Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.143.461
 
Chí-Tôn Ca - Bhagavad Gìtà 4
Nguyễn Quỳnh USA

ĐỐI-THOẠI MƯỜI HAI

LÒNG MỘ-ĐẠO

Bhaktiyoga

 

 

19. Krishna: “Người nào không nệ tiếng khen chê, biết yên-lặng, hài lòng với bất cứ cái gì mình

có, không cần nhà cửa, tâm-tư trì-cửu, lòng tràn-trề kính-ngưỡng, người ấy thân Ta.”

 

 

ARJUNA thưa

 

1.                     Giữa hai người, một người lúc nào cũng(Satata) quyết-tâm (Yuktàs) thờ Người với lòng kính-mộ và một người thờ Đấng Vĩnh-cửu Vô-hình (Avyaktam), người nào quán triệt được chân-tính cao nhất của Đạo Yoga (Yogavittamàs)?

 

ĐỨC THẾ-TÔN

 

2.                     Người nào thường quyết-tâm thờ Ta, tâm-trí luôn-luôn hướng về Ta, có niềm-tin (Sradhdhayà) vô-thượng, Ta coi người đó là người kính-mộ Ta nhất.                   

3.                     Những ai kính-mộ Đấng Vô-huỷ-diệt, Đấng Vô-ngôn, Đấng Vô-hình, Đấng Phù-trì vạn-vật, Đấng Bất-khả tư-duy, Đấng Bất-biến, Đấng Bất-dịch, Đấng Kiên-trì,

 

4.                     Điều-ngự được sự phức-tạp của quan-năng, tâm-tư định-tĩnh mọi bề, vui trong đời sống của vạn-vật, người đó đạt tới Ta.                    

 

5.                     Tâm-trí người nào hướng về Đấng Vô-hình thì việc-làm của người ấy vĩ-đại hơn. Còn nếu dùng bản-ngã vật-chất (Dehavadhis) thì khó có thể  đạt tới mục-đích của Đấng Vô-hình.

 

6.                     Những ai dâng tất cả công-nghiệp cho Ta, chỉ coi Ta là Đấng Vô-thượng (Matparàs), thờ Ta, thiền-định về Ta với Đạo Yoga trọn-vẹn (Ananyena) 1.

 

7.                     Này Nam-tử Prithà. Ai đã để hết tư-tưởng vào Ta, thì Ta sẽ là đấng gỉai thoát (Samuddhartà) cho người đó khỏi đại-dương của chết chóc và khỏi cảnh luân-hồi (Samsàra).

 

8.                     Hãy để hết tâm-trí vào Ta mà thôi. Giúp cho trí-tuệ của nhà ngươi hội-nhập vào Ta, thì nhà ngươi sẽ hiện-hữu trong Ta. Điều này không còn hồ-nghi gì nữa.

 

9.                     Này Arjuna 2. Nếu nhà ngươi không thể nào đặt hết tâm-trí hoàn-toàn vào Ta, thì hãy đến với Ta qua cách huân-tập Đạo Yoga (Abhyàsayogena).

 

10.                    Nếu nhà ngươi không thể tập Đạo Yoga, thì nhà ngươi hãy làm việc có lợi cho Ta (Madartham), rồi nhà ngươi sẽ đạt tới toàn-thiện.     

 

11.                    Nhưng nếu ngay cả chuyện ấy nhà ngươi cũng không làm được, thì nhà ngươi hãy trú-ngụ trong Ta, không màng đến hậu-quả của hành-động, chỉ nghĩ đến làm  với tâm kỉ-luật (Yatàtmanvàn).

 

12.                    Thực ra, tri-thức (Jnànam) qúi hơn là làm; thiền-định (Dhytànam) qúi hơn là tri-thức, giã-từ hậu qủa của hành-động (Karmaphalatyàgas)  qúi hơn là thiền-định. Hết vọng-động thì hoà-bình (Sàntis) lập tức đến ngay.

 

13.                    Một người không gét (Advestà) phù-sinh, thân-thiện (Màitras) và bao-dung (Karunas), không mê sở-hữu, không lòng ích-kỉ (Nirahamkàras), lãnh đạm trước vui buồn, và kiên-nhẫn (Ksmaì).

 

14.                    Bậc sa-môn nào luôn-luôn mãn-nguyện, tiểu-ngã của người ấy điều-ngự, quyết-định của người ấy vững-vàng, với tâm-trí và thông-minh hướng về Ta, phụng-thờ Ta, thì  người đó thân Ta.

 

15.                    Ai không sợ thế-gian, và không làm thế-gian hoảng-sợ. Ai đã thoát khỏi vui, không phập-phồng háo-hức (Àmarsa), không sợ sệt u-sầu (Harsàmarsabhayodvegàis), người đó cũng thân Ta.

 

16.                    Hai có tâm rhức dửng-dưng, thanh-khiết, có khả-năng, không trục-lợi, không băn-khoăn, và từ bỏ tất cả mọi í-đồ để hết lòng cho Ta, người ấy thân Ta.

 

17.                    Người nào không vui cũng không ghét, không than-khóc cũng không khát-khao, không thỏa-mãn cũng không bực-mình (Subhàsubha), lòng tràn đầy kính-ngưỡng, người đó thân Ta.

 

18.                    Người nào công-bằng với bạn cũng như thù, coi danh-dự và thất-sủng (Mànàpamànayos) như nhau, coi nóng và lạnh như nhau, coi vui và khổ như nhau, người ấy không còn mê-chấp (Sanga).

 

19.                    Người nào không nệ tiếng khen chê (Nindàstutir), biết yên lặng (Màunì), hài lòng với bất cứ cái gì mình có, không cần nhà cửa (Aniketas), tâm-tư trì-cửu, lòng tràn trề kính-ngưỡng, người ấy thân Ta.

 

20.                    Ai qúi mến minh-triết thơm-tho như rượu thần bất-tử  (amrtam) ta vừa nói3, ai vững lòng tin, với tâm kính-ngưỡng, và chỉ nghĩ đến Ta là Đấng Vô-thượng, người đó rất thân ta.

 

 

ĐỐI-THOẠI MƯỜI HAI

GHI-CHÚ

 

 

1.         Câu này bàn đến hai bản thể của Đức Thế-Tôn và hai lối thờ phượng dành cho hai loại người. Một loại thờ Đức Thế-Tôn như là đại-ngã, hay đấng Phạm-thiên (câu 5). Một loại thờ hình-ảnh tưởng-tượng bằng tâm “trì-cửu” hay “dốc-lòng” (câu 6 và 7). Lối thứ nhất  khó hơn. (Theo W. Sargeant, 1979)

 

2.         Dhanamjaya: Người Chinh-phục Giàu-sang hay Thinh-vượng, tôn-hiệu của Arjuna. Tôi cố tránh dịch các ‘tôn-hiệu’ nếu có qúa nhiều và gây thắc-mắc khó hiểu cho độc-gỉa.

 

3.         Một số dịch giả dịch câu ‘Dharmayàmrtam idam’ là ‘đạt-đến bất-tử’. Dịch như thế cũng đúng. Sở dĩ câu này có vấn đề vì chữ ‘amrtam’ có hai nghĩa; a) rượu-thần, và b) bất-tử. Cả câu ‘Dharmayàmrtam’ có nghĩa ‘rượu thần của bổn-phận’ và ‘luật bất-tử’. (Phỏng theo W. Sargeant, 1979)

 

 

  

ĐỐI-THOẠI MƯỜI BA

XÁC-THÂN VÀ Í-THỨC 1

Kshetrakshetrajnavibhàgayoga

 

 

29. Krishna: “ Ai nhận-thức rằng mọi việc đều hoàn-toàn do bản-ngã  vật-chất mà ra, chứ không phải

do cái ta muốn làm. Thấy được vậy, người đó nhìn ra chân-tính.”

 

 

ARJUNA thưa

 

                        Bạch Đức Thế-Tôn. Tôi khát-khao muốn biết về vật-chất (Prakrtim) và tinh-thần (Purusam), cánh-đồng (ksetram) và người hiểu-biết cánh-đồng (Ksetrajnam), í-thức và đối-tượng í-thức (Jneyam).2     

 

ĐỨC THẾ-TÔN

 

1.                     Này Nam-tử Kuntì. Ta gọi xác-thân này là cánh-đồng. Ai biết thân này là người minh-triết, do đó ta gọi người đó là người hiểu-biết cánh-đồng. 3               

 

2.                     Này Nam-tử Bharata. Hãy hiểu rằng Ta là bậc tri-thức cánh-đồng. Ta biết cánh-đồng và đồng thời cũng biết cả người biết cánh-đồng. Biết cánh-đồng mới là thực-sự hiểu-biết. [Có minh-triết mới thực là hiểu-biết]                                              

 

3.                     Cánh-đồng [xác-thân ] là gì? Là loại gì? Những hình-thái khác của nó là gì và từ đâu đến? Ai là người hiểu-biết xác-thân hay cánh-đồng này?  Những quyền-năng của người ấy là gì? Tóm lại, hãy nghe Ta nói đây:

 

4.                     Bậc Tiên-tri biết thân này nhờ tụng-niệm (Gìtam) rất nhiều những bài kinh Vệ-đà linh-thiêng, và nhờ nhắc lại những câu bàn về Đấng Phạm-thiên, với tất cả lí-lẽ chi li (Hetumadbhis) 4 về

 

5.                     Ngũ-hành 5, về cái Ta í-thức, về trí thông-minh và vô sở-trụ (Avyaktam), về mười quan-năng, về tâm-trí (Ekam) 6, và về năm động-cơ (Indriyagocaràs) kích-thích quan-năng.

 

6.                     Khát-khao, thù-hận, vui, khổ, xác-thân 7, í-thức, cương-quyết là những hình-thái khác của xác-thân.

 

7.                     Khiêm-nhường (Amànitvam), không đạo-đức gỉa (Adamghitvam), bất bạo-động, kiên-nhẫn, chính-trực (Àrjavam), giúp thầy, trong-sạch, chung- thủy,

 

tự kỉ-luật,

 

8.                     Khinh bỉ đối-tượng cảm-xúc (Indriyàrthesu), không ích-kỉ, đề-phòng  (Anudarsanam) những cái xấu xa ở lúc tử sinh, già nua, đau đớn, bệnh-tật.                        

 

9.                     Không mê-đắm vào (Anabhisvangas) vợ con, gia-đình vân vân. Có tâm định-tĩnh vững-vàng (Samacittatvam) trước những gì hay dở (Istànistopapattisu).

 

10.                    Đem lòng kính-ngưỡng kiên-trì đến Ta với tinh-thần Đạo Yoga duy-nhất, năng lui tới (Sevitvam) những chỗ an-tĩnh cô-tịch (Viviktadesa).

 

11.                    Dốc lòng tri-túc về Tinh-Thần Vô-thượng, để tâm vào mục-đích hiểu-biết về chân-tính. Biết được những điều trên mới thực là cách-vật trí-tri (Tattvajnànàrthadarsanam). Không biết những điều ấy là ngu-si (Ajnànam).

 

12.                    Ta sẽ bàn đến cái gì là đối-tượng hiểu-biết. Nếu hiểu đuợc đối-tượng này con người sẽ trở nên bất-tử. Đối-tượng hiểu-biết ấy là Đấng Phạm-thiên vô-thượng uyên-nguyên (Anàdimat). Đấng ấy ra ngoài lẽ có-không (Asat).

 

13.                    Đấng ấy có tay, chân, đầu, mặt, và mắt khắp mọi nơi. Đấng ấy nghe được khắp nơi trong thế-gian này. Đấng ấy đứng kia và bao trùm tất cả;

 

14.                    Đấng ấy cho ta thấy tất cả quan-năng, nhưng Đấng ấy thoát khỏi mọi quan-năng. Đấng ấy không luyến-mộ nhưng duy-trì tất cả. Đấng ấy thoát khỏi quan-năng mà vẫn biết quan-năng.                       

 

15.                    Đấng ấy ở ngoài và cũng ở trong tất cả phù-sinh. Đấng ấy là sức di-chuyển và không di-chuyển. Vì Đấng ấy vi-diệu (Sùksmatvàt) như thế nên khó hiểu được. Đấng ấy [hay thức ấy] rất gần và cũng rất xa.

 

16.                    Đấng ấy không thể phân chia, nhưng lại chia ra cùng vạn-vật. Đấng ấy là sức phù-trì vạn-vật, nên Đấng ấy là đối-tượng của hiểu-biết. Đấng ấy là diệt (Grasisnu) và Sinh (Prabhavisnu) 8.

 

17.                    Đấng ấy cũng là ánh-sáng vô-thượng, vượt ra ngoài tăm-tối 9. Đấng ấy là sự hiểu-biết và cũng là đối-tượng của hiểu-biết. Hiểu được Đấng ấy nhờ tri-thức. Đấng ấy [hay thức ấy] nằm trong tâm của vạn-vật.

 

18.                    Đấng ấy [hay thức ấy] là cánh-đồng. Đấng ấy [hay thức ấy] là sự hiểu-biết, đồng thời cũng là đối-tượng của tri-thức như Ta vừa trình-bày ngắn gọn. Người ngưỡng mộ Ta, hiểu được thức này, đạt đến Bản-thể của Ta.

 

19.                    Hãy biết rằng cả hai, bản-thể vật-chất và tinh-thần, đếu không có cỗi-nguồn. Hãy biết những nghĩa khác của cánh-đồng  và của quan-năng đều đến từ

 

vật-chất. 

 

20.                    Trong khi tinh-thần là khả-năng hiểu lẽ vui buồn 10, bản-thể vật-chất là nguyên-khởi [hay lí-do] cho đối-tượng của hành-động, cho nên vật-chất mới sinh ra phương-tiện (Karana) và lực tác-động (Kartrtve).

 

21.                    vì tinh-thần nằm trong bản-thể vật-chất nên nó biết quan-năng sinh từ bản-ngã vật-chất. Say đắm quan-năng là cội-nguồn của kiếp-sinh tốt và xấu 11.

 

22.                    Tinh-thần tối-thượng trong thân này là minh-chứng, là sự ưng-thuận (Anumantà), là khả-năng phù-trì, là sức-mạnh của kinh-nghiệm, là Đấng Thế-Tôn, và cũng là Tinh-thần Vô-thượng 12.

 

23.                    Ai phân-biệt được tinh-thần, vật-chất, và những quan-năng, linh-hồn người ấy không còn phải chịu những kiếp đầu thai, cho nên người đó thoát khỏi luân-hồi.

 

24.                    Có người nhận ra Đại-ngã trong Tiểu-ngã  nhờ vào Đại-ngã qua thiền-định; trong khi có người khác lại nhận ra Đại-ngã nhờ kỉ-luật huân-tập đạo Sàmkhya 13.

 

25.                    Tuy nhiên cũng có người không nhận ra Đại-ngã, nhưng nghe người ta nói về Đại-ngã, đem lòng thờ cúng và dốc lòng nghe về Đại-ngã, người ấy cũng thoát vòng sinh-tử.

 

26.                    Này Arjuna, nên biết rằng vạn-vật dù tĩnh hay động, khi đã sinh ra là sinh trong hợp-thể của cánh-đồng  và người biết về cánh-đồng 14.

 

27.                    Ai thấy Đức Thế-Tôn hiện-hữu như một trong tất cả muôn loài. Đấng ấy không chết  khi phù-sinh hủy-diệt, người đó thấy được chân-lí.

 

28.                    Ai thấy được rằng chỉ có một (Samam) Đấng Thế-Tôn hiện-hữu khắp mọi nơi (Sarvatra). Ai không dùng Tiểu-ngã để làm hại Tiểu-ngã 15, người đó đạt tới Mục-đích Vô-thượng.                  

 

29.                    Ai nhận-thức rằng mọi việc  đều hoàn-toàn do bản-ngã vật-chất mà ra, chứ không phải là cái ta muốn làm. Thấy được vậy, người đó nhìn ra chân-tính.

 

30.                    Người nào thấy rằng mọi hình-thái của phù-sinh (Bhùtaprthagbhàvam) chỉ nằm trong một mà thôi, và từ cái một đó phát-triển mãi ra (Vistàram), người ấy đạt tới Phạm-thiên 16.

 

31.                    Này Nam-tử Kuntì. Mặc dù trú-ngụ trong xác-thân, Đại-ngã Vô-thượng và Vô hủy-diệt này không có cội-nguồn và cũng không có quan-năng, không sinh

 

chuyện và cũng không gây ô-nhiễm (Lipyate).

 

32.                    Đại-ngã Vô-thượng này là một thể khí rất nhẹ nhàng linh động phù-trì (Àkàsam) vạn-vật, nên Đại-ngã vô-nhiễm, dù hiện-hữu trong xác-thân cũng không hề vẩn-đục.

 

33.                    Này Nam-tử Bharata. Như mặt trời độc-tôn sáng trưng trong vũ-trụ (Lokam), Đấng Thế-Tôn của Tri-thức (Ksetrì) chiếu sáng toàn thể cánh-đồng.

 

34.                    Ai biết rằng qua con mắt tri-thức phân-biệt (Antaram) rõ-rệt được cánh-đồng (xác-thân) và người hiểu biết cánh-đồng, cũng như phân-biệt được sự giải-thoát (Bhùtaprakrtimoksam) của phù-sinh khỏi bản-ngã vật-chất, người đó tới miền Vô-Thượng.          

 

 

 

ĐỐI-THOẠI MƯỜI BA

GHI-CHÚ

 

1.         Theo Phạn-ngữ, đầu-đề của chương này là “Sự Khác-biệt giữa Cánh-đồng và Người Hiểu-Biết Cành-đồng” là một cách diễn-tả ẩn-dụ, thay vì nói “Xác-thân và Í-thức”.

 

2.         Rất nhiều bản dịch không có câu này. W. Sargeant cho là câu này được cố í bỏ đi cho đúng 700 câu thơ, theo truyền-thống. Bản của Swami Prabhupàda ghép câu này với câu sau vào với nhau.

 

3.         Theo chú-gỉa của Ràmànuja: “Các bậc đại-hiền hiểu đúng nghĩa-lí của xác-thân gọi xác-thân là “cánh-đồng kinh-nghiện của Tiểu-ngã kinh-nghiệm. Người hiểu thân này vì thân này mới là kiến-thức. Như thế kiến-thức phải khác với xác-thân của người đó. Xác-thân của người đó là đối-tượng hiểu-biết của người đó được các bậc đại-hiền gọi là ‘người biết về cánh-đồng (ksetrajnà).

 

4.         Theo W. Sargeant: “Edgerton cho biết rằng Kinh Phạm-thiên của Bàdaràyana, viết vào năm 200 sau Công-nguyên có lẽ chưa có mặt khi cuốn Chí-Tôn Ca được viết ra, cho nên nghĩa câu ‘Bràhma sùtra padàis” chỉ là nghĩa hiểu chung chung, chứ không phải là “nghĩa ẩn-du/càiva” như ghi trong bản văn “Brahmasùtrapadàiscàiva”. Tôi ghi lại kĩ hơn để độc-gỉa dễ thấy.

 

5.         Ngũ-hành: Thể khí, không-khí, thủy, hỏa, thổ.

 

6.         Ngũ-quan: Âm-thanh, cảm-xúc (va chạm), mầu-sắc, vi-giác, và khứu-giác theo í-niệm của triết-học Sàmkhya về đẳng-tính (gunas).

 

7.         Samghàtas: Thể-chất tức xác-thân.

 

8.         Câu này và những câu trước đó 13,14 và 15 diễn-tả Đấng Phạm-thiên (Đại-ngã) và Tiểu-ngã (Àtman).

 

9.         Theo chú-giải của Ràmànuja: “Thức là ánh-sáng của Tiểu-ngã chiếu rọi như ngọn đèn hay mặt trời xua đuổi bóng tối khi bóng tối đứng giữa cảm-thức và đối-tượng. Do đó Thức vượt xa khỏi bản-ngã vật-chất.”

 

10.        Theo chú-giải của Ràmànuja: “Hoạt động của của thân-xác và quan-năng – nhắm vào kinh-nghiệm – phụ-thuộc vào bản-ngã vật-chất (Prakrti) được diễn-tả như cánh-đồng (Ksetra) hay thân-xác. Bản-ngã vật-chất dính với con người hay ‘Purusa’ (tác-động) theo kinh-điển (Sùtras). Chất tác-động (Purusa) gây ra hành-

động mà bản-ngã vật-chất nắm phần chủ-động, cho nên vui-buồn là do Purusa và Prakrti hợp lại và sinh ra.

 

11.        Cũng theo chú-giải của Ràmàuja, ở một vóc-thể khác thì Purusa (chất tác-động)  có nghĩa là tinh-thần của cá-nhân, khi thì thánh-thiện, lúc phàm-trần, đến từ những hoạt-động trước với Prakrti, gây ra vui buồn nằm trong quan-năng (Gunas), do đó con người sinh ra với những nghiệp tốt hoặc xấu, và hậu qủa là phải chịu kiếp luân-hồi. Nghiệp chỉ chấm dứt khi con người huân-tập đức khiêm-cung để đạt đền tinh-thần Đại-ngã (Àtman).

 

12.        Ở đây, cũng theo chú-giải của Ràmàuja, khi Purusa trú-ngụ trong xác-thân thì nó chấp nhận hành-động, do đó Purusa vừa là chủ của xác-thân, vừa kinh-nghiệm ra buồn vui. Purusa cũng là Tiểu-ngã (Àtman) làm chủ xác-thân, khi đó Purusa là một hình-thái cao hơn vì nó dính dáng tới tri-thức và quyền-lực không lệ-thuộc vào xác-thân.. Tuy nhiên, vì căn-bản Purusa vẫn gắn bó với quan-năng (Gunas) cho nên sức-mạnh của nó liên hệ với xác-thân tù-túng mà thôi.

 

13.        Samkhya là ngành triết-học sớm nhất cuả văn-hóa Ấn, chú trọng tới những vấn-đề như: lí-trí, không vị tinh-thần (chứ không phải vô-thần), và  nhị-nguyên trong hai thể ưu-việt Prakrti và Purusa. Triết-học này tin rằng ‘sáng-tạo chẳng có gì là mới hết’, vì vạn-vật hiện ra như điều sẵn có.

 

 

14.        Đây bàn đến sự thể nhập của thể-xác (Ksetra) và tinh-thần (Purusa).

 

15.        Câu này í nói vì Tiểu-ngã của người khác cũng giống như Tiểu-ngã của mình, cho nên làm hại đến Tiểu-ngã của người khác tức là làm hại đến chính mình.

 

16.        Khi ta nhận ra mọi cách sống khác nhau của phù-sinh đều phụ-thuộc vào một nguyên-lí, đó là vật-chất (Prakrti), chứ không phải tinh-thần hay Tiễu-ngã, thì lúc đó ta đạt tới Đại-ngã (hay Tiểu-ngã trong trong cái thể tinh-khiết nhất). Phỏng theo lối giải-thích của Ràmànuja.

 

 

 

ĐỐI-THOẠI MƯỜI BỐN

SỰ KHÁC-BIỆT

CỦA BA ĐẲNG-TÍNH

Gunatrayavibhàgayoga

 

 

18. Krishna: “ Ai trụ trong Chân-tính sống trên thượng-giới. Ai trụ trong Đam-mê sống trong trung-giới.

Ai trụ trong những điều-kiện thấp-nhất của quan-năng sống trong Tăm-tối thấp-hèn.”

 

 

ĐỨC THẾ-TÔN

 

1.                     Ta sẽ nói thêm về tri-thức tối-thượng và về những thức cao-đẳng nhất mà các bậc hiền-gỉa đã biết và đã đạt đến toàn-thiện vô-thượng.

 

2.                     Ai ẩn mình trong tri-thức tối-thượng này, và đạt tới bản-ngã cùng Ta, thì dù ở lúc khởi-đầu của thế-gian, họ cũng không bị tái-sinh, và không sợ-hãi khi thế-gian này hủy-diệt (Pralaye) 1.

 

3.                     Này Nam-tử Bharata. Đối với Ta, Đấng Phạm-thiên là một bọc (Yonis) 2. Ta gây hạt giống trong cái bọc đó. Từ cái bọc đó vạn-vật sinh ra.

 

4.                     Này Nam-tử Kuntì. Trong tất cả bào thai từ đó sinh ra hình-hài thì cái bào-thai Đấng Phạm-Thiên là cái bào-thai vĩ-đại, còn Ta là Cha gieo hạt-giống (Bìjapradas).

 

5.                     Này Tướng-quân, Con Người Hiện-thân Bất-tử 3. Chân-lí (Sattvam), Đam-mê (Rajas), và Tăm-tối (Tamas) là ba đẳng-tính sinh từ bản-ngã vật-chất gắn chặt vào xác-thân.

 

6.                     Này Arjuna. Trong ba đẳng-tính ấy, chân-lí thoát khỏi ô-nhiễm (Nirmalatvàt), rực rỡ, thoát khỏi bệnh-hoạn, gắn liền với đức-hạnh và tri-thức.

 

7.                     Này Nam-tử Kuntì, Đam-mê do tình-cảm sinh ra, vươn lên từ khát-khao mê-đắm, và hệ-lụy vào hành-động.

 

8.                     Này Nam-tử Bharata. Hãy biết rằng Tăm-tối sinh từ ngu-lậu làm hỗn-độn đầu óc con người, và dìm con người xuống, khiến con người sao nhãng, luời biếng, và không muốn làm gì cả.

                       

 

9.                     Này Nam-tử Bharata. Chân-tính khiến con người say mê hạnh-phúc, Đam-mê khiến con người vọng động, Tăm-tối làm con người u-mê không biết phải trái, và khiến con người sao lãng.

 

10.                    Này Nam-tử Bharata. Có vượt khỏi Đam-mê và Tăm-tối thì mới có Chân-tính. Khi Đam-mê vượt Chân-tính thì sinh ra Ngu-tối. Khi Ngu-tối vượt Chân-tính thì Đam-mê cũng ngu-tối luôn.

 

11.                    Chân-tính ngự-trị khi ánh-sáng của tri-thức rực-rỡ trong những khuôn cửa của xác-thân.

 

12.                    Này Nam-tử Bharata. Vì Đam mê ngự-trị nên mới có tham-lam, hoạt-động,  náo-động, bồn-chồn, và dục-vọng.

 

13.                    Này Nam-tử Kuru. Không thức-tỉnh, trì-nệ, sao-nhãng, hỗn-độn là những tật sinh-ra từ Tăm-tối.                  

 

14.                    Trong số những ai hiểu-biết cao đẳng nhất, người nào khi về cõi chết (Pralayam) được Chân-tính dìu-dắt, thì người đó đạt đến miền thanh-sạch (Amalàn).

 

15.                    Ai khi chết ở lúc Đam-mê ngự-trị thì người đó lại phải tái-sinh cùng với những người mê-say hành-động. Cũng vậy, những ai bị Tối-tăm ngự-trị trong giờ lâm-chung, người ấy sẽ tái-sinh trong bào-thai của những con người đầy huyễn-hoặc.

 

16.                    Việc làm tốt, thì kết-qủa là chân-thực và tinh-khiết. Kết-qủa có tính đam-mê vì hành-động khổ-đau. Kết-qủa Tối-tăm vì hành-động ngu-si.

 

17.                    Kiến-thức đến từ Chân-tính. Dục-vọng đến từ Đam-mê. Sao-nhãng và ảo-tưởng đến từ Tối-tăm, ngu-lậu.

 

18.                    Ai trụ trong Chân-tính sống trên thượng-giới. Ai trụ trong Đam-mê sống trong trung-giới. Ai trụ trong những điều-kiện thấp nhất của quan-năng sống trong Tăm-tối thấp-hèn.

 

19.                    Người nào nhận ra rằng không có tác-động (Kartàram) nào khác hơn là đẳng-tính (Gunebhyas), và biết cái gì cao hơn (Param) đẳng-tính (Gunas), người ấy đạt đến bản-ngã của Ta.

 

20.                    Khi một người đã vượt ra khỏi ba đẳng-tính sinh từ xác-thân, thì người đó thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử, và đạt tới đến bất-tử 4.

 

 

ARJUNA thưa

 

21.                    Bạch Đức Thế-Tôn. Ở trình-độ nào để biết con người đã vượt qua ba đẳng-tính Gunas? Đức-độ của người ấy thế nào? Làm sao người ấy vượt qua khỏi ba đẳng-tính Gunas?               

 

ĐỨC THẾ-TÔN

 

22.                    Này Nam-tử Pandu. Người đó không thù-ghét cũng như không khát khao đến cái có hay không của minh-triết 5, hành-động 6, hay ảo-tưởng 7.                 

 

23.                    Ai trụ mà vẫn như không trụ (Udàsìnavat), không bị Gunas quấy nhiễu, và biết rằng “chỉ có Gunas đang tác-qúai”,  người ấy có tâm trì-cửu không xao-động,

 

24.                    Ai thấy vui khổ như nhau, người đó định-tĩnh. Ai xem một hòn đất, một hòn đá, và một thỏi vàng như nhau. Ai xem yêu và không yêu như nhau, người đó định-tĩnh, cho nên lời khen tiếng chê đối với người ấy cũng như nhau.

 

25.                    Ai coi danh-dự và không danh-dự như nhau. Ai công-bằng với bạn cũng như thù. Ai giã-từ hành-động. Người đó vượt ra ngoài đẳng-tính Gunas.

 

26.                    Và ai phụng-sự Ta qua Đạo Yoga với lòng ngưỡng-mộ kiên-trì, vượt ra khỏi ba đẳng-tính Gunas này, người đó đã sẵn-sàng thể-nhập vào Đấng Phạm-Thiên.

 

27.                    Vì Ta là nền-tảng của Đức Vô-thượng, của Bất-tử, của Vô Hủy-diệt, của đức-độ muôn-đời, và của vĩnh-phúc tối-thượng.

 

 

 

 

ĐỐI-THOẠI MƯỜI BỐN

GHI-CHÚ

 

 

1.         Theo quan-niệm của Ấn giáo, “sinh” là “khổ”. Cho nên người Ấn tin rằng phải thoát khỏi vòng “sinh”, hay “cảnh luân-hồi” để đạt tới Niết-bàn (Nirvàna), tức chốn vô-sinh linh-thiêng. Cũng trong quan-niệm này, thì phù-sinh cứ tiếp-tục nghiệp luân-hồi cho đến ngày tận-thế (ngày tàn của toàn-thể vũ-trụ).

 

2.         Yonis: Cái bọc, ở đây chính là “bào-thai”.

 

3.         Swami Prabhupàda dịch câu này như sau:

 

5. Này Tướng-quân. Bản-ngã vật-chất gổm ba đẳng-tính: Thiện-căn, Đam-mê và Ngu-lậu. Khi bản-thể vĩnh-cửu quan-hệ với vật-chất, bản-thể ấy bị ba đẳng-tính kia chi-phối.

 

Sở dĩ câu trên khó hiểu vì chữ ‘hắn’ trong ‘hắn bị ba đẳng-tính kia chi-phối’ không thể hiểu là ‘bản-thể vĩnh-cửu’. Bản của W. Sargeant viết hoa cụm-từ ‘bản-thể vĩnh-cửu” và đặt ngay sau ‘Này Tướng-quân’ í nói ‘Arjuna là con người hiện-thân vĩnh-cửu. Tôi nhìn vào phiên-âm Phạn-ngữ và đồng-í với Sargeant. Bản dịch của Sargeant như sau :

 

5. Chân-tính, Đam-mê, Tăm-tối là những Gunas sinh từ vật-chất, gắn chặt vào thân xác, hỡi Tướng-quân, Đấng Hiện-thân Bất-diệt.

 

4.                   Theo W. Sargeant, câu này có thể gây ‘nghịch-lí’ trong Chí-Tôn Ca, bởi vì câu nói  “Àtman của mỗi là ‘bất-tử’ để đạt đến ‘bất-tử’ bằng cách vượt lên khỏi đẳng-tính Gunas” là một câu nói thừa. Cho nên, theo Ràmànuja, câu này chỉ  có nghĩa nếu coi Phạm-thiên là bất-tử, không thay đổi, và vô-thường. Câu tôi dịch giải quyết mọi thắc-mắc kể trên:

 

20 “Khi một người đã vượt ra khỏi ba đẳng-tính sinh từ xác-thân, thì người đó thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử, và đạt đến bất-tử.”

 

5.         Sattva: Chân-lí, thiện-đức.

 

6.         Rajas: Đam-mê, dục-vọng.

 

7.         Tamas: Tăm-tối, ngu-lậu

 

 

Nguyễn Quỳnh USA
Số lần đọc: 3000
Ngày đăng: 15.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chí-Tôn Ca - Bhagavad Gìtà 3 - Nguyễn Quỳnh USA
Chí-Tôn Ca - Bhagavad Gìtà 2 - Nguyễn Quỳnh USA
Chí-Tôn Ca - Bhagavad Gìtà 1 - Nguyễn Quỳnh USA
Ngồi Bên Lề Rất Trái - Nhiều Tác Giả
Về một nhà thơ mới qua đời - Lê Văn Ngăn
Gặp Nhau Lúc-O-Giờ Với Trần Hữu Dũng - Nhị Ka
Bản Quyền Lục Bát 2-Trong-1, Tại Sao Không? - Bùi Hoằng Vị
Bát Cú 6-Trong-1, Tại Sao Không? - Bùi Hoằng Vị
Thông báo: Về lễ tưởng niệm đồng bào chiến sĩ hi sinh - Nhiều Tác Giả
Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng đã từ trần vào lúc 11 giờ 00, ngày 22 tháng 7 năm 2011 - Nhiều Tác Giả
Cùng một tác giả
Suy-Tư Hai (triết học)
Một Tí “Rilke” (tiểu luận)
Khoảnh-Khắc (tiểu luận)
Nắng Hè (tạp văn)
Fôi-Fa (tạp văn)
Bến-Xưa (tạp văn)