Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.118
123.162.924
 
Nổi đau
Mai Bửu Minh

Suốt buổi sáng trời oi bức, nóng nực. Nắng như dội lửa từ trên không phủ trùm xuống thị trấn miền quê không một tán cây xanh, chỉ toàn dàn ăng ten như đám chuồn chuồn bay là đà trên những nóc phố nhấp nhô cao thấp không đều.

 

Ông Năm cố và hết chén cơm chan nước canh bầu rồi gác đũa đi uống nước . Dũng, con trai ông cùng vợ nó là Thảo vẫn mãi mê vừa ăn vừa bàn tính chuyện mua bán các mặt hàng nông sản, thực phẩm mà tiệm tạp hóa của ông đã và đang kinh doanh. Dũng nhắc lại cho Thảo nhớ giá thu vô một số mặt hàng như : Đậu trắng, đậu xanh, đậu nành, mè, bắp nhưng Thảo hình như không chú tâm lắm. Thảo lộ rõ điều đang bận tâm là sẽ phải đi dự lễ tân gia nhà ông chi cục trưởng chi cục thuế của Huyện như thế nào. Thảo ngưng nhai và nhìn chồng nói:

 

- Anh thấy mình tặng  cái đồng hồ vừa có tranh có nhạc đó được không? Hình như bên con Xuân “chơi” cả cặp quạt máy Nhật…

 

- Hứ, hơi đâu bì với người ta. Con Xuân mua bán hàng điện máy, vả lại hôm rồi nó nhờ ổng xin dùm lô hàng biên giới, đền ơn vậy có là bao; còn mình mua bán hàng nội địa, đóng thuế đầy đủ, lời lóm bao nhiêu, cả trăm ngàn cho hai phần ăn cũng vừa rồi, lỗ lã gì…

 

- Vậy đó, coi chừng sang năm họ đòi nâng mức thuế à…

 

- Xí…cóc sợ. Nâng là nâng hàng loạt tất cả các tiệm mua bán như mình, chớ chơi cá nhân mình được sao.

 

Ông Năm bật lên tràng ho sặc sụa, ran cả ngực. Con Tư đang ăn cũng ngưng đũa nhìn ông với ánh mắt lo lắng:

 

- Sao vậy ông? Hay chút con đi kêu ông y tá Hưng tới…

 

- Không sao…Già rồi, người tao nhạy với thời tiết lắm…Chút mày chạy ra quầy thuốc mua cho tao hai ba lần uống thuốc cảm ho được rồi…

 

Ông uống tiếp ly nước trà nóng và nghe lòng buồn mênh mang khi thấy con Ngọc, đứa cháu nội của mình cùng cha mẹ nó bàn

chuyện:

 

- Ăn tân gia có quay phim, mẹ mặc đầm cho đẹp….

 

- Ôi, cái đầm đó mới bận ăn đám cưới tuần rồi, mặc nữa quê lắm. Mẹ mới lấy bộ khác, chút con sẽ thấy,hết ý luôn…

 

- Hết ý…Cái con nhỏ Ngọc đòi được như em thì anh hết tiền…Mệt quá!

 

- Phụ nữa mà ba. Vợ con ba đẹp, sang, Ba tự hào chớ. Chút ba nhớ cho con tiền học thêm môn Sinh, để lúc con đi , ba mẹ ngủ trưa kêu dậy mất công

 

- Sao mày nói môn Sinh là môn phụ, khỏi học thêm mà…Nghỉ hè mà ngày nào cũng đi học, sao không nói thầy cô mày dạy luôn mấy môn Văn, Sử, Địa cho đủ hết các môn…

 

- Cái anh này…Con nó muốn học thì lo cho nó học, than gì. Em nghe mấy chị bạn nói, con mấy chỉ không học thêm, vô học chính khóa hay bị thầy cô…”đì”…lắm…Tiền mẹ để sẵn trên hộc tủ con cứ lấy, khỏi kêu ba mẹ dậy….

 

Nghe vợ chồng con cái nó nói chuyện với nhau mà ông Năm phát tức, nhưng ông không muốn nói nữa. Tụi nó đâu có ưa ông xía vô chuyện gia đình này từ khi ông chính thức giao hết chuyện cai quản cái tiệm tạp hóa này cho vợ chồng nó. Cái tiệm đã tồn tại hơn bốn mươi năm qua, từ lúc thị trấn này chỉ loe hoe có mấy cái quán lá lụp sụp. Ông mở miệng là tụi nó bảo cái thời của ông khác, thời bây giờ khác, ông không theo nổi đâu. Ông thừa biết con Ngọc ngại ở nhà phải phụ tiếp con Tư, đứa giúp việc trong nhà mua bán hàng ngày nên đòi đi học thêm, chớ lúc học chính khóa nó còn bỏ học đi chơi, cô giáo chủ nhiệm đến mắng vốn, huống chi học hè…

 

Con Tư đang ăn vội vàng buông đũa chạy ra cân đường cho khách  hàng rồi quay vô ăn tiếp. Tội nghiệp con nhỏ, siêng năng, thật thà, hiền lành, vất vả suốt ngày. Hết dọn hàng ra để đó cho vợ chồng thằng Dũng coi bán, nó quay ra giặt giũ, phơi đồ xong là ra chợ mua thức ăn về nấu cơm trưa. An cơm trưa xong, coi bán hàng thay vợ chồng thằng Dũng, con Tư đâu được ngủ trưa như những người trong nhà này. Thấy tội nghiệp, ông già rồi đâu ngủ nghê gì, trực bán hàng thay cho nó, nó lại lo lau dọn, rửa chén…không nghỉ tay….Loay hoay tới dọn hàng vô, nấu cơm tối, rửa chén, tắm rửa xong xuôi đã hết chương trình thời sự của tivi. Con Tư  chỉ rãnh rỗi coi phim, coi cải lương…nhưng gặp bữa con Ngọc, thằng Thành hứng mê chơi điện tử, coi như con nhỏ khỏi giải trí…Nhà này chỉ có con Tư quan tâm chăm sóc tới ông chớ hai vợ chồng thằng Dũng và hai đứa cháu nội Ngọc, Thành chẳng đứa nào để mắt tới. Đó, nghe ông ho hen như vậy đó, chớ có đứa nào hỏi tới một tiếng, ăn xong, tụi nó rút vô phòng ngủ trưa. Con Tư dọn chén đũa ra bếp, quay ra, tới bên ông nói:

 

- Ông coi bán hàng, con đi mua thuốc cho ông nghen…

 

- Ừa…tiền này. Mày cứ nói mua cho ông thuốc cảm ho là họ biết lấy thứ gì cho ông…Nắng quá, sao không lấy cái nón…

 

Con Tư đi rồi, ông ngồi trên cái ghế dài giữa hai kệ hàng hóa mà nghĩ ngợi mông lung. Buôn bán bây giờ cũng hay, cạnh tranh nhau, hàng hóa công khai bảng giá, cân đong đầy đủ và cởi mở lấy lòng khách, giữ mối quen…Lời nhiều hay ít là biết vô hàng tốt, đúng lúc giá rẻ nhất, biết cách bảo quản không bị hư là tồn tại. Mấy chục năm qua, người ta quen với cái tiệm tạp hóa Năm Hên của ông cũng nhờ chữ tín trong buôn bán. Hàng mất phẩm chất ông thà đổ bỏ chớ không chịu trộn gạt khách hàng. Có nhiều mối quen trong vùng sâu hàng tuần viết giấy gởi ghe,gởi xe ra ông, ông gởi hàng vô, họ gởi tiền ra, không phải sợ gì.

Con Tư mang thuốc về,  đi rót nước cho ông uống thuốc, xong ra sau bếp rửa chén. Rửa xong, nó quay ra nói:

 

- Ông ngủ đi, để con coi. Ông nhớ đóng cái cửa sổ, trời này gió bên ngoài thổi vô hừng hực như gió độc…

 

- Ừa…mày coi bán hàng, tao uống thuốc này hay buồn ngủ lắm…Vừa bán vừa coi sách hả…Trời đất, lớn tồng ngồng rồi mà còn đọc truyện tranh thiếu nhi, sao không mượn sách con Ngọc coi, mướn chi tốn tiền.

 

- Dạ…Con ít học, coi truyện tranh không ngán…Nhỏ Ngọc đọc sách bộ hai ba tập, hay sách dạy làm đẹp không hà…

 

- Mày không ham làm đẹp à?

 

- Đẹp gì con…Tiền đâu mà mua sắm các thứ họ quảng cáo mô đen,mô điếc…Con còn con nít mà…

 

- Mày hơn con Ngọc hai tuổi mà bảo còn con nít, còn nó, hứ mới mười bốn, mười lăm đã ham làm dáng, làm duyên,tối ngày chỉ lo ăn, mặc,đua đòi theo bạn bè…Đừng có bắt chước theo nó,không nên đâu…Tao đi ngủ đây.

 

Ông Năm nói xong, cố nén cơn ho khi đi ngang cửa buồng thằng Dũng, sợ vợ chồng nó giật mình. Ông lên gác, ngang phòng con Ngọc, còn thấy nó đứng uốn éo trước cái gương lớn gắn trên cánh cửa tủ đứng. Lại một bộ đồ mới…Hứ, đi học mà như đi ăn tiệc…

 

- Nội chưa ngủ sao? Nội coi con mặc vầy có đẹp không? Tiền may không đã năm chục ngàn đó, cả tiền vải nữa hết hai phân…

 

Ông Năm dừng lại trước cửa phòng nhìn vô, muốn đi luôn nhưng ông thấy xốn con mắt quá, phải nói. Ông biết nó hỏi ông vì vui miệng, chớ cần gì ý kiến của ông già cổ lỗ sĩ này.

 

- Mày đi học hay đi thi hoa hậu vậy? Quần áo gì chỗ cần che lại khoe ra, úp úp mở mở như mời gọi,như chọc tức cho thiên hạ mục con ngươi …

 

Không nói, không được dù ông nói xong đã thấy nó nguýt ông với cặp mắt tô màu xanh xanh như bị té bầm, chân mày cong tỉa mỏng như vẽ bằng viết chì, còn đôi môi tô son chu chu lại phụng phịu. Nó lớn rồi và biết mình đang lớn nhưng nó không được dạy dỗ cẩn thận sẽ khổ thôi. Đó, cái áo mặc như không mặc bằng thứ vải mỏng tang, thấy cả nịt vú bên trong, đã vậy cổ áo còn rộng rinh,  cái nút như cái nơ để dụ người ta nhìn vào phần lõm trên ngực. Còn vạt áo thì ngắn cũn cỡn chỉ tới lưng quần, nếu giơ tay lên sẽ hở cả mảng thịt hông, cái quần bó sát mông lộ rõ lằn ngấn của quần lót…Hư, hư quá rồi.

 

- Ông nội thì cứ vậy…Nghe nói ông cố để búi tóc, sao ông không để…không mặc áo dài khăn đóng? Con ở quê, nhưng không thể ăn mặc quê mùa được. Thời bây giờ khác rồi ông ơi…

Ông Năm nghe mà không dằn được cơn tức giận, nhất là cái giọng con Ngọc như ta đây văn minh, lịch sự, châm biếm ông cổ lỗ.

 

Nhưng cơn ho kéo đến làm ông phải gập người nghe ran cả lồng ngực và đờm như kéo nhau lên cổ. Ông lắc đầu và đi về phòng mình sát vách đó. Cái giường của thằng Thành trống trơn. Đứa cháu nội trai thì về ngoại đi nghỉ mát ở Đà Lạt cả tuần nay khiến căn phòng của ông càng thêm trống vắng, lạnh lẽo.

 

Mà cả cuộc đời ông có lúc nào được sống trong hạnh phúc gia đình ấm cúng đâu. Hai vợ chồng vật lộn với cuộc sống trong những năm đầu mới ra riêng. Một cái quán bán bánh kẹo cho con nít ăn. Vợ ông phải thức khuya dậy sớm, ông phải đi chở hàng thuê cho người ta. Thằng Dũng được hai tuổi thì bà ấy sinh con Linh, sinh xong, sót nhau, cứu không kịp để lại ông hai đứa nhỏ. Ông thuê người ở vú đang có con nhỏ để có sữa cho con Linh bú. Đứa lên năm, đứa lên ba tối ngày thơ thẩn, chơi bẩn với đám con nít quanh chợ hành hạ bà vú Bình đủ điều, lại còn đòi có má như bạn bè cùng lứa. Ông đã vì tụi nó mà chấp nối với người phụ nữ thứ hai. Cô này trước khi lấy ông thì tỏ ra yêu mến hai đứa nhỏ lắm, nhưng ở với ông được hai năm, không sinh đẻ được, đâm ra ghanh tị với hai đứa nhỏ để cảnh mẹ ghẻ con chồng làm ông điên lên. Ông đã phải đưa hai đứa con về ở với người anh ở thị xã, lo cho tụi nó ăn học đàng hoàng và cũng để chúng thoát khỏi hoàn cảnh không sung sướng gì. Hàng tháng, ông đi thăm con, dắt con đi mua sắm đủ thứ không để hai đứa con thua sút chúng bạn và anh em con người bác. Ông tưởng đâu như vậy chúng sẽ hiểu ông thương chúng tới mức nào, nhất là lúc gia đình khốn đốn khi bà vợ sau ôm hết của cải trốn đi, ông phải khổ sở làm lại từ đầu và cố hết sức làm để nuôi con ăn học nên người. Chúng được ăn học đến nơi đến chốn, nhưng có nên người hay không? Dần dần ông nhận ra hai đứa con của mình không thích về quê, không buồn phải xa ông, không sợ mất ông, chỉ sợ mất nguồn viện trợ cho chúng ăn học, đua đòi cùng bạn bè thôi(!). Con Linh lấy chồng theo chồng, thằng Dũng cưới vợ.

 

Ông già rồi, muốn được nghỉ ngơi, hưởng phúc bên con cháu nên chia cho con Linh một ít vốn, còn lại giao hết cho thằng Dũng khi thấy nó đã đủ sức đảm đương vai trò người chủ gia đình…Ờ, khi nó đã là chủ gia đình thì ông là gì…dần dần lộ rõ vai trò của một người thừa, là gánh nặng, là sự phiền toái cho tụi nó…Những ý kiến của ông dần dần tụi nó không thèm nghe, không thèm làm theo, có lúc chúng bác bỏ bằng giọng điệu biếm nhẽ: “Ba già rồi, cái thời của ba hết rồi…”

 

Hàng tuần nó giúi vào túi của ông vài chục ngàn tiền cà phê, thuốc hút. Nó căn dặn ông muốn ăn gì , mua sắm gì thì sai con Tư, đứa giúp việc lo cho ông. Nó tưởng như vậy là hiếu thảo với ông quá rồi. Nó chẳng cần biết ông ăn có được không, ngủ có nhiều không , sức khỏe có gì đáng lo không??? Ông biết mình có quyền đòi hỏi con cháu chăm sóc mình, nhưng lại tự nhủ mình còn đủ sức lo cho mình như đã từng lo suốt mấy chục năm qua. Ông không muốn làm phiền tụi nó để đón nhận mặc cảm là người thừa, là kẻ ăn bám, là gánh nặng cho gia đình…Những gì ông nói chúng không quan tâm tới, thì ông nói làm chi. Ông lân la với những người bạn già đàm đạo, trà nước, chuyện trò và giải khuây bằng thú chơi cờ tướng. Nó muốn ông ở nhà, giữ nhà khi cần thiết nên mua băng điện tử có trò chơi cờ tướng và kêu ông chơi với…máy…Chơi, vui, hứng thú được vài ngày rồi cũng chán…Cái ông cần đâu phải là chơi hơn thua với máy điện tử,chơi tự động…Ông muốn đi thăm bà con họ hàng ở xa, tụi nó không cho đi sợ ông chết bờ, chết bụi. Mà đưa ông đi thì tụi nó đâu có rảnh. Riết rồi, ông co mình trong sự cô đơn…Một người cô đơn sống giữa con cháu, trong mái ấm gia đình của mình, thế mới khó tin nổi. Thằng Dũng cùng vợ con nó thường lớn tiếng khoe với bạn bè, lối xóm là chúng đã lo cho ông cuộc sống quá ư đầy đủ, đã tròn phận làm con. Ông trách sao đây…Thời của ông xa xưa rồi…

 

- Ơ…Ông thức rồi…Ông ơi, bà Ba Bình mất rồi.  Con bà ra cho hay, bốn giờ chiều nay liệm, tám giờ sáng mai chôn…

 

- Trời ơi…Chỉ còn khỏe trân mà…đâu nghe chỉ bệnh hoạn gì…

 

Ông bật người ngồi dậy ngay khi con Tư đứng trước cửa phòng của ông báo tin. Chị Ba Bình chính là người vú nuôi hai đứa con của ông. Thằng Dũng, con Linh một tay chị chăm sóc, bú mớm suốt sáu năm trời. Tính chị thật thà, chất phác lại siêng năng, tháo vát, ông quý mến, tin tưởng như họ hàng thân thiết. Ông vội đi xuống nhà dưới và gặp ngay thằng Dũng đang rửa mặt. Ông hỏi:

 

- Mày hay chị Ba mất chưa?

 

- Con có gởi hai trăm ngàn cho con của Vú rồi…

 

- Mày để con Thảo đi tân gia .Mày với tao đi đám ma chị Ba nghe…

 

Ông cảm thấy hài lòng trước sự lẹ làng của Dũng. Mới nghe tin nó gởi tiền lo đám ma, vậy mới trọn tình, trọn nghĩa chớ. Hồi đó, chị ẵm nó liền trên tay, nách miết bên hông. An, uống, tắm, ỉa,  thay đồ…v…v…cũng đòi vú Bình làm, không chịu cho ông rớ tới. Còn con Linh thì nhờ sữa của chị mà lớn lên, phổng phao, đẹp đẽ. Vú Bình chẳng khác chi mẹ chúng nó. Dũng lau mặt và nói:

 

- Ba đi đi…Con gởi tiền rồi…Một mình vợ con đi đâu được. Vả lại, đám gì, chớ đám ma con ngán lắm…

 

- Mày…mày nói sao? Mày….

 

- Thôi đi…ba lại tính nói tình, nói nghĩa, làm như hồi đó bả ở nhà mình không công vậy. Ở nhà mình, vú hưởng công gấp đôi. Vú thôi ở rồi mà năm nào ba cũng gởi tiền lì xì tết. Cưới hỏi đám con của bả ba cũng không bỏ đám nào, giỗ quải chồng của bả, ba cũng góp phần…Có người ở nào được chủ đối xử như vậy?

 

- Nói bậy…bởi vì chưa bao giờ tao coi chỉ như người ăn kẻ ở hết. Chỉ là vú nuôi tụi bay, thay mẹ tụi bay ,nuôi dưỡng tụi bay sáu năm trời, không có chỉ thì…

 

- Thì có người khác chớ tụi con chết được à…

 

- Cái đồ mất dạy, đừng có nói nữa…Mày lo mà đi hầu những người mà mày nhờ cậy đi. Hứ, cái thứ đồ vô ơn, bạc nghĩa sao mà còn có đức cho con, cho cháu…

 

Ông năm giận dữ quay lại phòng mình, thay đồ rồi ra chợ kêu xe lôi đi vô gia đình chị Ba. Ông vẫn chưa nguôi cơn tức, ước sức ông còn khỏe mạnh , dám ông đã phang cho nó một cái ghế… Đúng ra, nó phải vô đám ma cho tới lúc chị ấy nằm yên dưới mồ như một đứa con nuôi mới phải. Đồ mất dạy…Mà ông có dạy bảo nó chi đâu…Đẻ nó ra, ông đã gần gũi với nó được bao nhiêu mà dạy bảo. Đời ông đã phạm sai lầm khi cưới cô vợ sau chẳng ra gì, kéo theo sai lầm đưa hai đứa con đi xa mình,r ồi lại sai lầm giao hết sản nghiệp cho nó, để nó coi ông như…gánh nặng, như món nợ…

 

Liệm xong bà Ba, con bà Ba thấy ông đang bệnh, sợ ông mệt nên đưa về nhà, hẹn sáng hôm sau ra rước vô dự lễ động quan. Ông thấy mệt thật, phần vì bệnh hoạn, phần vì cảnh chia ly trong thân quyến người chết, ông không muốn phiền đám con chị Ba nữa. Về nhà, trời đổ mưa, ông thấy chỉ có chiếc xe Dream II của thằng Dũng, không thấy chiếc xe mini của con Ngọc đâu nên hỏi nhỏ Tư:

 

- Giờ này mà con Ngọc chưa về à?

 

- Dạ…Con Tư vừa trả lời vừa dọn hàng vô phía trong cánh cửa nhà. Ông bưng tiếp nó mấy thau hàng, nó can;

 

- Ông đang bệnh, ông vô nghỉ đi ,ông làm, con bị la à…

 

- La gì…À, Thảo à,đã năm giờ rồi mà con Ngọc học chưa về, sao tụi bay không la rầy gì hết. Lớn rồi mà la cà cùng bạn bè ngày ngày…

 

- Ôi, ai cũng có bạn bè ….Già có bạn già, trẻ có bạn trẻ. Học xong, chắc lại kéo bầy đi ăn chè, ăn kem đâu đó, bị mưa không về nhà được mà…Ba đói thì ăn trước, đừng chờ nó mất công. Con với anh Dũng no rồi…

 

Thảo vừa vo mái tóc xù lông nhím bằng cái khăn bông thấm nước vừa trả lời ông với giọng bênh con. Ông Năm lắc đầu, thở dài:

 

- Đói khát gì…là tao muốn nhắc bay giữ nếp nhà trong việc dạy dỗ con cái. Dễ dãi quá, nó sinh hư….

 

- Ông ăn thêm chén cơm rồi uống thuốc nghe ông. Ông lau mình đi, con dọn cơm. Nước sôi con còn để trên bếp…

 

Con Tư dọn hàng xong, đi vô nhắc ông. Ông Năm làm theo lời nó, dù sao cũng còn có nó quan tâm tới ông. An cơm xong, trời đã tạnh mưa, thằng Dũng bước ra mở tivi, đón dò kết quả sổ xố. Ông nhắc:

 

- Tạnh mưa nãy giờ , sao con nhỏ chưa về. Hay là mày lấy xe đi kiếm nó coi Dũng.

 

- Trời ơi, ba khéo lo. Con Ngọc lớn rồi chớ còn nhỏ sao mà sợ lạc, không biết đường về nhà.

 

- Nó lớn ,tao mới lo…Con gái lớn mà la cà với bạn bè không biết giờ về, còn tụi bay thì không thèm la rầy gì. Tối rồi…

 

- Ba này…già rồi khó khăn, cằn nhằn hoài chuyện con nhỏ. Thây kệ nó, nên hư nó chịu, hơi đâu lo. Nghe ba nói riết con phát mệt…

 

Dũng phát quạu, quay lại nói với ông bằng cái giọng thật chướng tai và một lần nữa, ông trào lên cơn tức. Ông lại ho một tràng dài ran cả phổi. Con Tư rót nước trà mang đến cho ông :

 

- Ông uống thuốc chưa ông? Chú Hưng nói ông uống thuốc này không bào bọt ruột đâu.Chú biết ông bị đau bao tử mà.

 

Lời lẽ của con nhỏ ở xen vô làm dịu cơn tức ở trong lòng ông. Ông Năm móc túi ra lấy thuốc uống và không thèm ngó vợ chồng thằng Dũng nữa. Hai đứa nó đang mải mê dò cả sấp vé số, mong ước vận may đến với mình một cách bất chợt…Hứ, cái trò này nếu đã đam mê thì còn mê hơn cả cờ bạc nữa. Cứ an ủi, cứ lộn ngược lộn xuôi càng thêm hy vọng…Mà dù ông đã ăn cơm no, dù thứ thuốc con Tư nói không ảnh hưởng tới bao tử nhưng ông lại thấy nôn nao trong bụng, thấy bồn chồn đứng ngồi không yên, lạ kỳ…Hay con Ngọc có chuyện gì. Không hiểu sao bữa nay ông linh cảm thấy có chuyện không may đến với mình…Không đâu, chị Ba Bình vừa chết là chuyện buồn rồi…Nhưng ông không thể im lặng nổi và ông quên ngay thái độ của vợ chồng thằng Dũng. Ông lại nhắc:

 

- Dũng à, mày lấy xe đi kiếm con nhỏ coi…

 

- Biết đâu mà kiếm…Có chết bờ, chết bụi đâu thì chết…

 

Dũng vo tròn cả sấp vé số quăng vô sọt rác trong góc phòng , tắt tivi, đi vô buồng mình.Thảo bước ra. Ông Năm ra hiên, kéo ghế ngồi. Trời tối lắm rồi. Khu phố bừng sáng nhờ những ngọn đèn đường. Phố chợ nhà nhà đóng cửa, dù bên trong vang vang tiếng nhạc Karaoke, tiếng vũ khí chạm nhau trong phim võ hiệp. Khu ngoài chợ, mấy quán cà phê đang mở to âm thanh xập xình tiếng nhạc. Ông Năm bồn chồn đứng lên ngồi xuống.

Ông quay vô bắt tivi khi con Tư rửa chén. Tắm xong. Ông đứng trước cửa buồng Dũng mà nói:

 

- Dũng à…Tới giờ con Ngọc còn chưa về…

 

- Trời ơi…ba lẩm cẩm quá rồi…Từ chiều tới giờ…Kìa nó về kìa…

 

Dũng đẩy cửa buồng, bước ra nói với ông chưa dứt đã thấy con Ngọc dẫn xe vô cửa. Thảo cũng đã bước ra, miệng cười chế giễu ông. Hứ…Nhưng, không phải chỉ riêng ông mà cả nhà cùng thấy con Ngọc rất khác lạ. Nó uể oải nhấc chiếc xe đạp bước lên bực thềm. Gương mặt tái tái, xụ xuống không dám nhìn ai. Đôi môi…ơ, hình như bị sưng lên chớ không phải tô son quá đậm…Trời ơi, hai cái nút như hai cái nơ trước ngực mất đâu, thế vô đó là hai sợi dây thun buộc túm, và cái áo mô đen mỏng tang tố cáo con nhỏ…không có mặc áo nịt vú. Nó dựa xe vô tường, hai cánh tay trầy trụa và lưng áo đầy bụi đất…Ông đã nhận ra điều không may rồi, nhưng Dũng còn hờ hệch.

 

- Đi không về cho sớm, để nội lo…chạy té ở đâu vậy…

 

- Té…té…

 

Con Ngọc ấp úng, tránh không nhìn ai, đi nhanh ra sau, nhưng dáng đi rất lạ và Thảo nhận ra bằng ánh mắt người phụ nữ. Thảo nắm lấy cườm tay con Ngọc lôi vô buồng mình:

 

- Vô…vô đây…Anh khỏi vô…

 

Thảo đóng cửa không cho Dũng bước theo. Cô đã gài chốt trong. Ông Năm nghe rõ:

 

- Cái này đâu rồi, sao đứt hết trơn vậy…Trời ơi, cả cái quần…lót …cũng…cũng…

 

- Mẹ…mẹ ơi…con…con bị…

 

- Bị…bị cái gì…kéo xuống  coi…hả…Trời…bị ai…Mày đi đâu để bị…

 

- Con theo bạn Trung vô vườn ổi nó chơi…

 

- Cái thằng Trung chiều hôm qua tới rủ mày đi chơi đó hả?

 

- Dạ…Nhưng hôm qua chỉ có mình Trung…bữa nay trong chòi ở vườn ổi còn có anh của Trung…Anh cũng đòi làm như bạn Trung…với con…Con hổng chịu nên hai anh em…

 

Ông Năm xỉu xuống nền gạch khi nghe con Ngọc vừa nói vừa khóc nấc trong phòng. Dũng gầm lên và tông mạnh vô cửa. Cánh cửa buồng bật tung, trong khi ông được con Tư kè lại ngồi trên ghế. Ông nghe tiếng khóc thét của nhỏ Ngọc. Tiếng Dũng chửi thề kèm với tiếng tát tay vang lên rất mạnh. Tiếng khóc của con Thảo cùng với lời can. Dũng nắm mái tóc xù lông nhím của con Ngọc lôi ra trước với giọng gầm lên:

 

- Mày theo tao ra công an…Đ…M…cho tụi nó tù rục xương luôn…

 

- Trời ơi…ngu ơi là ngu…Còn gì đời con nữa Ngọc…

 

Thảo chạy theo ôm lấy con Ngọc dằn lại, không cho Dũng lôi đi. Con Tư run rẩy nói với giọng lập cập:

 

- Ngọc…Ngọc nó…xỉu rồi…đưa nó đi bác sĩ…

 

Dũng buông tóc con Ngọc ra và Thảo đã xốc nách con nhỏ cùng với con Tư kè vô sau. Giọng Thảo run run:

 

- Tư, mày đi kiếm y tá Hưng…Đừng um sùm nghe.

 

Ông Năm ho lên từng cơn kéo dài. Ông gượng đứng dậy lần đi lên gác, ông không đủ can đảm nhìn, nghe con cháu mình đang đau khổ trước chuyện không may này. Thảo đã chạy lên phòng con Ngọc lấy đồ thay, lau mình cho nó. Ông Năm ngã vật xuống giường, nghe đau nhói trong lòng, đau đến rã rời cả tay chân tưởng như đã cạn kiệt không còn chút sinh lực nào nữa. Con Tư đã về và lót tót chạy lên thăm ông. Nó sờ nắn người ông và hốt hoảng lấy chai dầu nước xanh giựt gió cho ông.

-Có sao không ông? Chú Hưng khám cho con Ngọc xong sẽ lên thăm bệnh cho ông…Ông có đau lắm không?

 

Con nhỏ hỏi với giọng sợ sệt và tay không ngừng giật bựt bựt miếng da giữa hai chân mày của ông. Hình như ông không thấy đau…Bình thường ông hay than đau mỗi khi con nhỏ cạo gió cho ông,nhưng bữa nay, lúc này, nỗi đau thể xác chả ra gì so với nỗi đau trong tâm hồn của ông. Một nỗi đau không dễ gì tìm phương thuốc chữa khỏi…

 

Châu Phú, 28/10/ 1999

 

( Đài Truyền Thanh Huyện Châu Phú –An Giang )

Trích trong tập truyện Ông Hai Thủ của Mai Bửu Minh

Hội VHNT Tỉnh An Giang xuất bản tháng 12/ 2003

 

Mai Bửu Minh
Số lần đọc: 2489
Ngày đăng: 21.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Rác biển - Vũ Hồng
Tiếng thì thầm trong đêm - Lê Minh
Tình bạn - Phạm Thị Ngọc Ðiệp
Vườn xoài ngoại ô - Phong Hân
Qua cơn bịnh - Anh Động
Suối nắng - Anh Động
Trên những con đường - Kim Quyên
Chuyện nàng Mimô - Trần Kim Trắc
Công an xã - Hồ Tĩnh Tâm
Miền hư ảo - Minh Châu
Cùng một tác giả
Hắn và tôi (truyện ngắn)
Hồng Sa Mạc (tuyển truyện)
Ngoại tình (truyện ngắn)
Ông Hai Thủ (truyện ngắn)
Đêm khó quên (truyện ngắn)
Nổi đau (truyện ngắn)