Tuổi Trẻ đã có cuộc gặp gỡ với GS-NGND Phan Huy Lê - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, đơn vị đồng tổ chức hội thảo.
* Thưa GS, nhìn nhận và đánh giá lại vai trò của nhà Nguyễn trong lịch sử vẫn là một vấn đề gây tranh cãi lâu nay. Nhưng tại sao đến bây giờ Hội Khoa học lịch sử mới tổ chức một cuộc hội thảo lớn có tính tổng kết như thế này?
"Triều Nguyễn đã để lại một di sản khổng lồ, vĩ đại mà không triều đại nào trong lịch sử có thể sánh được."
- Thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 là một thời kỳ lịch sử trải qua những cách nhìn nhận hết sức khác nhau, có lúc gần như đảo ngược. Chính sử triều Nguyễn tôn vinh công lao vương triều, phê phán những thế lực đối lập như chúa Trịnh, coi Tây Sơn là “ngụy triều”. Thời Pháp thuộc, các công trình nghiên cứu theo xu hướng vận dụng phương pháp luận hiện đại của phương Tây, tập trung vào khảo tả các di tích lịch sử, các công trình nghệ thuật, các nhân vật lịch sử cùng lịch sử giao thương với nước ngoài, không đưa ra những nhận xét, đánh giá chung về triều Nguyễn.
Sau Cách mạng tháng 8-1945 cho đến 1975, trong thời kỳ chiến tranh, công việc nghiên cứu nói chung có bị hạn chế, số lượng công trình nghiên cứu không nhiều. Và cơ bản nhất là đã xuất hiện một khuynh hướng phê phán gay gắt các chúa Nguyễn, đặc biệt là vương triều Nguyễn: chia cắt đất nước, cầu viện ngoại bang, đầu hàng thực dân xâm lược... Thời kỳ nhà Nguyễn bị đánh giá là thời kỳ chuyên chế phản động nhất trong lịch sử phong kiến VN. Khuynh hướng đó gần như trở thành quan điểm chính thống trong biên soạn sách giáo khoa đại học và phổ thông.
Thái độ phê phán gay gắt đó có nguyên nhân sâu xa trong bối cảnh chính trị của đất nước và trong cách vận dụng phương pháp luận sử học của các nhà nghiên cứu.
Đó là thời kỳ mà cả dân tộc đang tiến hành đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho nên khi nhìn lại lịch sử, bất cứ hành động nào xúc phạm hay đi ngược lại độc lập và thống nhất đều bị phê phán. Bối cảnh lịch sử của cuộc chiến tranh đã tác động đến thái độ của nhiều nhà sử học trong đánh giá, nhìn nhận về các chúa Nguyễn và triều Nguyễn.
Về sử học thuần túy, đó là thời kỳ mà nền sử học Mácxít đang hình thành nên sự ấu trĩ, giáo điều, công thức buổi đầu là không tránh khỏi. Không chỉ nhà Nguyễn mà nhà Mạc, nhà Hồ cũng chịu cái nhìn thiếu khách quan, công bằng tương tự.
Công cuộc đổi mới bắt đầu từ năm 1986, từ những thay đổi về tư duy kinh tế kéo sang lĩnh vực khoa học xã hội đã khiến các nhà sử học phải nhìn lại mình và tự “bắt bệnh” trong nghiên cứu sử học. Cũng từ đó mà việc nhìn nhận, đánh giá lại chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn ngày càng trở thành một nhu cầu, đòi hỏi bức thiết, đầu tiên là của giới sử học, sau đó là của tất cả những nhà khoa học xã hội, và trở thành đòi hỏi của cả xã hội.
Đã có tới 16 cuộc hội thảo tại Huế, bốn tại TP.HCM, một ở Hà Nội về các sự kiện và nhân vật thuộc thời kỳ lịch sử này. Nhưng đó vẫn chỉ là những cuộc hội thảo về từng sự kiện, nhân vật, và tập trung vào thời nhà Nguyễn, mà chưa đề cập nguồn gốc là các chúa Nguyễn. Vì vậy một hội thảo quốc gia vào lúc này là đúng lúc và cần thiết.
* Thưa GS, trong các báo cáo khoa học tại hội thảo này, những vấn đề nào là nổi bật nhất trong việc đánh giá lại các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn mà các nhà khoa học đạt được sự thống nhất?
- Có tới 91 báo cáo, trong đó có tám báo cáo của các nhà nghiên cứu nước ngoài: Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, đảo Đài Loan… Có nhiều vấn đề phải tranh cãi, nhưng có những vấn đề quan trọng đạt được sự thống nhất cao của tất cả các nhà khoa học trong việc đánh giá chúa Nguyễn và triều Nguyễn.
Thứ nhất, công lao không thể phủ nhận của các chúa Nguyễn: mở mang bờ cõi từ bắc Phú Yên vào tận đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ mở rộng biên cương mà còn tiến hành khai phá, đưa nền kinh tế miền Nam từ hoang sơ phát triển rất nhanh, không chỉ kịp mà còn vượt Đàng Ngoài.
Thứ hai, dù Tây Sơn đã chấm dứt việc chia cắt đất nước, nhưng phải thừa nhận chính Nguyễn Ánh mới là người thống nhất VN thật sự, trên một lãnh thổ gần như tương đương nước VN hiện đại bao gồm cả đất liền và hải đảo, kể cả Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời quản lý chính quyền rất chặt chẽ. Chúng ta bây giờ đang thừa hưởng chính cái di sản vĩ đại mà triều Nguyễn để lại. Cá nhân tôi từng nghe hai vị cố thủ tướng rất quan tâm đến khoa học xã hội và am hiểu lịch sử là Phạm Văn Đồng và Võ Văn Kiệt nói rất nhiều lần: “Nói gì thì nói, không có chúa Nguyễn, không có ngày hôm nay, không có giang sơn liền một dải thế này thì không đủ tiềm lực về con người và của cải để chiến đấu và chiến thắng Pháp, Mỹ”.
Thứ ba, triều Nguyễn đã để lại một di sản khổng lồ, vĩ đại mà không triều đại nào trong lịch sử có thể sánh được: ba di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa thế giới: kinh thành Huế, Hội An, nhã nhạc cung đình Huế. Quốc sử quán triều Nguyễn để lại khối lượng thư tịch đồ sộ chưa từng có trong lịch sử, Châu bản triều Nguyễn có tới 734 tập, Địa bạ triều Nguyễn có 10.057 tập, với 18.000 địa bạ thôn ấp, văn bia triều Nguyễn cũng có tới 11.000 tấm… Tất cả di sản đó cần được khai thác, dịch, công bố rộng rãi, đánh giá lại một cách xứng đáng.
* Thưa GS, còn những vấn đề nào “gay cấn” về triều Nguyễn sẽ gây tranh cãi?
- Cũng còn nhiều vấn đề, nhưng nổi bật nhất là vấn đề quan hệ chúa Nguyễn - Tây Sơn, chuyện Nguyễn Ánh cầu viện Xiêm, trách nhiệm nhà Nguyễn trong việc mất nước vào tay thực dân Pháp… nhưng tất cả sẽ được tranh luận một cách khoa học, công khai trên các chứng cứ lịch sử.
* Xin chân thành cảm ơn GS.
GS Phan Huy Lê - Ảnh: việt dũng
THU HÀ thực hiện