DT: Chú đã đón bao nhiêu cái Tết tại xứ người rồi? Đâu là cái Tết “ấn tượng” nhất với chú (ở nước ngoài, cũng như trong ký ức xa xưa?). Có những lý do gì đặc biệt làm chú ấn tượng như vậy?
TKĐ: Chú Đoàn và gia đình đã đón 26 cái Tết ở xứ người (rời VN năm 1982). Cái Tết "ấn tượng" nhất đời chú Đoàn là cái Tết năm 1992 ở quê nhà, khi chú trở về Quê Mẹ lần đầu sau 10 năm "ăn Tết gọi là chiếu lệ" rải rác đây đó ở Hồng Kông, Phi Luật Tân, Mỹ và Âu Châu. Cái Tết truyền thống Việt Nam, nhất ở Làng quê, đã gây một ấn tượng sâu sắc cho những đứa con xa xứ trở về sau bao nhiêu lần nếm trải những ngày đầu năm lặng lẽ và tẻ nhạt ở xứ người, nhất là xã hội phương Tây. Đơn giản chỉ vì "ngày Tết" của xã hội phương Tây là ngày lễ Giáng Sinh (Noel, Christmas). Hơn thế nữa, xã hội phương Tây có quá nhiều ngáy lễ hội trong năm như Giáng Sinh, Tạ Ân, lễ Cha, lễ Mẹ, ngày Tình Yêu, Chiến sĩ Trận vong, Danh Nhân, Tổng Thống... được nghỉ và tổ chức tiệc tùng, vũ hội đều đều; trong lúc Việt Nam chỉ có Tết Nguyên Đán là ngày lễ lớn nhất của toàn đất nước, bao gồm ý nghĩa của những ngày ấy gom lại. Với chú Đoàn thì ngày Tết Năm 1982 còn là ngày ghi dấu ấn tình cảm sâu đậm nhất vì đó là ngày Tết cuối cùng trong đời còn Mẹ và được đón Xuân bên Mẹ ở làng quê, nơi có đình chùa miếu vũ, mồ mả tổ tiên và nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
DT: Tết của gia đình chú tại nước sở tại thường chuẩn bị như thế nào? Chú có thấy "thiếu" những gì?
TKĐ: Chú ở Mỹ, bang California, nơi có đông người Việt nhất ở phương Tây. Nhưng tiểu Bang California kể cả lớn nhỏ có tới 480 thành phố (thống kê 2008) nên người Việt chỉ tập trung vào năm bảy thành phố lớn nhất và sống rải rác ở vài chục thành phố nhỏ hơn. Thành phố chú Đoàn đang ở là Sacramento (rộng gấp 3 lần Sài Gòn), có khoảng 3 chục nghìn người Việt trong số 1 triệu rưỡi dân cư. Hàng năm vào dịp Tết cũng có Hội chợ Tết và có khoảng 5 nhà hàng"siêu thị" buôn bán thực phẩm Á Đông bán đủ vật dụng về Tết như hoa quả, mứt bánh, cây kiểng, thực phẩm đủ loại nhập cảng từ Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam... Riêng gia đình chú thì tổ chức ngày Tết họp mặt đông đủ vào ngày cuối tuần gần nhất sau Tết. Cha mẹ, con cháu ăn uống sum họp, trao quà, mừng tuổi trong ngày rồi ai về nhà nấy. Tuy nhiên, trong nhà riêng của chú thì hàng năm cũng có đủ lễ cúng Ông Táo 23 tháng Chạp, Tất Niên, Cỗ Rước chiều 30, Giao Thừa, Cỗ Đưa ngày mồng Ba Tết. Một điểm khác biệt quan trọng giữa ta và người khi cần chú ý khi nói đến khía cạnh văn hóa là gia đình VN ở Mỹ không có hình thức Đại Gia Đình quy tụ nhiều thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu, chắt chiu như ở xứ Việt của chúng ta. Cha mẹ và con cái thường sống ở nhà riêng. Chỉ có con cái dưới 18 tuổi (còn học trung học) là ở với cha mẹ. Hầu hết các gia đình có con cái lớn đã lập gia đình thì chỉ còn hai vợ chồng già sống đơn chiếc, hẩm hút bên nhau mà thôi.
DT: Không khí đón Tết Việt Nam tại nơi chú ở ra sao?
TKĐ: Sự thiếu vắng lớn nhất của ngày Tết ở quê người là bầu không khí Tết. Người Tàu và người Việt giống nhau ở chỗ là dẫu xa quê nhưng vẫn mang theo truyền thống Ngày Tết. Các cộng đồng có số đông người Việt sinh sống như Santa Ana, Houston, San Jose... thường hợp tác tổ chức những Hội Chợ Tết đầy màu sắc, níu kéo những tâm hồn nhớ Tết về nguồn. Tuy vậy, người nước ngoài rất ít người biết đến Năm Mới Âm Lịch. Nếu có biết chăng thì qua tên gọi "Năm Mới Trung Hoa" (Chinese New Year) mà thôi. Sự thiếu vắng thứ hai là thế hệ trẻ rất ít quan tâm đến ngày Tết. Nếu ba ngày Tết rơi vào ngày thường giữa tuần thì gần như 95% người Việt vẫn đi làm, đi học như thường lệ.
DT: Có năm nào chú quên mất... Tết VN? Có năm nào vào dịp Tết cổ truyền của VN mà chú phải đi công tác ở các nước khác? (Nếu bị kẹt công tác như vậy, cái Tết đó với chú đã ra sao?)
TKĐ: Có những năm, chính bản thân chú Đoàn vẫn đi làm, đi dạy bình thường ở trường đại học Mỹ nếu ba ngày Tết diễn ra giữa tuần. Hơn nữa, nếu mình có "nghỉ Tết" thì cũng chỉ là "xé rào" nghỉ một mình, trong khi ấy mọi người đều bận rộn nên cũng chẳng có ai tới nhà thăm viếng. Tất cả thường phải chờ đến hai ngày cuối tuần thì người Việt ở phương Tây mới gặp gỡ, thăm viếng, tổ chức ăn uống với nhau. Một vài năm đầu chú cảm thấy xót xa, đăm đăm vọng về cố hương trong ngày Tết. Nhưng càng về sau, càng cảm thấy "bảo hòa", lửng lơ nhìn Tết đi qua. Vì "con người là con vật xã hội" nên khả năng hội nhập trong hoàn cảnh mới "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài" đến với chú rất tự nhiên.
DT: Và đặc biệt trong năm nay, khi bối cảnh kinh tế của thế giới rơi vào khủng hoảng thì chú và gia đình có bị ảnh hưởng gì không?
TKĐ: Thật ra, để chuẩn bị cho một cái Tết Việt Nam vừa đủ chút ít rượu, nem, chả, trà, mứt, bánh... tại Mỹ thì chỉ tốn chừng vài trăm đô la, trong lúc lương trung bình của một người làm việc hảng xưởng lao động bình thường vào khoảng 80 đô la. Vì vậy, tình hình suy thoái kinh tế tại Mỹ hiện nay không có tác động gì đáng kể về mặt tài chánh đối với việc người Việt muốn tổ chức ăn Tết cả.
DT: Tết Tây và tết Ta với chú có gì giống và khác nhau?
TKĐ: Tây không có "Tết" được hiểu như một ngày lễ hội giống Ta đâu. Ngày Mồng Một Tháng Giêng dương lịch được gọi là ngày Đầu Năm Mới (New Year's Day). Công sở trường học được nghỉ một ngày. Nhưng chẳng có ai tổ chức lễ lạc kỷ niệm gì cả. Tất cả mọi hình thức lễ hội, quà cáp, thăm hỏi nhau đều dồn vào dịp lễ Giáng Sinh mới diễn ra 5 ngày trước đó rồi. Không có "Tết Tây" thì lấy gì so sánh với "Tết Ta" ?!
DT: Theo chú, thế nào là một cái Tết truyền thống đầy đủ ý nghĩa? Có những việc gì đặc biệt cần phải làm, luôn luôn phải có trong gia đình chú vào dịp Tết VN?
TKĐ: Một cái Tết truyền thống đầy đủ ý nghĩa phải diễn ra trong khung cảnh xã hội có truyền thống "Ăn Tết" như Ta và Tàu. Mang bánh tét cho người Mỹ ăn, cũng như đem bánh Hamburger cho người Việt ăn. Nó chẳng có một khái niệm "đất lề quê thói" nào cả. Tết ở Mỹ chẳng qua chỉ còn là một sự "hướng vọng" của thế hệ cha ông. Đối với thế hệ trẻ thứ hai, thứ ba... của người Việt sợ e rằng, ngày Tết Nguyên Đán truyền thống sẽ dần phai nhạt và đi vào quên lãng.
Duy Thủy, báo Thanh Niên