Nghen đi theo người đàn ông khác, bỏ lại hai đứa con nhỏ cho Thùng. Thằng Ním lên tám, con Ẻn lên năm, đứa trứng gà, đứa trứng vịt. Thùng buồn lắm, uống rượu liên miên say khật khưỡng. Hai đứa con, thằng Ním và con Ẻn chẳng tội tình gì, nay bỗng nhiên phải hứng chịu cảnh: Mẹ bỏ nhà theo đàn ông; bố thì suốt ngày giải khuây trong rượu, quên cả con cái. Cho đến một hôm, khi con Ẻn lả đi suýt chết vì đói thì Thùng mới hối hận, thương con mà tỉnh táo lại, không đắm chìm say trong men rượu nữa. Thùng từng nghe người già trong bản bảo: "Đời có muôn cái thác nước khổ, nên đàn ông và đàn bà phải kết hợp với nhau thành vợ chồng, ngồi chung con thuyền, để dựa vào nhau cùng vượt thác". Nay Nghen bỏ đi, con thuyền chỉ còn lại độc mình Thùng tự chèo chống vượt qua thác khổ.
Thùng vốn là tay thợ mộc giỏi, đã từng đi dựng hàng trăm ngôi nhà sàn to đẹp. Nhưng nay Nghen bỏ đi, Thùng đành phải thôi nghề, chỉ làm những việc loanh quanh gần nhà để còn tiện trông con. Nghề mộc dựng nhà sàn tuy kiếm được tiền, nhưng thường phải đi làm xa. Thùng mà đi làm, ai sẽ ở nhà trông hộ hai đứa con nhỏ?
Từ khi nhà vắng Nghen, tự nhiên con Ẻn biếng ăn biếng chơi, nom lúc nào cũng thẫn thờ như mất hồn, ngủ cứ tầm nửa đêm là vùng dậy khóc ỉ ôi đòi mẹ. Thằng Ním thì nằng nặc muốn bỏ học. Mới tí tuổi đầu mà nó nói những câu nghe buốt lòng:
- Mẹ bỏ đi rồi! Con không muốn học nữa, ở nhà làm việc kiếm tiền cùng với bố thôi!
Thùng nghe thấy thương, nhưng vẫn bẻ một cành lá xanh làm roi vụt con. Không thể để thằng Ním, một thằng bé mới tám tuổi nghĩ tới chuyện bỏ học.
Tùng vừa vụt, vừa bảo:
- Làm việc kiếm tiền nuôi các con là việc của bố. Đi học làm sao cho thật giỏi là việc của con.
Con mà không chịu đi học, bố còn vụt nữa.
Thằng Ním nghe lời bố, chăm đi học trở lại.
Song, việc của thằng Ním vừa ổn, thì con Ẻn lại bị ốm. Không biết bệnh gì mà nó cứ ốm dằng dai mãi không khỏi. Thùng đành phải gác bỏ tạm tất cả mọi công việc kiếm tiền, chỉ dồn sức chăm lo cho con Ẻn. Nó khó ngủ thì Thùng ru:
"Ngủ ngoan hỡi em
"Ngủ ngoan đợi anh đi bắt cá
"Ngủ ngoan đợi cô ra ruộng tìm măng
"Hái được cây măng bẹ đỏ
"Bắt được con cánh cam
"Bắt được con đại bàng núi…"
Giọng của Thùng hát ru ồm ồm, đôi chỗ nghe như đấm vào tai, vậy mà cũng giúp được cho con Ẻn ngủ thiêm thiếp. Dường như con Ẻn nghiện tiếng ru. Thùng ngừng ru là nó trở quậy mình khóc thút thít. Thùng ru, nó lại tiếp tục thiêm thiếp ngủ. Con Ẻn nhớ mẹ, ngay cả ở trong cơn mơ nó cũng nức nở khóc gọi mẹ thành tiếng.
Vất vả chăm sóc con Ẻn ốm, người Thùng gầy rạc hẳn đi, xương nhô nom như con tắc kè, gương mặt hốc hác, râu đâm chĩa tua tủa. Thằng Ním thương bố, thương em, nên nảy ý định trốn không đi học một buổi để lẻn một mình ra ruộng tìm bắt nhái. Khá lâu rồi, bữa cơm nhà nó chỉ toàn ăn canh rau suông. Nó biết, em Ẻn ốm dài ngày như vậy, bố nó phải ở nhà chăm em thì kiếm đâu ra tiền. Nhà còn có gạo ăn là tốt rồi. Vậy là đứa trẻ con như nó nghĩ đơn giản, phải đi bắt nhái. Được ăn thêm miếng thịt nhái băm cuộn nướng lá lốt, hay là xào ớt, hoặc nấu măng chua, chắc chắn em Ẻn sẽ đỡ ốm, bố Thùng trông em cũng sẽ bớt hẳn mỏi mệt.
Thằng Ním sợ bố biết, nên vẫn ôm sách cầm bút, giả vờ đi học như bình thường, nhưng ra khỏi nhà là nó đem giấu toàn bộ sách bút vào một bụi cây rậm, rồi sau đó cứ thế để đầu trần đi ra ruộng. Đang vào mùa nhái họp đàn, nên ngoài ruộng có khá nhiều nhái. Chúng kêu ọt ẹt gọi nhau. Không kể con to hay bé, cứ thấy nhái là thằng Ním vồ. Nhái nhát người, thấy động là nhảy. Thằng Ním đuổi theo. Có những con nhái thằng Ním phải đuổi vồ đến hàng mấy chục lần mới bắt được. Mải mê đuổi bắt nhái, thằng Ním quên cả thời gian.
Đã trưa muộn. Thùng bồn chồn sốt ruột. Buổi học chắc chắn đã tan từ lâu rồi sao thằng Ním chưa về? Thường ngày, nó là đứa trẻ ngoan, tan học là về ngay nhà, không bao giờ chơi lêu bêu chỗ này chỗ khác. Thế nên, nay thằng Ním về muộn Thùng chỉ lo nó bị làm sao.
Tuy sốt ruột, nhưng Thùng không dám liều bỏ mặc con Ẻn để đi tìm thằng Ním. Thùng thở dài thườn thượt nhớ vợ, nhớ tới người đàn bà đã bội bạc bồng bột bỏ nhà mà đi. Ôi, giá như Nghen, mẹ của thằng Ním con Ẻn đừng bỏ đi, thì Thùng đâu lâm phải cảnh lấn bấn thế này. Đúng là, một mình Thùng xoay xở nuôi hai đứa con nhỏ khó quá. Thề dưới bóng của dãy núi Khọ Lộng vạn triệu năm tuổi kia, cho dù có đến cả trăm ngàn lý do chính đáng để kết tội Nghen, nhưng nếu Nghen trở về thì Thùng cũng vẫn sẽ sẵn sàng tha thứ tất cả.
Trong lúc Thùng đang bồn chồn lo lắng thì thằng Ním hớn hở xách xâu nhái về, áo quần, đầu tóc nó lấm bê bết, nhìn chẳng khác gì con ma bùn đất. Nó tưởng sẽ được bố khen. Nào ngờ, Thùng quắc mắt, quát:
- Hoá ra là mày trốn học đi bắt nhái. Ai cho mày làm thế!
Chỉ những khi giận dữ lắm thì Thùng mới gọi con bằng mày. Biết là bố đang rất giận, Thằng Ním sợ tái mặt, đầu cúi gằm xuống ngực, nước mắt rơm rớm, trên tay vẫn xách nguyên xâu nhái, đứng di di ngón chân cái lên sàn nhà. Thùng bước sấn tới, giằng lấy xâu nhái vứt xuống sân. Thằng Ním bật khóc oà. Lòng Thùng dịu lại, xoè ngửa hai bàn tay chai sần, xước xẹo ra trước mặt thằng Ním.
- Con hãy nhìn tay bố đây này, đầy chai sẹo cũng vì bởi nghèo khổ và không biết chữ. Cho nên, bố chỉ mong con học thật chăm, để sau này có thể sống tốt hơn hẳn đời bố!
Thằng Ním nhìn bàn tay bố không chớp mắt. Nó thôi khóc lớn, chỉ còn hơi sụt sà sụt sịt, hai dòng nước mũi chảy thập thò.
Thùng vắt mũi cho con, rồi bảo:
- Thôi, bố không mắng nữa, con hãy lấy quần áo ra suối tắm cho sạch sẽ. Mau rồi về ăn cơm!
Thằng Ním ngó nhìn xuống xâu nhái ở dưới sân. Biết ý thằng Ním, Thùng nói:
- Được rồi, để bố xuống nhặt lấy xâu nhái. Công con đi bắt cả buổi, nếu vứt thì tiếc lắm.
Vì phải đợi làm và nướng thêm món thịt nhái, nên sang đến tận đầu chiều nhà Thùng mới được ăn cơm trưa. Con Ẻn đang ốm mà xúc cơm ăn ngon lành, nó khen cơm hôm nay ngon vì có món nhái nướng lá lốt. Thằng Ním cười vui vì đã có công bắt nhái. Nhưng Thùng thì lòng buồn không vui. Con mình đúng là quá khổ sở thiệt thòi, được ăn có mỗi món nhái nướng thôi cũng đã cảm thấy rất sung sướng lắm rồi. Con nó như vậy, mình là bố vui sao được.
*
Con Ẻn vẫn cứ ốm lay lắt mãi không khỏi, hai mắt nó trũng sâu, da nửa mái xanh nửa vàng, nom tội nghiệp. Đã mấy lần Thùng đưa ra con tới bệnh viện chữa trị, nhưng lần nào cũng chỉ là chữa tạm thời, bởi bác sỹ chẩn đoán mãi không chính xác được bệnh.
Có bệnh thì vái tứ phương, Thùng bèn tìm tới thầy lang người Dao, nhờ thầy vừa cúng vừa bốc cho thuốc chữa. Thầy lang cúng xong lễ, thì xem người, bắt mạch rồi nói:
- Bệnh của con bé này chỉ có thể dùng cây Tiên Một Lá chữa mới khỏi. Nhưng loại cây này vô cùng hiếm, khó kiếm lắm, chỉ mọc ở trên những vách đá tai mèo hiểm trở nơi rừng già, tận chỗ dãy núi Khọ Lộng cao ngất kia thôi, có cơ may thì mới lấy được.
Thương con, Thùng bảo:
- Thầy lang cứ nói cho tôi biết cây Tiên Một Lá nó nom như thế nào. Dù khó đến mấy tôi cũng sẽ đi lấy bằng được về để chữa bệnh cho con Ẻn.
Thấy Thùng quyết tâm, thầy lang người Dao bèn tả hình dạng cây Tiên Một Lá để cho Thùng khác tự đi tìm lấy về làm thuốc quý.
Sau khi gói xôi, gói gà tiễn thầy lang xong, Thùng chuẩn bị mọi thứ để đi vào rừng già kiếm cây Tiên Một Lá. Trước khi đi, Thùng dặn thằng Ním:
- Bố phải vào rừng vài ngày để kiếm thuốc chữa bệnh cho em. Gạo nước để cho các con bố đã chuẩn bị sẵn. Và bố cũng đã nhờ bác Nghẹn cho chị Ngận sang trông nhà cùng các con rồi. Con ở nhà phải giúp chị chăm em cho thật cẩn thận.
Thùng còn dặn thêm:
- Hằng đêm, trước khi đi ngủ con nhớ thắp một ngọn đèn dầu để ở gần cạnh cửa, nhớ chưa!
Thằng Ním đáp:
- Vâng, Con nhớ!
Thùng bắt đầu thắt vỏ bao đựng con dao bản vào ngang hông, khoác túi đựng những đồ cần thiết đem theo, rồi cứ thế đạp sương sớm để đi vào rừng già. Thùng miệt mài bước, nhắm hướng đỉnh núi đá tai mèo cao vút, nơi có những thân cây cổ thụ mốc thếch rêu bám mà bươn tới.
Thùng đi và ngủ qua đêm trong rừng, đi hết hai ngày mới tới được chỗ vách núi đá rừng già, nơi thuộc dãy núi Khọ Lộng cao ngất, huyền bí. Rừng già ở đây hoang vu âm u, có những chỗ khi tia nắng trời chiếu lọt xuống được đến mặt đất thì chỉ còn nhạt nhoà mờ ảo. Không thấy có muông thú. Vắng cả tiếng chim rừng. Tĩnh lặng đến độ, chỉ cần thả ra một tiếng động gì đó thôi, âm thanh sẽ được vách đá núi vọng dội lại nghe gần như nguyên vẹn. Mênh mông rợn ngợp. Mùi lá mục lẩn quất. Thỉnh thoảng mới thấy có bóng đại bàng núi sải cánh rộng bay qua phía đỉnh đầu. Thùng thoáng rùng mình, rồi chính thức bắt tay vào cuộc tìm kiếm cây Tiên Một Lá. Thùng bước chậm từng bước, ngửa mặt nhìn xăm xoi lên từng chỗ trên vách đá cao dựng đứng. Măng đá nhọn đâm trồi lên chi chít, không có chỗ cho bằng phẳng. Cây trên vách đá mọc trổ theo đủ kiểu hình dáng, những rễ cây từ trên vách đá rủ xuống uốn cong lượt thượt như đàn trăn lượn. Thùng tìm mãi, ngửa mỏi cả cổ mà chẳng thấy bóng dáng cây Tiên Một Lá đâu. Mây núi sà vờn che tầm nhìn như muốn giấu không để cho Thùng tìm thấy. Thùng tự nhủ rằng mình cần phải kiên trì. Hãy chịu khó, không được nản, ở gần quanh đây chắc chắn sẽ có cây Tiên Một Lá.
Thế rồi, có một chiếc lá xanh tím bóng mướt hình trái tim mọc đính trên thân cuộng tía đỏ hiện ra trước mắt Thùng. Ánh mắt Thùng sáng lên mừng rỡ. Kia đúng là cây Tiên Một Lá như lời thầy lang người Dao đã tả không sai. Không chút chần chừ, Thùng bám theo dây leo để trèo lên vách đá. Thùng cố gắng cẩn thận đặt bàn chân lên từng kẽ đá mướt rêu trơn. Leo ngang đến chỗ cây Tiên Một Lá, Thùng đưa tay với sang. Cây ở khá xa tầm cánh tay. Thùng một tay bám dây leo, một tay cố với. Vẫn không được. Vậy là Thùng đạp mạnh chân vào vách đá để người văng tới chỗ cây Tiên Một Lá. Một lần, hai lần, ba lần,… dây leo lúc lắc đu đưa. Thùng không hề để ý rằng ở phía trên đầu dây đang bị cứa cọ vào mũi đá sắc. Thùng cố đạp mạnh thêm lần nữa. Phựt! Dây leo đứt phụt. Thùng hẫng người chới với, rơi thẳng từ trên vách đá cao xuống, chưa kịp hiểu có chuyện gì xảy ra thì thân người Thùng đã nằm sõng sượt trên thảm đệm lá khô mục. Có tiếng đại bàng kêu thảng thốt phá tan tĩnh lặng của rừng hoang âm u. Vía hồn Thùng, giọt nước trước đây trôi trong cõi bể trầm luân trần gian nay đã bốc hơi thoát bay vào cõi vô tận. Cây Tiên Một Lá thì vẫn nguyên vẹn mọc giữa lưng chừng vách núi đá cao dựng đứng.
Ở nhà, thằng Ním và con Ẻn nóng lòng mong đợi bố. Nhớ lời bố Thùng dặn, đêm nào thằng Ním cũng thắp ngọn đèn dầu để gần cạnh ngay chỗ cửa ra vào. Nó không hề biết, đó là ngọn đèn Thùng vẫn thắp hằng đêm, với hy vọng rằng rồi có lúc Nghen sẽ trở về. Có ngọn đèn sáng đợi cửa, nếu Nghen trở về trong đêm thì sẽ biết nhà mình ở đâu mà không lạc lối.
Nhưng giờ, không chỉ riêng để đợi Nghen, ngọn đèn dầu đặt gần cạnh cửa còn được thắp để đợi Thùng về. Ngọn đèn với vầng sáng nhỏ leo lắt trước những ngọn gió tái tê từ phía núi Khọ Lộng lùa thổi tới./.
Nguyên văn tiếng Thái: "Noọng nọn lắp nọn đi/ Nọn thả pí pay tủm au pa/ Nọn thả a pay nạ au nó/ Đảy mé nó cáp đeng/ Đảy mé mẹng cản cắm/ Đảy tô lắm khọ lại…".