Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
798
123.366.461
 
Do Đâu Qui Ninh Thành Qui Nhơn Và Diên Ninh Thành Diên Khánh?
Nguyễn Lục Gia

Dưới thể chế phong kiến Đông phương, bằng uy quyền tuyệt đối của thiên tử đối với thần dân, trong cách thức xưng hô trực tiếp hay gián tiếp, một số tên gọi quan hệ đến danh tính của vua chúa hoặc hoàng tộc nhất thiết phải được kiêng dè. Tự tôn quốc huy (những chữ cả nước đương thời phải kiêng) là lẽ đương nhiên, dù rằng mức độ từng triều đại ít nhiều có khác.

 

Họ Nguyễn cát cứ xứ Đàng Trong ở vào một thời điểm lịch sử gặp nhiều bất lợi so với Đàng Ngoài của tập đoàn Lê – Trịnh, như lời chúa Nguyễn Phúc Nguyên năm Canh Ngọ (1630): “Tiên vương [chúa Nguyễn Hoàng] tài trí hơn đời cũng còn phải đi lại thông hiếu. Ta nay nhỏ mọn không bằng tiên vương, đất đai binh giáp lại không bằng một phần mười của Đông Đô [Đàng Ngoài]…” [1]. Vì vậy, trong buổi đầu tập hợp lực lượng và thu phục nhân tài, thái độ ứng xử của tầng lớp lãnh đạo họ Nguyễn phần nào gần gũi với quan dân, chưa có những chế định thành văn rạch ròi mang tính chất triều nghi, khuôn thước.

 

Cùng với thực lực mạnh lên mọi mặt của xứ Đàng Trong, vị thế các chúa Nguyễn cũng ngày càng nâng cao và khẳng định. Nếu như sau chiến thắng Champa năm Qúi Tỵ (1653), mở đất phía Nam đến sông Phan Rang với sự ra đời hai phủ Thái Khang và Diên Ninh, chúa Nguyễn Phúc Tần được “bầy tôi dâng tôn hiệu làm Thái phó quốc công” [1] thì đến năm Qúi Dậu (1693), với sự thu phục hoàn toàn đất đai vương quốc Champa, Nguyễn Phúc Chu được bầy tôi “dâng tôn hiệu là quốc chúa. Từ đấy sắc lệnh đều xưng là quốc chúa” [1]. Sang đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), quy mô cho nghiệp vương đã sẵn đủ, “bèn đúc ấn Quốc vương, gọi phủ ở là điện, đổi chữ thân làm chữ tấu; có văn thư đưa xuống thuộc quốc thì xưng là thiên vương” [2]; lại ứng với lời sấm “Tám đời trở lại Trung đô” nên cho đổi y phục, thay phong tục, định triều phục văn võ, châm chước chế độ các đời… [1].

 

Như vậy, việc “tự tôn quốc huy” chắc chắn là điều không thể bỏ qua vào thời điểm này. “Năm Nhâm Tuất (1742), đổi phủ Qui Ninh làm phủ Qui Nhơn, phủ Diên Ninh làm phủ Diên Khánh” [1]. Vẻn vẹn chỉ mỗi hai danh xưng của hai phủ mới đặt có cùng chữ “Ninh” đã được thay đổi cùng lúc, phải chăng sự kiện hy hữu này có mệnh hệ đến danh tính nhà Vương?

 

Mặc dù việc truy tôn huy hiệu các đời được tiến hành cùng lúc với việc xưng vương vào năm 1744, như sử gia Lê Quế Đường chép lại: “truy tôn tổ là Chiêu Huân Tĩnh công Nguyễn Kim làm tước Vương. Nguyễn Hoàng làm Gia Dụ thái vương (…) Phúc Trú làm Hiếu Ninh vương” [2], song có thể hậu trường đã chuẩn bị từ trước, chỉ chờ lúc hội đủ “thiên thời địa lợi nhân hòa” là trưng diễn ra thôi, giống như kiểu cách xưng vương: “Chúa nhún nhường không chịu nhận. Bầy tôi hai ba lần nài xin, chúa mới theo” [1], bởi từ lúc vừa tiếp ngôi chấp chính (1738), Nguyễn Phúc Khoát đã cho lập phủ chính ở Phú Xuân cách nơi phủ cũ về bên tả, xây đến 1 năm sau mới hoàn thành. Dinh phủ độc lập, bề thế như vậy nên việc Nguyễn Phúc Khoát truy tôn cha mình tước hiệu thế nào càng không thể không tính trước. Với thụy hiệu là Đại đô thống tổng quốc chính Tuyên Quang Thiệu Liệt Đỉnh Ninh vương, chúa Nguyễn Phúc Chú [Trú, Trụ] được tôn dâng làm Tuyên Quang Thiệu Liệt Tuấn Triết Tĩnh Uyên Kinh Văn Vĩ Võ Hiếu Ninh vương [1]. Rõ ràng, cả thụy hiệu lẫn tôn hiệu, chữ Ninh của Ninh Vương trở thành húy kỵ.

 

Do vậy:

- Phủ Hoài Nhơn thuộc thừa tuyên Quảng Nam từ năm 1471, đến năm 1651 được chúa Nguyễn Phúc Tần đổi làm phủ Qui Ninh, năm 1742 gọi thành Qui Nhơn lệ vào dinh Quảng Nam.

- Phủ Diên Ninh thuộc dinh Thái Khang từ năm 1653, đến năm 1742 gọi thành Diên Khánh lệ vào dinh Bình Khang.

 

Thế thì, còn có một danh xưng mang chữ Ninh khác là Trấn Ninh từ lũy Trấn Ninh thuộc Quảng Bình dinh, tại sao vẫn được giữ nguyên?

 

Trong cuộc chiến với họ Trịnh vào giai đoạn cuối khốc liệt, hệ thống phòng thủ của họ Nguyễn ở bờ Nam sông Gianh tỏ ra vô cùng lợi hại. Tháng 9 năm Nhâm Dần (1662), sau khi đẩy lùi quân Trịnh về ranh giới cũ (bờ Bắc sông Gianh), “Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật xin đắp lũy Trấn Ninh để chống giữ đường biển, đối với lũy Sa Phụ (bấy giờ gọi là lũy Động Cát) làm thế dựa nhau. Chúa y cho. Và tháng lũy đắp xong” [1]. Sử gia Lê Qúy Đôn của Đàng Ngoài cũng ghi nhận: “Mùa đông năm ấy, Phúc Tần sai đắp lũy Trấn Ninh để làm thế đỡ nhau với lũy Động Cát” [2]. Qua 10 năm hưu chiến, cuối năm Nhâm Tý (1672), quân Trịnh dốc toàn lực đánh trận cuối cùng với quân Nguyễn mà tiền đồn phải chọc thủng bằng mọi giá là lũy Trấn Ninh. Thống suất bộ quân Lê Thời Hiến ba lần công thành Trấn Ninh đều bị đẩy lùi. Quân Nguyễn do Nguyên soái Tôn Thất Hiệp chỉ huy, “thanh thế quân lính vang dội xa gần (…) dựa vào nơi hiểm trở, chiến đấu rất hăng, luôn luôn thu được thắng lợi, quân họ Trịnh không thể chống chọi được, rút về đóng ở châu Bắc Bố Chính. Tháng 12, nhân mùa đông giá rét, Trịnh Tạc dẫn quân về (…) Từ đây trở đi, phương Nam phương Bắc ngừng việc binh đao” [3].

 

Chiến thắng Trấn Ninh gắn liền với tên tuổi các bậc công thần khai quốc của họ Nguyễn, trong đó nổi bật lên Nguyên soái Hiệp, vị hoàng tử thứ tư “hùng dũng, thao lược hơn đời”, mà “khi dẹp xong giặc trở về, tuyệt hẳn không cho đàn bà con gái yết kiến, dựng am nhỏ thờ Phật, thỉnh thoảng ra chơi, bàn đạo thuyết pháp để tự vui. Đến đấy [1675] bị bệnh đậu mùa mà mất, mới 23 tuổi” [1].

 

Phải chăng, nhằm vinh danh một quân công xuất sắc trong những thời khắc thử thách tồn vong ngặt nghèo của lịch sử, cũng như để tri ân uy linh của các bậc đại công thần và bao dân binh ngã xuống, Võ Vương đã dành riêng cho lũy Trấn Ninh đặc cách: giữ nguyên danh xưng Trấn Ninh, như đúng ý nghĩa tên gọi: giữ yên một cõi, nơi mà phải 100 có lẻ năm sau (1774), quân Trịnh lợi dụng sự hỗn loạn của Đàng Trong tràn sang, “Đồn lũy Trấn Ninh có tiếng là hiểm trở thiên nhiên, sau khi Ngũ Phúc đã kéo quân vào, bèn san phẳng lũy ấy” [3].

 

Tuy nhiên, lịch sử hiện tồn theo cách riêng của nó: cả cái đang còn lẫn cái đã biến mất đều được sống mãi cùng với sự vĩnh cửu của người đời.

 

Tài liệu trích dẫn.

 

[1] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1962), Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, NXB Sử học, Hà Nội, tr.56, 84, 108, 114, 123-124, 147, 204, 206, 208.

[2] Lê Qúy Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, NXB Văn hóa – Thông tin, tr.83-84.

[3] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr.329-330, 716.

 

Nguyễn Lục Gia
Số lần đọc: 2258
Ngày đăng: 12.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vịnh Xuân Đài: Duyên Cách Và Sự Kiện - Nguyễn Lục Gia
Họ Tộc Lê Văn, Cuộc Chia Ly Gần Hai Thế Kỷ - Diệp Hồng Phương
Công Nghiệp Tiên Chúa Nguyễn Hoàng - Nguyễn Lục Gia
Từ một cuộc hành quân phối hợp dưới thời nhà Thanh, thử so sánh khả năng hàng hải giữa hai nước Trung Việt thời bấy giờ. - Hồ Bạch Thảo
Một Cuộc Phiêu Lưu Quân Sự Của Nhà Thanh Và Sự Vụ Đòi Người Từ Phía Thanh Triều - Nguyễn Lục Gia
Việt Nam - Philippines: 0-2 trên sân bóng biển Đông - Đinh Kim Phúc
Chính Phủ Pháp Ở Đông Dương Có Liên Tục Thực Thi Chủ Quyền Của Việt Nam Trên Hai Quần Đảo Hoàng Sa-Trương Sa Trong Giai Đoạn 1909-1945 Hay Không? 1 - Đinh Kim Phúc
Chính Phủ Pháp Ở Đông Dương Có Liên Tục Thực Thi Chủ Quyền Của Việt Nam Trên Hai Quần Đảo Hoàng Sa-Trương Sa Trong Giai Đoạn 1909-1945 Hay Không? 2 và hết. - Đinh Kim Phúc
Phản biện lập luận của nhà nghiên cứu Hàn Chấn Hoa về lãnh vực sử địa cổ có liên quan đến Biển Ðông….1 - Hồ Bạch Thảo
Phản biện lập luận của nhà nghiên cứu Hàn Chấn Hoa về lãnh vực sử địa cổ có liên quan đến Biển Ðông…2 - Hồ Bạch Thảo