Mấy ngày qua, mực nước đã lên cao. ở nhiều nơi, con nước đã nhảy khỏi bờ đổ vào sân trường làm ngập hết các đường đi lối lại. Kinh Nguyễn Văn Tiếp không còn cảnh nước lớn, ròng, dòng nước chỉ đều một nhịp hối hả từ thượng nguồn đổ về mang theo nhiều rong rêu, cây cỏ và xanh lơ một màu phèn chua loét. Thỉnh thoảng, trời lại đổ mưa, mưa rồi tạnh, tạnh rồi mưa. Khắp mọi nơi đã thấy lấp lánh một màu nước trắng xóa. Cơn lũ lớn lại đổ ập về.
Đứng trên bục giảng, Thủy kiểm diện học sinh đầu giờ và đảo mắt qua một lượt học sinh của mình. Lớp có bốn mươi ba học sinh mà bây giờ đến lớp chưa được ba mươi đứa. Nhiều em đi học bằng xuồng ba lá, một số đi theo đường bộ quần ướt hơn nửa ống chân, một số khác vì đường xa lại không có áo mưa nên bị ướt lem nhem từ đầu đến áo. Thủy hơi bực mình vì cái cảnh nhếch nhác của lớp học. Tuy vậy, các tiết giảng của Thủy rồi cũng qua đi nhưng trong tẻ nhạt. Cuối buổi học, thầy Hiệu trưởng cho đọc thông báo để các lớp được nghỉ học kể từ thứ hai tuần tới chờ cơn lũ qua đi nhà trường sẽ có thông báo học lại sau. Các giáo viên người địa phương thì ở lại luân phiên trực trường và cùng với phụ huynh học sinh kê đỡ lại bàn ghế lên khỏi mặt nước, tôn cao nền trường, các giáo viên ở xa như Thủy được tạm nghỉ về quê chờ nước rút. Truyền đạt xong thông báo của trường và dặn dò thêm một số việc với học sinh của mình, Thủy thu xếp sổ sách cùng với Bé Nhỏ học sinh lớp Thủy chủ nhiệm bước lên xuồng ba lá về nhà trọ.
Nhà trọ của Thủy nằm bên kia bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp, gần chợ Thiên Hộ. Còn nhớ năm trước đây sau khi tốt nghiệp sư phạm, cũng vào dịp đầu năm học, Thủy được phân công về dạy tại trường Trung học cơ sở vùng sâu nầy. Ban đầu Thủy ở chung nhà tập thể với các giáo viên cùng trường và đã trải qua một mùa lũ nhiều vất vả. Tình cờ trong một lần họp phụ huynh học sinh, Thủy đã quen Dì Hai - bà nội của Bé Nhỏ. Dì Hai cảm mến và mời Thủy về ở trọ nhà Dì bởi nhà còn rất rộng. Nể tình Dì Hai và thương học trò của mình, Thuỷ đã nhận lời.
Về ở nhà Dì, Thuỷ mới biết rõ gia đình của Dì Hai quá neo đơn. Dì đã trên sáu mươi tuổi, là vợ liệt sĩ. Con trai lớn của Dì cũng đã hy sinh lúc gần giải phóng, người con gái thứ ba đã lập gia đình và theo chồng ở xã gần bên, con trai thứ tư là Tư Thiện ở sát vách nhà Dì làm nghề mua bán lúa gạo, làm ăn khấm khá nên cả hai vợ chồng sắm ghe máy đi buôn xa lâu lâu mới về một lần, Tư Thiện khóa cửa nhà gởi cho Dì, còn ba đứa con của Tư Thiện: Bé Lớn, Bé Nhỏ, thằng Dũng cùng gởi ở nhà để đi học và phụ giúp bà nội, Bé Lớn đang học lớp mười, Bé Nhỏ học lớp tám, lớp của Thủy làm chủ nhiệm, còn thằng Dũng đang học lớp sáu. Con trai út của Dì là Hiếu, y sĩ công tác tại Trung tâm y tế của huyện hiện đang học lớp chuyên tu y khoa luôn bận bịu công tác đôi ba tuần Hiếu mới về.
Cảnh nhà như vậy cho nên Thuỷ đã nhanh chóng và dễ dàng hòa nhập với cuộc sống của gia đình dì Hai.
Mãi suy nghĩ miên man, xuồng đã đến bến:
- Tới rồi cô, cô lên bờ trước đi để em buộc xuồng cho.
- Ừ! Thì cô lên trước, em buộc dây xuồng cho chặt nhe!
Đứng trên bờ ngắm nhìn mớn nước lô xô vượt qua bờ cỏ dại nhắm nháp ngấm vào mặt đường đất đỏ để lại những vệt màu loang lổ, lủi xủi bọt bèo, Thuỷ chợt nhận ra rằng mực nước đã lên cao quá.
- Nhanh thật chỉ mới có một ngày...- Thủy nghĩ.
Buộc xong xuồng, Bé Nhỏ bước lên bờ, hai cô trò kẻ trước người sau cùng sánh bước về nhà.
Vẫn như mọi ngày, nơi chiếc bàn tròn cạnh góc bếp, cơm canh đã được dọn sẵn.
Bửa nay mâm cơm có canh chua me, cá kho tộ, rau luộc với mấy quả chuối chín được úp trong chiếc lồng bàn, mọi thứ vẫn còn nóng ấm.
Năm ngoái, khi về ở đây, Thủy đã đặt vấn đề với dì Hai để cho Thủy phụ Dì trả tiền điện, nước và tiền đi chợ, song Dì chỉ giả vờ nhận có một tháng cho vui lòng Thủy và bắt đầu từ tháng thứ hai Dì đã cự tuyệt, không nhận tiền nữa, Dì biện bạch một hơi dài.
- Bước đầu nếu không nhận tiền, dì sợ cô giáo không chịu ở đây cho nên dì nhận đỡ. Bây giờ đã quen rồi, cô giáo cứ coi như người trong nhà đừng có ngại, còn nếu nói công lao thì công ơn cô giáo dạy dỗ con Bé Nhỏ với Thằng Dũng ở nhà thì dì phải trả công thêm cho cô giáo mới phải.
Ngừng một lát và cũng không để cho Thủy kịp phân trần gì, dì Hai nói tiếp:
- Dì biết, lương bổng hiện nay chưa phải nhiều nhõi gì, cô giáo cứ để mà xây xài cái này cái nọ, với lại tiền gạo, cá ở đây cũng rẻ có mắc mỏ gì đâu, còn tiền điện... nếu không có thêm cô giáo thì mấy bà cháu ở đây cũng phải cần bấy nhiêu đèn đóm đó chứ có ít đi được bao nhiêu đâu.
Dì Hai chuyển sang giọng vả lả:
- Miễn sao cả nhà ăn gì thì cô giáo cũng ăn như vậy là vui rồi. Nói xong, dì Hai cười khỏa lấp và coi đó như chuyện đã xong xuôi không phải bàn thêm nữa. Biết khó có thể lay chuyển, thuyết phục được dì Hai, Thủy cũng cười theo và ngỏ lời cảm ơn Dì. Tuy vậy, thỉnh thoảng, Thủy cũng đi chợ phụ giúp nấu bếp cùng với Dì. Lâu dần Thủy cũng thấy ăn quen, ăn ngon với các món như cá rô non nấu chua với bông điên điển, cá chạch kho nghệ, bông súng chấm mắm kho, cá lóc nấu canh rau đắng, lươn nấu me với bắp chuối *... Có món đâm ra phát ghiền, vắng lâu thấy nhớ.
Thoáng chốc, hai cô trò của Thủy đã ăn xong bữa trưa. Trong khi Bé Nhỏ dọn dẹp mâm chén, Thuỷ vào phòng gói xếp lại đồ đạc chuẩn bị về... thăm nhà. Ngước nhìn lên bầu trời xám đục, Thủy ngại trời mưa lớn nên có vẻ gấp vội. Thấy vậy, dì Hai sốt ruột hỏi:
- Cô giáo định về bây giờ chứ không để đến chiều sao?
- Dạ! Cháu định về bây giờ để chiều sợ mưa lớn, với lại từ tuần tới trường tạm nghỉ cho qua cơn lũ, cháu về nghỉ ít tuần rồi lại xuống – Thủy đáp.
Vậy để dì kêu con Bé Lớn, Bé Nhỏ đưa xuồng cho cháu đi. Mấy ngày nay lộ bị ngập nhiều chỗ, xe lớn bị cấm chỉ còn xe Honda ôm thôi, mà đi xe Honda ôm thì giá cả mắc mỏ lại chạy ẩu lắm!
- Thôi được dì Hai ơi! Để cháu về bằng xe Honda ôm cũng được rồi!
- Đâu được! Để tụi nó đưa cháu tới chợ Cái Nứa rồi đi xe đạp ôm tới bến xe đò cho chắc ăn!
Dì Hai nói với vào:
- Bé Nhỏ, Bé Lớn à! Nhanh lên con, khiêng máy xuống xuồng đưa cô con về cho kịp. Nhớ đem theo áo mưa đó!
Trước khi Thủy đi dì Hai còn dặn dò:
- Khi nào cháu xuống đây nhớ nhắn với dì hoặc thằng Hiếu để cho tụi nó biết ngày giờ ra đón tại chợ Cầu Xéo hay Cái Nứa đi cho dễ. Từ nay đến đó không chừng nước còn lên cao ngập lộ sợ không có xe.
Xuồng máy đi độ hơn nửa tiếng thì tới chợ Cái Nứa, Thủy quảy túi xách lên bờ bịn rịn đứng nhìn theo chiếc xuồng máy cho đến khi nó khuất sau hàng cây cà na trên bờ kinh Bảy. Mắt Thủy bỗng thấy cay cay không biết vì nhớ nhà hay vì lòng thương cảm.
Ở nhà được non hai tuần giúp mẹ một số việc vặt, coi sóc việc học của các em, đi chơi với chúng bạn một vài nơi, nghỉ ngơi một chút, Thủy đã hơi chán và cảm thấy thiếu vắng một cái gì. Rõ ràng là Thủy nhớ trường, nhớ lớp, nhớ học sinh của mình, Thủy mường tượng có lẽ hôm nay ngôi trường của mình đã được đắp nền cao hơn mực nước, bàn ghế đã gom gọn lại, kê lên. Thủy nhớ đến Bé Nhỏ, thằng Dũng, không biết việc học chúng nó ra sao. Bé Nhỏ có lẽ còn tự học được còn thằng Dũng chắc đã gom sách tập vào hộc bàn bỏ phế việc học theo tụi nhỏ đi cắm câu, giăng lưới. Rồi còn dì Hai, anh Hiếu, bạn bè, đồng nghiệp và nhiều người khác nữa... Thời gian gần đây mỗi khi có dịp là dì Hai hỏi han về gia cảnh, tuổi tác của Thủy và anh Hiếu cũng vậy, Thủy cảm nhận có một cái gì đó hơi khang khác song chưa rõ nét... Không lẽ...! Thôi không nghĩ vẩn vơ nữa. Vấn đề quan trọng cần tập trung là việc học hành của học sinh sau lũ lụt, sách vở còn đủ không? Chúng nó đã quên gì, nhớ gì, hụt hẫng gì so với học sinh nơi không có lũ lụt. Trước mắt là việc học của Bé Nhỏ và thằng Dũng.
Từ khi có Thủy dạy thêm chúng nó đã trở thành học sinh khá giỏi. Dì Hai, vợ chồng Tư Thiện, Hiếu đã rất cảm ơn và trọng vọng Thủy, Thủy là giáo viên dạy môn Sinh, song Thủy đã dạy thêm cho chúng nó Văn, Toán, Lý, Hóa và cả tiếng Anh nữa như là một gia sư vậy. Tình hình này để qua lũ lụt chắc chúng nó cũng học tập sa sút chứ chẳng chơi. Thủy đã sắp xếp và quyết định trở lại trường sớm hơn dự định.
Chuyến đò dọc Cầu Xéo – Thiên Hộ đã đưa Thủy trở lại trường vào lúc cơn lũ lụt đã đạt đỉnh cao nhất của nó, dì Hai và cả nhà ra đón Thủy trong niềm vui pha lẫn với sự bất ngờ. Ngay sáng hôm sau Thủy đã bắt tay vào công việc, thăm học sinh có khó khăn, dạy ở nhà, phụ giúp công việc ở trường theo sức của Thủy... Thủy đã đội mưa, đi nắng, lội nước suốt cả tuần. Một buổi sáng khi thức dậy, Thủy cảm thấy váng đầu, nhức mỏi rất khó chịu.
Có lẽ chỉ cảm xoàng thôi – Thủy nghĩ như vậy nên tìm mua mấy thứ thuốc cảm thường dùng để uống. Dì Hai tìm mấy thứ lá nấu cho Thủy một nồi xông. Đã hai hôm rồi mà bệnh chưa khỏi lại còn thêm chứng ho khan nữa. Hôm sau Thủy định sang trạm xá khu vực để khám bệnh thì Hiếu về đến, Hiếu về vì được nghỉ cả tuần để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Nghe thấy Thủy bệnh, Hiếu đã vào thăm, xem qua bệnh trạng Hiếu bảo Thủy bị cảm cúm chỉ cần uống đúng thuốc, đủ liều và tịnh dưỡng, nghỉ ngơi vài ba hôm sẽ khỏi.
Hiếu đã tìm mua mấy loại thuốc tây và dặn dò Thủy cách uống. Thỉnh thoảng Hiếu vào thăm và theo dõi bệnh cho Thủy. Con Bé Nhỏ tỏ ra lo lắng và thường ở bên cạnh Thủy để chăm sóc, thằng Dũng thì từ hôm Thủy trở lại đến nay nó bị bắt ở nhà học tập, ít lêu lỏng hơn trước. Thủy đã khỏe dần và khỏi bệnh mấy ngày sau đó.
Biết Thủy đã khỏi bệnh hẳn, Hiếu rủ Thủy đi xuồng băng qua cánh đồng lớn đến xóm nhà xa phía bên kia để mời đám giỗ mấy người bà con, đám giỗ dượng Hai ba của Hiếu. Xuống xuồng Hiếu và Bé Nhỏ kẻ trước người sau cùng bơi xuồng, Thủy ngồi ở giữa thỏa sức ngắm trời, mây, nước sau gần một tuần ở miết trong phòng. Đến xóm nhà đầu tiên, Hiếu cho xuồng cập vào bờ gò cao và bảo:
- Bé Nhỏ, con lên bờ tới nhà ông Ba, ông Tư mời đám giỗ xong rồi qua nhà cô Ba, dượng Ba ở đó chờ đừng đi đâu, chú đi một chút sẽ trở lại rước con về. Nhớ chưa! Bây giờ chú qua nhà ông Năm, bà Sáu đây.
- Dạ! nhớ... nhưng mà chú phải đi cho lẹ, con không chờ lâu à nghen! Bé Nhỏ vừa đáp vừa bước lên bờ cỏ.
Thủy thay cho Bé Nhỏ bơi cầm chừng, xuồng hướng về phía dang cây xa xa bên kia. Đến giữa cánh đồng, Thủy cũng đang định gợi chuyện gì để nói thì đã nghe tiếng Hiếu:
- Thủy ơi! Thủy có biết bơi không vậy?
- Biết chứ. Thì em đang bơi đây, nhưng chỉ bơi tới thôi! Em không biết lái.
- Bơi như vậy chưa được đâu, bây giờ anh ngưng bơi, một mình Thuỷ có thể bơi xuồng về phía trước được không? Thử xem.
Chiếc xuồng chợt lắc lư rồi xoay xoay theo chiều gió.
Thủy quay người lại đã thấy Hiếu ngừng bơi, hai tay để lên thân cây dầm gác ngang hai be xuồng, nét mặt xem vừa có vẻ trịnh trọng, nghiêm túc lại vừa có vẻ hóm hỉnh, thách thức.
Thủy cố gắng bơi nhưng chiếc xuồng không theo ý mình được Thủy đành cười trừ.
Hiếu cũng cười theo và giảng giải:
- Cô giáo ơi! Ngồi ở giữa xuồng khó bơi lắm đó, phải ngồi trước mũi hoặc sau lái mới dễ bơi, lái xuồng khác với lái xe nha.
- Vậy thì anh chỉ cho em cách bơi đi, nhưng phải chỉ cho nhanh mới được.
- Được rồi! Anh sẽ chỉ cho, bắt đầu từ chiều hôm nay nha. Nhưng mà muốn bơi cho giỏi, cho vững vàng thì phải học lâu mới được. Anh nói thật đấy!
Mãi theo câu chuyện, chiếc xuống đã trôi dạt vào một bụi bông súng lớn rồi vướng lại ở đó. Mấy cái bông súng vươn lên trên đám lá một cách tự nhiên bình dị. Nhưng đối với Thủy hôm nay bông súng bỗng trở nên đẹp lạ lùng, Thủy với tay định hái. Đoán trước được ý Thủy, Hiếu đã nhanh tay hơn chọn một bông búp, to đẹp nhất trong đám hái tặng Thủy, Thủy đưa tay vừa đón nhận bông vừa cảm nhận được thật rõ ánh mắt ân cần của Hiếu dõi theo mọi cử chỉ của cô.
Mân mê cái bông súng trên tay, Thủy đăm đăm thả dòng suy nghĩ... theo từng cánh hoa ẩn hiện:
- Bông súng là loại thực vật mọc được ở vùng sâu, đồng trũng. Vào mùa khô hạn, bông súng hòa vào đất sống cùng với đất. Khi lũ lụt trở về, bông súng bừng tỉnh dậy sinh sôi nẩy nở, nước lên cao tới đâu, bông súng vươn cao tới đó và cũng kịp thời ra bông, kết trái rồi ủ chín và thả hạt giống theo dòng nước phát tán khắp nơi để lan tỏa giống loài. Bông súng đã sống chung với lũ, thích nghi với lũ và vượt lên trên lũ để tồn tại và tự khẳng định mình. Bông súng tuy mềm mại, mảnh mai nhưng lại dẻo dai một sức sống diệu kỳ. Nó là một loài thực vật đặc trưng của miền sông nước chăng? Có lẽ là như vậy...
À! Mà tên mình cũng là Thủy, Thủy là nước. Vậy là mình cũng có thể là người của miền sông nước chứ sao?...”
- Em đang suy nghĩ gì vậy? – Giọng nói của Hiếu đã kéo Thủy về với thực tại.
- Em đang suy nghĩ về những điều anh vừa nói ban nãy và suy nghĩ về loại bông súng này đây! – Thủy hồn nhiên đáp.
Gió lại lồng lộng thổi, bóng dáng của Thủy với chiếc áo bà ba phất phơ in đậm lên trên nền ráng đỏ của trời chiều, xa xa trông y hệt như một bông súng trắng trên vùng nước Đồng Tháp Mười.
--------------------------------------------------------------------------------
* bắp chuối : hoa chuối