* Thưa ông, từ chuyện bài thơ của nhà thơ Trần Quang Đạo, dưới góc độ một nhà phê bình văn học, ông nghĩ gì?
- Vụ “lùm xùm” quanh bài thơ Gửi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ của Trần Quang Đạo trên tạp chí Nhật Lệ (Quảng Bình) chỉ là thêm một thí dụ nữa cho thấy tới tận hiện nay, tôi nhấn mạnh, cái lối đọc văn thơ theo kiểu “liên hệ” tác phẩm với thực tế một cách gượng ép để phê phán tác giả vẫn đang tồn tại ở một số nơi.
Đọc trang mạng phongdiep.net tôi cũng vừa biết được một trường hợp tương tự xảy ra với bài thơ Phía ngược của Ngô Đình Miên ở Bình Thuận.
Ta đã đi trên những lối mòn
Cỏ ngả rạp về cùng một phía
Hoa nở chung một sắc màu đều
Sự tồn tại của mặt trời là vô nghĩa…
(...)
Em có muốn cùng ta đi về phía ngược
Đường hoa đủ màu, nhiều giọng hót chim
Sỏi đá thật làm đau bàn chân thật
Sự thật nói lời câm lặng trái tim!
Bài thơ này khi in trong tập thơ riêng cùng tên của tác giả đã bị một vị lãnh đạo tỉnh nhắc nhở, khi được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chọn vào Tuyển tập thơ Bình Thuận từ 1975 đến nay lại bị yêu cầu phải đưa ra. Trong khi đó, chính ông Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bình Thuận thì đã có cách đánh giá rất trân trọng về bài thơ này cũng như tập thơ nói chung(*).
Trước đó nữa, ở Phú Yên, cũng đã có bài thơ bị “vạ” do được đọc theo sự liên tưởng gắn với những sự kiện, thực tế địa phương. Đây là một tình trạng đáng buồn trong đời sống văn học nước ta hiện nay.
* Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là do đâu?
- Do trình độ của người đọc khác nhau đưa tới những cách đọc khác nhau. Một bài thơ bài văn khi in ra là một văn bản nghệ thuật. Mỗi người đọc văn bản đó theo trình độ của mình, và như thế văn bản chỉ có một, nhưng tùy người đọc mà có những tác phẩm khác nhau.
Trong trường hợp bài thơ của Trần Quang Đạo, ông Việt Thành đã đọc theo lối “thực tế hóa” và “chính trị hóa”, coi bài thơ là một văn bản tư liệu, còn nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đã đọc theo lối nghệ thuật, nhìn bài thơ là một văn bản thơ với những điểm đặc thù của nó. Cứ theo lối ông Việt Thành thì câu thơ sâu sắc thế sự nhân tình của thi hào Nguyễn Du “Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong / Ca vũ không di nhất nhân tại” (Sự nghiệp nhà Tây Sơn tan tành hết, chỉ còn lại một nàng đánh đàn tàn tạ) phải bị coi là... “phản động”. Hoặc Lý Bạch cũng sẽ bị “chịu đòn” vì bắt tất cả thánh hiền xưa nay chịu thua anh uống rượu: “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch / Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh” (Thánh hiền bặt dưới cỏ xanh/ Chỉ phường bợm rượu lưu danh muôn đời – câu dịch của nhà thơ Lê Đạt).
Còn trong trường hợp bài thơ của Ngô Đình Miên, “phía ngược” không phải là đi ngược lại sự vận động của cuộc sống hiện nay mà chính là đi thuận theo dòng chảy của sự sống, vì ta không nên “yêu cầu cái kho tàng phong phú nhất là tinh thần chỉ được tồn tại với một hình thức mà thôi” như K. Marx đã từng phê phán.
Trình độ đọc quyết định cách đọc, cách đọc quyết định tư cách đọc của độc giả. “Có đồng đẳng mới bình đẳng”, câu châm ngôn này có thể ứng vào đây được.
* Như vậy, để tránh những chuyện đáng tiếc và thực ra là không đáng có, không nên có trong việc đọc văn chương, để đời sống văn học có được môi trường lành mạnh thuận lợi cho tự do sáng tạo của các nhà văn, theo ông, một trong những điều quan trọng là phải nâng cao trình độ đọc của người đọc..?
- Chúng ta là những người theo chủ nghĩa Marx, tôi chỉ xin nhắc lại một ý này của Marx: "Người đi giáo dục cũng cần phải được giáo dục”. Tư tưởng này cần được quán triệt không chỉ trong khi đọc văn chương, nhưng nhất là khi đọc văn chương.
* Cám ơn ông.
(*) "Vẫn biết Ngô Đình Miên làm thơ từ ngày còn ngồi trên ghế giảng đường Sư phạm Đà Lạt, đã có thơ in chung, in riêng; kể cũng không nhiều lắm trong gia tài một nhà thơ. Nhưng khi đọc qua một lần Phía ngược, có điều gì bật ra khiến ta phải đọc thêm lần nữa, lần nữa… những câu thơ như có ma lực ám ảnh đến lạnh sống lưng. “Ta đã đi trên những lối mòn/ Cỏ ngã rạp về cùng một phía/ Hoa nở chung một sắc màu đều/ Sự tồn tại của mặt trời là vô nghĩa…” ( Phía ngược).
Phía ngược ấy là phía nào? Ai đó thích suy diễn, hãy nghe chính tác giả nói: “ Em có muốn cùng ta đi về phía ngược/ Đường hoa đủ màu nhiều giọng hót chim/ Sỏi đá thật làm đau bàn chân thật/ Sự thật nói lời câm lặng trái tim…” ( Phía ngược).
Đọc “ Phía ngược” của Ngô Đình Miên, biết anh đang giữ trọng trách Trưởng Ban Văn hóa - xã hội Hội đồng Nhân dân tỉnh, có người bảo anh đã đưa cả chức năng của người đại biểu hội đồng vào thơ. Tôi không dám nói anh làm “thơ phản biện”, nhưng có thể mạnh dạn nói rằng, tập thơ Phía ngược của anh đang đặt ra những câu hỏi không dễ trả lời…"
ĐỖ KIM NGƯ (Chủ tịch Hội VH-NT Bình Thuận)
Linh Lan (thực hiện)