Cơn mưa chợt đến. Cánh rừng đang trong xanh, đang mát mắt, tối sầm lại đột ngột. Mặt trời lặn mất. Tôi trốn cơn mưa, bước vội vào phòng thuyết trình hành quân. Một tiếng kêu lên nghe quen (quen ở đâu đó, trong một quãng đời nào đã xa).
- Trung úy ở đây ?
Cơn mưa đã bất ngờ đẩy tôi đứng cạnh Ngàn.
- Ngàn cũng ở đây ?
Nàng cười nhẹ.
- Thôi, tôi tôi hiểu rồi, với ai vậy ?
- Trung úy Phúc.
- Trung úy Phúc về hậu cứ trung đoàn trưa nay…Chắc Ngàn mới tới đây hồi chiều ?
Nàng nhìn tôi, ánh mắt muốn biểu lộ một điều gì.
- Tôi biết, nhưng tôi tới đây với anh. Qua câu chuyện với Phúc, tôi biết anh ở đây, nên chiều nay…Anh có lấy gì làm lạ không ?
- Tôi hiểu, nhưng dầu sao thì đấy cũng là sự tình cờ của định mệnh hơn là tìm kiếm.
- Có lạ gì đâu Ngàn, tôi vẫn còn nhớ cả.
Mưa đã đổ xuống ào ạt, gieo mạnh trên mái tôn, làm mờ cánh rừng trước mặt. Tôi không còn nhìn, không còn nghe gì hết. Chúng tôi im lặng. Một vài ngưòi trong phòng di chuyển lặng lẽ, không gây tiếng động. Giờ thuyết trình đã qua. Mấy hàng ghế đã mất thứ tự, nằm rỗng không, lạnh lẽo. Tôi kéo một chiếc ghế mời Ngàn ngồi. Nàng giấu chiếc chân gỗ trong gầm ghế. Tôi nhận ra điều đó, ái ngại. Chúng tôi tiếp tục câu chuyện khi mưa ngớt hạt.
- Đã từ lâu, tôi không được biết Ngàn thay đổi thế nào.
Tiếng Ngàn trong cổ họng :
- Một lần đi qua cũng đủ biết rồi tôi sống như thế nào.
- Ngàn…Ngàn muốn nói gì ?
- Tôi nhớ đã tâm sự với anh rồi…Tôi là con ngựa què…
Những tiếng “con ngựa què” nhỏ dần và lẫn vào trong mưa. Phải kể cũng đã lâu lắm, kể từ ngày nàng nhập viện lần thứ nhì thay cái chân gỗ mới, có lò-xo cho tiện đi đứng, cử động hơn. Dễ cũng đã hơn hai mùa mưa. Và trí óc của một người xông pha chiến trận không dám chắc mình đã nhớ đúng được điều gì. Vì những kỷ niệm êm đềm đã bị những vùng khói lửa che khuất, cũng như những mơ tưởng đã đã vội quên vùi bởi cảnh tượng chết chóc và súng đạn thô bạo. Ngàn đã trở thành một nét phác trong số hình ảnh hỗn độn gãy đổ đó. Trong một cơn mưa âm thầm kéo dài từ chập tối, không lúc nào ngớt, Ngàn ôm quyển sách kinh, đứng mãi ở nhà thờ Tin Lành chờ tạnh. Mưa vẫn không ngớt. Ngàn kiên nhẫn chờ đợi trong hy vọng, một lúc nào đó, hạt mưa sẽ nhỏ và thưa hơn, để băng qua con lộ. Bỗng súng nổ bốn phía chung quanh, khắp cả. Mới đầu là bủa vây, sau đó là vồ chụp. “Tôi hét lên, không biết lúc đó, tôi đã băng qua con lộ chưa, hay vẫn co ro đứng ôm quyển sách kinh ở cửa nhà thờ ? Viên đạn định mệnh nào đã giết đời con gái của tôi ? Tại sao người ta lại bắn nhau ở trong khu phố đó ? Vô lý quá. Tôi không tài nào hiểu được. Và tôi đã trở thành con ngựa què giữa lòng cuộc đời”.
Trời mưa lớn chừng một giờ mới tạnh hẳn. Vẻ quang đãng sáng sủa đã trở về với cánh rừng ngút mắt. Hình như mặt trời chiều vừa ra khỏi đám mây che, nhưng chắc đã chìm sâu ở chân núi nào, những tia sáng cuối cùng của nó chỉ đủ chiếu lên một khoảng rừng, một khoảng nền trời. Đại đội đi “ăn đêm” ở ngoài bìa lô cao su đã bắt đầu di chuyển lặng lẽ chậm chạp khỏi căn cứ. Ba lô nặng vai, súng cầm tay, mũi súng chúc xuống mặt đất. Chúng tôi cùng nhìn ngắm họ.
Ngàn nói :
- Trông họ hào hùng quá. Vậy mà không biết sống, chết, tàn tật, què quặt lúc nào. Như tôi đây…nhưng thôi, chả nên nhắc tới làm gì nữa. Chỉ thêm ngậm ngùi, vô ích.
Tôi thở dài :
- Ngàn nghĩ thế là phải. Cơn mưa đã làm chúng ta gần gũi với quá khứ. Một thứ quá khứ đau buồn, nên quên đi thì hơn. Cũng đừng sống tình cảm quá, kẻ nào sống nhiều về tình cảm sẽ chết về bệnh đau tim.
Ngàn buồn rầu :
- Nhưng nào quên được ? Vết thương trên thân thể này như một tàn tích, cái chân gỗ, vâng, cái chân gỗ ám ảnh tôi từng ngày, từng tháng, suốt đời…
Tôi tưởng Ngàn khóc. Nhưng không, hai con mắt đá đen vẫn chìm lặng. Chiến tranh không chừa ai, không để ai đứng bên lề. Ngàn có lúc nào thôi hận thù và tìm được một lý do để bình tâm bước xuống cuộc đời ? Nàng gặp Phúc bao dung ở đâu đó.
Tôi hỏi :
- Còn Phúc ?
- Phúc chỉ có nghĩa là một người hiện đi qua đời sống tôi. Không biết chàng sẽ đi khỏi lúc nào. Cũng như anh trước kia vậy.
Ngàn như chợt xúc động vì đã vô tình khơi dậy những tro than. Nàng duỗi chiếc chân gỗ ra mà từ nãy vẫn giấu trong gầm ghế, nhìn vào nó. Có lẽ nàng đang đau lòng lắm. Hẳn đã nhiều lần nhỏ lệ xót thương nó. Cái chân giả cũng đi vớ nâu nhạt, mang giày đen như chân thật, nhưng ai cũng có thể nhận ra chân giả khô cứng, đã chết.
- Tôi là một nhà ga miền núi, nói như tiểu thuyết, con tàu nào cũng có thể ghé qua trong mỗi cuộc hành trình. Quả thật, tôi bắt chước tiểu thuyết để sống…Anh đã ghé qua nhà ga đó lần đầu tiên trong số kiếp nó, chỉ một lần, không bao giờ trở lại nữa. Chờ mãi…mơ mãi…nhà ga thành một địa danh của tiểu thuyết từ đấy. Tôi không trách anh, không trách ai hết, kể cả kẻ vô danh nào đó đã tặng viên đạn định mệnh cho tôi.
Chiều đã xuống thấp. Những người lính cuối cùng thuộc đơn vị đi kích vừa khuất dạng ở cổng trại. Cái bốt gác in hình lên nền cây rừng, cô độc, xiêu đổ. Ngàn đã vừa tâm sự, tôi ngậm ngùi :
- Trước khi Ngàn đứng ở cửa nhà thờ chờ cơn mưa dứt, tôi đã nhìn ngắm Ngàn. Không ngờ viên đạn ác nghiệt lại là viên đạn của định mệnh. Sau đó, tôi ra đi, và như Ngàn biết đấy, chiến tranh kéo dài đến bây giờ vẫn chưa dứt. Gặp lại Ngàn, mừng cho nhau vẫn còn sống được.
Ngàn nhìn đăm chiêu vào cái bốt gác và cánh
rừng :
- Vâng, gặp lại anh…Ngàn cũng chỉ muốn nhắc nhở với anh kỷ niệm ấy, trước khi em đứng chờ cơn mưa không dứt, Em đã thấy ánh mắt anh…Bây giờ, thực ra đã từ lâu lắm, em không dám nghĩ đến tình yêu…Tình yêu như một sa mạc, một sa mạc mưa bão, không người đánh xe nào dám khởi hành để đưa em tới đó. Em đã bình yên ở lại với tháng ngày quên lãng, anh Định ?!
Im lặng. Tôi đẩy câu chuyện đi hướng khác.
- Tối nay, Ngàn ngủ đâu ?
- Chỗ của Phúc…còn anh ?
Tôi cười :
- Tôi chỉ có cái võng, mắc lên hai cái xà nào đó, ở khu nhà dưới kia. Tôi vẫn sống một đời cô tịch trên những chặng đường dài nên rất giản dị.
- Còn em, em sống những ngày tháng chết…nên em đi người không trong suốt cuộc đời.
Tôi thở dài :
- Tôi không ngờ định mệnh lại như vậy. Nghĩ cho cùng, định mệnh nào cũng ác nghiệt, cũng đẩy chúng ta đi…nhưng rồi cũng phải đến chỗ tận cùng, giới hạn. Ngàn hãy tin đi, thế nào rồi cũng có ngày…
Tôi ngập ngừng…ngày gì đây ? Ngày hòa bình cho nhân loại, ngày tươi sáng cho đời Ngàn hay ngày…Tôi không tìm thấy một ngày nào hết trong những cánh rừng dài này, trong những buổi chiều mưa mù ở miền trời này.
Ngàn còn đến đây làm gì ?
- Em còn những giọt lệ cuối cùng, anh Định…Em vẫn để dành trong khóe mắt. Em muốn được khóc lần này cho hết, anh Định…
(trong tập QUỐC LỘ MƯỜI BA)
Bài này được đăng trên tuần báo Khởi Hành (cơ quan của Hội Văn Nghệ sĩ Quạn đội VNCH) số 154 ngày 24/5/1972 và được chọn đăng trong Bộ Sưu Tập Văn Miền Nam (Tập Một) của nhà xuất bản Thư Ấn Quán.