Ivo Daalder - Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: NATO's Finest Hour
Dịch qua bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://www.inosmi.ru/usa/20110912/174575017.html
Ivo Daalder là đại diện của Mĩ trong NATO.
Cơn choáng váng và cảm giác kinh hoàng của ngày 11 tháng 9 đã để lại dấu ấn không phai mờ trong trí não của mỗi chúng ta. Hôm đó, tôi đang bay trên Đại Tây Dương, trong chuyến bay từ Brussels về Washington, thì nghe thấy phi công thông báo tin dữ và cho máy bay quay lại. Tôi vẫn nhớ rõ cảm giác kinh hoàng, đã từng xâm chiếm tâm hồn nhiều người trên khắp thế giới – tôi có thể cũng ở trên một trong những chiếc máy bay đó mà cũng có thể tôi có mặt trong một trong những ngôi nhà đó. Không ai còn được an toàn nữa.
Hôm qua chúng ta đã cùng tưởng niệm ngày này cách đây 10 năm, khi mà bọn khủng bố đã biến những chiếc máy bay thành vũ khí giết người hàng loạt. Nhưng chúng ta cũng cần nhớ những chuyện diễn ra vào ngày hôm sau. Ngày 12 tháng 9 năm 2001, Hội đồng NATO, cơ quan lãnh đạo của tổ chức này, đã tổ chức một phiên họp đặc biệt. Lần đầu tiên kể từ ngày thành lập vào năm 1949, Hội đồng nhất chí áp dụng Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, khẳng định rằng cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 không chỉ nhắm vào Mĩ mà còn nhắm vào tất cả các nước thuộc khối NATO nữa.
Chỉ vài giờ sau cuộc họp lịch sử này, hệ thống trinh sát phòng không và chỉ huy của NATO đã sẵn sàng công tác tuần tra trên vùng trời của Mĩ. Và họ đã tiến hành công việc này trong suốt 5 tháng sau đó.
Áp dụng Điều 5 đã trở thành một việc làm có tầm quan trọng quyết định đối với NATO. Cho đến lúc đó mọi người đều cho rằng điều này được ghi vào nhằm mục đích lôi kéo Mĩ vào việc bảo vệ châu Âu. Thậm chí không ai nghĩ rằng sau một thời gian dài, lần đầu tiên nó có thể được áp dụng để buộc cả châu Âu phải đứng lên bảo vệ Mĩ. Nhưng bằng bước đi này, NATO đã thể hiện những thay đổi mang tính nền tảng trong sứ mệnh của mình. Lúc đó tất cả chúng ta đều công nhận rằng an ninh của châu Âu và Mĩ liên quan mật thiết với những sự kiện nằm rất xa bên ngoài vùng ảnh hưởng truyền thống của NATO. NATO buộc phải từ bỏ cách tư duy hạn hẹp và bắt đầu tư duy trên bình diện toàn cầu.
Hiện nay 5 trong 6 chiến dịch đang được NATO thực hiện là nằm bên ngoài lãnh thổ của các nước liên minh. Binh sĩ NATO đang chiến đấu trên những khu vực của Afghanistan, nơi bọn khủng bố huấn luyện người cho những trận tấn công kinh hoàng của chúng. Chiến hạm của NATO tham gia vào sứ mệnh chống cướp biển ở Ấn Độ dương, lực lượng NATO huấn luyện binh sĩ cho Iraq, họ cũng tham gia vào việc ổn định tình hình ở Kosovo và bảo vệ thường dân ở Libya khỏi tàn dư của chế độ cũ, một chế độ đã từng đàn áp tự do của họ trong một thời gian dài.
Trong hội nghị ở Lisbon hồi năm ngoái, nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh sau ngày 11 tháng 9, lãnh đạo các nước trong Liên minh đã thông qua Quan điểm chiến lược mới. Một lần nữa NATO khẳng định rằng cần phải có những biện pháp mang tính tập trung nhằm bảo vệ an ninh tập thể và giải thích rằng mối đe dọa đối với lãnh thổ của Liên minh có thể sẽ là tên lửa tầm xa, internet hay những tên khủng bố liều chết chứ không phải là những đoàn quân đi qua biên giới quốc gia nữa. Những người đại diện của NATO cũng nhấn mạnh rằng an ninh trong thời đại của những đe dọa mang tính toàn cầu chỉ có thể được bảo đảm bằng sự phối hợp hành động của NATO với nhiều đối tác – cả ở gần cũng như ở xa.
Quan điểm chiến lược mới tạo tiền đề cho một loạt giải pháp, bắt đầu từ việc áp dụng hệ thống bảo vệ trên không gian điều khiển và triển khai hệ thống chống tên lửa trên lãnh thổ của mình và kết thúc bằng việc làm sâu sắc thêm những mối quan hệ đối tác với Nga và tăng cường những mối liên hệ với các nước như Úc và Nhật, tức là những nước chia sẻ các quan điểm và giá trị của chúng ta.
Tháng 5 năm nay lãnh đạo các nước NATO đã có cuộc họp ở Chicago nhằm xem xét lại và đổi mới các kế hoạch chiến lược của chúng ta, cũng như thảo luận những biện pháp bảo đảm an ninh trong tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay.
Mười năm sau ngày 11 tháng 9, NATO vẫn là liên minh quân sự mạnh mẽ nhất và thành công nhất trong lịch sử. Sức mạnh của chúng ta xuất phát từ những quan điểm chung của chúng ta, từ khả năng thích ứng với những mối đe dọa đang thay đổi, và chủ yếu là xuất phát từ niềm tin của chúng ta vào nhu cầu an ninh tập thể. Ngày 12 tháng 9 năm 2001, NATO đã cho người ta thấy – bằng cả lời nói và việc làm – rằng tấn công một người cũng là tất công tất cả mọi người. Vì vậy mà hôm nay cũng như trong suốt 62 năm tồn tại của mình, NATO, theo lời tổng thống Obama, vẫn là “hòn đá tảng trong các mối quan hệ hợp tác của chúng ta với thế giới và là chất xúc tác của những tương tác trên bình diện toàn cầu”.