- Thưa nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan, dư luận đánh giá Hội nghị lý luận phê bình Đồ Sơn vừa qua là sôi nổi, nhiều ý kiến gợi mở, xới xáo các vấn đề đang tồn tại trong đời sống văn nghệ lâu nay. Tuy nhiên, dường như hàm lượng phê bình thuần tuý chưa cao. Với tư cách nhà phê bình văn học, xin anh phát biểu về vấn đề này?
Sau Hội nghị Đồ Sơn vừa rồi (4, 5/10/06) tôi được biết có những phản ánh và bình luận khác nhau về Hội nghị, điều mà anh diễn đạt tóm tắt là “dường như hàm lượng phê bình thuần tuý chưa cao”. Theo như tôi thấy thì không ai nghĩ trước rằng một hội nghị sẽ giải quyết mọi vấn đề, nhưng cũng không ai là không trông đợi cuộc Hội nghị sẽ đáp ứng một mong muốn nào đó của mình. Có lẽ đã có những trông đợi bị hụt hẫng và những cái nhìn không thiện cảm về Hội nghị Đồ Sơn.
Đó không phải là một hội nghị chuyên về phê bình văn học (PBVH). Mối quan tâm chính ở đây là các vấn đề của việc xây dựng hệ thống lý luận văn học tương thích với đường lối của Đảng CSVN về phát triển văn hoá trong thời kỳ sau Đại hội X, tức là kiến tạo một môi trường lý thuyết mới để có thể thực sự đổi mới hoạt động phê bình văn học. Đó không phải là chuyện ngày một ngày hai. Nhưng trên thực tế thì quá trình thay đổi như thế đã và đang xảy đến rồi. Tôi nghĩ ai cũng thấy chuyện đó. Nhưng cũng là thực tế khi mà các vận động của Đổi Mới đến nay vẫn chủ yếu mang lại lợi ích về kinh tế, trong khi phương châm phát triển là hướng đến CON NGƯỜI, hàm ý rất rõ là về tinh thần và văn hoá. Tôi nghĩ đó là một trong những sự chênh lệch trên những… cân đối lớn. Cho nên, PBVH và văn chương nghệ thuật mới “bỗng” trở nên một “vấn đề” như vậy.
Đằng sau mọi sự luôn là chuyện con người. Cho nên phải nói rằng cái “hàm lượng phê bình” ở Hội nghị Đồ Sơn, trái lại, là rất cao. Hầu như tham dự viên nào cũng đề cập đến điều mà theo họ là bất cập về tự do tư tưởng, tự do sáng tạo. Sự phê bình đối với những gì được coi là đại diện cho thể chế chính trị - xã hội/ nghiệp đoàn sáng tác đã lên tới cao độ trong tham luận của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, mà các độc giả tiềm tàng có thể xem trên trang Talawas ngay trước Hội nghị; và tham luận đó đã được Ban tổ chức sắp xếp để đọc trên diễn đàn Hội nghị Đồ Sơn.
Theo tôi, đó chỉ là một nửa vấn đề. Từ góc độ của PBVH, tôi nghĩ rằng toàn bộ vấn đề sẽ là, chẳng hạn, liệu giới phê bình có thể nói mình đã “phát hiện” Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu… hay không? Hay là, phải chăng nếu có đủ “tự do tư tưởng, tự do sáng tạo” thì chúng ta sẽ không chỉ một Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương. (Xin lưu ý, tôi không phải là “mõ" làng văn. Tôi không “xếp chiếu” các tác giả!)?
Mới đây nhất là trường hợp Nguyễn Ngọc Tư với truyện “Cánh đồng bất tận”. Sau khi truyện được đăng hoàn tất trên báo Văn Nghệ số 2/9/2005 thì đã chẳng có lấy một bài phê bình nào “phát hiện” và chuyện chỉ trở thành một “hiện tượng” sau khi được trích đăng nhiều kỳ trên tờ Tuổi Trẻ Tp HCM…
Thực tế như vậy liệu có thể nói rằng ý kiến của PBVH đã được lắng nghe và tin cậy hay không? Tôi cho rằng Hội nghị Đồ Sơn vừa phản ánh cái thực trạng đó vừa thúc đẩy sự thay đổi thực trạng. Nhưng, như mọi người nói, vấn đề là phải hành động, nếu không thì “hàm lượng phê bình” chẳng lấy gì mà “cao” lên được. Tôi nghĩ mỗi năm ở ta phải có đến hàng trăm tác phẩm thực sự đáng xem, cả trên báo chí và trên sách. Đó là một phần đáng kể của cái mà ta cứ quen mồm gọi là “đời sống tinh thần” của đất nước. Vấn đề là cái đó, những cái “đời” đó, đang “sống”. Mà PBVH thì không thể cứ như viết bằng một thứ tử ngữ mãi được.
- Trong các lần trao đổi không chính thức trước đây, tôi đã nghe anh nói phê bình là một khoa học, nó cần các lý thuyết nghiêm chỉnh, anh có thể phát biểu sâu về vấn đề này?
Về chuyện tính khoa học trong PBVH, chúng ta chỉ đơn giản nhắc lại những gì các nhà chuyên môn đã nói mà thôi. Và điều khiến anh hay tôi hay nhiều người khác nhắc đến sự cần thiết của lý thuyết và tính khoa học trong thực tiễn PBVH của chúng ta hiện nay, theo tôi, chính là một cách nhìn tác phẩm văn chương phù hợp với thế giới quan khoa học, tức là một cách nhìn khách quan cố gắng tránh đến tối đa các thiên kiến về tư tưởng, về tình cảm riêng mà ai cũng có. Để làm được như thế, ta viện đến sự trợ giúp của các ông cụ lý thuyết về văn học như các khái niệm và các thuật ngữ, rồi các phương pháp phân tích văn bản tác phẩm… Nếu anh sử dụng đúng đắn các công cụ ấy tức là anh đã để cho người khác có khả năng kiểm chứng cái phê bình của anh, giống như kiểm tra một thực nghiệm khoa học. Cái khả năng kiểm chứng ấy chính là tính khoa học vậy. Và nếu có tranh luận thì ít nhất ta cũng có cái chung là bộ công cụ ấy, để tránh rơi vào những chuyện “nhân tâm tuỳ mạng mỡ” yêu ghét lôi thôi trong lúc đánh giá, nhận xét. Các lý thuyết hiện nay đã có nhiều, tuy rằng chuyện ứng dụng, chuyện phù hợp hay không vẫn chưa rõ rệt, nhưng điều kiện quan trọng là tinh thần thực sự khách quan thì vẫn còn thiếu. Tất nhiên, đó là nói đến tinh thần khách quan trong việc đọc và phân tích văn bản tác phẩm – công việc thực sự cần phải có lý thuyết. Còn thì PBVH cũng là một loại văn chương, cũng phải có cảm hứng, có tưởng tượng, chỉ không được có hư cấu.
- Anh có thể nói về những trào lưu mới trong văn học hiện nay? Có ý kiến cho rằng nhiều cái mới ở Việt Nam là cái cũ đến từ nước ngoài - chủ yếu là phương Tây - anh có nghĩ như vậy? Xin anh nhận định về vài cây bút anh cho là quan trọng?
Trong một số tạp chí Người đưa tin UNESCO về chủ đề cái Hiện đại một tác giả đã nhận xét khá hài hước về tinh thần hiện đại bằng một slogan: Cái Mới chết rồi! Muôn năm Cái Mới! – Tôi nghĩ rằng, đúng thế, sự phân biệt Cũ - Mới, đặc biệt trong văn chương nghệ thuật, là một sự phân biệt chủ yếu cảm tính và nhẹ dạ. Để cho chắc chắn, người ta thường nói về cái cũ hàng chục, hàng trăm năm về trước, có khi còn hơn. Thế rồi có những cái cũ bất ngờ lẻn lên đón đầu ta lúc nào không biết, mà ta thì không kịp nhận ra – “Người đi qua không một ai nhận ra” – đó là Maiacôpxky tả về V.I.Lênin trong hôm trước ngày 7.11.1917.
Việc phân biệt là một thói quen ưa thích cố hữu của tư duy. Nhưng phân biệt rồi để làm gì mới là chuyện quan trọng. Ngoài ta, văn chương và tư tưởng không phải là ví tiền hay miếng bít tết mà sợ “cầm nhầm”, cũng không phải chuyện “ông nọ bà kia” để bảo “cũ người mới ta”… Tôi đã nghe nhiều những nhận xét kiểu anh này chị kia viết như Kafka. Mà người nhận xét thì chưa biết tiếng Đức. Chưa thấy có ai bảo ai là viết như Trần Hưng Đạo. Tôi nghĩ các tư tưởng văn chương có rất nhiều cái cho đến bây giờ vẫn chẳng hề cũ đi mà cũng không bị bảo hộ về bản quyền ở bất cứ đâu trên thế giới này. Nó giống như những tấm ván trượt pa tanh, ai thích đều có thể trèo lên mà đi thử. Trượt pa tanh có cũ không?…
- Hiện nay cái cũ và cái mới xung đột ở những "đấu trường" nào? Vì sao?
Về những trào lưu mới trong văn chương nước nhà hiện nay, theo tôi có một phong trào tiểu thuyết, một phong trào thơ và một phong trào truyện ngắn. Truyện và tiểu thuyết đã biến chuyển từ lâu mà đặc điểm chung chủ yếu là đều xây dựng trên một cấu trúc khủng hoảng. Một vài thí dụ tiêu biểu như các tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương. Đó là phong trào tiểu thuyết đương đại và là “trào lưu mới” rõ rệt nhất với sự thay đổi toàn bộ và nhất quán trong phương thức phản ánh thực tại. Cần phải nói rằng hầu như toàn bộ các sáng tác tiểu thuyết của chúng ta đã thay đổi kể từ sau 1975, sau sự xuất hiện của lớp “các nhà văn trung uý” như một cách gọi theo mốt Xô-viết hồi đó. Theo tôi, khái niệm “các cây bút quan trọng” như anh nói trước hết đúng với những tác giả đó. Cũng với tiêu chí ấy, không có gì lạ nếu nói Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn, nhưng theo tôi thì mô hình có tính “năng sản” hơn (mượn một thuật ngữ của ngành văn hoá) lại là Nguyễn Minh Châu. Về thơ, nói quan trọng theo hướng ấy chỉ có Nguyễn Quang Thiều. Theo tôi, thơ khó khăn hơn tất cả vì ngoài các yếu tố đòi hỏi như với văn xuôi, thơ đòi hỏi phải có ý chí và niềm tin đặc biệt mạnh mẽ và sâu sắc. Nó có gì đó gần với tinh thần tôn giáo là một trong vài di sản tinh thần phức tạp nhất của con người.
Thực sự, tôi nghĩ để trao đổi cho cân bằng hơn đối với văn chương đương đại chúng ta cần một khuôn khổ khác. Hình như ai cũng cho rằng “cái cũ” và “cái mới” đang xung đột, nhưng tôi không cho là như vậy. Một mặt, văn chương xưa nay đều luôn sẵn có tiềm năng “gây sự”. Nếu không thế phỏng người ta cần đến nó làm gì. Mặt khác, nó là một môi trường đặc biệt cho giao tiếp - truyền thông, mà như thế, chuyện va chạm trong giao tiếp không nhất thiết dẫn đến “xung đột”. Xung đột thực sự giữa những luồng tư tưởng thực sự thì hiện nay tôi không thấy có gì rõ rệt.
10-2006