Đã lâu, nhà thơ Hoàng Lộc vẫn nhớ như in: sau 1975, Thanh Niên là tờ báo đầu tiên in thơ ông, thi sĩ từng đoạt giải thưởng thi ca miền Nam 1970. Đó là bài Bữa say, ghé chùa Ông Hội An, viết năm 1987. Mới đây, về nước thọ tang cha, ông bộc lộ ý định hồi hương.
* Ở xứ người, chắc ông thường nghĩ về quê nhà và anh em bằng hữu...?
Đúng là khi đi xa - điều tôi ray rứt nhất là quê nhà. Quê nhà trong tôi là cha mẹ, bà con, anh em bằng hữu và người tình của thơ tôi - cùng những địa danh đã là máu thịt của tôi: Hội An - Quảng Nam - Đà Nẵng... Những địa danh thân thương ấy đã sinh tôi ra và cuối cùng luôn réo gọi tôi về!
* Đời sống văn nghệ nơi ông định cư có lẽ thiếu vắng không khí Việt Nam?
Nơi tôi đang định cư có rất ít người Việt. Đời sống văn nghệ của tôi thật sự cô đơn vì nơi này không có ai biết đọc thơ. Người ta thường nghĩ cô đơn là nguồn mạch của sáng tạo. Với tôi, cô đơn là túng quẫn - là tự khô cạn. Điều này tôi chiêm nghiệm được khi có dịp về Cali hay Dallas, Houston, những nơi đông đúc đồng hương và bạn văn. Những dịp đó giúp tôi viết được đôi bài. Rồi thôi.
Bạn văn với những gặp gỡ tình thân - như là chất xúc tác của thơ tôi. Và có lẽ ở xứ người lâu năm - tôi cũng như nhiều bạn văn cùng thế hệ - hình như dần dần không còn đề tài để viết, ngoài nỗi hoài hương và những... người tình cũ! Tôi có ý định sẽ in Thơ Tình Hoàng Lộc ở quê nhà. Tôi nghĩ tập thơ sẽ dày 300 trang gồm gần 200 bài thơ tình của tôi qua các thời kỳ tôi đã “lưu lạc những hiên nhà gái đẹp”. Có thể coi đây là một tập tuyển thơ tình Hoàng Lộc. Bè bạn khắp nơi và độc giả ở Quảng Nam luôn khuyến khích tôi thực hiện điều này.
Ông có một website cá nhân do thân hữu vì lòng yêu mến mà thực hiện. Tôi đã vào nhưng không thể để lại lời cảm nhận và cũng không thấy những bài thơ mới. Gặp mặt, mới biết đã lâu ông quên mật khẩu để vào trang web rồi! Ông tiết lộ bên dưới ký họa chân dung ở trang chủ do họa sĩ Phan Ngọc Minh vẽ tặng là thủ bút của ông. Chi tiết này ít ai biết ngoại trừ thân hữu. Mới đây một nhà văn nữ ở TP.HCM có đưa bài thơ Bữa say, ghé chùa Ông Hội An lên blog của cô, nhiều bạn đọc yêu thích thơ ông đã để lại một số lời nhắn. Ông rất vui, vì “xa xôi vậy mà răng gần gũi, tôi sờ tay lên màn hình như chạm tới quê nhà”. Điều đó rất khích lệ tinh thần người sáng tạo và thế là ông lại làm thơ. Bài mới nhất ông viết hôm 11.3 sau khi về nước thọ tang cha: “Cha mẹ trên bảy mươi mà tôi còn long đong/ cha mẹ trên tám mươi tôi đành lạc xứ/ mẹ tôi yên nằm khi tôi cuối bể/ cha ngoài chín mươi, tôi không kịp về!/ mất mẹ cha rồi tôi có còn quê?/ tôi có còn em mịt mù thị xã?/ mồ côi - ơi mồ côi - sao tôi đến thế?/ gió hút chiều nghiêng con mắt hỏi trời...”.
* Một trong những bi kịch của sáng tạo là đứt lìa ký ức do xê dịch quá lâu. Ông có dự định hồi hương để tiếp tục mạch thơ từng góp phần làm nên một Hoàng Lộc thi sĩ?
Vài ba năm tới, tôi sẽ nghỉ hưu nhưng chuyện hồi hương thì đã đặt ra! Tuổi già nơi đây, với những người như tôi thật là dễ sợ. Tôi sẽ về lại quê. Tôi sẽ được gặp và sống lại cái không khí bằng hữu và độc giả thân thiết một thời. Tôi lại làm thơ, cho đến khi bằng hữu và độc giả bảo thơ tôi không còn hồn vía nữa thì tôi ngưng nghỉ. Với tôi, thơ tình là sở trường - nhưng nếu thế sự làm tôi xúc động, tôi cũng viết. Miễn sao xúc động phải là xúc động thật cho thơ.
*Thơ, nói chung với ông là gì? Nói riêng, thơ tình có phải là cảm xúc đỉnh của thi ca Hoàng Lộc?
Có lẽ câu hỏi này có nhiều cách trả lời. Tôi thường tự nhận tôi chỉ là gã làm thơ cuối thế kỷ 20. Thời điểm của thế kỷ 21 là của những thi sĩ khác. Cái học, cái đọc của tôi có khi đã cũ - nên quan niệm về thơ cũng như thế chăng? Với tôi, thơ là cảm xúc được nói lên bằng chữ nghĩa. Mỗi người làm thơ đều có cách nói riêng của mình từ cảm xúc của chính họ.
Tôi không hề nghĩ thơ tình mới là “đỉnh cao” của cảm xúc và sáng tạo. Nghĩ thế thì “lớn lối” quá. Ấy nhưng, theo tôi - thơ tình dễ đọc, dễ cảm hơn bởi vì tình yêu chính là... nguồn sống miên viễn của nhân loại.
*
Cuộc phỏng vấn này được thực hiện qua e-mail từ Mỹ sau ngày tôi gặp lại ông ở Việt Nam. Trong ông vẫn lóe lên bao nhiêu kỷ niệm một thời ở Hội An, Vĩnh Điện. Trên hành trình đơn độc, nhiều khi ngã lòng ông đã “vịn câu thơ mà đứng dậy”, để bây giờ khi xa xứ rồi, ông quay quắt nỗi hoài hương: “sáng dậy anh thường nhìn phương đông/ khi quê nhà đang ở đầu hôm/ em với anh hai trời hai nỗi/ như vì sao có tên Sâm, Thương.../ em phía hoàng hôn anh bình minh/ hai bìa trái đất gió chênh vênh/ một sao lấp lánh đôi bờ lệ/ từng sớm hôm soi một chữ tình”.
Nghĩ gì về thơ Hoàng Lộc? Xin chép lên đây một vài chia sẻ của thân hữu ông ghi ở bìa cuối tập thơ Qua mấy trời sương mưa. “Thơ Hoàng Lộc vẫn y nguyên cái phong thái ngày xưa nhưng đậm hơn thời anh viết cho Bách Khoa” (Nguyễn Mộng Giác). “Ít ỏi câu thơ thời trai trẻ, còn sót lại trong ký ức tôi, là của Hoàng Lộc và Vũ Hữu Định. Nay một người đã ra thiên cổ. Người còn lại lưu lạc xứ người, vẫn còn cho tôi những vần thơ hay...” (Hồ Minh Dũng). “Hoàng Lộc đến với đời này bằng trái tim không bình yên. Cõi thơ anh tưởng như là thế giới rất riêng tây. Thế giới ấy dù mở ra thăm thẳm chiều sâu nhưng bằng ngôn ngữ bình dị đời thường, lại khiến ta dễ rung động gần gũi” (Nhật Nguyễn).
Khi rời xa Boston
gửi Q.
rồi tôi trở lại bên trời
rồi em trở lại bên đời người ta
bóng sương chìm mấy giang hà
ngó nhau có chút lệ nhòa không em?
khổ chi rồi cũng đôi miền
buồn chi cũng mặt trời lên tháng ngày
em về áo lạnh chùng vai
bỏ đau phù thế rơi ngoài dặm tôi
dỗ nhau đâu dễ bằng lời
dỗ nhau đâu chỉ một đời mà xong!
Hoàng Lộc
Quê quán Thăng Bình, lớn lên tại Hội An (Quảng Nam).
Giải thưởng thi ca miền Nam 1970. Hiện nay định cư tại Hoa Kỳ.
Từ năm 1960 đến nay, có thơ trên các báo trong và ngoài nước.
Thơ đã in:
- Thơ Học Trò (1965)
- Trái Tim Còn Lại (1971)
- Qua Mấy Trời Sương Mưa (1999)