Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.143.229
 
Câu Chuyện Củ Những Cánh Lá
Hào Vũ

(Hay là câu chuyện của một sĩ quan chế độ cũ cải tạo trở về)

 

Đọc tạp bút Vớt lá trên sông của Cao Thoại Châu, nhà xuất bản Hội Nhà Văn -2010

 

 

Một giáo viên bị động viên đi lính làm sĩ quan chế độ cũ vô tình trở thành giao liên cho cách mạng, anh chuyển thư từ tài liệu kể cả thuốc tây tới một địa điểm trung chuyển theo “ sự nhờ vả” của một nữ chủ quán. Lúc đầu cứ nghĩ đây chỉ là một trò chơi, do những thứ anh “chuyển giúp” chỉ là giấy sáp, (stancil), thuốc tây, anh cho là những thứ “vô hại”. Sau dần anh lờ mờ cảm nhận được bản chất của công việc,và bắt đầu sợ, nhưng lại không nỡ từ chối. Cái gì khiến anh không nỡ từ chối? Cao Thoại Châu tâm sự. “ … tôi bắt đầu sợ nhưng không rõ vì sao tôi không từ chối những việc chị nhờ” ( trang 74).

 

An ninh quân đội của chế độ Sài Gòn nghi ngờ mối quan hệ của anh. Đến một bữa bất ngờ chúng xộc vào quán. Và Cao Thoại Châu cũng bất ngờ bị người phụ nữ kia ôm ghì lấy ấn nằm xuống giường để che mắt tên trung uý an ninh quân đội. Tai qua nạn khỏi. Nhưng câu chuyện chưa hết. Giải phóng, như bao binh lính của chế độ cũ, anh vào trại cải tạo. Không phải vô tình, một bữa người phụ nữ kia đi cùng với chồng là một sĩ quan quân đội vào thăm trại thăm người cũ. Nhận ra Cao Thoại Châu chị chào hỏi và xin bảo lãnh cho anh ra sớm. Anh được ra trại sớm, nhưng đã từ chối, chấp nhận ở lại cải tạo cho hết thời gian quy định.

 

Đó là câu chuyện được Cao Thoại Châu  kể lại trong một đoạn văn mà ông gọi là tạp bút trong tổng số 37 tạp bút in trong tập. Tại sao Cao Thoại Châu “không nỡ” từ chối một công việc nguy hiểm đến tính mạng của ông, một công việc trái ngược với những gì ông được đào tạo, được huấn luyện và được trả lương? Không thể trả lời được câu hỏi ấy nếu ta không đọc hết cuốn Tạp bút “Vớt lá trên sông”.

 

Có thể nói rằng, cuốn Tạp bút của Cao Thoại Châu được viết như một cuốn tự truyện. Các bài được sắp xếp đặt bên cạnh nhau, cái sau bổ sung cho cái trước, có những lúc lan man nhưng lại trung thành với chủ đề, tạo thành một tổng thể chặt chẽ kể về câu chuyện của một con người. Đó là câu chuyện của chính tác giả. Tôi tin những sự kiện được tác giả kể lại trong cuốn Tạp bút là hoàn toàn chân thực.Từ một chú bé học trò thành Nam, ( tỉnh Nam Định), lạc gia đình, theo tàu vào Nam tại Hải Phòng ( 1955), rồi cứ thế cuộc sống đưa đẩy, trở thành giáo viên dạy văn, bị cảnh sát “dằn mặt’ vì có khuynh hướng đề cao chế độ đối nghịch ở miền Bắc, rồi bị gọi lính, cũng nhờ bản tính tôn sư  trọng đạo được thầy cũ yêu,  giới thiệu cho một vị trí công việc xa hòn tên mũi đạn… Hoà bình, đi cải tạo, rồi trở về, trở lại làm nghề dạy trẻ cho đến khi nghỉ hưu. Và suốt cuộc đời của con người ấy có một sợi chỉ xuyên suốt, công việc thứ hai, nhọc nhằn, vất vả, nhưng đầy hứng thú: làm thơ. Những ý thơ, những tinh tuý của ngôn ngữ Việt, những cảm xúc trước cái đẹp cứ đeo đẳng suốt cả cuộc đời, có lẽ là cho đến hết cuộc đời. Vâng, chính là cảm xúc trước cái đẹp đã giúp ông vượt qua được mọi sóng gió cuộc đời, sống thanh thản hơn, đành là nhiều khi phải trả giá cho nó, nhưng để rồi sau đó lòng càng thêm thanh thản.

 

Ta sẽ ứa nước mắt khi nghe ông kể về đứa con gái nhỏ của ông chết vì sốt xuất huyết lúc ông đang ở trại cải tạo. Ông được trại cho về phép, cũng chỉ kịp nhìn thấy con lần cuối cùng trong hình hài lạnh giá, rồi sau đó mấy chục năm là một nhúm tro nhỏ bé của con được đưa về nhà. Rồi là những tháng ngày ở trại cải tạo với người quản trại tốt bụng, những tháng ngày gian khó của thời bao cấp…Ta cũng cùng ông trải qua những tháng ngày trong chế độ cũ đầy cạm bẫy, những cảm xúc trước sinh mạng của một con người… Tất cả được kể lại trong những tạp bút ngắn gọn, với một giọng văn bình tĩnh, sâu lắng.

 

Trong cuốn sách của mình, Cao Thoại Châu có một đôi bài nói về nghề viết, về một hai tác giả mà ông yêu thích, về một tác phẩm mà ông yêu thích. Nếu đứng riêng ra, những tạp bút đó sẽ là những bài giới thiệu, bình giảng văn chương thú vị. Như bài ông viết về một nhạc sĩ mà ông yêu. “ Ca khúc Trịnh buồn, (…) cái buồn không đẩy người nghe xuống mà đồng hành với họ” (Trang 167). Một nhận xét tinh tế như thế còn hơn nhiều lần những lời tán dương đao to búa lớn.

 

Những bài viết ấy, đặt trong cuốn sách này, đã tạo ra một hiệu ứng kép. Hiệu ứng về một hướng tiếp cận thẩm mỹ, và hiệu ứng cảm nhận về chính tác giả, giống như ta được tác giả cho phép du lịch vào chính nội tâm của ông vậy.

Một số bài viết về những con vật mà ông yêu quý trong tập, mặc dù có vẻ đơn giản, hoặc cá biệt có bài tôi không thích, nhưng chúng đã tạo được hiệu ứng cảm nhận về tác giả, và chỉ với hiệu ứng ấy, nó đã có đủ lý do có mặt trong tập sách.

 

Khi gấp cuốn sách, một điều dễ nhận thấy, chính là cảm xúc trước cái đẹp, cái đẹp của chân, thiện, mỹ đã chi phối mọi ứng xử của tác giả trong suốt cuộc đời mình. Và cũng chính nó đã trở thành cứu cánh cho ông vượt qua mọi giông gió cuộc đời.

 

*

 

Tôi đã đọc một số tập sách in những đoạn văn ngắn của một hay nhiều tác giả. Thật khó có thể có một quy định thể loại chung cho những đoạn văn ngắn ấy. Có người gọi nó là tản văn, người thì gọi là viết ngắn, người thì gọi là tạp văn, có người gọi nó là tạp bút như Cao Thoại Châu. Những năm 60 của thế kỷ 20, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội có một chuyên mục “Những đoạn văn ngắn” đọc cũng rất thú vị. Tất cả đều có cái chung, đó là văn xuôi, rất ngắn. Không phải là một bài ký hoàn chỉnh.Và không có một cấu tứ như truyện ngắn. Nó có thể được viết như một ánh chớp của cảm xúc, có cái lại như một bài thơ viết bằng văn xuôi, có cái đơn giản chỉ là thuật lại lại một địa điểm nào đó bằng một lối hành văn báo chí, rồi có một đoạn trữ tình ngoài đề, đọc cũng rất thich… Hoặc như Cao Thoại Châu là những đoạn văn kể về những khúc đoạn khó quên cuả cuộc đời mình. Có lẽ chính sự đa dạng như thế, nên mỗi tác giả, tự chiêm nghiệm và cho nó một cái tên thể loại mà mình nghĩ ra. Cao Thoại Châu có lẽ cũng ở trong trường hợp ấy.

 

Cao Thoại Châu là người làm thơ. Ông đã in nhiều tập thơ. Một điều dễ nhận thấy trong cuốn sách này ông đã viết trong một tâm thế khác, rằng thơ đã bất lực trước những điều ông muốn nói, ông tìm sự cứu giúp ở văn xuôi. Có ai đó nói, thể loại viết ngắn như là gạch nối giữa thơ và văn xôi. Ở trong tập tạp bút  Vớt lá trên sông, tôi chỉ nhận thấy, nó được viết ra bởi người làm thơ, các câu chữ văn xuôi qua tay người làm thơ được trau chuốt thật kỹ lưỡng trước khi hiện ra với đầy đủ sức mạnh của nó. Chính điều đó cho tôi một cảm giác, chỉ là cảm giác, cả tập sách 228 trang ấy không có chữ nào thừa.

 

Ngày 11/5/2011

 

Hào Vũ
Số lần đọc: 1886
Ngày đăng: 21.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuộc Trải Nghiệm Của Hành Trình Cách Viết, Cách Đọc Mới. - Trần Hữu Dũng
Thưa Ông An Chi, Mày Ngài Là Hàng Nội! - Hà văn Thùy
Giới thiệu sách: Giải thích Ý thức - Lê Hải*
Đã đến lúc Việt Nam phải lựa chọn - Lê Ngọc Thống
Lễ hội tôn vinh thơ hay lễ hội diệt thơ? - Hoàng Xuân Hoạ
Tuyển tập Còn Chút Nắng Sài Gòn. - Nhiều Tác Giả
Nỗi Đau Nho Nhỏ Của Người Yêu Sách - Vũ Anh Tuấn
Có một miền nhớ đòi lên tiếng - Trần Quang Quý
Nên Dẫn Đủ 35 Chữ Trong Chúc Thư Của Victor Hugo - Vũ Anh Tuấn
Trăn Trở Trước Thềm Năm Học Mới - Bùi Công Thuấn