Dù người sinh ra và lớn lên hay kẻ lãng du chỉ một lần nhẹ bước giang hồ qua chốn ấy, đều có chung nhận xét: Xứ Ba Tri rất đa dạng về sản vật địa phương cùng một nền văn hóa ẩm thực cực kỳ phong phú.
Điều dễ thấy nhất về mặt địa lý, Ba Tri là huyện ven biển. Những con tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ hằng năm đi sang cửa miệt trong như Cà Mau, Hà Tiên, Ba Hòn... tới mùa gió Nam, chạng tháng Tư mới về, thì không kể làm chi. Nội hằng ngàn chiếc tàu đóng đáy rạo, đáy hàng khơi, đáy cào, đáy bè, lưới 3, lưới bén... của các xã An Thủy, Tân Thủy... sáng đi chiều về là đủ cung cấp cho thị trường nội huyện mà cá lại rất tươi ngon. Đặc biệt xứ này hay có cá khoai (người Bắc gọi là cá cháo), một loại cá khó bảo quản bằng phương pháp lạnh nên chỉ về đây mới ăn được loại cá tuyệt hảo này. Cá khoai có nhiều trong mùa mưa của năm, ngộ là vào những lúc biển động trúng mới dữ, có lẽ chúng giạt vô cặp mé bờ cho êm và dễ kiếm ăn, ngày thường thì cũng có lai rai.
Người Ba Tri hay làm món cá khoai nấu mẵn. Mẵn nghĩa là mằn mặn chứ không phải mặn chát chúa như món kho khô. Cá khoai thật tươi mua về mổ móc ruột, cá không có vảy, bỏ đầu, cắt đôi. Cà chua - trồng rất nhiều ở Giồng Bông - rửa sạch, xẻ múi cau, hành lá, ngò rí, cần tàu xắt để đó. Bắc nồi nước chờ sôi bùng lên rồi cho cá và cà vào, nêm bột ngọt, nước mắm vừa măn mẳn thì tắt lửa, múc ra tô, cho hành ngò vô và nhớ là phải vắt chanh hoặc giấm vào trước khi ăn. Món này ăn cơm cũng ngon mà nhậu cũng khoái. Ai đã từng ăn qua một lần thì không thể nào quên được hương vị ngọt ngào thắm đượm hồn quê của nó.
Cá đuối ghe câu cũng thường có ở chợ, rất to, một con chất lên xe lam còn lưa ra ngoài hai cái vè mà lại tươi xanh. Nào đuối ó, đuối bông, đuối nghệ, đuối mền v.v... Người ta hay làm món xào lăn, nấu cà ri hoặc nấu canh chua... món nào cũng ngon. Mà ngon thịt nhứt là con cá đuối hắc cấy - có lẽ đây là phiên âm tiếng Hoa của chữ hắc kê, nghĩa là gà đen - thịt nó màu đen tím nếp than, thơm ngọt và dai như thịt gà, nấu cháo chín vớt ra xé trộn rau răm là... hết xẩy! Đặc biệt ở Ba Tri là khi ta đi mua cá đuối ngoài chợ, người bán không bao giờ bán phần gan cá mà chỉ dùng để "khuyến mãi". Tùy theo người mua nhiều hay ít, cô bán cắt một miếng gan tặng kèm theo. Phần gan này bỏ chung vào nồi nấu nhưng sẽ được vớt ra dầm với nước mắm hoặc muối ớt thành một loại nước chấm sền sệt, nổi váng dầu, rất béo và bổ dưỡng.
Sản vật từ biển của Ba Tri thì mênh mông không sao kể hết. Nào là tôm sú, cá mòi, cá trích, cá ngừ, cá thu, cá đường, mực tua, mực ống, mực nang... hầu như quanh năm không bao giờ thiếu, ăn tươi không hết phải phơi khô để dành, từ đó sanh ra làng nghề làm khô nọ khô kia ở Bãi Ngao, Chợ Tiệm bán ngược lên Sài Gòn. Rồi thêm nghêu, ngao, sò huyết, hến, vọp..., thỉnh thoảng có giống sò lông và gần đây xuất hiện thêm con nghêu lụa. Thiên nhiên đã sẵn mà do người nuôi cũng dư dật, chúng đã mang lại lợi ích kinh tế cho dân huyện nhà quá xá ể!
Xê xê gần bờ, vùng nước lợ, thì có cá kèo Thạnh Phước, Bảo Thạnh... bự bằng cẳng cái, thơm và béo vô ngần. Qua chạng tháng mười sắp lên có con rươi xóm Miễu Ông Tồn, Bến Đường Tắt (Tân Thủy), người người, nhà nhà đua nhau vớt gánh về làm nước mắm, loại nước chấm đặc sắc, nhiều đạm dinh dưỡng ngon tuyệt hảo, tên là nước mắm rươi. Còn ở Tiệm Tôm thì có nước mắm tôm cô đặc từ nước luộc tôm của các nhà lò làm tôm khô thơm nồng hương vị biển và rất giàu chất Iode.
Vào sâu trong đất liền của Ba Tri là những cánh đồng lúa ba vụ bạt ngàn, phì nhiêu Mỹ Nhơn, An Ngãi Trung, Phú Ngãi, ấp An Hội, Giồng Chuối... là nơi sinh sản của muôn loài. Mưa nực giông ra sấm thì ếch nhái, mưa rào kiếm cá rô, mùa sạ có cua đồng, đặt bung chạy tép đất, tháng gặt là chim muôn như cúm núm, trích, quốc, giáp Tết tát đìa bắt cá lóc, sặc rằn, lò tho... như một vòng quay không bao giờ ngưng nghỉ của thiên nhiên ban cho con người sức sống.
Về miệt nửa ruộng nửa vườn Giồng Quéo, Tân Hưng, Giồng Lân, An Hiệp... ngoài trái dừa Xiêm "truyền thống" nào giờ đã đi vào thơ ca âm nhạc lại có trái dừa nước, bổ ra nạo cơm cho vô nước đá, quậy thêm đường giải khát cũng "đã" lắm chứ! Xứ này có nhiều ghe đóng đáy rạch, đáy sông, đánh bắt được nhiều loại cá ngon như cá mề gà - thứ này kho lạt vắt chanh hay bằm xào lá cách xúc bánh tráng nướng ngon hết ý - cá úc, cá dứa, cá bông lau từng nổi tiếng với món canh chua. Trên đất giồng, dọc hai bên lộ làng, bờ mẫu thấy có nhiều cây so đũa, sân nhà nào cũng có ít cây me trồng lấy trái, qua mùa gió chướng hái bông so đũa, lá me non, cùng với tép mới đổ bung, làm thành bản hợp xướng mà... ầu ơ ví dầu, tỉ tê lắm đấy!
Đi tìm những thức ăn có nguồn gốc từ thiên nhiên hoang dã ở Ba Tri hiện nay hơi hiếm. Trong đó có thể điểm danh các loài như con sam biển, vùng bãi bồi phù sa có con lịch củ, nay đã ít thấy lắm. Cùng chung số phận là con đẻng cũng thật hiếm hoi. Nhưng đáng mừng thay, dù khó mà vẫn còn tuy có hơi mắc mỏ một chút. Muốn dùng "đẻng 9 món" như đẻng bầm xúc bánh phồng tôm, đẻng nấu cháo đậu xanh hay cháo trắng, đẻng xào lăn, đẻng cà-ri v.v... thì xin mời đến hẻm nhậu Mười Thiện trên đường 19 tháng 5. Xuống Tân Xuân hay lên Tân Hưng ta lại gặp nghề làm mắm tép, mắm ba khía, một món ăn ngày xưa cho là rất bình dân, rẻ tiền, dành cho những nhà đông con khi giáp hạt hay làm cho công gặt qua bữa. Thế mà bây giờ chúng đã là đặc sản rồi đấy.
Càng gần chợ búa, các ngành nghề dịch vụ, chế biến càng phát triển. Khu phố 3 thị trấn có nghề làm bánh hỏi, bún, bánh tráng, bánh hủ tíu cha truyền con nối rất lâu đời. Xích lên trên An Đức, gần mộ cụ Đồ là xóm chuyên làm tôm khô bằng tép đất. Xóm Lò Heo, khu phố 1, có nghề quay heo và làm lạp xưởng "trên cả tuyệt vời", chưa chắc Chợ Lớn đã hơn. Ngoài ra là nghề làm kẹo đậu phộng, làm bánh in, bánh bía, hồi xưa còn có cả lò mạch nha của ông Tư Xện xóm nhà thương, bán đi khắp Bắc Trung Nam nữa đó. Cũng như ở Phú Lễ có nghề đươn đát rổ thúng, bung bội và nghề kháp rượu, bánh phồng Phú Thuận, xã Phú Ngãi... đã đánh dấu bước đường định cư của lưu dân ngày xưa, nơi nào người ta đến trước sẽ được văn minh sớm và quan trọng là vẫn giữ được ngành nghề truyền thống của ông bà cho tới nay.
Dạo sơ một vòng, chúng ta ít nhiều hiểu biết về sự "đa dạng sinh học", nét phong phú ẩm thực của đất và người Ba Tri. Nếu muốn tường tận hơn, mời các bạn về chơi cho biết.