ĐỐI-THOẠI TÁM
BẢN-NGÃ VÔ-THƯỢNG
VĨNH-CỬU
Aksharabrahmayoga
15. Krishna: “Đến với Ta, những ai có Tâm vĩ-đại ... những người
thoát cảnh luân-hồi. Luân-hồi là cái nhà bất-hạnh.”
ARJUNA thưa
1. Bạch Đức Thế-Tôn. Đấng Vô-Thượng ấy là gì? Tâm-tư sâu-thẳm hay Đại-ngã (Adhhyàtman) là gì? Nghiệp (Karma) là gì? Những đẳng-tính thấp của Đấng Vô-Thượng là gì (Addhibùtam)? Những đẳng-tính linh-thiêng của Đấng Vô-Thượng là gì?
2. Bạch Đức Thế-Tôn. Ai làm những hạnh hi-sinh trong xác-thân này (Dehe) và làm ra sao? Lúc lìa đời (Prayànakàle) làm sao vị Sa-môn (Yogins) biết được Người?
ĐỨC THẾ-TÔN
3. Đấng Chí-Tôn là Đấng Vô-hủy diệt. Đấng Chí-Tôn là bản-ngã tự-nhiên của mỗi người, và cũng là nguyên-khởi của muôn-loài. Còn Nghiệp (Karma) là Sinh (Visargas)1.
4. Đấng Chí-Tôn Vô-hủy diệt. Đấng Chí-Tôn (Adaidàivatam) là Bản-ngã Linh-thiêng Tối-thượng. Đấng Chí-tôn thực-hành những hạnh Hi-sinh (Adhiyajnas) chính là Ta, ngay trong thể-xác này.
5. Người nào nhớ đến Ta ở lúc lâm-chung (Antakàle), thì sau khi đã lià thân-xác, người ấy đến với bản-ngã của Ta (Madbhàvam). Điếu này không còn hồ-nghi (Samsayas) gì nữa.
6. Này Nam-tử Kuntì. Ở lúc lià đời người ấy tưởng cái gì thì đi về cái đó. Nghĩa là sau khi chết, người ấy luôn luôn chuyển thể (Bhàvitas).
7. Nếu thế thì hãy luôn luôn cố-gắng (Yudhya) tưởng đến Ta. Để Tâm và Trí (Manobuddhis) về Ta. Đó là cách chắc-chắn nhất để nhà ngươi đến bên Ta.
8. Này Nam-tử Prithà. Nhờ có tâm trong hành Đạo (Yoga), tâm-trí trì-cửu, người ấy đến với Tinh-thần Vô-thượng, thiền-định về Đức Thế-Tôn2.
9. Ai nghĩ đến Đấng Trị-vì Minh-triết Vĩnh-cửu 3, Đấng huyền-vi li-ti nhất (Anos)4, đồng thời cũng là Đấng phù-trì vạn-vật có hình-hài huyễn-ảo (Acintyrùpam), ngời sáng như mặt trời ra khỏi vùng tăm-tối (Tamasas).5
10. Ở lúc lâm-chung, với tâm-trí ngưng vận-chuyển (Acalena), với lòng ngưỡng-mộ kiên-trì (Yuktas), và với sức mạnh của Đạo (Yogabalena), người ấy để hơi thở chuyển-động đúng giữa hai chân mày thì người ấy thể nhập vào Tinh-thần Vô-thượng (Param purusam) linh-thiêng (Divyam).
11. Điều ấy theo kinh-ngữ Vệ-đà gọi là Vô Hủy-diệt. Các nhà đạo-hạnh thánh-thiện, không còn đắm-mê, bước vào Vô Hủy-diệt, khát-khao Vô Hủy-diệt trong khi suốt đời trai-giới (Brahmacaryam). Ta sẽ cắt nghĩa thêm cho nhà ngươi về con đường này.
12. Hảy điều ngự mọi quan năng6 (Dvàràni). Ngưng tư-tưởng. Để cho không-khí chuyển lên óc. Nhập thiền (Àsthito yogadhàranàm)7.
13. Hãy phát âm tiếng Linh-thiêng ‘Ôm’, rồi trầm-mặc nề Ta. Cứ thế, từ bỏ thân-xác (Deham), tiến về Mục-đích Vô-thượng8.
14. Này Nam-tử Prithà. Tâm-trí ai thực-sự chỉ nghĩ về Ta, người đó là vị Sa-môn hoàn-toàn kỉ-luật (Nityayuktasya), thì người đó dễ đến (Sulabhas) với Ta lắm9.
15. Đến với Ta, những ai có tâm vĩ-đại (Mahàtmànas), những ai đã đạt hoàn-thiện (Samsiddhim) cao-khiết là những người thoát cảnh luân-hồi (Punarjanna). Luân-hồi là cái nhà bất-hạnh (Duhkhàlayan).
16. Này Arjuna. Để tới miên Vô-thượng thì thế-gian (Lokàs) phải lụy vào nhiều kiếp luân-hồi (Punaràvartinas). Nhưng, này Nam-tử Kunti, đến với Ta không còn luân-hồi nữa.
17. Ai biết rằng một ngày của Phạm-thiên (Brahmanas) bằng một ngàn niên-đại (Yuga) trên trần10, và một đêm của Phạm-thiên chỉ chấm dứt sau một ngàn niên-đại, người đó mới thực biết ngày và đêm (Ahoràtravidas).
18. Từ cái không thị-hiện (Avyaktàt), mọi thị-hiện (Vyaktayas) lóe ra ở buổi bình-minh của ngày Phạm-thiên. Nhưng khi đêm Phạm-thiên xuống thì mọi thị-hiện đều tan rã, và đó là lúc cái không thi-hiện lại trở về.
19. Này Nam-tử Prithà. Cái trùng trùng điệp điệp (Bhùtagràmas)của kiếp sinh, cứ đến (Bhùtvà bhùtvà) rồi lại tan đi, không sao tránh khỏi (Avasas) khi đêm xuống, rồi lại hiện ra lúc ban ngày.
20. Nhưng cao hơn hiện-tượng này là thị-hiện của bản-ngã còn cao hơn thị-hiện ban đầu (Sanàtamas). Thị-hiện này không mất đi khi phù-sinh không còn nữa (Sarvesu Bhùtesu Nasyatsu).
21. Ta gọi cái không thị-hiện này là bản-thể Bất-diệt, và có tên là Mục-đích Tối-thượng. Ai tới đó không còn trở lại. Thị-hiện ấy là miền (Dhàma) Tối-thượng (Paramam) của Ta.
22. Này Nam-tử Prithà. Chốn ấy là Tinh-thần Vô-thượng (Paras). Muốn tới chốn ấy phải thật dốc lòng (Bhaktyà), không màng tới cái gì khác nữa. Trong chốn ấy vạn-vật (Bhùtàni) hiện-hữu, và cũng nhờ chốn ấy vũ-trụ vững bền (Tatam).
23. Này Uy-Dũng Tướng- quân. Ta sẽ bàn tới khi nào những vị Sa-môn đạt đạo thoát khỏi luân-hồi9, và khi nào họ lại chịu cảnh luân-hồi.
24. Lửa, sáng-lạn, ngày, và những tuần trăng sáng, với sáu tháng ở phương bắc theo vận-hành của mặt trời. Lúc ấy lìa đời, người nào biết Đấng Thế-tôn, đi theo Đấng Thế-Tôn11.
25. Khói, đêm, và những tuần không trăng , với sáu tháng ở miền nam theo vận-hành của mặt trời, thì trăng lại sáng. Đó là lúc bậc Sa-môn tái-sinh.
26. Ta gọi đó là hai con đường sáng-tối, vĩnh viễn cùng vũ-trụ. Con đường sáng cho người thoát khỏi luân-hồi. Con đường tối cho người vào kiếp luân-hồi.
27. Này Nam-tử Prithà. Đã biết hai con đường ấy, bậc Sa-môn không còn lờ mờ nữa. Này Arjuna. Thế thì luôn luôn trì cửu (Juktas) trong Đạo (Yoga).
28. Bậc Sa-môn quán-triệt điều này vượt ra khỏi (Atyeti) kết-qủa hành-động tinh-khiết ghi rõ trong kinh-nghĩa Vệ-đà, trong hạnh hi-sinh, trong trai-giới và trong việc làm công-đức (Dànesu). Thế là người ấy tới miền Vô-thượng Uyên-nguyên.
ĐỐI-THOẠI TÁM
GHI-CHÚ
1. Karma: Nghiệp/hành-động. Theo Ràmànuja, ‘nghiệp’ là ‘sinh’, do phối-hợp với người nữ mới sinh ra con người, hay sinh nghiệp. Người nào mong thoát khỏi luyến-mộ của Tiểu-ngã khỏi căn-cơ vật-chất phải hiểu điều này, phải biết sợ nghiệp và tránh nghiêp. Nhưng í này cần phải bàn sâu hơn, vì ‘nghiệp/Karma’ có nhiều nghĩa. – Theo W. Sargeant, trang 363.
2. Theo Ràmànuja, thì ba câu 8, 9 và 10 ám chỉ chữ Àisvaryàrthin có nghĩa là ‘người muốn đạt sức mạnh siêu-nhiên’ tức muốn hiểu sức-mạnh của Đức Thế-Tôn qua huân-tập Đạo (Yoga) hằng ngày.
3. Kavim: Nhà thơ, nhà tiên-tri. W. Sargeant dịch là ‘nhà tiên-tri cổ’. Trong chính bản viết như sau: Kavim purànam anusàsitàram nghĩa là: ‘nhà thơ, cồ-nhân, vua chúa’. Sri Samkaràcàrya dịch chữ Kavim là ‘bậc hiền-gỉa, nhà tiên-tri hay đấng hiểu-biết vô-thượng’. Ông cũng dịch chữ purànam (cổ xưa) là ‘vĩnh-cửu’, và dịch chữ anusàsitàram là ‘đấng ngự-trị thế-gian’. Do đó câu 9 với câu 10 phải coi như một câu, nếu không nghĩa sẽ tối tăm Tôi đề nghị hai câu này có thể dịch và xếp lại như sau:
9-10. ‘Ai trầm mặc về bậc Hiền-gỉa thông kim bác cổ, vị Chúa-tể của thế-gian, huyền vi hơn cả huyền-vi, Đấng phù-trì vạn-vật ... Ở lúc lâm-chung ... người ấy thể nhập vào Tinh-thần Vô-thương linh-thiêng.’ Và nếu dịch như như sau thì còn rõ hơn: ‘Ai trầm mặc về Đức Thế-tôn – chính là bậc Hiền-gỉa ...., chính là vị Chúa-tể ....và cũng là Đấng phù-trì vạn-vật ....’
4.. Anos: Từ nguyên-tử, hơn nguyên-tử. Tức là ‘từ chi-li’ và hơn cả ‘chi-li’.
5. Tamasas: Hơn đen tối. Chữ này hợp với chữ ‘parastàt’ (xa hơn nữa) có nghĩa là ‘vượt xa khỏi tăm-tối’. Nhưng chữ Tamasas không có nghĩa là ‘tâm đen-tối, lòng đen tối hay ngu lậu’. Cho nên nghĩa của nó hoàn toàn về ‘vật-chất’.
6. Dvàràni: Quan-năng mà người Ấn gọi là ‘chín cửa của xác-thân’, như đã bàn đến ở phần đối-thoại trước.
7-8. Theo lời bình-giảng của Ràmànuja, thì hai câu 12 và 13 ám chỉ ‘người có tâm hoàn-toàn xa-thoát’, tức là Kàvalyàrthin, người tách rời Tiểu-ngã khỏi xác-thân, và kính-ngưỡng Đức Thế-tôn là Bản-thể Vô-hủy diệt, và là Đấng Phạm-thiên Vĩnh-cửu.
9. Theo lời bình-giảng của Ràmànuja, thì hai câu 15 và 16 bàn về ‘con người minh-triết (Jnànin), vì luôn luôn hướng tâm về Đấng Thế-tôn, hội nhập vào Đấng Thế-tôn, cho nên thoát khỏi luân-hồi.
10. Yuga: Niên-đại. Niên-đại ở đây có nghĩa là thời kì, ví dụ thời kì Paleozoic vào khoảng 290 triệu năm. Tuy nhiên ‘Yuga’ phải hiểu là ‘chu-kì’ của vũ-trụ. Trong Chí-Tôn Ca có bốn chu-kì (Yugas): 1) Krtayuga dài 1, 738,000 năm (Thời Đại Thánh-minh). 2) Tretà Yuga dài 1,296,000 năm (Thời-Đại Suy-nhược Thánh-minh). 3) Dvàpara Yuga dài 864,000 năm (Thời-Đại xấu nhiều hơn tốt). 4) Kali Yuga dài 432,000 năm (Thời-Đại xấu xa chế-ngự thế-gian). Tổng cộng gọi là Mahàyugas dài 4,320,000 năm để làm thành một Kalpa, hay một ngày của Phạm-thiên. Theo cách tính đó thì năm thứ 5,079 của Kali Yuga là ngày 18 tháng Hai năm 3102 trước Công-nguyên, tương đương với thời văn-minh cổ ở Cận-Đông.
11. Câu này và những câu sau phản-ánh í-nghĩa trong Chàndogya Upanishad và Brhadàranyaka Upanishad phân-biệt hai con đường sáng-tối, nhấn mạnh ở điểm không phải chỉ đợi đến lúc lâm-chung. Í ấy cũng phân biệt giữa người trầm tư về năm ngọn lửa là: Trời, Thần Gió, Thế-gian, Nam, Nữ, và người chỉ lo cầu khấn. Người chỉ lo cầu khấn sẽ đi vào bóng tối và chịu kiếp luân-hồi.
ĐỐI-THOẠI CHÍN
MINH-ĐẠO và HUYỀN-BÍ
Ràjavidyàràjaguhyayoga
31. Krishna: “Này Nam-tử Kuntì. Kẻ nào có tâm-đạo sẽ chóng đến miền hòa-bình vô-thượng.
Không ai yêu Ta mà lại vong-thân bao giờ.”
ĐỨC THẾ-TÔN
1. Ta sẽ cho nhà ngươi biết mật-tông này (Guhyatamam). Nhà ngươi không thể tin được, vì nó bao gồm Tri-thức (Jnànam) và Phân-tích luận (Vijnàna). Nhưng sau khi đã biết rồi, nhà ngươi sẽ thoát khỏi xấu xa (Asubhàt).
2. Mật-tông này gọi là Minh-Đạo (Ràjavidyà), đạo tinh-khiết (Pavitram) tối-thượng, khả-tri (Avagamam), chính-trực (Dharmyam), và vĩnh-cửu (Avtayam), rất dễ dàng huân-tập.
3. Này Vạn-thắng Vương. Ai không tin vào mật-tông này thì không thể đến với Ta. Người ấy lại phải chịu kiếp-sinh (Nivartante), theo con đường hủy-thể và linh-hồn phải đầu thai hết kiếp này sang kiếp khác (Samsàra).
4. Ta phù-trì toàn thể vũ-trụ (Jagat) này bằng sức-mạnh vô-hình (Avyaktamùrtimà) của Ta. Vạn-vật (Sarvabhùtàmi) trú-ngụ trong Ta, nhưng ta không trú-ngụ trong vạn-vật.
5. Đúng thế, vạn-vật không ở trong Ta1. Hãy chiêm-ngưỡng quyền-năng vương-gỉa (Àisvaram) của Ta. Ta phù trì (Bhùtabhrt) vạn-vật, nhưng Ta không sống trong Vạn-vật. Nhờ Ta vạn-vật mới có (Bhùtabhàvanas).
6. Hãy nhớ rằng. Như gió mạnh đi muôn-phương (Sarvatragas), nhưng vĩnh-viễn vẫn nằm trong vũ-trụ. Phù-sinh cũng thế, hiện-hữu trong Ta (Matsthàni).
7. Này Nam-tử Kunti. Vạn-vật bước vào tục-giới (Prakrtim) của ta sau khi một chu-kì chấm dứt (Kalpaksaye). Ở một chu-kì mới (Kalpàdàu),Ta lại sinh ra (Visrjàmi) vạn-vật.
8. Vì vạn-vật mải sống (Avastabhya) trong tục-giới của Ta, cho nên ta cứ tiếp-tục sinh ra muôn-trùng (Bhátaràmam) vạn-vật. Vạn-vật yếu-đuối vì sinh từ bản-thể thấp-kém (Prakrtes) của Ta2.
9. Này Arjuna. Ta chẳng tha thiết (Asaktam) gì tới những việc làm của Ta như thế3. Ta ngồi yên-lặng dửng-dưng (Udàsìnavat).
10. Này Nam-tử Kunti. Ta như “kẻ coi sóc công-trường”4 (Adhyaksena), nhìn bản-ngã vật-chất của Ta sinh ra vạn-vật, cái thì linh-hoạt, cái thì ù-lì (Sacaràcaram). Cứ thế vũ-trụ tha hồ sinh hoá (Viparivartate).
11. Kẻ mê-muội ghét Ta khi thấy Ta trong hình-dạng con người (Mànusìm). Chúng đâu có biết Ta còn có bản-ngã cao hơn (Param) gọi là Đấng Thế-Tôn (Mahesvaram) của tất cả muôn loài.
12. Kẻ nào hi-vọng hão-huyền (Moghàsàs), hành-động hão-huyền (Moghakarmànas), hiểu-biết hão-huyền (Moghajnànàs), chẳng suy-nghĩ gì cả (Vicetasas), kẻ đó sống trong bản-ngã xấu-xa (Ràksasìm), độc-địa5, sinh ra mờ tối.
13. Này Nam-tử Prithà. Nhưng kẻ nào có tâm cao-thượng sống ở thiên-cung (Dàivìm), kẻ ấy dốc lòng kính-ngưỡng (Bhajanti) Ta, biết Ta là cỗi nguồn của vạn-vật (Bhùtàdim), và là Đấng Phạm-thiên vô hủy-diệt (Avyayam).
14. Kẻ đó không ngừng tán-thán (Kìrtayantas) Ta, phát-thệ vinh-danh (Namasyantas) Ta, và kính-ngưỡng (Bhaktyà) Ta với lòng mến-yêu trì cửu (Upàsate).
15. Lại có những người nhờ tri-thức hi-sinh, kính-ngưỡng Ta là Đấng có một (Ekatvena) nhưng lại hiện ra vô-vàn bản-ngã (Prthaktvena), quay về khắp nơi trong vũ-trụ (Visvatomukham)6.
16. Ta là nghi-lễ (Kratus), là lòng hi-sinh, là hạnh cúng giường, là dược-thảo (Àusadham), và là Thánh-thư (Mantras). Ta cũng là bơ tinh-khiết (Àjyam), là lửa và là lễ-vật dâng lên cho cho thần-linh (Hutam).
17. Ta là Tạo-hóa7, là mẹ, là kẻ sắp đặt an bài, là ông cha, là kiến-văn cụ-thể, là khả-năng làm cho thanh-sạch, là nguyên-âm huyền-bí ‘Ôm’. Ta cũng là ba tập Vệ-đà8.
18. Ta là mục-đích (Gatis), là kẻ phù-trì (Bhartà), là vị Chúa-tể (Prabhus), là chứng-nhân (Sàksì), là gia-đình (Nivàsas), là nơi trú-ngụ, là bạn, là nguyên-thủy, là sự tan-rã (Pralayas) và cũng là nền-tảng (Sthànam). Ta là kho-tàng và cũng là hạt-nhân (Bìjam) vô huỷ-diệt.
19. Này Arjuna. Ta sinh ra nhiệt, Ta lưu-trữ và sinh ra mưa. Ta là bất-tử (Amrtam) và cũng là diệt-vong (Mrtyus). Ta là bản-thể (Sat) và vô bản-thể (Asat).
20. Những ai hiểu ba tập Vệ-đà (Tràividyas) kể như uống được tiên-tửu (Somapàs)9, mọi xấu xa không còn nữa. Những người ấy kính-ngưỡng Ta với đức hi-sinh và đi về cõi niết-bàn (Svargatim). Họ đạt đến thế-giới thanh-tịnh của Đấng Chí-Tôn Vô-thượng (Surendra)10, hưởng những thú-vui linh-thiêng thần-thánh (Devabhogàn).
21. Theo luật trong ba tập Vệ-đà, sau khi đã thỏa vui (Bhuktvà) trong thế-giới mênh-mông (Visàlam) của thần-tiên, thì danh-đức (Punye) cũng cạn, những người ấy bước vào thế-gian (Martyalokam), rồi đam-mê dục-thú (Kàmakàmàs). Họ đạt được cái gọi là ‘nhân nào qủa đó, duyên trước nghiệp sau’ (Labhante).
22. Những ai trong khi hành lễ miệt mài đưa hết tư-tưởng về Ta, tâm-trí không để vào nơi khác, thì Ta ban cho tất cả những gì họ muốn.
23. Này Nam-tử Kuntì. [Ta ban cho] 11 cả những ai thờ thần-linh khác, hi-sinh với tất cả lòng thành (Sraddhayà), nhưng cũng dâng công-đức cho Ta, dù không theo đúng giới luật hi-sinh (Avidhipùrvakam).
24. Bởi vì Ta là người biết giá-tri (Bhoktà) [các hạnh hi-sinh]12 và Ta là Đức Thế-Tôn của đức hi-sinh. Nhưng nếu những người ấy thật tình không nhận ra Ta, thì họ sẽ rơi vào tăm-tối (Cyavanti).
25. Ai thờ thần-linh (Devavratàs) đi theo thần-linh. Ai thờ cúng tổ-tiên (Pitvratàs) đi theo tổ-tiên. Ai thờ qủi-thần đi theo qủi-thần (Bhùtejyàs). Ai hi-sinh cho Ta chắc chắn đến với Ta.
26. Ai dâng cho Ta với lòng ngưỡng mộ, dù là một cái lá, một cành hoa, một qủa, hay một giọt nước với tất cả lòng thành, Ta cũng đón nhận tấm lòng thanh-khiết (Prayata) của người ấy (Prayatàtmanas).
27. Này Nam-tử Kuntì. Hãy dâng cho Ta bất kể cái gì ngươi làm, ngươi ăn. Dâng cho Ta cái gì cũng được. Dâng cho Ta những khổ-hạnh mà nhà ngươi huân-tập (Tapasyasi).
28. Chắc chắn nhà ngươi sẽ được giải-thoát khỏi kết qủa tốt xấu (Subhàsubhaphalàis) của những gì nhà ngươi làm. Nhà ngươi sẽ được giải-thoát nhờ trai-giới (Samnyàsayoyogayuktàtmà) và nhờ biết Gĩa-từ Hành-động (Samnyàsayoga).
29. Ta công-bằng (Samas) với tất cả phù-sinh. Ta không thương (Priyas) mà cũng chẳng ghét (Dvesyas) ai. Nhưng ai kính yêu Ta với lòng ngưỡng-mộ, người đó hiện-hữu trong Ta, và Ta cũng hiện-hữu trong người đó.
30. Ngay cả nếu một kẻ xấu xa (Suduràcaras) kính-ngưỡng Ta với tất cả tấm lòng, kẻ đó là kẻ chính-trực (Sàdhus), cho nên kẻ đó không còn xấu xa (Vyavasitas).
31. Này Nam-tử Kuntì. Kẻ nào có tâm-đạo (Dharma) sẽ chóng đến miền hòa-bình vô-thượng. Không ai yêu Ta mà lại vong-thân bao giờ (Pranasyati).
32. Này Nam-tử Prithà. Người nào trú-ngụ trong Ta, dù ở giai-cấp hèn mọn (Sùdràs), như phụ-nữ (Striyas) [?], thợ-thuyền, hay ngay cả nô-lệ 13 cũng đều đạt được mục-đích cao cả nhất.
33. Thế thì còn làm gì hơn nữa những bậc Đại-sư thánh-thiện (Bràhmanas) và những bậc minh-vương (Ràjarsayas)! Thôi thì đã đến thế-giới mong-manh (Anityam) và bất hạnh này (Asukham), hãy đem lòng ngưỡng mộ về Ta .
34. Với tâm định-tĩnh, hướng tất cả cho Ta, hi-sinh cho Ta, và kính yêu Ta. Kiên-trì với Ta như là mục-đích tối-thượng thì nhà ngươi sẽ đến với Ta.
ĐỐI-THỌAI CHÍN
GHI-CHÚ
1. Í này nghịch-lí, nên Radhakrishnan diễn thế này: “Đấng Thế-Tôn là cỗi nguồn của mọi hiện-tượng, nhưng lại không bị ảnh-hưởng bởi những hiện-tượng ấy.”
2. Theo chú-giải của Ràmànuja: “Ở một ngày mới của Kalpa, đấng Thế-Tôn lại sinh ra vạn-vật một lần nữa dựa vào bản-ngã thấp (vật-chất) của Người. Bản-ngã này đa hình đa dạng. Đấng Thế-Tôn sinh ra bốn loại: thần-linh, người, động-vật và cỏ cây. Rồi từ bản-ngã kì-diệu của Tạo-hóa (Prakrti) trong đó có quan-năng (Gunas), Người biến bốn thứ này thành tám loại (Xem đối-thoại bảy, câu số 4.)”
3. Ở đây ta thấy gần gũi với cái nhìn của Lão-tử: “Trời-Đất bất-nhân, coi người như chó rơm.” Về mặt khoa-học ngày nay, ta thấy khi vũ-trụ sinh, sự sinh-hóa có khởi có tàn. Cái Lực Sáng-tạo, mà có người gọi là Tạo-hóa hay Thượng-Đế, sinh ra mọi thứ và để tự chúng sinh-hóa theo luật tự-nhiên. Cái gọi là ‘í-chỉ’ là hoạt-động tâm-lí của con người do giác-quan thúc-đẩy. Í-chỉ đó không có trong Tạo-hóa. Cho nên, câu nói: ‘Tạo-hóa dửng-dưng trước thế-gian’ có thề hiểu được.
4. Adhyaksena: Người coi sóc, quản-lí, chứng-kiến việc làm. Tôi coi Tạo-hóa như “kẻ coi sóc công-trường” để diễn-í là ‘Toàn thể vũ-trụ, trong đó có cả thế-gian, là trò ảo hoá, mà năng lực sáng-tạo, như kẻ bàng quang, nhìn cảnh đó mà thôi, chứ không nhúng tay vào.’ Trong Cung-Oán Ngâm-Khúc, Ôn-Như Hầu viết:
Kìa thế-cục như in giấc-mộng,
Máy huyền-vi mở đóng khôn-lường.
Còn í-niệm ‘tiền-định’ trong Cung-Oán Ngâm-Khúc phải hiểu theo nghĩa “duyên nào nghiệp ấy, nhân trước qủa sau”. Sở dĩ có hoa hoa vì có yếu tố nở hoa.
5. Prakrtim: Chữ này tự nó chỉ có nghĩa là ‘bản-chất’ hay ‘bản-ngã’, vì trong bản Phạn-ngữ chữ ‘bản-ngã’ hay ‘bản-chất’ và chữ ‘xấu-xa’ (như quỉ)/ Ràksasìm) không viết dính vào nhau, mà để trong hai câu riêng, như sau:
ràksasìm àsurìm càiva Xấu-xa và độc-ác bởi thế
prakrtim mohinìm sritàh Bản-ngã mờ tối có mặt.
Khi dịch tôi đưa hai từ đó sát lại nhau, miễn là nghĩa không thay đổi.
6. Visvatomukham: Cũng có nghĩa là ‘Đấng Tri-túc vạn-vật’.
7. Pitàham asya jagato: Dịch từng chữ là ‘Cha của vũ-trụ’. Tôi dịch là ‘Tạo-hóa’.
8. Ba tập Vệ-đà (san-định cổ-thi vế Đấng Vô-thượng) là: Rig Veda (Tán-thán) , Sàmà Veda (Tụng kinh), và Yajur Veda (cúng lễ).
9. Somapas: Người uống rượu ‘Soma’, một thứ rượu làm đầu óc ngất ngư, dùng trong tế-lễ của Ấn giáo.
10. Surendra: Tức thần Indra, vị thần tối-thượng (trên tất cả các vị thần khác).
11. Vì câu 22 và 23 liên-hệ chặt chẽ với nhau, nên tôi thêm vào câu ‘Ta ban cho’, nếu không câu 23 sẽ tối nghĩa.
12. Bhoktà: Người biết vui thưởng-thức hay biết gía-trị. Ví-dụ: Biết gía-trị và đón nhận bất cứ cái gì. Sarvayajnànàm: Tất cả hạnh hi-sinh.
13. Xếp ‘phụ-nữ’ vào ba loại thấp nhất trong xã-hội không những nghịch với tinh-thần ‘bình-đẳng’ trong Chí-Tôn Ca, mà còn là một í-niệm sai gây ra tư-tưởng sai trong xã-hội.
ĐỐI-THỌAI MƯỜI
HIỆN-THÂN
Vibhùtiyoga
40. Krishna: “Này Arjuna. Những thị-hiện thần-thánh như thế của Ta
không bao giờ chấm dứt. Những gì ta mới cho nhà ngươi thấy chỉ là
một ví-dụ của toàn-thể thị-hiện của Ta mà thôi.”
ĐỨC THẾ-TÔN
1. Này Tướng-quân. Một lần nữa hãy nghe lời nói Vô-thượng của Ta. Ta nói với nhà ngươi vì lợi cho nhà nguơi (Hitakàmyayà), và vì nhà ngươi là người Ta yêu mến.
2. Không có thần-linh nào hay đấng tiên-tri vĩ-đại nào biết được cội-nguồn (Prabhavam/ Àdis) của Ta. Thực ra nói chung, Ta là cội-nguồn của tất cả thần-linh (Suraganàs) và của tất cả những đấng tiên-tri vĩ-đại (Maharsìnàm).
3. Ai biết rằng Ta, đấng Vô-sinh (Ajam) và Vô-thủy (Anàdim), đấng Tạo-hóa của Thế-gian, thì người đó không lầm-lẫn và không xấu-xa khi sống giữa loài người1.
4. [Tất cả những đẳng-tính như]2 Thông-minh, hiểu-biết, không lầm-lẫn, kiên-trì, chân-thực, điều-ngự quan-năng, điều-ngự tâm-trí, vui, khổ, sinh, diệt, sợ-hãi và không sợ-hãi 3.
5. Bất bạo-động, công-bằng, mãn-nguyện (Tustis), đạm-bạc (Tapas), bác-ái, có tiếng tăm (Yasas), không có tiếng-tăm (Ayasas), cùng với rất nhiều định-mệnh của phù-sinh (Prthagvidhàs) đều đến từ Ta.
6. Bẩy vị đại tiên-tri thời cổ4 và bốn đức thế-tổ của nhân-loại (Manavas), tức là những người đã sinh ra nhân-loại trong thế-gian này đều đến từ Ta, đều do Tâm-trí Ta mà ra.
7. Ai biết rõ điều này là quyền-năng và ngôi-vị chúa-tể của Ta thị-hiện (Vibhùtim), người đó ở bên Ta nhờ Đạo Yoga trì-cửu (Avikampena). Điều này không còn hồ-nghi gì nữa (Samsayas).
8. Ta là cội-nguồn của tất cả (Prabhavas). Từ Ta vạn-vật cứ thế mà đi (pravartate). Nghĩ như thế, những người thông-minh, nhờ ơn thiền-định (Samanvitas), kính-ngưỡng Ta.
9. Những ai đã nghĩ đến Ta (Maccittàs), tập trung hơi thở về Ta, biết giúp nhau giác-ngộ (Bodhayantas), lúc nào cũng nhắc nhở đến Ta. Những người ấy an-vui (Ramanti) và hạnh-phúc vô-cùng.
10. Ai luôn luôn trì-cửu, ai kính-ngưỡng với lòng yêu qúi (Prìtipùrvakam), Ta ban cho người đó khả năng hiểu biết phân-tích chi li (Buddhiyogam) để người đó đến với Ta.
11. Vì thương-cảm (Anukampà) họ, cho nên ta hiện-hữu trong bản-thể của họ5 đê đập tan cái tối-tăm (Tamas) sinh từ ngu-lậu bằng ngọn đèn (Jnànadìpena) sáng-trưng của tri-thức.
ARJUNA thưa
12. Người là Đức Thế-Tôn Vô-thượng, là Miền (Dhàma) Vô-thượng, là Đấng Tinh-khiết Vô-thượng, là Tâm-linh Thần-thánh Vô-thượng, là Tạo-hóa5, vô-sinh và phù-trì vạn-vật (Viblum).
13. Cho nên các vị tiên-tri gọi Người là Đức Tiên-tri Nàrada thần-thánh trong tập Rig Vệ-đà. Họ cũng gọi Người là Thi-bá Asita Devala đã viết ra những bài thơ trong tập Rig Vệ-đà. Họ cũng gọi người là Học-gỉa Vyàsa, người có công san-định Kinh-ngữ Vệ-đà và Anh-hùng Ca Mahàbhàrata. Và bây giờ chính Người đang nói với tôi6.
14. Hỡi Đấng Thế-Tôn với mái-tóc đẹp tuyệt vời. Tất cả những cái ấy Người đã nói với tôi, và tôi tin là đúng. Bạch Đức Thế-Tôn. Quỉ-thần (Dànavàs) không thấy được sự thị-hiện (Vyaktim) của Người.
15. Bạch Đức Thế-Tôn. Chỉ có Người biết Người mà thôi. Người là Tâm-linh Vô-thượng, là Nguồn-sống của tất cả phù-sinh, là Đấng Chúa-tể của muôn-loài. Người là Tạo-hóa (Jagatpate) của tất cả thánh-thần (Devadeva).
16. Xin Người hãy cắt nghĩa đấy đủ cho tôi những Thi-hiện thần-thánh của Người (Àtmavibhùtayas), nhờ vào đó Người đã phù-trì (Vyàpya) thế-gian và đã sống ở Thế-gian.
17. Bạch Đức Thế-Tôn (Bhagavan). Làm sao tôi có thể biết Người trong lúc chuyên tâm thiền-định về Người? Trong cảnh giới nào của bản-thể để tôi có thể nghĩ đến Người?
18. Bạch Đức Thế-Tôn. Xin Người cắt nghĩa với đầy đủ chi-tiết (vistarena) cho tôi về quyền-năng thị-hiện của Người. Tôi mãi mãi khát khao (Trptis) nghe không biết chán về những lời Người dạy như mật trường-sinh bất-tử (amrtam).
ĐỨC THẾ-TÔN
19. Hãy nghe đăy! Ta sẽ giảng cho nhà ngươi nghe về những Thị-hiện Thần-thánh của Ta. Những Thị-hiện ấy rất quan-trọng, vì cảnh-giới của Ta vô-tận.
20. Ta là Đại-ngã, Đấng Thế-Tôn có mái tóc dầy, hiện-hữu trong tâm của muôn loài. Ta là lúc khởi-đầu, là điểm trung-giới, và cũng là hồi chung-cuộc của muôn loài.
21. Trong số bẩy vị thần-linh Àdityas 7 Ta là đấng Vishnu. Trong các nguồn-sáng Ta là mặt Trời rực-rỡ. Ta là Thần Bão-tố cao-đẳng Marìci của tất cả những vị thần Bão-tố khác 8. Trong tất cả những hộ-tinh về ban đêm, Ta là mặt Trăng.
22. Trong các tập Vệ-đà, Ta là tập bàn về Tiên-tửu (Sàma Veda). Trong các thần-linh Ta là Thần Chánh-pháp Indra (Vàsava). Trong các quan-năng Ta là trí-tuệ. Ta là í-thức của phù-sinh.
23. Trong số các thần Bão-tố Rudras9 Ta là thần hủy-diệt Samkara và Vittesa10 . Ta là thần thù-nghịch Yaksas, thần vĩnh-phúc Yaksas, thần lửa Pàvaka (Agni), và nhóm thần ngời-sáng Vasus. Trong những ngọn núi Ta là ngọn núi thiêng Meru 11.
24. Này Nam-tử Prithà. Hãy biết rằng Ta là Brhaspati, vị sư-trưởng của các giáo-sĩ gia-tộc. Trong số các tư-lệnh quân-đoàn Ta là Thần Chiến-tranh Skanda. Trong các miền ngập nước, Ta là đại-dương.
25. Trong số các đại tiên-tri, Ta là đấng tiên-tri bất-hủ cổ xưa Bhrgu 12. Trong những âm phát ra, Ta là nguyên-âm ‘Ôm’. Trong các hạnh hi-sinh, ta là lời cầu nguyện. Trong các bản-ngã bất-di bất-dịch, Ta là rặng Hi-mã Lạp-sơn.
26. Trong các cây cối, Ta là cây vả linh-thiêng. Trong các vị tiên-tri thần-thánh, Ta là Tiên-tri Nàrada. Trong số các nhạc-sĩ thiên-cung Gandharvas, Ta là nhạc-sĩ chính Citraratha của nhóm ấy. Trong số những tâm-tư hoàn hảo, Ta là hiền-gỉa Kapila 13.
27. Hãy biết rằng, trong những chiến-mã, Ta là thần-mã Uccaihsravas sinh ra từ tiên-tửu 14. Trong số những con voi trận của vương-tử, Ta là voi thần Àairàvata. Trong nhân-loại, Ta là Đấng Thế-Tôn.
28. Trong số các vũ-khí, Ta là lưỡi tầm-sét. Trong những loại bò, Ta là bò thiêng Kàmadhuk 15. Ta là thần khát-khao sinh-sản Kandarpa 16. Trong số những loài rắn, Ta là vua rắn Vàsuki.
29. Ta là rắn Ananta vĩnh-cửu 17. Ta là thủy-thần Varuna. Trong số các tổ-tiên, Ta là Bành-tổ Aryaman. Ta là thần-chết Yama.
30. Ta là thần Prahlàda biết bỏ nhóm Dàityas để quay về chính-nghĩa 18. Trong tất cả máy tính, Ta là Thời-gian. Trong các mãnh-thú, Ta là sư-tử. Trong các loài chim, Ta là con chim huyền-diệu Vàinateya.
31. Trong số những gì làm cho tinh-khiết, Ta là gió. Trong số anh-hùng, Ta là anh-hùng Ràma 19. Trong số loài thủy-quái, Ta là thủy-quái Makara. Trong những giòng sông, Ta là aí-nữ của hiền-nhân Jahnu (sông Hằng) 20.
32. Này Arjuna. Trong các hành-động sáng-tạo, Ta là điểm khởi đầu, là khoảng lưng chừng và là hồi chung cuộc. Trong các hiểu-biết, Ta là hiểu-biết về Đại-ngã Vô-thượng. Ta là luận-văn cho diễn-giả.
33. Trong bảng mẫu-tự, Ta là chữ ‘A’ và đại danh-từ đơn-giản của mọi chữ ghép. Ta chính là thời-gian vô-tận. Ta là Đấng Hoá-công (Dhàtà) quay mặt về bốn-phương tám-hướng.
34. Ta là thần-chết hủy-hoại tất cả. Ta là cội-nguồn của những gì sắp sửa sinh ra. Trong số nữ-tính, Ta là những từ giống cái như ‘tiếng-tăm’, ‘thịnh-vượng’, ‘khoa nói’, ‘kí-ức’, ‘minh-triết’, ‘can-đảm’, và ‘kiên-nhẫn’ 21.
35. Trong những điệu tụng kinh, Ta là lối tụng Brhatsàman 22. Ta là vần-thơ ba giòng tám chữ Gàyatrì 23. Trong các tháng, Ta là tháng Màrgasirsa 24. Trong bốn mùa, Ta là mùa xuân.
36. Ta là thú đỏ-đen của tên cờ-gian bạc lận. Ta là sự ngời-sáng của con người vĩ-đại. Ta là vinh-quang. Ta là nỗ-lực. Ta là tính tôt của mọi cái tốt 25.
37. Trong bộ-tộc Vrsnis 26, Ta là Vàsudeva (Krishna). Trong các nam-tử của đại-tộc Pàndu, Ta là Arjuna. Còn nữa, Trong số những bậc đại-hiền, Ta là hiền-gỉa Vyàsa 27. Trong số những thi-bá, Ta là Usanas 28.
38. Ta là quyền-lực của tất cả các nhà cai-trị. Ta chỉ đạo cho ai muốn đạt vinh-quang. Ta là sự yên-lặng của mật-tính, và là sự hiều biết của con người minh-triết.
39. Này Arjuna. Ta cũng là hạt-nhân của tất cả phù-sinh. Không gì tồn-tại mà không hiện-hữu trong Ta, dù luân-lưu hay bất-động.
40. Này Arjuna. Những thị-hiện thần-thánh như thế của ta không bao giờ chấm dứt. Những gì ta mới cho nhà ngươi thấy chỉ là một ví-dụ của toàn-thể những thị-hiện của Ta mà thôi.
41. Bất cứ cái gì con người được thị-hiện thì đều hiện-hữu, đầy vinh-quang và dũng-mãnh. Hãy hiểu rằng trong bất cứ trường-hợp nào con người cũng đến từ một phần vĩ-đại của Ta.
42. Này Arjuna. Kiến-thức bao-quát này có nghĩa gì đối với nhà ngươi không? Ta mãi mãi phù-trì toàn thể vũ-trụ này chỉ bằng một phần nhỏ bé của Ta thôi.
ĐỐI-THOẠI MƯỜI
GHI-CHÚ
1. Martyesu: Giữa loài người
2. Để cho câu này khỏi tối-nghĩa, tôi thêm vào [Tất cả những đẳng-tính như]
3. Câu này tôi dựa vào bản của Sri Sankaràcàrya (1983), trang 323.
4. Bảy vị tiên-tri thời cổ là: Kasyapa, Atri, Vasistha, Visvàmitra, Gotama, Jamadagni, và Bharadvàja. Manavas (Manus) được coi là vị đại-thánh ban luật Ấn-giáo và là tác-gỉa của bộ-kinh hậu Vệ-đà Mànava dharmasàstra.
5. Àdidevam: Tạo-hóa, tức Thượng-đế ban-đầu.
6. Trong câu này và một vài câu khác tôi cố í kết-hợp bản văn và chú-giải với nhau để làm rõ nghĩa.
7. Về sau bẩy vị thần này trở thành mười hai vị và được coi là những vị-thần tối-thượng.
8. Maruts: Là nhóm thần gây bão-tố giúp thần Indra giết con rồng dũng-mãnh ngoài không-gian, để mang nước xuống trần-gian.
9. Rudras: Nhóm thần bão-tố, vừa có tính hủy-diệt lại vừa có tính tái-tạo.
10. Vittesa: Cũng là thần Kubera, thần giàu-sang, thịnh-vượng.
11. Meru: Ngọn núi linh-thiên, như Olympus ở Hi-lạp.
12. Bhrgu: Vị tiên-tri thái cổ nổi tiếng vì đã đứng ra hoà-giải sự tranh-chấp của các thần-linh.
13. Vị hiền-giả sáng lập tông-phái triết-học Sàmkhya, cổ nhất của hệ-thống tư-tưởng Ân.
14. Uccaihsravas: Con ngựa của thần Indra, hay Thái-dương mã, sinh ra bởi tiên-tửu đến từ đại-dương. Tên ấy cũng có nghĩa là ‘tiếng hí vang to’.
15. Kàmadhul: Bò thần-thoại, có khả năng giúp chủ đạt được mọi điều mong ước.
16. Kandarpa: Cũng là Kàma, tức thần tình-ái.
17. Ananta: Mãng sà vương, uốn mình quanh trái đất, nên có nghĩa ‘vĩnh-cửu’,
18. Prahlàda: Tên một hoàng-tử trong nhóm Dàityas, kẻ thù của thần-linh. Prahlàda hồi chánh trở thành người đạo-hạnh thờ thần Vishnu.
19. Ràma: Anh-hùng trong thiên Anh-hùng Ca Ràmàyana, và cũng có thể là Parasuràma.
20. Jànavì: Con gái Jahnu, tức là sông Hằng (Ganges).
21. Trong Phạn-ngữ những từ liệt kê trong câu, ‘tiếng-tăm’ ...’kiên-nhẫn’ đều là danh-từ chỉ giống cái.
22. Brhatsàman: Một lối tụng kinh hướng về thần Indra
23. Gàyatrì: Vần luật của thơ ‘ba giòng, tám âm’.
24. Màrgasirsa: Tên tháng khi mặt trăng tiến vào chòm sao Mrga Siras (đầu hươu), tức vào khoảng tháng Mười-một hoặc Mười-hai. Ta nên lưu-í là tháng và mùa mà Krishna thích là Xuân và Thu.
25. Câu này cũng có nghĩa: ‘Ta là chân-tính của tất cả những người bàn về chân-tính.” Từ Sattvam có nghĩa ‘thiện’, ‘đức’, ‘chân-tính’.
26. Vrsnis: Tên bộ-tộc, nguồn gốc của Krishna.
27. Vyàsa: Người có công san-định những tập Vệ-đà, Anh-hùng Ca Mahàbhàrata, và là cụ của các vương-tử Pàndava trong Chí-Tôn Ca.
28. Usanas: Cũng có tên là Usanà, một thi-nhân và tiên-tri thời cổ.
ĐỐI-THOẠI MƯỜI MỘT
ẢNH-TƯỢNG VŨ-TRỤ
Vishvarùpadarshanayuga
55. Krishna: “Ai ghánh nghiệp của Ta, tùy-thuộc vào Ta, hết lòng vì Ta, gĩa-từ hệ-lụy,
không thù ghét ai, người đó đến với Ta.”
ARJUNA thưa
1. Người đã ban ơn (Madanugrahàya) cho tôi, đã nói cho tôi biết về Bản-ngã Vô-thượng đầy mật-tính (Guhyam) sâu thẳm nhất. Nhờ thế, ảo-tưởng (mohas) của tôi không còn nữa.
2. Bạch Đức Thế-Tôn 1. Chính tôi đã nghe Người nói rất đầy đủ về cội-nguồn và hủy-diệt (Bhavàpyayàu) của phù-sinh, cũng như về bản-thể vĩ-đại (Màhàtmyam) vô-hủy diệt của Người.
3. Bạch Đức Thế-Tôn. Chính Người đã nói thế. Tôi còn ao ước ngắm vóc-thể đế-vương (Àisvaram) của Người. Hỡi Đấng Tâm-linh Vô-thượng (Purusothhama).
4. Bạch Đức Thế-Tôn 2. Nếu Người nghĩ có thể cho tôi được ngắm vóc-thể ấy, thì xin Người hãy hiện ra cho tôi thấy Bản-ngã Vô-hủy diệt của Người.
ĐỨC THẾ-TÔN
5. Này Nam-tử Prithà. Hãy ngắm vóc-thể của Ta, có thể hàng trăm (Satasas), có thể hàng nghìn (Sahasrasas), đa-diện và thần-thánh, muôn mầu (Varna) muôn vẻ (Àkrtìni).
6. Này dòng-dõi thế-gia Bharata. Hãy ngắm các chư thần Àdityas 3, Vasus 4, và Rudras 5. Hãy ngắm hai kị-sĩ thiên-cung Asvins 6, những vị-thần Maruts nổi-tiếng sử-dụng lưỡi tầm-sét 7. Và còn nhiều kì-công chưa bao giờ thấy.
7. Bây giờ hãy nhìn toàn-thể vũ-trụ, cái chuyển-động cũng như cái không chuyển động (Sacaràcaram) cùng ở đây với nhau (Ekastham) trong thân-thể Ta, với tất cả những gì nhà ngươi muốn thấy.
8. Nhưng nhà ngươi không thể thấy Ta như thế với đôi mắt trần (Caksusà). Ta cho nhà ngươi đôi mắt linh-thiêng để nhà ngươi thấy quyền-năng vĩ-đại của Ta.
Samjaya thưa
9. Tâu Thánh-Thượng. Nói xong, Đấng Chí-Tôn đạo Yoga, cũng chính là đấng Hari (Vishnu) cho Nam-tử Prithà thấy vóc-thể vô-thượng vĩ-đại của Người.
10. Với biết bao nhiêu là mắt miệng, bao nhiêu hình-hài kì-vĩ, bao nhiêu trang-điểm thần-linh, và bao nhiêu vũ-khí linh-thiêng dựng lên tua tủa,
11. Đấng Thế-Tôn khoác những vòng hoa và i-phục linh-thiêng, sức các loại nước hoa va dầu thơm linh-thiêng, toàn là kì-diệu, - không ngừng quay mặt về bốn-phương, tám-hướng.
12. Nếu trên trời có hàng nghìn vầng thái-dương cùng hiện ra một lúc, ánh-sáng ấy cũng chỉ bằng Bản-thể Vĩ-đại mà thôi.
13. Nam-tử Pàndu đã thấy: vũ-trụ ấy đưng yên như một, rồi phân ra làm muôn vẻ trong thân-thể Đức Thế-Tôn.
14. Thế rồi, Arjuna – Kẻ Vinh-quang Thịnh-vượng, kinh-hồn táng đởm, tóc tai dựng đứng, cúi đầu trước Đấng Thế-Tôn, dáng kính cẩn, cất lời thưa.
ARJUNA thưa
15. Bạch Đức Thế-Tôn. Tôi thấy tất cả thần-linh trong vóc-thể của Người, muôn loài qui tụ. Đấng Phạm-Thiên ngồi trên tòa sen, còn các vị tiên-tri và rắn thần.
16. Tôi đã thấy Người với bao nhiêu tay, bao nhiêu bụng, bao nhiêu mặt, và bao nhiêu mắt, ở khắp mọi nơi, thiên hình vạn trạng (Sarvato ‘nantarùpam); chẳng phải lúc ban-đầu, chốn trung-gian, hay hồi chung-cuộc của Người. Bạch Đức Thế-Tôn. Tôi thấy Vóc-thể của Người chính là Vũ-trụ (Visvarùpa).
17. Tôi thấy Người, đầu đội vương-miện, tay cầm chùy (gadinam), tay cầm đĩa, với hào-quang rạng chiếu chung quanh, với ánh sáng vô cùng chói lọi (aprameyam) của mặt trời và ngọn lửa reo hừng hực (Dìpta). Thật khó lòng thấy Người toàn vẹn.
18. Người là Đấng Vĩnh-cửu (Aksaram), là Kiến-thức Vô-thượng. Người là chốn an-nhiên tối-thượng của muôn loài. Người là đấng bảo-trì (Goptà) của chính-pháp (Dharma) vĩnh-cửu. Nên tôi tin Người là tinh-thần nguyên-thủy (Sanàtamas).
19. Tôi thấy Người, với sức-mạnh vô-biên, không trung, không khởi, không
tàn. Người có nhiều tay, mặt trăng, và mặt trời 8 không sao đếm xuể. Tôi thấy miệng Người đảnh-lễ lửa hi-sinh 9 đốt tan (Tapantam) vũ-trụ với chính nguồn-sáng của Người.
20. Bạch Đức Thế-Tôn. Nhờ ảnh-tượng bốn-phương tám-hướng của Người mà chốn này giữa đất và trời mới được phù-trì. Cả ba thế-gian (Lokatrayam) run sợ khi thấy vóc-thể tuyệt vời và đáng sợ của Người.
21. Kìa là hàng hàng lớp lớp thần-linh đang bước vào Người. Có thần sợ-hãi cung-kính tán-dương: “Vạn-tuế Đức Thế-Tôn!” . Trong khi hàng hàng lớp lớp đại tiên-tri và những bậc giác-ngộ tán-dương Người với bao lời kinh cầu-nguyện.
22. Các vị thần Rudras, Àdityas, và Vasus 10, các chư-thần tinh-tú Sàdhyas 11, mười hai vị Visve 12, hai vị Asvins, thần Maruts, các vị tổ-phụ, nhóm nhạc công thiên-giới, những bậc thần-linh Yaksas, ngạ-qủi Àuras, và các đấng Hoàn-Thiện, thẩy đều ngây ngất ngưỡng mộ Người.
23. Bạch Đức Thế-Tôn. Khi đã thấy vóc-thể vĩ-đại của Người, với vô vàn mắt miệng, chân, tay, và khi miệng há ra để lộ những chiếc ngà dễ sợ (Damstràkaràlam), thì thế-gian và tôi đều run lên kinh-hãi (Pravyathitàs).
24. Bạch Đấng Vishnus (Arjuna). Khi thấy Người với tận trời cao (Nabhahsprsam), sắc mầu muôn vẻ, miệng há ra, mắt to nẩy lửa, tôi đâm ra kinh-hồn táng-đởm, mất hết can-đảm (Dhrtim) và tâm định-tĩnh (Samam).
25. Bạch Đức Thế-Tôn, Đấng Phù-trì Vũ-trụ. Khi thấy miệng Người tua tủa những ngà, rực lửa thiêu rụi vũ-trụ, thân tôi tê-liểt, không biết chỗ nào nương-tựa (Sarma). Xin Người hãy mở lượng từ-bi (Prasìsa).
26. Kìa, các vương-tử của hoàng-đế Dhritaràstra, kìa là những đấng quân-vương, Bhisma, Drona và Con Trai (Sùtaputras) của Dũng-sĩ điều-khiển chiến-xa (Karna). Tất cả cùng với chư-hầu và tư-lệnh (Yodhamukhyàis) của chúng tôi, đang bước vào Người.
27. Họ đang vội vã bước vào những chiếc miệng dễ sợ (Bhayànakàni) của Người, mở ra với vô số là ngà. Trong đám ấy có kẻ nát đầu, lủng-lẳng giữa hàm răng của Người.
28. Như sông chảy vào đại-dương, tất cả anh-hùng trong thiên-hạ (Naralokavìvàs) đều bước vào những chiếc miệng rực lửa của Người.
29. Như thiêu-thân bay vào biển lửa, 13
Cho điêu-tàn muôn thuả càng mau 14
Cả ba thế-giới theo nhau 15
Chôn vùi trong miệng thương đau của Người.
30. Bạch đấng Thế-Tôn (Vishnu). Người liếm và nuốt chửng thế-gian. Người bao phủ vũ-trụ với nét huy-hoàng rồi dùng tia sáng (Bhàsas) dữ-dội hoả-thiêu vũ-trụ (Pratapani).
31. Hỡi vóc-thể khủng-khiếp này (Ugrarùpas). Người là ai? Bạch Đức Thế-Tôn. Tôi có thể thờ kính (Namas) Người được không? Xin Người mở lượng từ-bi. Tôi muốn biết Vóc-thể Uyên-nguyên của Người. Thực tình, tôi chưa hiểu được mục-đích (Pravrttim) của Người.
ĐỨC THẾ-TÔN
32. Ta là Thời-gian (Kàlas), nguyên-nhân cho sự suy-tàn của thế-gian. Thời-gian đến để loại bỏ ba thế-giới, dù là nhà ngươi hay các chiến-sĩ kia hành-động hay không hành-động. Các chiến-sĩ kia đã dàn trận đối-địch (Avasthhitàs pratyanìkesu) sẽ đi về cõi chết.
33. Này Đại-tài Bách-bộ Xuyên-dương (Arjuna) 16. Hãy đứng lên dành lấy vinh-quang! Chiến thắng kẻ thù và vui với một vương-quốc (Ràjyam) thịnh-vượng. Ta đã dần cho chúng một trận rồi. Lợi dụng thời cơ tiêu-diệt chúng đi 17.
34. Ta lần luợt giết những chiến-sĩ anh-hùng như Drona, Bhisma, Jayadratha, và Karna. Còn hồ-nghi gì nữa? Giết chúng đi! Đánh! Nhà ngươi sẽ chiến thắng kẻ thù trong trận này.
SAMJAYA thưa
35. Sau khi nghe lời nói của Tôn-Gỉa Krishna 18, Arjuna 19 run run kính ngưỡng, cúi đầu ghê sợ. Rồi lại cúi xuống lắp bắp thưa với Đấng Krishna.
ARJUNA thưa
36. Bạch Đức Thế-Tôn. Đúng thế, cả vũ-trụ hân-hoan và vui mừng vì danh-đức (Prakìrtyà) của Người. Ma-vương Qủi-sứ (Raksàmsi) sợ hãi bỏ chạy khắp nơi, rồi các đấng toàn-thiện (Siddhasanghàs) sẽ cúi đầu trước mặt Người.
37. Bạch Đức Thế-Tôn. Nhưng sao họ chửa cúi đầu trước Người? Người là Đấng Tạo-hóa Uyên-nguyên, vĩ-đại hơn cả Phạm-thiên (Brahmanas). Người là Đấng Vô-biên của các Thần-linh, là Trú-sở (Nivàsa) của Vũ-trụ. Người là ĐấngVô huỷ-diệt, của Có và Không, ra ngoài tất cả (Tatparam) lẽ hữu vô.
38. Bạch Đấng Hữu-thể Vô-biên. Người là Đấng Uyên-nguyên, là Tinh-thần
Thái-cổ. Người là Trú-sở (Midhànam) Vô-thượng của vũ-trụ. Người là Đấng Toàn-tri (Vettà), là Năng-lực Hiểu-biết (Vedyam) và là Quốc-gia Vĩ-đại. Toàn thể vũ-trụ được Người bảo-vệ.
39. Thần Gió Vàyu, thần Trị-tội Yama 20, Hoả-thần Agni, Thủy-thần Varuna, và Hằng-Nga, - Người – Người là Đấng Thế-Tôn của vạn-vật và là thủy-tổ. Tôn-kính! Tôn-kính! (Namo namas) Nếu có thể nói thế với Người cả nghìn lần, và nói hơn thế nữa – Tôn-kính! Tôn-kính! – với Người!
40. Bạch Đức Thế-Tôn. Tôn-kính Người phía trước cũng phía như sau (Parastàd atha prsthatas). Tôn-kính chung quanh Người (Sarvatas). Người là qủa-cảm (Vìrya) vô-biên và là sức-mạnh (Ananta) vô-song. Người thấm vào tất cả, cho nên Người là Tất-cả (Sarvas).
41. Bạch Đấng Krishna, Nam-tử của Yàdu, Chiến-hữu của tôi. Những gì tôi vừa vội vã nói ra vì tình bằng-hữu, vì ngu-lậu, do quá say sưa (Pramàdàt) hay do lòng yêu qúi (Pranayena),
42. Bạch Đức Thế-Tôn. Nếu chỉ vì hài-hước (Avahàsa) mà tôi đã bất-kính với Người, khi chơi (Vihàra), khi ngủ, khi ngồi, khi ăn, khi có mặt người khác, thì tôi xin Người tha-thứ (Ksàmaye) cho tôi.
43. Người là Đức Vinh-quang Vô-song (Apratimaprabhàva). Người là cha của thế-gian, của tĩnh và động. Người là đại-sư tôn-kính. Trong ba thế-giới không có gì giống Người. Thế thì còn gì vĩ-đại (Abhyadhikas) hơn Người nữa.
44. Bạch Đức Thế-Tôn. Bởi vậy, để biết vâng lời, tôi xin qùi rạp xuống xin Người tha thứ, như cha tha thứ cho con, như bạn tha thứ cho bạn, như người yêu tha thứ cho người yêu. Xin Đấng Chí-tôn hãy rủ lòng thương.
45. Bạch Đức Thế-Tôn, nơi Trú-ngụ của Vũ-trụ. Sau khi đã chứng-kiến những gì chưa bao giờ thấy, tâm-trí tôi rúng-động vì sợ-hãi, bởi vì tôi đã thấy vóc-thể ấy do chính Người hiện ra. Xin Người hãy thương tôi.
46. Tôi ước ao thấy Người đội vương-miện, tay cầm trùy và đĩa ... dưới vóc-thể bốn tay. Hỡi Đấng Chí-Tôn thiên-hình vạn-trạng (Visvamùrte)
ĐỨC THẾ-TÔN
47. Này Arjuna. Ta gia ơn cho nhà ngươi. Vóc-thể Vô-thượng này đã hiện ra qua quyền năng của Ta. Vóc-thể này là do cái vĩ-đại, cái hoàn-vũ, cái vô-biên, và cái nguyên-thủy của Ta mà ra, chưa ai thấy thế bao giờ.
48. Này Anh-hùng Cái-thế của đại-tộc Kurus (Arjuna). Dẩu có hạnh hi-sinh
Theo kinh-ngữ Vệ-đà, dẫu tụng-kinh theo kinh-ngữ Vệ-đà, dẫu có hạnh bố-thí, dẫu có hành-lễ hay tu-hành khắc-khổ cũng không thể nào thấy Ta trong cõi hồng-trần (Nrloke).
49. Khi thấy vóc-thể khủng-khiếp của Ta thì đừng hoảng-sợ và đừng bối-rối. Ngươi hãy trở lại là ngươi, không biết sợ mà chỉ biết vui trong lòng (Prìtamanas). Này hãy nhìn vóc-thể trước khi thị-hiện của Ta.
SAMJAYA thưa
50. Sau khi nói thế với Arjuna, Nam-tử của Vasudeva (Krishna) hiện trở lại nguyên-hình như trước, nét ghê-sợ trở lại dịu-dàng. Đấng Thế-Tôn trông tuyệt-vời (Vapus) và hiền vui (Sàumya) như trước.
ARJUNA thưa
51. Bạch Đức Thế-Tôn. Thấy vóc-thể con người hiền-hậu của Người, tâm tôi tĩnh lại (Gatas) bình-thường
ĐỨC THẾ-TÔN
52. Vóc-thể của Ta mà nhà ngươi vừa thấy dẫu cho các thần-linh dốc lòng mong mỏi cũng không sao thấy được.
53. Dù cho có quán-triệt mấy tập Vệ-đà, dù cho có khổ công tu-hành, dù cho có hạnh cúng giường và đức hi-sinh cũng không thể thấy Ta như nhà ngươi vừa thấy.
54. Này Arjuna. Chỉ cần hết lòng trì cửu về Ta, thì sẽ biết Ta và thấy Ta trong chân-tính (Tattvena), để thể nhập (Pavestum) vào Ta.
55. Này Nam-tử Pàndu. Ai ghánh nghiệp (Matkarmakrt) của Ta, tùy thuộc vào Ta, hết lòng vì Ta, giã-từ hệ-lụy, không thù ghét (Nirvàiras) ai, người đó đến với Ta.
ĐỐI-THOẠI MƯỜI MỘT
GHI-CHÚ
1. Kamalapattràksa: Con mắt cánh hoa sen, danh-tôn của Krishna , tức Đức Thế-Tôn.
2 Yogesvara: Ông hoàng Đạo Yoga, danh-tôn của Krishna (Đức Thế-Tôn).
3. Àdityas: Tên nhóm chư thần trên thiên-cung do thần Veruna trong giai-thoại Vệ-đà cầm đầu.
4. Vasus: Nhóm chư-thần dưới sự hướng dẫn của thần Indra, Agni hay Varuna.
5. Rudras: Có nghĩa là “những tiếng gầm”. Tên của nhóm chư-thần có khả-năng đánh đuổi xấu xa.
6. Asvins: Nhóm kị-sĩ thiên-cung, luôn luôn xếp hàng hai đón chào bình-minh. Họ cũng có tài chữa bệnh.
7. Lưỡi Tầm-sét: Sấm chớp.
8. Sasisùryanetram: Mắt mặt trăng mặt trời
9. Trong chính bản “Pasyàmi tvàm dìptahutàsavaktram” : “ Tôi thấy Người, cái miệng ăn dâng lửa rực-rỡ.” Vì chữ “Hutàsa” có nghĩa nghi-thức tông-giáo theo hạnh hi-sinh, như “ăn dâng-hiến”, “lửa dâng-hiến” cho nên tôi tóm tắt “Tôi thấy miệng Người đảnh-lễ lửa hi-sinh”. Vì tính phức tạp của câu này, nên nhiều dịch-gỉa Chí-Tôn Ca tránh né từ “Hủtsàsa”.
10. Vasus: Nhóm thần-linh thứ yếu. Xem câu 6.
11. Sàdhyas: Nhóm thần trên thiên-giới, nhẹ nhàng như thể khí.
12. Visve: Một nhóm mười hai vị thần thứ yếu.
13. Patamgàs: Con mối
14. Samrddhavegàs: Với tốc-độ cao hoặc chảy vào không ngừng.
15. Lokas: Ba thế-giới (Thiên, địa, trung-gian)
16. Savyasàcin: Cung-thủ đại-tài.
17. Các bản dịch, ngay cả bản của Sri Sankaràcàrya dịch là: “ ...Ta đã giết chúng, hỡi cung-thủ đại-tài! Lợi dụng tình-thế đi (để tiêu-diệt kẻ thù của nhà ngươi).” Tôi thấy ngay nghĩa chính-bản cũng không ổn. Vì nếu “Ta đã giết chúng”, thì Arjuna còn gì để giết? Cho nên tôi phiên-dịch là: “Ta đã dần cho chúng một trận rồi.”
18. Kesavasya: Người có mái tóc đẹp, tức là Krishna.
19. Kirìtì: Người đội vương-miện, tức Arjuna.
20. Yama: Có nghĩa là ‘đi’. Tên một vị thần trong kinh Vệ-đà, có nghĩa là thần chết, hay thần trừng-phạt những linh-hồn mạng vong.