(My Favorite Mistake)
Bài phỏng vấn Nicholas Sparks về lỗi lầm ông thích nhất
Người dịch: Nguyễn thị Hải Hà
Newsweek, 18/9/2011
http://www.thedailybeast.com/newsweek/2011/09/18/nicholas-sparks-s-favorite-mistake.html
Ảnh: Nina Subin
Tôi chưa đọc quyển sách nào của Nicholas Sparks nhưng đã xem hai cuốn phim dựa vào truyện của ông The Notebook (Quyển Sổ) và Nights in Rodanthe (Vài Đêm ở Rodanthe). Tôi thích cả hai phim. Truyện của Sparks lãng mạn, giàu tình cảm, tâm lý sâu sắc, rất hợp với phụ nữ. Ông sinh ngày 31 tháng 12 năm 1965, đã xuất bản 16 truyện dài với những chủ đề niềm tin vào tôn giáo, tình yêu, thảm kịch, và định mệnh. Dưới đây là một bài phỏng vấn ngắn đăng trên Newsweek số ra ngày 26 tháng Chín năm 2011 trong mục My Favorite Mistake. (Lời người dịch)
Nicholas Sparks nói về cái thất bại đã không thể hoàn tất một truyện dài.
“Điều lầm lỗi mà tôi thích nhất, đó là lần tôi bắt đầu viết một truyện dài trước khi chuẩn bị chu đáo. Điều này xảy ra một đôi lần trong nghề viết của tôi. Sau khi tôi viết xong Message in a Bottle (Thông Điệp Trong Chai), tôi bắt đầu viết quyển The Best Man (Chàng Phù Rễ). Tôi đã có phần lớn cốt truyện trong ý nghĩ và viết được hai phần ba quyển sách. Mãi đến lúc ấy tôi mới thấy lẽ ra tôi đừng nên bắt đầu. Năm ngoái, tôi cũng có một quyển, bị ném vào danh mục của Grand Central Publishing, tên là Saying Good-Bye (Nói Chia Tay). Nó không bao giờ được xuất bản.
Nói Chia Tay là truyện nói về ba người, hai người đàn bà và một người đàn ông. Nhiều năm trước, hai người đàn bà đến nước Ý khi đang học đại học, và một trong hai cô đã yêu một anh chàng người Ý. Hai mươi năm trôi qua và bạn của nàng sắp chết. Nàng muốn tổ chức đám tang của chính nàng để từ giã bạn bè. Nàng mời cô bạn thân, và cô bạn thân này không biết, nàng vẫn còn giữ liên lạc với anh chàng người Ý. Vấn đề là cô bạn thân này có gia đình nhưng được hạnh phúc. Truyện êm xuôi mạch lạc, nhưng tôi không nghĩ ra được cách kết thúc. Tôi không thể nghĩ ra những điều hai người bạn này có thể làm cho người sắp chết thật sự cho có ý nghĩa, bởi những người sắp lìa đời đều có mơ ước khác nhau. Nàng không thể đi châu Phi để xem sa mạc Sahari. Nàng sắp chết mà.
Tôi hỏi ý kiến kể cả những người xa lạ trên đường phố để tìm cách kết thúc. Trước khi lìa đời bạn có mơ ước gì? Câu trả lời của họ hoặc là buồn thảm quá hoặc không thể tin được. Tôi vẫn không tìm được cách kết thúc. Đây là chuyện lạ, bởi vì phần lớn tôi chỉ cần chừng năm tháng là viết xong một truyện dài. Nếu tôi trải qua bốn tháng mà chỉ xong có hai phần ba là có vấn đề rồi. Càng lúc viết càng khó khăn. Bạn bắt đầu sợ công việc viết. Chữ nghĩa càng lúc càng không ra. Bạn cặm cụi hằng giờ mà chỉ vắt được vài trang. Những ngày sau cuối, bạn hoàn toàn không thể viết gì. Bạn ngồi ở bàn phím suốt sáu giờ - và chẳng có một chữ! Bạn viết nhưng bôi xóa tất cả những gì bạn đã viết.
Cái kinh nghiệm viết một cuốn truyện thất bại là một kinh nghiệm rất đau đớn. Đó là khoản thời gian tôi không bao giờ muốn gặp lại. Nhưng những quyển truyện thất bại này cũng dạy tôi một đôi điều. Tôi cần phải biết cách nhân vật gặp nhau. Tôi cần phải biết động cơ thúc đẩy câu truyện. Tôi cần phải hiểu xung đột trong truyện và kết thúc như thế nào. Nếu tôi không biết bốn điều này, tôi không bắt đầu viết truyện. Phương châm của tôi là thế. Đó là lý do tại sao đây là một lầm lỗi mà tôi thích nhất.”
Bài phỏng vấn của Ramin Setoodeh.