Đặng Quý Địch, bút hiệu Lộc Xuyên-sinh năm 1939 tại Lộc Trung, Phước Sơn, Tuy Phước-Bình Định.
Từ năm 1971 đến 2008 đã ấn hành 13 tác phẫm nghiên cứu, biên khảo: ( trong đó có 2 tác phẫm tái bản )Nhân Vật Bình Định ( XB lần 1-1971)/Mai Viên Cố Sự ( chuyện cụ Đào Tấn-tập san Văn Lang xuất bản tại Cali -1994) Cố Sự Quỳnh Lâm ,( dịch Hán văn-Nhà XB Thanh Hóa-1998)/Đào Duy Từ Khảo Biên ( Nhà XB Thanh Hóa-1998)/Vân Sơn Bán Mộng( dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Hoài Văn-Nhà XB-VHDT-2001)/Tang Sự Trích Biên (dịch di cảo bằng Hán văn của Cụ Đào Tấn-Nhà XB-VHDT-2002)/Tiếng Lòng ( Thơ-Nhà XB-VHDT-2002)/Đào Phan Duân-Lý Lịch và Tác Phẫm ( Nhà
XB-VHDT-2002)Trần Đức Hòa Tư Liệu (Nhà XB-VHDT-2004)/Mai Viên Cố Sự (Nhà XB-VHDT-2004)/Nhân Vật Bình Định( tái bản-Nhà XB-VHDT 2006)/Song Trung Miếu và Thơ Xướng Họa (Nhà XB-Văn Nghệ TP-HCM- 2007) Văn Tế Ở Bình Định ( Nhà XB-VHDT-2008).
Từ thị trấn Bình Định đi đến thị trấn Bồng Sơn ( huyên Hoài Nhơn)-nơi nhà nghiên cứu, biên khảo Đặng Quý Địch đang sống và sáng tác ( nhà số 125, đường Quang Trung)-chỉ cách nhau 80 cây số,ngồi xe buýt gần 2 giờ( và mười sáu ngàn đồng/1lượt ) nhưng đã mấy năm rồi tôi không ra thăm anh được. Lúc còn khỏe , Anh cũng thường vào thăm tôi-nhưng ba năm trở lại đây-Anh không thể đi xa được.Chúng tôi thường liên lạc bằng thư từ, gọi điện thăm hỏi nhau thôi. Tôi đã hẹn, sẽ có dịp ra thăm Anh và gia đình-nhưng mãi cho đến nay mới “ đủ duyên “ bất ngờ đi Bồng Sơn thăm Anh và ngủ lại một đêm để chuyện trò cùng Anh –Xin ghi lại tóm lượt cuộc trò chuyện này như một tâm sự của một nhà nghiên cứu, biên khảo đã lặng lẽ viết gần nửa thế kỷ…
Mang Viên Long: Được biết tập sách “ Văn Tế Ở Bình Đinh “ đã được xuất bản vào quý 2-2008-trong năm 2009 này, Anh có dự định cho xuất bàn tác phẫm nào nữa không?
Đặng Quý Địch : Tôi đã gởi xin giấy phép để xuất bàn tác phẫm thứ 14 gần 2 tháng nay-nhưng chưa có kết quả! Đó là tập “ Chuyện Cũ-Kẻ Sĩ Bình Định “. Tôi đã viết về 51 kẻ sĩ ở Bình Định-những vị đã có đóng góp cho quê hương Bình Định nói riêng, và cho đất nước nói chung!
MVL: Khi viết về 51 vị ấy-dĩ nhiên là Anh phải có sự chon lọc để tập sách có giá trị, được mọi người nhìn nhận-vậy Anh đã dựa vào “ tiêu chí “ nào cho được vô tư, công bằng ?
ĐQĐ : Tất nhiên-trước khi đặt bút viết tác phẫm ấy, tôi cũng đã có “ điều kiện “ riêng của mình để tác phẫm có giá trị được mọi người công nhận. Điều kiện đó là : Người đã lập được Đức/ lập được Công/lập được Ngôn.Từ Đào Duy Từ, Trần Đức Hòa ( thé kỷ 16) đến Qách Tấn, Nguyễn Hoài Văn ( thế kỷ20/21)…
MVL: Ba “ tiêu chuẩn “ của Anh- Tôi thấy rất giống với quan điểm của Tả Khôn Minh đời Xuân Thu…
ĐQĐ : Đúng vậy! Tả Khôn Minh là người đồng thời với Đức Khổng Tử nhưng là người đi sau ở thời Xuân Thu. Tả Khôn Minh có nói :
“ Kỳ thượng hữu lập Đức
Kỳ thứ hữu lập Công
Kỳ thứ thứ hữu lập Ngôn
Tuy cửu bất phế
Vị chi tam bất hư “
(Trước tiên là lập Đức/Tiếp đến là lập Công/Tiếp theo nữa là lập Ngôn. Ba điều ấy tuy cũ nhưng không mất với thời gian/ Tất cả là 3 điều không hư hoại )
MVL : Tôi rất mong được đón đọc tác phẫm tâm huyết ấy của Anh…Ngoài tác phẫm đang xin giấy phép để xuất bàn trong năm nay- Anh còn có tác phẫm nào dã hoàn tất bản thào chờ xuất bản tiếp theo không?
ĐQĐ : Tác phẫm đã hoàn chỉnh thì nhiều, nhưng tiền đâu để xuất bản-Ông bạn? Ông bạn cho tôi vay…vô thời hạn hoàn trả có được không?
MVL : Tôi còn nghèo hơn anh kia mà! Tôi cũng “ giống “ anh thôi-đã có bản thảo-nhưng tìm cho ra nhà xuất bản chịu in cho mình cũng…rất mệt! Xin Anh cho biết-đó ;là những tác phẫm nào được không?
ĐQĐ : Được chứ! Tôi đã thuộc nằm lòng rồi-đó là : 1/Cố Sự Quỳnh Lâm ( dịch Hán văn-4 tập-dày 2700 trang) 2/Danh Liên Hợp Toản ( do Phó bảng Đào Phan Duân sưu tập-sáng tác bằng Hán văn-gồm 500 câu ) 3/Những Ngôi Chùa Trong Tỉnh Bình Đinh (4 tập-gồm có 118 ngôi chùa, 7 tịnh xá và 1 tịnh thất -1500trang)4/Văn Thi Liệu Tầm Nguyên Tự Điển ( 3000trang)…
MVL : Anh viết nhiều vậy thật đáng nể, nhưng Anh viết bằng cách nào, vào lúc nào trong ngày?
ĐQĐ : Tôi viết tay thôi! Trước, tự quy định-một ngày phải viết ít nhất 3 trang, nếu ngày hôm đó không viết đủ-thì hôm sau phải…viết bù! Tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng- sau khi tập vài thao tác thể dục nhẹ nhàng-tôi ngồi vào bàn viết. Sau đó, trong ngày-tôi tiếp tục viết khi thấy hứng khởi..Tôi nghĩ, đây là một cái “ nghiệp “ không dứt bỏ được cậu à! –Hay có thể nói thêm-mình chẳng biết làm gì cho hết 24 giò/ngày-khi tuổi cũng đã bộn! Nay-vì sức khỏe, viết được bao nhiêu hay bấy nhiêu thôi!
MVL : Anh có nhận được sự trợ giúp, khích lệ nào không?
ĐQĐ : Trợ giúp thì có- chỉ từ những người bạn thâm giao thôi-còn ngoài ra thì chưa nhận được sự giúp đỡ nào từ các tổ chức Văn Học Nghẹ Thuật( trước và sau 75) Có sự khích lệ đáng nhớ: Năm 71 nhận được giải thưởng Quốc gia ( Bộ Thông Tin ) về” Biên soạn địa phương chí” cho tác phẫm”Phong Cảnh và Sản Vật Bình Định”-Năm 2000-2005, nhận giải thưởng Văn Học Đào Tấn-Xuân Diệu ( giải A ) được 12 triệu đồng…
MVL :Xin Anh cho biết, Anh khởi viết từ lúc nào…
ĐQĐ : Từ năm 1961 tôi đã viết cho tờ báo Lành Mạnh-Huế ( do Bs Lê Khắc Quyến chủ biên ). Năm 63-cọng tác với tờ Văn Đàn ( của Phạm Đình Tân ). Từ sau năm 70, tôi viết cho nhiều báo về mãng nghiên cứu-biên khảo. Năm 71 in tác phẫm đầu tiên là “ Nhân Vật Bình Định”…
MVL : Nếu cứ tính từ năm 68-đến nay, Anh đã miệt mài viết trong 48 năm, gần nửa thế kỷ-kể cũng “ lăn lộn “ nhiều với chữ nghĩa văn chương-Xin Anh vui lòng cho biết vài kỷ niệm vui vui trong chuyện cầm bút…
ĐQĐ: Chuyện vui-buồn thì nhiều, làm sao tránh khỏi-nhưng chỉ xin kể Cậu nghe 2 mẫu chuyện…vui thôi ( chuyện buồn xin gác lại nhé): Năm 63-khi ấy tôi đang dạy học ở Vĩnh Thạnh về thăm nhà-đạp xe xuống đến gần Phú Phong , thấy mộ Mai Xuân Thưởng-bèn ghé vào thăm để tìm thêm ít tư liệu !Sau khi đã hí hoáy chép xong bài văn bia trước mộ của Quách Tấn-thấy cảnh đẹp-gió mát, tôi đặt lưng nằm nghỉ bên mộ.Tôi đã ngủ quên từ lúc nào không hay biết! Khi nghe bên tai có tiếng quát tháo ầm ỉ-mở bừng mắt ra-thấy chung quanh mình toàn là lính …Người chỉ huy la lên : “ Hết chỗ ngủ rồi sao lên mộ ngủ? Nếu tôi không ngăn, không thấy chiếc xe đạp trành của ông-thì tụi nó đã phóng một quả lựu đạn cho về chơi với MXT rồi !…”.Chuyện “ vui “ thứ 2: Năm 72, tôi đem gởi cho người bạn là Phạm Thành- lúc ấy là Hiệu trưởng trường trung học Tăng Bạt Hổ ( thị trấn Bồng Sơn) 80 tập sách “ Nhân Vật Bình Định” nhờ tiêu thụ trong giáo viên. học sinh…Sau đó không lâu, quân giải phóng vào đánh chiếm thị trấn Bồng Sơn-dẫn luôn PT lên núi, sách của tôi cũng cùng …lên núi theo luôn!. PT được trao trả về-tôi tìm đến thăm anh-Gặp anh- tôi nói ngay: “Tôi nghe anh về-đến thăm chơi-chứ không nhắc tới chuyện 80 cuốn sách, hay đòi tiền sách đâu nhé! “PT cười : Tôi đã “ phát hành” giúp sách của anh ra tới Hà Nội rồi! “ Anh kể lại sách đã được bộ đội mỗi người lấy một cuốn, nằm tòong teng trên võng mà đọc! Cuối năm 76-khi ấy tôi còn ở Bình Dương-bên kia cầu Dợi-có một ông áo lính mũ cối hỏi thăm nhà tôi mà tìm đến.Biết tôi còn ái ngại-anh ta lên tiếng trước ngay:”Tôi có người em kết nghĩa tham gia trận đánh vào Bồng Sơn năm 72-mang về cho tập sách “ Nhân Vật Bình Định “ của Anh, biết anh là nhà nghiên cứu-tôi theo địa chỉ trong sách tìm đến để xin anh giúp cho tài liệu về “ phong trào kháng thuế ở Bình Đinh”để làm cái luân văn sau đại học…” Nghe vậy-tôi mới yên tâm-và tôi cũng đã vui vẻ cung cấp thêm tư liệu cho anh ta!
MVL : Hai câu chuyên vui ấy cũng khá thù vị-phải không anh? Bây giờ, đã trên tuổi “ cổ lai hy “ rồi-đôi lúc ngồi mà nhớ lại-cũng an ủi được phần nào…Ở tuổi anh-có lẽ là cũng có “ vài ba cái bệnh” lặt vặt trong người vì tôi thấy anh mang một lượt đến 3 hộp chứa thuốc ra coi giở để uống hòai …
ĐQĐ : Làm người sao tránh khỏi chữ “ bệnh” ( sanh/lão/bệnh//tử)?Tôi hiện có ba cái bệnh: Một là cao huyết áp, hai là rối lọạn tuần hoàn não,ba là thấp khớp mãn…Một mình mà lãnh đủ 3 cái bệnh khổ ấy-nên phải “ chịu khó “ uống thuốc và tập thể thao nhẹ nhàng bằng các phương pháp giúp khí huyết lưu thông dễ dàng, tự xoa bóp, điềm huyệt… Buồn là chẳng đi đâu xa được để thăm anh em !Còn sống được ngày nào-thì cứ viết ngày ấy thôi- phài không cậu? Tôi đã nói đó là cái “ nghiệp “ mà…Chắc l;à cậu cũng rõ rồi, vì cậu cũng “ lăn lộn “ với nó hơn 40 năm…
MVL : Anh bảo thường đi ngủ vào khoảng hơn 9 giờ đêm để thức dậy sớm-nhưng tôi đã “ phá giấc ngủ” của anh đêm nay rồi-bây giờ là đã hơn 10 giờ-tôi xin lỗi, đã làm phiền anh…Nhưng, có một câu hỏi chót nữa nhé: “ mỗi đêm, anh ngủ được mấy giờ vậy? “
ĐQĐ : Khoảng 6 tiếng!
MVL : Thế thì tốt quá rồi! Tôi chỉ ngủ được ba bốn tiếng thôi-Chúc anh đêm nay ngủ ngon…
ĐQĐ : Chắc chắn là ngủ ngon rồi-vì được gặp bạn văn-được tâm tình bên tách trà-dù là trà nhạt!
Đêm 23 tháng 7-2009