. Dù dễ nuôi, có thể với sậy non, lúa trời, cỏ nước mặn, thậm chí bò chỉ ăn thuần rơm và uống nước cám vẫn được như thường nhưng rõ ràng với sự phát triển nhanh chóng của đàn bò như hiện nay nhất là ở những xã trọng điểm như Tân Xuân, Phú Lễ, An Bình Tây... người nuôi bò đã bắt đầu gặp khó khăn.
Có mặt nghịch lý đang tồn tại ở Ba Tri là các xã ven biển tiềm năng đất đai còn rất lớn nhưng đàn bò không phát triển được do gặp khó khăn về nước uống vào mùa khô. 20 - 30 lít/con/ngày chớ đâu phải ít. Trong khi những nơi đàn bò phát triển được lại thiếu đất trồng cỏ. Hy vọng khó khăn này sẽ sớm được giải quyết trong một ngày gần đây khi nhà máy nước Tân Mỹ với công suất 3.880 m3/ngày đủ sức cung ứng cho toàn huyện sẽ hoạt động trong năm 2004 này.
Buổi trưa giữa tháng sáu, trời Ba Tri sụt sùi trong cơn bão số 2. Chỉ mình tôi đơn lẻ bên quán cóc trước nhà hát Ba Tri dõi nhìn theo cặp bò đang đủng đa đủng đỉnh kéo chiếc xe đất đi ngang. Và thật bất ngờ tôi chồng khít lên nhau hai quan niệm Đông - Tây: Một bên của tổ tiên với thành ngữ "Con trâu là đầu cơ nghiệp" sau hàng ngàn năm đúc rút từ kinh nghiệm làm nông. Và một bên là câu ngạn ngữ Pháp "Qui va lentement va sur. Qui va surement va loin" -
Ai đi chậm người ấy đi chắc. Ai đi chắc người ấy đi xa.
Con bò Ba Tri dường như đang đứng vững chải trên cả hai quan niệm Đông Tây vẫn còn tươi nguyên giá trị ấy để đủng đỉnh mà trở nên giàu có phồn vinh.
17-6-2004