The Economist, Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: Not fade away – A growing number of former leaders are speaking out
Một sự cải tiến đáng kể trong thời gian gần đây trong cách thức hoạt động của nền chính trị mờ ám của Trung Quốc là sự kế vị ở những cấp cao nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc. Trong những thập kỉ trước, đối thủ chính trị bị ngã ngựa thường bị thanh trừng, bị bỏ tù hoặc giết chết.
Trong khi kẻ thắng nắm quyền cho đến khi đã trở thành những lão già lẩm cẩm. Nhưng nay nhiều chức vụ cao trong Đảng và nhà nước có qui định giới hạn tuổi tác, còn những chức vụ cao nhất, đặc biệt là chức chủ tịch nước và thủ tướng thì có qui định không được giữ quá hai nhiệm kì năm năm. Đối với những người ngoài cuộc thì quá trình lựa chọn những người kế vị trong đảng vẫn mù mờ rắc rối như mọi khi. Nhưng không nghi ngờ gì rằng nó diễn ra một cách trật tự hơn và ít dã man hơn là trước đây.
Nhưng Trung Quốc cũng phải tính đến khả năng là sự cải tiến mới mẻ này có thể gây ra bất ổn tiềm tàng. Đấy là số nhà lãnh đạo về hưu đang tăng lên nhanh chóng. Và trước khi những người này đi gặp cụ Marx, đa số vẫn rất muốn tiếp tục có ảnh hưởng chính trị và bảo vệ quyền lợi của các thành viên trong gia đình (làm ăn hoặc đôi khi là chính trị), cùng với mạng lưới những người được họ che chở.
Năm tới, triều đại của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo kéo dài đã mười năm sẽ có một bước ngoặt. Cuộc đua vào các chức vụ của họ đã khởi sự rồi. Không có gì bảo đảm rằng những người dẫn đầu hiện nay là Tập Cận Bình và Lí Khắc Cường, cho hai chức vụ tương ứng, sẽ giành được những ngôi vị cao nhất – cũng không có gỉ bảo đảm rằng cuộc đua sẽ diễn ra một cách trơn tru như trước đây. Nhưng kết quả thì ông Hồ và ông Ôn cũng sẽ ra nhập đám đông đang lớn dần, trong đó không chỉ có những vị tiền nhiệm của họ là các ông Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ mà còn nhiều người lãnh đạo trước đây nữa. Trong số họ có những nhân vật có nhiều ảnh hưởng như cựu phó chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng và cựu thủ tướng Lí Bằng (giữ chức vụ này từ năm 1987 đến năm 1998).
Các cựu lãnh đạo thường đứng sau hậu trường khi họ sờ tay vào bất cứ việc gì. Đa số vẫn có văn phòng và nhiều nhân viên. Họ nhận những bản sao tài liệu chính thức và tham mưu về những vấn đế quan trọng – chứ không chỉ là việc thăng chức cho những nhà lãnh đạo tương lai.
Nhưng trong tháng này đã có một sự ồn ào hiếm thấy. Đấy là ông Chu (Dung Cơ), năm nay 82 tuổi, nhưng còn khỏe hơn ông Giang (Trạch Dân), người đã nghỉ hưu vào năm 2003 ở chức vụ thủ tướng. Khi còn tại nhiệm ông Chu được tiếng là nhà cải cách thẳng thắn và trung thực. Ông vừa cho xuất bản bộ tuyển tập các bài nói và viết của ông trong thời gian nắm quyền. Báo chí do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc đã dành cho các tác phẩm một sự chú ý đáng kể, thậm chí đã nêu bật những nhận xét cay đắng nhất của con người nổi tiếng là nóng nảy và ác miệng này. Trong đó có ý kiến nói rằng chính phủ đầy những kẻ bệnh hoạn đang phục vụ cho nhu cầu của quần chúng. Ông phàn nàn rằng các nhà lãng đạo Trung Quốc nên dành ít thời gian ăn nhậu và những cuộc họp vô bổ và dành nhiều thời gian hơn cho việc giải quyết các vấn đề.
Đầu năm nay Ông Chu (Dong Cơ) còn làm người ta chú ý bằng một bài phát biểu tại đại học Thanh Hoa, trong đó ông đã phê phán trực tiếp chính sách hiện hành. Ông đã tỏ ra thất vọng vì những cuộc cải cách thị trường mà ông thúc đẩy đã bị chậm lại dưới thời của ông Hồ (Cẩm Đào) và Ôn (Gia Bảo), trong khi ảnh hưởng của nền kinh tế của nhà nước ngày một gia tăng.
Ông Cheng Li ở đại học Brookings ở Washington, DC, nói rằng lấy làm ngạc nhiên khi thấy ông Chu (Dong Cơ) nói thẳng như thế, nhưng tiên đoán là sự can thiệp vào công việc của các nhà lãnh đạo cũ – những nhà chính trị già – sẽ ngày càng gia tăng. Đấy không chỉ là vì số cựu lãnh đạo gia tăng. Sự gia tăng hoạt động mang tính bè phái và sự khác biệt ý kiến trong thế hệ các nhà lãnh đạo mới (và yếu hơn) cũng có thể đe dọa sự thống nhất ở trung ương. Những ông lão của Trung Quốc chắc chắn là sẽ muốn nói về chuyện này.