Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.178
123.149.470
 
Nhà sưu tập Lê Thái Sơn: Việt Nam làm gì có thị trường mà cạnh tranh?
Lê Thái Sơn

Những người có vốn – không phải đại gia mà là quý tộc – họ là chất xúc tác quan trọng nhất để thị trường tranh phát triển. Đừng tách rời hội họa với thương mại, cả hai phải song hành và tương hỗ nhau.

Phóng viên: Có vẻ như anh chưa mua hớ tranh bao giờ?

- Nhà sưu tập Lê Thái Sơn: Không một nhà sưu tầm nào dám vỗ ngực rằng, trong đời mình chưa có một lần mua tranh hớ. Bản thân tôi cũng đã hai lần bị "ăn đòn", tuy giá trị không nhiều.

Vậy thì những người có tiền đang định đầu tư vào tranh cũng không thể nằm ngoài số người từng “đầu tư nhầm chỗ"?

Trong lĩnh vực sưu tầm tranh, nếu bạn có kiến thức nền vững vàng, có đôi mắt thẩm định tốt thì rất dễ phân biệt hàng giả, hàng thật. Từ kinh nghiệm chính bản thân, tôi thấy rằng, những người có tiền và biết đầu tư vào tranh nghệ thuật là rất tốt, cái quan trọng là đã yêu nó thì phải dành thời gian cho nó, tìm hiểu nó bằng nhiều kênh khác nhau thì mức độ rủi ro sẽ không cao.

Nói như anh thì những người quan tâm đến hội họa có thể thông qua trung gian là các gallery hoặc một ai đó tin cẩn để mua tranh?

- Ở nước ngoài có hành lang pháp lý rạch ròi, một tác phẩm hội họa đắt giá được bán ra thì có một loạt định chế bảo vệ. Ít nhất nó được bảo hành trong 15 năm và công ty môi giới sẽ bị phạt rất nặng nếu như bị phát hiện là gian dối. Ở Việt Nam chúng ta thì khác. Mọi người vẫn thường mua tranh dựa vào sự tin tưởng cá nhân và không có hợp đồng ràng buộc, nhưng nếu có cũng khó làm được gì vì không được ai bảo vệ. Những người chơi cổ vật thì có hiệp hội riêng, chơi tem cũng có hội, nhưng trong hội họa thì chưa. Tôi biết có khách hàng bị lừa nhưng ngậm bồ hòn và cạch không chơi với người trung gian ấy nữa. Nhưng cũng có trường hợp người bị lừa lại là nhà trung gian bởi không đủ kinh nghiệm thẩm định tác phẩm.

Anh có thể ví dụ?

- Tôi không thể lộ được nhưng biết nhiều người, người nhẹ thì đã chơi tranh 5-7 năm vẫn mua phải tranh giả, có người thậm chí 20 năm vẫn không biết mình mua hàng nhái. Thị trường tranh Việt Nam coi vậy chứ khó chơi lắm.

Nhưng ở nước ngoài cũng đã có những trường hợp mua phải tranh giả?

- Ở đâu cũng có chuyện ấy, nhưng ở nước ngoài, người bán bị xử phạt rất nặng. Thị trường chép tranh giả của họ siêu phàm lắm nên các các bức họa có giá trị trước khi được bán ra đều phải qua một bộ lọc kỹ thuật hiện đại nhất. Người ta dùng mọi biện pháp có thể để bảo vệ người chơi tranh. Còn ở thị trường Việt Nam, tranh giả có nhiều và dễ nhận biết bằng mắt thường, vậy mà người ta mua lầm vẫn không ít.

Tức là chưa chuyên nghiệp?

- Chắc chắn rồi. Ở nước ngoài thường có ba cách mua tranh: Đầu giá, mua qua trung gian và tự tìm. Ở Việt Nam phần nhiều vẫn ở cách thứ ba.

Thị trường tranh nước ngoài đang sôi động thêm khi một số "đại gia" của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ Độ "mê tranh". Theo anh, thị trường tranh Việt có nằm trong guồng quay này không và liệu có sự cạnh tranh giữa người mua trong và ngoài nước?

- Việt Nam làm gì có thị trường tranh thật sự để có cạnh tranh? Cách mà chúng ta đang đi vẫn là tự phát, thiếu định hướng. Những người chơi tranh hiện nay chưa trở thành một hội với nhau. Bản thân tôi luôn mở rộng cửa với bất cứ ai muốn xem bộ sưu tập của mình, bởi người xem sẽ cho ý kiến về mỗi bức tranh, làm tăng kiến thức cho mình. Ở nước ngoài, luôn có những công ty chuyên mời những nhà đầu tư tiềm năng đi xem tranh của những danh họa đang nằm trong tay những người sưu tập nổi tiếng.

“Chơi tranh như chơi cổ phiếu”. Theo anh, các “đại gia” Việt Nam chơi tranh theo xu hướng này hay chỉ tôn thờ nghệ thuật?

- Tôi không thích dùng từ “đại gia” cho những người có tiền và quan tâm đến hội họa. Tôi gọi là những quý tộc. Họ là chất xúc tác quan trọng nhất để thị trường nhanh phát triển. Đừng tách rời hội họa với thương mại, cả hai phải song hành và tương hỗ nhau. Những người quý tộc ở nước ta đang ngày càng nhiều hơn, tôi tin rằng đằng sau những du thuyền, máy bay, thì hội họa sẽ chiếm được phần nào trong sự quan tâm của họ.

Xem hội họa như chơi cổ phiếu cũng có, mà thuần túy nghệ thuật cũng chẳng thiếu. Để trở thành thị trường thì sẽ phải đa dạng khách hàng. Đang có những hình thái mới ở thị trường tranh quốc tế mà chúng ta phải học. Mới đây tranh của họa sĩ người Indonesia Affandi đã được bán với giá 1 triệu USD và tôi tin sẽ còn lên nữa.

Ở Việt Nam, theo anh, những người mê sưu tập tranh đang đầu tư vào những tác phẩm kinh điển hay những tên tuổi đương đại?

- Với tôi, một người chơi tranh, nếu mới "dạm ngõ", thì hãy đến với những tên tuổi đương đại trước tiên. Nên đi từ thấp đến cao, phải biết phân biệt đẹp-xấu trước rồi mới có thể phân biệt được thật- giả. Bởi những họa sĩ đó vẫn còn sống, vẫn có thể kiểm chứng được. Thẩm định hội họa tốn nhiều thời gian. Hiện nay tôi thấy có người chỉ tìm những tên tuổi tiền bối kinh điển trong khi vẫn chưa biết gì nhiều về hội hoạ. Nhiều khi tôi cho rằng, họ cần một số vốn lớn để có được những bài học.

Anh có kinh nghiệm gì để trở thành một người sưu tập tranh ít nhầm lẫn?

- Phải xem nhiều, xem triển lãm, gallery, đấu giá... Chơi tranh là phải luyện mắt. Có tiền là rất quan trọng nhưng nếu không bổ sung những kiến thức nền thì số tiền bỏ ra cho hội họa chưa chắc là một hướng đầu tư tốt.

Việt Nguyên thực hiện

Lê Thái Sơn
Số lần đọc: 2443
Ngày đăng: 25.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sáng tạo thì phải bứt phá, phải liều - Lê Anh Hoài
Nhân chuyện cậu bé 10 tuổi ở Mỹ xin được phỏng vấn Obama, PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Việt Nam cũng có thể có một Damo Weaver, nhưng… - Trần Ngọc Kha
Phỏng vấn TIẾN SĨ TRẦN KIÊM ĐOÀN :về ý nghĩa ngày Tết ở xứ người. - Trần Kiêm Ðoàn
Đặng Thân: Viết - Đặng Thân
Một bài thơ - hai cách hiểu: Vấn đề là ở trình độ đọc - Trần Quang Đạo
Võ Đắc Danh viết để khơi dậy lòng nhân ái - Võ Ðắc Danh
Về hội thảo chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, GS Phan Huy Lê:Một nhu cầu lịch sử cấp thiết và chính đáng - Phan Huy Lê
Hoàng Như Mai & những nhân vật văn hoá Việt Nam - Hoàng Như Mai
Vũ điệu salsa và một Phan Ý Ly khác - Phan Ý Ly
Nhà văn Lý Lan: “TÔI TỰ CÂN BẰNG MÌNH” - Huỳnh Kim