Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.110
123.163.042
 
TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ THƠ LÊ MINH QUỐC
Huỳnh Kim

* Phải chăng đây là một độc thoại nội tâm của Lê Minh Quốc ở tuổi 50?

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Làm thơ nghĩ cho cùng, là một cuộc tìm về bản ngã của chính mình. Ở đó, anh trò chuyện với chính anh. Trong cuộc trò chuyện ấy có khi là sự tự vấn, cãi vã thậm chí cả độc thoại, phủ định sự tồn tại của chính mình.

Trong Hành trình của con kiến (HTCCK), “Có những lúc tôi thấy tôi là một tai ương/ của chính tôi và tôi sỉ vã/ tại sao tôi thế nọ?/ tại sao tôi thế này?/ tại sao tôi thế kia?/ tại sao tôi thế khác?/ tại sao đêm đã khuya?/ tại sao khuya đã khuya?”.

Những câu hỏi như thế luôn thường trực trong tâm tưởng của tôi và thật bi đát khi không tìm ra câu trả lời. Vì thế, nhà thơ, theo quan niệm của tôi là anh có nhiệm vụ tìm kiếm và lấp đầy khoảng trống cô đơn, đơn độc, đơn lẻ, lẻ loi ngay trong tâm hồn chính anh. Than ôi! Không bao giờ ta có thể lấp đầy khoảng trống ấy. Vậy mới là sự tồn tại của nhà thơ khi viễn du trên hành trình vô tận của thi ca.

 *Nhưng sao lại là “Hành trình của con kiến”, nghe không lãng mạn mấy?

- Tại sao phải là sự lãng mạn, khi mà tâm hồn anh sự lãng mạn đã bị giết chết ngay từ lúc mới chạm mặt vào hiện thực của đời sống? Thật bất hạnh là ở lứa tuổi “nửa chín nửa xanh” này tôi lại đánh mất cái nhìn trong trẻo về cuộc đời. Không còn cách nào khác. Bởi đó là dấu hiệu của sự trưởng thành. Và nếu ai đó, thích sự lãng mạn, hoa mộng, viễn mơ thì sẽ bị hiện thực trong HTCCK đẩy tuột mọi cảm xúc ấy ra ngoài. Thân phận của con người trong trường ca này là thân phận của “con ong cái kiến” biểu hiện cho sự lương thiện và bé nhỏ, nhỏ nhoi trong dòng chảy bất tận của thời gian. Và tôi đã chấp nhận một cuộc chơi mà chính tôi đã nhìn ra:

“Từng ngày sống/từng ngày thơ/ từng ngày hắn trở thành người máy/mỗi buổi sáng lại ngồi gõ phím/bắt đầu từ chữ A/ đến tận cùng chữ Z/ mê mệt/một lúc nào sức tàn lực kiệt/ thở hụt hơi/ thượng đế nhân từ mới đến vỗ vai:/ này con người khờ khạo kia ơi!/ Z là gì?/ Z là zéro, Z là trống rỗng/ vậy mà ngươi nhắm mắt lao vào bể dâu đánh đu cùng mơ mộng/ đánh đổi cả cuộc đời để đạt đến zéro”.

Đó là sự tự ý thức về một cuộc chơi không tính toán. Mà bản chất của thơ không bao giờ dung nạp sự tính toán. Làm thơ cũng giông như Thiền, như Tình yêu, là sự tự thân vận động chứ không thể trông cậy vào ai khác. Họ chỉ có một điểm tựa duy nhất là chính tâm hồn của họ.

* Trong trường ca này, dường như có đủ hỉ nộ ái ố tham sân si. Lắm khi hân hoan mà bàng bạc là nỗi cô đơn?

            - Không phải “dường như” mà đó là một điều đã được khẳng định. “Còn gì buồn hơn khi đi giữa dòng đời/ bằng một cơn mê mộng mị mụ mẫm mù mờ/ chi bằng dỗ dành giấc ngủ/ để lãng quên/ lãng quên như thuốc độc/ lãng quên như thuốc mê/ lãng quên như cơn đau/ ai dìu anh ra khỏi cơn đau?/ giấu kín trong tâm hồn một điều bi thảm/ ai chia sẻ?/ anh đi đứng vô hồn/ không nói không ăn không cười không nhớ/ từng mảnh tâm hồn đang vỡ/ dưới gót sen kiêu sa”. Tại sao phải “dỗ dành giấc ngủ”?

Tôi quan niệm, con người chỉ có thể tìm được “một thế giới khác” khi chìm sâu vào trong mộng mị của một giấc ngủ dài. Một khi cô đơn bủa vây không lối thoát thì thơ mới đến như một sự cứu rỗi. Tình yêu cũng đóng vai trò cứu rỗi tương tự như thế cho một người đã từng kêu lên thất thanh “Trái tim tôi mong manh như tơ liễu tháng giêng/ làm sao chịu đựng nổi niềm đau quá lớn”. Và cứ hàng ngàn câu thơ đã ra đời...

 * Vì sao anh dành hẳn chương 1 cho nghề báo, và gọi tên nó là “Nghề đi rong”?

            - Một khi hiện thực của đời sống dội vào tai, đập vào mắt thì cái anh nhà báo kia mới có thể viết được “cái gì đó”. “Cái gì đó” đó đôi khi lại làm hại cho cảm xúc của thơ. Nghịch lý lại tồn tại trong sự hợp lý. Đó là sự biện chứng. Tôi gọi “nghề đi rong” vì đã từng có lúc:

    Sáng ra không biết đi đâu

   Cũng quần cũng áo cúi đầu đi ra

   Phố phường nhộn nhịp người ta

   Riêng tôi tôi vẫn lẩn xa con người

 

      Bàn chân đi dưới bụi đời

Tâm hồn bay đến mặt trời cô đơn

Building mà tưởng núi non

Con đường trăm hướng tưởng con sông dài

 

Tôi đi đến những gốc cây

Đứng nghiêm lễ phép hỏi mày khỏe không?

Vòm xanh chim chóc thong dong

Thả dăm tiếng hót bềnh bồng chào tôi

 

Đi thì giống bóng lá rơi

Đẩy đưa gió cuốn xuống đời u mê

Đi nhưng thực chất là về

Tôi đang ngao ngán chán nghề đi rong

 

Long nhong ngã bảy chạy vòng

Ngã năm trưa trật chật lòng nhân gian

Tôi không lên tiếng than van

Vì ven đại lộ rộ vàng những hoa

 

Lêu bêu theo cõi ta bà

Con đường bụi bặm tà tà đi đâu?

Tôi nhỏ bé tựa con sâu

Làm sao đi hết địa cầu hỡi tôi?

 

            (Trích trong tập Tôi chạy theo thơ - NXB Trẻ)

 

            Đọc kỹ sẽ thấy chương 1 trong HTCCK là tôi tiếp tục triển khai từ tứ thơ lục bát này và phát triển nó ở nhiều góc độ khác nhau và đa thanh, đa âm của nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

* “Tuổi 18 súng vác trên vai” và “Sông Mêkông có đôi lần đánh mất bóng trăng non mơn mởn dậy thì”. Cái tuổi chiến chinh này nó có còn là kỉ niệm trong anh giờ đây?

- Nó đã là một phần máu thịt trong đời sống của tôi. Bàng bạc trong đoạn thơ ấy là một sự nuối tiếc của tuổi 18. Làm sao tôi có thể quên được một kỷ niệm và nhiều kỷ niệm của cái thời trận mạc, chinh chiến ấy. Hãy nghe một nhà thơ, đồng đội của tôi kể lại:

“Tôi cũng chôn cất nhiều người của đơn vị Quốc. Một buổi chiều, đi gùi đạn, về qua đơn vị Quốc, tôi thấy một căn hầm lạnh tanh, mốc, trống trơn. Tôi thoáng rùng mình. Anh em trong hầm đã hy sinh cả. Tôi không thể nghĩ đến số phận Quốc thế nào. Thỉnh thoảng, anh Lâm Xuân Liễm, trợ lý tác chiến tiểu đoàn, lại rủ tôi sang chỗ Quốc uống rượu. Đi uống rượu nào có an toàn. Khoác AK, đội mũ cối, mặc trời mưa, phải bò qua hai vọng gác, bò qua nghĩa trang. Khi qua đó, tôi thấy anh Liễm lại lầm rầm khấn anh em phù hộ cho mình được sống. Tôi cũng thầm khấn theo.

Chính những ngày ác liệt đó, tôi biết Quốc làm thơ, ghi nhật ký nhiều. Tôi nhớ một lần Quốc vừa cười vừa khoe đơn vị Quốc chuẩn bị làm báo tường và Quốc đóng góp một bài thơ có tên là “Tường Vi”. Những bài thơ của Quốc ở An-lung-viêng rất lãng mạn, mơ về cuộc sống thanh bình, có những buổi chiều vàng, có người chị hát ru, có bóng dáng người con gái dịu hiền. Nhưng bao trùm lên là những dòng nhật ký, ký sự nóng hổi về cuộc sống gian lao, về cuộc chiến kinh hoàng, về những đồng đội thân yêu đột ngột hy sinh một cách không thể tưởng tượng nổi chỉ vì mìn. Và đến lượt Lê Minh Quốc, cái chết không buông tha. Một sáng đi tuần, chàng trai của thành phố Đà Nẵng đi đầu, vấp ngay phải quả mìn của địch. Nghe “tạch” một cái, mọi người chưa kịp nằm xuống thì quả mìn đã nảy ngang người Quốc. Nhưng nó không nổ mà rơi bịch xuống đất. Sau phút hoảng hồn, mọi người nhặt quả mìn lên. Thì ra quả mìn đó bị tra kíp ngược. Mặt Quốc tái xanh, được phen cận kề cái chết, nếm cảm giác bất ngờ sang thế giới bên kia. Trưa đó, Nhân “mù” khoác súng sang chỗ tôi, vừa cười vừa nói:

- Mẹ kiếp! Hôm nay thằng Quốc suýt toi! Chắc thằng ôn dịch là lính mới nên mới tra kíp ngược!

Ngừng một lát, Nhân mù nói tiếp:

- Số thằng Quốc vẫn may! Nó chết đi thì tiếc thật!

Phải nói thật lòng rằng, lính Hà Nội chúng tôi ai cũng quý mến và chơi thân với Quốc. Trong Quốc có một cái gì ngang tàng, phóng túng, rất thành phố. Tôi sang thăm Quốc. Buổi trưa. Quốc ngồi một mình trên thân cây đổ đã cháy đen ngọn. Quốc nở nụ cười hiền lành. Nụ cười sau cái chết. Tôi không quên”. (Trích trong tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc - Đoàn Tuấn -Lê Minh Quốc, NXB Trẻ).

* Và anh khép lại bản trường ca với hình ảnh của mẹ và em rất đỗi hoan ca. Nhưng vẫn rất thầm lặng và cô đơn?

- Anh đã nhận xét đúng. Dù vậy, một khi niềm hy vọng được le lói sáng cũng là niềm hạnh phúc lớn lao.

* Và hôm nay đây, niềm vui của Lê Minh Quốc là gì?

            - Tôi đang hy vọng và chờ đợi một điều giản dị mà tôi đã trình bày trong HTCCK:

từ đây, anh biết mùi đái dầm con trẻ

đem lại cho ta một hạnh phúc diệu kỳ

thiên thần trong nôi giống anh như đúc

sẽ dìu anh và sẽ dẫn anh đi...

 

đi về phía nỗi buồn đang chạy trốn

sự sống của Đời mỗi ngày một lớn

là thịt xương anh hiện hữu một hình hài

bóng dáng của anh từng ngày trỗi dậy

anh bồng linh hồn bé bỏng ở trên tay

gieo hạt Đời nay đã mọc thành cây

vòm lá xum xuê từng ngày lộc biếc

anh thấy anh tồn tại phía tương lai

tự ý thức chẳng gì phải tiếc

trang thơ vẫn còn sau khi đã chết

thân xác kết thành một khối tình si

mầm sống thiên thần dần dần lớn dậy

cũng là anh, anh lại bước chân đi...

 

                                                            

                                            Cần Thơ, ngày 10-10-2006

Huỳnh Kim
Số lần đọc: 2165
Ngày đăng: 11.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phỏng vấn Nhà văn Bùi Anh Tấn : Vụ án ÁN NĂM CAM và HÀNH TRÌNH CỦA SÓI - Trần Hữu Dũng
Nhà thơ Hoài Anh lần đầu tiên trình làng “Tuyển tập truyện lịch sử”(*) - Nguyễn Tý
Tạo “thương hiệu” bằng tác phẩm - Nguyễn Tý
Tiến sĩ sử học, Nhà nghiên cứu tôn giáo Pascal Bourdeaux : “Nghiên Cứu Quê Ngoại” - Lý Đợi
Nếu nụ cười kèm theo giọt nước mắt... - Ngô Thị Kim Cúc
Văn chương mạng và những ảo tưởng của người viết - Phan Huyền Thư
Đinh Linh :”Ngôn ngữ không thuộc về ai cả” - Lý Đợi
Nhà thơ Bùi chí Vinh - Trần Hoàng Nhân
Nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn: - Lý Đợi
Phát hiện mới về lối hát Ca trù cổ - Nguyễn Mạnh Hà
Cùng một tác giả
Hàn vi (thơ)
(thơ)
Xa nhau (thơ)
Đêm (thơ)
Thu (thơ)
Nuôi cu (thơ)
Cánh Bướm nâu (truyện ngắn)
đất (thơ)
(thơ)
Đây là Scotland. (lịch sử)