Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
569
123.247.688
 
Inrasara: Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần.
Kiều Thu Huyền

1. Anh đã từng nói: Một cuộc cách mạng trong văn chương cần hội đủ 4 yếu tố. Trước hết: Họ là kẻ sáng tác cùng thời, cùng quan điểm sáng tạo có khả năng dựng nên một trường thơ; thứ hai: chính họ phải lập ngôn cho hệ mĩ học sáng tạo của nhóm mình; thứ ba là nhóm thơ ấy có được diễn đàn độc lập và cuối cùng: cần có một lớp độc giả được chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng đón nhận tác phẩm của họ. Và anh khẳng định cả bốn yếu tố ấy chúng ta đang thiếu lớn, để rồi kết luận sẽ không có một cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần. Tại sao anh không nghĩ rằng chúng ta đang đón đợi một cuộc cách mạng bởi vì niềm tin sẽ làm cho người sáng tác có nhiều cảm hứng hơn, và sẽ tiếp sức cho họ hơn trong sáng tạo?

 

Inrasara: Sẽ không có cuộc cách mạng trong tương gần, chắc chắn thế! Nhưng xin lưu ý, ta đang bàn cuộc cách mạng văn chương chứ không phải thành tựu. Mỗi nhà văn đơn độc, bằng tài năng và nỗ lực, bằng “niềm tin” và “cảm hứng” như bạn nói, có thể có thành tựu, thậm chí thành tựu lớn, nhưng đòi hỏi có cuộc cách mạng thì – không! Cách mạng thơ ca đòi hỏi một/một vài trào lưu có khả năng chuyển hướng lối viết/đọc/nghĩ đã mòn. Chính đó là thứ ta đang thiếu.

 

Thử ngó sang Phong trào Siêu thực ở Pháp. Các khuôn mặt thơ trẻ sáng giá thuở ấy tụ tập, sinh hoạt và sáng tác xoay quanh Tuyên ngôn siêu thực (1924), đã tạo một cuộc cách mạng lay chuyển thi ca Pháp, sau đó – thế giới. Họ lập thuyết, tạo diễn đàn riêng (Tạp chí Cách mạng siêu thực: 1924-1929); bầu khí xã hội Pháp giữa hai cuộc thế chiến đã cung cấp cho trào lưu này lớp độc giả sẵn sàng đón nhận các thi phẩm tiền phong của họ. Cho nên, dù chủ nghĩa siêu thực với tư cách một trào lưu sớm lụi tắt, và các thành viên của nó đã tự phân rã để mỗi người tìm lối đi riêng cho mình, nhưng hệ mĩ học siêu thực đã để lại dấu ấn rất đậm trong tiến trình phát triển của thi ca nhân loại. Mãi hôm nay, bút pháp siêu thực vẫn còn được nhiều kẻ sáng tạo vận dụng.

Trào lưu Siêu thực đã làm nên cuộc cách mạng, nhưng chỉ khi một Paul Éluard, Louis Aragon, hay René Char tách ra khỏi phong trào để tìm lối đi riêng, họ mới có thành tựu lớn.

 

Ở ta, ba cuộc cách mạng thơ Việt thế kỉ qua đã nhận được cơ hội đáng kể. Trước tiên là Thơ Mới. Thơ Mới hội đủ điều kiện: một thế hệ thơ tài năng, cùng sáng tác theo một hệ mĩ học; Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử (giai đoạn đầu) thuộc dòng Lãng mạn; dòng Tượng trưng có Chế Lan Viên, Bích Khê, Đinh Hùng,…Các sáng tác này được đăng tải thoải mái trên báo chí  thời chế độ thực dân Pháp. Có nhóm còn lập cả diễn đàn nữa, như Ngày nay của Tự lực Văn đoàn chẳng hạn. Yếu tố cần thiết cuối cùng tạo nên thành công lớn của nó là độc giả. Người đọc tương lai của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, …đã được làm quen với các tên tuổi như Lamartine, Musset, Rimbaud,…ngay từ thuở ngồi ghế trung học. Cho nên Thơ Mới, dù bị các cụ đồ phản đối kịch liệt lúc mới xuất hiện, nó vẫn làm nên cuộc cách mạng lớn trong thơ Việt.

Thứ hai là thơ Cách mạng giai đoạn chiến tranh và sau đó là hậu duệ của nó với trào lưu sáng tác mang tính sử thi thể hiện qua các trường ca đặc sắc. Điều kiện cần và đủ của cuộc cách mạng thơ này thì miễn bàn rồi. Có khác chăng là các nhà thơ Cách mạng đã tạo lập nên một hệ thống lí thuyết riêng, và tất cả đều sáng tác dưới ngọn cờ đó, khá nhất quán. Các nhà Thơ Mới thì khác, họ không lập thuyết và, cũng không cần lập thuyết, bởi lí thuyết Lãng mạn, Tượng trưng đã được người Pháp sáng tạo và hoàn chỉnh trước đó gần thế kỉ rồi.

Tiếp nữa là Nhóm Sáng Tạo ở Sài Gòn. Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Quách Thoại,….biết lập ngôn, có diễn đàn độc lập là tạp chí Sáng tạo, và họ có độc giả tiềm tàng. Dẫu chỉ tồn tại thời gian khá ngắn, nhưng Nhóm Sáng Tạo đã làm nên cuộc thay đổi lớn, mở ra khả tính mênh mông cho phát triển thơ Việt.

Còn thơ ca Việt hôm nay: chưa chuẩn bị gì cả!

 

2. Thêm vào đó anh có nhắc đến thói nghi kỵ giữa cá nhân với cá nhân, giữa tập thể với cá nhân làm con người ta không dám nói, không dám tuyên ngôn, không dám bộc lộ. Hình như anh là người hay để ý. Thực sự điều đó chưa bao giờ là nỗi sợ với những người sáng tác, đôi khi lại là cái cớ để họ ẩn mình trong những trang viết (chẳng hạn như trường hợp Nguyễn Xuân Khánh trong văn xuôi, mất mười năm để có được  những cuốn như Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn). Anh có thể nói thêm gì về điều này?

 

Inrasara: Tạm cho vào ngoặc chuyện “cá nhân với cá nhân” – chúng đầy tràn và đất nước nào cũng có. Chỉ bàn về “tập thể”, tổ chức, cơ chế.

 

Tôi là kẻ “ca ngợi cô đơn” (tên một tác phẩm của Kahlil Gilbran), không phải cô độc hay cô đơn bán phần mà – cô đơn toàn phần, cô đơn đầu tiên và cuối cùng (Xem: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, Nxb.Văn nghệ, 2006). Cô đơn trong thời kì mang nặng, đẻ đau tác phẩm, nhất là cô đơn khi đối diện trước trang giấy/mà hình trắng, và cả cô đơn cả khi tác phẩm ra đời.

 

Riêng sự “nói”, “tuyên ngôn” hay “bộc lộ” thì hoàn toàn khác. Có bao giờ bạn thấy các báo chuyên nào của ta như tạp chí Thơ, Văn, Văn nghệ, Văn nghệ thành phố, hay Văn nghệ trẻ giới thiệu bài bản Nhóm Mở Miệng hay Ngựa Trời chưa? Tuyên ngôn lẫn các sáng tác thể nghiệm của nó,… chứ không phải các bài lẻ của tác giả lẻ. Ngay cả tiểu luận về hai “trào lưu” này còn bị từ chối nữa là. Bạn cho tôi “hay để ý” ư? Các vụ gồ ghề ấy, không thấy hoặc, thấy mà không lấy làm ngạc nhiên mới là chuyện lạ! Tôi có cả khối ví dụ về vụ này đấy nhé. Riêng phần mình, các bài thơ Tân hình thức của tôi cũng bị BBT các báo từ chối quá ư là …khéo. Hỏi vậy có đồng bào còn có hứng gởi đăng báo ta các sáng tác mang tính phiêu lưu, khai phá?

 

Các trào lưu văn chương đa phần xuất phát từ những người trẻ tuổi, chính họ sẽ vẽ nên diện mạo văn học đất nước ở thì tương lai. Nhưng hỏi Văn nghệ trẻ giai đoạn qua đã làm được gì cho họ? Một số thao tác ta đang thiếu, đó là thiếu trình bày lí thuyết, trào lưu văn nghệ đương đại; trình bày đầy đủ, chính xác với lối nhìn khách quan và nhiều chiều; để thế hệ nhà văn trẻ ta bớt đi cái nỗi lạc hậu tình hình văn chương của người thiên hạ. Thiếu giới thiệu các khuôn mặt mới của văn chương khu vực và thế giới; để bạn văn trẻ biết mình đang đứng ở đâu trong dòng chảy của văn chương nhân loại, tránh sự hợm mình kiểu cóc ngồi góc mâm. Chúng ta cũng chưa bao giờ giới thiệu đến nơi đến chốn trào lưu, hiện tượng thơ văn trong nước gây xôn xao [cả thật lẫn giả] dư luận; để người đọc nhận chân giá trị của các sáng tác đó. Tôi tin, nếu mỗi kì Văn nghệ trẻ dành 5-6 trang cho vụ việc trên, văn học Việt Nam sẽ làm được bước chuyển hoàn toàn mới, trong tương lai không xa.

 

Đừng vội kêu nó nhếch nhác, không đáng có mặt. Đâu phải cái mới nào cũng hay, có thể chinh phục được người thưởng thức ngay tức thời. Thơ Mới, Hoài Thanh phải đọc và sàng lọc cả vạn bài mới chọn  ra được trăm bài “hay” đấy chứ. Hôm nay không là ngoại lệ: các bài thơ Tân hình thức hay Hậu hiện đại luôn bị dị nghị; các xuất hiện nhỏ lẻ của nó, độc giả không được cơ chế giáo dục, cơ chế thông tin các loại khai thông về hệ mĩ học lí thuyết văn chương này, thì làm sao họ phân biệt đâu là bài/tập thơ hay hoặc dở!?

 

3. “Nếu mỗi kì Văn nghệ trẻ dành 5-6 trang cho vụ việc trên, văn học Việt Nam sẽ làm được bước chuyển hoàn toàn mới, trong tương lai không xa”, anh có tự tin quá không? Làm sao có thể có sự thay đổi lớn, với chỉ mỗi thao tác đơn giản đó?

 

Inrasara: Đấy là một trong bốn yếu tố. Nếu một mai có một nhóm thi sĩ trẻ tài năng [cứ giả dụ thế] mở ra một trào lưu [đáng mặt], nhưng trong lúc họ chưa có diễn đàn để dọc ngang [chính sách chưa cho phép có báo riêng], vậy thì lấy đất ở đâu cho mấy ngọn cỏ kia mọc? Ừ thì họ có thể bắn các sáng tác lên mạng Internet, nhưng chúng ta đang nói chuyện báo chính quy cơ mà (Xem: Inrasara, “Văn chương mạng”, Tc.Tia sáng, số09, 05.05.2007) .

 

Ví dụ nếu Văn nghệ trẻ nhận rằng Hậu hiện đại rất đáng “tiếp thu và sáng tạo”, mỗi kì ta đều dành giới thiệu lí thuyết (rất nhiều nhánh), phê bình, cho sáng tác nước ngoài và trong nước. Liên tục và liên tục như thế suốt nửa năm, thì khuôn mặt báo sẽ khác, rất khác. Người viết thấy đó đích thị là cái mới, khác hẳn với những cái từng có mặt trước đó, từ đó họ tự định hướng sáng tác [mới] cho riêng mình – không khí đó tạo cảm hứng và kích thích nhau sáng tạo, tìm tòi. Người đọc thấy báo ta vẫn có cái gì mới để đọc, và họ không còn quay lưng lại với Văn nghệ trẻ. Bầu khí quyển sôi động là cái chắc! Từ đó nó lôi kéo báo khác, tạo một cao trào; từ cao trào tạo ra cách mạng… Cứ tưởng tượng đầy …siêu thực thế!

 

Đó là mới nói về mỗi Hậu hiện đại, còn nhiều món khác nữa. Chúng ta còn đợi đến bao giờ? Không phải ông bà ta học đường luật Tàu trễ 300 năm và học Lãng mạn với Tượng trưng Pháp muộn gần thế kỉ đó sao? Không phải nó đã từng làm nên cách mạng thơ Việt và biến thành truyền thống Việt Nam sao? Kẻ yêu thơ truyền thống chớ lo bò trắng răng. Văn chương không là thời trang sẽ bị loại bỏ khi quá đát; thơ văn một khi đã hay nó sẽ biến thành cổ điển, người đời vẫn nhâm nhi nó – như ta [và cả con cháu ta mấy thế kỉ tới] vẫn còn thưởng thức Thơ Đường hay Nguyễn Du.

 

Đây chỉ là bước chuẩn bị, điều kiện cần cho thay đổi toàn diện thơ hôm nay. Xin dành yếu tố người đọc và vấn đề chương trình giáo dục văn học cho kì tới.

 

4. Chúng ta đang nói nhiều đến cái mới, và thực sự cái mới luôn luôn khó tìm. Thực ra hiện nay người viết có nhiều thuận lợi đó là không khí thoải mái, các diễn đàn mọc lên như nấm, và người sáng tác không chịu bất cứ rào cản nào. Nhưng điều đó cũng dẫn đến một tình trạng rằng các nhà thơ của chúng ta hiện nay thích nói hơn nghĩ, thích diễn đàn hơn sự đơn độc của mình trước trang giấy. Mà với người sáng tác chỉ có sự đơn độc ấy mới khiến anh thoả thê sáng tạo, thoả thê đập phá. Anh nghĩ gì về điều này?

Inrasara: “Đơn độc trước trang giấy” – bạn và tôi nguy cơ sắp lặp lại mình mất rồi! Diễn đàn ư? Chúng “mọc lên như nấm” ở đâu? Ta có tự huyễn không đây! Thiển nghĩ: ta chưa có diễn đàn đúng nghĩa! “Diễn đàn” mấy năm qua chỉ là các cãi cọ qua lại, vài va quẹt lẻ tẻ giữa cá nhân có quan điểm nhỏ lẻ khác biệt đôi khi rất tình cờ, chứ chưa xảy ra ở đó một đụng độ lớn: giữa trào lưu với trào lưu, tư tưởng với tư tưởng, hệ mĩ học này với hệ mĩ học khác. Ở tầm vóc khá khiêm tốn như va chạm “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh” thời Tiền chiến thôi, cũng chẳng có!

 

Còn việc “thích nói hơn nghĩ”, ta nên hiểu thế nào đây? Ví nhà văn ta biết “nói” thì hay biết bao! Chính chưa học “nói”, nên văn học ta cứ tụt hậu. Ta mãi sáng tác và phê bình trong vùng cảm tính đầy mơ hồ. Trong lúc, đại đa số nhà thơ phương Tây luôn mang ở tự thân khả tính phê bình hay đồng thời là một nhà phê bình, thậm chí – một nhà mĩ học. Còn ở ta thì sao? Dừng lại ở một nhà thơ [kiêm nhà báo], lại là nhà thơ nghiệp dư, không nhích lên phân tấc. Họ có tuyên bố đây đó, nhưng tuyệt không biết tuyên ngôn, ngoài Nhóm Mở Miệng [đúng/sai là chuyện khác]. Các tuyên bố rùm beng đại loại như: tôi đang chuẩn bị ra một tập thơ rất sốc, hay tôi vừa khởi động viết chương đầu của bộ tiểu thuyết hậu hiện đại, tôi vừa có người yêu rất đẹp trai hoặc, tôi sắp … chửa, chẳng hạn!

 

Nên có thể nói, thêm cái thiếu của văn nghệ ta hôm nay chính là thiếu các tuyên ngôn –  tuyên ngôn nghệ thuật của cá nhân/nhóm sáng tạo. Từ đó, người làm nghệ thuật dũng cảm đẩy tới cùng sáng tác phẩm của mình theo ý hướng của tuyên ngôn kia. Dám thách thức tầm mong đợi (horizon of expectations) quen thuộc và, chấp nhận thất bại.

 

5. Là người sáng tác, anh sợ nhất điều gì sẽ đến với mình?

 

Inrasara: Dẫm đạp lên dấu chân người khác hay của chính mình mà không tự nhận biết. Và nhất là đánh mất tinh thần phiêu lưu trong sáng tạo. Ngoài ra – không gì cả!

 

6. Anh làm các công việc như dịch và nghiên cứu văn học, văn hoá Chăm đơn giản vì anh là người Chăm hay có điểm gì trong tận sâu văn hoá Chăm làm anh say mê?

 

Inrasara: Tôi mê ngôn ngữ Chăm! Mê âm vang của lời, tôi đã tìm đến văn chương và tập tò ráp vần. Sau nữa tôi là Chăm, nên ít nhiều trách nhiệm. Thật sự, Chăm không phải không có cái đáng giá. Tạm gọi đó là bản sắc Chăm. Ta chỉ nhận diện được bản sắc nào đó khi đặt nó bên cạnh một/những cái khác. Đâu là bản sắc văn hóa Chăm? Ở phạm vi hẹp hơn: văn học chẳng hạn, đâu là khác biệt nổi bật của văn học Chăm khả dĩ làm giàu sang và đa dạng nền văn học Việt Nam?

 

Về nội dung-đề tài: 250 minh văn Champa sáng tác bằng cả tiếng Phạn lẫn tiếng Chăm cổ phải được kể đầu tiên. 5 sử thi-akayet có xuất xứ từ/mang âm hưởng Ấn Độ, một sáng tác đặc trưng Chăm, là hiện tượng không có trong văn học sử Việt. 3 trường ca trữ tình nội dung mang chở sự đối kháng quyết liệt giữa hai tôn giáo Hồi - Bàlamôn dẫn đến đổ vỡ tình yêu và cái chết, là một dị biệt khác.

 

Còn hình thức thể hiện? Chăm có thể thơ tôi tạm gọi là lục bát Chăm: thể ariya. Nhưng lục bát Chăm gieo cả vần bằng lẫn vần trắc, và vần gieo duy nhất ở chữ thứ tư câu tám chứ không ở chữ thứ sáu như trong lục bát Việt. Đặc biệt hơn, ariya Chăm được sử dụng theo cách đếm âm tiết hay nén âm/tính trọng âm của từ đa âm tiết (như thể thơ Tân hình thức-New Formalism vậy), tùy khuynh hướng sáng tác của tác giả. Riêng thể pauh catwai (biến thể từ ariya), mỗi cặp lục bát đứng biệt lập như bài thơ hoàn chỉnh với đầy đủ ý nghĩa, được kết nối liên hoàn đến cả mấy trăm câu mà giọng điệu, tư tưởng vẫn thống nhất, hình thức không khác mấy so với Choka (trường ca) của Nhật (Choka là Shika: 5-7 âm được kết nối liên hoàn).

Và vân…vân… Chúng đáng “bảo tồn và phát huy” lắm chứ!

 

7. Anh là người đề cao yếu tố hình thức trong thơ. Vậy anh đã bao giờ đặt câu hỏi, độc giả Việt sẽ lựa chọn cái gì giữa một bên là những câu chữ bị phá rời khiến đọc khó hiểu và một bên là câu chữ truyền thống, dễ hiểu (tất nhiên không phải là những bài thơ đạt đỉnh cao cả về hình thức và nội dung)? Tôi e rằng rất rất nhiều độc giả Việt Nam lựa chọn cái thứ hai. Anh có lúc nào e sợ độc giả không hiểu hết mình?

 

Inrasara: Xin đính chính: tôi chưa bao giờ đề cao hình thức ở đâu cả.

Còn việc bạn nói: “rất rất nhiều độc giả Việt Nam lựa chọn cái thứ hai”- đúng lắm! Nhưng xin hỏi: độc giả là ai? mà độc giả nào? Thường thì người ta ưa dẫn độc giả ra để làm bình phong cho chủ quan của mình. Và số đông quay ngược lại tin vào bình phong đó. Thế mới kẹt. Thói quen thơ, từ thể thơ: lục bát, 5-7-8 chữ, hay thơ tự do có vần/điệu… cho đến hệ mĩ học: Cổ điển (Trung Quốc), Lãng mạn, Hiện thực,… quy định lối thưởng thức thơ của chúng ta. Bài/tập thơ nào vừa vặn với tầm mong đợi thì được cho là hay.

 

Nhưng thế nào là hay? Đã có lần tôi nói rất to ở tạp chí Thơ số mùa Xuân 2006 rằng “người đọc cần phải được đào tạo”! Bạn thấy đó, các thế hệ độc giả hôm nay và cả tương lai gần chưa được chuẩn bị tinh thần đón nhận cái mới [nên mỗi lần đọc phải cái xa lạ, cái ngoại nhập là giật mình thột], chưa trang bị tri thức cơ bản để nắm bắt cái mới [đã không ít kẻ vỗ tay cổ vũ cái mới nhưng bởi lí giải thiếu thuyết phục, nên người đọc càng dị ứng với cái mới hơn]; thêm: thông tin đại chúng ta không in, giới thiệu…các sáng tác mới lạ, thì làm sao người đọc có cơ hội làm quen với chúng? Lứa đọc giả tiềm năng là sinh viên, hỏi hơn ba thập kỉ qua, họ có được trang bị đến nơi đến chốn tri thức về bao nhiêu trào lưu của văn chương đương đại thế giới nẩy nở và phát triển ở ngoài kia chưa? Không thưởng thức tranh lập thể, chúng ta còn có thể tự trách, chứ không hiểu một bài thơ thuộc hệ mĩ học khác lạ, ta cứ đổ bừa cho người viết …dở, lập dị!

 

Tiếp nhé: thế nào là câu chữ truyền thống dễ hiểu với câu chữ bị phá rời khiến người đọc khó hiểu? Tại điểm này, cuộc phỏng vấn đang chạm vào vấn đề cốt tủy của mĩ học sáng tạo: sự “khó hiểu” và “truyền thống”.

 

Tại sao các thế hệ thơ không thể chấp nhận nhau, dù họ đều là trí thức hàng đầu ở thời đại họ? Từ Huỳnh Thúc Kháng qua Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu cho tới Nguyễn Đình Thi; từ Trần Mạnh Hảo cho đến Nguyễn Quang Thiều hay Đinh Linh, Bùi Chát…Thử hỏi nếu Thanh Tâm Tuyền không “phá rời” cấu trúc tiếng Việt để làm thơ câu dài ngắn khác nhau, chả ra cái vần vè, thì làm sao có thơ Tự do Việt? Hay Nguyễn Quang Thiều không đẻ ra thơ “Tây giả cầy”? Hỏi trước kia truyền thống Việt có loại thơ đó bao giờ chưa?

 

Cần chuẩn bị tri thức là thế. Và, cả chuẩn bị tinh thần nữa. Mới đây thôi, kinh nghiệm của Hoài Thanh hay Xuân Diệu đã cho ta bài học. Tại sao hai ông không chấp nhận Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Xuân Sanh? Ai dám cho Xuân Diệu, Hoài Thanh không hề biết tới Tượng trưng hay Siêu thực? Khía cạnh này, có thể viện đến não trạng hay cái gu thưởng thức thơ của người cùng thế hệ. Nhưng, điều đáng nói là chớ vì thế mà miệt thị hay ý định loại trừ các sáng tác khác lạ ra khỏi đời sống văn chương. Hãy để cho các hệ mĩ học sáng tạo cùng tồn tại, cạnh tranh và phát triển. Cuộc cạnh tranh thơ ca hôm nay cũng thế, nó cần có môi trường lành mạnh, để các giọng thơ, các trào lưu, hệ mĩ học khác nhau cùng tồn tại và tranh đua, đẩy nền thơ ca Việt dấn tới.

 

Trở lại với câu hỏi của bạn, biết rằng ngôn ngữ là của chung dân tộc, như thể một quy ước tập thể tiện ích và cần thiết trong trao đổi cộng đồng. Từ chối quy ước, người viết rơi vào tối tăm khó hiểu. Người viết không thể chối bỏ quy ước đó,  nhưng nhà thơ tài năng phải để dấu ấn cá nhân trên của chung ấy, bằng sáng tạo ra cách thể hiện mới, riêng mình. Còn độc giả hiểu hay không và hiểu nó tới đâu thì chuyện đó không thuộc vào nhà thơ nữa.

 

8. Con đường văn chương thật dài, và người viết hẳn không tránh khỏi những lúc mệt mỏi, thất vọng, và nếu có người hỏi bây giờ cho anh lựa chọn lại anh có theo văn chương không?

 

Inrasara: Sáng tạo là thường xuyên đối mặt với bế tắc. Bế tắc sau thời gian dài, sau vài hay một tập, thậm chí bế tắc trong mỗi tác phẩm đang vận hành ngon trớn. Ý thức được bế tắc để tìm cách vượt thoát, là bổn phận gần như là thường trực của mỗi nhà văn. (Xem “Bế tắc trong sáng tạo” trong Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo). Chỉ sợ rằng mình không biết bế tắc cứ làm tới, tập này sang tập kia: nhảm, nhàm.

 

Tôi chưa bao giờ chọn lựa văn chương cả. Có thể nói như người thiên hạ thường nói đầy dễ dãi: văn chương chọn tôi, có lẽ.

 

9. Những dự định sắp tới của anh là gì?

 

Inrasara: Tôi đã xong bản thảo tiểu luận Song thoại với cái mới, một tác phẩm ý hướng suy tư lật mở nhiều khía cạnh của vấn đề văn học trung tâm/ngoại vi: Thơ dân tộc thiểu số/đa số, thơ tiếng Chăm/tiếng Việt, tiếng Việt/tiếng Anh, thơ nữ/nam, địa phương/trung ương, là/chưa là hội viên Hội Nhà văn, hải ngoại/trong nước, Đông Nam Á/thế giới, ngoài lề/chính lưu,.. . Một vấn đề rất giả nhưng tác động tiêu cực đến phát triển của một nền văn học. Đây cũng là bước chuẩn bị khác, để đạp đổ hoàn toàn bức tường tâm lí giả tạo nhưng kiên cố đó. Nó tồn tại trong cộng đồng, ở phía ngoại vi lẫn trung tâm, và tệ hại hơn cả là nó nằm ngay trong tâm hồn của nhà văn.

Tôi cũng vừa bắt đầu dấn vào cuốn tiểu thuyết thứ hai, sau khi in Chân dung cát. Dĩ nhiên vẫn tiếp tục các cuốn tiếp theo của bộ Tủ sách Văn học Chăm gồm 10tập.

 

Sài Gòn, 05.08.2007.

 

*

Báo Văn nghệ trẻ, số32, 11,08.2007.

In toàn văn ở trang inrasara.com.

Kiều Thu Huyền
Số lần đọc: 2071
Ngày đăng: 14.08.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà văn có đang...viết văn? - Thụ Nhân
Nhà văn Tô Đức Chiêu: Sáng tác văn học đâu cứ phải ồn ào - Thanh Kiều
Inrasara: Hôm nay, thơ đang mất độc giả - Lý Đợi
Phỏng vấn Nhà Thơ DƯ THỊ HOÀN - Phạm Vân Anh
Phỏng vấn Nhà Văn Hoàng Ngọc Thư - Đặng Hiền
Nhật Chiêu, Nhà phê bình viết văn :“Chữ nghĩa, Cuộc chơi hào hứng nhất!” - Đông Dương
Đạo diễn – Nghệ Sĩ Ưu Tú Trần Mỹ Hà: Tôi vẫn đi tìm tôi - Võ Ðắc Danh
Nhà điêu khắc PHẠM VĂN HẠNG “Vượt qua lời nguyền của cha” - Nguyễn Tam Phù Sa
Chủ nghĩa hậu hiện đại - Lê Tân
Nhà Hán học Nguyễn Tôn Nhan: Bộ sách tôi thích nhất còn chưa ra đời…! - Lý Đợi