Nhưng Phan Ý Ly không chỉ có thế... Thanh Niên đã tiếp cận Phan Ý Ly khi cô vào TP.HCM để gặp các bạn salsa của Sài Gòn.
* Salsa có vị trí như thế nào trong cuộc sống hằng ngày, đối với Ly? Ly đã từng nhảy salsa ở nơi nào đáng nhớ nhất?
- Có thể nói salsa là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Đơn giản vì tôi có thể nhảy ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, có nhạc hay không có nhạc... Salsa giúp tôi không phải giải thích quá nhiều về mình. Đến một nơi xa lạ, một quán bar, một buổi gặp gỡ... bật nhạc salsa lên... và mọi người sẽ biết một phần lớn của con người tôi.
* Sự sexy của salsa có làm cho đàn ông VN phát ghen nếu thấy bạn gái của mình nhảy với người đàn ông khác chưa?
“Khi mình không bị trói buộc nữa, mình thấy thảnh thơi trong tâm hồn và bỗng nhiên hào phóng với những người xung quanh, mình nhìn ra những giá trị của người khác và cùng cộng hưởng để người với người đến với nhau thật hơn, yêu đời hơn chứ không phải lấm lét làm những việc mà ai cũng làm, ai cũng muốn!” - Phan Ý Ly
- Trước hết phải hiểu cái gì làm cho salsa sexy? Chính những bước nhảy và động tác chân thật, rất đời đã góp phần giúp những người nhảy salsa bộc lộ được cảm xúc của mình với bạn nhảy. Mà chưa chắc những gì cường điệu mang tính hàn lâm đã có thể dễ đi vào lòng người như thế. Như vậy chính sự giao lưu và bộc lộ cảm xúc giữa hai người (sexy ở đây có khi không phải là chiếc váy ngắn mà là ánh mắt đắm đuối chẳng hạn) làm cho người ta phát ghen. Chắc chắn không phải chỉ đàn ông VN ghen mà có lẽ đàn ông nước nào cũng vậy. Họ sẽ chạnh lòng nếu ngồi xem, trừ khi họ cũng nhảy salsa và có được niềm vui tương tự.
* Ai có thể đến với salsa? Đến với salsa cần nhất là điều gì?
- Ai cũng có thể đến với salsa. Đến với salsa thực ra không cần gì cả, bạn mang thân bạn đến và nếu bạn chưa có gì thì salsa sẽ giúp bạn tìm ra những góc khuất còn lại trong con người bạn, giúp bạn mở ra những cánh cửa cảm xúc còn đang khép trong mình.
* Một người phụ nữ hiện đại như Ly nhưng vẫn có ràng buộc gia đình là chồng, là con sẽ quản lý thời gian khó khăn không? Điều gì là quan trọng nhất, ưu tiên nhất cho mỗi ngày của Ly?
- Tôi là người theo chủ nghĩa tự nhiên, thấy cái gì thoải mái và hợp lý thì làm. Chính vì thế trừ những khi có dự án với lịch làm việc phụ thuộc vào nhiều cá nhân, thì phần lớn tôi không lên lịch cho hoạt động thường ngày của mình. Tôi không phải tuýp người có thể leo ra khỏi giường vào 9 giờ sáng để ăn sáng cho đúng giờ. Ngay cả khi cần lên lịch làm việc tôi cũng luôn chú ý sao cho mình có ít nhất 50% thời gian trong tuần để được tự do làm những gì mình thích, với tôi chơi ngày thứ bảy và chủ nhật thôi chưa đủ! Nhưng hiện giờ tôi đã có em bé nên thời gian dành chăm sóc con là sự ưu tiên hàng đầu của tôi.
* Thế tại sao lại có một lớp học tên là Điên, Cuồng mà Ly đứng lớp trực tiếp hướng dẫn cho các học viên? Để khơi mở cảm xúc, có cần phải “over” đến thế không?
- Vì tôi không tìm được từ gì dễ hiểu về lớp học hơn là hai từ này. Khi mình không theo số đông, mình hiểu và tôn trọng cảm xúc của bản thân, mình hành động theo bản năng và sự thôi thúc của chính mình chứ không theo khuôn mẫu nào khác, thì sẽ được gọi là khác người. Khác người thì sẽ bị coi là Điên. Khi mình muốn vung vẩy chân tay, muốn lăn lê bò toài, muốn bứt ra, phá tung để không còn thấy bị trói buộc mà được cảm nhận mọi thứ theo cách mà mình thích thì người ta gọi là bị Cuồng. Tên “dài dòng” của lớp “Điên” là “Sáng tạo với cuộc sống” và lớp “Cuồng” là “Sáng tạo với chuyển động”.
* Ly có phải cân bằng giữa đam mê và chức phận của mình không?
- Tôi luôn cố gắng làm sao để đam mê và chức phận được là một. Như thế dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu tôi thấy căng thẳng vì phải đầu tắt mặt tối với công việc nhà cửa và con cái, thì đó cũng là dấu hiệu tôi đang đi sai đường. Tôi không nghĩ “trách nhiệm” có nghĩa là phải thực hiện bằng mọi giá kể cả khi phải khổ sở và cam chịu, cũng không nghĩ “đam mê” là không còn tính trách nhiệm nữa. Với tôi, kể cả khi đang thực hiện đam mê, hay đang thực hiện bổn phận nếu thấy có gì gợn hoặc không ổn thì đều là dấu hiệu cần phải xem lại và điều chỉnh. Làm cái gì lúc nào cũng phải thấy thoải mái và hợp lý. Như thế thì được gọi là cân bằng chăng?
* Sau các dự án cộng đồng mà Ly tham gia, Ly có nhận xét gì về tác dụng của nó ở VN hiện tại?
- Tôi nghĩ tác động hiệu quả nhất mà những dự án như vậy đem lại ở VN là giúp người ta tự tin hơn với chính mình, có cái nhìn đa chiều hơn và dám sống thật hơn. Mọi người thường thắc mắc làm thế nào mà các em nhỏ có thể quay phim hay thế, làm sao mà máy quay để ở Bãi Giữa lại không mất, mà bí quyết duy nhất của tôi (cũng chính là ngành học) là sự chia sẻ và tin tưởng vào một cái gì đó lấp lánh bên trong mỗi con người, và khả năng làm cho người ta tin trong họ có những điều kỳ diệu.
* Làm thế nào để làm từ thiện hay các công việc thiện nguyện mà không làm tổn thương cộng đồng mình tác động?
- Làm việc với cộng đồng thì trước hết hãy nghĩ đến việc mình tác động thế nào đến lòng tự tôn của họ. Sự có mặt của mình để khẳng định cho họ điều gì? Họ bất tài vô dụng và lệ thuộc vào người khác, hay họ là những người có khả năng nhưng chưa có điều kiện để phát huy hết? Công việc thiện nguyện không nên là một chiều, cái đích không phải là sự biết ơn mà họ phải có niềm tin vào bản thân để phát huy và tự đứng lên. Khi một cộng đồng còn thấy có sự tổn thương, nghĩa là họ còn biết mình là ai và còn có lòng tự trọng. Hãy thử nghĩ tới những cộng đồng mà ở đó họ không còn niềm tin vào chính mình nữa, đừng vô tình củng cố thêm sự tự kỷ và lệ thuộc đó.
* Ly là ai? Là một người đàn bà hạnh phúc hay một nghệ sĩ được sống với đam mê của mình?
- Tôi là một người sống thật với mình. Tôi nghĩ bản thân điều đó đã khiến việc tôi là đàn ông hay đàn bà, nghệ sĩ hay nông dân... không còn quan trọng nữa.
* Cảm ơn Ly.
Phan Ý Ly sinh năm 1981, học ĐH Mount Carmel College tại Bangalore, Ấn Độ. 19 tuổi làm việc cho Dự án Xóa đói giảm nghèo của Liên Hiệp Quốc, 23 tuổi giành học bổng Chevening và trở thành người VN đầu tiên học thạc sĩ chuyên ngành Nghệ thuật trong công tác phát triển cộng đồng tại ĐH Winchester, Southampton, Anh. 24 tuổi khởi xướng và thực hiện dự án đào tạo mô hình sân khấu diễn đàn cho một tổ chức dân vận từ xóm liều Kibera, thủ đô Nairobi, Kenya, tham gia Trại Nghệ thuật biểu diễn Mekong lần 1 tại Manila, Philippines; sáng lập Sân khấu Nháp – nhóm sân khấu thử nghiệm và độc lập. 25 tuổi thắng giải đúp cuộc thi Ngày sáng tạo VN do Ngân hàng Thế giới khởi xướng. 26 tuổi thực hiện dự án phim tài liệu cộng đồng Cuộc đời của tôi – Cách nhìn của tôi tại Bãi Giữa sông Hồng, Hà Nội. 27 tuổi lần đầu tiên đem mô hình Nghệ thuật trong phát triển cộng đồng vào giảng dạy tại các lớp đại trà (lớp Cuồng, Điên) ở Hà Nội.
Phan Ý Ly trong điệu salsa - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cát Khuê thực hiện