Đây là 3 buổi giao lưu được lên kế hoạch từ trước, một số buổi khác cũng đã được Linda Lê nhận lời và diễn ra. Để hiểu phần nào về nữ văn sĩ này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với dịch giả Nguyễn Khánh Long, người đảm trách việc chuyển ngữ.
Dịch giả Nguyễn Khánh Long
* Tôi được biết ông dịch tác phẩm của Linda Lê trước khi có nơi yêu cầu hay đặt hàng. Vậy xin hỏi, ông “bắt gặp” Linda Lê trong trường hợp nào, và tại sao ông lại quyết định dịch?
- Tôi “khám phá”Linda Lê vào năm 1997, mặc dầu Linda Lê đã thành danh từ năm 1992. Lý do là tôi không đủ thì giờ đọc các tác giả đương đại, tôi tìm đọc các tác phẩm cổ điển nhiều hơn. Tình cờ đọc trên báo Le Monde một bài ca ngợi cuốn Les Trois Parques, tôi đi mua cuốn sách này. Mới đọc vài trang đầu tôi đã bị chinh phục tức khắc và bật kêu (tôi còn nhớ rõ): “Đây là một kiệt tác”. Tôi tìm đọc các tác phẩm khác của Linda Lê, và rồi tôi có ý nghĩ rằng nếu độc giả Việt Nam không biết các tác phẩm này, thì quả là thiệt thòi - tôi bị ám ảnh về điều đó. Thế rồi, tôi nảy tham vọng dịch tất cả các tác phẩm của Linda Lê.
Tôi không dịch ngay cuốn Les Trois Parques, mặc dầu đây vẫn là cuốn tôi mê thích nhất, mà chọn cuốn Calomnies (Vu khống) để bắt đầu, vì tương đối dễ dịch hơn. Tôi mất cả một năm (2001) mới dịch xong và gửi bản thảo cho Linda Lê. Vào tháng 5/2002, tôi được gặp Linda Lê tại Montréal (Canada) và được Linda Lê đồng ý để tôi tìm cách xuất bản tại Việt Nam. Tuy nhiên hai nhà xuất bản mà tôi liên lạc được, một tại TP.HCM, một tại Hà Nội, đều từ chối với lý do sách khó hiểu, chắc chắn không thể bán được.
Lại chơi với lửa do Nguyễn Khánh Long dịch
Mãi đến năm 2008, tôi được quen biết một người bạn trẻ qua anh Nguyễn Tiến Văn, và anh ấy đã chuyển bản dịch của tôi đến Cao Việt Dũng. Sao khi xem xong, anh Cao Việt Dũng đồng ý xuất bản Vu khống và tập sách đã ra mắt độc giả Việt Nam năm 2009. Anh ấy còn khuyến khích tôi tiếp tục dịch Linda Lê, và thế là Lại chơi với lửa được xuất bản năm nay, đúng dịp Linda Lê về thăm Việt Nam.
* Hai tác phẩm mà ông đã dịch đã là tiêu biểu của nữ văn sĩ này chưa? Đặc điểm của phong cách văn chương Linda Lê theo ông cảm nhận là gì?
- Tôi nghĩ rằng tác phẩm nào của Linda Lê cũng đều “là tiêu biểu của nữ văn sĩ này”. Về “phong cách văn chương”, tôi không phải là nhà phê bình văn học nên chỉ muốn nói vắn tắt từ cảm nhận cá nhân. Vậy thì, với tôi, phong cách của Linda Lê không nên đem so sánh với các nhà văn khác. Sự độc đáo đó trước hết nằm trong sự sử dụng tuyệt vời ngôn ngữ Pháp, cộng với, tôi dám nói là di sản văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Sau nữa, đó là cái nhìn của Linda Lê về kiếp nhân sinh. Và tất cả đòi hỏi người đọc “đặt lại vấn đề” về chính bản thân mình. Đọc Linda Lê, khi nắm được những gì gửi gắm trong từng từ, từng câu, phải nói đó quả là một niềm hoan lạc, dẫu cho tác phẩm nói lên những nỗi bi quan. Như lời một độc giả Pháp, đọc Linda Lê là một “lecture ardue, mais magique” (đọc rất khó khăn, nhưng thần diệu).
* Linda Lê từng phát biểu về tiếng Pháp: “Ecrire dans une langue qui n'est pas la sienne, c'est fair l'amour avec un cadavre” (tạm dịch: Viết trong một ngôn ngữ không phải của mình, chẳng khác gì làm tình với một thây ma). Thách thức lớn nhất trong việc dịch đối với ông là gì?
- Thách thức lớn nhất trong việc dịch Linda Lê là tìm được những cách diễn tả (gần) tương đồng trong tiếng Việt và đồng thời tôn trọng tiết nhịp mỗi câu văn. Tôi nói “gần” vì nghĩ đến cuốn Dire Presque La Même Chose (Nói gần như cùng một điều) của nhà văn Umberto Eco (Italia) về dịch thuật. Linda Lê sử dụng cả những từ cổ ít ai còn nói ở Pháp, đôi khi tạo ra những từ mới, chơi chữ, dùng nhiều từ khác nhau, với những tinh tế khác nhau, để cùng diễn đạt một ý, đưa vào tiếng Pháp lối văn biền ngẫu của phương Đông...
Ngoài ra, Linda Lê, với cái vốn văn hóa rộng lớn của mình, gợi lên rất nhiều điển tích, huyền thoại của các nền văn hóa lớn của nhân loại, cho nên tôi đã cố gắng chú thích để các độc giả ít quen thuộc với văn hóa phương Tây hiểu ngay.
Vu khống do Nguyễn Khánh Long dịch
* Nhận xét về văn phong Linda Lê, trong bài Viết và chết, Nhị Linh nhận xét: “Văn bản chằng chịt phức tạp và luôn luôn căng thẳng cao độ của nhà văn Pháp gốc Việt dường như lúc nào cũng trực chỉ hai điều: cuộc sống này là điên rồ, và cách thể hiện sự điên rồ ấy nên thông qua các ngụ ngôn chính trị. Chính trị trong tác phẩm của Linda Lê không nằm ở phân tích chính sách xã hội hay phê phán các nhà chính trị, mà là thứ đổ ụp xuống đầu mỗi cá thể, toàn diện, không có loại trừ, không thể chống đỡ, một thân phận mà con người phải chịu đựng, không bao giờ tách rời được khỏi điều kiện chính trị. Nhưng ở mức độ nền tảng hơn cả, hai chủ đề chưa bao giờ thôi ám ảnh tiểu thuyết, truyện ngắn và cả tiểu luận của Linda Lê, thường xuyên xuất hiện mạnh mẽ và tràn ngập, chi phối mọi chủ đề khác, là: viết, và chết”. Trong vai trò người chuyển ngữ, ông có nghĩ tác phẩm của Linda Lê sẽ kén chọn độc giả tại Việt Nam, bởi nó quá dị biệt?
- Tác phẩm của Linda Lê ở đâu cũng kén chọn độc giả, dù ở Pháp hay ở bất cứ nước nào đã dịch Linda Lê, vì vừa khó vừa đòi hỏi người đọc, như tôi đã nói ở trên, “đặt lại vấn đề” về chính bản thân mình.
Tôi nghĩ Linda Lê luôn luôn đẩy xa con đường mình đã chọn và dành cho người đọc những bất ngờ, như cuốn mới nhất của cô, Cronos. Phần tôi, tôi đã bắt đầu dịch cuốn Les Trois Parques, nhưng vì lý do sức khỏe nên chưa biết bao giờ dịch xong.
Ghi chú 1:
Nguyễn Khánh Long sinh tại Hà Nội, vào Nam năm 1954, hiện sống tại Montréal, Canada. Ngoài hai tác phẩm của Linda Lê, ông đã dịch tiểu thuyết The Embassy House (Phụng hoàng) của nhà văn Mỹ Nicholas Proffitt; dịch Vietnam, Parcours D’une Nation (Việt Nam, hành trình một dân tộc) của Philippe Papin.
Ghi chú 2:
Tác phẩm đầu tiên của Linda Lê được giới thiệu tại Việt Nam có tên Tình ca ác quỷ, do Trương Minh Hiển dịch, NXB Long An ấn hành tháng 4/1989. Nguyên tác Un Si Tendre Vampire do NXB La Table Ronde ấn hành tại Paris tháng 2/1987.
Lý Đợi (thực hiện)