('Good for Putin, Bad for Russia') – Báo chí Đức nói về nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của Putin
Charles Hawley, spiegel
DPA
Bên trong là một Putin nữa. Và một ..nữa
Ít người bị ngạc nhiên hôm thứ Bảy khi Tổng thống Nga Dmitri Medvedev chỉ định người tiền nhiệm của ông, Vladimir Putin, trở thành người kế tục ông. Số người bị ấn tượng còn ít hơn. Các nhà bình luận Đức nói động thái này không báo trước điều gì tốt lành cho nước Nga
Năm 2004, Thủ tướng Đức Gerhard Schröder nhắc đến Vladimir Putin- Tổng thống Nga lúc đó - bằng một câu nổi tiếng "nhà dân chủ không tì vết." Cuối tuần này, đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết rằng Schröder có lẽ đã nhầm lẫn.
Đúng như thế giới đã biết trước nhiều tháng, tổng thống đương nhiệm Dmitry Medvedev tuần này vừa đề nghị rằng Putin nên ứng cử tổng thống cho đảng Nước Nga Thống nhất, gần như chắc chắn rằng Putin sẽ trở lại Kremlin sau cuộc bầu cử năm sau. Về phần mình, Medvedev rất có thể sẽ tiếp quản vị trí hiện nay của Putin là thủ tướng.
Sự tráo đổi vị trí này, kết hợp với việc từ sang năm sẽ kéo dài nhiệm kỳ tổng thống từ bốn lên sáu năm, có nghĩa là Putin có thể cai trị nước Nga đến 2024.
Không phải mọi người đều hài lòng với thỏa thuận này. Ở phương Tây, chi nhánh cai trị nặng-tay của Putin vẫn thường bị phê phán về thiếu dân chủ. Bản chất ngấm ngầm của thỏa thuận Medvedev – Puttin chỉ làm tăng những chê trách như thế. Nhiều người khác lo ngại rằng thỏa thuận này có thể dẫn đến trì trệ nền kinh tế và đóng băng mọi loại cải cách. Hơn nữa, những người phê phán nói nó hãm bộ máy quan liêu cực kỳ tham nhũng tại chỗ; theo tổ chức phi chính phủ Minh Bạch Quốc Tế ở Berlin, nước Nga đứng hàng 154 trên 178 nước được đánh giá về mức độ tham nhũng của quan chức.
Ngay cả người Nga bây giờ cũng chán ngán về nước Nga mà Putin tạo ra. Một cuộc điều tra ý kiến gần đây cho thấy 20 phần trăm người Nga quan tâm đến chuyện di cư – khó có thể coi là dấu hiệu đồng thuận với thủ tướng kiêm tổng thống.
Các nhà bình luận Đức hôm thứ Hai cũng phê phán rộng rãi động thái này.
Tờ nhật báo trung tả Süddeutsche Zeitung viết:
"Người ta không thể, ít nhất, lên án Putin trong vụ này là không trung thực. Đúng ra, kế hoạch của ông ta trở lại Kremlin rọi một ánh sáng mới lên cấu trúc quyền lực thật sự của nước này… Con người mạnh nhất nước Nga nói một cách bí ẩn về thỏa thuận giữa ông ta và Medvedev được thực hiện từ lâu nhưng chưa bao giờ được đưa ra công luận. Ở các nước khác, điều đó chắc chắn sẽ là một vụ bê bối lớn, nhưng ở nước Nga những quyết định quan trọng được thực hiện mà không cần lấy ý kiến công luận hoặc cho công luận biết là chuyện tất nhiên. Điều ấy tốt cho Putin… Nhưng nó xấu cho nước Nga."
"Nước Nga của Putin là một nhà nước phản hiện đại, phi dân chủ…đất nước lớn nhất trên trái đất [trong số những nước] cai trị bằng sắc lệnh. 'Nước Nga Thống nhất' không phải là một đảng phát triển những tư tưởng, trong quốc hội có rất ít tranh luận. Một tình hình như thế có thể biện hộ được sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và những năm điên rồ, vô chính phủ tiếp theo dưới sự cai trị của Boris Yeltsin. Nhưng nó không còn có ích lợi gì nữa. Các Thống đốc được Moscow chỉ định, các kênh truyền hình được kiểm soát ngặt nghèo, tất cả những cái đó triệt tiêu mọi công khai và cạnh tranh mà nước Nga lúc này cần hơn lúc nào hết."
Tờ nhật báo bảo thủ Die Welt viết:
"Công luận Nga mong mỏi một lãnh đạo mạnh và Putin đã tạo ra được hình ảnh một người như thế. Ông ta đã cho những người Nga bị dằn vặt dày vò một cảm giác tự hào mới và cho phép họ tin tưởng rằng đất nước họ một lần nữa lại thành cường quốc thế giới. Nhưng ông ta không bảo cho họ biết rằng chính là nhờ có lợi tức từ bán dầu lửa và khí tự nhiên, và không phải những cải cách của ông ta, đã dẫn đến một nền kinh tế Nga đang phát triển mạnh. Nhưng có nhiều cơ hội khiến nền kinh tế ấy không phải lúc nào cũng đầy hoa hồng như vậy. Dù làm thủ tướng hay tổng thống thì Putin cũng chưa bao giờ tìm cách mở rộng cơ sở kinh tế của đất nước. Ngược lại, ông ta tập trung nó lại và làm nó thui chột đi."
"Nói một cách trung thực, thì Putin đã vứt bỏ các quyền tự do giành được sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và đã xây dựng một chế độ chuyên quyền. Việc Putin nắm quyền chỉ là tin tốt lành cho phe nhóm cầm quyền."
Từ nhật báo tài chính Handelsblatt viết:
"Medvedev không có bản năng cầm quyền. Theo một cuộc điều tra dư luận, người Nga khó lòng mà nêu được dù chỉ một thành tựu mà ông chủ điện Kremlin giành được trong nhiệm kỳ tổng thống của ông ta. Tuy nhiên, ta phải thành thực khen ngợi Medvedev: ông là một diễn viên xuất sắc."
"Trong gần bốn năm, Medvedev đã thuyết giáo về hiện đại hóa: Ông đã dùng những lời lẽ quyết liệt giải thích rằng việc lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu là "cổ lỗ" và dẫn đến khủng hoảng; rằng tại sao "chủ nghĩa hư vô pháp luật" đã hủy hoại các công ty Nga; và tại sao đất nước cần nhiều tự do và cạnh tranh hơn. Đó chính là thông điệp mà giới trí thức Nga và các nhà đầu tư phương Tây muốn được nghe. Và những người nước ngoài nói riêng đã hiểu thông điệp đó theo giá trị bề mặt của nó."
"Nhưng hiện đại hóa của Medvedev là một sự lừa bịp. Trong diễn văn của ông ta ngày thứ Bẩy, ông ta ca ngợi 'Chế độ Putin' – trong đó ông ta được phép phục vụ như một người giữ chỗ cho Vua trong bốn năm – cũng nghiêm túc như khi ông ta chê bai những yếu kém trong nền kinh tế Nga. Bản thân ông ta chỉ định Putin làm người kế vị, mặc dầu ông ta lặp đi lặp lại phê phán tính đa tạp của chủ nghĩa tư bản do nhà nước kiểm soát của Putin. Putin và Medvedev là anh em về tinh thần. Bằng cách thể hiện những bất đồng về ý kiến, họ chỉ đang tạo ấn tượng về chủ nghĩa đa nguyên."
Tờ nhật báo trung tả Frankfurter Allgemeine Zeitung viết:
"Putin đi vào chức vụ năm 1999 với mục tiêu ngăn chặn sự phân rã của nước Nga và nhằm mục đích ấy, ông đã phát động một cuộc chiến tranh dã man ở Chechnya. Ngày nay, điện Kremlin đang đối mặt với tiếng gọi đang lớn lên từ cánh hữu đòi từ bỏ Bắc Caucasus bởi vì nó đã trở thành rất khó kiểm soát. Trong nhiều năm, Putin nói cuộc chiến chống tham nhũng là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của ông ta, nhưng đất nước ông ta tiếp tục rơi vào hàng tham nhũng quốc tế. Putin muốn đất nước giảm lệ thuộc vào dầu và khí, nhưng thực tế nó đang tăng… Putin tìm cách thiết lập lại nền tảng công nghiệp của nước Nga, nhưng khoảng cách công nghệ với phần còn lại của thế giới chỉ càng rộng thêm….Cơ sở hạ tầng và y tế tiếp tục suy sụp mặc dầu những chương trình nhiều tỉ đô la nhằm tái thiết cả hai. Khi những thất bại trở nên rõ ràng, Putin đổ lỗi cho những người bên dưới ông ta – tội lỗi do những người yếu đẻ ra."
"Tuy nhiên Putin vẫn còn hoàn toàn được lòng dân. Điều này phần lớn do kết quả của việc ông đã tạo được bình ổn sau những hỗn loạn của tổng thống Boris Yeltsin trong những năm 1990 và bởi vì sự kiện nhiều thành phố Nga được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế do dầu khí mang lại. Tuy nhiên điều đó không đủ tính hợp pháp để đi suốt 12 năm. Hơn nữa, có vẻ như việc người Nga nghĩ gì về kết quả lãnh đạo của ông ta không có gì là quan trọng."