Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
661
123.242.725
 
Điều không đơn giản
Hoàng Thu Dung

Tôi ra về khi bạn bè còn ở lại nhấm nháp bánh kem, vừa chơi trò chơi bảy nốt nhạc, một trò chơi tôi rất thích vì bao giờ cũng được làm nhạc trưởng. Biết làm sao được, tôi mà về khuya thì mọi việc sẽ ùn lại, chị Thư gánh sao hết. Rồi “mẫu hậu” sẽ bắt tôi nghe “vọng cổ” chịu gì nổi.

 

Nghĩ đến đống chén chưa rửa, quần áo chưa xếp và còn phải xua lũ nhóc lên giường, tôi ngán tận cổ. Ước sao tôi sẽ được bước vào một ngôi nhà nào đó không phải nhà của tôi, một ngôi nhà như nhà nhỏ Hạnh chẳng hạn.

 

Nhưng mơ ước chỉ là mơ ước. Còn hiện thực là tôi đang đi về “cung điện mùa đông” của tôi. Đó là một “cung điện nguy nga” tọa lạc tận cùng của con hẻm nhỏ xíu. Mùa mưa đi học được lội bủm bủm nghe rất vui tai. Thi vị nhất là những đêm đang ngủ, bỗng có những giọt nước rơi bụp xuống mặt. Thế là cả “hoàng gia” táo tác lên. “Phụ vương” leo lên nóc chắn mái lá. “Mẫu hậu” bồng “ấu chúa” tìm chỗ an toàn náu mình. Còn chị em chúng tôi, hai “hoàng tử” và năm “công chúa” quýnh quáng thu dọn chăn màn. Mấy lúc như vậy nhỏ Hạnh ủ mình trong lớp chăn ấm, làm gì nó biết được cảnh chạy loạn của tôi.

 

Vừa thấy mặt tôi, mẫu hậu đã gắt:

 

- Xin đi một chút mà tới giờ mới về, xuống quậy bột nhanh lên, con Thư chết ở dưới rồi chắc.

 

Tôi phóng nhanh xuống bếp. Trong bóng tối lù mù, khói cay xè cả mắt, hơi dầu ngộp thở. Chị Thư đang lúi húi bật diêm quẹt, vừa hít mũi. Tôi giành chiếc hộp quẹt trên tay chị:

 

- Đưa đây cho em.

 

Chị thư thở hắt, đứng một bên. Trong bếp tối thui. Tôi bật diêm quẹt, rên lên:

 

- Trời ơi, diêm ướt nhem sao cháy nổi. Ủa, sao bột không vầy nè.

 

- Tại bột trào ra đó. Thật khốn khổ cái thân tao. Đang quậy có thấy được gì đâu, nó sôi lên rồi trào cái ào mà tao đâu có hay, cứ đứng đó quậy. Tới chừng phỏng tay mới biết.

 

- Rồi chị khuấy cái khác hả?

 

- Ừ, má la um sùm làm tao quýnh lên luôn, thiệt muốn chết được.

 

- Thôi chị lên đi, để em.

 

Ngay lúc đó, tiếng cằn nhằn bay xuống:

 

- Hai đứa bây chết ở dưới rồi hả, nãy giờ khuấy không xong bình bột, thiệt con với cái mà.

 

Tôi dạ một tiếng, hấp tấp quơ nắm lá dừa khác. Vừa vật lộn với khói, vừa nhúm lửa cho cháy. Ở trên nhà “ấu chúa” khóc oa oa rồi óe óe dồn dập, thêm tiếng hối thúc của “mẫu hậu”, tôi quậy như điên.

 

Cuối cùng thì cũng xong bình bột. Em bé tôi chắc đói lả nên ư ử như con mèo, miệng chồm chập mút ngón tay, tội ơi là tội.

 

Xong chuyện bình bột, tôi lủi xuống sàn nước la liệt nào chén nào muỗng. Nhìn mà ngán ngẩm, tôi thở dài xăn tay áo lên, bắt đầu vào cuộc chiến.

 

Chị Thư đang tắm cho bé Lan. Con bé đứng giậm chân rồi trượt cái bạch xuống sàn nước, hai tay chống ngược về phía sau.

 

Chị Thư hét:

 

- Giỡn vậy đó hả?

 

Rồi chị chồm tới kéo nó lại. Nhưng đến phiên chị cũng trượt patin nghe cái bịch. Bé Loan và bé Chi đứng trần truồng chờ tắm, vỗ tay cười ré lên. Không kìm được, tôi cũng cười hăng hắc.

 

Chị Thư lồm cồm ngồi lên, chép miệng:

 

- Sàn nước trơn mà chị đâu có hay. Tội nghiệp bé Lan bị đòn oan.

 

Con bé đứng khóc thút thít. Chị Thư xoa đầu nó:

 

- Nín đi cưng.

 

Nhưng bé Lan như còn ấm ức, cứ ngoác miệng nhắm mắt khóc rống lên. Hai con bé kia như càng thích chí, nhảy cẫng lên cười giòn giã. Thế là một bản hòa tấu kỳ dị trỗi lên, điếc cả tai.

 

Ở nhà trên, tiếng quát vọng xuống:

 

- Tụi bây làm giặc ở dưới hả? Có tắm nhanh lên không?

 

Tôi xụ mặt, rửa nhanh mấy cái chén, càu nhàu với chị Thư:

 

- Lúc nầy mẫu hậu hay gắt gỏng quá, dữ như bà chằn.

 

Chị Thư lườm tôi:

 

- Nhỏ nầy hỗn nghe.

 

Tôi làm thinh. Trong nhà chị Thư phải cáng đáng công việc nhiều hơn tôi. Nhưng lúc nào chị ấy cũng lặng lẽ chịu đựng. Còn tôi thì khác. Lúc nào tôi cũng thấy nặng nề vì cả núi công việc. Tôi cảm thấy đôi vai nhỏ bé của mình phải chịu một gánh nặng quá sức, và cứ hay phản kháng bằng mồm cho đỡ tức.

 

Có lần tôi bảo với chị Thư:

 

- Em mà được ở nhà nhỏ Hạnh thì em sẽ trốn qua đó luôn. Sao mà nó sướng thế, đi học về là được ăn cơm, rửa chén cũng ít. Nó chả làm gì ngoài ngủ trưa và học bài. Còn em với chị thì làm bù cổ, em chán lắm rồi.

 

Chị Thư cười ẩn nhẫn:

 

- Tại nhà nó không đông em như nhà mình.

 

- Nhưng tại sao nhà mình lại đông hơn nhà nó chứ.

 

Chị Thư nín thinh. Chuyện đó có trời mới giải thích được. Tôi biết rõ ràng rằng có em nhiều nên tôi cực, nhưng lý giải thì tôi mù tịt…

 

Ờ, cũng không hẳn là mù tịt. Tôi hiểu được chút ít đó chứ. Tại vì mẹ của nhỏ Hạnh không mang em bé về nhà. Còn mẹ tôi thì lâu lâu lại mang về một em bé nhỏ xíu, đỏ hỏn.

 

Ban đầu tôi ghét em bé lắm. Vì biết có thêm nhân vật bé bỏng ấy thì tôi sẽ cực. Nhưng dần dần tôi thích ẵm em, thích hôn hai má mềm mềm của nó. Nhưng giá không có nó thì hay hơn. Tôi có quá nhiều em để hôn rồi.

 

*

*       *

 

Dạo nầy thấy chị Thư kỳ kỳ. Suốt ngày cứ thơ thơ thẩn thẩn. Nhiều khi lại cười một mình. Không biết là điên hay vui, chắc là điên. Sống kiểu nầy thì vui gì. Suốt ngày hết công tới việc, vui gì nổi mà vui.

 

Hôm qua mẹ bắt đầu bày bán hủ tiếu, thế là tôi lãnh luôn phần chăm sóc một lũ em. Chị Thư phụ bán với mẹ. Tan chợ về chị vừa dọn dẹp vừa hát khe khẽ. Nếu “mầm non” có khóc thì chị cũng vui vẻ dỗ dành cả buổi. Tôi lúc nào cũng mệt đờ cả người. Thấy chị Thư vui tôi chẳng hiểu ra làm sao.

 

Chiều nay chị ấy khều tôi ra sau bếp, thì thầm:

 

- Tối nay Thanh tắm em giùm chị nghe, rồi bằm thịt ra để đó, về chị làm sau.

 

Tôi nhăn mặt:

 

- Trời ơi, em có mà mọc tay thêm ra.

 

- Ráng giùm chị đi mà.

 

- Nhưng chị đi đâu?

 

Chị Thư ấp úng:

 

- Chị… ờ, chị đi công chuyện.

 

- Thôi đi, em mệt muốn đứt hơi.

 

- Ráng giùm chị đi mà, ngày mai chị rửa chén cho.

 

- Xếp đồ nữa nhé.

 

- Ừ.

 

- Vậy giặt đồ luôn hả?

 

- Ừ.

 

Tôi mừng rơn:

 

- Vậy thì chị đi đi.

 

Chị Thư có vẻ rất vui. Đi đâu mà chị ấy hăm hở thế nhỉ?

 

Mấy ngày sau chị Thư lại thẽ thọt nhờ tôi tắm em. Rồi mấy ngày sau nữa cũng vậy. Hỏi đi đâu thì chị ấy im như thóc. Trời ơi, tôi tò mò chết được. Chiều nay tôi xua lũ nhóc xuống sàn nước, dội ào ào rồi bắt chúng mặc đồ. Xong, tôi bằm thịt nhanh như gió. Khuấy vội bình bột, rồi đi tìm chị Thư.

 

Mấy ngày trước tôi rình thấy chị đi ra phía sau ao rau muống. Chẳng khó khăn gì tôi cũng tìm được chị. Ôi trời! Chị Thư có bồ.

 

Chắc chắn anh Huy là bồ của chị. Nếu không thì tại sao anh ấy lại nắm tay chị Thư. Rồi lại cùng đến nơi vắng người thế nầy. Giá mà nghe được họ nói gì nhỉ?

 

Khuya nằm bên chị Thư, tôi ngóc đầu dậy nhìn lén chị. Chị mở mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, có vẻ mơ mộng lắm. Đúng rồi, có bồ mới mơ mộng, chứ như tôi thì biết gì mà mơ. Tôi thì thào:

 

- Chị Thư.

 

- Gì?

 

- Bộ chị có bồ hả?

 

Chị giật mình:

 

- Sao Thanh biết?

 

- Em đi rình.

 

Chị cốc đầu tôi một cái:

 

- Nhỏ nầy vô duyên.

 

- …

 

- Nhưng đừng nói với má nghe.

 

- Ừ, em hứa, nhưng chị với anh Huy nói gì hả chị Thư?

 

- Nhỏ nầy, hỏi làm chi, kỳ cục.

 

- Kể đi mà, chứ thôi em chết mất. Mấy người bồ bịch gặp nhau thì nói gì?

 

- Nói đủ thứ chuyện.

 

Rồi chị kể thì thào, tôi nghe chăm chú. Đúng là họ nói đủ thứ chuyện, mà toàn là chuyện vui. Có bồ vui thật.

 

*

*       *

 

Trước đây tôi thấy có bồ rất vui, tôi cũng mong mình chóng lớn để có bồ, vì từ khi quen với anh Huy, tôi thấy chị Thư hớn hở yêu đời ra. Nhưng bây giờ thì tôi nhận ra bồ bịch chẳng vui gì, mà buồn thì tan nát.

 

Hôm qua nhỏ Hạnh đến chơi, nó cứ nhìn chị Thư rồi chép miệng:

 

- Chị Thư mà đừng quá ốm thì đẹp hết xẩy.

 

Tôi cãi lại:

 

- Như vầy chị ấy cũng đẹp vậy.

 

- Ừ, nhưng không bằng mập. Này, chị Thư bồ với anh Huy phải không?

 

Tôi giật nảy mình:

 

- Sao mày biết?

 

- Biết chứ, ở xóm mình ai cũng thấy chị Thư với anh Huy hẹn hò.

 

Thì ra tất cả mọi người đều biết, chỉ trừ ba má tôi. Chà, nếu má tôi biết thì không biết có bị rầy không.

 

Nhỏ Hạnh nói nhỏ rí:

 

- Mày nói chị Thư đừng quen với anh Huy nữa Thanh.

 

- Sao vậy?

 

- Tại mày là bạn thân tao nói nha, má anh Huy không ưa chị Thư, và không cho anh Huy quen đâu.

 

- Sao mày biết?

 

- Sao lại không, bả chửi um sùm, bả nói anh Huy cưới chị Thư là nuôi một bầy em vợ cho nghèo luôn.

 

Tôi buồn ngơ ngẩn nhìn nó. Con nhỏ thì thầm:

 

- Bả nói cưới ai thì cưới, dứt khoát không được cưới chị Thư.

 

- Thôi mày đừng có nói nữa.

 

Tiếng gắt của tôi làm nhỏ Hạnh hết hồn. Nó ngồi im, còn tôi thì thấy buồn và tức, tự ái, sợ sợ. Tôi có cảm tưởng chị Thư sẽ gặp tai hoạ gì lớn lắm. Bất giác tôi khóc oà lên.

 

Tôi buồn hết mấy ngày. Mỗi sáng đi chợ ngang nhà anh Huy, tôi không dám nhìn vô, vì má anh Huy bán bún ngang đầu hẻm. Bây giờ tôi thấy vừa sợ vừa ghét cái bà bún ú núc na núc ních ấy. Em tôi thì ba má tôi nuôi, chứ mắc gì đến bà ấy, sao bà ấy ghét chị Thư của tôi.

 

Tôi kể chuyện nầy cho chị Thư nghe. Chị ấy không nói gì, nhưng từ ấy lại buồn như con mèo ốm. Tôi không nghe chị Thư hát khe khẽ nữa, mà thay vào đấy là khóc ti tỉ. Tôi không biết nói gì, chỉ biết chép miệng thở dài. Thì ra có bồ là buồn đứt ruột chứ vui gì.

 

Tối nay nói chuyện, chị Thư khóc thút thít:

 

- Chắc chị sẽ ở vậy, chị sẽ không lấy chồng đâu. Người ta sợ đám em mình, người ta không dám cưới chị.

 

- Gì kỳ vậy?

 

- Khi nào lớn lên Thanh sẽ hiểu.

 

Lại thế đấy, người lớn nếu không muốn giải thích chuyện gì, thì cứ bảo đợi lớn sẽ hiểu. Vậy là từ bây giờ đến lớn, tôi phải loay hoay tự hỏi, tại sao nhà tôi đông em mà bà bún ú đó không cho anh Huy cưới chị tôi. Người lớn có cách lập luận khó hiểu quá!

Hoàng Thu Dung
Số lần đọc: 2326
Ngày đăng: 23.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nổi đau - Mai Bửu Minh
Rác biển - Vũ Hồng
Tiếng thì thầm trong đêm - Lê Minh
Tình bạn - Phạm Thị Ngọc Ðiệp
Vườn xoài ngoại ô - Phong Hân
Qua cơn bịnh - Anh Động
Suối nắng - Anh Động
Trên những con đường - Kim Quyên
Chuyện nàng Mimô - Trần Kim Trắc
Công an xã - Hồ Tĩnh Tâm
Cùng một tác giả
Tòng phu (truyện ngắn)
Mộng xuất ngoại (truyện ngắn)
Nhầm lẫn (truyện ngắn)
Tòng Phu (truyện ngắn)
Trúng số (truyện ngắn)
Nhầm lẫn (truyện ngắn)
Từ một trò đùa (truyện ngắn)
Rạn vỡ (truyện ngắn)