Tôn trọng những tiếng nói dị biệt tài năng
* Chấp nhận cái mới tức là chấp nhận cái chưa có tiền lệ nên ở bất cứ lĩnh vực nào đi cùng với nó cũng là sự chông chênh, mạo hiểm, rất dễ bị sa xẩy. Vì sao NXB Đà Nẵng vẫn chọn cách đi đầy gai góc này?
- Tôi không biết mọi người nhìn thế nào chứ với chúng tôi, sự việc chẳng có gì là ghê gớm, to tát hay mạo hiểm cả, bởi chấp nhận cái mới, cái chưa có tiền lệ chính là một phần cơ bản của đổi mới trong công tác xuất bản. Trước đây khi chưa được “cởi trói”, nhiều văn nghệ sĩ chưa bộc lộ được hết suy nghĩ cũng như tài năng của mình. Vì vậy chúng tôi nghĩ những gì mình đã làm, đang làm hay sẽ làm chính là thực hiện đường lối của Đảng. Đó là đổi mới sự nhìn nhận, đánh giá và đối xử với mọi sự sáng tạo, không phân biệt phương pháp sáng tác.
* Nhưng không ít những tác phẩm của NXB đã gây nên những ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều nhau. Ví dụ như “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu, “Paris 11/8” của Thuận, “Ngồi” của Nguyễn Bình Phương…
- Đúng là vừa qua, trong dư luận có những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Nhưng cũng có thể coi đó như là một tín hiệu tốt. Lâu nay, chúng ta luôn thường trực một quan niệm lấy truyền thống làm chổ dựa bất di bất dịch và như thế rõ ràng là chưa đủ. Nếu chúng ta chỉ chăm chăm học mỗi bản thân mình rồi tự ru ngủ mình bằng những cái mình đã có, tức là tự loại bỏ mình, nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay. Tôi cho rằng những tác phẩm ít nhiều đã tạo ra những phương pháp sáng tác mới lạ và đó chính là lý do mà chúng tôi quan tâm.
Vô cảm trước sự thất vọng của người đọc
* Có một căn bệnh rất nguy hại nhưng lại rất khó bắt bẻ là tư tưởng “an toàn trên hết” được kết hợp với “tư duy nhiệm kỳ” đang là vật cản đối với sự phát triển trong nhiều lĩnh vực. Trong xuất bản, hiện tượng đó biểu hiện như thế nào?
- In một cuốn sách để rồi không ai đọc và hành trình của nó vào nhà máy tái chế giấy quả thật sự đau lòng bởi sự vô cảm. Những cuốn sách ra đời trong yên ả, lấy sự “an toàn trên hết” chỉ để làm phong phú cho các bản báo cáo hàng năm theo khuôn mẫu định sẵn, rằng chúng ta đã xuất bản bao nhiêu vạn đầu sách với bao nhiêu triệu bản. Những con số vô cảm, cơ học và chẳng nói lên điều gì cả. Nhiều khi chúng ta coi trọng cái an toàn, đem sự “an phận” của cá nhân mình đặt lên trên sự phát triển của văn học nghệ thuật cũng như sự đòi hỏi chính đáng của độc giả, chính chúng ta đã góp phần kìm hãm sự phát triển và nâng cao dân trí.
* Ông đã hơn một lần nói rằng hiện đang có nhiều NXB “lưu ban”. Tại sao ông lại có những nhận xét nặng nề với đồng nghiệp như vậy?
- Tôi rất buồn với cơ chế động viên, khuyến khích cho sự hài lòng với quá khứ, an phận với thực tại và phó mặc cho tương lai. Không rõ từ bao giờ và ở đâu đã sản sinh ra những biểu hiện dị ứng với sáng tạo. Chính nó đã đẻ ra sự “lưu ban” tức là khoanh tay chờ các công ty sách có tiềm lực đi tìm mua bản thảo về, còn mình thì ngồi chờ giấy trích ngang, cấp phép một kiểu cục xuất ban con để lấy vài phần trăm quản lý phí. Làm nghề xuất bản, điều lo ngại nhất của chúng tôi là thói vô cảm trước sự thất vọng của người đọc. Trong khi, đúng ra đây là một nghề đặc biệt của những “cặp mắt xanh”.
Ghi 1.000, in 20.000
* Các NXB thường kêu ca cho mình nhưng các tác giả thì lại có cảm giác như là mình bị ăn chặn…
- Thì điều đó là quá rõ rồi. Chế độ nhuận bút hiện nay chưa xứng đáng với công sức sáng tạo và điều đó đang giết dần những người cầm bút chân chính. Nhưng vấn đề là ai ăn chặn thì cần phải làm rõ. Hiện nay đang tồn tại một “mô típ” ghi số lượng xuất bản luôn luôn là 1.000 cuốn, nhưng thực tế, không ít số lượng in ấn lên đến 20.000. Đặc biệt là những cuốn gây xì-căng-đan đến mức có cảm giác như đang có một công nghệ gây sốc để vụ lợi. Thế nhưng, đáng tiếc là có không ít cấp, nhà quản lý có trách nhiệm lại “ngây thơ” tin vào xì-căng-đan kiểu này!
* Một câu hỏi cuối cùng, có ý kiến băn khoăn về việc đưa công tác xuất bản về Bộ Thông tin – Truyền thống. Quan điểm của ông như thế nào?
- Đúng là về cá nhân, tôi cũng có băn khoăn vì sách không đơn thuần là thông tin và hình như ở đây có sự đồng nhất giữa sách và báo. Thực tế, đây là hai lĩnh vực rất khác nhau. Thực tình, tôi chỉ thấy nói “văn hóa đọc” chứ chưa có khái niệm “thông tin đọc”. Hy vọng là sự chưa rạch ròi này không để lại những hệ lụy.
* Xin cảm ơn ông!
Quản lý lỏng lẻo. Quan niệm về công tác cán bộ tùy tiện. Nạn in lậu tràn lan. Tính vô cảm trước nhu cầu hưởng thụ về đời sống tinh thần của người đọc… Tất cả những vấn đề trên đã tạo nên “lỗi hệ thống” của công tác xuất bản hiện nay. Để khắc phục tình trạng trên, Ban bí thư đã có Chỉ thị 42 về việc tăng cường toàn diện đối với công tác xuất bản. Đây là một chỉ thị được những người làm công tác xuất bản rất hoan nghênh. Nhưng…