Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.114
123.144.978
 
Tiến sĩ sử học, Nhà nghiên cứu tôn giáo Pascal Bourdeaux : “Nghiên Cứu Quê Ngoại”
Lý Đợi

 

Vậy tại sao anh lại chọn ngành lịch sử, rồi tôn giáo?

 

“Lịch sử là cái gì đã trải qua, đã diễn ra, trong thời gian không kể ngắn hay dài...” Tôi thích kiểu định nghĩa nôm na này trong sách giáo khoa về sử ở một số nước, trong đó có Việt Nam. Lịch sử giúp cho người ta hiểu biết hơn về lịch sử, điều này rất quan trọng; có khi còn quan trọng tương tự như những hiểu biết về hiện tại. Không có lịch sử, con người ta hoặc không có hiện tại, hoặc không lý giải được hiện đại. Còn tôn giáo thì lại giúp ta hiểu hơn về văn hoá, về văn minh của tộc người, của quốc gia, của khu vực, của nhân loại…, và quan trọng hơn, giúp ta hiểu hơn về lịch sử.

 

Quan điểm và cách chọn lựa của anh?

Quá khứ và hiện tại, lịch sử và tôn giáo luôn quan hệ hữu cơ với nhau, nếu tách rời, coi như ta nghiên cứu sai lạc. Còn quan điểm và chính kiến về vấn đề nghiên cứu thì luôn luôn thay đổi theo hướng tiến bộ, tôi cũng luôn theo dõi và đi theo cách này… Đa phần người ta đến với lịch sử là do tò mò, nó rộng rãi, nên dễ dàng tìm hướng chuyên sâu. Tôi bắt đầu chọn Đông Nam Á, và đặc biệt là Việt Nam khi tôi chán nghiên cứu lịch sử Pháp và châu Âu trong suốt thời kỳ dài, đã có quá nhiều chuyên gia, quá nhiều lối mòn.

 

Việt Nam như là cơ hội để anh khẳng định đẳng cấp của mình?

Đó là một lý do không đáng để nhắc đến, bởi nếu chỉ đi tìm đẳng cấp và thành tựu, tôi đâu cần phải sang đến Việt Nam. Và cũng không có gì chắc chắn là cứ sang Việt Nam nghiên cứu là sẽ có đẳng cấp, danh tiếng. Có 4 lý do chính thôi thúc tôi: Một, bà ngoại tôi là người Việt Nam, tín đồ đạo Công giáo, để gần gũi và hiểu biết hơn về gia đình, tôi nghiên cứu lịch sử, tôn giáo. Hai, vì chán với các vấn đề bản địa, thuộc địa, tôi hứng thú với các nền văn minh và các ngôn ngữ khác, muốn trực tiếp tham gia vào. Ba, sau 5 - 6 năm lăn lộn, chung sống với người dân Việt Nam, tôi xác tín thêm rằng việc nghiên cứu lịch sử, tôn giáo giúp cho mình suy nghĩ nhiều hơn về con người, về đời sống nhân sinh, về cuộc đời… Và cuối cùng, đó là chọn lựa – có vẻ duy ý chí, của tôi, biết sao được. Đừng nói gì to tát, tôi đang nghiên cứu quê ngoại mà! [cười] 

 

Khi mới bắt đầu, anh dùng ngôn ngữ nào?

Tất nhiên chính vẫn là tiếng Pháp, sau đó tiếng Anh, và bây giờ thì thêm tiếng Việt. Tuy nhiên cũng chỉ ở chữ quốc ngữ, còn chữ Hán, chữ Nôm [yêu cầu tối quan trọng] thì tôi đang tìm hiểu.

 

Phải mất bao lâu thì anh mới dùng được tiếng Việt?

Giao tiếp thông thường thì một năm, lúc đó tôi học ở Paris, sau tôi học tại Khoa tiếng Việt ở ĐH KHXH & NV Hà Nội, đủ để đọc sách báo với các cuốn từ điển bổ trợ. Nhưng cái khó của tiếng Việt không phải ở ngữ pháp, văn phạm, mà ở chính các ngữ cảm và ngữ cảnh, nếu biết không đủ thì không thể nào hiểu, và càng không thể thảo luận, viết bài. Vì thế, hiện nay tôi thuê phòng trọ ở quận 5, gần chợ, chọn cách tiếp xúc trực tiếp để trau dồi khả năng dùng tiếng Việt.

 

Theo anh, thách thức của việc nghiên cứu đời sống tôn giáo ở Việt Nam là gì?

Vào giữa hoặc cuối tháng 9 tới tôi sẽ tổ chức một hội thảo tại Sài Gòn về Xã hội học tôn giáo. Cái khó của việc nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam, đặc biệt là đạo Hoà Hảo, là làm sao phân tích cho được các khía cạnh của tôn giáo trong điểm nhìn xã hội học. Khi đi thực địa [điều bắt buộc, vì tài liệu sách báo còn hạn chế], tôi cũng đã gặp không ít khó khăn trong việc giải thích rõ ràng mục tiêu nghiên cứu của mình với chính quyền, công an và giáo dân. Nếu không được phép của chính quyền, của công an thì giáo dân sẽ e ngại hoặc từ chối tiếp xúc. Hoặc tiếp xúc được cũng không cởi mở. Tuy lịch sử của khoa học tôn giáo rất nhạy cảm với các vấn đề ở Việt Nam trong suốt thế kỷ 20, nhưng bây giờ thì cơ chế và quan niệm đã thay đổi, việc nghiên cứu lịch sử tôn giáo là điều thú vị và cần thiết. Về lâu về dài, tôi đang tìm một nhà nghiên cứu người Việt Nam để phối hợp; tuy nhiên trong lĩnh vực này, tìm một người như thế cũng thất khó khăn. Hi vọng trọng 5 – 10 năm tới, có nhiều chuyên gia hơn, tôi nghĩ mình sẽ tìm được.

 

Công việc cụ thể?

Tại Pháp, với lịch sử nước ngoài thì có 2 chọn lựa gây thu hút người nghiên cứu: lịch sử thuộc địa, và lịch sử Việt Nam. Tôi không quan tâm về lịch sử thuộc địa, mà quan tâm về sự thay đổi của xã hội Việt Nam từ đầu thế kỷ 19 đến hết thế kỷ 20. Đây là 2 thế kỷ rất khác biệt nhau, mọi sự giải thích, nếu không có căn cứ khách quan, không dựa vào lợi ích của số đông, thì đều rất dễ phiến lệch. Tôn giáo ở Việt Nam rất đa dạng và phức tạp. Nó là sự hoà trộn và phức hợp của rất nhiều tôn giáo tại khu vực và thế giới. Ít nhất có 3 việc cụ thể phải giải quyết: Một, các tôn giáo hội nhập vào Việt Nam và những khác biệt của nó với nguồn gốc. Hai, các tôn giáo nội địa, nguyên nhân xuất hiện và ý nghĩa. Ba, tôn giáo trong đời sống tín ngưỡng của người Kinh, cũng như sự giao thoa với các dân tộc khác trong cùng lãnh thổ.

 

Sau một thời gian bỏ công phu nghiên cứu, anh nghĩ gì về đặc trưng của tôn giáo miền Nam Việt Nam?

Dễ nhận biết và khó giải thích nhất là có khá nhiều tôn giáo được sinh ra ở đây, chung sống và phối ngẫu với các tôn giáo du nhập, ví như đạo Cao Đài và Hoà Hảo. Ở Việt Nam không có nơi nào như vậy, đặc biệt là miền Bắc, rồi cả phần lớn miền Trung. Đặc trưng của các tôn giáo ở đây là sự kết hợp các cảm thức truyền thống (vốn khác nhau), các tín ngưỡng địa phương… với giáo lý. Vì thế, tôn giáo theo lý thuyết và tôn giáo theo đời sống người dân có rất nhiều điểm khác nhau.

 

Trong công việc của anh, điều gì làm nên chìa khoá?

Tôi cũng không biết chính xác; nhưng có một lưu ý là phải luôn cảm thông, chia sẻ để có thể hiểu nhau. Công việc của một người nghiên cứu cũng giống như người nghệ sĩ là không được nghĩ đến danh lợi trước, bởi đây được xếp vào những việc không sinh lợi. Và tất nhiên, đây cũng là công việc “không của riêng ai”, nên khi muốn làm một điều gì, rất cần sự cộng tác của nhiều người, nhiều tổ chức. Tuy vậy, hiện nay tôi vẫn phải chịu cảnh cô đơn, sống hơi khác người bình thường một chút.

 

Kế hoạch về lâu về dài của anh?

Tìm kiếm một điều kiện tương đối để làm việc tốt hơn. Tìm một chỗ dạy trong các đại học ở Pháp. Tiếp tục hợp tác với các chuyên gia người Việt (nếu có) để quảng bá, giới thiệu về văn hoá, văn minh người Việt ra quốc tế… Và khi tìm được sự ổn định, tôi sẽ lập gia đình, lo chuyện “tiểu sự” để tiếp tục làm việc “đại sự”. Già rồi còn gì. [cười]

 

Hình ảnh: Chân dung Pascal do Lý Đợi chụp

Lý Đợi
Số lần đọc: 2465
Ngày đăng: 07.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nếu nụ cười kèm theo giọt nước mắt... - Ngô Thị Kim Cúc
Văn chương mạng và những ảo tưởng của người viết - Phan Huyền Thư
Đinh Linh :”Ngôn ngữ không thuộc về ai cả” - Lý Đợi
Nhà thơ Bùi chí Vinh - Trần Hoàng Nhân
Nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn: - Lý Đợi
Phát hiện mới về lối hát Ca trù cổ - Nguyễn Mạnh Hà
Bàn chất của sáng tạo là sự áp đặt - Ngọc Anh
Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên: Đôi khi chỉ cần một tích tắc yêu... - Ngô Thị Kim Cúc
Thuận và - Thu Hà
Kinh doanh cũng cần lãng mạn - Huỳnh Kim
Cùng một tác giả
Trợ giúp ! (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)