Để có một cái nhìn, sự tiếp cận với trào lưu tư tưởng mới này; đồng thời mở ra một cuộc tranh luận, như đúng tinh thần của triết học; chúng tôi thực hiện cuộc đối thoại với 3 chuyên gia nghiên cứu triết học về CN HHĐ của nước ta là: TS. Dương Ngọc Dũng, TS. Phạm Đình Nghiệm, TS. Lê Tuấn Huy với chủ đề Chủ nghĩa Hậu hiện đại và ảnh hưởng của nó đối với nước ta.
Diện mạo của chủ nghĩa Hậu hiện đại
Xin các ông phát biểu một cách sơ lược về CN HHĐ?
TS. Dương Ngọc Dũng (DND): CN HHĐ chống lại chủ nghĩa Duy nền tảng. M. Foucault, nhà triết học lớn người Pháp cho rằng: Không có bất cứ một nền tảng nào cả, tất cả chỉ là một sự giải thích. Dù đi tới tận cùng của bất kì nền tảng nào chúng ta cũng tìm thấy sự giải thích.
Nói tới Đạo của Trung Quốc hay Logos của Hy Lạp, Đạt Ma của Ấn Độ, cuối cùng cũng phải giải thích. Đó là một sự phản kháng với tinh thần hiện đại. Vậy muốn định nghĩa CN HHĐ chúng ta phải định nghĩa nó trong sự tương ứng với chủ nghĩa hiện đại.
TS. Lê Tuấn Huy (LTH): CN HHĐ là một trào lưu phản ứng lại, đáp lại với những khuôn mẫu hiện đại xem như bị khô cứng hơi lâu. Nó là một sự phá cách vượt qua những khuôn khổ của chủ nghĩa hiện đại.
Đặc trưng cơ bản của CN HHĐ?
TS. Phạm Đình Nghiệm (PĐN): Nói về đặc trưng của CN HHĐ thì có nhiều, nhưng có thể tóm gọn: nó như là một thái độ chống lại chủ nghĩa hiện đại và văn hóa phương Tây kéo dài từ thời Phục hưng-Khai sáng cho đến giữa đầu thế kỷ XX. Giai đoạn này, những ý tưởng của bất cứ một lý thuyết nào đó được sắp xếp theo những quy luật nhất định; còn với khoa học thì đó là những lý thuyết thống nhất tất cả, trình bày tất cả.
Các nhà HHĐ cho rằng: thế giới quá phức tạp để có thể biết được mọi thứ, nên người ta chống lại chủ nghĩa hiện đại nói chung. Người ta có thể tìm thấy cả phương Đông, phương Tây, cổ điển lẫn hiện đại ở đó.
Một đặc trưng khá hay khác CN HHĐ đó là chống lại sự đồng nhất về văn hóa. Tức là nó tôn trọng sự khác biệt về văn hóa. Họ yêu cầu giữ nguyên tính đa dạng của từng nền văn hóa khác nhau. Bản thân tôi ủng hộ những ý tưởng như vậy. Chống đại tự sự có nghĩa là bảo vệ tính đa văn hóa.
DND: Đặc trưng đầu tiên là sự phản ứng lại uy quyền của lý tính, chống lại nền tảng. Một chủ đề lớn thứ hai là liên văn bản. Văn bản chồng chéo.
LTH: Theo tôi hai điểm quan trọng của nó là: phê phán sự thống trị của lý tính. Thứ hai, đòi hỏi sự cách tân, phá cách và vượt qua chuẩn mực, vượt qua truyền thống.
Dường như CN HHĐ không bắt nguồn từ triết học?
DND: Không! Nó bắt nguồn từ triết học. Từ những tên tuổi lớn như Heiddegger, Derrida, Foucault, Nietzsche v.v..
PĐN: HHĐ như là một hiện tượng văn hóa ở phương Tây chứ nó không phải là một trường phái nào đó trong triết học, văn học nghệ thuật hay kiến trúc v.v..
LTH: Theo cách tiếp cận của riêng tôi thì HHĐ xuất phát từ văn học nghệ thuật. Sự phát triển triết học của phương Tây đi theo hai con đường: học thuật nối tiếp học thuật và từ nghệ thuật.
Có phải CN HHĐ đề cao các tiểu tự sự?
DND: Đại tự sự là một câu chuyện huy hoàng, một lý thuyết có thể giải thích cho mọi thứ.
Ví dụ tại sao tôi tồn tại ở đây để nói chuyện với anh. Tôi là một sản phẩm của 4000 năm văn hiến. Tôi có nguồn gốc là con rồng cháu tiên. Nguyên cớ nào, học hành như thế nào, có một sự thúc đẩy triết học nào để tìm đến đây ngồi nói chuyện với anh. Tức là có một nguyên nhân sâu xa cho sự gặp gỡ này.
Lyotard, một nhà phân tâm học vĩ đại, đưa ra một thuật ngữ “siêu thuật sự” (Meta-Nerrative). Tức là trong bất kỳ một huyền thoại nào đều có những câu chuyện lớn, những căn nguyên hình thành nên nó.
Có thể nói, văn minh Hy Lạp là văn minh của lý trí và toán học. Văn minh Do Thái là văn minh của tôn giáo và thần học. Văn minh La Mã là văn minh của luật pháp và những định chế hành chính. Ba yếu tố này hình thành tư tưởng phương Tây. Đó là một siêu thuật sự.
Triết học Hegel là một siêu thuật sự lớn nhất trong truyền thống Tây phương cho đến nay. Đó là một câu chuyện vĩ đại và huy hoàng về sự thống trị của lý trí.
HHĐ không cho là như thế, nó nói rằng đây là sự tình cờ. CN HHĐ từ chối sự cám dỗ của lý trí. CN HHĐ quan tâm đến các tiểu tự sự. Chẳng hạn, Foucault, nói: Hãy “địa phương hóa” kiến thức của mình. Ông có một nhận định khá sâu sắc: Tôi có quyền được thay đổi. Tôi đã bỏ cả cuộc đời mình để học tập thì tại sao tôi không có quyền được thay đổi?
PĐN: CN HHĐ không tin vào vai trò của các đại tự sự. Bởi vì họ cho rằng: thế giới quá rộng lớn để có thể hiểu biết tất cả mọi thứ. Tất cả chỉ là một sự đoán định tình cờ và không theo quy luật nào cả.
Cơ sở của CN HHĐ là chống nền tảng, nên dường như, một trong những đặc điểm của CN HHĐ là những phần rời, sự tản mác chứ không mang tính hệ thống?
DND: Chính xác! Vì nếu là một hệ thống thì CN HHĐ mâu thuẫn với chính nó. Nó chống nền tảng, chống hệ thống.
CN HHĐ yêu cầu hãy đi vào những cá nhân cụ thể đừng nói chuyện chung chung!
PĐN: Tôi cũng đồng ý như thế. Bởi vì, để tập trung làm nhiệm vụ chống nền tảng thì nó buộc phải “bung” ra để phê phán bất kì trường phái nào
LTH: Đây là điều mà bất cứ ai nghiên cứu, tiếp cận HHĐ đều có thể thấy được.
TS Dương Ngọc Dũng cho rằng: khi tấn công vào nền tảng của chủ nghĩa hiện đại, CN HHĐ lại đưa ra một đại tự sự mới, vậy thì nó mâu thuẫn từ cơ bản. Ông suy nghĩ gì về nhận định đó?
PĐN: Tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận định đó. Nhìn bên ngoài thì có vẻ như thế thật, nhưng bản chất thì không. Bởi vì HHĐ chẳng hình thành nên một lý thuyết, không khẳng định một cái gì cả.
CN HHĐ không hề tự nêu lên một đặc trưng nào cả. Tư tưởng giữ lại tính đa dạng, chống lại các đại tự sự; dựa trên ý tưởng là thế giới quá mông lung, rộng lớn, phức tạp để có thể triển khai trong một lý thuyết, một tác giả nào đó là rất hay.
LTH: Phải thấy một vấn đề như thế này: không có một sự phê phán nào là không đứng trên nền tảng. Khi một nền tảng nào đó kìm hãm quá lâu thì sẽ có những cái khác thay thế. Nền tảng sau sẽ rộng hơn, linh động hơn. Theo tôi thì HHĐ có một nền tảng rộng, linh động hơn so với chủ nghĩa hiện đại. Ở đây không có sự mâu thuẫn nào cả, mà là tất yếu. Nhìn vấn đề như TS Dương Ngọc Dũng thì tựa như như câu chuyện “con gà quả trứng”, không có lối ra.
Có nhận định cho rằng: CN HHĐ đề cao tinh thần sáng tạo, điều đó thể hiện tinh thần cách mạng rất lớn đối với sự phát triển của tư tưởng?
DND: Cuộc cách mạng lớn nhất là chống lại quan điểm: bất cứ cái gì cũng có một nền tảng.
Và điểm thứ hai là chống lại tinh thần của chủ nghĩa hiện đại. Nó đả phá vào sự thống trị của lý trí trong mọi lĩnh vực của đời sống.
CN HHĐ là một sự phản ứng mạnh mẽ nhất đối với những khuôn định mà chúng ta tuân thủ hằng ngày, xem nó là một lẽ đương nhiên của đời sống.
PĐN: Theo tôi, nếu đánh giá vào thời điểm hiện nay là hoàn toàn chưa chuẩn xác. Bởi vì, đây là một trào lưu tư tưởng tương đối mới và ngắn. Nhưng cũng có thể nói như thế này: trong văn học nghệ thuật thuật nó như một “làn gió mới”, nó khích lệ mọi người tìm kiếm và sáng tạo ra cái mới. Với khoa học thì chưa rõ.
LTH: Theo tôi, chính sự ra đời của CN HHĐ đã là một tiếng nói, một sự đóng góp cho tư tưởng, văn hóa của nhân loại. Cũng có thể nói nó tạo ra một phong cách văn hóa mà ở đó tôn trọng những giá trị trái ngược nhau, sự phá cách, những gì phi chuẩn.
Xét ở một góc độ nào đó CN HHĐ mang tinh thần nhân văn?
DND: Đúng! Nó tạo ra một sự liên đới. Nó có được sự cảm thông. Nó cung cấp một giọng nói cho những thành phần bị bỏ quên, bị gạt ra khỏi bên lề của xã hội. Một mặt nào đó nó tạo ra một sự công bằng nhất định cho họ, những người tưởng chừng không còn cơ hội nào cả vì sự phán xét của lý trí.
PĐN: Chính sự chống lại quá trình đồng hóa văn hóa và tôn trọng sự dị biệt văn hóa đã nói lên tất cả.
LTH: Thuyết đa văn hóa luận và nữ quyền luận đang được thừa nhận và tôn trọng. Có thể lấy trường hợp của M. Foucault làm ví dụ. Mà sự xuất phát của nó bắt đầu từ điểm nhấn mạnh và tôn trọng sự dị biệt của CN HHĐ.
Tương lai của CN HHĐ và sự ảnh hưởng đến Việt Nam
Chúng ta thử tiên đoán về tương lai của CN HHĐ?
DND: Trên thế giới mọi người đang tìm mọi cách chống lại CN HHĐ. Một trong những người phản đối quyết liệt nhất chính là Habermas. Ông cho rằng hãy cứu vớt lại những di sản của thời Khai sáng.
Habermas cho rằng, hiện nay chúng ta đang đề cao lý trí theo kiểu lạm dụng nó. Thế nhưng, bản thân lý trí không có “tội”, bản thân nó vẫn rất tốt.
Tôi đồng ý với quan điểm này của Habermas. Cho rằng không có một nền tảng thì hơi quá đáng dù nền tảng đó có kiến lập hay không kiến lập đi chăng nữa.
Hiện nay sự tranh luận lớn nhất là giữa HHĐ và hiện đại. Ngay ở điểm đó chúng ta đã thấy nền tảng. Nếu không có hiện đại làm tiền đề thì làm sao CN HHĐ hình thành nên học thuyết của chính nó được?
Ở điểm này tôi nhận thấy HHĐ mâu thuẫn với chính mình khi nó chống lại những đại tự sự và đưa ra một đại tự sự khác. Phủ nhận tất cả chính là việc anh xác nhận triết học của chính anh! Mà như vậy anh lại xác lập một đại tự sự.
PĐN: CN HHĐ sẽ ngừng sự phát triển ở các nước phương Tây. Thế nhưng, với các nước đang phát triển thì sự lan tỏa của nó sẽ rất lớn. Bởi vì, nó bảo vệ những giá trị văn hóa nhỏ, lẻ. Nó chống lại sự phân biệt và đồng nhất văn hóa.
LTH: Với thế giới HHĐ đã đi khá xa. Nó phát triển đến mức mà người ta gọi là: hậu
HHĐ. Tôi nghĩ đây là một hình thức mới của HHĐ. Nó có thể là một hình thức phủ định HHĐ trong tương lai. Đặt trong bối cảnh sự biến đổi dữ đội trong 2 thập niên gần đây cho tôi suy nghĩ như vậy.
Thế còn sự ảnh hưởng của CN HHĐ ở nước ta?
DND: Ở Việt Nam, HHĐ giống như một cơn sốt thời trang, rồi nhanh chóng qua đi. Bởi vì, không ai hiểu nó một cách triệt để. Sở dĩ, tôi nói như vậy là vì chúng ta chưa bao giờ có một tinh thần hiện đại thì làm gì có CN HHĐ?
Việc chúng ta không có CN HHĐ không có gì đáng xấu hổ cả. Đâu nhất thiết là thiên hạ mặc chiếc áo đó thì ta buộc phải mặc đâu? Sự ra đời của CN HHĐ thể hiện một sự khủng hoảng nhất định nào đó trong nền tảng triết học. Chúng ta không hề có sự khủng hoảng đó. Do vậy chúng ta chưa có nó. Đó là quy luật.
PĐN: Theo tôi, dù có bất kì một điều kiện gì đi nữa, dù muốn dù không thì CN HHĐ cũng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam! Rất có thể bây giờ nó là những nhóm nhỏ, lẻ tẻ ở một vài cá nhân, nhưng nó sẽ thành phong trào. Bởi vì nó phù hợp với chúng ta trong điều kiện toàn cầu hóa gay gắt hiện nay.
LTH: Ở Việt Nam vì điều kiện tiếp cận của học thuật chưa được phát triển nên sự tiếp nhận với HHĐ mang tính tự phát. Nhiều khi nó lan tỏa trong nghệ thuật, văn chương mà chúng ta không nhận ra được, chứ không thể bác bỏ là không có sự phát triển được. Nếu chúng ta đòi hỏi một tính hệ thống trong sự lan tỏa của HHĐ ở Việt Nam thì chúng ta lại vô tình bị khuôn định bởi chủ nghĩa hiện đại.
Ông nghĩ sao về việc: chúng ta nên nghiên cứu một cách cẩn thận, nên giới thiệu những tác giả tiêu biểu, nên dịch những công trình cơ bản của CN HHĐ sang tiếng Việt và phổ biến ở nước ta?
PĐN: Rất nên! Cần phải làm như vậy. Bởi vì, nếu chúng ta không làm như vậy giới trẻ cũng sẽ làm như vậy. Khi chúng ta không phổ biến nó theo kiểu là nó không phù hợp với chúng ta, thì giới trẻ cũng sẽ tự tìm và chịu ảnh hưởng nó. Cho nên rất cần thiết phải nghiên cứu và phổ biến nó.
LTH: Tôi nghĩ là rất cần thiết. Nếu chỉ đơn thuần về góc độ học thuật đã là hết sức cần rồi. Chưa kể, với những tinh thần mà nó mang trong nó chính là những giá trị của thời đại. Chúng ta dù muốn dù không thì cũng không thể chối bỏ nó.
Dạo gần đây, giới trẻ Việt Nam bắt đầu cuốn theo những phong trào như Hiphop, Rock, Pop v.v.. Thậm chí, một số nhạc sĩ, ca sĩ sáng tác và biểu diễn theo một “cách thức mới”, lạ lẫm, đôi khi chói tai. Có một số nhận định cho rằng: đó là biểu hiện của CN HHĐ. Ý kiến của các ông về vấn đề này như thế nào?
DND: Đối với quan điểm cá nhân tôi ở Việt Nam không hề có CN HHĐ và cũng không hề có tinh thần HHĐ.
Nếu có thì đó chỉ là hiểu biết của một vài cá nhân chứ không phải là tinh thần của một xã hội được. Còn sự biểu hiện trên như anh đề cập theo tôi đó chỉ là một sự trùng khớp ngẫu nhiên chứ không hề là tinh thần HHĐ gì cả. Bởi vì, bản thân nghệ thuật đòi hỏi một sự cách tân nào đó, và có lẽ chính điều đó nó trùng hợp một cách tình cờ mà thôi.
PĐN: Tôi chưa có dịp đi sâu và quan sát về những hiện tượng này. Do vậy, ý kiến của tôi có lẽ không xác đáng lắm. Nhưng tôi cho rằng bất kì một hiện tượng xã hội nào cũng gợi nên một ý nghĩa nhất định nào đó.
LTH: Chúng ta thấy những biểu hiện như vậy là do sự phát triển của nền văn hóa mở và của thông tin. Bên cạnh đó là sự phản ứng của cái tôi. HHĐ cũng có một ảnh hưởng nhất định, nhưng như tôi nói ở trên là ở mức độ tự phát. Hay nói một cách khác nếu có thì đó là những biến thể trung gian mà thôi.
Riêng tôi, dù CN HHĐ nó có những khiếm khuyết nhất định nhưng tôi nghĩ mọi người cần mang trong mình một tinh thần HHĐ khi xem xét một vấn đề nào đó. Và nói cho cùng, nó cũng tiếp tục truyền thống của triết học Tây phương là: phản biện liên tục, tranh luận liên tục, chất vấn liên tục v.v. để tạo ra cái mới. Các ông nghĩ sao về điều này?
DND: Đúng, xét ở góc độ đó, CN HHĐ quả thực đã làm được như vậy. Nó giúp chúng ta có một tinh thần, một thái độ phê phán đối với những gì đang tồn tại. Hay nói một cách khác, những gì đang tồn tại cần phải được kiểm tra lại lí do tồn tại của nó. Đó là một tinh thần cần được tôn trọng và cần thiết khi xem xét bất cứ vấn đề gì!
PĐN: Bất cứ một trào lưu tư tưởng nào đó nó cũng có những đóng góp nhất định. Theo tôi, CN HHĐ đã làm cho ta “thức tỉnh”, chất vấn và tranh luận. Điều đó thực sự cần thiết.
LTH: CN HHĐ xuất phát từ cuộc sống, từ yếu tố kinh tế của thời đại, văn học nghệ thuật của thời đại. Do vậy việc nghiên cứu và tìm hiểu nó hay mang trong nó một tinh thần HHĐ là rất tốt.
PV: Xin cảm ơn các ông rất nhiều!
Các thành viên tham gia :
Phạm Đình Nghiệm bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Lomonosov (MGU) vào năm 1991, chuyên ngành Logic học. Ông có một thời gian làm việc tại Viện Khoa học Logic, nhận thức và phát triển nhân cách, thuộc Hội Triết học Nga (1991-1995). Cuối năm !995, ông về nước và công tác tại Khoa Triết học, ĐHKHXH&NV, thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, ông là trưởng bộ môn Logic của trường.
Lê Tuấn Huy bảo vệ luận án tiến sĩ triết học tại ĐHKHXH&NV, thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, ông là nhà nghiên cứu, dịch giả được đánh giá cao trong lĩnh vực triết học với những công trình như: Thông diễn học của Hegel, Triết học chính trị Montesquieus với việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam.
Dương Ngọc Dũng bảo vệ Luận văn Thạc sĩ Triết học tại Đại học Harvard, Luận án Tiến sĩ Triết học tại Đại học Boston, Hoa Kỳ. Ông có một thời gian giảng dạy triết học tại Đại học Boston. Ông là dịch giả, chuyên gia hàng đầu về triết học của nước ta. Hiện nay, ông là giảng viên của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHKHXH&NV), thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, là giáo sư thỉnh giảng cho nhiều trường đại học khác trong thành phố.