Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.110
123.141.579
 
Nhà thơ Lê Khánh Mai: Khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
Lê Khánh Mai

Nhà thơ Lê Khánh Mai sinh ở Bình Định, quê Khánh Hòa, lớn lên tại Hà Nội, năm 1975 trở về quê hương. Đã công bố 5 tập thơ, 1 tập truyện ngắn, một tập tiểu thuyết và một tập phê bình tiểu luận; Cử nhân Sư phạm, Thạc sĩ Ngữ văn. Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nha Trang. Hiện là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa (một trong 3 nữ giữ cương vị này ở 64 tỉnh, thành phố trong cả nước). Chi Hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Khánh Hòa. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

 

 

PHẠM ĐÌNH ÂN: Tập thơ mới nhất của chị được công bố năm nào? Chị có thể nói đôi điều về tập thơ ấy? Xin chị cho biết việc sáng tác và in của chị sắp tới.

 

LÊ KHÁNH MAI: Đó là tập “Đẹp, buồn và trong  suốt như sương” – NXB Hội Nhà văn 2005; Giải thưởng văn học UBTQ liên Hiệp các Hội VHNT Việt Nam 2005. Nó tiếp tục mạch thơ của 4 tập thơ trước nhưng tôi đã không lặp lại mình và thể hiện cá tính thơ rõ rệt hơn. Mọi suy cảm dường như dồn nén, đẩy lên cao độ và vắt kiệt. Thơ tôi đã cố gắng thoát ra khỏi giọng điệu giãi bày, than vãn, rên rẩm hoặc cao đạo vốn là giọng điệu quen thuộc của thơ lâu nay. Tôi bắt đầu khai phá một lối đi cho riêng mình để chiếm lĩnh thực tại, không chỉ để “ngộ ra” mà nhằm “chứng nghiệm” nó. Sáng tác thơ đối với tôi hầu như là nhu cầu tự  nhiên và bài thơ thường ra đời không định trước, dường như nó đã nằm đâu đó trong tôi từ lâu lắm, luôn thúc bách và làm tôi đau đớn. Tôi viết ít hơn vì không thích “nhai lại”, mà tìm tòi cái mới đâu có dễ. Còn việc in thơ, tôi không nôn nóng chạy theo số lượng. Tôi dị ứng với những tập thơ dày, in đẹp nhưng đọc mãi chả thấy nội dung gì, chỉ thấy giả và nhạt.

 

PHẠM ĐÌNH ÂN: Chị sinh ra ở Hà Nội và sống ở thủ đô nhiều năm, nhưng ít viết về Hà Nội?

 

LÊ KHÁNH MAI: Tôi quê ở Khánh Hoà sinh ra ở Bình Định, được 7 tháng tuổi theo ba má đi tập kết ra miền  Bắc năm 1954 và sống ở Hà Nội 21 năm đầu đời cho đến 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng thì trở về quê hương. Tôi được nuôi dưỡng và lớn lên trên mảnh đất thiêng liêng với những đặc trưng tiêu biểu của nền văn hoá Bắc bộ; gian khó vì chiến tranh; vất vả; lo toan vì chế độ bao cấp. Sẽ còn mãi trong tôi hình ảnh một kinh thành cổ kính, thiên nhiên trữ tình, sâu lắng, con người trang nhã, thanh lịch. Với tôi, Hà Nội còn chất chứa bao kỷ niệm thanh xuân. Khi đang là sinh viên khoa Văn – Đại  học Sư phạm Hà Nội I, tôi đã viết những vần thơ đầu tay về thủ đô yếu dấu, tiếc rằng nó đã không đạt được như tôi mong muốn. Nhiều năm sau tôi mới viết về Hà Nội như là một cách gọi ký ức trở về. Xin đọc anh nghe một đoạn:

 

“Hà Nội trong tiền kiếp của tôi

ám ảnh đêm dài cơn mơ chăn nệm

căn nhà tập thể chín mét vuông

tôi chen nhau với sách vở, bếp dầu, chai lọ

mẹ tôi gương mặt mùa đông goá bụa

thức dậy bốn giờ sáng, ra đi hun hút gió, đón chuyến xe đầu ngày

cà mèn cơm rau muống, đậu phụ bữa trưa công s

 

tuổi thơ tôi côi cút co ro

quẩn quanh tem phiếu thực phẩm

còi báo động, báo yên cắt vụn ước mơ

dày vò kỷ niệm

bạn bè ơi phương trời lưu lạc

kem Bốn Mùa còn nhức tận chân răng

thời thiếu nữ qua nhanh như chưa từng thiếu nữ

giấu mơn mởn thịt da trong tấm áo xuềnh xoàng…”

 (Hà Nội mùa đông đầu thế kỷ)

 

PHẠM ĐÌNH ÂN: Đọc thơ chị tôi không nghĩ đến nữ tính, nam tính gì cả, tôi chỉ thấy thơ. Còn  về phía chị, hẳn chị vẫn giữ cách viết, cách nhìn quen thuộc ư?

 

LÊ KHÁNH MAI: Đúng như anh nói, khi  viết tôi chẳng nghĩ đến nữ tính, nam tính gì cả. Tôi thực sự muốn vượt thoát khỏi thói quen phân định giới tính. Tôi cho rằng nữ tính không phải là một ưu điểm hay tiêu chí nghệ thuật. Chẳng có ý nghĩa gì khi khen thơ của một nhà thơ nữ là giàu nữ tính. Tôi không bao giờ thích thú với lời khen như thế. Trái lại càng viết tôi càng nhận ra rằng tính nữ nhiều khi rất bất lợi, nó cầm tù sáng tạo. Nhà thơ nữ khi cầm bút luôn sống trong tâm trạng giằng xé, phân thân giữa thơ và bổn phận. Nghiêng phía này sẽ hụt phía bên kia. Vì thế khát vọng bứt phá là khát vọng mãnh liệt của nhiều thế hệ nhà thơ nữ  từ xưa đến nay. Tôi viết:

 

“Những câu thơ

như chú ngựa bất kham trong lồng ngực

mơ một ngày tung vó thảo nguyên”

(Khát)

Và:

“Ta đã chán điệu thơ đều chằn chặn, hiền lành,ướt đẫm

 vang tự hồn sâu phải sống khác thôi

không sống khác không thể nào viết được

……….

Ta ru bình yên ngày thường

Oan nghiệt phận thơ tiếng kêu máu vỡ”

(Nhà thơ nữ bứt phá)

         

Với thơ, tôi thích lối nói bộc trực, khoẻ khoắn, khẩu khí tự nhiên, khám phá, phát hiện đời sống, có dung lượng tri thức, có ý tưởng mới lạ và những rung cảm mạnh mẽ được nén lại ở tầng sâu. Có thể quan niệm này là tiền đề giúp tôi hạn chế và đi đến  vượt thoát khỏi “hàng rào nữ tính” trong sáng tạo thơ chăng?

 

PHẠM ĐÌNH ÂN : Không ít tác giả thơ nữ hay điệu đà, làm dáng hoặc nói quá lên niềm vui, nỗi buồn, nỗi cô đơn, thân phận đa đoan, thành thử lặp lại mình, lặp lại người khác nhiều. Nhận xét ấy có lẽ sai và đương nhiên không đúng với chị?

 

LÊ KHÁNH MAI: Điều ấy là có, nhưng không nhiều. Phụ nữ vẫn được xem là phái yếu mà. Vì yếu cho nên mới run rẩy trước nỗi buồn, nỗi cô đơn, thân phận mỏng manh. Nhưng làm điệu, làm dáng, hay nói “khống lên” thì “kỳ” lắm, nó tự phô bày sự cạn cợt, nghèo nàn và sáo rỗng,  chẳng thơ chút nào. Còn cái sự lặp lại mình, lặp lại người khác, đâu phải là nhược điểm của riêng thơ nữ. Nó là căn bệnh trầm kha của những người viết lúc nào cũng tự yêu mình, chỉ thấy mình (tôi, ta) mà không thấy người khác, chỉ nói mãi về một số sự việc “biết rồi, khổ lắm” mà không đi sâu chiếm lĩnh nhiều mảng của đời sống thành ra càng viết càng loanh quanh, “hụt vốn”.

 

PHẠM ĐÌNH ÂN: Đã có những ý kiến nói đến sự cáo chung của thơ, chị nghĩ sao?

 

LÊ KHÁNH MAI:  Ở đâu đó trên hành tinh này có thể xảy ra sự lụi tàn của thơ, nhưng đối với phương Đông nói chung và việt Nam nói riêng, tôi tin điều ấy không bao giờ trở thành hiện thực. Bởi thơ Việt Nam tồn tại không chỉ vì nó là một thể loại văn chương lâu đời nhất, mà tồn tại như là một trong những yếu tố quan trọng, không thể thiếu được của nền văn hoá.

 

PHẠM ĐÌNH ÂN: Tôi cho rằng ở cực nam miền Trung, Lê Khánh Mai là một trong những gương mặt thơ nữ nổi nhất, có cá tính nhất. Chị có tự tin như vậy không?

 

LÊ KHÁNH MAI: Cám ơn anh, tôi hy vọng và phấn đấu để được như vậy.

 

PHẠM ĐÌNH ÂN: Xin cám ơn nhà thơ Lê Khánh Mai.

 

Theo Báo Phụ nữ Việt Nam, Số 6, thứ Hai, ngày 14-1-2008

Phạm Đình Ân thực hiện phỏng vấn

Lê Khánh Mai
Số lần đọc: 5686
Ngày đăng: 02.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Từ phê bình lập biên bản đến phê bình mở : Nói chuyện với nhà thơ - nhà phê bình Inrasara. - Inrasara
Cuộc Đời, Sự Nghiệp Trương Vĩnh Ký Qua Ngòi Bút Trần ThỊ Nim - Nguyễn Tam Phù Sa
Vùng đất khó dẫn dụ - Phùng Văn Khai
Trò Chuyện cùng Nhà Nghiên Cứu, Biên Khảo Đặng Quý Địch - Mang Viên Long
Nhân cách phải là yếu tố hàng đầu của người trí thức - Phan Hoàng
Đối thoại hậu hiện đại 2 - Inrasara
Nhà phê bình Đặng Tiến: “Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng” - Đặng Tiến
NHÀ NGHIÊN CỨU HÀ VĂN THÙY .Như một kẻ lưu lạc, tôi đi tìm cội nguồn - Hà văn Thùy
Nhà phê bình văn học Đặng Tiến: Gửi độc giả niềm tin và tình yêu Việt Nam - Đặng Tiến
Nhà sưu tập Lê Thái Sơn: Việt Nam làm gì có thị trường mà cạnh tranh? - Lê Thái Sơn
Cùng một tác giả
Nết (truyện ngắn)
Hỏi (thơ)
Những con thiêu thân (truyện ngắn)
Giọng Bắc (tạp văn)
Thay đổi (tạp văn)