quyết đi là mang vinh quang trở về. Chính nghị lực đã giúp Phạm Văn Hạng sớm thành công ngay ở Dấu tích chiến tranh và sau đó là hàng trăm tác phẩm đương đại ra đời…
Máu giang hồ, chất nghệ sĩ, sở thích “không giống ai” mô tả rõ nét tính cách Phạm Văn Hạng. Anh không thuộc thế hệ các bậc thầy hội hoạ hiện đại xuất thân từ Trường mỹ thuật Đông Dương, Hà Nội; nhưng 60 năm làm người, hết 40 năm đi qua lời trăng trối của cha, chịu lao lực vì nghệ thuật trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, đói nghèo và thất học để có những tác phẩm điêu khắc đương đại bằng máu, phản ảnh thân phận con người, nói lên tiếng nói của lương tri, tiếng nói của nhân loại luôn khát khao công lý và hoà bình.
Bằng hồi ức, con người hoài niệm và con người chứng nhân ở khúc ngoặt lịch sử trước 1975, anh đã làm cái việc xưa nay chưa ai làm, chưa ai qua được anh trong việc mô tả một cách trung thực những gì do chiến tranh để lại. Đó là việc lượm nhặt, xử lý những mảnh vỡ xương sọ, mảnh vỡ bom đạn, những vòng kẽm gai vô tri, những khoảnh khắc dầu sôi lửa bỏng của Quảnng Trị để tái hiện qua tranh tượng. Những tác phẩm này đặc chế từ “sản phẩm chiến tranh” như là một chất liệu mới, hiếm có, cả về tấm lòng lẫn giá trị lịch sử văn hoá, dù chất liệu thịt xương người vẫn còn là sự cật vấn của thời văn minh, nhân văn, văn hoá… Chính “vật chứng khô khan” mang tên Dấu tích chiến tranh đã làm nên tên tuổi Phạm Văn Hạng ở nhiều cuộc triển lãm khác nhau tại Sài Gòn trước 1975.
Tổng kết nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX, GSTS mỹ thuật Nguyễn Quỳnh, Đại học Towson University MD Hoa Kỳ nhận định về tác phẩm của Phạm Văn Hạng: “ … lối làm tác phẩm táo bạo này không thua gì các nghệ sĩ Hoa Kỳ trong thập niên 50-60. Đây không phải là trường hợp của Pop-Art, nhưng hiển nhiên là cách làm mới. Cảm hứng của ông ngẫu nhiên giúp chúng ta thấy rõ tinh thần thời đại.”
Sau 1975, hội hoạ Việt Nam đã có thay đổi lớn về tư tưởng. Phạm Văn Hạng một lần nữa khẳng định tài năng của mình, liên tục vào Nam ra Bắc suốt 30 năm, tạc hàng trăm pho tượng, tượng đài, biểu tượng mang phong cách hiện thực XHCN. Một trong những tác phẩm điêu khắc mà anh dành hết tâm huyết là tượng đài Mẹ dũng sĩ (MDS) Quảng Nam-Đà Nẵng, ngay cửa ngõ thành phố Đà Nẵng, cũng là quê hương anh.
Bên thềm năm mới 2007, chúng tôi đã gặp anh Phạm Văn Hạng để nghe anh tâm sự về cuộc đời nghệ sĩ điêu khắc của mình.
* Tượng đài MDS, tác phẩm nghệ thuật đầu tiên tại Việt Nam được khắc hoạ từ vỏ đạn đồng, lập nên biểu tượng Mẹ QN-ĐN anh hùng là tác phẩm anh dồn hết tâm huyết để thực hiện nhưng dường như vẫn còn một chút gì đó khiến anh chưa vừa lòng?
- Công trình tượng đài MDS khởi công theo phác thảo định sẵn trong điều kiện quê nhà mới giải phóng, mọi phương tiện hỗ trợ đều hạn chế, thời gian thi công cập rập, phải hoàn công đúng dịp chào mừng 20 năm giải phóng QN-ĐN. Khắc phục những việc này tưởng đơn giản lại vô cùng khó khăn, phải mất hơn một năm tận lực thao tác thủ công- cắt, trui, gò, hàn… 10.000 vỏ đạn đồng 105 ly để lắp ghép tượng MDS cao 15m trên một hệ thống xi măng cốt thép vững chãi là một nỗ lực vượt bậc. Tác phẩm được đánh giá cao ở thời điểm khánh thành, và 20 năm sau được giới thiệu trong Một thế kỷ mỹ thuật Việt Nam. Dù tác phẩm trở thành biểu tượng anh hùng của QN-ĐN nhưng tôi vẫn canh cánh một nỗi niềm- tác phẩm vẫn chưa được hoàn chỉnh về mặt thẩm mỹ. Tôi tự thấy có lỗi với quê nhà và đã viết thư gửi Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho phép tôi được mời một số nhà điêu khắc địa phương (chứ không phải tôi) chỉnh sửa lại, nhưng tôi rất buồn là không nhận được hồi âm.
* Có người cho rằng, còn quá nhiều yếu kém và bất cập trong điêu khắc ngoài trời khiến người xem có cảm giác Việt Nam còn quá ít điêu khắc gia thực sự có tài và rất nghèo đề tài. Ý kiến anh thế nào?
- Khi nền tảng văn học nghệ thuật theo hướng xã hội cjủ nghĩa được xác lập thì các đề tài phục vụ chính trị, là công trình của nhà nước, còn người hoạ sĩ là người của xã hội, thể hiện tác phẩm theo ý tưởng đã định sẵn. Đánh giá tác giả tác phẩm theo kiểu như vậy là vội vàng, thiếu cân nhắc. Bất cứ nhà điêu khắc, kiến trúc sư qui hoạch nào cũng lấy lương tâm và tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên môn làm đầu; chỉ tiếc là do điều kiện thế nào đấy mà họ chưa phát huy được hết khả năng của mình. Ở cuộc triển lãm mừng 25 năm thành lập Hội Mỹ thuật TP. HCM, tôi ngạc nhiên lẫn vui mừng là có khá nhiều tác giả, tác phẩm tốt. Nếu tạo điều kiện cho họ thể hiện tài năng trong một sân chơi như ý, chắc chắn họ sẽ có nhiều cống hiến, phục vụ cái đẹp mang tính thẩm mỹ cao.
* Gần đây, một số công trình điêu khắc ngoài trời gây tai tiếng, ảnh hưởng đến uy tín của ngành mỹ thuật vì sự cố lún sụn. Là người từng trải, anh phân tích sự cố này thế nào?
- Tôi nghĩ đổ lỗi cho đơn vị hay cá nhân trực tiếp thi công là tội cho họ. Bản thân nhà điêu khắc, kiến trúc sư ai cũng muốn thể hiện hết mình để tồn tại. Thông thường, cái gì làm nhanh, làm để kịp bàn giao đúng hẹn thì khó đạt yêu cầu. Thẩm định, đánh giá tác phẩm nghệ thuật là việc của xã hội và thời gian, còn “vạch lá tìm sâu” thì chưa biết ai đúng ai sai, điều ta nói chắc gì chính xác, đôi khi sự cố chỉ là khách quan. Tôi mong những công trình sắp tới phải có kế hoạch lâu dài từ chủ đích, nội dung, vật liệu, giá trị công trình... sao cho tác phẩm mỹ thuật đảm bảo điều kiện cần và đủ để “sống” với thời gian.
* Với công trình MDS, vườn tượng Đà Lạt, biểu tượng bác sĩ Alecxandre Émile Yersin, nhà vườn lạ lẫm tại Đà Nẵng, làng hoa Gò Vấp, TP.HCM… tác phẩm điêu khắc nào anh tâm đắc nhất?
- Tôi có hàng trăm tác phẩm mỹ thuật được Một thế kỷ mỹ thuật Việt Nam giới thiệu, trong đó có tượng đài Nhà đày Lao Bảo- mang tính huyền sử của một dân tộc bị đoạ đày trong xiềng xích ngoại bang. Tượng đài phỏng theo tứ thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài Nhà đày Lao Bảo. Nhưng tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa của đời tôi là tác phẩm Người chứng được khắc hoạ trên 100 tấm đá granit tại Nhà Văn hoá truyền thống Công giáo Việt Nam- chủng viện Thánh Giuse số 6 Tôn Đức Thắng Q.1, TP. HCM.
* Không gian mỹ thuật và tượng đài trên cả nước thì khá nhiều, địa phương nào cũng có nhưng chưa tạo ấn tượng lớn của một địa chỉ văn hoá nghệ thuật. Anh ôm ấp nhiều ý tưởng mới, đó là gì vậy?
Mới đây tôi đọc được bài báo: Nước Việt Nam lớn hay nhỏ? Tôi cũng thường cật vấn: tại sao công trình điêu khắc ngoài trời ở Việt Nam cái nào cũng nhỏ? Chúng ta đang thừa hưởng nhiều công trình văn hoá cổ được Unessco công nhận là di tích văn hoá lịch sử có nguồn gốc của người Trung Hoa, Nhật, Chămpa, Pháp và các vua chúa triều Nguyễn mà chưa có công trình tầm cỡ thời đại, trong khi tầm vóc lịch sử của nước ta quá lớn. Tôi đang tất bật nhiều công trình, nhưng nếu có chút quyền phép và được ưu tiên, tôi sẽ dựng tượng đài cho các vĩ nhân Việt Nam, trong đó có tượng đài nhà văn hoá, nhà chính trị lỗi lạc Nguyễn Trãi trên đỉnh Côn Sơn- quê hương ông theo gợi ý của giáo sư Đào Duy Anh. Tôi luôn trông đợi vào những công trình văn hoá nghệ thuật cấp quốc gia như thế để khỏi hổ thẹn với tương lai. Xét cho cùng chỉ có văn hoá và nghệ thuật là linh hồn bất tử của dân tộc.
* Chịu lao lực để tồn sinh là tiêu chí của anh cũng là bài học của người trẻ. Họ muốn được học tập kinh nghiệm và nhận ở anh một lời khuyên.
Nên công bằng nhìn nhận, lớp trẻ ngày nay tài năng và xuất sắc hơn thế hệ chúng tôi nhiều. Họ thành công ở nhiều lĩnh vực và lập được nhiều dấu ấn cá nhân. Từng trải nghiệm đau thương, cơ cực, tôi học cách sống ở mọi người, mọi lúc và ở bậc thầy vĩ đại thiên nhiên. Tôi ngủ vừa đủ và suy gẫm nhiều; từng đêm lắng nghe tiếng gà gáy, tiếng mõ chùa, tiếng thanh la báo tử… và tự vượt qua mọi rào chắn, tự mở khoá ý tưởng, tự dấn thân vì lý tưởng sống đẹp, sống có ích cho xã hội. Không phải ai cũng trở thành vĩ nhân. Đó là quá trình học tập, lao lực và đam mê, yêu nghề. Người trẻ không để thiếu tự tin, đừng quá nhạy cảm với bất công (thời nào mà chả có) mà nản lòng khi gặp khó khăn. Nên xem đó là bài học quí, cần vấp ngã một đôi lần để tự khẳng định mình. Bạn trẻ không nên nói nhiều mà làm ít, đó là một thứ “bệnh” rất khó chịu.
* Ngoài điêu khắc, anh còn làm thơ. Anh đã hoàn thành tập thơ gồm 29 bài, khắc trên những tấm đồng, nặng 220kg, viết trong vòng 10 năm và đang cho in trên giấy cứng khổ 25x25cm. Có phải đây cũng là tinh huyết của đời anh?
- Đúng vậy. Người ta làm thơ sao dễ quá, tôi bạc tóc mới có một tác phẩm thơ. Đứa con tinh thần này trước hết tôi dành tặng tôi- một đời lao lực, lao tâm vì nghệ thuật và chỉ dừng lại ở đó, không viết nữa./-