Chuyện xưa rồi, thấy bài tranh biện của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi với ông An Chi quanh việc “Nguyễn Du lấy chữ mày ngài từ đâu? Rồi nga mi hay ngọa tàm mi,”(1) có điều bất cập, kẻ viết bài này xía vô với bài “Lịch sử bị nhìn lộn ngược – thưa lại cùng Giáo sư Nguyễn Huệ Chi.” (2) Bài viết lúc đầu đưa lên mạng, sau đó in trong sách Góp với văn đàn (NXB Văn học, 2007). Sáu năm rồi, tưởng câu chuyện qua đi và ai cũng có được nhận thức của mình. Không dè tới nay ông An Chi khới lại chuyện cũ bằng bài Lời phúc đáp muộn màng kính gửi GS Nguyễn Huệ Chi (3). Một bạn đọc gửi cho bài này và đề nghị tôi viết bài tranh luân. Tôi thưa lại là “cũng có điều để nói.”
*
Trước hết, xin miễn bàn về chuyện Nguyễn Du mượn nga mi hay ngọa tàm mi, nội dung chính cuộc tranh biện giữa hai học giả vì đó chỉ là chuyện vô bổ vẽ rắn thêm chân, lại nặng mùi vọng ngoại. Nguyễn Du chẳng mượn ai cả mà chỉ dùng của nhà sẵn có trong dân gian Việt.
Ở đây xin chỉ bàn về câu cuối cùng trong bài, mà nếu không có nó, tôi không buộc phải lên tiếng. Câu đó như sau:
“Ta chỉ cần biết rằng đây là trường hợp Nguyễn Du sao phỏng từ danh ngữ nga mi của tiếng Hán, mà trong thứ tiếng này thì đây là một cách diễn đạt nhằm nói lên vể đẹp của đôi lông mày. Nói rạch ròi ra, mày ngài chỉ là một lối nói ngoại nhập…”
Trong bài “Lịch sử bị nhìn lộn ngược…”, tôi viết đại ý rằng: Nguyễn Du muợn chữ mày ngài không phải từ Tam quốc chí mà từ ca dao, tục ngữ của bà nội, hậu duệ những người trồng dâu chăn tằm vạn năm trước, từng mang rìu đá rồi giống kê, giống lúa, giống gà giống chó cùng nghề tằm tơ lên xây dựng kinh tế nông nghiệp trên đất Việt cổ mà bây giờ là Trung Hoa. Chính những người nông dân Việt này đã sáng tạo ra chữ mày ngài rồi đưa lên phía bắc. Tôi cũng thưa với Giáo sư đáng kính là khi ông cho rằng nghề tằm tơ từ Trung Hoa nhập vào Việt Nam là đã nhìn lịch sử lộn ngược! Có lẽ lúc đầu quá bất ngờ với những lời nghịch nhĩ ấy, nhưng chắc bây giờ Giáo sư sẽ tin sau khi đọc chuyên luận Tiếng Việt chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán trong cuốn Hành trình tìm lại cội nguồn, tôi gửi tặng.
Chắc rằng ông An Chi cũng đọc bài viết đó của tôi, nhưng vì chẳng thèm chấp với kẻ không học hàm học vị nên ông vẫn giữ ý vàng ý ngọc của mình.
Ở đây, một lần nữa, tôi khẳng định mày ngài là sản phẩm Việt, 100% Made in Vietnam!
*
Dăm bảy năm trước, như hầu hết dân An Nam khác, tôi cũng tin theo các vị Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng Kim, Nguyễn Tài Cẩn rằng, tiếng Việt mượn tới 70% từ tiếng Hán. Nhưng rồi tình cờ được đọc tài liệu của vị giáo sư người Mỹ gốc Hoa cho biết, bằng công nghệ di truyền, nhóm nghiên cứu do ông lãnh đạo đã khám phá rằng, 70000 năm trước, người tiền sử từ châu Phi đã theo bờ biển Ấn Độ tới Việt Nam. Tại Việt Nam họ gặp gỡ nhau, tăng nhân số, di cư ra các hải đảo Đông Nam Á, châu Úc, Ấn Độ rồi lên Trung Hoa…Vốn là nhà sinh học bỏ nghề, tôi chớp ngay thông tin vô cùng quý giá này và tập trung nghiên cứu tiền sử dân tộc theo hướng mới. Với hơn trăm bài viết và ba cuốn sách: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (2007), Hành trình tìm lại cội nguồn (2008) vả Tìm cội nguồn qua di truyền học (2011), tôi đã phục dựng lâu đài nguy nga, kỳ vĩ của cội nguồn cùng văn hóa Việt suốt trong 70000 năm qua, bị vùi lấp, chiếm đoạt và đánh tráo. Trong đó, tôi đưa ra ý tưởng quan trọng: Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa. Tôi rất mong các vị thức giả trong, ngoài nước có ý kiến phê bình để có dịp học hỏi thêm. Tôi cũng gửi thư tới các vị Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học và Viện Nghiên cứu Hán Nôm thưa rằng, xin các vị xem xét, nếu điều tôi nói là đúng thì các vị ủng hộ và công bố rộng rãi cho dân bớt u mê theo những dẫn dắt lầm lạc lúc trước, còn nếu tôi sai, cũng xin được phê bình rồi để dân bớt ngộ nhận, hoang mang. Nhưng rất tiếc là thư của tôi rơi vào khoảng không im lặng!
Đáng mừng là hai năm trước, anh Đỗ Thành, một “người Việt gốc Hoa” đang sống ở Hoa Kỳ gửi thư cho tôi. Anh hoàn toàn ủng hộ ý tưởng “Tiếng Việt chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa” đồng thời cung cấp những bài viết cực kỳ quý giá như Phát hiện lại Việt nhân ca, Phục nguyên Duy giáp lệnh của Việt vương Câu Tiễn, Đi tìm Nguồn gốc chữ Nôm… và cung cấp hàng ngàn dẫn chứng lấy từ giáp cốt văn, kim văn, từ sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận, so sánh với tiếng Việt Triều Châu, Quảng Đông, Việt Nam cho thấy, tiếng và chữ Trung Hoa được sinh tạo từ tiếng và chữ Việt!
Thí dụ:
Bàn cổ (盘古 - bù quỏ) chẳng phải là ông Bàn Cổ nào hết mà chỉ là quả bầu tiếng Việt bị đọc trại đi. Chẳng hề có thôn Trữ La nào cả mà cái làng quê cùa Tây Thi chỉ là thôn Trái, thôn Tả bị đọc trại. Phục Hy (Pù Hí) là quả bí. Phải chăng Phục Hy vốn là người Việt có tên Bí? Càn Khôn 乾坤 nguyên là “cành khoanh” tiếng Việt với ký hiệu cành 一 (dương), khoanh 0 (âm). Ngày nay người Triều Châu, Quảng Đông vẫn nói cành, khoanh…
Chữ bôn trong sách Thuyết văn giải tự:
譒 也。从言番聲。《商書》曰:“王譒告之.” 補過切
譒 Boa - dã. Tùng ngôn bàn thanh. (Thương thư) viết: “Vương bôn cáo chi”. Bổ qua thiết, là “Bổ-ua=bua”.
Bua là phiên âm do người đời sau soạn lại. Nguyên văn của “Thuyết văn” là “ngôn-bàn thanh 言番聲”= Bôn.
Ngày nay người Triều Châu vẫn gọi bàn chân là kha-bóa (Kha là kẳng/cẳng, Boa là bôn/bàn, bàn tay, bàn chân).
Từ nguyên văn “tùng ngôn bàn thanh” của Thuyết văn thì chúng ta biết được ở thời Cổ đại đọc là “Bôn, Bồn, Bàn”, đến thời Trung Cổ, người ta “biên soạn” lại Thuyết văn thì thêm vào “Bổ qua thiết = Bua = Boa” phù hợp với “kha-boa (bàn chân)”, của tiếng Triều Châu. Xét trong giáp cốt văn thì 番 có dạng chữ tượng hình bàn chân thú có móng vuốt. Đến nay chỉ trong tiếng Việt Nam giữ được âm bàn. Điều này cho thấy âm bàn từ gốc Việt Nam đi lên phía Bắc. Sau này các nho gia từ từ đọc thành “Phiên” hay “Phồn”, và được gọi là âm Hán Việt.
Về chữ mày ngài: 蛾眉
- Chữ 眉 mày/ mi: Theo quy luật biến âm Việt thì B biến âm thành "M": "rầu buồn" có trước "sầu muộn". Tiếng Mân Việt /Triều Châu còn giữ nguyên âm B của chữ mày là lông đã xếp - "bày" thành hàng trên con mắt, là "mắt bày-目眉”.Âm Hán Việt là mục mi目眉."
- Chữ Nga 蛾: con ngài, tiếng Bắc Kinh là “ở”, Quảng Đông đọc là “ngò”, Triều Châu đọc là “ngo, ngó”. Như vậy, bày/ mày ngài (Việt Nam) à bày/ mày ngo/ ngò (Triều Châu, Quảng Đông) à nga mi (Hán Việt).
Từ đó rút ra qúa trình hình thành tiếng Hoa như sau: tiếng Việt ở Việt Nam được chuyển lên Nam Dương Tử. Người Việt ở đây chuyển hóa thành thổ ngữ Triều Châu, Quảng Đông… Người Hoa học tiếng của dân Sở, Việt (Triều Châu, Quảng Đông) và nói trại theo giọng phía Bắc. Do mỗi tộc mỗi vùng nói khác nhau nên thành đa tạp. Thời Xuân Thu, nhà Chu chủ trương học theo tiếng của phương Nam vì đó là ngôn ngữ thanh nhã chuẩn mực, nên gọi là nhã ngữ. Khi thống nhất văn tự, nhà Tần dùng nhã ngữ làm quốc ngữ. Tới thời Đường, ngôn ngữ Trung Hoa chuyển hóa thành cách đọc Hán Việt. Người Mãn Thanh cai trị Trung Quốc đã cải biến theo cách đọc của người Mãn thành tiếng Bắc Kinh ngày nay. Người phương Tây gọi là Mandarin do xuất xứ từ chữ Man-da (Mãn đại).
Đến nay nhiều từ trong sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận không thể đọc được theo âm Mandarin nhưng lại dễ dàng đọc theo tiếng Triều Châu, Quảng Đông nhưng đúng nhất là khi đọc theo tiếng Việt Nam vì trong tiếng Việt còn giữ nhiều tiếng Việt cổ.
Có thể nói rằng, năm 2006, khi đề xuất Tiếng Việt chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa, tôi chỉ đưa ra cái khung, cái sườn. Nhờ anh bạn “Chệt” đắp da thịt, nó đã trở thành cơ thể đầy sức sống.
Hình như tôi với ông An Chi có cái duyên văn tự?!
Lần đầu buộc lòng phải tranh biện với ông khi thấy trên tạp chí Kiến thức ngày nay ông giảng sai về bài thơ Trần tình của Nguyễn Trãi (4). Lần thứ hai chẳng đặng đừng khi trước ý kiến cho rằng những địa danh có tên “Kẻ” ở đất Phú Thọ là những từ Việt cổ, ông phản bác thẳng thừng rồi hể hả la lớn: “Đó tất cả là Hán, 100% made in China!” Lần thứ ba là nga mi ngoại nhập!
Có lần Giáo sư Cao Xuân Hạo kể: “Ông Vượng (Trần Quốc) nói với tôi rằng, biết Huệ Thiên nói bậy mà không có cách nào phản bác ông ta được!” Đúng là ở thế kỷ trước, khi mà chủ nghĩa Hoa tâm thống trị, hiểu biết về cội nguồn và văn hóa dân tộc còn mù mờ, việc bài bác ông An Chi là điều bất khả. Nhưng nay tình hình đã khác. Khoa học (trong đó có những học giả người Hoa) phát hiện rằng, người tiền sử đặt chân đầu tiên lên đất liền Đông Á là tại Việt Nam, người từ Việt Nam mang rìu đá, giống kê, giống lúa, giống gà, giống chó đi lên xây dựng nền văn minh nông nghiệp rực rỡ trên đất Trung Hoa… thì những kiến thức đó của ông An Chi bị khoa học bỏ qua. Cho đến nay vẫn còn bám vào những sai lầm đảo điên lộn đít lên đầu như vậy quả là đáng trách. Không chỉ phản khoa học mà còn có tội dẫn lớp trẻ lạc đường, kìm giữ người Việt trong vòng ngu muội!
Vì sao ông An Chi cố trì bám kiến thức không chỉ sai lầm mà còn xúc phạm dân tộc như vậy? Không nghĩ ông là “tay sai” hay “ăn phải bả” của ai nhưng quả tình tôi không hiểu nổi, vì lẽ gì mà ông nhiệt thành bênh thiên triều đến thế?!
Mới đây, trong bài Phải chăng Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn thấy ngọn mà không biết gốc, (5) tôi buộc phải viết: “Bằng những nghiên cứu của mình, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn góp phần củng cố và truyền bá quan niệm “dĩ Hoa vi trung” của học giả thời thực dân, tiếp tay cho vụ xả độc làm ô nhiễm văn hóa mà rồi đây dân tộc phải bỏ không ít công sức tẩy rửa!” Tiếc rằng, là người thiên cổ, Giáo sư Cẩn không còn dịp sửa chữa sai lầm. Mong ông An Chi sớm nhận ra điều này để khi nhắm mắt xuôi tay khỏi phải ân hận!
Nghiên cứu Hán Nôm hôm nay không còn là cái việc chân không tới đất cật chẳng đến trời, là tra những cuốn Từ Hải, Khang Hy lớn nhất để tìm nghĩa chữ tác chữ tộ. Thực tế cho thấy những cuốn từ điển tiếng Hoa vĩ đại nhất cũng chỉ là bã, là biến thái của tiếng Việt từ vạn năm trước! Công việc bây giờ là đem ngôn ngữ của dân gian Triều Châu, Quảng Đông, Vân Nam, Đài Loan, Việt Nam… đối chiếu với những cuốn từ điển Việt cổ xưa nhất là giáp cốt văn, kim văn, Thuyết văn giải tự, tìm lại tiếng việt cội nguồn để làm ra cuốn Bách Việt đại từ điển. Từ công cụ chuẩn mực này đọc lại những cổ thư Trung Hoa khác, giống như anh dạy lái xe Đỗ Thành ở Sacramento giải mã Việt nhân ca, Duy giáp lệnh của Việt vương Câu Tiễn, món nợ văn hóa mà hai ngàn năm nay bao văn nhân tài tử phương Đông không trả nổi!
Trung Thu năm Tân Mão
Tham khảo:
1. Nguyễn Huệ Chi. Đôi điều thưa lại cùng ông An Chi. Talawas, 2006
2. An Chi. Lời phúc đáp muộn màng kính gửi GS Nguyễn Huệ Chi
http://nhavantphcm.com.vn/doc-duong-van-hoc/an-chi-phuc-dap-nguyen-hue-chi.htm
3. Hà Văn Thùy. Lịch sử bị nhìn lộn ngược - Thưa chuyện cùng Giáo sư nguyễn Huệ Chi. http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=4169&LOAIID=17&TGID=711
4. Hà Văn Thùy. Bàn lại với ông Huệ Thiên về hai câu thơ Nguyễn Trãi. Góp với văn đàn. NXB Văn học, 2007.
5. Hà Văn Thùy. Phải chăng Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn thấy ngọn mà không biết gốc.
http://www.khoahoc.net/baivo/havanthuy/260811-nguyentaicanthayngonchuathaygoc.htm