Nói đến thơ văn và cuộc đời của cụ Đồ theo lẽ thông thường nhiều người nghĩ rằng không còn điều gì lớn lao để khám phá nữa! Điều ấy cũng có cái lý của nó! Bởi lẽ với trên năm trăm tài liệu sách báo viết về thơ văn và cuộc đời cụ hầu như người ta đã nghiên cứu khá kỹ về các mặt rồi!
Không hiểu sao bản thân người viết bài nầy lại trăn trở không nguôi trước các tài liệu sách báo ấy? Dường như còn một mảng rất hệ trọng nhưng lại ít được bàn.
Sau nhiều thập niên có cơ duyên được học tập, nghiên cứu về tác gia Nguyễn Đình Chiểu lòng lại thấy có nhiều điều ưu tư muốn được tỏ bày nhằm làm sáng cái "Đạo nhà" mà sinh thời Cụ Đồ muốn phổ hóa.
Cụ Đồ sáng tác không nhiều so với các tác gia lớn nhưng những điều cụ nêu ra quả người sau chưa thể nào hiểu đúng, hiểu hết?! Vì vậy kết luận sau cùng về Cụ vẫn còn ở phía trước!
Xét về tác phẩm Lục Vân Tiên nhiều người đã bàn kỹ về nội dung đạo đức và hình thức nghệ thuật nhưng không hiểu vì sao con người như Cụ Đồ sinh ra ở Gia Định, lớn lên có tám năm sống ở kinh thành Huế lại có lời thơ, ý văn vừa bình dân, vừa bác học như thế? Cụ là nhà Nho lại chọn thơ Nôm làm phương tiện sáng tác là điều thật đáng quí. Cụ không có tập thơ riêng bằng chữ Hán cũng là điều đáng để người sau chiêm nghiệm về tấm lòng Cụ đối với tiếng mẹ đẻ như thế nào?
Ở tác phẩm Lục Vân Tiên Cụ để Nguyệt Nga chủ động trong mối tình lý tưởng là nét mới so với thời đại bấy giờ! Cụ lại để Lục Vân Tiên lạy Kiều Nguyệt Nga để tạ ơn với tư cách quốc trạng triều đình lại là điều đặc biệt! Cụ còn để Lục Vân Tiên tế Tiểu Đồng trước khi tế tổ tiên quả là đạo nhân nghĩa của Cụ thật cao vời! Điều nầy có nhiều nhà nghiên cứu thấy ra nhưng làm sao để người sau học tập và làm theo cho tốt mới là cần yếu. Có nhà thơ đến viếng lăng thờ vừa đốt nhang, vừa khấn vái:
"Trước mộ người tôi xin mài lại bút
Kẻ gian tà còn lắm đứa đa đoan
Đâm nữa phải không người thầy vĩ đại
Chúng là lũ rợ Phiên kiểu mới
Những Trịnh Hâm, Cốt Đột đương thời...
Trước mộ người vì tinh tú xa xôi".
Vào đầu thập niên 1980 mà có được những dòng thơ như thế thì quí biết bao!
Đến tác phẩm Dương Từ - Hà Mậu Cụ lại đặt thành vấn đề lớn đối với tín ngưỡng dân tộc. Ngày nay đọc kỹ tác phẩm nầy thấy tầm nhìn, điểm nhìn của Cụ sao mà sâu sắc thế. Cũng trong tác phẩm nầy Cụ có bài thơ Cụ để một ông tiên ngâm đã làm cho người sau tâm đắc qua hai câu luận:
"Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà"
Ý thơ nầy, hàm súc lắm! Ngay cả xuất xứ bài thơ trước nay cũng ít người quan tâm để đọc cho hết tám câu xem coi Cụ Đồ muốn nói điều gì? Sau nầy có thi nhân viết theo, tình cảm đạo đức ấy cũng làm bạn đọc xúc động không ít:
"Con thuyền bác nhã chẳng hề chùn,
Nổi hóa như bông nặng hóa kim.
Biết đạo trăm muôn ngồi cũng đủ,
Vô duyên một đứa cũng là chìm".
Chuyện chở đạo là như vậy! Đó là lẽ đạo mà Cụ quan niệm.
Mấy năm cuối thập niên 90 của thế kỷ 20 các tác giả Trần Khuê, Cao Đức Trường, Phan Trọng Hiền, Hoàng Lạc Uyển lại bàn luận khá sôi nổi về hai bài thơ điếu của Cụ Đồ nhân Phan học sĩ tuẫn tiết. Đọc kỹ mấy ý kiến trên lòng người viết thấy chưa yên. Mỗi người có cách hiểu tùy theo chỗ đúng, cách nhìn mà bày tỏ chủ kiến của mình. Điều ấy rất tự nhiên theo lẽ thường. Có điều đối với con người như Cụ Phan Thanh Giản đạo đức bản thân và tinh thần bất khuất đã đạt đến bậc "chính nhân quân tử" khiến vua và triều đình trọng tin trao sứ mệnh hệ trọng khi quốc vận gặp hồi nguy khốn thì việc xét đoán phải hết sức cẩn trọng. Nhân dân yêu kính, tôn thờ tất yếu phải có cái lý của vấn đề. Tâm hồn đạo đức như Cụ Đồ không thể nào có thái độ mỉa mai khi sự thể đã đến hồi bi thảm như vậy! Một con người tự ý thức trách nhiệm khi không làm trọn lòng tin với vua cùng triều đình và nhân dân thì tự lột hết áo mão, phẩm hàm với sát thân để người sau hiểu mà cảm thông thì bảo sao nhân dân không yêu mến kính thờ? Một số ít người lên án, kết tội qui trách nhiệm thì tất nhiên! Đời lúc nào chẳng có! Đọc thơ Cụ Đồ ta thấy cụ hay cảm thương những con người chân chính mà không gặp thời như lời ông Quán:
- Thương là thương đứa thánh nhân
Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần, lúc Khuông.
- Thương thầy Nhan Tử, dở dang
- Thương ông Gia Cát tài lành...
Tấm lòng Cụ Đồ đối với Phan học sĩ cũng theo lẽ đó mà thôi! Tôi nghĩ vậy nên không nói gì thêm! Có điều khi chê trách người như cụ Phan cần phải cẩn trọng nếu không mình sẽ có trách nhiệm nặng nề trước những lời chê trách đó bởi vì Cụ Phan được người đương thời xét: "Gia sản chung tư khí. Âu, Á mộ oai linh" hai câu liễn này đặt ở mộ Cụ Phan. Điều tôi cảm nhận nhân tặng ngày sinh Cụ Đồ và cũng gần ngày giỗ Cụ Phan năm nay, xin được bộc bạch mấy điều về vấn đề này. Có điều kiện sẽ bàn kỹ, bàn sâu hơn ở dịp khác vì người không đội trời chung với Pháp chính là cụ Phan!
Sau những năm tháng phải đội trời chung với giặc Lang-sa cụ Đồ đã có nhiều tâm sự. Nếu trước đây Cụ viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc như thế, thì sau nầy ở Ba Tri Cụ tế sĩ dân lục tỉnh thật ý văn có khác hơn. Có đoạn Cụ viết:
"Man mác trăm chiều tâm sự,
Sống những mong trả nợ cho đời
Phôi pha một mảnh hình hài
Thác rồi bỏ làm phân cho đất"
Lời lẽ nầy có giá trị nhân văn sâu lắng biết bao! Cuối đời Cụ tác phẩm Ngư tiều y thuật vấn đáp trong những năm tháng sống chung với kẻ nghịch làm Cụ hiểu hơn chúng nên cách nói năng, ứng xử cũng khác trước nhiều!
Cuối cùng Cụ xây dựng nhân vật Kỳ Nhân Sư tự xông mắt cho mù rồi không tiếp khách và qui ẩn. Cụ để lại bài sấm U, Yên thật ý nghĩa. Các nhà nghiên cứu trước nay ít bàn. Bản thân người viết cảm nhận tư tưởng Nguyễn Đình Chiểu tập trung ở những vần thơ cuối đời này! Cụ dự báo về tương lai Việt Nam qua bài thơ bất hủ nầy. Vì sao các nhà nghiên cứu ít quan tâm đến điều này? Riêng với mơ ước nầy thôi Cụ Đồ đã thành nhà thơ yêu nước, yêu dân với một tầm vóc mới, vượt thời đại, vượt người cùng thời và người sau cũng khó bắt kịp khi Cụ viết bốn câu cuối bài:
"Con thú một sừng bịnh mới gặp,
Cái người một mắt đá chưa ra.
Bao giờ nhật nguyệt vầy gương sáng,
Bốn bể âu ca hợp một nhà".
Cụ Đồ đã nói điều gì qua ý thơ trên? Quả trước nay chưa bàn nhiều. Có điều hôm nay Tổ quốc đã "vầy gương sáng", non sông Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã và đang hội nhập với cộng đồng thế giới, một bộ phận các dân tộc khắp năm châu đã đến bắt đầu hát bài ca bốn biển như Cụ dự báo thì Cụ Đồ ơi hãy về đây như lời Cụ hứa:
"Sông trong, bể lặng mắt thầy sáng ra"
Do thời gian có hạn, trong bài viết nầy xin nêu đôi điều cảm nhận nhân thời điểm lịch sử đặc biệt hiện nay, người viết tỏ bày lòng kính yêu một nhà thơ đã chọn đất Ba Tri để an nghỉ, mảnh đất mà kẻ hậu sinh nầy có cơ duyên chào đời. Tâm nguyện sẽ tiếp tục tìm hiểu, phổ hóa những điều Cụ dạy; làm sáng cả đạo Cụ muốn phổ truyền để cuộc đời nầy con người nhờ sống theo đó mà vui hơn, đẹp hơn; nền phong hóa dân tộc không những được bảo trì mà không ngừng được nâng cao lên một tầm vóc mới...