Thuận vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ 3 của mình: Paris 11 tháng 8. 22 chương, mỗi chương chia làm 2 đoạn: đoạn một là sản phẩm có sẵn, đoạn hai là sản phẩm hư cấu. Trong cái cấu trúc đều đặn ấy, chi tiết, sự việc, nhân vật dính vào nhau bởi những trích đoạn báo chí về một sự kiện duy nhất - trận nắng nóng 2003...
Thuận - tên khai sinh là Đoàn Thuận Ánh - người phụ nữ đi từ Made in VN, qua China Town đến Paris 11 tháng 8, cựu sinh viên ngoại ngữ của ĐH Sư phạm Pyartygorsk (Cộng hòa Nga), vợ hoạ sĩ Trần Trọng Vũ, con dâu của cố thi sĩ tài danh Trần Dần, chị đang sống thế nào và đã nghĩ gì khi viết, bằng tiếng Việt, ở một nơi không phải Việt Nam?
* Ai cũng biết tất nhiên tiểu thuyết không phải là cuộc sống, nhưng ai cũng luôn luôn có mối liên tưởng giữa tác phẩm và cuộc đời thực. Các nhân vật của chị phải vật lộn khủng khiếp như vậy ở Paris, cuộc sống hàng ngày của chị ở bên đó thế nào?
- Thời gian đầu đặt chân đến Paris, tôi vừa đi học vừa đi dạy tiếng Việt. Có những ngày dạy năm cua, ở năm địa điểm khác nhau, phương tiện duy nhất là tàu điện ngầm, học sinh học đến năm thứ hai vẫn đọc “Cho tôi một ít dấm” thành “Cho tôi một ít dâm”, chủ yếu để hỏi về vịnh Hạ Long và món nem rán. Cuộc sống của tôi không là cơn ác mộng, nhưng cũng chưa bao giờ mang màu hồng thơ mộng như ca khúc “La vie en rose” mà người hát rong nào cũng hát vang vang khắp các nẻo đường Paris.
Mười bốn năm đã qua. Từ khi bắt tay vào tiểu thuyết, với Made in Vietnam, tôi có thể tự cho phép mình sử dụng phần lớn thời gian và sức lực vào sáng tác. Mỗi năm đôi lần, tôi làm một công việc gì đấy. Nói nôm na là đi thực tiễn.
Năm 2003, tôi đi dạy tiếng Anh cho trường cấp 2 của một thành phố nhỏ cách thủ đô gần 40 cây. Ba tháng đủ để tôi đặt chân vào thế giới của dân nhập cư gốc Bắc Phi. Kết quả là Chinatown ra đời vào mùa hè năm sau, nhân vật chính thâm niên mười năm nghề dạy thay, lang thang khắp vùng ngoại ô nhạy cảm.
Còn năm ngoái, sáu tuần làm trợ lý cho một hội nghị xã hội học, tôi được nhiều dịp tiếp xúc với các chuyên gia về Việt Nam, khám phá tháp ngà và cung cách làm việc của giới học thuật. Tiểu thuyết Paris 11 tháng 8, viết nửa năm sau, có nhiều chi tiết gần như đi trực tiếp từ kinh nghiệm tôi đã trải qua.
* Chị cố ý gắn chặt thời sự của Paris vào từng khoảnh khắc sống của các nhân vật bằng cách trích dẫn mỗi bài báo thay cho đề từ của một chương, nhiều lần liên tục, chị có sợ độc giả mệt mỏi không?
- Khi thu thập tư liệu về trận nắng nóng năm 2003, tôi thực sự bất ngờ trước cách phản ứng của báo chí và giới chính trị: sự kiện này thường xuyên bị khai thác theo hai phương pháp: hoặc cho vào máy phóng để câu khách, hoặc tô thêm màu đen để đánh gục đối phương.
Tất nhiên còn những nhà báo trung thực, nhưng không dễ nhận diện giữa đám hỏa mù ấy. Những bài báo mà tôi trích dẫn trong tiểu thuyết Paris 11 tháng 8 đã phản ánh bao nhiêu phần trăm hiện thực? Chúng có phải là những khả năng khác nhau của một sự kiện? Tôi muốn độc giả chia sẻ với tôi những câu hỏi này.
Paris 11 tháng 8 không chỉ đăng lại những trích đoạn báo chí mà còn giới thiệu ba tham luận xã hội học của ba tác giả khác nhau. Tôi muốn thử nghiệm những ngôn ngữ khác ngoài văn học. Tôi cũng muốn độc giả phải đối đầu với thế giới ngày nay - thế giới của thông tin: tiếp nhận thông tin là quan trọng, nhưng phân tích thông tin còn quan trọng hơn. Có thể mỏi mệt, nhưng đó là điều không thể tránh khỏi.
* Chị viết về nước Pháp hiện đại với tâm thế của những người trí thức thành đạt có địa vị xã hội như vợ chồng chị hay với tâm thế của những kẻ bên lề - như các nhân vật của chị
- Xin được đính chính ngay rằng chúng tôi không phải là người có địa vị xã hội. Chồng tôi không là một nhân vật nổi tiếng, anh được biết đến như một họa sĩ nghiêm túc thì đúng hơn. Còn tôi, ngoài gia đình và bạn thân, không ai đọc các sáng tác của tôi.
Hai tháng ngồi trước máy tính cho tiểu thuyết thứ 3, tôi vừa ra khỏi cổng thì được ông hàng xóm chặn lại vỗ vai: ốm hay sao mà chẳng thấy mặt mũi đâu? Thỉnh thoảng đến trường đón con, thế nào cũng bị chị Việt kiều gần đấy mắng yêu: ăn không ngồi rồi ở nhà, sao không đẻ thêm đứa nữa cho nó có em? Tôi không bao giờ đính chính. Làm người vô danh hay làm một thành viên của làng văn Hà Nội, cái nào đơn giản hơn cái nào?
Tôi viết về xã hội Pháp đương đại vừa với tư cách của người sống trong đó, vừa với tư cách của một kẻ bên lề. Có lẽ chính sự giao động xung quanh hai vị trí ấy đã đưa đẩy ngòi bút của tôi, ban phát cho tôi quyền tự do trong sáng tác, tặng thêm cho tôi một cặp mắt đằng sau gáy.
* Từ cộng đồng người Việt và người Hoa trong các tác phẩm trước, đến tiểu thuyết mới này, chị đã mở rộng ra các cộng đồng nhập cư khác như Đông Âu, Mỹ Latin… do sự đòi hỏi tự nhiên trong quá trình xây dựng tác phẩm hay do ý thức hướng đến cái mà người ta bây giờ gọi là "toàn cầu hóa"?
- Tôi luôn bị thu hút bởi cuộc sống xung quanh. Một cộng đồng phức tạp, đa chủng tộc, đa văn hóa như nước Pháp là cảm hứng liên tục cho sáng tác của tôi. Tôi phân tích nó bằng một bộ óc khá đặc biệt: một nửa thuộc về người Pháp, nửa còn lại là của kẻ nhập cư.
Những ngày qua nước Pháp xôn xao vì các trận bạo động ngoại ô Đông Bắc Paris. Nhiều người tỏ ra kinh ngạc, phần lớn không sao hiểu nổi. Bản thân tôi đã phát hiện mầm mống của chúng từ những năm trước, trong ba tháng đi dạy các học sinh gốc Bắc Phi.
Những đứa trẻ mười ba tuổi đã kịp thù ghét Bộ Giáo dục và bộ môn tiếng Anh, mười ba tuổi đã kịp nhận ra tương lai nằm trong nghề quét tàu điện ngầm, trong cuộc hôn nhân dàn xếp, tám đứa con và căn hộ lắp ghép trong một cư xá sặc mùi nước tiểu. Chính phủ Pháp từ lâu mơ tới một cộng đồng nước ngoài hội nhập hoàn toàn. Đó là điều không thể. Có vẻ như họ càng muốn xoá đi các khoảng cách thì chúng lại càng phình to thêm.
* Từ Made in Vietnam, qua Chinatown và bây giờ là Paris 11/ 08, có cảm giác là ám ảnh của cuộc sống thời bao cấp ở VN cứ theo chị rất dai dẳng, hay nói ngược lại là chị cố ý trở đi trở lại với đề tài này. Trong cuộc sống của chị, thời kỳ này có nặng nề đến vậy không? Hay là chị viết về nó như một sở thích?
- Cho đến năm 17 tuổi, cuộc sống của tôi gắn liền với bao cấp. Tôi tự an ủi trong cái rủi lại có cái may: Đó là một trong mấy chìa khóa giúp tôi hiểu xã hội Việt Nam đương đại. Trên thực tế, chế độ tem phiếu đã bị hủy bỏ nhưng tinh thần bao cấp vẫn trụ lại khá mạnh mẽ trong suy nghĩ và hành động của người VN, cả vô thức lẫn ý thức. Bạn muốn được chữa bệnh ư? Chuẩn bị quà cho bác sĩ và y tá nhé. Bạn muốn gửi con vào trường trái tuyến ư? Đừng quên phong bì cho ban giám hiệu.
* Trong Chinatown, chị đã kiêng không viết về vấn đề tính dục, hay chính xác hơn là lý giải như một nhà xã hội học về việc tại sao chị không đề cập đến tình dục trong tác phẩm của mình. Ở Paris 11/08 thì ngược lại, chị chủ động viết về vấn đề đó, và cũng mổ xẻ rất khoa học và lạnh lùng. Vì sao lại có sự thay đổi lớn như vậy?
- Đơn giản là tôi muốn thử viết một cái tôi chưa viết bao giờ. Tôi chọn thái độ vừa lạnh lùng vừa hài hước khi đề cập đến tình dục bởi vì các tác giả khác đã dành cho nó quá nhiều xúc động, quá nhiều nghiêm túc.
* Thế còn về các nhân vật, chị có đặc biệt quan tâm chăm sóc nhân vật nào không?
- Người đọc có thể ngay lập tức nhận ra cặp nhân vật Mai Lan-Liên. Có lẽ vì Mai Lan đã xinh đẹp lại còn gợi cảm, đa tình... nên Liên phải có nhiệm vụ trở thành một hình ảnh không ước lệ, theo cách triệt để nhất. Thị Nở của Nam Cao xấu xí nhưng cũng thích đong đưa. Còn Liên thì chưa biết mùi tình dục mà dám từ chối tình yêu, chưa bao giờ hy vọng mà đã kịp thất vọng, chưa từng có kinh nghiệm chăn gối mà đã chai sạn hoàn toàn. Với một nhân vật ngoại mẫu như thế thì tôi không thể tìm cho Liên một Chí Phèo, đêm trong vườn chuối không có cớ nào để xảy ra lần nữa...
Paris 11 tháng 8 bắt đầu bằng Liên và kết thúc cũng bằng Liên, một ngày Quốc tế Phụ Nữ buồn bã là nguyên nhân của một tai nạn xe hơi cố tình. Liên được xây dựng như một cách viết tình dục từ một chất liệu không tình dục. Không biết mục tiêu ấy đã hoàn thành đến đâu?...