Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.124
123.139.823
 
Đọc: Đạo Đức Kinh- Lão TỬ
Nguyễn Hồng Nhung

( NHN đọc, tóm tắt và nhận xét theo bản dịch và lời bình

 của Bs Nhân tử Nguyễn văn Thọ)

 

1/ Chương 1/ THỂ ĐẠO

Tĩnh: chưa hiển dương nên chưa biết bến bờ

Động: hiển dương nên thấy giới hạn.

Các bình giảng về Đạo:

-          Nguyên lý: principe

-          Logos: thần ngôn

-          La Voie: đường

-          The way: đường

-          Vermunft:lý

-          Wort:logos, thần ngôn

-          Wahrheit: chân lý

2 /Chương 2/ DƯỠNG THÂN:

a.       Đạo siêu việt, thế giới là biến thiên mâu thuẫn( tương đối và giả đối với nhà huyền học) bởi mọi vật trong vòng CHUYỂN DỊCH

b.       Vì sự chuyển dịch này cần sống vô vi, thuận theo tự nhiên

Liệt tử: lời nói cao siêu nhất là sự thầm lặng. Việc làm cao siêu nhất là cõi vô vi

 

Theo Đạo Lão tử: cõi hữu vi là cõi người cõi vô vi là cõi trời

Vượt lên trên thế giới phù sinh, tương đối để đi vào thế giới của chân nhất: Đạo

Sống tự nhiên vô vi, vô ngôn như vậy chính là khuôn theo đường lối của trời đất, vì vũ trụ vạn vật đều im lìm sinh hoạt, tuy sinh mà không cho mình là có, tuy làm mà không tự thi, tuy thành công mà không lưu luyến với thành quả đã thâu lượm được.

 

3 /Chương 3: AN DÂN

a. Không sùng thượng hiền tài, khiến cho dân không tranh. Không quí của khó được, khiến cho dân không trộm cướp. Không phô trương những gì kích thích lòng ham muốn, khiến cho lòng dân không loạn.

b. Vì vậy phép trị nước của thánh nhân là làm cho dân: Trống lòng; No dạ; Yếu chí; Mạnh xương. Thường khiến cho dân không biết, không ham. Khiến cho kẻ trí không dám làm gì cả.

c. Làm theo phép Vô vi, thời không gì là không trị.

 

4/ Chương 4: VÔ NGUYÊN

 

Chương này Lão tử lại bàn luận về Đạo. Đạo vượt tầm tri thức của ta.

a. Đạo huyền linh cao diệu, tưởng như là hư không, trống rỗng mà dùng chẳng bao giờ vơi, chẳng bao giờ hết.

b. Đạo sâu man mác, đã sinh xuất ra vũ trụ quần sinh.

c. Chẳng những thế, Đạo lại còn luôn lồng trong vạn hữu (immanence). Muốn vậy, Đạo đã dấu hết sắc bén, bỏ mọi phiền tạp, hòa ánh sáng cùng vạn hữu, đồng hóa mình với sự thấp hèn của vạn hữu.

d. Tuy nhiên, Đạo vẫn luôn trong trẻo, vẫn vĩnh viễn trường tồn, tự nhiên tự tại.

e. Không thể biết Đạo đã sinh xuất từ đâu. Có lẽ Đạo có trước Thượng đế.

 

Theo các nhà Huyền hoc:

Vô: Tuyệt đối ở trạng thái tĩnh

Hữu: tuyệt đối ở trạng thái động

Ramakrishna cũng đã nói: «Khi ta nghĩ đến thực thể tối cao dưới hình thức thái tĩnh (Nishkriya) ta gọi Ngài là Thượng đế siêu việt tuyệt đối (Shuddha Brahman), còn khi ta nghĩ đến Ngài dưới hình thức hoạt động, tạo dựng, gìn giữ hay hủy hoại, ta gọi Ngài là Shakti hay Thượng đế hữu ngã

 

5/ Chương 5: HƯ DỤNG

a. Trời đất không có lòng nhân, coi bách tính như chó rơm.

b. Thánh nhân không có lòng nhân, coi bách tính như chó rơm.

c. Khoảng trời đất giống như ống bễ. Trống không mà không hao kiệt, càng động, hơi càng ra.

d. Nói nhiều cũng chẳng hết, thà giữ lấy Trung.

 

Chương này rất hay: nói về sự màu nhiệm sẵn có của trời đất, nhưng không lay chuyển trước sau như một của Đạo, chứ không phải thay đổi như lòng người, ý muốn của người, dục vọng của người, con người nên hiểu ra sự hạn chế nhận thức của chính họ để quan niệm về mối quan hệ giữa họ với vũ trụ( Đạo) cho đúng, để tu thân. (nhận xét của NHN)

 

6/ Chương 6: THÀNH TƯỢNG

a. Cốc thần bất tử, đó là Huyền tẫn.

b. Cửa Huyền tẫn chính là gốc rễ trời đất.

c. Miên man trường tồn, dùng không bao giờ hết.

Nói nôm na rằng: Muốn đắc đạo, muốn trường sinh bất tử, phải biết phối hợp Huyền tẫn, nghĩa là phối hợp âm dương, phối hợp nhân tâm với Đạo tâm, phối hợp Thần, Hồn.

ÂM + DƯƠNG = THÁI CỰC

TẪN + HUYỀN = ĐẠO

NHÂN TÂM + ĐẠO TÂM = CỐC THẦN

HỒN + THẦN

Mà nơi phối hợp chính là ở Nê hoàn cung (ở chính giữa đầu não con người)

 

7/ Chương 7: THAO QUANG (che giấu bớt ánh sáng)

Trời dài, đất lâu. Trời đất sở dĩ dài lâu chính vì không sống cho mình, vì thế nên trường sinh.

Vì vậy thánh nhân để thân ra sau mà thân ở trước; để thân ra ngoài mà thân còn.

Phải chăng vì không riêng tây, nên vẫn thành được cái riêng tây?

 

Chương này dạy ta hai bài học trọng đại:

a. Bắt chước đất trời mà hành sự.

b. Sống một cuộc đời vô ngã, vô kỷ, chí công, vô tư.

 

8/ Chương 8: DỊ TÍNH

Bậc trọn lành giống như nước.

Nước khéo làm ích cho muôn loài mà không tranh giành, ở chỗ mọi người đều ghét, cho nên gần Đạo.

Ở thì lựa nơi chốn; tâm hồn thời thâm trầm sâu sắc; giao tiếp với người một mực nhân ái; nói năng thành tín; lâm chính thời trị bình; làm việc thời có khả năng; hoạt động cư xử hợp thời.

Chính vì không tranh, nên không ai chê trách oán thán.

Ở chương này, Lão tử khuyên các bậc thánh nhân phải bắt chước nước. Nước bao giờ cũng chảy chỗ trũng, chỗ thấp, làm ơn ích cho muôn loài muôn vật.

Bậc thánh nhân cũng phải như vậy: phải sống cuộc đời khiêm cung, từ tốn, quên mình vì người, không tự cao tự đại có như thế mới gần Đạo gần Trời

 

9/ Chương 9: VẬN DI

a. Giữ mà làm cho đầy mãi, không bằng dừng lại.

b. Mài cho nhọn, cho sắc không giữ được lâu.

c. Vàng ngọc đầy nhà, chẳng thể giữ được.

d. Giàu sang mà kiêu căng, sẽ tự vời tai họa.

e. Thành công, thành danh rồi thời nên lui thân, ấy là đạo Trời.

 

Chương này đầu tiên nêu lên những định luật tất yếu của sự vật. Cần phải biết những điều tất yếu này để xử sự và hành động trong đời. Câu đầu có một hình ảnh rất lý thú”nước đầy ( đựng trong cái gì đó) thì không giữ lâu được” và câu cuối khuyên con người nên đi ẩn khi thành công, cũng rất lý thú vì thứ nhất nói về mối quan hệ giữa con người với nhau và con người với cộng đồng người của nó, thứ hai nêu được tính tất yếu trong đặc tính riêng của cá nhân( sự ghen ghét vì kẻ kia hơn mình) của mối quan hệ người với nhau. Đặc tính riêng này của loài người cũng chung và tất yếu như định luật của sự vật( Nhận xét của NHN)

 

10/ Chương 10: Năng vi( làm được không?)

a. Có thể đem hồn phách ôm ấp lấy Đạo, không lìa xa chăng?

b. Có thể giữ cho nguyên khí không tán loạn, giữ vẹn thiên chân, hoàn toàn theo được đạo Trời, (định luật trời đất) như anh nhi chăng?

c. Có thể tẩy trừ được (trần cấu), giữ được cho gương lòng trong sáng không tì vết chăng?

d. Có thể yêu dân trị nước, mà vẫn vô vi chăng?

e. Cơ trời mở đóng, có thể thuận ứng như con mái chăng?

f. Có thể sáng suốt mà như người vô tri chăng?

i. Sinh dưỡng vạn vật; sống mà vẫn như không có; làm mà không cậy công; khiến cho lớn mà không đòi làm chủ, thế là đức sâu xa vậy

 

Theo từ ngữ của huyền học, thì Bão Nhất, Đắc Nhất, chính là tìm ra được Trung điểm tâm hồn, đáy thẳm tầng sâu tâm hồn, nơi phát xuất tung tỏa ra mọi quan năng. Đó tức là tìm ra được vô cùng lồng trong vạn hữu, vĩnh cửu lồng trong tạm bợ, biến thiên

 

11/ Chương 11: VÔ DỤNG

 

 

 

a. Ba chục căm, hợp lại một bầu. Nhờ chỗ «trống không», mới có cái dùng của xe.

b. Nhào đất để làm chén bát. Nhờ chỗ «trống không», mới có cái dùng của chén bát.

c. Đục cửa lớn, cửa sổ để làm nhà; nhờ có chỗ trống không, mới có cái dùng của nhà.

d. Cho nên lấy cái «có» để làm cái lợi, lấy cái «không» để làm cái dụng.

 

Dịch thơ:

1. Bánh xe ba mươi tai hoa,

Cái bầu giữa trống, nó nhờ nó quay.

2. Bát kia lấy đất dựng gầy,

Nhờ lòng bát rỗng, mới hay đựng đồ.

3. Làm nhà trổ cửa nhỏ, to,

Nhờ cửa mở trống, cái nhà mới quang.

4. Hữu hình để chở, để mang,

Vô hình mới thực chính tang «cái dùng».

 

Người tu đạo chính là đi tìm Không. Những cái có, nhỡn tiền, ai chẳng thấy. Xác thịt trần trần, ai chẳng thấy. Cho nên người cao siêu, tu đạo, tức là đi tìm cái vô hình, vô tướng mà mọi người không tìm thấy; chỉ cho nhau cái không, mà người thường không thấy.

 

Như vậy con người một nửa là Hữu một nửa là Vô. Tìm ra được nửa Vô trong người, làm cho các năng lực còn tiềm tàng trong Vô đó được thi triển, mới là con người toàn diện.

 

12/ Chương 12: KIỂM DỤC

a. Năm màu khiến người mù mắt. Năm giọng khiến người điếc tai. Năm mùi khiến người tê lưỡi. Ruổi rong săn bắn, khiến lòng người hóa cuồng. Của cải khó được, khiến người bị tai hại.

b. Bởi vậy, thánh nhân vì bụng không vì mắt. Nên bỏ cái kia, lấy cái này.

 

Các lời khuyên của Lão tử trên đây rất hữu ích cho công phu tu luyện.

Như ta đã biết Lão tử là một nhà huyền học. Mà Huyền học là sự vươn vượt lên trên thế giới hiện tượng hữu hình để đạt tới Chân thể nấp sau bức màn hiện tượng

Trong các pháp môn tu luyện, ta lại thấy môn «thiền định» là quan trọng và phổ quát hơn cả, mà thiền định chính là khép cửa giác quan, vận khí, điều thần, tập trung tư tưởng, thần trí, để cuối cùng đi đến chỗ cao siêu nhất là xuất thần nhập định, huyền hóa với Đại đạo.

 

13/ Chương 13: YỂM SỈ

a. Vinh, nhục cũng làm lo âu. Sở dĩ hoạn nạn là vì có thân.

b. Tại sao vinh, nhục đều làm lo âu? Vinh là ở ngôi cao, nhục là ở địa vị thấp. Được cũng lo, mất cũng lo. Vì thế nên nói: Vinh nhục đều lo.

c. Tại sao nói: «Hoạn nạn là vì có thân?» Ta sở dĩ phải lo âu nhiều, chính vì ta có thân. Nếu không có thân, ta đâu có lo !

d. Cho nên ai quí thiên hạ hơn thân mình, thì có thể đem thiên hạ giao phó cho, ai yêu thiên hạ hơn thân mình, thì có thể gửi gắm thiên hạ cho họ được.

 

Hai chương trên, Lão tử khuyên ta: (1) Phải sống hư tâm, khinh khoát. (2) Phải biết tiết dục, đừng mê mải chạy theo những thú vui giác quan.

Trong chương này, Lão tử tiếp tục khuyên ta: Đừng nên bận tâm vì công danh trần tục cũng như nên vươn lên khỏi đời sống phàm tục của tiểu ngã.

 

Bacon nói: «Người trên làm đày tớ đến ba lần: đày tớ cho vua, đày tớ cho danh vọng, đày tớ cho công việc, vì thế họ mất hết tự do; bản thân mất tự do; hoạt động mất tự do; giờ giấc mất tự do. Thật là kỳ dị: người có quyền cai trị người khác, lại không cai trị nổi mình.»

 

14/ Chương 14: TÁN HUYỀN

a. Nhìn không thấy, gọi là Di. Nghe không thấy, gọi là Hi. Nắm không được, gọi là Vi. Ba điều ấy không thể suy cứu đến cùng. Cho nên hợp lại làm một.

b. Trên nó không sáng. Dưới nó không mờ. Miên man dằng dặc mà không thể đặt tên. Rồi lại trở về chỗ không có gì. Đó là trạng thái của cái không trạng thái. Hình tượng của cái không có vật chất. Cái có hoảng hốt, đón trước không thấy đầu, theo sau không thấy đuôi.

c. Giữ cái Đạo xưa để trị chuyện nay; biết cái đầu mối của thời xưa, ấy là nắm được giềng mối đạo.

 

Chương này Lão tử lại luận về Đạo thể. Đại khái Lão tử cho rằng Đạo thể huyền vi, mung lung, ảo diệu, thoát tầm kích quan năng của con người. Đại đạo vô hình tướng, nên không có đầu đuôi, dù đón trước theo sau cũng không truy lùng ra dáng dấp.

Tuy nhiên, ta vẫn có cách biết được Đạo, nếu ta biết cách khảo sát đời sống các vị thánh nhân đời trước. Hiểu được thời cổ, tức là biết được chuyện nay, hiểu được Đạo thể.

«Tuyệt đối mà mọi người tìm cầu không có ở cao xa diệu vợi tách rời khỏi vũ trụ hình tướng bất toàn này, nhưng đã ở ngay trong lòng biến dịch; đã đứng chờ ngay ở cửa lòng con người và gõ và chờ cho phàm tâm con người dần dà tìm ra được kho tàng của nó.»

mục đích của khoa luyện đan cũng chính là tìm ra được, Thái cực, được Trời, được Đạo trong lòng mình.

 

15/ Chương 15: HIỂN ĐỨC

a. Bậc hoàn thiện xưa siêu vi, huyền diệu, thâm thúy, thông suốt; thâm thúy khôn lường. Vì khó lường nên gượng tả hình dung.

b. Các ngài thận trọng như mùa đông đi qua sông; các ngài e dè sợ láng giềng bốn bên; kính cẩn như khách; lạnh lùng như băng tan; mộc mạc chất phác như chưa đẽo gọt; man mác như hang núi; hỗn mang như nước đục.

c.  Ai có thể đục mà nhờ tĩnh lại dần dần trong. Ai có thể yên mà nhờ động lại dần dần linh hoạt.

d. Kẻ giữ đạo không muốn đầy. Chỉ vì không muốn đầy, nên mới che dấu và chẳng đổi mới.

 

Chương này chứng tỏ các bậc chân nhân đắc đạo đã có từ thượng cổ. Lão tử cho rằng các ngài là những người siêu việt huyền vi, nan trắc, nên rất khó hình dung. Tuy nhiên, Lão tử cũng đã phác họa ra chân dung một vị chân nhân đắc đạo.

 

Hamvas Béla đã tham kháo, dịch chương này  nhằm  chứng minh sự tồn tại của các nhân vật lỗi lạc trước công nguyên, và phân tích ý nghĩa giáo dục của họ đối với cộng đồng người ở thế gian, coi họ như những người Thày của Đời sống( NHN)

 

16/ Chương 16: QUY CĂN

a. Hư không cùng cực, hết sức yên tĩnh.

b. Vạn vật đua sống, ta nhân đó xem chúng trở về (nguồn). Vạn vật trùng trùng đều trở về cội.

c. Trở về cội rễ là tĩnh; tĩnh là phục mệnh; phục mệnh tức là trường cửu.

d. Biết «trường cửu» mới là sáng suốt. Không biết trường cửu sẽ làm càn và gây hung họa.

e. Biết «trường cửu» sẽ thung dung như công hầu vương tước, sẽ hợp với Trời với Đạo. Hợp Đạo rồi sẽ cửu trường: thân có mất đi, cũng chẳng nguy hại gì.

 

Tách rời khỏi vòng biến dịch, để nhìn xem dòng biến dịch sẽ chuyển hướng về đâu? Lão tử đã cho thấy vạn sự biến dịch chung qui sẽ trở về cội gốc, mà cội gốc ấy chính là Trời, là Đạo. Biết được lẽ phản phục, tuần hoàn của Vũ trụ, tức là bao quát được lẽ Dịch.

Radhakhrishman nói: «Đầu và cuối sẽ ăn khớp với nhau.»

«Lịch trình của lịch sử đã từ thần minh đi xuống, và rồi ra sẽ trở về lại Thần minh.»

Các môn phái triết học Á đông Ấn Độ hay Trung hoa, cũng đều nhận định rằng: Vũ trụ này có trở về tâm, trở về nguồn mới thoát được sự phá tán, suy vong

 

17/ Chương 17: THUẦN PHONG

a. Thánh quân thời cổ xưa (cai trị), dân ở dưới không biết rằng có.

b. Bậc dưới, họ thân và ngợi khen. Bậc dưới nữa họ sợ. Bậc dưới nữa, họ khinh. Vì không đủ tin, nên dân không tin.

c. Bậc thánh xưa quí lời nói. Công việc xong xuôi, mà dân đều bảo rằng: «Tự nhiên bởi ta.»

 

Để dễ bề khảo sát, ta có thể chia nền chính trị Trung Hoa thành nhiều thời kỳ như sau:

1. Trước thời Tam Hoàng và thời Tam Hoàng (khoảng 2800 trở về trước) (Phục Hi  Thần Nông, Chúc Dung  Đó là thời của Vô vi nhi trị

2. Thời Ngũ Đế  (2700 - 2200) (Hoàng đế, Chuyên Húc, Đế Cốc [Khốc] , Nghiêu, Thuấn  Đó là thời của Đức trị. Thời này phát minh ra lễ nhạc, tôn ti trật tự, cung thất, áo xống, thư tịch, xe cộ, cầu đò, v.v.

 

3. Thời Tam Vương  (2200 - 1000): [Đại Vũ  (2505-2197); Thành Thang  (1766-1753); Vũ Vương (1122-1115)]. Đó là thời của Nghĩa trị   Hình phạt .

4. Thời Ngũ Bá   (từ 1000 về sau): [Tề Hoàn Công  (683-641); Tấn Văn Công  (634-626); Tần Mục Công  (673-644); Tống Tương Công  (649-653); Sở Trang Vương (612-589)]. Đó là thời của Trí trị   Mưu lược .

- Thời thái thượng tức là thời Tam Hoàng về trước. Thời ấy các bậc chân quân trị dân bằng phương pháp vô vi, tự nhiên đến nỗi dân như không hay không biết.

Trang tử viết: «Thời chí đức, không chuộng hiền, không dùng tài; người trên như cành cây (rủ bóng mà không hay); người dưới như hươu rừng (đến nương bóng mà không ơn). Các bậc lãnh đạo cư xử đoan chính mà không cho thế là nghĩa; thương yêu mà không biết đó là nhân; thành thực mà không biết thế là trung; xử phải mà không biết thế là tín; hoạt động lao tác một cách tự nhiên mà không mong báo đền. Vì thế nên không có chuyện gì nổi bật, và cũng chẳng có sử ký.»

Thời buổi vô vi, ở nơi đường cái, dân chúng thường gõ mõ đất mà ca rằng: «Sáng làm, tối nghỉ, đào giếng để uống, trồng tỉa để ăn, có thấy đâu đức vua reo rắc đến ta?»

- Kịp đến thời Ngũ Đế, dân chúng ngày càng cảm thấy ảnh hưởng của vua chúa, và thân vua, khen vua.

- Đến thời Tam Vương, vua chúa đã bắt đầu xa dân, hình phạt đã được bày đặt, pháp luật đã trở nên chặt chẽ, nên dân chúng đâm ra sợ sệt các nhà lãnh đạo.

- Đến thời Ngũ Bá, vì vua chúa dùng xảo thuật, mưu kế để chiếm nước, đoạt dân, nên dân bắt đầu khinh khi, không còn mến phục nhà cầm quyền nữa.

 

18/ Chương 18: TỤC BẠC

a. Đại đạo mất mới có nhân nghĩa,

Trí tuệ sinh mới có dối trá lớn.

b. Lục thân bất hòa, nên có kẻ thảo người lành.

c. Quốc gia rối loạn mới có trung thần.

 

theo Lão tử, lịch sử loài người đã suy vi dần từ một thời hoàng kim, còn người đã dần dần bước xuống thời bạc, đồng, sắt, thép, loạn ly, ngụy tạo. Chính vì thế mà Hà Thượng Công đã dùng hai chữ «Tục bạc» mà gọi chương này. «Tục bạc» là phong tục một ngày một trở nên phù phiếm bạc bẽo.

 

19/ Chương 19: HOÀN THUẦN

a. Dứt thánh bỏ trí, dân lợi gấp trăm.

b. Dứt thân bỏ nghĩa dân lại thảo lành.

c. Dứt khéo, bỏ lợi, không có trộm cướp.

d. Ba điều đó hào nhoáng bên ngoài, chẳng đủ vào đâu.

e. Phải chú trọng điều này: Giữ vẹn tinh anh, chất phác: ít riêng tây, ít ham muốn.

 

20/ Chương 20: DỊ TỤC

 

a. Dứt học, hết lo. Dạ với ơi khác nhau bao lăm? Lành với dữ khác nhau mấy tầm?

b. Cái mà người sợ, ta há không sợ, nhưng không đến nỗi hoảng hốt mất tinh thần.

c. Người đời hớn hở, như hưởng cỗ bàn, như lên đài xuân.

d. Riêng ta lặng lẽ, chẳng chút phô trương, y như trẻ thơ, chưa biết mỉm cười. Dáng điệu phờ phạc, lênh đênh vô định.

e. Chúng nhân có thừa, riêng ta thiếu thốn. Lòng ta ngu dốt thay, mù mịt tay. Người đời sáng chói, riêng ta mịt mù. Vắng lặng như biển khơi, vi vu như gió thổi. Mọi người đều có chỗ dùng, riêng ta ngu xuẩn, thô kệch.

f. Riêng ta sống khác người, vì không lìa xa «mẹ thiên nhiên».

 

Chương này Lão tử có ý mô tả sự khác biệt giữa hai lối sống: (a) Lối sống của thánh nhân; (b) Lối sống của phàm nhân.

Câu «quí thực mẫu» của Lão tử toát lại đời sống huyền đồng của các bậc thánh nhân mọi nơi mọi đời.

Câu này làm ta liên tưởng đến một đoạn sau đây trong quyển Mysticism của Everlyn Underhill:

«Nhà huyền học trực giác được một thế giới siêu nhiên nằm gọn trong biên cương của lòng sốt mến, và một tâm hồn siêu thoát tục lụy, nhưng hằng khao khát muốn vươn lên cho tới Tuyệt đối; chỉ vừa lòng khi được sống phối hợp với Thượng đế. Lúc ấy, theo sự mô tả của Patmore, thánh nhân sẽ như «trẻ thơ còn ngậm vú mẹ Tạo Hóa» hay như «người tình đã tìm lại được người tình»

 

21/ Chương 21: HƯ TÂM

a. Dung nghi của bậc Đại đức, khuôn theo Đạo.

b. Đạo sinh ra muôn vật, hoảng hoảng hốt hốt nhưng trong vẫn có hình ảnh của Đạo. Hoảng hoảng hốt hốt nhưng trong vẫn có bản thể (của Đạo). Mờ mịt nhưng trong vẫn có tinh hoa (của Đạo). Tinh hoa ấy rất chân thực; trong lại có tín.

c. Từ xưa đến nay, tên ngài vẫn đó, để bẩm sinh ra muôn vật.

d. Ta làm sao biết được hình trạng đầu gốc muôn vật? Nhờ vậy !

Chương này có hai cách bình giải:

1. Đạo sinh xuất muôn loài, nên từ trong lòng Đạo đã thấy mung lung, hoảng hốt, hình ảnh của muôn loài muôn vật.

2. Đạo sinh xuất muôn loài, nhưng vẫn lồng trong lòng muôn loài muôn vật.

Nguyên thể là như thế này: Nguyên thể hoảng hốt khó phân, khó định. Tuy khó phân định nhưng bên trong đã có các chủng loại. Tuy khó phân định, nhưng bên trong đã có các vật, tuy còn là ở trong trạng thái tiềm ẩn. Thực là ẩn áo, thực là nhiệm mầu. Trong nhiệm mầu ẩn áo đó vẫn có một tinh hoa; tinh hoa đó là thực tại. Đạo là như thế đó

Làm sao mà ta biết gốc gác quần sinh?

Ta biết bằng cách đó (bằng cách quan sát vũ trụ một cách khách quan); do đó ta thấy vạn vật tương đối đều phát xuất từ Tuyệt đối

 

22/ Chương 22: ÍCH KHIÊM

 

a. Cái gì khiếm khuyết, thì làm cho nên toàn vẹn. Cái gì cong, thì làm cho ngay. Cái gì trũng thì làm cho đầy. Cái gì cũ thì làm cho nên mới. Ít thì lại được, nhiều thời lại mê.

b. Cho nên thánh nhân ôm giữ cái Một (Đạo), để làm mẫu mực cho thiên hạ. Không phô trương, cho nên sáng; không tự cho mình là phải, cho nên hiển dương; không kể công, nên có công; không khoe mình, cho nên hơn người.

c. Vì không tranh giành, cho nên thiên hạ không ai tranh dành với mình. Câu nói của người xưa: «Cái gì khiếm khuyết, thì làm cho nên toàn vẹn», há phải là câu nói suông? Vẹn toàn rồi sẽ trở về với Đạo.

Chương này các nhà bình giải thường cho rằng Lão tử đề cao sự khiêm cung. Chính vì thế mà Hà Thượng Công đã toát lược chương này bằng hai chữ «Ích khiêm».

Lão tử đã tìm ra được một định luật thiên nhiên và đạo giáo rất quan trọng: «Con người phải tinh tiến, phải cải thiện mình, để đi đến chỗ hoàn thiện. Có hoàn thiện mới có thể «đắc Đạo, bão nhất».

 

23/ Chương 23: HƯ VÔ

 

a. Ít nói, (sống) tự nhiên,

b. Vì gió lốc không suốt sáng, mưa rào không suốt ngày. Ai làm những chuyện ấy? Trời, Đất. Trời Đất còn không thể lâu, huống nữa người.

c. Cho nên theo Đạo thì đồng với Đạo. Theo Đức thì đồng với Đức. Theo mất thì đồng với mất. Đồng với Đạo, đạo vui tiếp đó. Đồng với Đức, Đức vui tiếp đó. Đồng với thất, thất vui tiếp đó.

d. Tin không đủ. Có sự không tin.

 

Ông NVT cho rằng chương này rất khó bình vì khó mà hiểu hết nghĩa của Lão Tử. Theo NHN có thể hiểu chương này bằng một trong những giải thích về Tabula smaragdina của Hamvas Béla khi Hamvas cho rằng điều quan trọng nhất của phát triển cá nhân là vươn tới tự do, hòa đồng được với Đạo, nghĩa là cá nhân hợp nhất được với cái hiện tại, với ngày hôm nay với thời hiện tại nó đang sống để hành động, nghĩa là để hoàn thiện và phát triển cá nhân. Tin không đủ vì quan trọng nhất chính là hành động, hành động chính là tạo hóa trong sự biến dịch không ngừng của sự sống. ( Nhận xét của NHN)

 

24/ Chương 24: KHỔ ÂN

 

a. Kiễng chân lên, không đứng thẳng được. Xoạc cẳng ra không đi được. Tự coi là sáng, nên không sáng. Tự xem là phải, nên không hiển dương. Tự kể công, nên không có công. Tự khoe mình, nên không hơn người.

b. Đứng về phương diện Đạo mà nói, thì đó là những «đồ thừa việc thải». Cho nên người có Đạo không thiết.

 

25/ Chương 25: TƯỢNG NGUYÊN

a. Có một vật hỗn độn mà nên, sinh trước trời đất; yên lặng, trống không; đứng một mình mà chẳng thay; đi khắp nơi mà không mỏi. Có thể làm mẹ thiên hạ.

b. Ta không biết tên, đặt tên chữ đó là Đạo. Gượng gọi tên đó là Lớn. Lớn là đi, đi là xa; xa là trở lại.

c. Cho nên Đạo lớn, Trời lớn, Đất lớn. Người cũng lớn. Trong đời có bốn thứ lớn, mà Người là một. Người bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời; Trời bắt chước Đạo; Đạo bắt chước tự nhiên.

 

Đạo là Nguyên lý, nên tam tài (Trời, Đất, Người) đều do đạo xuất sinh. Đạo Nho cho rằng người là một ngôi trong Tam tài. Lão tử lại cho rằng Người là một ngôi trong «tứ Đại» (Đạo, Thiên, Địa, Nhân). Tuy nhiên, hai đằng vẫn nói lên sự cao trọng của con người.

Vả lại, đường lối con người chung qui là phải khuôn theo trời đất, phải khuôn theo Đạo. Mà Đạo thời «tự nhiên». Cho nên đạt tới mức sống «Tự nhiên» là mức sống cao siêu nhất.

 

Ông NVT lại lúng túng một chút khi giải thích chương này. Có thể  lý lẽ của Hamvas Béla nói rõ hơn. Theo Hamvas thì Đạo ở đây chính là Lét, là Isten( sự sống, thượng đế) bao trùm lên tất cả, trong Trời Đất Người đều có những đặc tính của sự sống vĩnh hằng, đều mang tính chất của Đạo,của sự sống, của thượng đế. Bởi vậy theo Hamvas con người không phải là một tiểu vũ trụ mà là một tiểu thượng đế, như Trời như Đất vậy. ( NHN nhận xét)

 

26/ Chương 26: TRỌNG ĐỨC

a.Nặng là gốc của nhẹ. Tĩnh là chủ của xao động.

b. Cho nên thánh nhân suốt ngày rong ruổi, mà không bỏ mất sự trang trọng, yên tĩnh.  Tuy sống trong vinh hoa, mà lòng vẫn thung dung sống vượt lên trên.

3. Tại sao vua một nước có muôn cỗ xe lại đem thân coi nhẹ thiên hạ. Nhẹ ắt mất gốc, xao động ắt mất chủ.

 

Ở đây Hamvas có một lý giải rất hay: khối lượng( kiến thức) nặng trong con người là sự nhẹ nhõm của họ. Sự vô trọng lượng làm con người trở thành nặng nề. Người càng hiểu biết sự đời, càng thể hiện được tính chất của Đạo trong con người họ, người ấy sống càng nhẹ nhàng, hay nói như từ ngữ của Hamvas”trong suốt”(NHN nhận xét.)

 

27/ Chương 27: XẢO DỤNG

 

a. Đi khéo không để vết chân. Nói khéo không có lỗi lầm. Đếm khéo không dùng thẻ. Đóng khéo không róng, chốt mà không mở được. Thắt khéo, không dây rợ mà không cởi được.

b. Cho nên thánh nhân thường khéo cứu người, nên không có ai bị bỏ; thường khéo cứu vật nên không có vật nào bị bỏ. Thế gọi là sáng gấp đôi.

c. Cho nên người hay là thày kẻ dở. Kẻ dở giúp người hay. Không quí người hay, không yêu kẻ dở, dẫu là bậc trí, cũng mê lầm. Sự mầu nhiệm cốt yếu là ở chỗ đó.

 

Thực ra đây là mặt thống nhất của các mâu thuẫn trong sự vật. Nếu nhận thức của con người  đúng với Đạo sẽ mang lại hành động phù hợp, mang lại sự phát triển phù hợp của xã hội, một không gian  được tạo dựng bởi các mối quan hệ người. ( NHN nhận xét)

 

28/ Chương 28: PHẢN PHÁC

1. Biết sống, giữ mái, làm khe lạch cho thiên hạ. Làm khe lạch cho thiên hạ không lìa «thường đức», trở về trạng thái anh nhi.

2. Biết trắng, giữ đen, làm phép tắc cho thiên hạ. Làm phép tắc cho thiên hạ, không sai «thường đức», trở về vô cực.

3. Biết vinh, giữ nhục, làm hang sâu cho thiên hạ. Làm hang sâu cho thiên hạ, đầy đủ «đức hằng», trở về mộc mạc.

4. Mộc mạc tán thời thành đồ dùng. Thánh nhân được dùng, làm quan trên; cho nên phép lớn không chia cắt.

 

( Chương này nhấn mạnh một điều: đùng quên những „mặt trái” ngay trong bản tính của ta, như vậy mới hiểu đủ luật âm dương của Đạo trong tâm hồn người để sống cho đúng. Nhận xét của NHN)

 

29/ Chương 29: VÔ VI

 

1. Muốn đem thiên hạ mà làm (theo ý mình) ta thấy không thể được. Thiên hạ là đồ vật linh thiêng, không thể làm (theo ý mình). Hễ làm thì hỏng, hễ giữ thì mất.

2. Cho nên vật hoặc đi hoặc theo hoặc hà hơi, hoặc thổi, hoặc mạnh hoặc yếu; hoặc bền vững hoặc mong manh.

3. Cho nên thánh nhân chỉ ngăn sự thái quá, sự xa xỉ, sự tham lam.

 

( Hamvas có một câu rất hay theo ý này: Tươi tỉnh là gì? là sự ủy thác vào tạo hóa”)

 

Chương 30: KIỆM VŨ

1. Ai coi Đạo là vua (thiên hạ) không dùng binh mà bức thiên hạ. Chiến tranh có vay có trả Chỗ quân sĩ đóng, gai góc sẽ sinh. Sau trận chiến lớn, ắt có những năm tai ương.

2. Cho nên người khéo sẽ giải quyết (trận chiến) một cách mau lẹ, mà không ỷ sức mạnh; giải quyết mau lẹ mà không khoe khoang; giải quyết mau lẹ mà không tự khen; giải quyết mau lẹ mà không kiêu căng; giải quyết mau lẹ vì bất đắc dĩ; giải quyết mau lẹ mà không muốn trở nên mạnh mẽ.

3. Vật lớn mạnh ắt già; Như vậy là trái Đạo; trái Đạo sẽ mất sớm.

 

Có một điều đáng lưu ý là Lão tử cũng như kinh Dịch không hoàn toàn hô hào dẹp bỏ binh đao, vũ lực, mà chỉ khuyên nên hết sức thận trọng trong việc dùng vũ lực. Có lẽ như vậy, sát với thực tế hơn.

 

31/ Chương 31: YẾN VŨ

1. Binh đao là vật bất tường, ai cũng ghét; cho nên người có Đạo chẳng (thích) dùng.

2. (Khi bình thời) vị quốc quân trọng (ai thì mới đứng về) bên trái; (lúc chiến tranh) (muốn) trọng (võ tướng thì lại mời đứng ở) bên trái. Binh đao là vật bất tường; quân tử chẳng nên dùng nó. Bất đắc dĩ mới phải dùng. Người quân tử ưa sống điềm đạm. Thắng không có mừng. Mừng vì thắng hẳn là tâm địa kẻ thích giết người. Thích giết người không thể cai trị thiên hạ.

3. (Theo nghi lễ) lành ở bên trái, dữ ở bên phải. Phó tướng ở bên trái, thượng tướng ở bên phải. Đó là nghi tiết dùng trong tang lễ. Kẻ giết người, phải khóc lóc xót thương (những người oan khuất). Kẻ chiến thắng phải đứng làm chủ tang

 

( Một trong những chương có ý nghĩa rất lạ, đáng xúc động về tính nhân đạo của Lão tử: Kẻ chiến thắng phải đứng làm chủ tang. Nội dung của ý nghĩa này hết sức NGƯỜI. nhận xét của NHN)

 

32/ chương 32: THÁNH ĐỨC

1. Đạo thường không tên, mộc mạc. Tuy nhỏ, dưới trời không ai bắt được nó phải thuần phục. Nếu bậc vương hầu giữ được nó, vạn vật sẽ thuần phục; trời đất hòa hợp làm cho móc ngọt rơi xuống. Dân không phải sai khiến, mà chia đều nhau.

2. Bắt đầu phân chia, mới có tên. Đã có tên phải biết chốn dừng. Biết chốn dừng mới không hại. Đạo sánh với thiên hạ, như suối khe với sông biển.

 

( Hamvas thường nhấn mạnh đến tính chất Mức độ của sự vật, như câu 2 ở chương này. Nhận xét của NHN)

 

33/ Chương 33: BIỆN ĐỨC

1. Biết người là khôn. Biết mình là sáng. Thắng người là kẻ có sức; tự thắng là kẻ mạnh. Biết «tri túc» là giàu; cố gắng là người có chí.

2. Không đánh mất điểm tựa sẽ vững bền. Chết mà không hết, thế là thọ.

 

( Một trong những đặc điểm của Đạo Lão: nhắc nhở tính chất vô tận của con người vũ trụ, đấy là Sự sống theo quan niệm của Hamvas-cũng là quan niệm của nhiều nhà huyền học- là hậu trường Siêu hình của tồn tại. Hãy lưu ý thật kỹ đến điểm thứ 2 trong chương này. Nhận xét của NHN)

 

34/ Chương 34: NHIỆM THÀNH

1. Đại Đạo tràn lan bên phải, bên trái. Vạn vật nhờ Nó mà sinh, mà nó không nói gì. Nên việc rồi, không xưng là có. Thương yêu nuôi dưỡng muôn loài mà không làm chủ. Thường không ham muốn. Có thể gọi tên là nhỏ; Muôn vật theo về mà không làm chủ, nên có thể gọi tên là lớn.

2. Thánh nhân suốt đời không cho mình là lớn, cho nên thành được việc lớn của mình.

 

( Điểm tựa duy nhất hợp lý của đời người chính là Đạo, là Siêu hình, là Sự sống vĩnh cửu. Nếu hiểu ra điều này, con người sẽ tìm được bình an trong một kiếp hữu hạn. Nhận xét của NHN)

 

35/ Chương 35: NHÂN ĐỨC

1. Thánh nhân cầm gương lớn, cho thiên hạ theo. Theo mà chẳng hại, lại an ổn, thanh bình.

2. Nhã nhạc, cỗ bàn khi khách về rồi thời hết.[3] Đạo ra khỏi miệng thời nhạt nhẽo như thể là vô vi, không đáng xem, không đáng nghe, nhưng đem dùng thì vô tận.

 

36/ Chương 36: VI MINH

1. Trước khi làm cho chùng, thời giương ra cho thẳng. Trước khi làm cho suy yếu, thời giúp cho mạnh thêm. Trước khi vứt bỏ đi, thời làm cho hưng vượng. Trước khi muốn cướp lấy, thời hãy cho trước. Thế gọi là hiểu lẽ vi diệu (của Trời). Mềm yếu được cứng mạnh.

2. Cá chẳng khá rời vực, đồ quốc bảo chẳng nên phô trương.

 

( Lão tử bàn về cung cách sống ở đời thật kỳ lạ: sử dụng mặt đối ngược của sự vật. Ý của chương này giống như chương 28( Phản phác) hãy nhìn sự vật trong sự vẹn toàn đối lập của chúng, như vậy không bị khuyết và được việc. Bản thân cách nhìn này mang lại sự yên ổn, chu toàn cho con người. Nhận xét của NHN)

 

37/ Chương 37: VI CHÍNH

1. Đạo thường không làm gì; nhưng không gì không làm.

2. Nếu bậc vương hầu giữ được Đạo thì muôn loài sẽ tự chuyển hóa.

3. Chuyển hóa mà muốn vẽ vời sinh chuyện, ta sẽ chấn tĩnh lại bằng cái «Không tên mộc mạc». Vô danh mộc mạc ắt không ham muốn. Không ham muốn dễ được yên tĩnh, do đó thiên hạ sẽ định.

 

( Một lần nữa Lão tử nhấn mạnh đến tính chất siêu nhiên của đời sống con người: nằm trong tính siêu hình của trời đất, vũ trụ, nằm trong tính chất tự chuyển hóa, trong định luật phổ quát của sự sống tự nhiên. Bởi vậy con người hãy tự nhìn ra và từ bỏ những ảo ảnh che khuất chất siêu nhiên này của kiếp người. Nhận xét của NHN)

 

38/ Chương 38: ĐỨC KINH

1. Bậc đức cao coi thường tục đức, vì thế nên có đức. Người đức thấp nệ vào tục đức, vì thế nên không có đức.

2. Bậc đức cao không làm, vả cũng không hệ lụy vì công việc. Người đức thấp có làm, vả lại hệ lụy vì công việc.

3. Bậc «thượng nhân» có làm nhưng không hệ lụy vì công việc. Bậc «thượng nghĩa» có làm, nhưng hệ lụy vì công việc. Bậc «thượng lễ» có làm; nếu không được người hưởng ứng, thì sắn tay áo lôi kéo người theo. Cho nên mất Đạo thì đến Đức. Mất Đức thì đến Nhân. Mất Nhân thì đến Nghĩa. Mất Nghĩa thì đến Lễ. Mà Lễ là trung tín đã đi đến chỗ mỏng manh, và là đầu mối loạn lạc. Giỏi giang là hào nháng của Đạo và là đầu mối của sự ngu si.

4. Cho nên bậc đại trượng phu ở chỗ dày dặn mà tránh chỗ mỏng mảnh, ở chỗ thực mà tránh chỗ hào nháng. Thế tức là bỏ cái kia (hào nháng, mỏng mảnh) mà giữ cái này (dày dặn, thực chất).

 

Chương này Lão tử luận thế nào là sống một đời sống đạo đức chân thực và thế nào là sống một đời sống giả tạo.

Lão tử cũng cho rằng theo trào lưu lịch sử, nhân loại đã sa đọa dần dần, đời sống đạo đức ngày càng trở nên phù phiếm, và đã qua những giai đoạn sau đây:

1.   Đạo  (phối hợp với Trời - Mysticisme)

2.   Đức  (Đức - Sống đời sống nghệ thuật, khinh khoát - Grâce, Esthétique).

3.   Nhân  (Ascèse morale - sống theo những quy luật nhân luân).

4.   Nghĩa  (lý sự - Dogmatisme, Rationalisme).

5.   Lễ  (lễ nghi - Formalisme).

Thế là chiều hướng thoái hóa đã đi:

a)     từ trong ra ngoài

b)     từ tinh đến thô

c)      từ gốc đến ngọn

d)     từ thực chất đến hào nháng

e)     từ thuần phác đến nhiêu khê.

 

39/ Chương 39: PHÁP BẢN

1. Những vật xưa được Đạo: Trời được Đạo, nên trong. Đất được Đạo, nên yên. Thần được Đạo, nên linh. Hang được Đạo, nên đầy. Vạn vật được Đạo, nên sống. Hầu vương được Đạo, nên trị vì thiên hạ. Đều là do đạt Đạo mà nên.

2. Trời không có Đạo (để) trong, sẽ vỡ. Đất không có Đạo (để) yên sẽ lở. Hang không có Đạo (để) đầy, sẽ cạn. Thần không có Đạo (để) linh, sẽ tán. Vạn vật không có Đạo (để) sống, sẽ tuyệt. Hầu vương không có Đạo (để) được sang cả, sẽ bị diệt vong.

3. Cho nên sang lấy hèn làm gốc. Cao lấy thấp làm nền. Vì thế bậc vương hầu xưng mình là «côi cút» là ít đức, là «vô dụng», thế không phải là lấy hèn làm gốc hay sao ?

4. Phân tách cho cùng, tất cả đều là hư danh (xe không là xe) không muốn coi ai quý như ngọc, hay hèn như đá.

 

Chương này có thể chia làm hai phần:

- phần 1 nói về Đạo,

- phần 2 nói về sự khiêm cung mà người cầm quyền cần phải có.

 

40/ Chương 40: KHỬ DỤNG

1. Trở lại là cái động của Đạo. Yếu mềm là cái dụng của Đạo.

2. Thiên hạ vạn vật sinh từ có. Có sinh từ Không.

 

Chương này Lão tử khuyên ta trở về với Đạo.

Như chúng ta đã biết, sự biến hoá của trời đất có hai chiều hướng:

1- Từ Đạo ra vạn vật

2- Từ vạn vật trở về Đạo.

Từ Đạo ra vạn vật, thì Đạo, thì Thần như ẩn mình, để cho các ngoại lực hoạt động. Từ vạn vật trở về với Đạo, thì Thần mới thực sự hoạt động. Điều này, chúng ta có thể chứng nghiệm nơi bản thân. Nếu chúng ta:

- Hướng ngoại, trục vật, thì «thần ẩn, tâm hoạt»   (thần ẩn, tâm hoạt động).

- Hướng nội, tầm nguyên, thì «tâm tử, thần hoạt»   (tâm chết, thần hoạt động).

Muốn trở về với Đạo phải thuận theo các định luật tự nhiên, đừng cưỡng lại với trời đất, nhân tâm. Cũng y như khi ta có chìa khóa thì mở khóa dễ dàng bằng không có chìa, thì vật lộn cách mấy khóa cũng không chịu mở.

 

41/ Chương 41: ĐỒNG DỊ

1. Bậc học cao nghe đạo, cố gắng mà theo. Bậc học bình thường nghe Đạo như còn như mất. Bậc học thấp kém nghe Đạo, cả cười bỏ qua. Nếu không cười, không đủ gọi đó là Đạo.

2. Nên người xưa nói: Sáng về Đạo, dường tăm tối. Tiến về Đạo, nhường như thụt lùi. Ngang với Đạo, dường như cục cằn. Đức cao dường như hang suối. Thật trong trắng dường như bợn nhơ. Đức rồi rào dường như không đủ. Đức vững chắc dường như cẩu thả. Chất thực dường như biến đổi.

3. Hình vuông lớn không góc. Đồ dùng lớn lâu thành. Tiếng lớn nghe không thấy. Tượng lớn, không có hình. Đạo ẩn, không tên. Chỉ có Đạo, hay cho lại tác thành (muôn vật).

 

Đạo cả huyền vi, người có căn cơ mới thấy cái hay, cái đẹp của Đạo, nên quyết chí đem Đạo ra thi hành.

Còn những người bình thường thì học Đạo, nhưng không thấy say sưa, thích thú, nghe đấy rồi quên đấy.

Những người hạ căn khi nghe Đạo thời khi dễ, cười chê. Kẻ hạ căn có cười chê Đạo, thì mới rõ Đạo là cao siêu. Thánh kinh nói: «Bạn đừng cho chó những gì thiêng liêng; đừng ném ngọc cho lợn; chúng có thể chà đạp nát ngọc, và quay lại cắn bạn.»

Tục ngữ ta có câu: «Đàn cầm đem gảy tai trâu.» cũng ý ấy.

 

42/ Chương 42: ĐẠO HÓA

1. Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Trong vạn vật không có vật nào không cõng Âm và ôm Dương. Ở giữa là nguyên khí dung hòa.

2. Cái mà người ta ghét là: côi cút, góa bụa, bất tài, bất lực. Thế mà vua chúa lại dùng nó để tự xưng. Như vậy thì sự đời bớt là thêm, thêm là bớt.

3. Điều người xưa dạy, nay ta cũng dạy: Dùng bạo lực sẽ chết « bất đắc kỳ tử». Đó là lời của thày ta.

 

 

Chương này bàn về ba đề mục khá khác nhau:

1. Bàn về cung cách Đạo hóa thành vạn hữu.

2. Bàn về sự khiêm cung của vương hầu.

3. Dạy đừng nên dùng bạo lực.

 

điều chính yếu mà chúng ta nên ghi nhận ở đây là: Đạo không dựng nên vạn hữu, mà Đạo đã tự phân hoá mình thành vạn hữu.

Lão tử luôn khuyên người trên phải khiêm cung. Tự giảm giá trị mình, sẽ được người tăng giá trị. Nhược bằng cao ngạo, luôn muốn đề cao giá trị mình, thì sẽ bị người làm cho hạ giá trị.

 

43/Chương 43: BIẾN DỤNG

1. Cái mềm nhất trong trời đất chi phối được cái cứng nhất trong trời đất. Cái «không có» lọt được vào chỗ «không có kẽ hở». Vì thế nên ta biết lợi ích của vạn vật

2. Cách Dạy mà không dùng đến lời, cũng như ích lợi của «Vô vi», ít người có thể hiểu thấu.

 

Chương này Lão tử lại nói đến ích lợi của vạn vật.

 

44/ Chương 44: TRI CHỈ

1. Danh với thân cái nào quý hơn? Thân với của,cái nào trọng hơn? Được với mất, cái nào khổ hơn?

2. Cho nên, yêu nhiều ắt tổn nhiều. Chứa nhiều ắt mất nhiều. Biết đủ (an phận thủ thường), không nhục. Biết dừng không nguy. Có thể trường cửu.

 

45/ Chương 45: HỒNG ĐỨC

1. Hoàn toàn mà ngỡ là khiếm khuyết, nhưng dùng không bao giờ hỏng. Thực đầy mà ngỡ như vơi, nhưng dùng không bao giờ hết. Thẳng băng mà ngỡ như cong; tuyệt khéo mà như vụng về; rất hùng biện, mà như là ấp úng.

2. Nóng thắng lạnh, yên thắng nóng, thanh tĩnh mà chính được thiên hạ.

 

( Một lần nữa Lão tử chỉ ra sự thống nhất của các mặt đối lập trong bản chất sự vật, nếu con người hiểu về Đạo sẽ biết sống  vẹn tròn hợp nhất như bản chất của Đạo. Nhận xét của NHN)

 

46/ Chương 46: KIỆM DỤC

1. Thiên hạ có Đạo, thì ngựa dùng vào việc vun phân ruộng. Thiên hạ không Đạo, ngựa chiến sinh ngoài thành.

2. Không họa nào lớn bằng không biết đủ. Không hại nào lớn bằng muốn được của. Cho nên biết cho mình là có đủ, thời luôn luôn đủ.

 

( Một lần nữa Lão tử nhấn mạnh đến lợi ích của kẻ hiểu Đạo và sống trong sự an bình của Đạo. Nhận xét của NHN)

 

47/ Chương 47: GIÁM VIỄN

 

1. Chẳng ra khỏi cửa mà biết thiên hạ. Chẳng dòm qua cửa sổ, mà biết đạo Trời. Đi càng xa, biết càng ít.

2. Cho nên thánh nhân chẳng đi mà biết, chẳng thấy mà hay, chẳng làm mà nên.

 

Chương này ý nghĩa rất rõ ràng. Đại ý rằng: Nếu chúng ta biết thu thần, định trí thì trí huệ sẽ phát sinh,và sẽ biết được nhiều điều vi diệu của tạo hóa. Người xưa cho rằng: Ta và vạn vật đều cùng một gốc, nên nếu hiểu biết rõ lý lẽ ở nơi một người, sẽ hiểu biết lý lẽ của thiên hạ.  Thế là:

- dĩ nhất sự suy vạn sự

- dĩ nhất tâm suy vạn tâm

- dĩ nhất nhật suy vạn đại

Cho nên không ra khỏi nhà đã biết chuyện thiên hạ.

Người xưa lại quan niệm thêm rằng luật trời, đạo trời ghi tạc ngay trong lòng con người; nên không cần bon chen vất vả, chỉ cần biết định tĩnh, biết tiềm tâm suy cứu, là tìm thấy luật Trời.

Còn như bon chen vất vả, luân lạc trong chốn hồng trần, thì bất quá chỉ có được những kiến thức vụn vặt, những lối nhìn chật hẹp mà thôi.

Tóm lại:

Thấy bằng mắt không bằng thấy bằng trí; mà thấy bằng trí không bằng thấy bằng thần. Chỉ có thần mới không vội mà nhanh, không đi mà đến

 

48/ Chương 48: VONG TRI

 

1. Theo học ngày một thêm, theo Đạo ngày một bớt. Bớt rồi lại bớt, đến mức Vô vi.

2. Không làm mà không gì không làm; muốn được thiên hạ phải dùng vô vi; dùng hữu vi không đủ để được thiên hạ.

 

( Điều này trong kinh Veda cũng nói đến rất rõ: cả tri thức lẫn phi tri thức đều không đủ. Hiểu Đạo là nhận rõ chân những ảo ảnh phù phiếm gây gánh nặng cho một kiếp sống Người. Nhận xét của NHN)

 

49/ Chương 49: NHIỆM ĐỨC

1. Thánh nhân không có lòng, thường lấy lòng thiên hạ làm lòng mình. Với kẻ lành dữ đều tốt. Thế là tốt rất mực. Với người thành tín hay gian ngoan, cũng đều tin cậy ngang nhau, đó là lòng tin rất mực.

2. Thánh nhân ở trong thiên hạ mà lòng luôn hồn nhiên, không có thiên tư, thiên kiến. Mọi người đều để tai mắt vào người mà người coi mọi người như những đứa trẻ thơ.

 

50/ Chương 50: QUÍ SINH

 

1. Bước vào cõi sinh, tức là đã vào cõi tử.

2. Có 13 duyên cớ sống, chết. Con người sinh ra đời liền bị 13 duyên do đưa vào cõi chết. Tại sao? Vì con người muốn sống cho hết mức.

3. Nhưng ta nghe rằng người khéo giữ gìn sự sống đi trên đường không gặp tê, gặp hổ; vào trong quân lữ không cần mang giáp, mang gươm. Vì không có chỗ nào để húc; hổ không có chỗ nào để vấu; binh không có chỗ nào để chém. Tại sao ? Vì họ không có chỗ chết.

Tấm thân ta tuy là căn do sinh ra sự chết chóc, nhưng nó cũng chính là công cụ giúp ta giải thoát.

Tống Long Uyên viết: «Căn do chết chóc có 13: đó cũng chính là thất tình lục dục. Đối với người tu, thì đó là cửa đưa vào cõi sống; đối với kẻ phóng túng, thì đó là cửa đưa vào cõi chết. Muốn hiểu được guồng máy sống chết vào ra sao, chỉ cần xem con người đã xử dụng tâm thân ra sao mà thôi.»

Sách Ngộ đạo lục cũng viết: «Con người sở dĩ làm con người được chính là do Thần vậy. Thần còn thời sống, Thần đi thời chết. Thần là một vật thông thiên, triệt địa, quán cổ, quán kim, không gì nhỏ mà không vào, không đâu mà không có; vào nước không ngột, vào lửa không cháy, xuyên qua kim, thạch, lớn thì trùm trời đất, nhỏ ta thời xuyên qua ngọn lông...»

 

51/ Chương 51: DƯỠNG ĐỨC

 

1. Đạo sinh, Đức dưỡng, vật chất cho hình, hoàn cảnh tác thành (muôn vật). Cho nên muôn vật đều tôn Đạo, quí Đức.

2. Sự cao trọng của Đạo Đức chẳng nhờ ai ban, mà Đạo Đức tự nhiên vốn đã cao trọng.

3. Cho nên Đạo sinh, Đức dưỡng, làm cho vạn vật lớn lên; dưỡng nuôi vạn vật, tác thành che chở vạn vật. Sinh vạn vật mà không nhận là của mình; làm mà không cậy công; làm cho lớn lên mà không đòi làm chủ, thế gọi là Đức nhiệm mầu.

 

52/ Chương 52: QUY NGUYÊN

 

1. Thiên hạ có khởi điểm. Khởi điểm ấy là mẹ thiên hạ. Đã được mẹ, thời biết con, trở về giữ mẹ, thân đến chết vẫn không nguy.

2. Ngậm miệng, đóng tai, suốt đời không lận đận. Mở miệng lo công việc, suốt đời không cứu được.

3. Thấy được tế vi mới là Minh, giữ được mềm yếu mới là Cường. Dùng ánh sáng của Đạo, để quay về sự quang minh của Đạo, thân không sợ tai ương, đó là tìm về vĩnh cửu.

 

Bài này rất dễ bình giảng, nếu chúng ta áp dụng quan niệm của Dịch Kinh.

Trong vũ trụ cái gì là Mẹ, cái gì là con ?

Trong vũ trụ, Thái cực, Đạo hay Bản thể là Mẹ; vạn hữu hay hình tướng là con.

Như vậy Bản thể là cội rễ, là khởi điểm mà vạn hữu, quần sinh hình tướng là chi diệp, là hậu duệ. Bản thể và hình tướng không bao giờ tách rời nhau.

Lẽ Tử mẫu đồng cư   nói trên cũng đã được thấy đề cập trong đạo Bà La Môn, và Phật Giáo. Quan niệm then chốt của Áo Nghĩa thư (Bà La Môn) là trong con người có đấng vô cùng.

Con người không phải cô đơn, khổ ải lao lung cùng khốn một mình trên bước đường đời, mà trái lại lúc nào cũng có người bạn muôn trùng sang cả ám trợ bên trong. Cho nên nếu con người giác ngộ nhận ra được đấng muôn trùng trong tâm mình, rồi cố gắng tu luyện để đi đến chỗ huyền đồng hợp nhất sẽ trở thành Atman.

nếu chúng ta trông thấy được bản thể vi diệu nơi ta, chúng ta mới có thể gọi được là thông sáng. Giữ được đạo thể tinh thuần, nguồn mạch sinh ra vạn sự, mới thực là con người hùng mạnh.

Ánh sáng thiên chân dọi vào nơi tâm ta, sẽ phản quang. Ta phải biết nương theo làn ánh sáng phản quang ấy mà trở về cùng Nguồn Sáng. Như vậy chính là phương pháp trừ bỏ phù sinh mà trở về cùng Vĩnh cửu vậy.

 

53/ Chương 53: ÍCH CHỨNG

 

1. Nếu ta có chút hiểu biết, ta sẽ đi theo Đại Đạo, và sợ hãi sự phô trương. Đại Đạo thì rộng rãi thanh thản mà con người lại thích đi những con đường nhỏ hẹp.

2. Triều đình lộng lẫy, nhưng ruộng nương hoang phí, kho lẫm trống trơn.

3. Ăn mặc sang trọng, đeo kiếm sắc, ăn uống chán chê, đó là đường lối của phường đạo tặc, chứ đâu phải đường lối của Đại Đạo.

 

54/ Chương 54: TU QUAN

 

1. Người khéo trồng (xây dựng) thì không nhổ, nậy lên được. Người khéo ôm, thì không rút ra được. Con cháu tế tự không dứt.

2. Nếu lấy Đạo tu thân, thì đức sẽ thực. Nếu lấy Đạo mà tu sửa gia đình, thì đức sẽ thừa. Nếu lấy Đạo mà tu sửa làng, đức sẽ phong thịnh. Nếu lấy Đạo tu sửa thiên hạ, đức sẽ phổ quát.

3. Cho nên, lấy thân mà xét thân, lấy nhà mà xét nhà, lấy làng mà xét làng, lấy nước mà xét nước, lấy thiên hạ mà xét thiên hạ. Ta làm thế nào mà biết thiên hạ ? Bằng cách trên.

 

Chương này Lão tử dạy chúng ta:

1. Phải xây dựng, giữ gìn, chắt chiu những gì vĩnh cửu.

2. Cố gắng thực thi Đạo Trời nơi gian trần này.

3. Làm sao biết Đạo Trời đã được thực thi hay chưa.

Nơi con người thì tâm tư, ý thức, hành động, khởi cư cử chỉ tất cả đều biến. Duy chỉ có thần con người là bất biến. Cho nên công trình cao siêu vĩ đại nhất mà con người có thể làm được ở gian trần này là:

- Kiến Đạo   (Xây dựng trên nền Đạo)

- Bão Đức   (Ôm ấp Đức, ôm ấp, tuân theo định luật thiên nhiên).

Đạo, vì là Thần, nên tiềm ẩn trong lòng sâu tâm hồn con người; cho nên, hồi quang quán chiếu, quay về lòng mình để «Dữ Đạo hợp chân», là điều trọng đại nhất.

Trang tử nói: «Người xưa có lưỡi kiếm Can Việt, cất nó kỹ lưỡng trong vỏ, không dám dùng, vì nó rất quí báu. Thế mà lạ thay con người không chịu giữ gìn thần mình, một cái gì đó còn quí giá hơn lưỡi kiếm Can Việt rất nhiều. Cho nên cái Đạo cao siêu nhất (Thuần tế chi Đạo) là giữ vẹn lấy Thần, giữ Thần không để mất. Hợp với Thần làm một. Hợp với Thần rồi lại thông hiểu thiên luân. Cho nên tục ngữ rằng: ‘Chúng nhân trọng lợi, liêm sĩ trọng danh, hiền sĩ trọng chí, thánh nhân quí tinh hoa. ’ Cho nên «tố» là cái gì tinh toàn, không pha trộn bác tạp, «thuần» là giữ cho thần nguyên vẹn. Giữ được thuần tố, đó là Chân nhân.»

Trang tử cũng còn nói: «Con người đạo cao đức cả ở nơi bản nguyên, mà trí như thần. Thực hiện đức, thông hiểu Đạo, chẳng phải là người đạo cao đức cả hay sao. Cho nên những người đạo cao đức cả thấy nơi mờ tối, nghe thấy thầm lặng. Mờ tối mà một mình mình thấy sáng láng, thầm lặng mà một mình mình nghe thấy hòa âm, cho nên hết sức là sâu sắc, thấu hiểu vạn vật, hết sức là thần diệu, liễu đạt được tinh hoa. Đối với vạn vật, không làm gì mà vẫn thỏa mãn được ước muốn của chúng. Ảnh hưởng của người bao quát không gian thời gian.»

Chúa Jésus cũng dạy: «Phải tìm cho ra thiên ý, thiên mệnh mà theo. Như vậy mới là xây nhà trên đá.»

Ngài dạy: «Không phải nói với ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào nước Trời, nhưng mà phải thực thi thánh ý cha ta, đấng ở trên Trời... Cho nên kẻ nào nghe và thực thi những lời ta vừa nói, thì có thể ví như một người khôn ngoan xây nhà trên đá. Dẫu mưa tuôn, thác đổ, gió gào, nhà đó vẫn nguyên, chẳng đổ vì đã được xây trên đá...» (Mat. 7, 21-27)

Đọc câu thánh kinh này, tôi vẫn tâm niệm rằng thiên ý ấy chính là định luật tự nhiên.

Rồi ngài lại dạy: «Anh em đừng súc tích của cải ở trên đất, nơi đó mối mọt, sâu bọ, có thể ăn, trộm đạo có thể đào khoét và lấy mất. Nhưng hãy súc tích của cải ở trên Trời, nơi đó mối mọt sâu bọ không thể ăn, trộm đạo không thể đào khoét và lấy mất. Vì kho tàng người ở đâu, thì tâm tư người ở đấy.» (Mat. 6, 19-21)

Theo tôi, câu này nên hiểu là: Ngoại cảnh là khinh, tâm linh mới trọng. Súc tích tiền tài danh vọng có hình tướng, tức là súc tích những thứ dễ hủy hoại. Súc tích đạo đức, tâm thần mới là súc tích những thứ bất hủ.

Khi ta chú ý về tâm linh, thì lòng ta trú nơi tâm linh, khi ta lo về ngoại cảnh, thì lòng ta trú nơi ngoại cảnh.

Phật cũng dạy phải tìm cái bất sinh bất tử, bất hủy bất hoại, thay vì chạy theo những cái vô định, vô thường. Phật phân biệt trong con người hai thứ căn bản:

(a) Căn bản tử sinh từ muôn kiếp tức là tâm vọng tưởng.

(b) Căn bản vô thủy, bồ đề Niết Bàn, tức là Chân tâm, là Nguyên thường trường cửu.

Dịch kinh cũng dạy:

«Hiền nhân thông lý Trung Hoàng,

Tìm nơi chính vị mà an thân mình.»

Phải tìm cho ra những định luật vĩnh cửu của trời đất mà theo; định luật của trời đất không chép riêng trong thánh kinh của một đạo giáo nào, mà đã viết ngay trong lòng mọi người, trong lòng vũ trụ vạn vật.

Con người mò mẫm dần dà mãi mới đọc ra được, vì đó là một «quyển thiên thư không chữ, không lời»,chỉ có toàn ký hiệu, toàn hình ảnh.

Nhân loại dần dà sẽ rũ bỏ những «lề luật nhân tạo, chân lý nhân tạo» mà tìm ra những lề luật thiên nhiên, những chân lý thiên nhiên.

Trang tử cho rằng: «Con người giác ngộ sẽ phát huệ, sẽ rũ bỏ hết những gì nhân tạo, chỉ còn thuần những gì thiên tạo. Ai mà đạt tới mức độ đó mới được gọi là dân Trời (Thiên dân), con Trời (Thiên tử).»

Thân thoại Ấn Độ về thần Vishnu viết: «Ta là Chân Nhất và là chốn dựa nương siêu việt. Từ ta đã xuất sinh mọi sự từ trước tới nay và từ nay về sau. Tất cả những gì người thấy được, nghe được, biết được trong hoàn võ, đều có ta ngự bên trong. Hết chu kỳ này sang chu kỳ khác, ta dùng bản thể ta mà sinh ra vũ trụ tinh cầu quần sinh quần vật. Hãy suy ngẫm điều ấy trong tâm tư ngươi, hãy tuân phục định luật của trật tự vĩnh cửu ta, và hãy bước trong thân xác ta mà đi cùng vũ trụ.»

 

55/ Chương 55: HUYỀN PHÙ

 

1. Kẻ nào đức dày, giống như con đỏ. Độc trùng không cắn, thú dữ không ăn, chim ưng chẳng bắt.

2. Xương yếu gân mềm mà tay nắm chặt. Chưa biết giao hoan, tinh khí vẹn tuyền. Suốt ngày la khóc, mà chẳng khản tiếng. Hòa hợp hoàn toàn. Biết hòa hợp mới trường cửu, biết trường cửu mới sáng suốt. Quá ham sống thì hại, tâm sai khiến khí, thì mạnh.

3. Vật lớn thời già, thế là trái Đạo, trái Đạo chết sống.

 

Đạo linh phù giúp cho chúng ta tránh được mọi họa hại chính là:

1. Trong thì giữ vẹn được Thần khí (Tinh chi khí dã)

2. Ngoài thì hòa hợp được với tha nhân, quần sinh, vũ trụ (Hòa chi khí dã)

Đạt được thần, đắc Trung, đắc Đạo, thế là vẹn được gốc. Hòa hợp với vạn hữu, thế là vẹn được ngọn.

Con đường trường sinh, thủ thân, bảo mệnh, không ngoài hai chữ Tinh Thần, ngoài hai chữ Trung Hòa.

Nhược bằng sống lao đao, lận đận dồn hết cả tâm thần, khí lực ra các tầng lớp phù phiếm bên ngoài như vậy là đi ngược đường lối của trời đất, sẽ bị tổn sinh, đoản mệnh, và sẽ thấy cái già, cái chết xồng xộc kéo đến hết sức là mau lẹ!

 

56/ Chương 56: HUYỀN ĐỨC

1. Người biết thì không nói, người nói không biết.

2. Ngậm miệng, bít tai, làm nhụt sự bén nhọn, tháo gỡ sự tần phiền, giảm ánh sáng, hòa mình cùng bụi bặm, thế gọi là huyền đồng.

3. Cho nên thân cũng không được, sơ cũng không được, lợi cũng không được, hại cũng không được, quí cũng không được, tiện cũng không được. Vì thế nên quí nhất thiên hạ.

 

Nội kinh chủ trương: «Sống điềm đạm, thanh tĩnh, chân khí sẽ vẹn toàn. (Tinh thần mà giữ cho được nguyên vẹn, thì làm sao mà có bệnh tật được.) Cho nên tâm chí thảnh thơi, ít dục vọng, ít lo âu, xác thân vận động nhưng không mệt mỏi. Vì ít tham cầu nên ước gì được nấy, muốn gì được nấy. Ăn uống thế nào cũng ngon, phục sức thế nào cũng được, sống sao cũng vui. Sống vô tư vô cầu cho nên gọi là thuần phác. Cho nên thị dục không làm cho mỏi mắt, dâm tà không huyễn hoặc được tâm tư.»

 

57/ Chương 57: THUẦN PHONG

1. Lấy ngay thẳng trị nước; lấy mưu mô dùng binh; lấy vô sự được thiên hạ.

2. Ta làm sao biết được như vậy? Nhờ thế này: Thiên hạ càng nhiều kỵ húy, thì dân càng nghèo. Dân càng lắm lợi khí, thì quốc gia càng tối tăm. Dân càng tài khéo, vật lạ càng nẩy sinh, pháp lệnh càng rõ rệt, trộm cướp càng sinh ra nhiều.

3. Vì thế nên thánh nhân mới dạy: Ta vô vi mà dân tự hóa. Ta ưa tĩnh mà dân tự chính. Ta không dở dói mà dân giàu. Ta không có dục vọng mà dân tự động trở nên chất phác.

 

58/ Chương 58: THUẬN HÓA

1. Chính lệnh mơ hồ, dân con thư thái, chính lệnh soi mói, dân con lo âu.

2. Họa là nơi phúc tựa, phúc là nơi họa nấp. Trên mà không ngay thẳng thì người ngay sẽ thành nguy, người thiện trở thành tà. Con người u mê đã từ lâu.

3. Cho nên thánh nhân ngay chính nhưng không làm cho người tổn thương; liêm minh nhưng không làm mất lòng người, ngay thẳng nhưng không nghiệt ngã với người, sáng láng nhưng không làm cho ai chói lòa.

 

59/ Chương 59: THỦ ĐẠO

 

1. Trị người thờ trời, không gì bằng tiết độ.

2. Tiết độ là việc phải lo trước tiên; lo việc ấy trước tiên sẽ tích đức, tích đức cao dày sẽ lướt thắng được mọi sự, sẽ siêu việt. Siêu việt sẽ được nước (Trời).

3. Được căn cơ trời đất, nên có thể trường cửu. Thế cho nên gọi là ăn rễ sâu, mọc rễ chắc, đó là đạo trường sinh cửu thị.

 

Chương này dạy ta phương pháp thực hiện trường sinh. Muốn trường sinh, không được phí phao tâm thần, không được trục vật, mà phải giữ cho vẹn toàn thiên lý, giữ cho tâm đức được thuần túy.

Khử hết nhân dục, giữ vẹn thiên lý, thực hiện tinh hoa, thực hiện bản thể, con người dần dần sẽ có đạo cao đức trọng, sẽ đạt Đạo, đạt Thiên. Đạt Đạo, đạt Thiên sẽ được trường sinh, cửu thị.

Tống Long Uyên bình: «Nếu con người biết tiết độ, để lập căn bản; cố gắng tích đức; cố gắng tiêu trừ những gì tư tà, dục vọng nơi thân; cố gắng phục hồi thiên đức nơi thân; giữ vẹn được Huyền Tẫn, tức là căn cơ trời đất nơi thân; giữ vẹn được Cốc thần, tức là nguồn mạch trường sinh nơi thân thì sẽ làm cho tà ma lục tặc không thể phát sinh, làm cho vạn duyên không còn thao túng được; như vậy nước trời trong con người sẽ được thanh tĩnh, vững vàng và như vậy con người sẽ thực hiện được đạo trường sinh cửu thị.»

 

60/ Chương 60: CƯ VỊ

1. Trị nước như câu cá nhỏ.

2. Lấy Đạo trị thiên hạ, quỉ thần hết linh. Không phải quỉ thần không linh, nhưng quỉ thần không làm hại người. Không phải quỉ thần không làm hại người, mà thánh nhân không làm hại người. Cả hai đều không hại người, nên Đức của họ qui về một chỗ.

 

61/ Chương 61: KHIÊM ĐỨC

 

1. Nước lớn mà làm chỗ thấp, sẽ là nơi thiên hạ giao hội, sẽ là giống cái của thiên hạ.

2. Giống cái thường lấy sự tĩnh mà thắng giống đực, lấy tĩnh làm chỗ thấp. Cho nên nếu nước lớn mà hạ mình trước nước nhỏ, thì sẽ thu phục được nước nhỏ; nếu nước nhỏ mà hạ mình trước nước nhớn thời sẽ được lòng nước nhớn. Cho nên hoặc hạ mình để mà chinh phục, hoặc hạ mình để được lòng. Nước lớn chẳng qua là để dưỡng nuôi người, nước nhỏ chẳng qua là để phục vụ người, cả hai đều được như ý thích. Kẻ lớn nên hạ mình.

 

Nơi chương này Lão tử cho chúng ta một nguyên tắc hướng dẫn cuộc bang giao quốc tế.

Trong thiên hạ có nước lớn, nước nhỏ. Nhưng nước lớn không phải là để thôn tính nước nhỏ mà là để giúp đỡ nước nhỏ. Nước nhỏ không phải là để, kèn cựa, ganh tị với nước nhớn, mà là để thuận phục nước nhớn.

Các nước đối xử với nhau nên lấy sự khiêm cung, chứ đừng dùng võ lực. Nước nhớn biết tỏ ra khiêm tốn không khinh khi nước nhỏ, thì các nước nhỏ sẽ vui lòng hướng chiều về.

Nếu nước nhỏ tỏ ra khiêm tốn không đả kích các nước lớn thì các nước nhớn sẽ vui lòng bảo trợ. Như vậy cả hai bên đều lợi và như vậy thế giới mới mong an bình.

Và đây là thái độ khiêm cung của Hán Văn Đế và Triệu Đà trong công cuộc bang giao Hoa Việt. Hán Văn Đế sau khi lên ngôi, sai Lục Giảo đưa thư sang khuyên Vũ Đế (Triệu Đà) về thần phục nhà Hán. Hán Văn Đế dùng những lời lẽ hết sức nhún nhường để khuyên Triệu Đà bỏ đế hiệu mà chịu thần phục nhà Hán. Quả nhiên Triệu Đà cảm kích, phúc thư một cách hết sức khiêm cung kính cẩn, và xin chịu bỏ đế hiệu để thần phục Hán Vũ Đế.

 

62/ Chương 62: VI ĐẠO( QUÍ ĐẠO)

1. Đạo là bí quyết muôn loài, là châu báu của người lành, là chỗ dựa nương của người bất lương. (Nhờ Đạo) mà có những lời hay việc đẹp (Nhờ Đạo mà những lời hay được tăng giá trị, được trọng vọng; mà những việc đẹp tăng phẩm cách con người). (Nhờ Đạo) mà những kẻ bất lương không bị ruồng rẫy.

2. Cho nên lập thiên tử, lập tam công tuy tay cầm ngọc bích, tuy thân ngồi xe tứ mã, nhưng vẫn không bằng ngồi mà đem Đạo (ấy vào thân mình, và vào người khác).

3. Người xưa quí Đạo là vì sao? Há chẳng có lời rằng: Cầu Đạo thời được, có tội thời được khỏi sao? Cho nên Đạo quí nhất thiên hạ.

 

Chương này Lão tử bàn về Đạo. Lão tử cho rằng:

1. Đạo tiềm ẩn trong lòng người lành, kẻ dữ.

2. Đạo là nguồn mạch sinh ra mọi lời hay ý đẹp.

3. Làm chính trị cốt là cố gắng làm cho mình và cho mọi người đắc Đạo.

4. Đạo là cái quí nhất trần gian, là nguồn mạch hạnh phúc con người.

 

63/ Chương 63: TƯ THỦY

 

1. Thánh nhân hoạt động lao tác trên bình diện siêu việt. Coi mọi sự đời lớn nhỏ, nhiều ít như nhau, lấy ân báo oán.

2. Làm việc khó từ việc dễ, làm việc lớn từ việc nhỏ. Các việc khó khăn trong thiên hạ, đều do từ việc dễ mà thành. Các việc lớn trong thiên hạ, đều từ việc nhỏ mà nên. Cho nên thánh nhân suốt đời không làm chuyện lớn, mà vẫn nên được chuyện lớn.

3. Những kẻ hứa bừa bãi, sẽ khó giữ được lời. Coi cái gì cũng dễ, sẽ gặp nhiều cái khó. Cho nên thánh nhân xem việc gì cũng là khó, nên cuối cùng không gặp khó.

 

Chương này làm hiện rõ mấy ý tưởng chính yếu:

1. Hãy sống một cuộc đời siêu việt

2. Hãy sống một cuộc đời giản dị

3. Hãy thực hiện đại công đại nghiệp bằng những phương cách giản dị.

 

64/ Chương 64: THỦ VI

 

1. Vật yên dễ cầm, vật chưa phát lộ, dễ lo. Vật mềm mỏng dễ phá; vật nhỏ dễ làm tan. Làm khi chưa hình hiện, trị khi chưa loạn.

2. Cây to một ôm sinh tự gốc nhỏ xíu; đài cao chín tầng khởi từ mô đất; cuộc viễn hành nghìn dặm khởi từ dưới chân.

3. Làm thì hỏng, giữ thì mất. Cho nên thánh nhân không làm nên không hỏng, không giữ nên không mất.

4. Người dân làm việc thường thất bại lúc sắp thành công. Cẩn thận lúc cuối như lúc đầu, nên không hỏng việc.

5. Cho nên thánh nhân muốn cái [mà người ta] không muốn; không chuộng những của cải khó tìm; học cái [mà người ta] không học; cải thiện lỗi lầm của chúng dân để giúp vạn vật sống tự nhiên mà không dám lao tác.

Chương này Lão tử bàn về những vấn đề sau:

1. Phải biết lo toan ngăn chận những công chuyện từ khi chúng chưa hình hiện mới hay.

2. Phải tuần tự nhi tiến.

3. Phải sống vô tư vô cầu.

4. Phải luôn luôn cẩn trọng đề phòng mới nên công.

5. Phải biết vươn lên tới bình diện siêu thức. Hãy giúp vạn vật sống tự nhiên.

 

65/ Chương 65: THUẦN ĐỨC

 

1. Xưa, kẻ khéo thi hành đạo thì không dạy cho dân trở nên xảo trá, mà giữ cho dân sống thuần phác.

2. Dân mà khó trị chính là vì nhiều trí mưu. Cho nên dùng trí trị nước chính là phá nước; không dùng trí trị nước tức là phúc cho nước.

3. Biết hai đường lối đó, có thể lấy đó làm mẫu mực. Luôn biết mẫu mực, thế là huyền đức. Huyền đức thâm viễn, tưởng là ngược với vật nhưng cuối cùng thật là xuôi.

 

66/ Chương 66: HẬU KỶ

 

1. Sông biển sở dĩ làm vua trăm hang suối chính vì khéo ở chỗ thấp, vì thế nên làm vua trăm hang suối.

2. Bởi vậy, muốn ngồi trên dân, ắt phải lấy lời mà hạ mình muốn đứng trước dân, ắt phải để thân mình ra sau. Vậy nên, thánh nhân ở trên dân mà dân không thấy nặng, ở trước dân mà dân không thấy hại. Cho nên thiên hạ thích thôi thúc (cổ võ) mà không chán. Vì không tranh, nên thiên hạ không tranh với mình.

 

67/ Chương 67: TAM BẢO

1. Thiên hạ cho ta là trọng đại, mặc dầu ta phong thái tầm thường. Cao đại chính là ỏ chỗ vẻ ngoài tầm thường. Còn nhiều kẻ làm ra vẻ quan trọng nhưng chính lại hết sức tầm thường, nhỏ mọn.

2. Ta có ba báu vật, ta hết sức nắm giữ chắt chiu. Một là khoan từ. Hai là tiết kiệm. Ba là không dám đứng trước thiên hạ (coi mình hơn người). Khoan từ nên mới hùng dũng. Tiết kiệm nên mới rộng rãi. Không dám đứng trước người, nên mới được hiển dương.

3. Nay người ta bỏ khoan từ, chạy theo dũng lực; bỏ tiết kiệm chạy theo phung phí; bỏ chỗ sau mà tranh chỗ trước; thế là chết vậy.

4. Lấy khoan từ mà tranh đấu sẽ thắng, mà cố thủ sẽ vững. Trời muốn cứu ai, lấy khoan từ mà bảo vệ cho.

 

Chương này Lão tử đề cao sự dung dị và ba nhân đức: Từ ái, tiết kiệm, khiêm cung.

 

68/ Chương 68: PHỐI THIÊN

 

1. Tướng giỏi không dùng vũ lực. Người chiến đấu giỏi không giận dữ. Người khéo thắng không giao tranh với địch.

2. Khéo dùng người là hạ mình ở dưới người. Thế gọi là cái đức của không tranh. Thế là dùng sức người. Thế là kết hợp với Trời, cực điểm của người xưa.

 

Chỗ cao siêu nhất mà con người có thể đạt được về phương diện đạo giáo, chính là: Sống phối kết với Trời (Phối Thiên  ). Phật giáo, Ấn giáo gọi thế là Nirvana (Niết Bàn) mà Nirvana theo từ nguyên chính là: «Diệt hết mọi hình tướng; Phối kết với Thượng đế.»

Trung dung gọi thế là Phối Thiên  . Công giáo gọi thế là Sống Hợp Nhất với Thượng đế.  Bất kỳ theo tôn giáo nào, mà thực hiện được hai chữ Phối Thiên tức là đạt Đạo vậy.

 

69/ Chương 69: HUYỀN DỤNG

 

1.    Dụng binh có câu: Thà làm khách hơn làm chủ. Chẳng dám tiến một tấc, mà lui một thước.

2. Cho nên thánh nhân chẳng đi mà vẫn đi, đuổi mà không dùng tay, bắt mà không đối địch, cầm giữ mà không binh khí.

3. Không họa nào lớn bằng khinh địch, khinh địch là mất của báu, cho nên khi giao binh, người nào thận trọng từ nhân sẽ thắng.

 

70/ Chương 70: TRI NAN

 

1. Lời ta rất dễ biết, rất dễ làm. Thiên hạ chẳng biết chẳng làm.

2. Lời ta có duyên do, việc ta có mấu chốt.

3. Thiên hạ không biết thế, nên không hiểu ta. Ít người hiểu ta, nên ta mới quý. Cho nên thánh nhân mặc áo vải mà chứa ngọc.

 

71/ Chương71: TRI BỆNH

 

1. Biết điều không biết là cao. Không biết điều đáng biết là bệnh.

2. Biết sợ bệnh, thì không bệnh.

3. Thánh nhân không bệnh, vì biết sợ bệnh, thế nên không bệnh.

 

Lời giảng:

1. Người đời thường biết đủ mọi chuyện tạp nhạp mà lại không biết chuyện quan thiết nhất của đời mình; chuyện quan thiết đó là:

a. Bản thể mình đồng nhất với bản thể thần minh, với Đạo với Lý Chân thường vĩnh cửu.

b. Mình có thể trở nên cao đại vô cùng vô tận, nếu thực hiện được Đạo, nếu liễu đạt được Căn nguyên bản thể.

Điều đáng biết ấy mà không biết thời thực là tai hại hết sức.

 

72/ Chương 72: ÁI KỶ

 

1. Dân mà không sợ cái đáng sợ, tất cái sợ lớn sẽ đến.

2. Đừng khinh chỗ mình ở, đừng chán đời sống mình. Vì không chê nên không chán.

3. Cho nên thánh nhân biết mình, và không cầu người biết, yêu mình mà không cần người trọng. Cho nên bỏ cái kia giữ cái này.

 

Chương này Lão tử lại đề cập ba vấn đề:

1. Nên cẩn trọng, đề phòng hiểm họa.

2. Đừng khinh chê hoàn cảnh hiện tại của mình.

3. Hãy tự trọng nhưng không cầu danh; tự ái nhưng không cầu tha nhân tôn trọng, quí hóa mình.

 

73/ Chương 73: NHIỆM VI

1. Mạnh bạo dám làm là chết, mạnh bạo chẳng dám làm là sống. Hai cái đó, hoặc lợi hoặc hại.

2. Cái mà Trời ghét, ai mà biết được căn do, thánh nhân còn lấy làm khó nữa là.

3. Đạo Trời không tranh mà thành, không nói, mà người hưởng ứng, không mời mà người tự tới, nhẹ nhàng mà công việc vẫn xong xuôi.

4. Lưới Trời lồng lộng, thưa mà chẳng lọt.

 

Chương này Lão tử bàn:

1. Thế nào là dũng cảm chân thực

2. Thế nào là hung họa

3. Thế nào là đường lối Trời

4. Cách Trời thưởng phạt

74/ Chương74: CHẾ HOẶC

1. Khi dân không sợ chết, làm sao lấy cái chết làm cho họ sợ được.

2. Nếu khiến được dân sợ chết, mà bắt kẻ phạm pháp giết đi, thì còn ai dám phạm pháp nữa.

3. Thường có đấng Tư sát, có quyền giết người.

4. Nay ta lại thay Ngài mà giết, thì có khác nào muốn đẽo gỗ thay thợ mộc đâu? Muốn thay thợ mà đẽo gỗ, khó mà thoát bị thương tật.

 

Stanilas Julien bình giải chương này đại khái như sau:

Nếu chính quyền mà tàn bạo, những nhiễu dân, dân sẽ hết muốn sống. Lúc ấy đem cái chết dọa dân mà có ích gì.

Nhược bằng chính quyền hẳn hoi, dân chúng sẽ được nhờ cậy, được sung sướng. Lúc ấy họ sẽ sợ chết.

Trong trường hợp ấy, nếu có những kẻ bất lương phạm pháp mà ta đem giết đi, để làm gương cho kẻ khác, chắc dân sẽ sợ không dám bắt chước kẻ ác làm càn nữa.

Quyền sinh sát là quyền của Trời. Ta không nên tiếm quyền Trời, mà mặc tình sinh sát.

Vua Minh Thái Tổ   (tức Chu Nguyên Chương  , tại vị 1368 -1398) bình về chương này như sau: «Từ khi lên ngôi, trẫm cố công đi tìm cho ra đường lối cai trị của các bậc thánh vương xưa. Trẫm hỏi han nhiều người, ai cũng tự phụ biết được cách trị dân của người xưa. Trẫm đọc nhiều sách. Một hôm đọc được Đạo Đức kinh, Trẫm thấy lời văn bình dị, ý tứ thâm trầm.

«Ít lâu sau đọc đến câu: ‘Khi dân không còn sợ chết, thì dọa giết dân có ăn thua gì?’ Lúc ấy giang sơn vừa mới chinh phục xong, dân chúng còn ngang ngược, quan quyền còn tham nhũng. Tuy mỗi buổi sáng có đến mười người bị chết chém, nhưng chiều đến vẫn có hàng trăm người bị bắt, vì đại tội. Như vậy chẳng đúng như lời Lão tử sao?

«Trẫm liền thôi không cho chém người có tội nữa mà chỉ bắt họ tù đày mà thôi. Không đầy một năm, lòng Trẫm được bình an dần. Trẫm mới nhận thấy quyển Đạo Đức kinh thực là hay, là căn bản vạn sự, là thầy dạy vua chúa và là kho báu của chúng dân.»

Như vậy chương này đề cao đức hiếu sinh   mà bất kỳ nhà cầm quyền nào cũng phải có.

 

75/ Chương 75: THAM TỔN

 

1. Dân đói, là vì người trên thu thuế nhiều, nên dân mới đói.

2. Dân khó trị, là vì người trên dở dói lôi thôi, vì thế nên khó trị.

3. Dân coi thường cái chết, chính là vì muốn sống cho rồi rào hậu hĩ, nên mới khinh chết.

4. Người sống đơn sơ hay hơn người sống cầu kỳ.

 

76/ Chương 76: GIỚI CƯỜNG

 

1. Con người khi mới sinh thì mềm mại, mà khi chết thời cứng cỏi.

2. Vạn vật cỏ cây, khi mới sinh thì mềm mại, đến khi chết thì khô héo.

3. Cho nên cứng cỏi thời chết, mềm mại thời sống.

4. Cho nên binh mạnh sẽ không thắng, cây mạnh sẽ bị chặt.

5. Cho nên cứng cỏi thời kém, mềm mại thời hơn.

 

Chương này Lão tử dạy chúng ta nên có thái độ dịu dàng uyển chuyển, chứ không nên có thái độ cứng cỏi, cố chấp. Cây cối có mềm mới non, mới rồi rào sinh lực. Cây cối quắt queo, cứng rắn tức là đã cằn cỗi sắp chết.

Con người cũng vậy, trẻ thời mềm mại, già thời cứng cỏi. Áp dụng định luật này vào đời sống tâm thần, ta cũng thấy y thức như vậy. Cố chấp cứng cỏi là tiêu biểu những tâm hồn cằn cỗi thấp kém. Uyển chuyển, khéo léo, dịu dàng là tiêu biểu những tâm hồn cao thượng.

 

77/ Chương 77: THIÊN ĐẠO

 

1. Đạo Trời như dương cung. Cao thì ép xuống, thấp thì nâng lên. Thừa thì bớt đi, không đủ thì bù vào. Đạo Trời bớt dư bù thiếu.

2. Đạo người chẳng vậy, bớt thiếu bù dư. Ai đem chỗ dư bù đắp cho thiên hạ? Phải chăng chỉ có người có Đạo?

3. Cho nên thánh nhân làm mà không cậy công. Công thành không ở lại; không muốn ai thấy tài mình.

 

78/ Chương 78: NHIỆM TÍN

 

1. Trong thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước; thế mà nó lại công phá được tất cả những gì cứng rắn. Chẳng chi hơn nó, chẳng chi thay thế được nó.

2. Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng biết thế, mà chẳng ai làm được.

3. Cho nên thánh nhân nói: «Dám nhận lấy nhơ nhuốc của quốc gia, mới có thể làm chủ xã tắc, ai dám gánh chịu tai họa của quốc gia, mới có thể làm vua thiên hạ.» Lời ngay nghe trái tai.

 

Hà Thượng Công gọi chương này là Nhiệm tín. James Legge dịch là «Điều nên tin».

Điều nên tin là điều gì? Là Bạo lực không bao giờ gây ảnh hưởng lâu dài, bền bỉ, mà trái lại chỉ có sự khéo léo mềm mại mới chinh phục được lòng người.

Thiên nhiên đã chứng minh điều đó. Nước là cái gì mềm yếu nhất, uyển chuyển nhất mà thực ra đã xoi mòn được núi non, đã làm tan rã được sắt đá. Lão tử ưa thích sánh thánh nhân với làn nước (xem lại các chương 8, và 66 v. v.) và nhân đó cho rằng khiêm cung, từ tốn nhưng kiên nhẫn, bền bỉ sẽ đem tới một thành công vững vàng.

Lão tử cũng đã nhiều lần đề cao sự mềm mại, uyển chuyển và cho rằng đây mới là bí quyết để thủ thắng (xem lại các chương 36, 58, 76, v. v.)

Có lẽ các môn võ thuật của Á Đông sau này như nhu thuật   (Jujutsu), nhẫn thuật   (Ninjutsu); nhu đạo   (Judo) cũng đã chịu ảnh hưởng của Lão tử.

Khảo lịch sử ta đã thấy Tần Thủy Hoàng, Hạng Võ, Hốt Tất Liệt không phải là những người làm chủ thiên hạ muôn đời; mà những người làm chủ thiên hạ muôn đời là những Thích Ca, Jesus, Lão tử, Khổng tử. Tất cả những vị giáo chủ này đều chủ trương từ bi, hỉ xả, «thành nhân chi mỹ». Thật đúng là: Nhu thắng cương, nhược thắng cường!

Trong chương này Lão tử còn chủ trương rằng: Bậc quân vương lãnh đạo quốc gia phải có gan nhận lãnh trách nhiệm về tất cả những chuyện hay dở xảy ra trong nước.

Đó cũng chính là thái độ của các vị đế vương xưa. Luận Ngữ chép: «[Vua Thành Thang khi lên ngôi] khấn với Trời rằng: Kẻ tiểu tử này tên Lý mạo muội dùng bò đen mà tế lễ. Dám xin minh cáo với Thượng đế chí tôn rằng: Kẻ có tội, tôi chẳng dám tha; người (có tài đức) đáng làm bầy tôi Thượng đế, tôi chẳng dám che dấu (mà chẳng cữ dùng). Nếu tôi gây nên tội, (xin phạt một mình tôi), đừng phạt bá tính muôn phương. Nếu bá tính muôn phương gây nên tội, cũng xin phạt một mình tôi thôi.»

 

79: Chương 79: NHIỆM KHẾ

1. Hòa được oán lớn, vẫn còn oán thừa, như thế sao gọi là phải được.

2. Cho nên thánh nhân cầm tờ khế ước bên trái, mà không trách người.

3. Kẻ có đức thì thích cho người. Kẻ vô đức thì thích đòi người.

4. Thiên đạo không thân ai, mà thường gia ân cho người lành.

 

Chương này rất khó giải; mỗi nhà bình giải bàn một cách, giải một lối.

Những lời bình giải của tôi nơi đây theo Stanislas Julien; một là vì Stanislas Julien dựa theo các nhà bình giải danh tiếng xưa, hai là vì lời bình có vẻ hữu lý hơn.

1. Trước hết Lão tử khuyên ta đừng nên gây oán, gây thù, vì một khi đã gây oán gây thù, làm sao mà hàn gắn lại cho hẳn hoi như cũ được.

Muốn khỏi gây thù oán, phải biết rõ bản tính con người phải giữ bản tính ấy cho chu toàn, và đừng để cho hoàn cảnh (homme en situation) làm thương tổn đến con người lý tưởng (homme idéal) và như vậy hãy mở lòng mình ra cho rộng rãi, xóa bỏ hết những gì chia rẽ mình với người, cố làm sao thông cảm hoàn toàn được với người.

2. Thánh nhân ưa chiều theo ý người ví như trong một hợp đồng, tờ khế chia thành hai bản, nửa trái người đi vay giữ, nửa phải người cho vay cầm. Khi người cho vay cầm nửa tờ khế bên phải đến đòi nợ, người đi vay đem nửa tờ khế bên trái ra so, nêu hai nửa ăn khớp với nhau, thời lập tức trả nợ, không làm khó dễ điều chi.

3. Người nhân đức, vị thánh nhân bao giờ đối với người cũng sẵn sàng hi sinh, chẳng khác nào như mình mắc nợ đối với người.

Người không nhân đức y như người đi thâu thuế, lúc nào cũng ráo riết, cay nghiệt với người.

Chữ Triệt  đây tức là ám chỉ đến phép triệt điền   đời nhà Chu. Vua cấp ruộng đất cho dân, nhưng bắt dân phải nộp cho nhà vua một phần mười tổng số hoa lợi thu hoạch được, và dĩ nhiên người đi thu thuế, không có nhẹ nhàng với người nộp thuế.

Có nhà bình giải cho rằng trong câu «Hữu đức tư khế» ta phải hiểu ngầm như «Hữu đức tư tả khế».

4. Thánh nhân làm ơn cho người, sẽ được Trời cao ban cho mọi ơn lành. Đó chẳng phải là Trời tây vị thánh nhân mà chính là vì thánh nhân đã tỏ ra xứng đáng hồng ân của Trời.

 

80/ Chương 80: ĐỘC LẬP

 

1. Nước nhỏ, dân ít, dù có ít nhiều tôi giỏi, nhưng chưa cần dùng đến.

2. Dạy dân sợ chết, đừng đi xa. Tuy có xe thuyền, mà chẳng khi dùng.

3. Tuy có giáp binh, mà chẳng phô trương.

4. Khiến dân trở lại thắt nút mà dùng.

5. Ăn cho là ngon, mặc cho là đẹp, ở cho là yên, sống cho là sướng.

6. Nước gần, thấy nhau, gà kêu chó cắn đều nghe, dân đến già chết chẳng lui tới nhau.

 

Đây là một giấc mơ tiên của Lão tử. Lão tử sống vào đời Chu mạt, luôn luôn chứng kiến những cảnh đoạn trường, nhà tan nước nát, tử biệt sinh ly, nên cuối Đạo Đức kinh đã muốn phác họa lại một cảnh thiên đàng nơi trần thế. Cảnh thiên đàng của Lão tử được mường tưởng như là một nước nhỏ bé có những công dân chất phác, sống một cuộc sống vô tư, vô cầu, chẳng màng đến những tiện nghị của nền văn minh trần thế, xe thuyền binh, giáp đều cho vào bảo tàng, sống hồn nhiên, ăn ở đạm bạc mà vẫn lấy thế làm sung sướng, suốt đời chẳng muốn đi đâu, vui trong vui thuần phác của mình.

Đọc Lão tử đến đây ta học được thêm một bài học mới. Bài học đó là:

Cái hạnh phúc, cái sung sướng của con người thực ra không lệ thuộc vào tiến bộ văn minh vật chất bên ngoài, nhưng lại căn cốt ở nơi tâm hồn con người.

Có một tâm hồn đẹp đẽ, khoáng đạt, biết thưởng thức những cái hay, cái đẹp quanh mình, biết bè bạn cùng những người có những tâm hồn thanh cao, thuần phác như mình; biến được cuộc đời thực tại của mình, thành cuộc đời lý tưởng; rũ bỏ được mọi tần phiền của thế tục; sống một cuộc sống bình dị, vui tươi; hòa hàivới tha nhân và vũ trụ. Một đời sống như vậy thực là mơ mộng và siêu thoát.

Ngày nay sống trong một thế giới hỗn tạp và vật chất nếu chúng ta biết sống vươn vượt lên trên những nỗi lo âu và phiền toái của ngoại cảnh, biết thưởng thức được cái hay cái đẹp của đất trời, biết sống giản dị, đừng để cho lòng dính bén những phù du tục lụy, thì chúng ta cũng đã lãnh hội được phần nào tinh hoa của Đạo Đức kinh vậy!

 

(Trong các tiểu luận triết học của mình, Hamvas Béla cho biết nhân loại đã từng sống trong giấc mơ tiên này, đấy là thời kỳ Hoàng Kim, còn giờ đây chúng ta đang sống trong thời kỳ Khải huyền (dưới bản án của Đạo, của vũ trụ, của Thượng đế, của Sự sống vĩnh cửu), bản án dành cho loài người tha hóa sống trong thế giới vật chất ảo ảnh và gây ra toàn bộ những nỗi bất hạnh cho chính đời sống của mình. Nhận xét của NHN)

 

81/ Chương 81: HIỂN CHẤT

1. Lời chân thành không hoa mỹ. Lời hoa mỹ không chân thành. Người tốt không tranh biện, người tranh biện không tốt. Người biết không học rộng, người học rộng không biết.

2. Thánh nhân không tích trữ. Càng vì người, mình càng có. Càng cho người mình càng thêm nhiều. Đạo trời lợi mà không hại. Đạo thánh nhân làm mà không tranh.

 

Lời kết luận Đạo Đức kinh của Lão tử thực là đơn sơ, nhưng thực thắm thiết. Đại khái Ngài cho rằng:

Những lời lẽ trong Đạo Đức kinh này là những lời chân thành phát ra tự tâm linh Ngài. Ngài chẳng hề muốn biện luận để mong làm lung lạc lòng người, mà cũng chẳng hề có tham khảo đa đoan sách này sách nọ.

Tất cả đều là kết quả của những suy tư về ý nghĩa cuộc đời, những kinh nghiệm của một đời sống đạo hạnh để hàn huyên cùng chúng ta. Ngài cho rằng Ngài chẳng còn gì giấu giếm chúng ta, và đã phơi bày tâm tư của Ngài với chúng ta trong suốt 81 chương sách.

Ngài cho rằng Ngài viết sách này là mong giúp người, chứ chẳng muốn hại ai, vì Ngài đã hoàn toàn theo đường lối của Trời. Ai thích lời Ngài đem dùng cũng hay, ai chẳng ưa lời Ngài bỏ đi cũng được. Ngài hoàn toàn chẳng chấp, tức là đã thoát vòng âm dương tương đối, mà siêu việt lên bình diện tuyệt đối rồi vậy.

Sách khởi đầu bằng chữ Đạo, siêu việt tuyệt vời, kết thúc bằng hai chữ «bất tranh» để trở về cùng Thái hòa tĩnh lãng. Thiết tưởng như vậy đã nói lên được tâm tư hoài bão, cốt cách, tinh hoa của đức Lão tử rồi vậy.

 

( Khi viết „ 100 Cuốn sách bất tử” Hamvas Béla đã trân trọng đặt Đạo Đức Kinh lên hàng đầu, với lời khuyên: trong một kiếp sống cho ra người, với tri thức chỉ con người có, hãy đọc ít nhất 100 cuốn sách bất tử của nhân loại, trong đó có Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Nhận xét của NHN)

 

Nguồn: http://nhantu.net/

Nguyễn Hồng Nhung đọc, ghi chép và nhận xét

( Budapest. 2011.09.02)

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 4939
Ngày đăng: 18.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trước, Sau - Thụy Vi
Một Câu Hỏi, Đủ Nhức Đầu - Thụy Vi
Lòng Sân Hận - Phạm Thanh Chương
Xin Giử Gìn Màu Lúa Chín Quê Hương - Huyền Chiêu
Như Mùi Nắng Mới… - Thụy Vi
Dửng dưng và bất lực - Nguyễn Thị Hậu
Mạn về sông Tô - Du Nguyên
Lời chúc cho một kẻ độc hành - Nguyễn Quang Thiều
Tản Văn Sài Gòn: Sức Lay Động Hấp Dẫn Của Trang Viết - Trần Hữu Dũng
Nguyễn Thanh Trịnh: Người Của Một Thời Đã Mất - Nguyễn Tấn Cứ
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)