"Nhanh tay lên một chút rồi nghỉ, con!".
"Tối nay có trăng mà ông".
Ông Nam đổ thùng rác lên xe cút kít, miệng hối thằng bé đang mải mê giơ chân nghịch sóng. Một khúc cây khô bị sóng tấp vào bãi, thằng bé lon ton chạy tới. Nó khệ nệ ôm khúc cây để riêng nơi rặng dừa, nằm khuất sâu phía trong.
Buổi chiều xuống thật nhanh trên xóm Vịnh. Mặt trời đã khuất dần phía bên kia núi, vướng lại trên không trung vài tia nắng vàng nhạt. Gió biển càng lúc càng mạnh. Xen lẫn trong làn gió chút se se lạnh của mùa bấc từ phương Bắc thổi về, mang theo sự khô hanh và rin rít của muối mặn. Ngày lập đông đến rồi. Ông Nam nhận biết điều đó khi nhìn thấy những đàn chim từ xứ lạnh lũ lượt đổ về vùng nhiệt đới này.
Chùi hai bàn tay dính đầy cát vào vạt áo, ông Nam khum xuống nâng càng xe và thằng bé thì hì hục đẩy từ phía sau. Bánh xe cút kít hằn sâu một đường lên mặt cát mịn màng, trắng phau. Cứ thế, hai ông cháu kéo hết xe rác này đến xe rác khác cho đến khi bãi cát dài gần một cây số trở nên sạch trơn như một tấm vải lụa.
Trời sập tối lúc mọi chuyện cũng vừa xong. Sắc vàng tươi ban chiều biến mất, thay vào đó là màu tím thẫm của biển cả. Họ bước dần xuống mép nước để rửa ráy qua loa. Gần như cùng một lúc, trong tích tắc, hai ông cháu đều đứng ngẩn người ra nhìn vầng trăng như một quả cầu lửa, ấm áp, ngoi lên phía chân trời.
"Con về trước đây" - Thằng bé bật thốt sau vài phút lặng im - "Tối nay mấy đứa trong xóm rủ con đi rằm".
"Có đi cũng phải về sớm".
"Con biết mà".
"Coi chừng vấp té!".
Ông Nam nói với theo lúc thằng bé lao đi như một mũi tên. Ông trìu mến nhìn theo một lúc lâu. Thằng bé tuy hay nghich phá nhưng thông minh. Mới có 12 tuổi đầu nhưng nó đã có kiểu nói chuyện và hỏi han bắt chước người lớn. Ông nhớ, cách đây sáu tháng, ông dẫn nó đi chơi ở thị xã. Lúc ngồi trong một quán nước giải khát, nghe một tốp sinh viên cao đẳng đang kháo nhau một cách tâng bốc sự siêu đẳng của máy vi tính, có thể thay người làm tất cả mọi chuyện. Ông nghe nhưng không tưởng tượng nổi đó là chiếc máy quái quỷ gì bởi lẽ nhà ông ngay cả cái ti vi đen trắng còn chưa có, huống hồ... Nghe vậy, thằng bé háo hức sà đến làm quen và hỏi tốp sinh viên nọ đủ thứ chuyện về chiếc máy diệu kỳ kia. Cuối cùng, nó buông một câu khiến ai nấy có mặt trong quán đều ôm bụng cười ra nước mắt: "Thế máy vi tính có lượm rác thay ông cháu em được không, mấy anh? Sau này nhất định em sẽ cố làm ra tiền để sắm cho ông một cái".
Mỉm cười một mình, ông Nam lững thững đi tắt qua khu du lịch. Những ngày đầu tuần, buổi tối khu du lịch thường vắng tanh. Du khách đến đây buổi sáng và vội vã về trong ngày, bỏ lại sau lưng đủ loại rác rưởi, từ túi ni lông, vỏ lon bia, đôi guốc sứt quai cho đến cả những bao cao su... Ông lượm rác còn thằng bé thì phân loại. Cây khô từ biển tấp vào đem về làm củi chụm. Thứ nào bán ve chai được thì bán, đỡ đồng nào hay đồng đó.
Qua khỏi khu du lịch một đỗi là đến xóm chài. Chui qua những sào lưới chằng chịt, trong gió đã thoang thoảng có mùi cá khô và mùi nước mắm. Lúc đó ông mới dứt khỏi luồng suy nghĩ về thằng bé.
Ông bước vào quán rượu bà Tư Lý nằm nép mình dưới rặng dừa. Đó là một quán rượu nhỏ, ẩm thấp, nồng nặc mùi khói thuốc rê và mùi tỏi chiên. Đám ngư dân đang say ngất ngư. Một gã thanh niên có mái tóc bờm xờm đang hát một khúc ca gì đó về biển cả. Tất cả lè nhè hát theo. Gió biển vẫn rít ào ào qua những rặng dừa.
Trái với những người già khác, ông Nam lại thích thú với cảnh sôi động của quán xá. Tối nào ông cũng đến đây, nhấp môi với người này một ly, trò chuyện với người kia vài câu là ông thấy mãn nguyện. Thật ra, tửu lượng ông không mạnh lắm. Uống vào chừng ba ly con là ông liền có cảm giác khó thở, nhưng không uống ông thấy như thiêu thiếu một cái gì. Dù gì cũng đã già rồi, còn cữ kiêng gì nữa. Ông thường tự bào chữa cho cố tật của mình như vậy. Nhiều khi ông cũng đặt câu hỏi rằng mình ghiền rượu hay ghiền cái không khí ồn ào, thân tình của những người dân chài nơi cái xóm nghèo miền biển này. Được sống trong không khí ấy, ông như bắt gặp cái cảm giác mình đang vẫy vùng giữa biển khơi. Ông mang máng nhớ là dường như có một quãng đời nào đó, xa thật xa, ông chính là tuổi trẻ của đám trai tráng ngư dân đang gào thét đằng kia. Và cũng chính biển cả đã cướp đi trí nhớ của ông, dìm sâu nó vào lòng đại dương. Ông không thể nào nhớ lại thời trai trẻ của mình trôi qua như thế nào. Và điều đó khiến ông lúc nào cũng có vẻ phiền muộn.
"Nửa xị, chị Tư!" - Ông Nam tựa người vào quầy.
"Ừa. Anh Nam hả? Ăn cơm chưa?" - Bà Tư với tay lên kệ lấy chai rượu đong sẵn.
Ông Nam không đáp bởi ông thừa biết bà ấy hỏi cho lấy có. Cầm chai rượu và nửa con khô ốc biển, ông lầm lũi vòng ra sau hè, đi xuống sát mép nước. Chật vật lắm ông mới nhóm lên được ngọn lửa nhỏ từ những cành cây khô. Ông nướng ốc và ngồi nhấm nháp rượu một mình.
Với bàn chân sục vào trong cát ấm, ông khoan khoái ngồi ngắm công trình trong ngày của mình, giống như một anh thợ mộc cứ đứng nhìn mãi căn nhà gỗ do chính tay anh ta bào đục mà thành. Giờ đây, dưới ánh trăng lồng lộng của đêm lễ Hạ ngươn(*), bãi cát vàng chạy thoai thoải theo hình cánh cung, trông mềm mại như lớp da non, mịn màng. Đã mấy mươi năm rồi, ngày nào ông cũng ngồi đây và nhìn nó không biết chán. Ông có cảm giác như đang sống lại cùng người xưa khi nhìn những con sóng hết đợt này đến đợt khác lừng lững ập vào bãi. Ông tưởng tượng rằng cách đây hàng tỷ năm, mọi việc vẫn diễn ra như thế này. Vẫn là tiếng sóng biển ì ầm, vẫn là tiếng gió lùa qua đỉnh núi và từ trong thung lũng, vẫn là tiếng những con thú hoang kêu thảng thốt, ngỡ ngàng khi bắt gặp ánh trăng huyền ảo...
"Mẹ họ, năm nay hết nóng cháy da lại lạnh đến teo bu-gi" - Một gã đàn ông đội cái nón sùm sụp vừa đứng tè ra biển, vừa cất tiếng lè nhè chửi thề.
"Ừa, lạnh!" - Ông Nam chợt nói theo - "Mùa bấc về rồi. May mà năm nay không có trận bão khủng khiếp như năm ngoái".
"Ủa, ai như chú Nam vậy ta! Hừ, bão. Vợ chồng con có làm tróc da tay mười năm cũng không cất lại được căn nhà như cũ".
"Ngồi xuống làm một ly cho ấm!".
"Thôi, con phải về đây. Đụng tụi thằng Lũy từ 4 giờ, uống nữa chắc tiêu luôn. Mười phút nữa con không có mặt ở nhà là con vợ con tới đây quậy sập quán liền. Chúc đêm rằm vui vẻ, chú Nam!".
"Ừa, vui vẻ".
Ông Nam lắc đầu, miệng nở nụ cười khi nhìn gã đàn ông nọ chệch choạng đi về cuối xóm. Cuộc đời ngư dân là thế, lênh đênh trên biển hết ngày này sang ngày nọ, vừa đặt chân lên đất liền là họ đã kéo nhau vào quán rượu, hàn huyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.
Vầng trăng càng lúc càng leo lên cao, xuyên qua những đám mây đang lãng đãng trôi. Từ sự tròn đầy, vầng trăng cũng dần teo tóp lại như cuộc đời của một con người. Ông Nam cứ ngồi bên đống lửa như thế không biết bao lâu cho đến khi bà Tư Lý lê đôi dép lẹt xẹt đi hạ mấy tấm liếp che vách ông mới sực tỉnh. "Khuya rồi, anh Nam. Lạnh nên tôi nghỉ bán sớm" - Bà nói. "Vậy hả?" - Ông chậm chạp đứng dậy và dúi vào tay chủ quán mấy tờ bạc lẻ. "Thôi khỏi. Sáng ông cháu anh đến sớm dọn dùm đống rác bên hông nhà là được rồi". "Cám ơn!" - Ông đáp và đi một mạch ra bãi cát. Có một lúc thật lâu, ông đứng trầm ngâm nhìn ngôi pháo đài cổ, sừng sững nơi cửa sông. Bất giác nước mắt ông trào ra.
*
Pháo đài cổ đứng sừng sững ven cửa sông, ở đầu phía bên kia bãi cát. Nó như một khối đá đen ngòm, đầy rêu, hình tứ giác. Mặt chính của nó hướng về phía Đông. Con đường độc đạo dẫn vào pháo đài phải đi theo hướng Tây Bắc. Phía Nam là cửa sông lớn với những dòng nước cuồn cuộn đổ về từ phía thung lũng. Xung quanh nó là những hào thành chằng chịt, nhưng vì lâu ngày nên chúng đã bị cát phủ đầy, chỉ còn loe hoe vài lùm cỏ dại và đám xương rồng. Không thấy sử sách ghi lại lai lịch của ngôi pháo đài này nhưng theo truyền miệng thì có lẽ nó được xây từ thời vua Minh Mạng. Dấu tích của những chiến trận đẫm máu duy nhất còn lại chỉ là một góc sạt lở nơi cái đỉnh hình mái vòm của pháo đài. Theo truyền thuyết, các chiến binh canh giữ vùng biển này đã tử vong hầu hết trong trận đụng độ với tàu chiến Pháp hồi năm 1883. Nhưng kể từ đầu thế kỷ XX, pháo đài bị bỏ hoang phế bởi vì theo con mắt của các nhà quân sự đời sau, pháo đài nằm ở một vị trí bất lợi. Thành thử có một quãng thời gian dài, nó là nơi trú thân của các loài rắn rết, bò cạp và chim muông, ít người héo lánh tới.
Chỉ mới nghe tiếng chân ông Nam dẫm qua lớp sỏi rải trên con đường độc đạo, thằng bé liền ngưng việc học bài, lúi húi dọn cơm. Thường bữa cơm hàng ngày của hai ông cháu chỉ là vài miếng đậu hũ chiên và rau muống luộc. Hôm nay thì khác, thằng bé tìm đâu được gói mì chay, chế biến thành một tô canh ngon lành. Nó cảm thấy vui vì điều đó.
"Ở đâu mà có thứ này vậy con?".
"Của chùa cho".
"Ông dặn hoài. Mình không có làm công quả thì không được nhận của chùa".
"Nhưng...".
"Chơi rằm vui không?".
"Vui!" - Thằng bé hí hửng, nhảy tót lên ngồi xếp bằng trên bệ gỗ - "Tụi con chơi trốn kiếm cứu bồ. Con nằm ém ngoài gò mả, tụi nó sợ ma không dám mò vào. Tối nay con cứu được cả thảy 9 chiến hữu. Sao ông không ăn cơm? Ông ăn đi, hồi nãy con có ăn chè ở nhà thằng Nhị, no rồi".
Ông Nam lùa vội chén cơm. Thằng bé nhanh nhảu châm cho ông bình trà. Nó cẩn thận luộc hết ly tách vào nước sôi. Có vẻ như nó thích thú với công việc tỉ mẩn của một người sành uống trà ấy.
Khi thằng bé đã trở vào bàn, ngồi học bài thì ông Nam cũng đã tắm táp xong. Ông leo lên võng, nằm đưa tòn ten, vừa uống trà vừa trìù mến nhìn thằng bé. Tự dưng, ông thấy ái ngại cho nó khi tưởng tượng đến một ngày ông phải bỏ nó mà đi xa khỏi cuộc đời này. Tuổi tác của hai người chênh lệch quá xa và ông cũng biết rằng con người dù có làm mọi cách đi chăng nữa vẫn phải bó tay trước thời gian. Hiện tại, trên cõi đời nó không còn một ai thân thích ngoài ông. Hoàn cảnh của nó cũng giống như hoàn cảnh của ông khi xưa. Dường như ông trời đã xui nó đến với ông hay đã xúi ông tìm nó giữa trận lũ bất thần năm ấy.
Nằm lọt lòng trong thung lũng, xóm Vịnh bao gồm hai xóm nhỏ. Một là ở phía Bắc sông gọi là xóm Cát, tức cái nơi hồi sẫm tối ông đến quán rượu. Còn lại là xóm bên kia sông, nằm rải rác trên triền núi, là xóm Đá. Trước lúc thằng bé về sống với ông thì nó sống cùng cha mẹ nơi xóm Đá, từ ngôi pháo đài cổ nhìn sang.
Cách đây bảy năm, vào quãng tháng tám, lúc ấy xóm Đá chỉ chừng vài chục hộ, chuyên sống bằng nghề làm rẫy. Ông Nam nhớ rất rõ buổi chiều hôm đó, ông trời bất thần trút xuống vùng này trận mưa đá, dữ dội chưa từng có. Cây cối như oằn đi dưới sức gió. Đến khi mưa ngớt thì đột nhiên xuất hiện những luồng nước từ trên đỉnh núi tràn xuống. Chúng hùng hổ đến nỗi quật ngã cả những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Cả mấy trăm con người đang sống yên ổn nơi xóm Đá nháo nhào nhưng đã không còn kịp nữa.
Nước từ thượng nguồn đổ về, kết hợp với nước từ trên ngàn đổ xuống, dâng lên cuồn cuộn, đục ngầu. Trong tiếng nước réo là tiếng người la hét cầu cứu tuyệt vọng. Nhìn thấy cảnh ấy, ông Nam chợt rùng mình. Ông có cảm giác rằng hình như đã có một lần ông rơi vào hoàn cảnh đó. Không chịu nổi, ông quay mặt đi. Chính vào giây phút ông định bỏ mặc mọi chuyện, bất thần ông nghe văng vẳng trong tiếng gió réo là tiếng khóc thét của trẻ con. Tiếng khóc như xuyên thủng qua bức tường kiên cố của pháo đài, đâm thẳng vào tim ông.
Chẳng kịp nghĩ ngợi, ông chạy băng qua những hào thành đầy gai xương rồng và lao mình xuống cửa sông, bơi về hướng có tiếng khóc trẻ con. May là buổi chiều hôm ấy, dòng hải lưu cũng đang lớn và đang đổ vào cửa sông nên hai dòng nước gặp nhau, càng lúc nước càng dâng cao chứ không tuôn thẳng ra biển khơi. Những giây phút lựng khựng của hai dòng nước đã cứu sống thằng bé. Theo bản năng, nó đang bám vào một mái nhà đã rách nát đang bị những đợt sóng dồi lên dồi xuống. Lúc ông Nam vất vả lắm mới bơi được đến nơi thì môi nó đã tím tái đi, tiếng khóc ngằn ngặt, không còn một chút hơi. Cho đến tận bây giờ, ông cũng không hiểu vì sao tiếng khóc rất nhỏ của thằng bé lại lọt đến tai ông, lúc đó đang ở chỗ pháo đài, cách nó đang gặp nạn gần 200 thước.
Ngày mưa đá năm đó, người dân trong vùng chỉ cứu được 42 người, còn hơn 20 người phải gởi thây trên sông nước, trong đó có cha mẹ thằng bé.
Sau cái lần dám băng mình ra giữa con lũ để cứu người, cái tên "Nam khùng" trong con mắt người dân xóm Vịnh đã có phần nào đổi khác. Họ bắt đầu gọi ông bằng cái tên Nam với tất cả lòng kính trọng. Cái tên mà hồi đó bà già chuyên nghề bán phân dơi đặt cho ông lúc cứu được ông gần như nằm thoi thóp nơi bãi lầy rừng đước.
Thằng bé chợt húng hắng ho, cắt đứt luồng suy nghĩ của ông:
"Bộ họ sắp đuổi mình đi khỏi đây hả ông? Con không thích ở miếu Bà. Con thích ở pháo đài của mình hơn. Cũ mà chắc, có bão cách mấy cũng không sợ".
"Không lo học bài, biết chi mấy chuyện đó!".
"Mai nghỉ. Thầy cô bận đi học chính trị trên huyện. Họ tính đuổi ông cháu mình thật à?".
"Ừa!".
"Sao họ đuổi?".
"Ừa đuổi. Ai nói vậy?".
"Mấy người trong xóm".
"Con nít đừng lo mấy chuyện đó!".
"Sao con nít lại không biết lo?".
"Khuya rồi, ngủ đi. Sáng sớm còn đi học".
"Con đã nói thầy cô bận đi học chính trị trên huyện".
"Ừa, chính trị. Chỗ này phải trả cho người ta làm ăn".
"Thiếu gì chỗ sao họ lại lấy chỗ mình ở?".
"Đất ở pháo đài là của công".
"Công là sao?" - Thằng bé không buông tha ông Nam, nó giật giật áo ông mỗi lần hỏi - "Của công là sao? Có giống như của chùa không ông?".
"Ừa, như của chùa".
"Chùa phải lo cho người nghèo chứ?".
"Mình không làm công quả, nhận của chùa là không tốt".
"Vậy mình dọn đi, mấy con dơi sẽ ở đâu?".
"Chúng biết cách sống được mà" - Ông Nam đáp - "Trưa con sắp xếp mọi thứ và quét dọn pháo đài cho sạch. Giao người ta cái gì cũng phải giao coi cho được".
"Lỡ họ phá pháo đài của mình hư rồi sao?".
"Cái thằng, thân không lo... Hỏi vòng vo hoài ông đánh đòn bây giờ!".
Ông Nam có bẻ bực mình khiến thằng bé tiu nghỉu. Nhìn nét mặt phụng phịu của nó, ông chợt cười xòa, xoa đầu nó và bảo nó đi ngủ vì trăng đã lên đến đỉnh đầu.
Người lớn thường có quyền tối thượng với trẻ con, khi bị bắt bí chuyện gì cứ dọa đánh đòn, là xong. Chưa đầy mười phút, thằng bé đã mớ ú ớ, nói những câu gì nghe không rõ. Giữa đêm khuya, bên ánh đèn dầu nhập nhoạng, chỉ còn một mình ông nằm đó, trơ trọi, buồn bã lắng nghe tiếng gió hú qua pháo đài cổ. Tự trong thâm tâm, ông xem pháo đài như là chiếc nôi sinh ra ông, nuôi ông thành người, kể từ cái ngày trí nhớ ông phải gởi lại biển sâu.
Theo lời dân làng kể lại, vào quãng năm 62 hay 63 gì đó, xung quanh ngôi pháo đài rất hoang vu, cây cối rậm rạp, đầy trăn và rắn rết. Rồi bất chợt có một người đàn bà không chồng, rất đỗi xấu xí đến ở, dân làng thường gọi là bà Hai.
Bà Hai ít khi nào ra khỏi nhà, trừ những ngày bà phải chống xuồng chở phân dơi vào thị trấn đổi gạo và thức ăn, nước ngọt về dự trữ.
Có một hôm, một cơn bão lớn chưa từng có tràn qua suốt vùng duyên hải này. Chúng như muốn bứng cả dãy núi đi nơi khác. Hai ngày sau, dọc dài bờ biển vùng đồng bằng trắng khăn tang và tiếng kêu than ai oán. Lần ấy, bà Hai đã cứu được một thanh niên trong tình trạng tuyệt vọng. Anh ta nằm sóng soài trên ghềnh đá, mắt nhắm nghiền, áo quần rách nát, da thịt bị sóng đánh lở loét từng mảng, chỉ trái tim là còn đập một cách yếu ớt. Nhận thấy anh ta không phải người xóm này và cũng không ngần ngại, bà Hai lẳng lặng cõng người thanh niên ấy về pháo đài, chăm sóc bằng đủ loại cây thuốc Nam mà bà hái được trên núi cao.
Người thanh niên tỉnh lại trong trạng thái thất thần. Bà Hai hỏi đi hỏi lại, anh ta chỉ độc có nụ cười hề hề, không biết mình là ai, quê quán ở đâu và tại sao mình lại có mặt trong ngôi pháo đài cùng bà già xấu xí kia. Để tránh sự làm khó dễ của tay xã trưởng dưới thời Nguyễn Văn Thiệu, bà Hai mời vị Đầu họ đạo nơi ngôi thánh thất đến chứng kiến buổi lễ bà nhận người thanh niên dở điên dở khùng ấy làm con nuôi. Đứng trước biển, bà nói biển tình cờ đã giao đứa con ấy cho bà cho nên bà nguyện sẽ nuôi nó đến khi nào bà xuôi tay nhắm mắt. Bà Hai bảo: "Con nói giọng miền ngoài, trời xui đất khiến con lưu lạc vào đây, vậy má sẽ đặt tên con là Nam". Người thanh niên chỉ cười ngờ nghệch. "Còn nữa, con sẽ lấy họ của má, họ Lê; con trai phải lót chữ Văn. Kể từ bây giờ Lê Văn Nam là con trai của má Lê Thị Hai. Con lặp lại cho má nghe coi!". Người thanh niên lắp bắp mãi một hồi mới thốt nên được cái tên lạ hoắc của mình.
Đêm tháng 10 trôi qua thật dài. Ông Nam trở mình, nhìn những luồng sáng trăng hắt qua lỗ châu mai. Tiếng dế kêu ri rỉ nơi góc nhà chợt im bặt, nhường chỗ cho tiếng lao xao của gió rít qua rừng cây trên triền núi phía bên kia sông. Bà Hai sau này thường nói vui, ông được nuôi sống phần nhỏ là nhờ bà nhưng phần lớn là nhờ bà con làng xóm. Những ngày điên dại đó, ông hay đi thất thểu trên bãi biển và lang thang suốt ngày ở xóm Cát. Người thì cho ông ổ bánh mì, nải chuối; người thì cho ông củ khoai, ngụm nước... Nhưng bù lại, tuy mang dáng vẻ của một người điên nhưng hễ có chiếc tàu đánh cá nào máy móc bị hỏng hóc, ông đều tự nguyện nhào xuống, phụ sửa một hồi thì chiếc tàu ấy đã có thể nổ máy ra khơi được. Dân làng phục lăn. Họ đoán mò rằng chắc trước kia ông là một thợ máy giỏi của một chiếc tàu đánh cá nào đấy bị bão nhận chìm. Thậm chí, có người còn thêu dệt nên chuyện ông được cá Ông cõng về.
Tiếng gà gáy sang canh bắt đầu rộ lên từ phía xóm. Lại thêm một đêm nữa ông không chợp mắt được. Chiều ngày mai là ông đã phải rời khỏi nơi chốn quen thuộc này để nhà nước tiếp quản và họ sẽ thi công một công trình gì đó. Trong giây phút ấy, bất giác ông nghe mắt mình cay xè khi nhớ lại hình bóng bà má nuôi hàng ngày lụm cụm quét gom đống phân dơi trên căn gác áp mái, nhớ lại những chú dơi đêm nào cũng sà xuống đậu trên vai ông...
Ông cứ thừ người ra, hết nhìn vách tường với đám rêu mốc rồi nhìn sang bàn thờ bà má nuôi. "Thôi, có vậy cũng tốt" - Ông nói vu vơ, ngồi dậy vấn một điếu thuốc. Cách đây ba năm, có một đoàn khảo sát trên tỉnh về. Họ xem xét và quyết định lập một khu du lịch nơi xóm, ngoài bãi cát. Một năm sau, khu du lịch hình thành với những ngôi nhà bện rơm, hình tai nấm, nằm cách pháo đài của ông khoảng 500 thước về phía Bắc. Lẽ đương nhiên, cái pháo đài đứng sừng sững, ngạo nghễ ven cửa sông đã không qua mắt họ. Họ đến đặt vấn đề ông phải di dời đi nơi khác. Ông cự tuyệt. Cho đến khi họ dùng lời lẽ cương quyết hơn, cho rằng mảnh đất mà ông đang ở là đất do nhà nước quản lý, ngay cả pháo đài cũng là một di tích lịch sử, không ai được quyền xâm phạm và chiếm làm của riêng.
Suy nghĩ đúng một tháng, ông Nam mới thấy họ nói cũng có cái lý của họ. Kể từ đó, ông biếng ăn biếng ngủ, chắp tay đi vòng quanh khuôn viên pháo đài, đặt tay rờ rẫm từng viên đá, từng bậc cầu thang lên xuống bằng gỗ và thủ thỉ với chúng những lời không đầu không cuối. Sau cùng, ông chấp nhận. Ông xin ủy ban xã tạm thời cho ông cháu ông được ở tạm trong gian hậu liêu của ngôi miếu Bà đầu xóm.
Có lẽ rồi đời ông Nam sẽ bình lặng trôi qua và chìm khuất đi như của biết bao số phận người dân miền biển nghèo khác nếu không có cái chuyện ông lượm được một cái ví lẫn trong đống rác. Ông đem giao lại cho bà chủ nhiệm khu du lịch để trả cho người mất. Trong ví là tiền mặt và một số tư trang trị giá khoảng mười ngàn đô la Mỹ. Một cô du khách trẻ người Anh tìm lại được của đã mất, luôn miệng cảm ơn ông rối rít. Ông nghe xí xô xí xào, chẳng hiểu gì cả. Bà chủ nhiệm nói cô ta muốn biếu ông một số tiền. Ông liền bỏ đi một nước. Duy cái bằng khen, kèm theo năm chục ngàn đồng tiền thưởng của huyện thì ông nhận. Một số người dè bĩu, cho là ông ngu. Ông chỉ cười.
Từ câu chuyện trả lại tiền cho người mất đó của ông Nam nên mới có nguyên nhân dẫn đến phần kết câu chuyện này, tôi sẽ kể ra sau.
Một hôm, có một tay phóng viên thường trú tại đồng bằng của một tờ nhật báo về xóm Vịnh tìm ông Nam theo lời người ta đồn đãi. Anh ta khăng khăng đòi chụp ảnh ông để đăng lên báo. Miễn cưỡng, ông gật đầu, sai thằng bé chạy vào nhà, lục trong hòm gỗ, lấy cho ông cây kèn ahrmonica. Bức ảnh được tay phóng viên chụp thật là khéo. Đường nét và bố cục sắc đến nỗi thấy rõ ánh mắt sượng sùng của ông khi lần đầu đứng trước ống kính, thấy rõ cả bốn chữ T.T & H.Q khắc sâu trên chiếc kèn. Chiếc kèn mà theo lời bà Hai, lúc bắt gặp ông nơi ghềnh đá, tuy sắp chết đến nơi nhưng tay ông vẫn không buông rơi nó.
Trời gần về sáng, thật lạnh, ông Nam giở mùng, đắp thêm cái áo ấm cho thằng bé. Ông tìm mấy miếng tôn gỉ sét, chẹn kín lỗ châu mai để chắn gió. Xong xuôi, ông bước ra ngoài. Trong màn sương dày đặc, bóng ông lão co ro kéo chiếc xe cút kít xuống bãi cát. Tiếng bánh xe kêu cót két hòa vào tiếng sóng ầm ào của biển cả, đơn độc.
***
Vào buổi xế chiều của một ngày cuối năm, trên chiếc xe lôi về xóm Vịnh có hai người đàn bà, một già, một trẻ. Bà già độ quãng chừng trên 60, nói giọng xứ Nghệ, dáng người nhỏ thó. Ánh mắt bà như nôn nóng khi thấy đỉnh núi lờ mờ hiện lên ở phía chân trời trước mặt.
"Chắc sắp đến nơi rồi!".
"Còn hơn 20 cây số nữa" - Người lái xe lôi nói.
"Khi không dì lại thích đến mấy chỗ khỉ ho cò gáy này" - Người đàn bà trẻ, nói giọng Sài Gòn, cằn nhằn - "Từ Bắc vào Nam chơi, lẽ ra vợ chồng cháu phải đưa dì đi Nha Trang hay Đà Lạt cho biết, đàng này...".
Bà già im lặng. Từ lúc xuất phát đến giờ, trong tay bà không lúc nào rời tờ báo. Đó là tờ báo loại khổ lớn, gấp làm tư. Thỉnh thoảng bà già lại cúi xuống nhìn vào bức ảnh.
Đó là bức ảnh chụp người đàn ông ngồi dưới chân một ngôi pháo đài cổ. Gương mặt của người ấy thật khắc khổ, có một nét gì đó quen thuộc nhưng cái tên Lê Văn Nam thì hoàn toàn xa lạ với bà. Duy có chiếc kèn ahrmonica với dòng chữ khắc sâu kia thì bà biết rất rõ. Nó chính là kỷ vật của bà tặng cho người yêu đầu đời trước cái ngày anh ấy nhận một nhiệm vụ bí mật gì đó vào Nam, theo đường biển.
Nước mắt bà chợt chảy dài trên đôi gò má nhăn nheo. Đã mấy chục năm ròng bà mòn mỏi đợi chờ. Trong trí não bà chợt hiển hiện cảnh hai người chia tay nhau tại Hải Phòng vào mùa hạ năm đó.
Khi bà già đang ngồi trên chiếc xe lôi và hồi tưởng lại chuyện cũ thì cũng đồng lúc ấy, trên bãi biển, ông Nam và thằng bé đang ngồi cạnh chiếc xe cút kít chất đầy rác. Họ thẫn thờ và bất lực nhìn một toán thợ đang tiến hành đặt những khối thuốc nổ quanh pháo đài.
Nghe nói, họ muốn xây lên chỗ đó một cụm nghỉ mát, có khách sạn nhiều sao, có vũ trường, những bể bơi và điều không thể thiếu là những nhà hàng đêm đêm hắt ra ánh đèn mờ ảo.
Bến Tre, cuối tháng 10/1998, 1 năm sau cơn bão số 5.