Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.041
123.165.991
 
Thổi quốc
Phương Nam

Tình cờ trong một lần gặp gỡ, tôi đã được làm quen với ông Tư thổi quốc.

- Đây là cháu Hai thầy giáo dạy học ở chợ huyện thị trấn này, cháu Hai đang ở trọ nhà tui. Còn đây là... Ông Tư thổi quốc. Bác Tám Cam - chủ nhà vui vẻ giới thiệu tôi với ông Tư.

Có lẽ sau vài tuần rượu cùng vui lây với lời giới thiệu dí dỏm của bác Tám Cam, ông Tư thổi quốc vừa cười vừa quay sang phía tôi:

- Cháu Hai năm nay bao nhiêu tuổi?

- Dạ! Cháu hai mươi tám.

- Vậy qua đây lớn hơn cháu hai con giáp. Thôi! cháu kêu qua bằng bác như bác Tám được rồi. Qua thứ tư tên Tấn, quê ở miệt Chợ Mới - Long Xuyên, bạn của anh Tám từ hồi xửa hồi xưa. Qua làm ruộng là chính nhưng còn có thêm nghề thổi quốc nên nhiều người gọi là ông Tư thổi quốc riết rồi quen!

- Cháu Hai  uống với ông Tư thổi quốc một ly để làm quen đi! - Bác Tám Cam nhắc nhở.

- Dạ! Cháu mời bác Tư uống trước.

Ông Tư thổi quốc đánh trót một cái đúng nửa ly rồi chuyền lại cho tôi.

- Uống đi cháu! Rượu đế đậu nành Long Xuyên đó. Qua chở theo ghe từ Chợ Mới xuống, còn mấy lít tặng cho anh Tám uống chơi vậy mà.

Đây quả là thứ rượu đế cao độ vị cay nồng, nước trong veo như mắt mèo, sủi tăm, thơm thơm mùi nhãn  chín. Từ sáng đến giờ chưa ăn gì lại giảng bài suốt bốn tiết về đến nhà còn hơi mệt, uống nửa ly bầu rượu của ông Tư tôi cảm thấy nóng ran cả người, uống tới đâu biết tới đó. Vừa để xong cái ly xuống mặt bàn, tôi phải nắm tay lại đưa lên miệng giả vờ ho nhẹ để làm giảm bớt độ cay trong lưỡi.

- Rượu này dữ quá bác Tư.

- Ừ! Rượu vậy mới ngon. Rượu gạo, rượu nếp hay đậu nành gì khi uống nó cay nồng trong cổ chạy rần rần, nóng ấm cả người thì mới ngon, chớ rượu nhè nhẹ, chát chát, chua chua uống vô lạnh cổ họng là rượu không ngon, khó uống lắm, có khi uống nhiều lại bị nhức đầu, ê ẩm mình mẫy nữa.

- Thôi cháu Hai gắp cái gì đưa cay đi chớ - Bác Tám Cam nói chen vào.

- Để tui - Vừa nói ông Tư  thổi quốc vừa gắp bỏ vào chén tôi một miếng thịt to, vàng óng, đượm mỡ và nói tiếp:

- Đây là thịt quốc. Dĩa này là thịt quốc khìa nước dừa ăn với bánh mì. Tô này là thịt quốc xào bầu non. Còn đây là thịt quốc xào mặn với củ hành để ăn cơm, nhưng hãy khoan ăn cơm, ăn cơm rồi uống rượu không ngon, uống hết chai này rồi mới ăn cơm nghen anh Tám!

- Ừ! Anh sao tui vậy. Cháu Hai cũng vậy luôn nghen!

- Dạ! Tôi nhìn chai rượu cũng thấy muốn ớn lạnh nhưng cố làm tỉnh đáp gọn cho vui lòng hai ông già.

- Sao? Cháu Hai thấy thịt quốc có ngon không?

- Ông Tư thổi quốc chợt hỏi.

- Dạ! Ngon tuyệt vời. - Tôi đáp.

- Ừ! Thịt quốc là thứ ngon. - Ông Tư  nói tiếp, nó giống như thịt gà nhưng xớ thịt nhỏ hơn, dẽ dặt và khô ráo, còn chất thịt thì ngọt đậm hơn hẳn thịt gà. Ngoài mấy món ở đây, thịt quốc còn có thể rôti, nấu cà ri, chặt miếng nướng kẹp, nướng xỏ lụi nguyên con hoặc quay lu đều ngon. Trong các loài chim ở ruộng lúa như: gà nước, chằng nghịch, vỏ vẻ, ốc cau... thì thịt quốc cũng thuộc vào hàng nhất nhì chớ không thua ai. Mùa này có nhiều cỏ non, lúa mới, cua, ốc, tép, cá, con quốc ăn uống no đủ mập mạp nên thịt ngon nhất. Đến khi trời sắp sa mưa con quốc phải đẻ trứng nuôi con nên ốm hơn.

- Ông Tư biết nhiều về con quốc quá chứ! Tôi thầm nghĩ như vậy.

Từ đầu bữa tiệc đến giờ tôi thắc mắc muốn biết thổi quốc là như thế nào nhưng chưa có dịp hỏi. Những năm trước đây cũng có vài lần tôi nghe nói về thổi quốc nhưng chưa rõ và chưa thấy bao giờ. Sẵn dịp tôi tranh thủ với ông Tư.

- Mấy con quốc này là do bác Tư bắt được hay mua?

- Ôi! Ổng thổi đó chứ mua gì cháu ơi! Nhiều lắm! Ổng còn nhốt cả lồng ở dưới ghe kìa - Bác Tám Cam đỡ lời.

- Vậy thổi quốc là gì? Có khó làm không bác Tư?

Để cái chén xuống bàn, ông Tư thổi quốc giải thích:

- Thổi quốc là giả tiếng kêu của quốc để dụ quốc bay đến gần mình rồi bắt. Kể ra thổi quốc cũng không khó lắm, cái chính là phải biết chọn địa điểm đặt lưới, phải thổi sao cho giống tiếng quốc và...

- Thôi! Chuyện dài dòng lắm - Bác Tám Cam vừa đưa ly rượu về phía ông Tư vừa nói:

- Ly này tới lượt anh đó! Bây giờ chiều nay cháu Hai có rảnh không? Nếu rảnh thì đi với ông Tư thổi quốc một lần cho biết. Được không?

- Được chớ sao không - Ông Tư thổi quốc gật gù đồng ý.

Riêng tôi thì khỏi phải nói, tôi sẽ sắp xếp để theo ông Tư thổi quốc một chuyến cho biết.

*          *

*

Năm giờ chiều, tôi cùng với thằng Bi cháu bác Tám Cam tháp tùng theo ông Tư ra ruộng để thổi quốc. Đồ nghề thì chẳng có gì nhiều, mấy cây sào dài ông Tư vác trên vai đi trước, tôi quảy mấy tay lưới theo sau. Thằng Bi xách mấy cái lồng nhốt quốc đi sau cùng.

Quanh co, lòng vòng trên mấy bờ ruộng rồi đến cái gò nghĩa địa có nhiều bụi cây lúp xúp, ông Tư ra hiệu dừng lại. Sau một hồi dọ dẫm định hướng gió, lựa chọn nơi thuận lợi, ông gọi tôi lại sắp đặt công việc. Tôi phụ ông mắc hai tay lưới vào mấy cái móc và rỏ rẻ trên ngọn ba cây sào.  Đây là loại lưới có mắt lưới rất thưa làm bằng chỉ mành nhuộm đen cẩn thận để tiệp màu với bóng đêm. Công việc tiếp theo là làm mấy cái tum bằng lá dừa nước để ẩn mình cho ba người. Ông Tư sẽ ngồi dưới cây sào giữa, tôi và thằng Bi mỗi đứa sẽ ngồi dưới chân hai cây sào còn lại, mỗi cây sào cách nhau mười mét. Khi con quốc bay đến đâm vào lưới bên nào thì ông Tư sẽ xả dây lưới bên đó và người đầu kia cũng làm như vậy để tay lưới chùng xuống quấn chặt lấy con quốc. Sau khi bắt con quốc xong thì kéo dây căng lưới lại như cũ. Giải thích xong các việc, ông dặn dò thêm:

- Bây giờ nghỉ tay cái đã! Qua hút  điếu thuốc. Đợi trời sẩm tối một chút nữa mới dựng lưới lên rồi qua với hai cháu thử tập kéo lưới, hạ lưới năm ba lần cho thiệt quen tay mới được.

Trời chạng vạng tối, gió đẩy đưa nhè nhẹ. Cảnh vật màu xanh tươi như đang bị nhuộm chuyển sang màu đen sẩm dần. Phía trước chúng tôi là ruộng lúa đang đỏ đuôi bông cái. Xa xa bên phải là rừng lá dừa nước trải dài đến tận vàm sông lớn. Bên trái là khu gò lũy cao bỏ hoang, cây cối rậm rạp chỗ ở của nhiều loài chim, cò, cúm núm, trích, quốc.

- Ông Tư chọn chỗ này hay thật! Chắc hẳn là mấy ngày trước đây ông đã đi dọ dẫm địa điểm này rồi cũng nên – Tôi nghĩ thầm như vậy.

Hút xong điếu thuốc, ông Tư khoát nước ruộng rửa mặt, rửa tay. Cả ba cùng hý hoáy dựng sào, căng lưới, thử lưới. Xong xuôi mọi việc, ông Tư mở túi vải lấy ra cái ống thổi quốc giống như một cây kèn bằng nứa vậy. Hướng về phía đám rừng lá và khu gò lũy, ông Tư bắt đầu thổi.

- Quốc... quốc..., quốc... quốc...

Tiếng quốc, quốc vang lên cách khoảng và sâu lắng, da diết, y chang tiếng kêu của một con quốc lẻ loi đang gọi bạn trong những đêm hè tôi đã từng nghe thấy.

Ông Tư cứ chịu khó, kiên trì thổi, thỉnh thoảng ông ngừng lại, chuyển qua giọng đục, giọng trầm, giọng bổng, lúc nhặt, lúc khoan, khi diễn đạt sự khắc khoải mong đợi, khi thì thể hiện giọng kêu mừng rỡ tưởng như có cả hai con quốc cùng kêu khi gặp nhau...

Bất chợt tôi lại liên tưởng đến một thời xa xưa, thuở còn cắp sách đến trường. Thuở ấy những đêm học bài muộn khi nghe tiếng quốc kêu tôi thường nghĩ đến hai câu thơ: “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc - Thương nhà mỏi  miệng cái gia gia” trong bài Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan hoặc nhớ lại điển tích về Thục đế, một vị vua thời cổ của Trung Quốc vì nỗi đau vong quốc mà hóa thân thành chim quốc để gọi quốc, quốc... suốt đời đời kiếp kiếp.

- Quốc, quốc, quốc... cù quốc,... cù quốc... quốc.

Tôi chặt lưỡi:

- Ông Tư tài thật! Tiếng thổi quá giống tiếng quốc.

Năm phút, mười phút rồi mười lăm phút trôi qua tôi đang nóng ruột chờ đợi. Bổng có tiếng gió đập cánh của con chim lướt qua trên đầu ngọn sào.

Ông Tư ngừng thổi   nói nhỏ:

- Có rồi đó! Hai cháu đừng có lơ là, thủ cho kỹ cái dây lưới nghen.

Ông Tư thổi tiếp:

- Quốc, quốc... quốc...

Đột nhiên. 

- Bựt. z. z. z. – Tiếng va đập của một con chim lớn đụng vào lưới mà tôi cảm nhận được bằng tay giữ dây lưới hơn là nghe thấy bằng tai, bằng mắt. Theo phản xạ, tôi xả dây lưới. Trời tối đen như mực. Con chim được gỡ ra khỏi lưới là một con quốc đen trủi, nóng ấm, mắt long lanh đang hốt hoảng giảy giụa, cắn mổ lia lịa.

Cứ như vậy khoảng năm bảy phút lại có một con quốc vướng vào lưới, nhưng không phải con nào đụng lưới đều bắt được hết. Có con đụng vào lưới nhưng chân và mỏ không vướng vào mắt lưới thì không bắt được. Nhiều con bay ngược trở lại hoặc rớt xuống ruộng lúa lủi mất.

Đến khuya khi hai cái lồng nhốt quốc đã đầy thì cả ba người ai cũng đã thấm lạnh và thấm mệt. Thằng Bi thì buồn ngủ nhíu mắt đòi về. Ông Tư thổi quốc đành ra hiệu nhổ sào, cuốn lưới trở về nhà. Gần hai chục con quốc bắt được, quả là một vụ thổi quốc “trúng mánh”.

Lúc ra đi thì phấn khởi, hăng hái, nhưng khi trở về thì uể oải, ai cũng làm thinh. Tôi gợi chuyện:

- Thả bớt mấy con quốc nghen bác Tư! Nặng quá hà! Bắt làm gì cho nhiều? Dư rồi!

Tưởng thật, ông Tư quay lại:

- Bậy nè! Đừng có thả, ngày mai qua sẽ lựa ra mấy con quốc hay để riêng bán cho người ta làm quốc mồi hoặc nuôi làm cảnh. Số còn lại để bác gái đem ra chợ bán.

Thằng Bi cũng tham gia ý kiến:

- Ở đây, người ta gác quốc, đặt bẩy cò ke, bẩy vòng mỗi lần cũng chỉ bắt được bốn năm con là nhiều. Mình thổi quốc kiểu này có khi  nào bắt hết quốc không bác Tư?

- Không hết đâu! Vùng này có khoảng hai trăm con quốc. Thổi hay lắm cũng chỉ bắt hơn một trăm con là cùng. Mấy con quốc bị sẩy hồi tối nó nhát rồi, không dám theo tiếng thổi nửa đâu. Tối mai mình dời điểm khác, mỗi đêm một điểm.

Tôi gợi ý với ông Tư:

- Tối mai mình chỉ bắt năm bảy con rồi về được không bác Tư?

Ông Tư tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Ô! Thổi quốc là cốt sao được càng nhiều càng tốt chớ đâu có vậy được, nhưng cũng tùy bữa, có khi mưa gió lớn hoặc trăng sáng quá thì cũng khó bắt nó lắm.

Ngừng một lát, ông Tư nói tiếp:

- Bây giờ mấy đám thổi quốc còn trẻ tuổi, nó giỏi hơn qua rất nhiều, nó thổi bằng máy cát-sét nên thổi gần suốt đêm, lưới của nó là lưới nylon đắt tiền, nhuyễn và bén lắm, đụng vào là dính liền không sẩy con nào. Gặp bầy quốc một trăm con, nó thổi bắt tới tám chín chục con là thường. Nó còn thổi cả cúm núm và trích nữa, tiếng kêu của giống chim nào nó cũng nhái được, qua thì không làm được, chỉ có thổi quốc thôi.

Nghe ông Tư nói, tôi bỗng thấy giật mình bởi vì có một hiểm nguy thật sự đang rình rập các loài chim ruộng nước. Mọi người đang nghĩ ra nhiều cách để săn bắt từ cách thô sơ đến tinh vi, không khéo bắt riết rồi bầy đàn của chúng cũng có ngày bị cạn kiệt như chơi.

Thử hỏi một vùng quê mượt mà, trù phú mà mỗi sáng sớm không có tiếng chim vịt, chìa vôi hót mừng ngày mới, buổi trưa không có những cánh cò bay lã bay la và chiều tối lại không có tiếng vạc ăn đêm, tiếng quốc  gọi bầy thì miền quê sẽ trở nên chết chóc, ảm đạm, buồn tẻ biết mấy.

*          *

*

Mấy hôm sau, công việc ở nhà trường quá nhiều, tôi không theo ông Tư  đi thổi quốc được. Cuối tuần gặp lại, ông Tư cho biết là sắp nhổ sào, lui ghe đi nơi khác. Tôi hơi thắc mắc:

- Sao đi sớm vậy bác Tư?

- Ối thôi! Mấy hôm nay liên tiếp thất bại, không thổi được bao nhiêu. Ông Tư chán nản trả lời.

Hỏi ra tôi được biết, cả tuần nay bọn trẻ con trong ấp Phong Thới này đã lân la làm quen với  ông Tư được ông cho xem quốc và cái ống thổi. Chúng nó bắt chước chuyền tay nhau mỗi đứa làm một ống thổi, thổi um sùm trong cả ấp. Sáng, trưa, chiều, tối, đứa này thổi, đứa kia thổi theo, trong xóm lúc  nào cũng có tiếng quốc... quốc... Thậm chí trời tối, khi ông Tư thổi quốc ở ngoài ruộng, có đứa đang học bài trong nhà nghe vậy cũng phụ họa thổi theo. Mấy con quốc không biết đường nào mà bay, vì vậy ông Tư đành phải nhổ sào, cuốn lưới.

Nghe qua, tôi rất tức cười song cũng thầm cảm ơn mấy đứa nhỏ vô tình đã cứu sống được cả trăm con quốc.

Trẻ con bao giờ cũng vậy, khi ham thích cái gì, chúng cố đòi cho được, khi đã chán, chúng cũng nhanh chóng quên đi. Một tuần, hai tuần trôi qua, cái ống thổi quốc cũng đã bị chúng xếp xó, bỏ quên. Cả ấp trở lại sự tĩnh lặng bình thường.

Những đêm chấm bài khuya, đôi lúc phải nghỉ tay thư giãn, tôi lại được nghe tiếng quốc... quốc... vẳng đưa trong cảnh đêm tĩnh mịch. Đó không phải là tiếng thổi quốc của ông Tư, cũng không phải tiếng quốc của bọn trẻ trong xóm. Đó đích thực là tiếng gọi bầy thân thương của một con quốc lẻ loi trong khu rừng lá ven sông.

Trầm ngâm, yên lặng, bỏ đi những phiền toái đời thường, tôi lại được tận hưởng những hương vị, âm thanh của một  miền quê thanh bình, yên ả.

Viết về một miền quê.

Phương Nam
Số lần đọc: 2405
Ngày đăng: 23.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nổi đau - Mai Bửu Minh
Rác biển - Vũ Hồng
Tiếng thì thầm trong đêm - Lê Minh
Tình bạn - Phạm Thị Ngọc Ðiệp
Vườn xoài ngoại ô - Phong Hân
Qua cơn bịnh - Anh Động
Suối nắng - Anh Động
Trên những con đường - Kim Quyên
Chuyện nàng Mimô - Trần Kim Trắc
Công an xã - Hồ Tĩnh Tâm
Cùng một tác giả
Mùa bông điên điển (truyện ngắn)
Thổi quốc (truyện ngắn)
Bông súng trắng (truyện ngắn)
Chim trời cá nước (truyện ngắn)
Lương sư trăn trở (truyện ngắn)
Con ma chòm mả lạng (truyện ngắn)
Nhắp vịt (truyện ngắn)
Rút lại lời phê (truyện ngắn)
Thương con (truyện ngắn)