Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.113
123.141.878
 
Trước, Sau
Thụy Vi

Chưa biết thằng nào trước thằng nào,

Thằng nào đi trước, thằng nào sau.

Ði sau, đi trước cùng đi cả,

Thằng thì đi trước, thằng đi sau.

Không thằng nào nói tao đi trước,

Không thằng nào nói tao đi sau.

Thằng đi sau lậy thằng đi trước,

Thằng đi trước kệ thằng đi sau.

Ði sau, đi trước rồi đi cả.

Théc méc làm chi chuyện trước sau!

 

Bài thơ trên của ông Hoàng Hải Thủy được phóng trên “nét” từ mấy năm trước nhưng còn “ăn khách” lắm, bằng chứng mới đây ngay ngày hôm nay kỷ niệm mừng chàng của tôi thất thập, bài thơ có vẻ như tếu táo trửng giởn được bạn bè đem ra làm đề tài bàn tán râm ran.

 

Bài thơ, cũng như hoàn cảnh được tác giả kể lại là...

“…Năm 2006, Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ nhiệm Bán Nguyệt San Văn Nghệ Tiền Phong, từ trần ở Virginia, thọ 84 tuổi. Uyên Thao, Tạ Quang Khôi, Vương Ðức Lệ và tôi — bốn chúng tôi sống gần nhau ở Virginia, gần Hồ Anh — tiễn đưa Hồ Anh tới nghiã trang. Lúc trở về, trong xe, tôi nói:

- Bốn thằng mình đây, thằng nào đi trước?

Tạ Quang Khôi – anh cao tuổi nhất trong chúng tôi, sinh năm 1930 – nói ngay:

- Tao đi trước.

Vương Ðức Lệ nói:

- Chưa chắc.

Ba năm sau, Vương Ðức Lệ là người “đi trước” trong 4 anh em chúng tôi.

Trước linh cũu Vương Ðức Lệ, tôi nói lời tôi đã nói với hương linh Minh Vồ Nguyễn Văn Minh ở Sài Gòn năm 1992:

- Khi người ta đi ra khỏi cõi đời này, người ta đi xuống hay người ta đi lên, khi chúng ta ra khỏi cõi đời này, chúng ta đi ngang. Lệ sang bên ấy trước, chúng tôi sang sau.

Ðưa Chủ nhiệm Hồ Anh đến nghĩa trang, trên đường về tôi làm bài thơ này…. ( ngưng trích )

 

Đối với tôi, bài thơ này không vui, có  lẽ nếu mười mấy năm trước nghe bài thơ này sẽ cười khì. Bây giờ vợ chồng đứa 60 đứa 70, nghe bài thơ tự nhiên thấy chột dạ!

 

Tiệc tan, tôi về phòng nhưng nhưng âm hưởng bài thơ nhắc sự chia lìa ly tan vĩnh biệt trong nay mai khiến tôi bồi hồi, đầu óc như bồng bềnh một nỗi buồn tang tóc, lơ lửng thấm thiá hắt hiu về hư ảo của con người làm tôi không làm sao ngủ được. Tôi nằm thiêm thiếp gợi nhớ về những khuôn mặt của những người quen, thân, những người còn sống, những người đã ra đi…. trong sự ôn mê dật dờ mơ hồ bỗng nhiên tôi lại nhớ đến chị Hiền. Nhớ đến quang cảnh đám tang anh Hiền qua đoạn phim được ghi lại mà hình ảnh nổi bật ám ảnh tôi nhất là đôi mắt của chị lúc đó. Trong đám tang, hình ảnh người quả phụ rũ rượi khiến ai nhìn cũng đau xót, nhưng tôi lại chú ý đến đôi mắt của chị hơn, đôi mắt của chị đã ám ảnh tôi khôn nguôi vì trong đôi mắt sưng tấy vì khóc ấy tôi lại thấy được ánh mắt ngỡ ngàng trong sự kinh ngạc  sững sờ và đồng thời như tuyệt vọng thảng thốt chới với.

 

Anh Hiền và chàng của tôi là bạn cùng khoá, riêng tôi và chị Hiền tuy có chút thân thiết nhưng chưa gặp nhau bao giờ, vì thế sau khi anh Hiền ra đi, đời sống của chị hiện nay như thế nào tôi càng mù tịt vì chị không than thở cũng như tôi ý tứ không hỏi, không khươi lại nỗi đau, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự câm nín chịu đựng cố tình ra vẻ bình thản trong nỗi tịch liêu của chị qua những lá thư qua lại giữa bạn bè còn lại của anh. Tâm hồn nhạy cảm của tôi mường tượng ra được nỗi lặng thinh cô đơn khi chị đâu đó trở về - chắc chắn, hẳn nhiều lần chị ao ước trong ngôi nhà ấm áp quen thuộc kia, khi chị mở cửa - có đôi mắt thật dịu dàng và nụ cười rộng hết cở cùng với vòng tay của anh đang đón chờ! Và, tôi cũng kịp hình dung ra được khoảnh khắc thất vọng và nét mặt cực kỳ đau đớn khi chị thấy chung quanh vắng không và thất thần nhận ra sự trơ trọi còn lại của mình.

 

Có lẽ cơn chấn động về nỗi mất chồng trong chị đã lắng rồi, đã dịu rồi nhưng tôi biết nỗi buồn bây giờ mới trải rộng, mới thăm thẳm, mới thấm thiá thật dễ sợ phải không chị?  Dù chị  chưa bao giờ kể lễ tâm sự mình, bởi chị là người biết chịu đựng, biết kiềm chế không làm cho các người thân chung quanh phải lo lắng hoảng sợ nhưng trong đáy sâu của trái tim chị cất giữ những góc ký ức của chồng cho riêng mình như báu vật và sẽ mang về nơi thiên cổ cùng anh…

 

Nước Mỹ đang dịu dần ánh nắng, đang bước qua những hỗn độn những ngày lễ lớn nhỏ của mùa Hè, cũng như các đứa cháu ngoại, cháu nội của tôi đã qua rồi những nôn nao cho những ngày tựu trường đầy háo nức và đang hoà nhập trôi đều với những trật tự cố hữu tiếp theo….

Đời sống cũng đang trôi và mỗi buổi sáng thức dậy chàng và tôi còn nhìn thấy nhau - như bây giờ chàng còn pha cho tôi ly café - còn nhìn nhau bằng ánh mắt nâng niu - còn quan tâm nhau bằng những chăm chút nhỏ nhặt - còn được sánh vai nhau đây đó - còn được yêu thương nhau, ôm nhau, hôn nhau - còn được cằn nhằn nhau - còn được nhắc với nhau những kỷ niệm - còn được thêm với nhau những người bạn - còn được thẳng thắn chia sẻ những suy nghĩ riêng tư, thậm chí còn cải nhau sôi nổi - còn được giận hờn nhau - còn được  đỡ đần nhau - còn được chọc ghẹo nhau như trẻ thơ - còn được nắm bàn tay còn nóng hôi hổi để biết còn có nhau…

 

Cầu mong cho những cặp vợ chồng sống trọn vẹn từng phút từng giây cho đến ngày người này tiễn người kia.

 

( Hầm Nắng, tháng 9 – 2011 )

Thụy Vi
Số lần đọc: 1971
Ngày đăng: 17.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một Câu Hỏi, Đủ Nhức Đầu - Thụy Vi
Lòng Sân Hận - Phạm Thanh Chương
Xin Giử Gìn Màu Lúa Chín Quê Hương - Huyền Chiêu
Như Mùi Nắng Mới… - Thụy Vi
Dửng dưng và bất lực - Nguyễn Thị Hậu
Mạn về sông Tô - Du Nguyên
Lời chúc cho một kẻ độc hành - Nguyễn Quang Thiều
Tản Văn Sài Gòn: Sức Lay Động Hấp Dẫn Của Trang Viết - Trần Hữu Dũng
Nguyễn Thanh Trịnh: Người Của Một Thời Đã Mất - Nguyễn Tấn Cứ
Mong Manh - Lê Hà Ngân
Cùng một tác giả
Tình Rụng (truyện ngắn)
Ghi…vụn! (tạp văn)
Rừng câm (truyện ngắn)
Mê khúc (truyện ngắn)
Chim hót bên trời (truyện ngắn)
Tình Ơi! (truyện ngắn)
Miền Chim Hát (truyện ngắn)
Tình Xanh (tạp văn)
Di Chúc (thơ)
Ô mê ly (âm nhạc)
Trước, Sau (tạp văn)
Phố Nhạc Xanh (tạp văn)
Nói Hay Không Nói? (đối thoại)
Thả Tình (tạp văn)
PHÍA CUỐI CHÂN TRỜI (truyện ngắn)