Tiền Vệ [TV]: Chúng tôi rất vui mừng khi nghe tin CỬA XUẤT BẢN vừa ấn hành 3 cuốn tiểu thuyết của anh. Xin anh cho độc giả vài thông tin.
Nguyễn Viện [NV]: Thưa anh, đó là các tiểu thuyết:
26 LẦN TỜ BỜ LỜ. Có thể có những ý kiến cho rằng đó chỉ là một tập hợp các truyện ngắn. Tuy nhiên, tôi muốn độc giả đọc nó như một tiểu thuyết gồm 26 chương khác biệt. Qua đó, tôi muốn đề xuất một khái niệm khác cho tiểu thuyết.
EM CÓ GÌ BÍ MẬT, HÃY MAIL CHO ANH là một tiểu thuyết mở. Tiểu thuyết online. Đã từng đăng nhiều kỳ trên Tiền Vệ. Đây cũng là một thể nghiệm mới cho sự tương tác giữa tác giả và độc giả.
CƠN BẤN LOẠN BẰNG PHẲNG gồm hai truyện vừa TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN và ĐI.COM. Một tiểu thuyết phi cấu trúc.
Ba tác phẩm. Ba cách viết khác nhau. Và tôi hy vọng độc giả cảm nhận được nhiều hơn thế.
TV: Trước khi đi sâu hơn vào những cuốn tiểu thuyết này, chúng tôi muốn trở lại từ đầu để tìm hiểu cuộc viết của anh bằng một vài câu hỏi đơn giản. Chẳng hạn, trước hết, xin anh cho biết anh thường sáng tác trong những điều kiện nào?
NV: Tôi viết khá dễ dàng. Tuy nhiên, tôi thường tập trung vào ban đêm, khoảng từ 10 giờ đêm đến 12 giờ đêm mỗi ngày. Viết trực tiếp trên máy vi tính. Và viết ít khi sửa lại. Thường thì không muốn đọc lại. Viết xong rồi thôi. Quên. Để viết tiếp một truyện dở dang, tôi chỉ xem lại mấy dòng cuối mình đã viết gì hôm trước, rồi tiếp tục. Rồi lại quên đi. Tôi không để lại trong đầu cái gì cho ngày hôm sau. Giờ nào việc nấy. Ồ, dẫu sao vẫn phải dành một phần sức lực cho chuyện kiếm cơm.
TV: Anh bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết như thế nào? Phải chăng anh có sẵn những đề tài, rồi trong khi viết anh tạo ra một câu chuyện để khai thác những đề tài ấy? Hay từ đầu anh đã có sẵn một câu chuyện, rồi trong khi anh viết thì câu chuyện ấy nẩy nở và làm gợi lên những đề tài? Hay anh viết từ một cảm hứng, rồi trong khi viết thì mọi sự ngẫu nhiên xảy đến…? Hay mỗi cuốn tiểu thuyết của anh có một cách khởi đầu và diễn biến hoàn toàn khác nhau?
NV: Tôi thường bắt đầu một tác phẩm bằng một chi tiết. Từ chi tiết đó, tôi mường tượng ra câu chuyện. Sau đó thì cứ tự nó run rủi. Tôi không bao giờ biết trước ngày mai tôi sẽ viết gì. Trong số những tác phẩm đã viết, có lẽ chỉ có truyện TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN, tôi viết có mục đích. Đó là tôi muốn nói một lần cuối cùng, nói cho xong, tất cả những suy nghĩ của tôi về lịch sử, cũng như các vấn đề chính trị của đất nước. Và phải mất mấy năm sau khi hoàn tất, tôi mới dám công bố lần đầu trên Talawas, rồi trên Tiền Vệ. Không phải tôi không biết sợ. Vấn đề là tôi đã bước qua được nỗi sợ hãi.
Tại sao lại phải sợ? Đó chính là bi kịch của chúng ta, những người dân sống trong một chế độ toàn trị. Đây cũng là nguồn cảm hứng lớn lao nhất của tôi. Đối diện với cái sợ. Ai làm cho mình sợ? Sợ cái gì? Làm cho người khác sợ, có phải là tội ác? Làm thế nào vượt qua được nỗi sợ?
Tôi cũng không biết một cách chắc chắn, nỗi sợ có phải là nguyên do chính tạo thành văn phong của tôi, hài hước và đểu cáng.
TV: Điều anh thích thú nhất trong lúc viết là gì? Và đó có phải là điều mà anh muốn độc giả lưu ý đến nhất?
NV: Trong lúc viết, tôi thường bất chợt liên tưởng đến một khái niệm, một hình ảnh, một biểu tượng nào đó trong nền văn hoá của mình, và tôi đưa nó thành một chi tiết của truyện. Ví dụ, nói về sự đoan trang, tôi nghĩ đến Thị Màu và tôi “lôi” Thị Màu vào câu chuyện của mình, để cho Thị Màu phát biểu như một nhân vật đồng đẳng với các nhân vật khác. Sự mở rộng các biên độ của truyện luôn làm tôi thích thú. Đặc biệt với các nhân vật như Thị Màu và Thúy Kiều với tính biểu tượng của họ, bên cạnh các nhân vật đáng kính của lịch sử khác tham dự vào câu chuyện của tôi. Sự mở rộng các biên độ này xảy ra trên các lãnh vực khác nhau, từ ý niệm đến ngôn từ, không gian và thời gian, lịch sử và các nhân tố đương đại… Có lẽ đây là sự khác biệt nhất trong văn chương của tôi với các tác giả khác.
Tiền Vệ [TV]: Bây giờ chúng ta hãy trở lại với 3 cuốn tiểu thuyết của anh. Trước hết là cuốn 26 LẦN TỜ BỜ LỜ. Cuốn này trông giống như một tập 26 truyện ngắn, nhưng anh muốn độc giả đọc nó như một tiểu thuyết gồm 26 chương khác biệt. Theo anh, đọc nó như một tiểu thuyết và đọc nó như một tập truyện ngắn thì khác nhau như thế nào? Và độc giả nên đọc các truyện theo thứ tự của bản in, hay có thể đọc theo bất kỳ thứ tự nào? Và, như thế, phải chăng bất kỳ một tập truyện ngắn nào của một tác giả nào cũng có thể được đọc như một cuốn tiểu thuyết?
Nguyễn Viện [NV]: Trong trường hợp của cuốn 26 LẦN TỜ BỜ LỜ, tôi muốn đặt độc giả vào tâm thế của người đọc tiểu thuyết. Và tôi tin là khi anh đọc những truyện ngắn ấy như những chương của một tiểu thuyết, hay nhìn ngắm một góc của tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, sẽ rất khác với khi anh đọc các truyện ngắn hay nhìn ngắm một đồ vật riêng biệt. Chắc chắn, một thành phần của cái toàn thể sẽ rất khác với một cá thể biệt lập, khi chúng ta đọc hoặc nhìn ngắm nó trong mối tương quan toàn thể.
Với 26 LẦN TỜ BỜ LỜ, người đọc có thể đọc từ bất cứ chương nào của những “lần tờ bờ lờ” ấy của tôi để tự tìm cho mình những cường độ cảm xúc khác nhau.
Tuy nhiên, tôi lại không đồng ý khi cho rằng như thế, bất kỳ một tập truyện ngắn nào cũng có thể đọc như một tiểu thuyết. Điều ấy thuộc về ý đồ của tác giả.
Ý của tôi thì quá rõ. Ngay ở phần đầu sách, tôi đã ghi là tiểu thuyết. Hơn nữa, tôi đã đánh số thứ tự cho mỗi “chương”. Và ngay cả chính bản thân cái tựa, tôi đã gọi là “26 lần”. Tất nhiên, phải là 26 lần gì đó. Anh có đoán được 26 lần tờ bờ lờ là 26 lần gì không?
TV: Chắc là anh cũng muốn để độc giả “chơi game”?
NV: Vâng, “tờ bờ lờ” là phát âm của các chữ: t, b, l. Tùy người đọc, họ sẽ cảm nhận được tờ bờ lờ là gì. Có thể là “tôi bông lơn”, “tôi bấn loạn”, “tôi buông lỏng”, “tôi buồn lòng”, “tôi bốc lửa”... hoặc nói kiểu nông dân “tao bán lúa”, kiểu dân chài “tui bóp (bắt) lươn”, hay kiểu chị Thúy Kiều “Tớ bán l...”, ...
TV: Như anh nói, cuốn EM CÓ GÌ BÍ MẬT, HÃY MAIL CHO ANH là một "tiểu thuyết mở". Xin anh diễn giải về khái niệm "mở" trong trường hợp này. "Mở" là gì? "Mở" ở những phương diện nào?
NV: “Mở” trong tiểu thuyết EM CÓ GÌ BÍ MẬT, HÃY MAIL CHO ANH là... không đóng, không định trước câu chuyện, không định trước các nhân vật, không định trước tình huống, bố cục và độ dài ngắn. Là bất cứ lúc nào cũng có thể thêm hoặc chấm dứt một vai trò. Là dành cho sự ngẫu nhiên, tình cờ. Và không đóng cửa với bất cứ bạn đọc nào muốn tham dự vào câu chuyện.
TV: Ngay từ đầu, sự tương tác giữa tác giả và độc giả đã đẩy cuốn EM CÓ GÌ BÍ MẬT, HÃY MAIL CHO ANH vào một hành trình vô định, bất khả đoán. Trông nó giống như một cuộc đấu bóng đang diễn ra — quả bóng vào chân ai thì người ấy có quyền dẫn dắt nó theo hướng của mình — và không ai biết trước diễn biến sẽ như thế nào, lúc nào sẽ có một pha bóng đẹp. Thế nhưng, rốt cuộc thì anh vẫn là tác giả. Cho nên, câu hỏi là: anh đã hoàn toàn để cho sự tương tác giữa tác giả và độc giả diễn ra một cách tự nhiên và bất định, hay anh, với vai trò tác giả, đã ít nhiều "lái" câu chuyện theo hướng mà anh mong muốn? Vì nếu cứ để cho mọi sự diễn ra một cách ngẫu nhiên thì làm thế nào để quyết định một sự kết thúc?
NV: Nếu đọc kỹ tiểu thuyết ấy, bạn đọc sẽ thấy có 2 yếu tố tương tác.
Một đến từ chính bạn đọc với những email thật gửi đến cho tôi. Và tôi đã tôn trọng mọi người và sự cam kết của mình trong một cuộc chơi sòng phẳng. Tất cả các email của bạn đọc đều được giữ nguyên văn và được đối thoại.
Yếu tố tương tác thứ hai là các vấn đề thời sự được cập nhật ngay chính lúc nó đang diễn ra. Tôi đã có cơ hội để phát biểu chính kiến của mình.
Có lẽ nhờ 2 yếu tố sống động đó, câu chuyện đã trở nên hấp dẫn.
Nhưng cuối cùng thì tôi vẫn phải quyết định đến lúc chấm dứt. Tôi không muốn bị trở thành người nói dai và nói dở. Mặc dù, cho đến hôm nay, sau mấy năm, vẫn đôi khi tôi nhận được email của bạn đọc tiếp tục tiết lộ về những bí mật của họ. Một lần nữa, tôi muốn cám ơn mọi người để tôi trở thành một tác giả.
TV: Anh cho rằng cuốn CƠN BẤN LOẠN BẰNG PHẲNG là một tiểu thuyết phi cấu trúc, trong đó có hai truyện vừa TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN và ĐI.COM . Xin anh diễn giải về khái niệm phi cấu trúc ở đây. Liệu ta có thể cho rằng cái cấu trúc của tiểu thuyết này được thể hiện qua việc sắp xếp truyện nào đứng trước? Vì nếu nó thực sự là phi cấu trúc, thì ta có thể đặt cho truyện nào đứng trước cũng được, hoặc độc giả có quyền chọn đọc truyện nào trước cũng được. Phải thế không?
NV: Dù có câu trúc hay không, một cuốn truyện dẫu sao cũng phải bắt đầu từ dòng chữ đầu tiên đến dòng chữ cuối cùng. Qua đó, tác phẩm (câu chuyện) buộc phải đi qua những thứ tự từ trang này đến trang khác. Như thế, không thể không có sự sắp xếp. Vấn đề ở đây là tôi đã xáo trộn thời gian và không gian một cách hoàn toàn bất định về diễn tiến câu chuyện. Và chỉ khi độc giả đọc hết cuốn sách mới có thể sắp xếp lại câu chuyện theo một đường thẳng.
Tại sao phải làm khó độc giả như thế?
Thật ra, tôi không có cách nào khác khi viết hai tác phẩm ấy. Đó là cách diễn đạt tốt nhất để mô tả một trạng huống, một tâm thái, một tâm thức, một bối cảnh xã hội và con người đương đại. Đó là sự đứt khúc văn hoá, sự hỗn độn trong đời sống, sự đứt mạch hệ thống tư tưởng nền tảng, sự mất định hướng trong điều hành của cơ chế chính trị, sự thay đổi các giá trị... Và sự chối bỏ của chính tôi với hệ thống, các định vị và định chế xã hội.
Tôi muốn cho độc giả rơi vào hoàn cảnh không còn bất cứ sự định vị nào. Và khi ấy, bạn đọc có thể đọc bất cứ từ chỗ nào, và chấm dứt ở bất cứ đâu. Cấu trúc tiểu thuyết của tôi chỉ còn là một giả định. Người đọc toàn quyền quyết định cho cái khởi đầu cũng như cho sự kết thúc. Nói thế, giống như một thông điệp. Thì cứ coi cách tôi bố cục cũng là một thông điệp, bên cạnh cái thông điệp của nội dung.
Trong cái hỗn độn của tiểu thuyết phi cấu trúc ấy, tôi tìm được cho mình sự mạch lạc của cái nhất quán về tư tưởng.
TV: Liệu sự kết hợp của hai truyện vừa để tạo thành một cuốn tiểu thuyết hai chương CƠN BẤN LOẠN BẰNG PHẲNG thì có tương tự với sự kết hợp 26 truyện ngắn để tạo thành một cuốn tiểu thuyết 26 chương như cuốn 26 LẦN TỜ BỜ LỜ? Và nếu thế, phải chăng hai cuốn tiểu thuyết này có cấu trúc tổng quát tương tự với nhau?
NV: TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN có thể coi là một tiểu thuyết lịch sử, mặc dù có xen kẽ thời hiện tại với những nhân vật đương đại và phần trao đổi của tác giả với nhân vật Hằng, một người ngoài truyện. Trong khi ĐI.COM lại là một truyện giả tưởng về tương lai, viết ở thời tương lai. Kết hợp cả hai truyện đó, chúng ta có cả 3 thời: quá khứ, hiện tại và tương lai.
TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN là câu chuyện của một dân tộc. Trong khi ĐI.COM đã vươn tới những ưu tư toàn cầu.
Một cách nào đó, cuốn CƠN BẤN LOẠN BẰNG PHẲNG và 26 LẦN TỜ BỜ LỜ có cùng một cấu trúc tổng quát, nhưng hoàn toàn khác nhau về cách viết. Và cũng khác nhau về mức độ và phạm vi suy tưởng.
Tiền Vệ [TV]: Anh cho rằng nỗi sợ có thể là nguyên do chính tạo thành cái văn phong "hài hước và đểu cáng" của anh trong hầu hết tác phẩm của mình. Thế nhưng, thường thì nỗi sợ vẫn khiến người ta viết một cách rụt rè, khúm núm. Trong trường hợp của anh, cái văn phong "hài hước và đểu cáng" phải chăng là một phản ứng để tự trấn áp nỗi sợ, chống lại nó, thách thức nó? Hãy tưởng tượng đến cảm giác của một kẻ đi lạc vào trong một ngôi nhà ma lúc nửa đêm. Thay vì run lập cập, bước không vững, đái trong quần, anh ta huýt sáo, gây tiếng động, chửi thề ầm ĩ lên, và cảm thấy đỡ sợ hơn. Đó có phải là cảm giác của anh? Và ở đây, câu hỏi có thể đi sâu hơn một chút nữa, rằng phải chăng cái văn phong "hài hước và đểu cáng" là phản ứng tự nhiên của anh trước nỗi sợ, hay là sự chọn lựa của anh?
Nguyễn Viện [NV]: Chống lại nỗi sợ hay tự trấn áp nỗi sợ, trong truyền thống dân tộc là những chuyện tiếu lâm mang tính AQ, một biện pháp thắng lợi tinh thần của một dân tộc nhược tiểu.Trong mấy chục năm qua, ở trong nước, không biết đã có bao nhiêu chuyện hài hước thâm độc được nhân dân sáng chế để giễu chế độ cai trị. Tôi không nghĩ phản ứng của mình trước nỗi sợ cũng thuộc về truyền thống đó. Hài hước và đểu cáng là một khả năng không phải ai cũng làm được. Cù mà không cười thì vô duyên lắm. Tôi cũng chẳng anh hùng đến độ dám thách thức nỗi sợ. Nhưng tôi tin rằng mình là người tự trọng. Hài hước và đểu cáng là phản ứng tự nhiên của lòng khinh bỉ.
TV: Đồng thời với anh, một số nhà văn và nhà thơ khác cũng sử dụng những văn phong mang tính giễu nhại, bụi đời, bạt mạng, gây hấn, v.v... Anh có cho rằng đó cũng là những phản ứng hoặc những chọn lựa của họ với mục đích đương đầu với nỗi sợ, hoặc để tạo nên những tiếng nói đối lập với, hay tách rời khỏi, những giọng điệu của thứ văn chương "chính thống"?
NV: Tôi cho rằng tất cả những người viết kiểu giễu nhại, bụi đời, bạt mạng, gây hấn... đều là những phản ứng tích cực nhằm tạo nên những tiếng nói độc lập, không chỉ trong lãnh vực văn chương mà còn là một thái độ chính trị, nhằm xác lập một ý thức sáng tạo tự do và một ý thức công dân tự chủ. Thiếu tự do và tự chủ, không thể trở thành nhà văn.
Tôi cảm thấy vô cùng khôi hài khi các nhà văn quốc doanh trong các đại hội của mình thường phát biểu một cách tha thiết... xin được tự do sáng tác. Và các nhà chính trị cũng vô tư tuyên bố ân xá... “cởi trói” cho văn nghệ. Chưa bao giờ tôi thấy kẻ sĩ lại nhục thế.
TV: Đúng thế, lại còn có những người được thiên hạ tưởng là kẻ sĩ chính hiệu vì có lần dám than phiền lai rai để rồi bị trói suốt bao nhiêu năm, nhưng ngay khi vừa được cởi trói, thì họ vội vàng hí hửng viết lách theo kiểu xu nịnh. Và khi được nhà nước trao giải thưởng cho vài tác phẩm đã đổi chiều hay phi chính trị, thì họ xem đó là vinh dự to lớn, và họ hãnh diện vô cùng vì được quyền lực chính thống công nhận, và họ còn tỉ tê phân bua rằng trước kia họ đã bị hiểu lầm và bị trói oan, vì họ chưa bao giờ chống đối. Vâng, đúng là nhục. Tất nhiên cũng vì nỗi sợ. Nhưng vấn đề là người ta vượt qua nó hay sống với nó bằng cách nào.
Trở lại với nỗi sợ của anh. Vài năm sau khi hoàn tất cuốn tiểu thuyết TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN thì anh mới vượt qua được nỗi sợ để anh có thể công bố tác phẩm ấy trước công chúng độc giả bốn phương. Và từ đó đến nay anh chẳng còn sợ nữa, phải thế không? Và, khi đã hết sợ, phải chăng anh đã (và sẽ) chọn cho mình những văn phong khác, hay anh muốn giữ cái văn phong này dài lâu như một chữ ký cá nhân?
NV: Trong chừng mực nào đó, tôi vẫn còn sợ. Bởi tự do và tự chủ ở Việt Nam nằm trong phạm trù phạm pháp. Bất cứ lúc nào anh cũng có thể bị gán cho cái tội “lợi dụng tự do dân chủ để chống phá nhà nước”. Nhưng đồng thời tự do và tự chủ của công dân cũng không được coi là một khả năng. Hoặc anh chịu sự lãnh đạo của Đảng, hoặc anh bị các thế lực chống phá từ nước ngoài xúi giục.
Ngay khi viết những dòng này, tôi vẫn phải cân nhắc. Bất cứ nhà văn tự do nào cũng cảm thấy mình là kẻ nằm trên thớt. Mỗi lần công bố một tác phẩm hay một bài viết là mỗi lần chần chừ trước nỗi sợ. Tôi chỉ bước qua được nỗi sợ bằng sự tự trọng.
Tôi còn sợ, thì tôi còn hài hước và đểu cáng. Tôi mong một ngày kia tôi có thể viết một cách nhân ái và độ lượng.
TV: Nhìn lại vài năm vừa qua, trong lúc anh liên tục tung lên internet những truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết của anh, anh đã nhận được những tín hiệu gì dội lại từ các thành phần khác nhau trong văn giới và độc giả người Việt Nam trong và ngoài nước? Anh có cảm tưởng gì đối với những tín hiệu ấy?
NV: Một cách chính thức, tôi nhận được 3 lần giải thưởng của Tiền Vệ. Tôi thây đó đây một ít bài viết, một ít lần nhắc tên với một mức độ không đáng kể. Vào Google, search, thấy nhiều mạng văn học đăng lại truyện của mình. Trong chỗ riêng tư, thì sự khen tặng đến hết lời của nhiều giới khác nhau. Nhưng về mặt công luận, tôi vẫn có cảm giác văn chương của tôi gần như đã rơi vào hư vô. Ngoài những lời phê bình của ban biên tập Tiền Vệ về 3 cuốn tiểu thuyết NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG ĐÃ TỚI, TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN, và ĐI.COM, tôi chưa nhận được một lời nhận định nào về tác phẩm của mình từ bất cứ nhà phê bình chuyên nghiệp nào khác. Như thế có thể tạm kết luận, hoặc văn chương của tôi, đối với tuyệt đại đa số các nhà phê bình, là thứ hầu như đáng vất đi, hoặc chính họ bị mù (hoặc hèn).
Tiền Vệ [TV]: Anh nói rất chính xác. Tuyệt đại đa số các nhà phê bình chuyên nghiệp không muốn chạm đến tác phẩm của anh. Một trăm phần trăm các nhà phê bình chuyên nghiệp ở Việt Nam cho đến nay không hề nhắc đến tác phẩm của anh, vì những lý do mà có lẽ anh đã biết quá rõ. Những kẻ quyết tâm phục vụ cho cái xác chết của văn học hiện thực chủ nghĩa thì hiển nhiên thấy rằng tác phẩm của anh là thứ đáng vất đi. Những kẻ hèn thì không dám sờ đến, vì sợ vạ lây. Những kẻ mù thì không hiểu anh đang làm cái trò gì, vì văn chương của anh quá khác lạ đối với cái đuôi con voi mà họ đang cầm trong tay. Những kẻ cơ hội thì chỉ biết reo hò chạy theo những thứ đang bán chạy và “không có vấn đề”. Ở hải ngoại thì giới phê bình chỉ có một nhúm người, và hầu như không mấy ai có điều kiện sống hoàn toàn cho văn chương như những nhà phê bình chuyên nghiệp. Trong nhúm người đó, có người vẫn chưa thoát ra khỏi cái tầm thẩm mỹ thời trước 75 mà họ đã mang theo trong hành trang của họ; có người thì đang mải nghểnh cổ hướng về “trung tâm”; và có lẽ cũng có người muốn viết nhưng, vì sinh kế bận bịu, chưa có đủ thì giờ để viết cho sâu sắc về tác phẩm của anh.
Trong trạng huống này, anh nghĩ gì? Anh đang đi trong một đường hầm tối tăm. Anh đã thấy, hay hy vọng sẽ thấy, thấp thoáng chút ánh sáng cuối đường hầm? Hay anh chỉ thỉnh thoảng thấy chút ánh sáng lọt qua những kẽ nứt dọc theo đường hầm? Anh có cảm thấy mệt mỏi? Hay anh chấp nhận thực trạng và tiếp tục dấn bước trong bóng tối của đường hầm?
Nguyễn Viện [NV]: Đúng như anh nhận xét về hiện trạng các nhà phê bình trong và ngoài nước, nhưng tại sao tôi lại phải mệt mỏi khi các nhà phê bình không viết về mình? Tất nhiên họ quan tâm tới thì vui. Nhưng không có họ thì tôi cũng vẫn là tôi. Tôi tin rằng mình có một lớp độc giả đáng kể đang chia sẻ với mình cái bóng tối của cuộc sống. Và vẫn có những độc giả làm cho tôi cảm thấy mình đang đi giữa ánh sáng. Tôi hoàn toàn tự biết mình là ai. Và tôi cho rằng chính nhà văn mới là kẻ áp đặt được cho một nền văn học, chứ không phải các nhà phê bình, lại càng không phải các nhà chính trị. Bởi thế, đi trong bóng tối hay ánh sáng, lúc này, không phải là vấn đề gì với tôi.
TV: Có một số nhà văn ở hải ngoại cho rằng cuộc sống ở Việt Nam dưới chế độ toàn trị, thiếu ánh sáng và không khí, là cuộc sống bất hạnh, nhưng nó lại có thể là một nguồn chất liệu và đề tài phong phú cho cuộc viết, và làm cho cuộc viết nghiêm trọng hơn và sinh động hơn. Anh có đồng ý không?
NV: Điều này tôi hoàn toàn đồng ý. Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, hình như đã đăng trên Talawas, tôi có nói rằng chưa bao giờ nhà văn trong nước lại có cơ hội tốt như bây giờ, với những chất liệu của cuộc sống quá phong phú, và một sự kích thích mãnh liệt mang tính lịch sử, nhưng với điều kiện là anh không hèn.
TV: Ngoài khát vọng tham dự và đóng góp vào lịch sử của nghệ thuật văn chương, người ta còn có thể có những mục đích khác khi viết văn. Có người viết như một lối thoát tinh thần cho riêng mình. Có người viết để tố cáo những hành động chống lại con người. Có người viết để tìm kiếm những câu trả lời cho những vấn đề của cuộc sống chung. Vân vân. Trong một xã hội khủng hoảng dài lâu và toàn diện, đặc biệt là khủng hoảng về đạo đức, bóp nghẹt sự tự do, nhân phẩm và những quyền căn bản để sống như một Con Người, thì nhà văn thường có nhu cầu thuyết giáo về đạo đức. Thế nhưng, trong tác phẩm của anh không hề có dấu vết của sự thuyết giáo này. Ngược lại, anh liên tục phát hiện và phơi bày những góc khuất của thực trạng đời sống và lịch sử. Anh giải thích thế nào về điều này?
NV: Tôi nghĩ rằng nhiệm vụ thuyết giáo về đạo đức không bao giờ thuộc về nhà văn. Cái mà anh ta cần làm trước hết là nghệ thuật của mình. Trong cái nghệ thuật ấy, người đọc cần nhìn thấy ở anh ta như tâm hồn và lương tri của thời đại mà anh ta đang sống. Bởi thế, nhà văn không thể là kẻ đồng loã với cái đen tối, cái phi nhân tính. Nhà văn phải luôn được coi là tiêu biểu cho sự phản kháng của lương tâm con người trước các thế lực muốn huỷ diệt quyền sống của con người (ít nhất là theo tiêu chuẩn “xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” của Đảng Cộng Sản Việt Nam). Trong một xã hội lành mạnh, sự phản kháng cần được tôn trọng như một yếu tố tích cực. Nhân danh sự ổn định chính trị để tiêu diệt tiếng nói phản kháng chỉ là một hành động chứng tỏ xã hội ấy thiếu văn minh.
Việc anh cho rằng tôi “liên tục phát hiện và phơi bày những góc khuất của thực trạng đời sống và lịch sử”, thật ra cũng không nằm ngoài những điều mà bất cứ nhà văn nào cũng có thể thấy và viết. Sự khiếm khuyết của lịch sử cũng như những vấn nạn của đời sống hiện tại luôn cần được phơi bày như một sự tỉnh thức của trí tuệ và lương tâm trong sáng. Nếu không... thì hết thuốc chữa.
TV: Gần đây, có một số người nêu lên vấn đề “hội nhập giữa những người Việt Nam cầm bút trong nước và bên ngoài”. Thế nhưng, chỉ riêng trong nước đã có sự dị biệt ghê gớm trong quan điểm thẩm mỹ, chính trị, và cả trong nhu cầu và điều kiện sinh tồn, giữa giới cầm bút “chính thống” và “ngoài luồng”, thương mại và phi thương mại, miền Bắc và miền Nam, và giữa các thế hệ khác nhau. Thực ra, chẳng phải ở Việt Nam thì mới có nhiều dòng văn học. Ngay ở các nước tự do, văn chương vẫn luôn luôn có nhiều dòng khác nhau, tồn tại độc lập với nhau và không hề có nhu cầu hội nhập vào một dòng chung nào cả. Như vậy, anh nghĩ thế nào về cái khái niệm “hội nhập” trong văn chương Việt Nam? Liệu có cần hay không cần tạo nên một sự “hội nhập” nào đó? Liệu có thể có một sự “hội nhập” trong văn chương tương đương với một sự “hội nhập” trên bình diện xã hội? Hay “hội nhập” trong văn chương chỉ là một ảo tưởng ngây ngô? Hay “hội nhập”, một cách hình thức, trong lúc này chỉ đáp ứng ý đồ thu giang sơn về một mối của hệ thống quyền lực toàn trị? Xin anh cho biết ý kiến.
NV: Tôi có thể nói ngay rằng, khái niệm hội nhập trong văn chương chỉ là một khái niệm vớ vẩn của những kẻ rỗi hơi hoặc a dua. Nếu cần có bất cứ một sự hội nhập nào giữa các nhà văn trong nước với nhau, giữa các nhà văn trong nước với các nhà văn hải ngoại, chỉ cần một động tác đơn giản và duy nhất: Nhà nước Việt Nam cho tự do xuất bản và phát hành, đồng nghĩa với việc công nhận nền văn học miền Nam trước 1975, cho sách của tất cả các tác giả hải ngoại (không phân biệt chính kiến) được đưa về hoặc in ấn trong nước một cách công khai, ... ngay tức khắc giải quyết được vấn đề hội nhập và hoà giải, không cần phải hội thảo to chuyện hay tuyên truyền mị dân.
Tiền Vệ [TV]: Thử nói thêm một chút về cái gọi là "hội nhập". Anh có bao giờ muốn làm hội viên của Hội Nhà Văn Việt Nam? Và (hãy thử tưởng tượng) nếu anh được mời làm hội viên của Hội Nhà Văn Việt Nam thì anh nghĩ thế nào?
Nguyễn Viện [NV]: Trước đây, tôi đã là hội viên của Hội Nhà Văn thành phố HCM, từ khi còn làm báo Thanh Niên. Nhưng thú thật đến bây giờ thì tôi không tưởng tượng được tôi có thể trở thành hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Với tình trạng của tôi hiện nay, nếu được mời vào hội nhà văn cấp quốc gia, thì cũng giống như Việt Nam có đa đảng vậy. Thế thì phải vui chứ. Tuy nhiên, tôi chán hội hè lắm. Khi còn làm ở báo Thanh Niên, tôi cũng thích “làm quan”, bây giờ tôi giác ngộ cách mạng rồi, làm dân mới “vạn đại”. Vạn đại tất yếu phải oách hơn nhất thời. Mà lại chắc cú nữa.
Vả lại, tôi không phải cốt con cừu.
TV: Anh vừa nêu hai lý do chính khiến anh không thích thú gì lắm với việc trở thành hội viên Hội Nhà Văn: (a) anh “chán hội hè”, và (b) anh “không phải cốt con cừu”. Vậy theo anh, chức năng chính của Hội Nhà Văn là gì? Nó có đóng được vai trò gì đáng kể trong sinh hoạt văn học Việt Nam hiện nay không? Chúng ta có thể chờ đợi được một cái gì từ Hội Nhà Văn hay không?
NV: Có một lần tôi đi dự đại hội Hội Nhà Văn thành phố HCM. Khi bàn về nội qui, tôi thấy họ đưa ra một câu tương tự như điều 4 Hiến pháp: “Tự đặt mình dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Ngay khi ấy tôi đã biết là mình sai rồi. Làm nhà văn mà chịu sự lãnh đạo của bất cứ ai cũng hỏng.
Theo tôi biết, chức năng chính của nhà văn là viết văn. Chức năng chính của Hội Nhà Văn là quản lý những người viết văn. Tất nhiên nó cũng hỗ trợ cho một số người (chỉ một số thôi, tôi nhấn mạnh), thí dụ như cho tiền sáng tác (mà vừa qua đã có người từ chối không nhận, như nhà thơ Ý Nhi), tạo cơ hội cho đi nước ngoài... Tôi có cảm giác đó là chỗ chia chác quyền lợi (với một số người) và với một số người khác thì vào hội cũng như một thứ... “làm quan”. Nói cho công bằng, Hội cũng tạo điều kiện cho một số hội viên sáng tác bằng việc tổ chức các trại sáng tác. Và làm một số việc quan hôn tang tế khác. Nhưng Hội luôn luôn đứng ngoài, đứng im lặng khi hội viên gặp trục trặc trong việc sách không được cho phép xuất bản, hoặc sách bị tịch thu. Nói chung, Hội Nhà Văn Việt Nam mang tính một hội chính trị (thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc) hơn là một hội nghề nghiệp. Như tôi nói, nó nhằm quản lý hơn là nhằm hỗ trợ và bảo vệ các quyền lợi về tự do sáng tạo của nhà văn.
Bởi thế, nhìn chung Hội Nhà Văn trở thành một lực cản hơn là sự thúc đẩy cho cái mới xuất hiện. Cho nên không thể chờ đợi gì ở Hội Nhà Văn, bởi vì nó là một tổ chức của Đảng, do Đảng lãnh đạo, nó tuỳ thuộc vào ý muốn của Đảng chứ không phải ý chí của các nhà văn.
TV: Anh nghĩ gì về Giải Thưởng hàng năm của Hội Nhà Văn Việt Nam? Anh có theo dõi Giải Thưởng ấy không? Anh nhận định thế nào về giá trị của những tác phẩm đoạt giải?
NV: Tôi chưa bao giờ quan tâm tới giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam cũng như các giải thưởng văn chương trong nước khác, bởi 2 cái tiêu chí chấm giải bất di bất dịch là an toàn về nội dung và bảo đảm về vấn đề lý lịch tác giả. Tôi chỉ tiếc là người ta đã tiêu tiền của nhân dân một cách vô ích, cho cả cái hội ấy và các giải thưởng của nó.
TV: Nhưng nếu, giả dụ anh được Hội Nhà Văn trao giải thưởng cho một cuốn tiểu thuyết của anh thì anh có nhận hay không?
NV: Đây là điều không thể xảy ra. Vì theo tôi biết, rút kinh nghiệm từ những người đã từng từ chối nhận giải thưởng, thể lệ qui định tác giả nào muốn nhận giải thưởng của Hội phải gửi đơn xin xét giải cho tác phẩm của mình, hoặc được giới thiệu ứng thí.
TV: Là một tác giả của nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ và kịch bản, chắc hẳn anh đọc nhiều. Anh thường đọc những gì? Anh có thường theo dõi những sự kiện và biến cố văn học ở trong nước và ngoài nước?
NV: Tôi đọc không nhiều. Nhưng thường quan tâm đến những người mới xuất hiện, mong tìm được cái gì khác, mới. Tôi quan tâm và theo dõi tất cả những sự kiện nổi bật không những về văn học mà cả các biến cố chính trị xã hội quan trọng khác, trong và ngoài nước.
TV: Cuối năm 2006, anh đi Mỹ lần đầu tiên và anh đã trải qua những cuộc giao lưu với nhiều người trong văn giới Việt Nam ở hải ngoại. Anh đã có những cảm tưởng gì, đã phát hiện những gì trong chuyến du hành ấy? Và khi anh về lại Việt Nam để tiếp tục sống và viết, anh có suy nghĩ gì khác với trước khi đi, hay vẫn thế?
NV: Tôi đã được gặp khá nhiều anh chị em trong giới. Tất cả đều rất nồng nhiệt và tử tế. Bắt đầu từ Boston với anh Nguyễn Bá Chung, Nguyễn Trọng Khôi, tôi được gặp các anh Chân Phương, Trần Doãn Nho... Tiếc nhất ở Boston là không gặp được Lưu Diệu Vân, mặc dù đã có hẹn. Tiếc thêm một lần nữa khi tôi đến Cali, Vân hẹn sẽ bay qua, nhưng rồi cũng không bay được. Đến New York, tôi gặp được Đỗ Lê Anh Đào, mặc dù bận bịu đang làm phim truyền hình, Anh Đào cũng “tranh thủ” gặp. Tôi cũng gặp được anh Vũ Quang Việt, một “sếp” ở Liên hiệp quốc. Qua anh Việt, tôi tìm được người bạn thân nhất của tôi thời sinh viên. Cảm động nhất là ở Washington DC, các anh Nguyễn Ngọc Bích, Ngô Vương Toại, Trương Vũ, các chị Trương Anh Thụy, Nguyễn Thị Thanh Bình, đặc biệt là vợ chồng Trần Nghi Hoàng – Bích Ti đã dành cho tôi sự đón tiếp quá chu đáo và tận tình. Nhưng vui nhất là khi tôi đến Florida, Hoàng Ngọc-Tuấn từ Úc đang ở Alabama với Hoàng Đình Bình đã sang đón tôi để cùng tụ tập vui chơi, hồn nhiên và quậy tới bến với các anh Nguyễn Xuân Thiệp, Nguyễn Đại Giang, Đinh Trường Chinh, Thận Nhiên, vợ chồng Phạm Chi Lan... Trước khi cùng Hoàng Ngọc-Tuấn và Thận Nhiên đến Nam Cali, tôi qua Texas gặp Ngu Yên, Lương Thư Trung, thày Đặng Phùng Quân và một số anh em văn nghệ khác nữa. Ở Nam Cali, thật tuyệt vời với căn nhà thênh thang của Lê An Thế, với những ngày lang thang cùng Đặng Thơ Thơ, với những buổi cà phê cùng các anh Nguyễn Mộng Giác, Hồ Thành Đức, Nguyễn Đức Quang, MiMi của Vietweekly, Nguyễn Lương Vỵ, Rừng, Phùng Nguyễn,... nhậu với Nguyễn Hương, Cao Xuân Huy, Trịnh Thanh Thủy... Tôi cũng gặp được các “hào kiệt” như Tạ Chí Đại Trường, thày Lê Xuân Khoa của tôi, Võ Phiến, Khánh Trường... Ở Bắc Cali, tôi gặp các anh Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Hữu Liêm, Phạm Việt Cường,... nhưng khó quên nhất là với Lê Thị Thấm Vân, Nguyệt Cầm. Đặc biệt với anh Tư Phương đã cho tôi những ngày đi sâu vào nước Mỹ nhất.
Sở dĩ tôi phải dài dòng kể tên người này người kia vì tôi thật sự muốn tri ân họ. Đấy là người. Còn nước Mỹ như tôi thấy, quá thanh bình, đẹp và giàu. Nhưng tôi cũng cảm thấy nước Mỹ khiêm tốn. Nhận xét này làm Peter, chồng của Nguyệt Cầm ngạc nhiên. Ông ta nói không phải. Nước Mỹ cái gì cũng to, nhưng tôi không thấy nó kệch cỡm. Nếu hỏi tôi có thích ở Mỹ không, thì tôi nói, giả dụ buộc phải lưu vong, tôi thích sống ở... Campuchia hơn. Tôi nói thật đấy. Campuchia bí ẩn và quyến rũ một cách man dại. Trong khi nước Mỹ quá mông mênh hiu quạnh, nhưng bên trong nó lại là sự chật chội của một thứ lề thói sinh hoạt xã hội chính trị rất phong kiến của những người đồng hương. Báo chí (của người Việt) tuy tự do, nhưng nói chung là dở. Về văn chương đã xuất hiện những tên tuổi sáng giá, vượt qua dòng chảy của nền văn học Sài Gòn cũ, nhưng đáng tiếc ngành xuất bản đã đang giãy chết.
Cho nên, tôi vẫn thấy chọn lựa sống trong nước của mình là đúng, không hề hối tiếc khi từ chối ra đi hợp pháp theo diện đoàn tụ trước đây, mặc dù tôi vẫn phải chửi đổng. Nước Mỹ không làm tôi thay đổi suy nghĩ và tôi vẫn viết theo kiểu chửi đổng của mình với cuộc đời chung quanh.
TV: Khi nói báo chí ở hải ngoại nói chung là dở, anh so sánh với cái gì? Ví dụ: với báo Nhân Dân, báo Sài Gòn Giải Phóng hay báo Công An thành phố HCM chăng?
NV: Tất nhiên, tôi không so sánh với 3 tờ báo anh vừa nêu. Tôi đã từng có cơ hội xem một số tờ báo tiếng Việt phát hành ở Mỹ, ở đây ý tôi muốn nói là các báo thời sự chứ không phải tạp chí văn học, tôi thấy khâu biên tập là kém cỏi nhất. Nghĩa là các bài viết đa phần thiếu các chuẩn mực về tu từ, ngữ pháp... Tôi tin rằng, bất cứ ai nghiêm túc, cũng thấy đa phần các báo thời sự của người Việt Nam ở Mỹ không hay bằng báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật Thành Phố... ở Việt Nam. Tất nhiên xin đừng so sánh về mức độ tự do thông tin.
TV : Anh bị mắc cái tật “chửi đổng” ấy từ bao giờ? Dường như những tác phẩm trước đây của anh không có dấu vết của sự “chửi đổng” phải không? Vậy thì nguyên nhân nào làm nẩy sinh ra nó?
NV: Bối cảnh xã hội.
TV: Ở trên, anh nói là ngành xuất bản ở hải ngoại đang giãy chết. Chắc anh căn cứ vào số lượng ấn bản tiêu thụ được trên mỗi đầu sách. Tuy nhiên, ở trong nước, khi chọn CỬA XUẤT BẢN, chắc anh cũng không hy vọng có số lượng ấn bản cao hơn phải không? Vậy thì chuyện in nhiều hay in ít, bán được nhiều hay bán được ít có thật sự quan trọng với anh không?
NV: In nhiều hay in ít với bất cứ một tác giả nào, tôi thiết nghĩ, cũng đều quan trọng, vì nó là một phần của sự thành công. Nhưng với tôi, nó không quan trọng lúc này. Vì CỬA XUẤT BẢN không thể in nhiều sách của tôi trong tình trạng nó không được phép phát hành một cách chính thức. Bởi thế, điều quan trọng nhất là các tác phẩm ấy đã thể hiện được một ý chí hiện diện, chứ không phải mục đích thương mại.
Tiền Vệ [TV]: Nhìn lại tiểu thuyết Việt Nam, kể cả trước 75, sau 75, miền Nam, miền Bắc, trong và ngoài nước, anh có những suy nghĩ gì?
Nguyễn Viện [NV]: Nước Việt Nam nhỏ, cái gì cũng nhỏ. Tất nhiên cũng sẽ có người cãi. Tôi mong mọi điều tôi nói ra được hiểu là phát biểu cá nhân. Tôi không nói thay cho cho ai. Không nhân danh cái gì.
Riêng về lãnh vực ngôn ngữ, số vốn từ vựng của Việt Nam cũng không nhiều, đặc biệt trong các chuyên ngành như triết học, khoa học... Có những khái niệm mà chúng ta hoàn toàn chưa có từ vựng để diễn tả. Tôi cũng để ý thấy, một nền kinh tế lớn thường đi đôi với một nền văn hoá lớn. Mà chúng ta vẫn còn là một nước nghèo... từ khi lập quốc đến giờ. Hơn nữa, lịch sử tiểu thuyết Việt Nam cũng còn khá mới mẻ.
Thế thì, phải chờ thôi.
TV: Trước đây, anh có nghiên cứu về những ảnh hưởng đáng kể của thơ Việt Nam hải ngoại đối với thế hệ các nhà thơ trẻ ở Sài Gòn. Song song với điều ấy, anh thấy các thể loại khác, như truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận phê bình văn học của văn giới Việt Nam hải ngoại có tạo ra những ảnh hưởng gì đáng kể đối với người viết trong nước hay không?
NV: Dù muốn hay không muốn, chữ nghĩa của người viết sau ít nhiều có bóng của chữ nghĩa người đi trước. Giữa hải ngoại và trong nước, sự ảnh hưởng nói chung, theo tôi là văn giới trong nước được tiếp nhận từ hải ngoại cái kích thích tố của tự do hơn là ảnh hưởng trực tiếp từ một tác giả cụ thể nào. Những Hợp Lưu, Văn Học, Văn (Mỹ), Việt (Úc)... và sau này là Tiền Vệ, Talawas, Da Màu đã tạo đất cho cây trái văn chương trong nước nảy nở và phát triển.
Sách báo, website trong nước đã tự đóng cửa chính mình.
TV: Nhìn lại hành trình sáng tác của chính mình, anh tự thấy anh đã nhận những ảnh hưởng nào (từ văn chương Việt Nam và thế giới) trong ý thức thẩm mỹ và kỹ thuật viết, và anh đã "phùng tổ sát tổ" đối với những ảnh hưởng nào để trải qua những chặng thay đổi bút pháp?
NV: Văn chương của tôi có một bước ngoặt. Về bối cảnh cuộc sống, sau khi nghỉ làm ở báo Thanh Niên cuối năm 2001, tôi thấy mình thoát khỏi mọi hệ lụy. Tôi thật sự cảm thấy tự do. Và tôi đã viết như tôi cảm thấy đó là cách tốt nhất (như đã trả lời ở phần đầu). Vì trong giai đoạn đó tôi hoàn toàn không có cơ hội để thấy và xem bất cứ sách báo nào từ nước ngoài. Nhân đây tôi cũng xin cám ơn Hợp Lưu, Tiền Vệ, là những nơi đã phổ biến tác phẩm của tôi đầu tiên ở ngoài Việt Nam. Mặc dù, việc một tác phẩm (đầu tiên) của tôi đăng trên Hợp Lưu đã trực tiếp dẫn đến việc tôi phải nghỉ làm ở báo Thanh Niên. Một cách nào đó, cũng có thể nói đó là bước quyết định khiến tôi trở thành nhà văn như bây giờ. Sau này, tình cờ, tôi thấy có một người viết trước tôi, đó là Nguyễn Hương (ở Mỹ), có cách viết rất giống tôi trong cấu trúc như các truyện TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN và ĐI.COM . Cũng sau này, tôi nghe nói (hình như đã đăng trên Tiền Vệ) về một tác giả nước ngoài viết cách đây cả trăm năm, cũng đã có cách viết “lộn xộn” như vậy.
Sự tình cờ, cũng như nhiều người nói tôi viết theo lối hậu hiện đại. Mà thật ra, khi viết, tôi đã có biết gì về hậu hiện đại đâu. Và cho đến bây giờ, tôi cũng không quan tâm mình có thật sự hậu hiện đại hay không. Tôi chỉ nghĩ mình cần phải viết như một nhu cầu nội tại rằng: đó là cái cách thích hợp nhất.
Về các chuyển biến để lại trên tác phẩm, có thể nói tiểu thuyết THỜI CỦA NHỮNG TIÊN TRI GIẢ (hoàn tất năm 1999) là bước trung chuyển trong quá trình viết lách của tôi từ cái cũ sang cái tôi bây giờ.
Những tác phẩm đã từng để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi lại là những tác phẩm hết sức nghiêm trang như: Milarepa, con người siêu việt (Tây Tạng), Nhà sư vướng lụy (Nhật Bản, Bùi Giáng dịch), Một thoáng nàng (Holderlin).
TV: Anh tiên đoán thế nào về tương lai của văn chương Việt Nam trong vòng 10 năm tới, và liệu những gì sẽ xảy ra có giống với những hình ảnh trong mơ ước của anh không? Anh có hy vọng gì không?
NV: Tôi cũng mới trả lời phỏng vấn cho Da Màu một câu hỏi tương tự, nhưng là “33 năm nữa, văn chương Việt Nam sẽ như thế nào?” Tôi nói rằng lúc ấy, văn chương sến sẽ rực rỡ thay thế cho nền văn học cách mạng. Nhưng thật ra, nền văn học cách mạng đã đang chết từ bây giờ rồi. Những thay đổi trong lịch sử nói chung thường đi từ thái cực này sang thái cực khác, trước khi đến ngày văn học sến đăng quang, trong vòng 10 năm nữa, văn học Việt Nam sẽ có bộ mặt của người lưỡng tính.
Ảnh: 3 cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Viện.
(Theo Tiền Vệ)TV