Tôi hỏi bâng quơ về miền quê xa lắc nào đó nơi tận cùng ký ức. Nơi đó có thể là quê hương của ai đó mà tôi đang trò chuyện cùng, hoặc cũng có thể là quê hương của bao nhiêu con người đang da diết nhớ, đang ray rứt tận cùng khi phải vì lý do nào đó họ đã ra đi. Có thể nỗi nhớ trong họ dồn nén đến đặc quánh lại, và tôi hiểu rất rõ một điều là mình đã sống tệ bạc với quê như chưa từng tệ hơn thế.
Thì quê mình đang mưa đó thôi, cơn mưa như muốn sẻ chia nỗi đau từ khúc ruột miền Trung xa xôi ngoài ấy, mưa cả trong lòng đứa con xa quê nên chiều tối nay bỗng thấy lòng mình hoang hoải đến như vậy. Bất chợt hỏi như kẻ vô thức, như kẻ vô tình chạm phải điều gì đó không được nhận định rõ, điều gì đó mơ hồ: "Giờ này dưới quê có mưa không?"
Sao tôi lại không thể hỏi rõ hơn chút về nơi đó? Tôi đã có thể hỏi: "Giờ này quê mình có mưa không?" Hai tiếng “quê mình” ...nghe sao mà thương đến vậy. Lâu lắm rồi tôi quên mất khái niệm về một vùng quê bình yên của thời còn biết dán con diều bằng giấy. Dẫu quê mình không nghèo, không giàu, không chạy theo điều được gọi là "đô thị hóa" thì đứa đã bỏ đi như mình thiệt là bội bạc.
Quê nội mà, nơi có đứa mỗi chiều hí hửng bắt loa tay lên miệng gọi: "Đò...ơi... ....đ..ò...” dù chưa thật sự muốn sang bến bên kia. Cứ gọi thế để được nhìn thấy một bến sông lặng lờ câu mái đẩy, để thấy chị lái đò tay chèo tay vén mái tóc ngược ra sau. Để được nghe tiếng óc ách của con sóng vỗ mạn xuồng trong chiều thinh lặng, rồi mơ màng rên rỉ mấy câu thơ. Quê nội mà, nơi mà mỗi sớm mai khoác thật nhanh vào chiếc áo bà ba, cắp chiếc rổ ra vườn hái vài ba cọng rau tập tàng, nhổ đôi ba luống cỏ. Cứ thích chạm vào những thứ còn đẫm ướt hơi sương và miên man mùi đất sớm. Ôi sao mà nhớ quay quắt thứ hương đồng cỏ nội quê mình.
Quê nội, nơi mà mỗi chiều có đứa khom người xuống sát nền đất để thổi lửa chơi cho thấy khói chiều. Nội mắng: ”Cái con nhỏ mới mười lăm, mười sáu tuổi đã lơ tơ mơ, động đâu vỡ đồ đến đấy!”
Khi khổng khi không thèm nhìn khói chiều luênh loang trên mái rạ nên cứ đốt lò cho câu thơ còn lủng củng bay lên, câu thơ bé bỏng ngày xưa hình như vẫn còn vương trên chái bếp, nên chiều nay có đứa đã hơn ba mươi lại bắt gặp mình đang lạc lõng giữa miền ký ức xa tít tắp.
Quê nội giờ này có mưa không? Nơi mà mỗi nhịp cầu ao là một bến bờ bình yên nhất, ở nơi đó có ba chị em tôi chưa từng biết tắt tiếng cười giòn giã, dù mỗi bận há miệng cười là mỗi bận bị uống nước sông, cái bập chuối trơn tuột trồi lên, hụp xuống và giọng cười hồn nhiên vang vọng cả một bến sông.
Quê nội, nơi mà cái ngạch cửa và tô cơm nguội luôn gắn liền trong nỗi nhớ. Trời mưa lâm thâm, có đứa dầm mưa xong đói bụng, bới tô cơm, chan gáo nước mưa và ngồi ngay ngạch cửa lùa lấy lùa để với vài con khô sặt. Cái ngon, cái nghẹn của quê hương nghe sao ngọt lịm như thứ nước mưa mùa trước nội chứa trong khạp trước sân nhà.
Quê nội, bây giờ mọi thứ đã không còn. Ngày nội gần về với đất, nội hờn trách: ”Ai cũng nói đi Sài Gòn chơi vài bữa rồi đi luôn không về nữa” ”Ai” mà nội nhắc là mấy đứa cháu vô tâm chúng tôi, đứa nào cũng muốn quên, không muốn nhớ đến ngôi nhà ba gian và mảnh vườn cỏn con đó. Nơi nội chăm chút từng cọng rau con cá đùm bọc đám cháu cù bất cù bơ, nơi mà có cả một quãng thời gian dài lê thê nội đã từng sớm hôm trông ngóng những đứa cháu luôn không muốn về.
Quê nội giờ này có mưa không?
Tôi cũng không biết nữa.