Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.111
123.142.347
 
Nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn:
Lý Đợi

Bằng cách dịch, chú giải công phu 2 cuốn sách kinh điển trong lịch sử triết học thế giới: “Phê phán Lý tính thuần tuý”của I. Kant (Nxb Văn Học, 2004); và “Hiện tượng học Tinh thần” của Hegel (Nxb Văn Học, 2006); và những cuốn khác đang hoàn thành_ nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn đã góp nhiều công sức vào tiến trình chung đó. Ông trao đổi cởi mở, vui vẻ với bạn đọc.

 

 

_ Thời gian theo học và sinh sống tại Đức ắt hẳn có nhiều thử thách, cũng như thú vị. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm cụ thể này với bạn đọc được không?

+ Cảm ơn anh đã có lòng quan tâm đến một lãnh vực và một việc làm “xa rời thực tế”. Về thời gian ở Đức của tôi từ 1968 đến nay, “sinh sống” thì có, còn “theo học” thì không mấy tí; “thú vị” thì cũng chút ít, còn “thử thách” thì chẳng đáng là bao. Nếu “có thể chia sẻ kinh nghiệm”, xin chỉ nói sơ về việc học. Khi tôi sang Đức, nói riêng về khoa Triết mà tôi được biết, đại học Đức (và có lẽ ở Âu Mỹ nói chung) đã cải cách việc dạy và học từ lâu. Với tấm bằng “Cử nhân giáo khoa triết học Tây phương" (Đại học Văn Khoa Sài Gòn) trong tay, với chút ít giáo trình và đôi quyển “Nhập môn” trong bụng, tôi bị bất ngờ vì không còn được hưởng sự êm ấm của cảnh “thầy đọc trò chép” quen thuộc. Bên đó, chỉ một số nhỏ các đại giáo sư, tầm cỡ “triết gia” mới “dám” đọc giáo trình (tiếng Đức gọi là “Vorlesung”), nếu không, chẳng ai thèm nghe. Hầu hết chương trình là những “xêmine”, chia làm hai loại: “xêmine dự bị” và “xêmine chính” chẳng khác nhau là bao và ai dự cũng được, nên trình độ chênh lệch khiến “đàn em” thường phải dựa cột mà nghe. Họ làm gì trong các xêmine ấy? Học tác giả nào thì lật sách của tác giả ấy ra mà đọc! Không có nguyên bản thì đọc bản dịch đáng tin cậy. Đọc, chia phiên thuyết trình, (hoặc soạn “biên bản” thảo luận nếu không có gan thuyết trình!) và… cãi nhau. Mà họ làm rất nhẩn nha, kỹ lưỡng. Chẳng hạn, xêmine về quyển “Hiện tượng học Tinh thần” của Hegel được cả thầy lẫn trò quần nhau suốt một lục cá nguyệt, nhưng vẫn chưa xong “Lời Tựa”!. Còn cả ngàn trang nữa thì sao đây? Không sao hết! Cùng nhau đọc kỹ “Lời Tựa” cái đã, vì anh (hay chị) còn cả đời để tự đọc Hegel cơ mà. Tôi choáng váng với cách học ấy và suốt mấy năm trời nghe như vịt nghe sấm. Ước gì được như mấy ông bạn người Nhật, người Hàn Quốc có sẵn bản dịch và từ điển của tiếng nước họ, đỡ khổ hơn biết mấy! Từ đó, tôi rút ra hai “kinh nghiệm”: Một, học Triết thì nên đến thẳng với “Phật” chứ không (hoặc chưa) nên thông qua các “nhà sư”! Hai, nếu không có những bản dịch và chú giải thật tốt, thật đầy đủ và kịp thời thì chắc là khoa Triết ở mọi đại học phương Tây phải “đóng cửa” hết!

 

_ Về môi trường sống, cũng như học hành, làm việc… ông nghĩ Việt Nam có những điểm nào thực sự khác biệt với nước Đức?

+ Người mình nên học người Đức (và không chỉ người Đức!) tính chăm chỉ và chu đáo… Ngoài ra cũng nên tập giống họ ở thói quen mua sách, chứ ai một cuốn sách có 500 – 600 cuốn bán hoài không hết.

 

_ Trong thời gian ở Việt Nam gần đây, tại sao ông lại chọn ngay I. Kant với bộ sách rất khó: “Phê phán Lý tính thuần tuý”; và Hegel với “Hiện tượng học Tinh thần”, cũng khó không kém, để dịch và chú giải?

+ Vì đây là hai quyển “làm khổ” sinh viên ban Triết (và những người đọc sách triết) nhiều nhất, giống như câu nói: “Làm sãi thì sợ Chú Lăng Nghiêm” vậy! Ai cũng phải qua hai “cái cầu” này mới hy vọng hiểu được tư tưởng Tây phương cận và hiện đại. Tất nhiên, không chỉ có thế.

 

_ Những cuốn sách công phu như thế, ông đã làm việc trong bao lâu, và cách làm của ông như thế nào?

+ Tôi cứ từ từ mà làm, như học trò học thi hay như người đi leo núi. Không nhìn cả quyển, cũng không nhìn cả chương mà chỉ nhìn từng đoạn giữa hai chỗ chấm câu sang hàng của tác giả. Ráng hiểu kỹ rồi mới dịch. Chưa hiểu thì tìm hiểu đã. Không hiểu thì thưa thật là không hiểu.

 

_ Cuốn của Kant gần 1300 trang với nhiều chú thích và chú giải; cuốn của Hegel hơn 1600 trang với 1300 chú thích, lại có thêm toát yếu và chú giải. Tại sao ông phải làm kĩ lưỡng như vậy? Có khi nào nó làm cho cuốn sách nặng nề hơn không?

+ Không có “phụ tùng” ấy, e cuốn sách còn “nặng nề” hơn! Kant bảo rằng: “tầm cỡ của một cuốn sách không ở số trang của nó mà ở thời gian người ta cần để hiểu nó” (xem: Lời Tựa lần xuất bản thứ nhất, Phê phán Lý tính thuần túy). “Hiểu” Kant và Hegel mà không cần sự trợ giúp của ai khác thì chỉ có hai trường hợp: là một bậc thiên tài về tư tưởng, hoặc không… thành thật. Biết mình không thuộc loại trước và không muốn trở thành loại sau, phần “rườm rà” này chỉ là cố gắng hỗ trợ lẫn nhau giữa những người đồng cảnh ngộ. Đối với những ai thành thật thấy mình may mắn thuộc loại trước, chúng quả thật rườm rà!

 

_ Hai cuốn sách gần 3000 trang, tất nhiên có rất nhiều vấn đề được đặt ra. Nhưng nếu phải nói ngắn gọn trong một bài phỏng vấn, ông nói sao về Chủ đề của hai cuốn sách này? Địa vị của nó trong lịch sử triết học?

+ Kant khuyên ta nên biết chỗ dừng lại; Hegel thì khuyến khích ta mạnh dạn tiến lên. Hegel muốn biến triết học thành khoa học; tức để “biết thêm” một điều gì đó; Kant bảo rằng khoa học cần phải “biết” về chính mình, tức nên “bớt đi” một ảo tưởng, và ông gọi sự tỉnh ngộ ấy là “Khai sáng”. “Vi Học nhật ích, vi Đạo nhật tổn!”. Kant và Hegel là hai “mô hình” tư duy khác nhau và triết học ngày nay vẫn nằm trong sự giằng co giữa “khoa học” và “khai sáng”. Khoa học mà không khai sáng thì thiếu chất lượng triết học. Khai sáng mà không khoa học thì có nguy cơ xa rời thực tại. Tầm quan trọng của “vụ việc” cho thấy rõ “địa vị” của cả hai ông trong lịch sử triết học.

 

_ Có quan điểm cho rằng: với triết học, những cuốn nhập môn làm trước, kinh điển thì làm sau. Quan điểm của ông như thế nào?

+ Tất nhiên cần cả hai. “Nhập môn” là để chuẩn bị “đăng đường”, rồi “nhập thất”. Không “nhập thất” thì cứ đứng vẩn vơ mãi ngoài cổng, khó thấy được “vẻ đẹp đẽ của nhà tông miếu, cảnh giàu có của bá quan” (Luận ngữ). Người Nhật, khi canh tân đất nước, đã thệ nguyện với nhau: “Chỉ chịu làm học trò một thế hệ mà thôi!”. Nhờ vậy, họ khá. Mình cũng nên “thệ nguyện” với nhau như vậy.

 

_ Khó khăn lớn nhất khi ông dịch và chú giải hai cuốn sách này là gì?

+ Ít có người đi trước để học hỏi, ít có người đi sau để tiếp tay.

 

_ Kế hoạch trong những năm tới của ông là gì?

+ Vái trời có sức khoẻ để học thêm được chút ít gì đó, cũng như tiếp tục dịch và chú giải một số tác phẩm “kinh điển”… Rồi trong khả năng cho phép, tiếp tay với “Tủ sách Tri thức” do anh Chu Hảo chủ trương.

 

_ Thông qua hai cuốn sách, thông điệp hay ước vọng của ông [với người đọc, giới nghiên cứu] trong công việc vốn rất cô đơn này là gì?

+ Xây nhà từ móng; luyện nội công song song với học quyền cước.

 

_ Với người ta, sách của mình in trước, sách “người” in sau, nghĩ sao mà ông làm ngược lại?

+ Phùng Hữu Lan, tác giả nổi tiếng của bộ “Lịch sử triết học Trung Quốc” từng than thở: “Làm triết gia thì không được, làm triết học gia thì không muốn. Đó là nỗi khổ tâm của ta mấy mươi năm nay”. Tôi biết sức mình, nên không đến nỗi “khổ tâm” như cụ Phùng.

 

_ Một câu hỏi bên lề: Hiện nay ông là tộc trưởng của họ Bùi (Vĩnh Trinh, Quảng Nam), vai chú của cố thi sĩ Bùi Giáng, ông nghĩ gì về chuyện này? Và nghĩ gì về Bùi Giáng?

+ Tôi lưu lạc lâu năm ở quê người, nay thỉnh thoảng được sống trong tình cảm thân thiết của bà con ruột thịt trong gia tộc, đó là niềm an ủi và hạnh phúc. Về anh Giáng, ngoài chỗ bà con, chẳng biết nói gì hơn. Ảnh là một vì sao, tôi là con đom đóm; ảnh là một thiên tài, còn mình là một con mọt sách. Nhữ ý vân hà?

 

 

Lý Đợi thực hiện

 

------------------------

Hình: L.Đ.

 

Nguồn: Phần lớn bài này đã in TT&VH, ra ngày 01.07.2006, vớI bút danh Văn Bảy.

Lý Đợi
Số lần đọc: 2917
Ngày đăng: 23.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phát hiện mới về lối hát Ca trù cổ - Nguyễn Mạnh Hà
Bàn chất của sáng tạo là sự áp đặt - Ngọc Anh
Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên: Đôi khi chỉ cần một tích tắc yêu... - Ngô Thị Kim Cúc
Thuận và - Thu Hà
Kinh doanh cũng cần lãng mạn - Huỳnh Kim
GS-TS Trần Luân Kim : - Tuyết Minh
TS Thái Kim Lan và tủ sách tuyển tập văn học Đức - Việt - Lam Điền
Nhà văn Lý Lan trả lời phỏng vấn SCL : “TÔI ĐANG GIÀU CÓ NIỀM HẠNH PHÚC” - Huỳnh Kim
Nguyễn Ngọc Tư, chuyện mới nghe qua - Huỳnh Kim
Cùng một tác giả
Trợ giúp ! (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)