Chương IV
Chiều kích Đất
Bản văn
Truyện Ngư-Tinh
Trong biển Đông-Hải có loài Ngư-tinh, mình dài hơn năm mươi trượng, có nhiều chân giống như chân rết, biến-hóa vô-cùng, linh-dị khó dò được; mỗi khi đi đâu thì nổi cơn mưa gió, hay ăn thịt người, ai cũng đều sợ-hãi.
***
Thời thượng-cổ có loài cá mặt giống như mặt người, thường đi chơi trên bờ Đông-Hải, hóa thành hình người, ngôn-ngữ thông-hoạt dần dần sinh lớn ra người trai gái, lấy cá tôm, hến ốc làm vật ăn; lại có giống người mọi sinh ở hải-đảo lấy sự bắt người làm sinh-nhai, cũng thành ra người, cùng với đàn ông đổi chác các phẩm-vật như muối gạo, áo quần, dao búa, thường qua lại ở biển Đông-Hải; trong đó có núi Ngư-Tinh, miệng, răng nhô ra ngoài bờ biển; ở dưới núi có một chiếc hang lớn, đó là nơi cư-trú của Ngư-Tinh; thuyền nhân-dân qua lại phần nhiều bị hại; phong-ba hiểm-yếu, họ không có đàng nào mà tránh; muốn mở một lối đi ngả khác thì họ lại gặp cát đá không thể nào đào được.
Một đêm kia, có tiên xuống moi đá làm kênh cho sự thông-hành của loài người được tiện-lợi; kênh sắp được đào xong thì Ngư-Tinh hóa ra một con gà trắng gáy ở trên núi; quần tiên nghe thấy ngỡ là trời gần sáng nên đều tự-nhiên bay đi hết, nay gọi là đường Phật.
***
Đào-Kinh-Long thương dân bị hại mới làm một con thuyền lớn, ra lệnh cho Thủy-Dạ-Xoa cấm thần biển không được làm gió sóng, chèo thuyền đến núi Ngư-Tinh, giả đem một người đến cho Ngư-Tinh ăn; Ngư-Tinh há miệng toan nuốt thì liền có một khối sắt nướng đỏ liệng vào trong miệng; Ngư-Tinh vùng-vẫy nhảy đến thuyền; Long-Quân chém được khúc đuôi, lột da treo lên trên núi, nay gọi là Bạch-Long-Vỹ; khúc đầu trôi ra ngoài biển, hóa ra chó mà chạy mất; Long-Quân lấy đá lấp biển thì chém được, nó bèn hóa ra đầu chó, nay gọi là Cẩu-Đầu; khúc mình trôi vào Man-Cầu, nay gọi là Cẩu-Man-Cầu là bởi đó vậy.
* * *
Truyện Hồ-Tinh
Thành Thăng-Long ngày xưa gọi là đất Long-Biên, đời Thượng-cổ đã có người ở rồi. Đến đời vua Lý-Thái-Tổ chèo thuyền ở bến sông Nhị-Hà, có hai con rồng dẫn thuyền đi, nhân đó mới đặt tên là Thăng-Long và đóng đô ở đấy, tức là kinh-thành ngày nay vậy.
Buổi đầu, chỗ đất này về phía Tây có một ngọn núi đá, dưới núi có một cái hang, có một con hồ chín đuôi sống hơn một nghìn năm thành ra yêu-quái, biến-hóa vạn-trạng, có lúc hóa người, lúc hóa khỉ, đi khắp cả nhân-gian.
***
Lúc bấy giờ ở dưới chân núi Tản-viên có giống người mọi gác cây kết cỏ mà ở; trên núi có một vị thần được người mọi phụng-thờ. Vị thần ấy dạy cho người mọi cày ruộng, dệt vải, may áo trắng mà mặc, nhân đó gọi là Bạch-y-man . Hồ chín đuôi hóa ra người áo trắng nhập vào trong bọn mọi, cùng lũ mọi ca-hát, dụ-dỗ được người con trai con gái nào thì đem về nhốt ở hang đá; người mọi lấy làm khổ-sở về việc ấy.
***
Long-Quân mới sai bộ-hạ Thủy-phủ dâng nước lên đánh phá núi Tiểu-Thạch-Sơn, đào thành một cái đầm lớn, chính giữa thành có một chiếc vực sâu, gọi là Thi-Hồ-Trạch (nay là hồ Tây) rồi lập chùa quán để trấn yểm nữa (nay là Thiên-niên-quán); bờ phía Tây bên đầm thì đồng-nội bằng-phẳng, ruộng ao cày cấy, gọi là Lỗ Hồ-Động. Chỗ nào cao-ráo thì đều có dân-cư, tục gọi là Hồ-thôn. Còn cái hang nay gọi là Lỗ-Hồ-Đàm vậy.
*
Truyện Mộc-Tinh
Thuộc địa-giới Phong-Châu, về đời thượng-cổ có một cây đại-thụ tên là Chiên-Đàn, thân cao nghìn tầng, cành lá sum-sê không biết mấy nghìn dặm, có chim thước làm ổ ở trên cây nên chỗ đất ấy đặt tên là Bạch-Hạc. Cây Chiên-Đàn trải qua không biết mấy nghìn năm đến khi khô-hủ thì hóa làm yêu-tinh, biến-hiện dũng-mãnh, hay thương-xót nhân-dân.
***
Kinh-Dương-Vương dùng thần-thuật thắng được yêu-tinh.
***
Nhưng yêu-tinh nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác, biến hóa bất-trắc, thường ăn người sống, dân phải lập đền thờ mà cầu-đảo. Mỗi năm đến ngày ba mươi tháng chạp dùng một người sống làm lễ tế thì con tinh ấy mới chịu thôi, mà nhân-dân cũng được yên-ổn, tương truyền với nhau là Thần Xương Cuồng. Địa-giới phía Tây-Nam gần nước Mi-Hầu, người trong nước khiến Bà-Lộ-Man (nay là Phủ Diễn-Châu) cướp lấy một người Lào nạp làm lễ tế, năm nào cũng lệ thường như vậy. Kịp đến khi Tần-Thủy-Hoàng sai Nhâm-Ngao sang làm quan Lệnh Long-Xuyên, Nhâm-Ngao đổi cái lệ đó, cấm không được đem người sống mà tế. Thần giạn, thần giết đi, từ đó về sau sự tế thần lại càng kính cẩn. Đến đời Đinh-Tiên-Hoàng, có một Pháp-sư tên là Dũ-Văn-Mâu người Tàu, tu-hành chín-chắn, tuổi hơn bốn mươi, đã chu-du các nước, thông hiểu nhiều ngôn-ngữ, tập được phép nanh vàng răng đồng, khi sang đến nước ta thì đã tám mươi tuổi; Tiên-Hoàng lấy lễ thường mà đãi-đằng. Dũ-Văn-Mâu dạy lấy kỹ thuật phỉnh thần Xương-Cuồng rồi giết đi. Phép ấy gọi là: Thượng-kỵ, Thượng-can, Thượng-thát, Thượng-toái, Thượng-câu, Thượng-hiểm, hoặc làm người ngã ngựa, hoặc làm đứa con hát, mỗi năm đến tháng mười một, làm một cái Phi-lâu cao mười hai trượng, giữa trồng một cây cọc, rồi lấy gai đánh một sợi dây lớn, dài một trăm ba mươi sáu trượng ba thước, lấy mây chẻ nhỏ vấn ra ngoài, hai đầu mối dây chôn cứng dưới đất, đoạn giữa gác lên trên cọc, Thượng-kỳ là đạp trên dây, đi mau hai ba dạo mà không ngã, đầu bịt khăn đen mình mặc quần đen. Thượng-can là lấy sợi dây dài một trăm năm mươi trượng, có ba ngả, hai người cầm cờ đi lên trên sợi dây, hễ gặp nhau ở ngã ba thì tránh đi, lên xuống không ngã. Hoặc làm phép Thượng-thát là lấy cây gỗ lớn vuông vắn một thước ba tấc, bề dày bảy phân, đặt lên trên một cây cao mười bảy thước. Thượng-thát ở trên bay nhảy hai ba lần, tới lui nghiêng-ngửa. Hoặc làm phép Thượng-toái là lấy tre đan một cái lồng hình như nơm cá, dài ba thước, chu-vi bốn thước, Thượng toái gieo mình vào trong, đứng dậy mà không ngã. Hoặc là phép Lạc-mã là người cỡi trên ngựa cho ngựa phi, rồi cúi mình xuống lấy vật để trên mặt đất mà không ngã. Hoặc làm phép Thượng-câu, Thượng-hiểm là một người nằm ngửa, lấy chân cái sào dài, khiến đứa trẻ leo lên. Hoặc làm phép Xướng-nghi là hội trẻ nhỏ lại đánh chiêng trống, rồi ca-vũ ngâm xướng ồn-ào huyên-náo và giết sinh-vật để tế thần. Thần-tinh đến ăn và xem các trò; Pháp-sư niệm bí-chú, tuốt gươm chém đi. Thần Xương-Cuồng và tất cả bộ-hạ đều bị giết hết.
Từ đó miễn được cái họa dân người hằng năm, mà sinh-hoạt của nhân-dân được bảo-toàn vậy.
*
Phần minh giải
I - Thứ tự của ba mẩu truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh
Theo nhận xét của giáo sư Lê Hữu Mục trong bài dẫn nhập của bản dịch cuốn Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh hiệu chính thì các truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh được xếp rải rác vào các số 15, 16 và 22 trong bố cục của bản chính, nghĩa là bản gốc. Và như chúng ta đã từng nhận xét trước đây, bố cục toàn cuốn sách được Vũ Quỳnh sắp xếp lại không hẳn dựa theo tiêu chuẩn thời gian như lời bình của dịch giả họ Lê. Chẳng hạn truyện Núi Tản Viên (Sơn Tinh - Thủy Tinh) được ghi là vào thuở ban đầu của họ Hùng Vương và là một chuyện thần thoại, thì được xếp vào truyện thứ 15, sau câu truyện Bánh Chưng (số 8), nghĩa là sau Đời Hùng Vương thứ ba 6. Ngay cả trong 3 truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh được xếp theo thứ tự 2, 3, 4 thì hai truyện đầu nói đến Lạc Long Quân, và truyện thứ ba lại gợi lên nhân vật Kinh Dương Vương (là cha của Lạc Long Quân). Những chứng cớ đó cho thấy việc sắp xếp lại bố cục cuốn sách nầy của Vũ Quỳnh hàm ngụ một lý do khác, đó là lý do về sự mạch lạc của hệ thống tư tưởng. Ba câu truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh và Mộc Tinh đặt nổi mối tương quan giữa con người và trật tự tự nhiên và những nguy cơ của việc hiểu lầm tương quan nầy như là chiều kích duy nhất của nhân tính.
Dựa vào cách hành văn của ba câu truyện, rõ rệt ta thấy tác giả của bản chính (có lẽ là Trần Thế Pháp) đã cố gắng kết hợp các mẩu chuyện dân gian để xây dựng nên một cấu trúc tư tưởng.
Nhưng đối chiếu với câu chuyện Hồng Bàng Thị, và so sánh bố cục của từng truyện trong ba truyện nầy, ta thấy lối hành văn của Lĩnh Nam Chích Quái có những điểm đặc biệt đáng lưu ý:
- Tuy có sự hiện diện của các nhân vật tượng trưng, thần thoại, nhưng bản văn Hồng Bàng Thị thể hiện một lối diễn tả văn chương cô đọng; các chi tiết đối ứng gắn bó với nhau thành một hệ thống mạch lạc. Có thể nói đây là bản tóm lược của một luận đề triết học được diễn tả một cách thần tình qua các chất liệu của văn chương tiểu thuyết.
- Ngược lại ở hai truyện Ngư Tinh và Hồ Tinh và phần đầu của truyện Mộc Tinh, từ lối diễn tả liệt kê các chi tiết bóng nổi, những hình ảnh thuộc trí tưởng tượng dân gian, đến việc đối chiếu các mẩu chuyện với các địa danh có liên quan nội dung câu chuyện, hình thức văn chương ở đây thoạt tiên cho ta có cảm tưởng như phát xuất từ một cảm hứng khác. Hơn thế nữa phần hai của câu truyện Mộc Tinh lại đưa thế giới thần thoại nối kết giã tạo vào một khung cảnh lịch sử (lúc đầu nhắc đến Tần Thủy Hoàng, Nhâm Ngao, sau đó là Đinh Tiên Hoàng) với sự can thiệp của một pháp sư tên là Dũ Văn Mâu từ Trung Hoa đến, và được tường thuật bằng một lối diễn tả rườm rà, mạch văn đứt đoạn, nội dung tư tưởng hầu như mâu thuẫn với hai câu truyện Ngư Tinh và Mộc Tinh trước đó.
Phải chăng phần hai truyện Mộc Tinh nầy đã được viết ra do một người nào khác hơn là tác giả của chuyện Hồng Bàng Thị ?
II - Hình thức văn chương và bố cục các truyện
II 1- Truyện Ngư Tinh
Câu truyện được sắp xếp làm bốn phần :
- Phần 1 : Mở đầu với việc xác định địa dư là biển Đông Hải; giới thiệu Ngư Tinh, to lớn và có hình thù quái dị, có uy lực, hại người "ai cũng đều sợ hãi".
- Phần 2 : Mô tả một Ngư Tinh, vừa loài vật, vừa có hình người, vừa có uy lực sát hại như ác quỷ.
- Phần 3 : Tiên trên trời xuống giúp người hoá giải nạn Ngư Tinh, nhưng không thành công.
- Phần 4 : Đào Kinh Long, tức Lạc Long Quân dùng uy lực của mình chém đuôi, lột da, và cuối cùng giết chết Ngư Tinh.
Hình ảnh văn chương trong truyện nầy diễn tả Ngư Tinh rất linh hoạt, đầy màu sắc ghê rợn ăn khớp với sức tưởng tượng của dân gian. Gs Lê Hữu Mục, khi nhận xết các câu truyện thần thoại trong Lĩnh Nam Chích Quái có ghi : "Các nhân vật trong truyện còn mang những kích thước kỳ dị của thời đại ban sơ, không khí còn thơm mùi đất mới; cả thế gian đang bừng nở trong ánh nắng buổi đầu . Nhận xét nầy áp dụng thích đáng cho bản văn truyện Ngư Tinh. Thêm vào đó, ở phần hai, khi mô tả uy lực ma quái của Ngư Tinh, tác giả chen vào những sinh hoạt cam go nguy hiểm của dân chúng đi lại trân biển Đông Hải.
Hai tình cảm nổi bật của dân chúng trước Ngư Tinh là sợ hãi và bất lực.
II 2- Truyện Hồ Tinh
Bố cục trong truyện gần giống với truyện Ngư Tinh.
- Phần 1: Mở đầu bằng việc xác định vùng địa dư là thành Thăng Long; mô tả câu truyện rồng dẫn đường vua Lý Thái Tổ để giải thích tên gọi vùng đất nầy.
- Phần 2 : Giới thiệu nhân vật "con hồ chín đuôi" yêu quái, biến hoá thành người, thành khỉ để bắt nhốt dân cư trong vùng vào hang.
- Phần 3 : Một vị thần áo trắng tên Bạch-y-man được mọi người phụng thờ, không thể khống chế được "hồ chín đuôi".
- Phần 4 : Long Quân sai bộ hạ Thủy phủ dâng nước lên trừ được Hồ Tinh.
Câu truyện được diễn tả tóm lược hơn câu truyện đầu, nhưng một ít chi tiết ở phần cuối lại gợi lên nếp sống làm nông của dân chúng :
"...hồ phía Tây bên đầm thì đồng nội bằng phẳng, ruộng ao cày cấy, gọi là lỗ Hồ Động chỗ nào cao ráo thì đều có dân cư, tục gọi là Hồ Thôn".
II 3- Truyện Mộc Tinh
Chuyện nầy có thể chia làm 2 phần lớn.
Phần 1 : Tóm lược một câu truyện đại thể giống như nội dung của 2 truyện trước.
Khởi đầu giới thiệu vùng địa lý là địa giới Phong Châu. ở đây có một cây đại thụ ma quái tên là Chiên Đàn, cao lớn, biến hoá thành yêu tinh, có uy lực làm hại dân.
Kinh Dương Vương dùng Thuần Thuật thắng được yêu tinh.
Phần 2 : Yêu tinh chưa thua hẳn, lại còn biến hoá, ăn thịt người. Dân lập đền thờ...dâng tế người sống hằng năm, gọi tên nó là Thần Xương Cuồng.
Tiếp đến lại chuyện Tần Thủy Hoàng sai Nhâm Ngao sang làm quan Lệnh Long Xuyên, cấm không được đem người tế lễ. Nhưng Thần giận, Thần giết đi và dân lại sợ.
Đến đời Đinh Tiên Hoàng, có một pháp sư từ Tàu đến tên là Dũ Văn Mâu, dùng các phép Thượng kỵ, Thượng-can, Thượng-thát, Thượng-toái, Thượng-câu, Thượng-hiểm, dụ được Thần Xương Cuồng đến xem ca vũ rồi niệm chú mà giết đi.
Nhận xét : So sánh với hai câu truyện đầu ta thấy phần 2 nầy về mặt hình thức văn chương lẫn nội dung không ăn khớp với sự nhất quán của bản văn: Điểm nghịch lý ở đây là pháp thuật của một pháp sư Dũ Văn Mâu nào đó từ Tàu đến lại uy lực hơn Thần thuật của Kinh Dương Vương.
Sự can thiệp của các nhân vật lịch sử như Tần Thủy Hoàng, Nhâm Ngao, Đinh Tiên Hoàng không thích ứng để ghép vào một câu truyện tượng trưng, thần thoại.
Lối văn liệt kê các chi tiết rườm rà, kéo dài bằng hai truyện cộng lại để giải thích một cách tẻ nhạt các loại pháp thuật không ăn nhập vào đâu, rõ rệt là ngược lại với các hình ảnh đầy màu sắc thiên nhiên trong hai truyện đầu.
Qua phân tích nầy, ta có thể giả thiết một cách đứng đắn rằng, phần hai của truyện nầy là một sự ráp nối thêm thắt của một tác giả về sau khi sửa chữa các câu truyện. Chi tiết nầy có thể hữu ích cho việc nghiên cứu về xã hội học để tìm hiểu ảnh hưởng của các hình thức bùa chú, pháp thuật từ Trung Hoa tràn đến nước ta. Nhưng trong khuôn khổ truy tìm một hệ thống tư tưởng nhất quán có giá trị Minh triết của Lĩnh Nam Chích Quái, chúng tôi quyết định bỏ qua phần hai câu truyện nầy.
III - Phân tích ý nghĩa của ba câu truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh và Mộc Tinh
III 1- Bố cục đặc biệt của các câu truyện
Tên gọi Ngư Tinh, Hồ Tinh và Mộc Tinh trước hết gợi lên hình ảnh của các khung cảnh thiên nhiên, những môi trường sống tự nhiên của cộng đồng người Việt: Đông Hải và sinh hoạt của lớp người sống bằng nghề đánh cá, đi lại trên biển; đất Long Biên và sinh hoạt của lớp người ở đồng bằng sống bằng nghề nông nghiệp; địa giới Phong Châu và sinh hoạt của lớp người ở miền thượng du, sống bằng nghề làm rẫy, hái trái cây rừng và săn thú...
Các tên gọi nầy thể hiện một hình thức thần-nhân-hoá một con thú hay một loại cây tiêu biểu cho một khung cảnh thiên nhiên; về phương diện xã hội học, đó là một hiện tượng tâm lý rất phổ quát của các cộng đồng con người vào thuở ban sơ. Nhưng đặc biệt ở đây tác giả không phải nhắm vào mô tả các sự kiện khách quan của khung cảnh thiên nhiên, hay sinh hoạt xã hội vào thủa hồng hoang nầy. Tác giả nhắc đến các sự kiện khách quan để gợi lên một tương quan bất cập, tiêu cực: Thiên nhiên trở thành một mối đe dọa đến sinh mạng con người, uy lực thiên nhiên tạo sợ hãi, và uy lực đó được con người cảm nhận như một sức mạnh ma quái làm tê liệt sức đề kháng của mình.
Ở truyện Ngư Tinh, tác giả nêu lên sự can thiệp của "Tiên xuống moi đá làm kênh cho sự thông hành của loài người được tiện lợi".
Ở truyện Hồ Tinh, tác giả ghi lại sự can thiệp của "một vị thần dạy cho người mọi cày ruộng, dệt vải, may áo trắng mà mặc, nhân đó gọi là Bạch y man".
Nhưng việc làm đầy thiện chí của các vị tiên thánh nầy không đem lại kết quả.
Câu chuyện đến đây nhắc chúng ta nhớ lại những nội dung tương tự trong Kinh Thư của Trung Hoa và kịch phẩm "Prométhée bị trói" của kịch giả Hy Lạp Eschyle.
Trước thiên tai là lụt lớn gây thiệt hại cuộc sống an lành của người dân, Vua Nghiêu nhờ Bá Cổn trị thủy. Nhưng Bá Cổn không thuận với trời, không hoà với người cho nên chín năm làm không được công trạng gì . Sau Vua Thuấn nhờ thầy Vũ gợi ý "khơi các con sông ở 9 châu, đào sâu các ngòi, lạch ở các ruộng, ra đến sông..." . Câu truyện đó được Vua Thuấn giải minh và kết luận rằng:
"Nhân tâm duy nguy; đạo tâm duy vi. Duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết Trung" .
Văn hoá Hy Lạp diễn tả cũng một câu truyện đó với một kết luận khá bi quan như sau:
Nhân vật thần thoại Prométhée của kịch giả Eschyle vì thương con người khổ đau nơi dương thế đã bất chấp ý trời là Zéus để đề nghị những thuốc cứu giả tạo, tạm thời:
Prométhée - "Vâng, ta đã làm dứt nỗi hãi hùng của con người trước cái chết.
Ca Trưởng - Ông đã dùng phương thức nào để chữa trị ?
Prométhée - Ta đã đặt nơi lòng họ những mơ ước hão huyền.
Ca Trưởng - Ông thật đã cho con người hay chết món quà đáng quí!
Prométhée - Ta còn làm nhiều hơn thế nữa: đã biếu cho chúng lửa.
Ca Trưởng - Và nay lửa sáng chói ở trong tay những sinh vật phù du!
Prométhée - Vâng, và bọn chúng, từ lửa nầy, sáng chế nhiều nghề, thực hiện nhiều tài cán..." .
Và sự thất bại của trò bù trừ giả tạo nầy được diễn tả qua hình phạt mà Prométhée phải gánh chịu trường kỳ: bị trói đưa lên đỉnh núi Caucase, để phượng hoàng của Zeus mỗi ngày đến moi gan.
Văn hoá nguyên thủy của Trung Hoa cũng như thời bi kịch Hy lạp cảnh giác rằng thiên nhiên, thời gian, nếu là một thành tố cấu tạo, dưỡng nuôi con người, thì thành tố đó cũng có thể là một mối đe dọa, gây tai họa và ngay cả làm chết con người. Và chính từ tương quan khó khăn, bi thảm đó, con người thoáng nhận ra Một Nguồn gốc ẩn kín: "Đạo Tâm Duy Vi", chân lý tuyệt đối làm con người ước mong, tưởng nhớ, nhưng không thể sở đắc, chế ngự được do tự sức mình.
Nơi ba câu truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh và Mộc Tinh con người bị chơ vơ giữa thiên nhiên: Thiên nhiên không những được diễn tả như là mối đe dọa cho con người, nhưng còn gây cho con người một tâm thức rối loạn. Ngư Tinh, Hồ Tinh và Mộc Tinh như mặc lấy quyền uy của một Đào Kinh Long tức là Lạc Long Quân ẩn mặt. Và chính vì nhận thức lầm uy quyền thần thánh nơi thiên nhiên nên quyền uy đó trở thành một thứ ma lực, phỉnh gạt làm hại con người.
Trước thực tế khó khăn, con người đi tìm phương thuốc cứu chữa. Sophocle, văn hào Hy Lạp, mô tả rằng thân phận con người trong thời gian như nhân vật Oedipe mất gốc (gốc đó là cha của ông, tên là Laios ; nhưng ông đã giết đi rồi). Oedipe vô tình chuyển đổi nỗi thiếu vắng nguồn gốc và lý lịch mình bằng việc dùng tài trí chế ngự thiên nhiên, thiên nhiên ấy được tượng trưng qua nhân vật Jocaste, tức là chính mẹ của Oedipe. Phương thức cứu chữa của Oedipe đã tạo tai họa cho dân thành Thèbes.
Tác giả Lĩnh Nam Chích Quái trong các câu truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh, lại nêu lên phương thức cứu tạm thời của dân cư trong vùng qua niềm tin chơn chất của ngay cả người lương thiện vào các bậc thần minh: Các Tiên từ trời xuống ở truyện Ngư Tinh, Bạch-y-man vị nhân thần luôn luôn cứu nhân độ thế, được người mọi phụng thờ ở truyện Hồ Tinh... Trên bình diện xã hội học, ta có thể đã nhận ra rằng sinh hoạt về kiến thức sự vật đã thịnh hành trong văn minh Hy Lạp thời Sophocle, và tâm tình sùng tín ngây thơ và bất cập đã phổ biến mạnh mẽ nơi tâm hồn người dân Việt Nam, đặc biệt vào thời đại sáng tác nên cuốn Lĩnh Nam Chính Quái. Nhưng ở đây điều đáng lưu ý là yêu sách Minh triết của các tác giả các truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh lại giống với yêu sách tôn giáo của nhân vật Gióp trong Kinh thánh Do Thái giáo. Tác giả mạnh dạn nêu lên rằng thiện chí của con người, tập tục, niềm tin thần thánh còn mơ hồ chưa đủ để giải quyết những khó khăn của con người trước thiên nhiên và cuộc sống; không trả lời hết những thắc mắc về một nền Đạo lý căn đế và phổ quát liên quan đến thân phận con người trong thời gian. Giải pháp tối hậu phải là chân tánh qua hình ảnh Lạc Long Quân.
Phương thức đặt vấn đề một cách rốt ráo như thế cho phép ta đưa ra các nhận định sau đây :
- Các mẩu chuyện dân gian xem ra còn thô thiển nầy kỳ thực đã được hệ thống hoá một cách nghiêm túc về mặt tư tưởng.
- Tác giả của các câu truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh cũng như phần đầu của truyện Mộc Tinh và tác giả truyện Hồng Bàng Thị là một người: Lối diễn tả linh động khác nhau về mặt văn chương giữa các bản văn chỉ phản ảnh tài năng phong phú của tác giả, uyển chuyển thích ứng với nội dung của mỗi bản văn mà thôi.
- Ở các truyện sau nầy, tác giả không lặp lại lời kêu van cầu cứu Lạc Long Quân, nhưng toàn khối nội dung câu truyện Hồng Bàng Thị hàm ngụ trong đề mục nầy.
Giải pháp rốt ráo mà Lĩnh Nam Chích Quái nêu lên đó là Lạc Long Quân: Toàn Mỹ, Toàn Chân, Toàn Thiện của chân tính .
Trước nguy cơ của con người đối diện với thiên nhiên, Lạc Long Quân lại đến và tạo nếp sống hài hoà an bình cho dân trong vùng, tận diệt Ngư Tinh, Hồ Tinh và Mộc Tinh. Ở truyện Ngư Tinh, Lạc Long Quân được gọi là Đào Kinh Long. Học giả Lê Hữu Mục chỉ ghi trong phần chú thích rằng Đào Kinh Long chính là Lạc Long Quân, mà không gợi thêm một lối giải thích nào về tên gọi nầy. Nhưng ở truyện Mộc Tinh, thay vì Lạc Long Quân, tác giả lại ghi tên nhân vật cứu độ đó là Kinh Dương Vương.
Ta thấy ít nhất, ở đây chữ kinh gợi lên một nét hàng dọc, hướng đi lên, chiều kích thường hằng, vĩnh cửu, bên trong, tức là yếu tố "trời" trong ba yếu tố của Tam Tài : Đất - Trời - Người. Nhưng Lạc Long Quân lại còn là biểu thị cho sự hội tụ của Tam Tài nữa.
Đối chiếu với câu truyện mở đầu sách Lĩnh Nam Chích Quái, truyện Hồng Bàng Thị, ta thấy nội dung ba câu truyện kế tiếp Ngư Tinh, Hồ Tinh và Mộc Tinh cũng không khác với nội dung cuốn đầu; nhưng bố cục và lối diễn tả văn chương khác nhau :
- Nội dung chung của các câu truyện là nhân tính toàn diện được thể hiện qua ba chiều kích bất khả phân ly Đất - Trời - Người.
- Ở truyện Hồng Bàng Thị, Viêm Đế, Thần Nông, Đế Minh, (Trời - Đất - Người) được nêu lên ở phần đầu như là một trực giác về nhân tính nguyên sơ. Tiếp đó là hành trình của cuộc sống con người thể diễn cam go trong lịch sử. Đây là một bố cục có tính cách diễn dịch, đi từ nguồn đến ngọn, từ thể đến dụng. Nhưng ở trong các câu truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh và Mộc Tinh, tác giả dùng lối qui nạp, nghĩa là đi từ hoàn cảnh thực tế con người trong vũ trụ thiên nhiên, qua thời gian và lịch sử để chứng thực tiến trình khai mở dần hồi các chiều kích của nhân tính.
- Nơi truyện Hồng Bàng Thị, bước sai trật của nhân tính trong lịch sử được nghiệm thấy từ một thực tế đã xảy ra rồi nơi xã hội cô đọng, qua hình ảnh Đế Nghi, Đế Lai, Đế Du. Có thể nói Đế Nghi, Đế Lai, Đế Du là hình ảnh của cuộc sống nhân vi, giả tạo đã từng được gợi lên trong Đạo Đức Kinh (Lão Tử), thế giới bá đạo theo quan điểm của Nho học, Karma, hành tạo nghiệp chướng trong triết lý nhà Phật, hoặc là vương quốc thành Thèbes của Oedipe, tức là hình ảnh con người vì vô minh đã quên và diệt nguồn chân lý (được tượng trưng qua hình ảnh Oedipe giết Laios trong kịch bản của Sophocle). Bằng một lối diễn tả khác, trong câu truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh, tác giả Lĩnh Nam Chính Quái không vận dụng lối văn luận thuyết để phê phán về sai - đúng, tốt - xấu, nhưng mô tả thực tại cam go mà con người phải gánh chịu, nói theo ngôn ngữ của Martin Heidegger là thân phận cụ thể của con người tại thế (Da-sein) một hữu thể dòn mỏng, bơ vơ bị "đôi vào cuộc sống" (un être jeté). Con người, sợ hãi, lo âu đi tìm lối thoát.
Đây hẳn là con đường tìm đạo của một Tất Đạt Đa trước khổ đau của hiện sinh. Như bước đầu Ngài đã tìm giải pháp nơi khổ hạnh với sự chỉ dẫn về phương pháp thiền định của hai vị ẩn sĩ trong rừng là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta . Dân cư vùng biển Đông Hải, dân cư đất Long Biên cũng đã kêu cầu đến quyền lực của vị Thần Bạch-Y -Man trên núi Tản Viên, nhưng thiện chí của con người, niềm tin dễ dãi vào Thần minh mơ hồ, huyền hoặc và ngay cả kỹ thuật tu đức, tự chúng vẫn không đem lại một giải pháp tối hậu.
- Giải pháp tối hậu là Đào Kinh Long hoặc Lạc Long Quân. Theo bố cục của câu truyện, Đào Kinh Long không phải là một đợt tìm tòi kế tiếp, nhưng một sự can thiệp bất ngờ. Có thể nói có một tiến trình đi tìm từ nơi con người và có một kinh nghiệm gặp gỡ. Hai sự kiện không đối kháng nhau nhưng khác nhau. Đào Kinh Long gợi lên sự gặp gỡ một chiều kích ẩn kín; mà nếu thiếu vắng chiều kích nầy thì hiện sinh sẽ là bào ảnh, nhân vi (xem tư tưởng nhà Phật và Lão), là đêm tối theo nghĩa Thánh Kinh Thiên Chúa giáo : "Họ ra đi, lên thuyền; đêm đó, họ không bắt được gì" (Gioan 21,3). Các chữ trong tên gọi Đào Kinh Long gợi lên công việc làm của Thầy Vũ trong Kinh Thư, đào sâu lòng sông, và được Vua Thuấn giải minh là "Duy tinh, duy nhất, doãn chấp quyết Trung". Và Đào Kinh Long đó cũng là cũng là nội dung của chữ Tâm trong phần cuối của Truyện Kiều :
"Có Tài mà cậy chi tài !
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
....
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài"
Đào Kinh Long, hay Lạc Long Quân không phải là một ai, một vật gì thuộc phạm trù "bản chất" đối tượng của kiến thức con người về sự vật. Triết gia Martin Heidegger đã nhận ra rằng truyền thống siêu hình học Tây phương đã dựa vào phạm trù bản chất nầy nghĩa là dựa trên nền tảng của thắc mắc vật nầy là gì "quid est". Truyền thống suy tư nầy tiền kiến rằng mỗi vật thể trụ vào bản thể của mình "ens qua ens", đồng nhất tính với chính mình, ổn cố trong bản chất cô đơn đóng kín đó, và được nhận ra như thế đó là chân lý. Theo ông, con đường suy tư truyền thống đó là một sự hiểu lầm và sử dụng lầm về nội dung tư tưởng .
Với một lối diễn tả khác triết gia Georges Gusdorf gợi ý rằng :
"Huyền thoại thiết định một lối hiểu biết truyền thống, vừa nhất quán lại vừa tãn mạn làm mẫu mực hướng dẫn đời sống đồng thời làm mẫu mực cho kiến thức, nơi lối hiểu biết đó các ưu tư thuộc về thân phận con người (motivations humaines) là những yếu tố ưu thắng vượt lên trên các chủ đề về thiên nhiên vật lý" .
Điều mà Martin Heiddeger nêu lên khi cho rằng tư tưởng siêu hình học Tây phương là một sự hiểu lầm ở đây có thể được hiểu là tư tưởng triết học đã từ lâu được đồng hoá với việc truy tìm bản chất của vật thể; và vô tình trong khuôn khổ đồng hoá minh triết với kiến thức về sự vật, con người và thần thánh đã bị đóng khung trong thế giới những vật thể vô hồn và đóng kín. Hệ quả là có một sự chuyển đổi các mối tương quan nguyên sơ, làm tha hoá các chiều kích của nhân tính: vật thể như con cá, con chồn hay cây cỏ được mang một hình thù quái dị, giả tạo, tưởng như là người, như là thần (Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh), nhưng tất cả chỉ là thế giới của nhân vi và ảo giác.
Tư tưởng, minh triết nơi Lĩnh Nam Chích Quái không phải không lý đến sự hiểu biết về sự vật, nhưng nói theo ngôn ngữ của Georges Gusdorf ưu tư chính yếu là ý nghĩa của cuộc sống và thân phận con người. Tư tưởng là tiếp nhận một hơi thở, một cảm năng, tức là hội tụ và phát triển các mối tương giao toàn diện làm cho con người sống đúng thân phận mình. Sự sống đó (sens) là năng lực của các mối tương giao, ta còn gọi là những chiều kích nối kết con người với Trời và Đất và đồng loại.
Lạc Long Quân là Sùng Lãm, nơi tụ hội của Kinh Dương Vương (Trời) và Long Nữ (Đất) cư ngụ nơi thời gian, không gian, nhưng vượt lên thời gian và không gian. Khi một trong ba chiều kích nầy bị quên lãng, thì tư tưởng là sức sống con người sẽ bị rối loạn, làm xuất hiện nhiều thế giới của Ngư Tinh, Hồ Tinh Mộc Tinh, và nhiều loại tinh ma khác.
III 2- Tương quan giữa người và thiên nhiên
Trong bản văn truyện Hồng Bàng Thị, tác giả Lĩnh Nam Chích Quái mở đầu bằng câu : "Cháu ba đời Viêm đế họ Thần Nông tên là Đế Minh".
Viêm đế là hình ảnh của sự sống của Trời (Viêm là hơi nóng bốc lên) ban cho sự sống của người (Đế Minh), và tiếp liền tác giả mô tả sự sống đặc biệt đó của nhân tính là sự qui tụ và phát huy của ba mối tương giao : Thần Nông (Đất) - Vụ Tiên (Trời) - Lộc Tục (Người).
Tam Tài nầy trùng hợp với Tam Tài của văn hoá Trung Hoa: Phục Hi (Trời), Thần Nông (Đất), Hoàng Đế (Người). Nhưng điểm dị biệt ở hai nền văn hoá nầy là phương cách diễn tả: Văn hoá Trung Hoa xếp Phục Hi ở đợt khởi thủy, còn văn hoá Việt Nam xếp Thần Nông vào vị trí đầu. Và trong toàn bộ bản văn Lĩnh Nam Chích Quái, tiếp theo bài tổng luận (truyện Hồng Bàng Thị) Vũ Quỳnh xếp ngay liền các truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh và Mộc Tinh.
Như ta đã trình bày phần trên, ba yếu tố Đất - Trời - Người trong các truyện nầy đều gắn bó với nhau, hàm ngụ cùng một nội dung như câu truyện đầu, nhưng đề tài nổi bật được nêu lên là nói đến mối tương giao của con người với trật tự tự nhiên. Hơn thế nữa trong mỗi câu truyện trong ba truyện nầy, tác giả mở đầu bằng việc xác định ngay tức khắc một khu vực địa lý thiên nhiên :
- "Trong biển Đông Hải" - (Ngư Tinh)
- "Thành Thăng Long ngày xưa gọi là đất Long Biên" - (Hồ Tinh)
- "Thuộc địa giới Phong Châu về đời thượng cổ" - (Mộc Tinh)
Nét đặc biệt đưa Thần Nông thiên nhiên ở vị trí đầu như thế cho thấy tâm thức của người Việt có lối cảm nhận trực tiếp và diễn tả qui nạp, nghĩa là đi từ nhận thức khả giác, kinh nghiệm cụ thể để dần hồi khám phá những chiều kích ẩn kín, phổ quát, cao rộng hơn. Và đây cũng là một lý do giải thích tại sao các tác giả văn học nước ta vào các đời Trần, Lê không bắt đầu bằng việc sáng tác những Kinh, Sách theo mẫu mực lý thuyết có tính cách phổ quát, trừu tượng của văn học minh triết Trung Hoa (chẳng hạn cuốn Đạo Đức Kinh, Trung Dung...).
Nhưng ngoài khuynh hướng tâm lý yêu mến thiên nhiên, quen thuộc lối diễn tả bằng những hình ảnh của sinh hoạt cụ thể hằng ngày, phải chăng truyền thống văn hoá Việt Nam, đặc biệt nội dung minh triết trong Lĩnh Nam Chích Quái nhấn mạnh rằng yếu tố vật chất, thiên nhiên chi phối và quyết định nhân tính và vận mệnh của con người? Và thứ đến, phải chăng đã có những manh mối trong các bản văn của Lĩnh Nam Chích Quái cho thấy đây là một lối diễn tả thô sơ của một học thuyết duy nhiên (naturalisme), hay duy vật (matérialisme) theo cách hiểu của truyền thống triết học Tây phương.
Như ta đã trình bày ở phần trên, ưu tư văn hoá hay còn gọi là tư tưởng truyền thống Việt Nam không nhằm truy tìm bản chất sự vật theo đường hướng của siêu hình học cổ truyền Tây phương.
Qua các bản văn chúng ta vừa nghiên cứu, không có một đọan văn nào, câu nào trong đó tác giả cố tâm nhằm truy cứu, mô tả hay định nghĩa một đối vật nào bất kỳ. Cũng vì thế nếu quen với lối suy tư dựa vào kiến thức sự vật, ta sẽ rất ngạc nhiên là trong một bản văn khai nguyên về nguồn gốc dân tộc, tại sao không có những yếu tố xác minh về sự hình thành con người theo nguyên tắc nhân quả. Việc diễn tả con người từ bọc lớn một trăm trứng thường được hiểu là một kiến thức hồ đồ, một trình độ khoa học còn ấu trĩ. Nhưng khung cảnh tư tưởng, lối diễn tả thi ca của toàn bản văn có cho phép ta có nhận xét đó không? Những từ ngữ như trời tròn, đất vuông, mẹ tròn, con vuông, có phải để diễn tả sự vật khách quan theo tiêu chuẩn khoa học hay nhằm gợi lên một ý nghĩa khác ?.
Viêm Đế, Thần Nông, Đế Minh, Lộc Tục...không phải là ai hay vật gì để có thể truy cứu, mà chỉ là những tượng trưng cho ý hướng mở ra của cuộc sống con người. Nói cách khác tư tưởng là đạo, là con đường sống của chính con người. Thiên nhiên, vật chất không hề được đặt nổi lên như một đối tượng riêng để truy cứu như ba đối tượng nghiên cứu của siêu hình học chuyên biệt trong truyền thống triết học Tây phương: Con người, Thượng Đế và Vũ trụ; lại càng không được quan niệm là một yếu tố duy nhất và nguyên thủy làm nên một vật thể là con người, khống chế toàn bộ cuộc sống con người. Thần Nông (đất) biểu thị cho chiều kích của nhân tính trong khuôn khổ trật tự tự nhiên nghĩa là thời gian, không gian cụ thể; giản lược nhân tính trong chiều kích đó mà thôi, thì Ngư Tinh, Hồ Tinh và Mộc Tinh sẽ xuất hiện, nghĩa là nhân tính bị thoái hoá. Ở đây chúng ta không thấy dấu tích của việc đánh giá thiên nhiên, vật chất như một phản đề của tinh thần, xuất hiện để từng giai đoạn thăng tiến, hoàn thành nhân tính toàn diện như biện chứng pháp của Hegel, lại càng không phải là thiên nhiên vật chất trong duy vật biện chứng pháp của Marx.
Tình trạng sa sẩy của con người trong lịch sử, khi chỉ biết đến thời gian - không gian và thế giới vật chất (tức là thế giới trong tầm tay sử dụng của con người), khi quên lãng hay đánh tráo chiều kích ẩn kín, hướng thượng (= Trời), là một nguy cơ trường kỳ gắn liền với thân phận con người bất kỳ ở thời đại nào. Do đó các mẩu chuyện Ngư Tinh, Hồ Tinh và Mộc Tinh luôn có giá trị văn hiến, vì chúng không phải là một bản văn mô tả tâm thức của một nhóm người trong một giai đoạn lịch sử, nhưng là biểu tượng của nhân tính phổ quát vượt thời gian và không gian.
Điểm lưu ý thứ hai là việc lầm lẫn hai nội dung chủ thuyết duy nhiên và tình trạng hồn nhiên-tự nhiên.
Thiên nhiên trong chủ thuyết duy nhiên (naturalisme) là vật chất và sức mạnh nội tại của nó được đánh giá như là thành tố tác tạo nên bản chất của nhân tính.
Còn chữ tự nhiên (spontané, originel) được gợi lên, chẳng hạn trong truyện Đầm Nhất Dạ (ảnh hưởng tư tưởng Lão Trang), là nhân tính nguyên sơ không có sự phê phán, can thiệp sửa đổi do hành vi sai trái của con người. Tự nhiên trong Lĩnh Nam Chích Quái là sống đúng đạo, tức là sự dung hợp toàn vẹn ba chiều kích Đất - Trời - Người.
Trong truyện Hồng Bàng Thị, Lạc Long Quân là tượng trưng cho các mối tương quan của nhân tính siêu việt mà duy nhiên thuyết không biết đến. Nhân vật nầy không xuất hiện liên tục trên đất (vật chất, thiên nhiên), không hề biết đến sự chết, nghĩa là không bị ràng buộc với giới hạn của thời gian. Ông biểu thị cho chiều kích "Linh ư vạn vật" của nhân tính.
Khi cố chuyển chiều kích siêu việt nầy vào sự tiếp nối liên tục của các hiện tượng trong thiên nhiên vật chất (như quan điểm phục diễn đời đời của Nietzsche, hay đà sinh lực của vũ trụ), con người đã 'làm trái đạo', đã tự tạo ra một thế giới nhân vi sai trái, trái với tự nhiên, trái với bản tính nguyên sơ. Và trong thế giới nhân vi đó, ta thấy con cá, con chồn hay cây cỏ dường như có thể thay được cho Lạc Long Quân trong ma lực của Ngư Tinh, Hồ Tinh và Mộc Tinh!
Tóm kết lại toàn bộ nội dung ba câu truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh và Mộc Tinh là sự diễn tả thân phận con người trong khung cảnh thiên nhiên và lịch sử. Ngư Tinh, Hồ Tinh và Mộc Tinh là nghiệp lầm lẫn Tuyệt-đối Ẩn-kín với vũ trụ, không gian - thời gian bên ngoài; các hình ảnh tượng trưng ấy là tài và tai trong thân phận nàng Kiều của Nguyễn Du. Tiên trên trời, Bạch-Y -Man sẽ là Thúc Sinh, Kinh Kệ, Từ Hải...Và tất cả thế giới nhân vi đó như phải chìm chết đi như Kiều trên sông Tiền Đường để kiến - ngộ được một chân trời chân thực của Đạo Tâm, của sự dung hợp chiều kích trọn vẹn của nhân tính nguyên sơ qua hình ảnh Lạc Long Quân.
Nhận xét nầy dựa theo Phan Huy Chú trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, quyển 15.
Xem lời Mở đầu của hai truyện Đổng Thiên Vương số VII và tập truyện Bánh Chưng số VIII, Lĩnh Nam Chích Quái.
Bản Dẫn nhập của bản dịch, tr. 20.
Kinh Thư I Ngu Thư I Nghiêu Điển, 11.
Kinh Thư I Ngu Thư V Ích Tắc, 1.
Kinh Thư I Ngu Thư III Đại Vũ Mô, 15. Tâm con người dễ sai trái; Tâm của Đạo lại tinh tế. Đạt được điều thiết yếu và nguyên sơ cần giữ lấy gốc bên trong.
Eschyle, Prométhée enchaîné, Từ câu 248....
Xem Thích Mãn Giác, Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, Viện đại học Vạn Hạnh xuất bản, Sàigòn, 1967, tr. 94 - 95.
Nguyễn Du, Kiều, các câu 3246, 3247, 3251, 3252.
G. Gusdorf, les Origines des sciences humaines, Payot, Paris, 1985, tr.23.