Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.210
123.151.877
 
Nhân chuyện cậu bé 10 tuổi ở Mỹ xin được phỏng vấn Obama, PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Việt Nam cũng có thể có một Damo Weaver, nhưng…
Trần Ngọc Kha

Đó là tên của một cậu bé 10 tuổi học lớp 5 ở trường tiểu học Canal Point của nước Mỹ. Cái tên - hiện tượng Damo Weaver đã và đang được nhắc đến nhiều trên báo chí Mỹ và trên thế giới trong thời gian qua vì cái sự: cậu này đề nghị được phỏng vấn vị Tổng thống mới đắc cử Obama. Theo Đài phát thanh NPR, bản thân cậu bé 10 tuổi này đã từng có cơ hội phỏng vấn phó Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, Caroline Kennedy và Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt tại trường quay ở chính ngôi trường cậu đang theo học KEC TV. Có thể đó là chuyện bình thường ở Mỹ và ở đâu đó trên thế giới, còn ở ta thì  PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, Chủ nhiệm Bộ môn Luật kinh doanh, khoa Luật, Trường Đại học quốc gia Hà Nội bày tỏ quan điểm về vấn đề này như sau:

 

Thưa ông, ông hiểu về sự việc này như thế nào?

 

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Ngoài những câu hỏi ngây thơ của tuổi trẻ chắc là cậu bé này sẽ có những câu hỏi nghiêm túc, kiểu như: Ông Tổng thống nghĩ gì về thế hệ của chúng nó, ông sẽ nghĩ gì về môi trường, về môi sinh, về học hành và công ăn việc làm của thế hệ của nó… Ở tuổi lớp 5 thì mức độ lớn, bé còn đan xen, vẫn còn là trẻ con, nhưng cũng đã không thiếu những tư duy của người lớn. Khi đặt ra một chương trình muốn gặp ngài Tổng thống tức là mong ước của nó là muốn được gặp người có trách nhiệm, nói những vấn đề của người lớn, có trách nhiệm trong cuộc sống, là nó muốn tham gia vào đời sống chính trị, xã hội theo nghĩa rộng

 

Sự việc này đã nói lên điều gì?

 

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Bất luận trẻ hay già, thế hệ nào người ta cũng có những lo âu, trăn trở về thân thế, về sự nghiệp, về sự tồn tại, trách nhiệm đối với xã hội, đối với quốc gia nói theo nghĩa rộng và đối với nhân loại theo nghĩa rộng hơn… Dù con nhà giầu hay nghèo, ở đâu đó cũng có những lấp lánh tinh thần trách nhiệm ở lũ trẻ. Đôi khi chúng tự vấn và từ cái tự vấn đó dẫn đến những hành động, những kế hoạch. Chăc chắn cậu bé này nó đã có những suy tưởng cần phải hỏi người lãnh đạo quốc gia thì nó mới đặt vấn đề phải phỏng vấn ông ta.

 

Có phải chỉ ở Mỹ mới có hiện tượng Damon Weaver?

 

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Ồ không! Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, người lớn làm việc lớn. Tôi nghĩ ái quốc là thuộc tính của chung con người. Có những đứa bé bị khuyết tật ở Trung Quốc, giấc mơ giản dị của nó chỉ là được nhìn thấy và tham gia một buổi chào cờ ở Thiên An Môn. Nếu nhìn lại lịch sử kháng chiến của Việt Nam từ thời kháng Nguyên Mông cho đến cuộc Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945 và cho đến tận bây giờ thì anh thấy yêu nước đâu phải chỉ là chuyện của người lớn. Nam phụ, lão ấu có cái gì thì dùng cái đó để chiến đấu. Tức không có nghĩa: Chí lớn chỉ là quyền của người lớn.

 

Ông có thấy trong việc này, trẻ con nước Mỹ nói chung và cậu bé này nói  riêng có sự tự tin cao không?

 

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Tôi sống ở Mỹ hai lần, sống ở Châu Âu nhiều hơn… tức là khoảng gần một nửa cuộc đời tôi đã sống ở Mỹ, Âu, Nhât. Có thể nói: Mỗi lối sống, mỗi dân tộc, mỗi nền văn minh sinh ra một kiểu giáo dục, mỗi kiểu giáo dục sinh ra mỗi kiểu ứng xử. Nếu cứ khen trẻ con Tây tự tin, chê trẻ con mình không tự tin thì có thể nhận xét này hơi hời hợt. Vì trẻ con ở đâu cũng giống nhau ở chỗ chúng thích khám phá. Chắc anh cũng có con nhỏ. Ngay từ khi còn bé, chúng đều muốn leo trèo, thể hiện bản năng muốn vươn cao, muốn nhìn xa. Ngay cả đứa bé nhà anh cứ được thả ra là nó leo thoăn thoắt lên cầu thang ngay. Cái đó nó thể hiện tâm lý của giống người nói chung là đang từ giống vượn bò nay được đứng lên thì tầm nhìn nó vươn cao. Khi đó thì anh mới nhìn xa được chứ. Về trẻ con ở Mỹ thì tôi có một câu thế này: Nước Mỹ quá lớn, để mà nói về nước này cái gì cũng có thể đúng mà cũng có thể sai. Nước Mỹ có bao nhiêu giống người, biết bao nhiêu nền văn hóa, có da trắng, da vàng, da đen… Nhìn chung các giống người này vẫn giữ được gốc văn hóa của họ. Vì vậy nói trẻ con ở Mỹ có cái gì là phổ quát thì có thể cũng khó. Nhưng họ có những giá trị mà nhà trường đã giáo dục cho các em. Ví dụ trẻ con Mỹ khá tự tin vì mỗi sớm chúng có xe buýt màu vàng đóng bằng gỗ rất xinh xắn cứ đến giờ đến đón, trẻ tự đi học. Trẻ ở đây không có thói quen bố mẹ phải đưa đón từ nhà đến cổng trường. Đến trường thì phòng học của các cháu được bố trí khác với các phòng học của Việt Nam, cô đứng trên cầm thước chỉ, trò ngồi dưới nhìn lên. Phòng học ở Mỹ thường được bố trí theo các nhóm có thể quây quần. Quanh lớp học có thể dán các loại thơ ca, hò vè…do các em sáng tác. Bên cạnh có các phòng truyền thống, phòng thể thao… Nhìn chung các cháu cảm thấy trường như mái nhà thứ hai của chúng. Và vì vậy khi lớn lên nó rất nhớ mái trường này v.v…

 

Quay lại nền giáo dục Việt nam, một đứa con bị ngã thì cha mẹ chạy đến nựng con: “Ối con tôi thế này…! Ối con tôi thế khác…!”, trong khi ở Tây, người ta thường chỉ cầm tay con dắt lên, thế thôi, làm cho đứa trẻ nó tự lập hơn.

 

Theo như tôi không nhầm thì từ trước đến nay ở Việt Nam ta chưa có một đứa trẻ nào dám táo bạo đề nghị được phỏng vấn một nguyên thủ quốc gia như cậu bé Mỹ kia?

 

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Đã có một vài ví dụ khá hấp dẫn rồi. Vừa rồi có một nhóm các em sinh viên Việt Nam tự mình khám phá rồi tự mình tổ chức, tự mình tìm nhà tài trợ để bay sang Hồng Kông tham gia một vài kỳ thi về trọng tài. Có học sinh lớp 8, lớp 9 đã dám viết thư cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về những đề thi văn này, khác. Có thiếu gì những lá thư của các em nói thầy ơi thầy giảng thế này thì khổ chúng em quá…Có nghĩa là dù ở bậc muộn hơn so với cậu bé Mỹ kia nhưng ở ta cũng đã có những hành động của lớp trẻ dám tự chịu trách nhiệm trước hành động của mình, trước cuộc đời của mình.

 

Cách đây không lâu ở ta đã tổ chức cho các cháu “chơi” một “trò” hoạt động nghị trường. Ông nghĩ gì về việc này?

 

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Trên thế giới người ta đã tổ chức “Liên hiệp quốc nhí”. Đây là mình bắt chước thôi. Các chính khách phương Tây cứ định kỳ là họ mở cửa Quốc hội cho trẻ vào xem. Ở Nhật cũng vậy, người ta hay dẫn con cái đến công sở giới thiệu đây là bàn làm việc của Tỉnh trưởng, Tỉnh phó... Họ coi quyền lực là của công chứ đâu phải là cái oai của ai, ông, bà nào đâu. Trên cổng vào lăng Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh, Trung Quốc có chữ: “Thiên hạ của công”. Ở Đức có chương trình cho con hiểu trách nhiệm của bố. Đôi khi người ta mở những buổi cho con đi lái tầu cùng với bố để con hiểu được công việc của bố hơn… Còn ở Việt Nam thì quyền lực vẫn như là một thứ cung cấm, huyền bí lắm. Ngay cả đối với người lớn, đã ai dám có nguyện vọng được gặp Tổng Bí Thư hay Thủ tướng để mạn đàm đâu, huống chi là trẻ em. Bởi vì chính khách nước ta không còn quen nghệ thuật thân thiện với dân chúng. Hiếm thấy Chủ tịch hay Bí thư thời nay gặp thường dân như Cụ Hồ đã từng lặn lội Tết đến thăm bà gánh nước, hay những gia đình bần cùng ở Hà Nội. Những cuộc viếng thăm của quan chức mình bây giờ đầy kế hoạch. Cái thô mộc, cái đơn sơ nó không còn nữa. Trống dong, cờ mở, còi hủ trên, dưới, bảo vệ vòng trong vòng ngoài trong các cuộc này…làm cho dân chúng cảm thấy quan chức bây giờ là một giới xa cách đối với họ. Điều này không phải chỉ bây giờ mới có. Khi tôi vào Đại Nội (Huế), thấy trước mặt đức vua ngồi lại có đỉnh đồng, tôi hỏi căn nguyên thì cô hướng dẫn viên ở đây bảo rằng để hương khói. Tôi lại hỏi vua còn sống sao lại hương khói. Cô này giải thích là để đốt cho hương khói bay lên khiến cho dân chúng, quần thần không được nhìn rõ nhà vua khi ngồi chầu mà chỉ được nhìn thấy quyền lực của nhà vua thông qua đám sương mù. Tôi sợ cái khái niệm ẩn dụ đấy nó vẫn còn đến tận bây giờ.

 

Trước cái làn “sương mù” như thế hiện nay, ông có lo ngại gì cho lớp trẻ?

 

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Tôi nghĩ tài nguyên của đất nước này than rồi cũng bán hết đi, quặng rồi cũng bán đi hết, dầu cũng bán. Suy cho cùng chỉ còn con người. Cái quý nhất của con người là tự do, tự do nghĩ ngợi, tự do hành động, tự do mưu cầu hạnh phúc và phát triển nhân cách cá nhân mà không hại đến người khác. Suy cho cùng cái tự do sáng tạo sẽ làm cho khối tài nguyên của đất nước mình nó trở nên có giá trị cao hơn rất nhiều. Cũng như Hồng Kông, một vùng khô cằn đã trở nên giầu có vì thế. Và vì vậy, tự do gắn liền với phát triển, gắn liền với sự trường tồn dân tộc. Một dân tộc mà lại tự giam hãm mình trong lý thuyết giáo điều không chỉ làm cho dân tộc chậm tiến mà lâu dài có thể làm cho dân tộc suy tàn, biến mất vì bị các tộc người khác thu nạp trong văn hoá của họ. Rất nhiều dân tộc đã tồn tại và cũng đã biến mất khỏi trái đất này.

 

Những điều này ông có bao giờ nói cho học sinh mình nghe, ít nhất là trong khoa mình, trong trường mình không?

 

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Ảnh hưởng của tự do đến sự phát triển tôi có thể nói được nhưng cần phải nghiên cứu thêm. Ở Việt Nam, tuy nhiên, cái tự do đó nó có thể bị ràng buộc. Những cái gì còn chưa thật tự do? Nói Việt Nam không có tự do thì không đúng, nhưng cần mở rộng tự do hơn, như bắt đầu từ giáo dục. Tôi ví dụ như sinh viên tốt nghiệp ra trường cứ vác hồ sơ đi “xin việc”. Tại sao lại xin viêc? Nếu như ta có chuyên môn, ta có thể cống hiến cho ai đó thì tại sao ta lại không đi “tìm việc” chứ? Ngay cái thái độ “xin” ấy nó cũng thể hiện một sự thiếu tự tin. Sự thiếu tự tin đó không phải tự nhiên bây giờ mới có mà do lớp lớp thế hệ từ trước dội lại. Thiếu tự tin có một phần do ta không được tự do tập rượt.

 

Như vậy thì cần đột phá ở chỗ nào, làm như thế nào trước thực trạng này?

 

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Trong một bài báo Tết tôi đã viết dân mình cứ mong hóa rồng hóa hổ… mà sao không mong thành người theo đúng nghĩa của nó? Ý tôi muốn gửi tới mọi người một thông điệp trong giáo dục: Mình hàng ngày cứ nhét vào túi trẻ con 8-9kg sách mà tại sao không giáo dục chúng thành người tự do? Muốn vậy phải cho chúng không gian tự do, phải cho chúng tập rượt những bước đi tự do đầu tiên. Bố mẹ ngày nào cũng phải mất đến cả tiếng đồng hồ đưa đón con. Con lúc nào cũng cứ ôm chặt lấy bố mẹ thì nó làm sao có cơ hội mà giao tiếp với xung quanh? Trong một bài văn phải cho chúng nó tự do bày tỏ cảm xúc, tất nhiên là trong sự định hướng của ông thầy. Ngoài ra còn phải quan tâm đến yếu tố truyền thống nữa. Phải làm sao chỉ cho các em thấy mình dù có tóc dâu ngô, quần bò thụng thì mình vẫn là giống người Việt. Với sức vóc hạn chế của người Việt ta như vậy thì phải giáo dục cho con cháu mình như thế nào để chúng có thể thành đạt. Tóm lại cần phải có triết lý giáo dục truyền thống như vậy kết hợp với tinh thần tư do. Nói thì như vậy nhưng chúng ta có thể hoàn toàn học cách giáo dục của Nhật từ thế kỷ 19.

 

Cảm ơn ông!

Ảnh : PGS-TS Phạm Duy Nghĩa

 

Trần Ngọc Kha Thực hiện

 

Trần Ngọc Kha
Số lần đọc: 2003
Ngày đăng: 13.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phỏng vấn TIẾN SĨ TRẦN KIÊM ĐOÀN :về ý nghĩa ngày Tết ở xứ người. - Trần Kiêm Ðoàn
Đặng Thân: Viết - Đặng Thân
Một bài thơ - hai cách hiểu: Vấn đề là ở trình độ đọc - Trần Quang Đạo
Võ Đắc Danh viết để khơi dậy lòng nhân ái - Võ Ðắc Danh
Về hội thảo chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, GS Phan Huy Lê:Một nhu cầu lịch sử cấp thiết và chính đáng - Phan Huy Lê
Hoàng Như Mai & những nhân vật văn hoá Việt Nam - Hoàng Như Mai
Vũ điệu salsa và một Phan Ý Ly khác - Phan Ý Ly
Nhà văn Lý Lan: “TÔI TỰ CÂN BẰNG MÌNH” - Huỳnh Kim
Bá Nha - Tử Kỳ ! : Trò chuyện với Thái Doãn Hiểu tác giả thi nhân việt nam hiện đại - Thái Doãn Hiểu
Đạo diễn Việt Linh: TÔI MUỐN MÌNH GIỐNG… CÂY DỪA - Huỳnh Kim