Ngày 18-7 vừa qua, tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TPHCM đã có buổi họp mặt các cây bút tiểu thuyết. Cuộc thi này chính thức nhận bản thảo từ ngày 1-9-2005 và sẽ kết thúc vào năm 2008. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với nhà văn Tô Đức Chiêu hiện đang làm thư ký ban sơ khảo cuộc thi
. Phóng viên: Thưa nhà văn, có phải vì số lượng tác phẩm gởi về quá ít nên ban tổ chức muốn kêu gọi các nhà văn sáng tác nhiều hơn cho cuộc thi thêm đầy đặn?
- Nhà văn Tô Đức Chiêu: Chính xác là như vậy. Từ ngày cuộc thi mở ra, chúng tôi đã nhận được gần 80 tác phẩm. Nhưng con số này chưa phản ánh chính xác bút lực sung mãn nằm trong lực lượng hội viên đông đảo của Hội Nhà văn. Cuộc thi không giới hạn trong hội viên mà mở rộng cho tất cả công dân VN quan tâm đến thể loại tiểu thuyết. Dường như lâu nay người sáng tác e ngại gởi bản thảo dự thi rồi không nhận được tín hiệu hồi âm, bởi cuộc thi do Hội Nhà văn tổ chức chứ không phải tờ báo nên làm sao có phương tiện chuyển tải thông tin hay trích đăng tác phẩm. Lần này chúng tôi cố gắng làm sao liên lạc với các tác giả và sẽ cố gắng “xin đất” trên Báo Văn Nghệ trích in một số tác phẩm.
. Ông đánh giá ra sao về chặng đường vừa qua của cuộc thi so với hai lần thi trước?
- Lần thi thứ nhất từ năm 1998 đến 2000, lần thứ 2 từ năm 2002 đến 2004, lần thứ 3 này kéo dài hơn và theo yêu cầu của nhiều người nên thêm thời gian. Chặng đường vừa qua của cuộc thi lần 3 xem chừng phẳng lặng. Nhưng sáng tác văn học đâu cứ phải ồn ào, sáng tác văn học thế nào là do người viết.
Cuộc thi đạt thành tựu đến đâu phải chờ kết quả cuối cùng. Số lượng đến giờ vẫn chưa nhiều hơn hai lần thi trước, nhưng văn chương không nên nhìn vào số lượng. Ở đây, chúng tôi muốn tạo ra không khí viết, tác động của cuộc thi thôi thúc các nhà văn. Ban sơ khảo đã đọc một số lượng đáng kể nhưng chưa có dịp trao đổi, mạn đàm kỹ với nhau nên phát biểu về chất lượng cuộc thi đều dễ bị khuyết khiếm do chủ quan cá nhân.
. Tại sao ban tổ chức kêu gọi các nhà văn ở miền Nam và sắp tới là miền Trung mà không phải là miền Bắc?
- Sắp tới có thể sẽ họp mặt các cây bút tiểu thuyết ở Đà Nẵng, vì miền Nam và miền Trung gởi tác phẩm quá ít so với miền Bắc. Chúng tôi muốn cuộc thi phản ánh toàn diện nền tiểu thuyết của nước nhà nên kêu gọi tất cả nhà văn viết tiểu thuyết nên tham gia để cuộc thi chẳng những sâu về chuyên môn mà còn rộng rãi với đại chúng. Ở miền Bắc, các nhà văn tham gia khá rầm rộ.
. Ông có nhận thấy các tác phẩm đoạt giải các cuộc thi của Hội Nhà văn vẫn không thu hút nhiều người đọc, theo ông nên làm cách nào để quảng bá tác phẩm đoạt giải đến công chúng?
- Chúng tôi đã mời các NXB cùng tham gia. Cụ thể là các NXB trong quá trình thu thập bản thảo thấy tác phẩm nào ưng ý thì xin gởi về dự thi sau khi được tác giả đồng thuận. Tác phẩm gởi dự thi nhưng các NXB cứ việc in thành sách ngay sau đó không vấn đề gì, nếu tác phẩm đó thật sự hay, mới... thì chúng tôi không ngần ngại trao giải cao. Riêng tôi nhận thấy, bấy lâu nay chúng ta cho rằng văn hóa đọc bị hạn chế, bị cạnh tranh bởi quá nhiều loại hình giải trí cũng như bị chi phối bởi cuộc sống hiện đại. Nhưng văn hóa đọc vẫn có mạch sống riêng, bằng chứng là hằng năm các NXB vẫn in hàng trăm tác phẩm văn học.
Ban sơ khảo cuộc thi do nhà văn Hồ Anh Thái làm trưởng ban. Theo nhà văn Tô Đức Chiêu: “Tất cả tác phẩm đều có nội dung tốt, phản ánh đa chiều, đa dạng cuộc sống lao động xây dựng và chủ nghĩa anh hùng qua hai cuộc chiến tranh giữ nước vừa qua. Mảng đề tài lịch sử được khá nhiều cây bút quan tâm”. Lần trước cuộc thi đã chọn ra 4 tiểu thuyết trao giải A gồm: Rừng thiêng nước trong của Trần Văn Tuấn, Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức, Dòng sông mía của Đào Thắng, Tấm ván phóng dao của Mạc Can
http://www.nld.com.vn/tintuc/van-hoa/nguoi-cua-cong-chung/196265.asp