Omar Ashour – Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: http://www.project-syndicate.org/commentary/ashour6/English
Omar Ashour là giám đốc phòng nghiên cứu trung đông tại Viện nghiên cứu Hồi giáo và Arab, đại học Exeter (Anh), và là cộng tác viên của Brookings Doha Center.
CAIRO – Môi trường hoạt động của Al Qaeda hiện nay khác xa môi trường mà họ thực hiện chiến dịch khủng bố vào ngày 11 tháng 9 năm xưa. Osama bin Laden, là người tổ chức và lãnh tụ được nhiều người mến mộ của Al Qaeda, đã bị lực lượng hải quân của Mĩ giết ở Pakistan vào tháng 5 năm nay. Ba chế độ độc tài hung bạo ở Trung Đông đã bị lật đổ - hai chế độ bị lật đổ bằng chiến thuật phản đối phi quân sự của người dân, còn một thì do cuộc khởi nghĩa vũ trang được NATO yểm trợ lật đổ. Những cuộc tấn công của máy bay không người lái đã giết chết nhiều chỉ huy dầy dạn kinh nghiệm của Al Qaeda, trong đó có Atiyah Abd al-Rahman, vừa bị giết chết trong thời gian gần đây.
Nếu thánh chiến thất bại thì Al Qaeda có tồn tại được hay không?
Thánh chiến (Jihadism) là hệ tư tưởng cách mạng hiện đại, nói rằng bạo lực chính trị là chính danh về mặt thần học và hiệu quả về mặt chiến thuật nhằm thúc đẩy thay đổi về mặt chính trị và xã hội. Khủng bố là hoạt động quân sự chủ yếu của nhiều nhóm gắn bó với thế giới quan này, trong đó dĩ nhiên là có Al Qaeda.
Nhưng trong khi Al Qaeda vẫn đi theo hệ tư tưởng này thì sau ngày 11 tháng 9 tổ chức của nó đã thay đổi một cách đáng kể. Từ một tổ chức tập quyền, có thứ bậc chặt chẽ, nó đã trở thành tổ chức phi tập trung, các chi nhánh địa phương trở thành tác nhân chủ yếu.
Al Qaeda ở bán đảo Arab (AQAP) xuất hiện cuối năm 2002, là lực lượng hoạt động ở Saudi Arabia và tiến hành cuộc tấn công ở Riyadh vào năm 2003. Sau đó xuất hiện tổ chức Al Qaeda ở Iraq (AQI) vào năm 2004. Năm 2007, đến lượt Al Qaeda ở khu vực Maghreb theo Hồi giáo (thuộc ba nước là Maroc, Angerie và Tunisia – ND) (AQIM) xuất hiện. Mô hình “franchise” được áp dụng triệt để. Nhưng mười năm sau ngày 11 tháng 9 các chi nhánh này đã bị chặn lại chứ không phát triển ra được nữa.
Bên cạnh mô hình “franchise”, Al Qaeda còn áp dụng biện pháp “mạng nhện”, tức là bỏ qua tổ chức mà ưu tiên cho những người hoạt động từ những nhóm nhỏ, được huấn luyện tốt nhằm tiến hành các vụ tấn công và sau đó thì giải tán. Những cuộc tấn công vào Madrid và London là theo mô hình này.
Sau đó là mô hình “mặt trận tư tưởng”, ban đầu được chiến lược gia nổi tiếng của phong trào thánh chiến là Abu Musab al-Suri ủng hộ. Cũng giống như “mạng nhên”, đây là cách tổ chức an toàn nhất mà không cần tổ chức. “Nó có thể đánh bại mọi cơ quan an ninh”, al-Suri viết như thế trong tác phẩm có tên: Kêu gọi phong trào phản đối Hồi giáo trên toàn cầu (The Call for Global Islamic Resistance), dài tới 1.600 trang.
Mô hình này hoạt động bằng cách tuyên truyền những bài viết mô tả những cảnh bất công và nhục nhã mà người Hồi giáo phải chịu đựng, tìm ra những biện pháp nhằm loại bỏ sự phẫn uất và để cho những cảm tình viên tự động ra nhập Al Qaeda hoặc tự tiến hành hoạt động. Viên thiếu tá Mĩ Nidal Hasan, kẻ đã giết 13 đồng ngũ ở Fort Hood, Texas, vào năm 2009, và Roshonara Choudhary, kẻ đã đâm nghị sĩ Stephen Timms (Anh) vào năm 2010 là theo mô hình này.
Al Qaeda không chỉ thay đổi về mặt tổ chức, hệ tư tưởng của nó cũng bị thách thức. Sau ngày 11 tháng 9, một số phong trào, phe phái, những người thánh chiến nổi tiếng và các chiến binh đơn độc đã phê phán mạnh mẽ hành vi của Al Qaeda và bắt đầu chuyển sang hoạt động bất bạo lực, lấy mất của Al Qaeda hàng chục ngàn ủng hộ viên. Điều đó đã dẫn tới sự chuyển hóa toàn bộ hệ thống ở Ai-cập, ở Libya và Algeria, cũng như một số lượng lớn các chiến binh đơn độc ở Saudi Arabia, Yemen, Iraq, Afghanistan, Malaysia, Singapore, Indonesia và các nước khác.
Ở Ai-cập, nhóm al-Gama’a al-Islamiyya (nhóm Hồi giáo, IG), đồng minh cũ của Al Qaeda, tức là tổ chức đã tiến hành ám sát tổng thống Anwar al-Sadat vào năm 1981, đã từ bỏ và coi bạo lực chính trị là bất hợp. IG, từng gây ra tình trạng rối loạn ở Thượng Ai-cập vào giai đoạn 1992-1997 và có dính líu vào vụ đánh bom trung tâm thương mại thế giới ở New York vào năm 1993, đã bắt đầu từ bỏ vũ lực vào năm 1997 và đã củng cố sự thay đổi này bằng cách xuất bản 25 tập sách chứa những luận cứ, cả thần học lẫn duy lí, nhằm quảng bá cho hệ tư tưởng mới của họ.
Sau khi Hosni Mubarak bị lật đổ, IG không những không dự trữ vũ khí và tái tổ chức cánh quân sự mà lại tiến hành những cuộc bầu cử nội bộ. Tổ chức này đề nghị các thành viên ghi danh, tổ chức các cuộc biểu tình chống bạo lực mang tính bè phái, và cùng với nhà thờ Cơ đốc giáo ra tuyên bố chung ủng hộ cùng tồn tại hòa bình, cũng như thành lập đảng chính trị (Đảng xây dựng và phát triển) để tham gia các cuộc bầu cử.
Phong trào thánh chiến Ai-cập, có tên là Tổ chức al-Jihad, tức là tổ chức sinh ra Ayman al-Zawahri, lãnh đạo cao nhất của Al Qaeda hiện nay, cũng có những thắng lợi ban đầu trong việc cải tổ. Một số phe phái của nó vẫn tiếp tục chiến thuật vũ trang, kể cả khủng bố. Nhưng những phe phái khác thì phê phán triệt để Al Qaeda và đang cố gắng cải cách thành những đảng chính trị thông thường.
Nhóm Hồi giáo chiến đấu ở Libya (LIFG), một đồng minh khác của Al Qaeda, cũng đã từ bỏ hệ tư tưởng này trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2010 và đã tham gia vào cuộc cách mạng chống chế độ độc tài của đại tá Muammar el-Qaddafi. Lãnh tụ của LIFG, ông Abd al-Hakim Belhaj (Abu Abdullaj al-Sadiq) hiện là chỉ huy ủy ban quân quản Tripoli, và cũng là người chỉ huy cuộc tấn công vào tổng hành dinh của Qaddafi.
Sau khởi đầu thắng lợi như thế, Belhaj còn kêu gọi củng cố an ninh, bảo vệ tài sản, chấm dứt sự thù nghịch kéo dài và xây dựng một nước Libya mới. Trong suốt 6 tháng qua, đa số các nhà lãnh đạo LIFG đều có giọng điệu ôn hòa, dù ở miền Đông hay miền Tây Libya thì cũng thế. Nói một cách toàn diện, Mùa xuân Arab đã giáng cho phong trào thánh chiến một đòn choáng váng và làm suy yếu đáng kể luận cứ của nó (luận cứ cho rằng chiến đấu bằng vũ lực là biện pháp có hiệu quả nhất và chính danh nhất).
Thực vậy, kết quả tổng hợp của các chiến dịch tình báo, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, sự chuyển hóa từ trong nội bộ phong trào thánh chiến và Mùa xuân Arab đã làm suy yếu sức mạnh của Al Qaeda. Các chi nhánh và hệ tư tưởng được tái cấu trúc có nghĩa là một số bộ phận của Al Qaeda có thể sẽ tiếp tục tồn tại, vì họ đã bén rễ khá sâu vào một số khu vực nào đó. Nhưng Al Qaeda, như là một mối đe dọa toàn cầu, thì đã suy yếu nghiêm trọng.
Nguồn: http://www.project-syndicate.org/commentary/ashour6/English