Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.162.050
 
Nhà thơ Hoài Anh lần đầu tiên trình làng “Tuyển tập truyện lịch sử”(*)
Nguyễn Tý

- Thời gian ông viết bộ TTTLS này khi nào, thưa nhà thơ?

Nhà thơ Hoài Anh: Tôi bắt đầu viết từ năm 1965 trên Tạp chí Người Hà Nội Xuân 1970 đã đăng truyện ngắn đầu tiên “Bài thơ Xuân Đông Đô”, sau đó báo Độc Lập đăng các truyện ngắn Vua Đô, Tiếng trống võ Tây Sơn. Cuốn truyện đầu tiên “Ngựa ông đã về” được Nxb Kim Đồng in năm 1978-  từ đó rải rác các năm tôi đều có in truyện và tiểu thuyết lịch sử - nhiều cuốn tái bản từ 2 đến 4 lần.

- Xin nhà thơ cho biết vài nét về bộ trường thiên tuyển tập này?

- Bộ tiểu thuyết lịch sử này viết theo trình tự thời gian, vốn có 20 cuốn, ứng với 20 thế kỷ từ Hai Bà Trưng ở thế kỷ 1 đến cuối thế kỷ 20, đã viết xong.

Cuốn thứ 17 lấy bối cảnh ngày thống nhất đất nước, một gia đình chồng là chiến sĩ Nam bộ hồi chín năm tập kết ra Bắc, trở về gặp lại vợ chiến đấu ở miền Nam, qua đó, khái quát những nét lớn về hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Cuốn thứ 18 lấy bối cảnh những ngày đầu giải phóng miền Nam, giới trẻ thành phố góp sức đấu tranh đẩy lùi văn hóa thực dân mới của đế quốc Mỹ, gia nhập thanh niên xung phong, xây dựng khu kinh tế mới, đồng thời xây dựng nền văn hóa văn nghệ xã hội chủ nghĩa. Hai cuốn này đã in nhưng tôi chưa sửa kịp.

Cuốn thứ 19 viết về những ngày tình hình xã hội có nhiều khó khăn, một số người vượt biên và sau đó di cư ra nước ngoài, nhưng đại đa số người ở lại xây dựng đất nước, trong khi đó Đảng đề ra chủ trương Đổi mới.

Cuốn thứ 20 viết từ những ngày Đổi mới đến nay, mà một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là chống tham nhũng. Hai cuốn này mới ở dạng bản thảo.

20 cuốn đã viết xong, nhan đề chung là “Đường về Nghĩa Lĩnh”, nhan đề này có hai ý: một là dõi ngược về nguồn gốc dân tộc (núi Nghĩa Lĩnh ở đền Hùng), hai là đi theo con đường đạo lý dân tộc mà đỉnh cao là chữ Nghĩa. Trước khi chuyển nhà, tôi đem sách vở bán giấy cân, chỉ có những giấy khổ nhỏ người ta không mua, tôi mang về chất đống ở gầm giường, định đốt đi. Bất đồ nhà văn Triệu Xuân đến chơi, phát hiện ra đống bản thảo hay bản in đầu 20 cuốn này, đem về tuyển chọn và xuất bản 16 cuốn (Tình huống này nhà văn Triệu Xuân đã nhắc đến trong bài tựa, tôi không nhắc lại rườm).

- Viết lịch sử lại là tiểu thuyết, vậy ông có giữ nguyên bản hay hư cấu trong bộ tuyển tập này?

- Nói chung, tôi hầu như không thay đổi về những mốc lịch sử lớn và những nhân vật lịch sử quan trọng. Nếu có “hư cấu” cũng là hư cấu một số nhân vật phụ, nhưng không hoàn toàn bịa đặt, mà vẫn dựa theo thần phả, gia phả, truyền thuyết, giai thoại dân gian, có sáng tạo thêm (như trong trường hợp Nguyễn Bỉnh Khiêm).

- Giữa việc sáng tác tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết xã hội cái khó của người viết tiểu thuyết lịch sử là gì thưa nhà thơ?

- Không nên phân chia rạch ròi giữa tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết phản ảnh hiện thực đương đại. Lép Tônxtôi viết Chiến tranh và Hòa bình là chuyện xảy ra trước ông hàng trăm năm, người ta vẫn cứ coi là tiểu thuyết, không phân biệt với Anna Karenina viết về thời đại ông đang sống. Nhưng viết về một thời kỳ xảy ra trước thời tác giả đang sống, vẫn phải vận dụng cách viết tiểu thuyết thông thường: nhân vật giống như sống thật với tất cả những đặc điểm về thể chất, ngôn ngữ, sinh hoạt, phong tục, tập quán, hoàn cảnh, kinh tế, văn hóa, xã hội… của thời đại mà nhân vật đó sống nhưng không quá đi sâu về phân tích tâm lý như tiểu thuyết phương Tây. Muốn thế phải tận dụng tất cả những thành quả nghiên cứu (có thể có được) của tất cả các ngành khoa học nhân văn từ trước đến nay. Nếu như tạp chí Xưa Nay vận động quyên góp mỗi người một giọt đồng để đúc tượng danh nhân, thì tôi cũng phải quyên góp tư liệu của rất nhiều nhà sử học, dân tộc học, khảo cổ học, xã hội học, triết học, văn hóa học, nghệ thuật học…, các cơ quan văn hóa, các nhà nghiên cứu ở khắp các địa phương trong cả nước và các nhà nghiên cứu nước ngoài như Stephen O’ Harrow, Keith W, Taylor, O.W.Wolters, A.B.Woodside, Li Tana…Nhân dịp sách được xuất bản, tôi cũng xin được cảm ơn tất cả các nhà nghiên cứu đã cung cấp từng giọt tư duy quý giá vô cùng để tôi có đủ chất liệu để đúc thành phác thảo tượng danh nhân. Ngoài ra, tôi còn được các nhân vật có nhắc đến trong sách cung cấp tư liệu sống về bản thân mình như các đồng chí Nguyễn Thị Thập, Phạm Văn Khung, Nguyễn Như Hạnh… và những tư liệu của Viện Bảo tàng Bộ Văn hóa, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ… Cũng vì khó khăn của việc sưu tầm tư liệu, nên các nhà văn thế hệ trước và các nhà văn trẻ hiện nay nhiều người ngại viết tiểu thuyết lịch sử.

- Trường hợp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã “hư cấu” các nhân vật lịch sử, danh nhân đất Việt tiểu thuyết lịch sử, ông có nhận xét gì?

- Có lẽ anh nên hỏi Nguyễn Huy Thiệp xem ông có chủ đích viết tiểu thuyết lịch sử hay không, hay chỉ đưa nhân vật lịch sử vào truyện của mình. Tôi không chắc lắm về chuyện này nên không dám nói bừa.

- Các nhà văn trẻ hiện nay dường như không viết truyện và tiểu thuyết lịch sử. Liệu những tác phẩm về đề tài, thể loại này có bị mai một?

- Tương lai của tiểu thuyết lịch sử còn nằm ở trong đầu những người có ý định viết tiểu thuyết lịch sử. Tôi chỉ muốn nói một điều: cần phân biệt truyện viết về lịch sử với tiểu thuyết viết về lịch sử. Muốn viết tiểu thuyết không phải chỉ kể câu chuyện về một nhân vật chính, mà phải xây dựng được mối quan hệ giữa các nhân vật chủ yếu và thứ yếu. Những cuốn Hưng Đạo Vương, Ngựa Ông đã về trong bộ sách này, tôi đã nói rõ đó không phải là tiểu thuyết mà mới chỉ là truyện, hay những mẩu chuyện. Lý do vì sao tôi không viết được về Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ thành tiểu thuyết, nhà văn Triệu Xuân đã nhắc đến trong bài tựa.

- Với câu hỏi cuối, dự định viết những tác phẩm và chân dung văn học và những tâm nguyện cuối đời của ông?

- Tôi không biết có đủ sức khỏe sửa nổi ba cuốn 17, 18, 19 hay không, nhưng cuốn 20 nhan đề Đáo hạn đã được Nxb Văn học nhận in trong năm 2007. Còn cuốn Chân dung văn học tập 2, một phần được in trong cuốn Người chở đò thời đại, sẽ phát hành đầu năm 2007.

Trong tập này có 40 nhà văn, từ những nhà văn “tiền chiến” như Bùi Hiển, Thanh Châu, Kim Lân, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh… cho đến những nhà văn lớp sau như Nguyễn Quang Sáng, Trang Thế Hy, Lê Văn Thảo, Nguyễn Trí Huân, Trần Đăng Khoa, Triệu Xuân, Trần Tử Văn v.v… Hiện nay tôi đang hoàn thành cuốn cuối cùng Chân dung Văn nghệ sĩ viết về 50 nhà văn và 50 nghệ sĩ các ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh và một cuốn bàn về tiểu thuyết nhan đề Xác và hồn của tiểu thuyết sẽ phát hành cuối năm 2006. Sau đó, tôi không viết thêm gì nữa, cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa. Còn hiện nay, phận sự của tôi là trông hai cháu nội, để sống những ngày vui cuối cùng của mình, cho thanh thản tâm hồn sau những ngày chạy vạy vất vả.

 

(*) Tuyển tập truyện lịch sử của Hoài Anh, Nhà xuất bản Văn học, 2006

Nguyễn Tý
Số lần đọc: 1940
Ngày đăng: 02.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tạo “thương hiệu” bằng tác phẩm - Nguyễn Tý
Tiến sĩ sử học, Nhà nghiên cứu tôn giáo Pascal Bourdeaux : “Nghiên Cứu Quê Ngoại” - Lý Đợi
Nếu nụ cười kèm theo giọt nước mắt... - Ngô Thị Kim Cúc
Văn chương mạng và những ảo tưởng của người viết - Phan Huyền Thư
Đinh Linh :”Ngôn ngữ không thuộc về ai cả” - Lý Đợi
Nhà thơ Bùi chí Vinh - Trần Hoàng Nhân
Nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn: - Lý Đợi
Phát hiện mới về lối hát Ca trù cổ - Nguyễn Mạnh Hà
Bàn chất của sáng tạo là sự áp đặt - Ngọc Anh
Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên: Đôi khi chỉ cần một tích tắc yêu... - Ngô Thị Kim Cúc